Hệ thống tri thức bản địa trong quản lý tài nguyên thiên nhiên có thể là chìa khóa thúc đẩy bền vững sinh thái và đa dạng văn hóa. Bài viết này phân tích ảnh hưởng của tri thức bản địa đến hệ thống cảnh quan ruộng bậc thang thông qua quản lý tài nguyên thiên nhiên tại bản Kin Chu Phìn, xã Nậm Pung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Dựa trên phương pháp phỏng vấn bán cấu trúc, kết hợp với khảo sát thực địa và lập mô hình không gian, kết quả cho thấy: 1) Tri thức bản địa được tạo ra và áp dụng vào sinh kế thông qua các kỹ thuật canh tác lúa nước truyền thống, bao gồm các kiến thức quản lý tài nguyên rừng, nguồn nước và đất nông nghiệp; 2) Tri thức bản địa đã định hình nên hệ thống ruộng bậc thang – tạo nên sự đa dạng về không gian cảnh quan; 3) Tri thức bản địa tiếp tục được kế thừa và phát huy cho thế hệ sau nhằm duy trì bền vững sinh thái và bản sắc văn hóa. Dựa trên cơ sở này, bài viết thảo luận về vai trò của tri thức bản địa trong quản lý tài nguyên thiên nhiên và đề xuất một số chính sách nhằm phát triển bền vững hệ thống cảnh quan nông nghiệp vùng cao.

Bản đồ địa hình của thôn Kin Chu Phìn trong địa phận xã Nậm Pung

Tri thức bản địa phản ánh kinh nghiệm và đại diện cho các kiến thức thực tế mà con người tích lũy được từ hàng trăm năm trong quá trình tương tác với tự nhiên. Tại vùng núi cao Tây Bắc, đồng bào các dân tộc vùng cao đã hình thành nên những phương thức sản xuất và lối sống độc đáo, phù hợp với điều kiện môi trường và văn hóa bản địa. Qua thời gian, tri thức bản địa cung cấp những hiểu biết sâu sắc về quy luật tự nhiên và văn hóa; có ý nghĩa đặc biệt trong duy trì đa dạng sinh học, dịch vụ hệ sinh thái và ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngày nay, cộng đồng các dân tộc miền núi đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có vì toàn cầu hóa, đô thị hóa và mở rộng du lịch; tuy nhiên, tri thức bản địa có thể là chìa khóa hòa giải giữa các nhu cầu phát triển, gìn giữ văn hóa và bảo tồn sinh thái.

Trong một số trường hợp, tri thức bản địa góp phần quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Đặc biệt, tại một số vùng núi xa xôi, nơi giao thông cô lập, tài nguyên đất đai hạn chế, địa hình dốc và thiên tai xảy ra thường xuyên, tri thức bản địa có thể tạo điều kiện thuận lợi để quản lý bền vững môi trường, hạn chế rủi ro và giảm áp lực sinh tồn cho cộng đồng. Cụ thể, bằng cách liên tục tương tác, thay đổi và thích ứng với môi trường theo các hướng dẫn (hoặc thói quen) từ tri thức bản địa và quá trình quản lý tài nguyên thiên nhiên, nhiều cảnh quan bản địa bền vững dần được định hình và phát triển. Trong đời sống văn hóa tinh thần, cảnh quan bản địa được coi là nền tảng của không gian văn hóa, cũng là một trong những yếu tố quan trọng nhất của văn hóa bản địa và do đó luôn được coi là đối tượng quan trọng trong bảo vệ di sản.

Nhiều nghiên cứu đã làm rõ mối liên hệ giữa tri thức bản địa, quản lý tài nguyên thiên nhiên và cảnh quan bản địa, đồng thời chỉ ra rằng việc quản lý tài nguyên thiên nhiên diễn ra liên tục và mang tính thích ứng trong quá trình hình thành cảnh quan. Do đó, việc tập trung vào chi tiết hóa các quá trình không gian, mối liên hệ chính giữa tri thức bản địa, quản lý tài nguyên thiên nhiên và cảnh quan là rất quan trọng. Tại thôn Kin Chu Phìn, hàng trăm năm thực hành quản lý tài nguyên thiên nhiên đã hình thành một bề dày vững chắc về tri thức bản địa. Thực hành quản lý tài nguyên thiên nhiên tại đây được đồng bộ hóa và định hướng rõ ràng, phản ánh trong bố cục không gian của cảnh quan nông nghiệp. Bài viết cũng hi vọng góp phần bổ sung kiến thức và tài liệu trong lĩnh vực quản lý hiệu quả tài nguyên thiên nhiên vùng cao.

Lộ trình nghiên cứu về tri thức bản địa tại thôn Kin Chu Phìn

Khát quát vị trí khu vực và lộ trình nghiên cứu

1. Khái quát khu vực nghiên cứu:

Thôn Kin Chu Phìn là trung tâm ruộng bậc thang của xã Nậm Pung – huyện Bát Xát – tỉnh Lào Cai, cách thị xã Sa Pa khoảng 30 km về hướng Bắc. Khu vực này được bao bọc xung quanh bởi núi cao với độ cao trung bình trên 1200 m, lượng mưa hàng năm trên 1100 mm. Địa hình của Kin Chu Phìn có cao độ thay đổi liên tục, toàn bộ lưu lượng nước được chảy qua các con suối nhỏ và ruộng bậc thang, sau đó đổ vào dòng suối chính Nậm Pung. Địa hình chia cắt mạnh mẽ kết hợp với nhiều khe suối nhỏ từ núi cao đã hình thành nên cảnh quan với nhiều thung lũng hẹp. Khu vực có khí hậu cận nhiệt đới với nhiệt độ trung bình 220C, thời tiết mát mẻ quanh năm, kết hợp nguồn nước dồi dào khiến rừng rậm phát triển mạnh mẽ.

Đặc điểm địa chất và nguồn nước ngầm độc đáo của Kin Chu Phìn đã tạo điều kiện thuận lợi cho canh tác lúa quy mô lớn. Người bản địa tại đây chủ yếu là người Hà Nhì và người Dao đã cư ngụ ở đây hàng trăm năm. Người địa phương đã vận dụng kiến thức bản địa để tạo ra một hệ thống nông nghiệp sinh thái kết hợp “trồng lúa – nuôi cá – chăn thả gia cầm” độc đáo và hiệu quả. Họ trồng lúa trên ruộng bậc thang, nuôi cá trong bể nhân tạo và chăn thả gia cầm trên các dòng chảy động từ khe suối. Nhờ những hiểu biết về thực hành sinh thái, kết hợp với các giá trị văn hóa độc đáo, khu vực này đã trở thành một hệ thống canh tác ruộng bậc thang độc đáo. Những ngôi nhà trình tường bằng đất, mái ngói hoặc cỏ khô nằm trên sườn đồi, phân tán trong thung lũng của các ruộng bậc thang đã tạo thành bản sắc cảnh quan nơi đây.

2. Lộ trình nghiên cứu

Bài viết thực hiện các phương pháp nghiên cứu khác nhau gồm: Phỏng vấn bán cấu trúc, khảo sát thực địa và lập mô hình không gian. Dựa trên đánh giá tài liệu và thông tin thu thập tin cậy từ địa phương, chúng tôi đã tiến hành các nghiên cứu thực địa tại Kin Chu Phìn: Tháng 3/2022 chúng tôi đến thăm một số nhà dân để tiến hành khảo sát ban đầu và lên ý tưởng cho nghiên cứu; tiếp đến, chúng tôi phác thảo mô hình không gian tại một số địa điểm quan trọng, sau đó tiến hành các khảo sát về sử dụng đất và hoàn thành các cuộc phỏng vấn bán cấu trúc trong tháng 5/2022; và cuối cùng, chúng tôi tiếp xúc với các cán bộ xã để tìm hiểu sâu hơn về tập quán và văn hóa bản địa vào tháng 7/2022. Đối tượng phỏng vấn là đại diện của người dân trong thôn, với các chức vụ khác nhau bao gồm người trung niên, người già, cán bộ về hưu, cán bộ xã và sinh viên trẻ. Nghiên cứu thực địa được tích hợp với công tác lập mô hình không gian nhằm đạt được ba mục tiêu: Thứ nhất, tóm tắt tri thức bản địa của người bản địa, tập trung vào cách họ tạo dựng nơi trốn và quản lý tài nguyên thiên nhiên; thứ hai, xác định sự phân bố của không gian làng mạc và các mô hình không gian nông nghiệp chính; thứ ba, khám phá những ảnh hưởng của tri thức bản địa đến nhận thức của người dân qua các thế hệ. Lộ trình nghiên cứu được thể hiện trong hình phía trên.

Hệ thống tri thức bản địa trong quản lý tài nguyên thiên nhiên

Vai trò của tri thức bản địa trong quản lý tài nguyên thiên nhiên, các quan điểm về mô hình cảnh quan, sự kế thừa của tri thức bản địa, hay nhận thức về việc tài nguyên đó đã hoặc sẽ bị ảnh hưởng bởi nhu cầu phát triển (bao gồm cả du lịch) như thế nào là việc làm rất cần thiết. Người dân bản địa cho rằng tính toàn vẹn của núi rừng và sự ổn định của ruộng bậc thang là nguyên tắc mấu chốt để bảo vệ hệ sinh thái. tri thức bản địa và các kỹ thuật quản lý tài nguyên thiên nhiên có xu hướng coi tổng thể cảnh quan không chỉ đơn thuần là một tập hợp riêng lẻ, mà là một hệ thống toàn vẹn có thể cùng tồn tại và phát triển bền vững. Một người dân giải thích rằng: “Rừng, bản, ruộng bậc thang, thung lũng là một hệ thống tổng thể hợp nhất. Tổ tiên của chúng tôi đã giữ gìn chúng và chúng tôi sẽ không tách rời chúng ra”.

Ruộng bậc thang được xây dựng theo cấu trúc của sườn đồi

1. Tri thức bản địa trong quản lý ruộng bậc thang

Tại Kin Chu Phìn, gạo thu hoạch từ ruộng bậc thang là nguồn lương thực quan trọng hàng đầu của người dân địa phương, trồng lúa không chỉ vì sinh kế mà còn là nền tảng cho cấu trúc xã hội và đời sống văn hóa. Tuy nhiên, để phát triển và duy trì các ruộng bậc thang, người dân bản địa phải cân nhắc nhiều vấn đề. Theo người dân, ruộng bậc thang tốt nhất phải là nơi có đầy đủ ánh nắng và nước tưới, việc đào đắp xây dựng ruộng bậc thang phải tuân theo hình dạng của sườn núi và nhất thiết không được phá vỡ cấu trúc này. Kích thước và hình dạng của ruộng bậc thang được xác định bởi độ dốc của sườn núi, tính ổn định của đất trong mùa mưa và khả năng tích trữ nước vào mùa khô (Hình 3). Vị trí thuận lợi canh tác hay thu hoạch cũng là một tiêu chí. Việc duy trì các ruộng bậc thang cũng rất quan trọng trong việc ngăn ngừa thiên tai, đặc biệt là sạt lở và lũ quét; ruộng bậc thang nếu không được canh tác hàng năm sẽ dễ bị sạt lở, đồng thời có thể tạo ra các dòng chảy làm xói mòn sườn dốc. Giống lúa rất quan trọng đối với canh tác địa phương, mặc dù họ đã sử dụng một số giống lúa nhập ngoại, nhưng các gia đình vẫn ý thức được việc lưu trữ một số giống lúa truyền thống. Phổ biến nhất là loại lúa nếp nương có khả năng thích ứng sinh thái mạnh, sức đề kháng và năng suất cao, hương vị đặc trưng. Người dân cho biết mỗi loại gạo có hương vị và năng suất khác nhau nhưng gạo truyền thống vẫn được ưa chuộng hơn. Do đó, một tập hợp các kỹ thuật nông nghiệp độc đáo như trồng, thu hoạch, phơi khô, lưu trữ và xay sát đã được tạo ra và trở thành một phần quan trọng của tri thức bản địa.

2. Tri thức bản địa trong bảo vệ sườn dốc

Tri thức bản địa cho thấy ruộng bậc thang tại Kin Chu Phìn là một phần của hệ thống núi đồi, ruộng có thể bao quanh các sườn dốc nhưng không được ảnh hưởng đến sự luân chuyển của dòng chảy tự nhiên. Tác động vào sườn dốc cần tuân thủ theo hình dạng của ngọn núi thay vì phá vỡ hình dáng tự nhiên, việc đào và đắp cần cân bằng để tránh tổn hại bề mặt. Sườn dốc được lựa chọn phải có lớp đất dày, tơi xốp và người dân sẽ cải tạo các sườn dốc thành các bậc thang, nhất thiết phải để lại chỗ cho rừng nếu chỗ canh tác gần rừng, ruộng sẽ được gia cố bờ bằng đá hoặc đất, sau đó có thể trồng thêm cỏ để tăng thêm sự ổn định. Vào mùa mưa, hiện tượng sạt lở rất dễ xảy ra, để cải tạo sườn dốc ngăn ngừa sạt lở đất, cộng đồng địa phương rất chú trọng về điều kiện đất đai và độ mẫn cảm của địa hình (ví dụ, tính chất đất, khả năng xói mòn, lựa chọn cây trồng) để tiến hành các hoạt động cải tạo, xây dựng và canh tác nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu thiên tai. Từ đó, tri thức bản địa cho phép việc xây dựng nhà cửa, vườn cây, cải tạo ruộng nương không phá hủy cảnh quan, nhờ đó ruộng bậc thang và thôn bản trở thành một phần của hệ thống cảnh quan, chứ không phải là một nhân tố áp đặt lên hệ sinh thái.

3. Tri thức bản địa trong bảo vệ rừng già

Người bản địa ở thung lũng Kin Chu Phìn đã phát triển một hệ thống tín ngưỡng thờ cúng thần núi và thần rừng trong suốt quá trình sinh sống và định cư của họ. Đối với họ, khu rừng già được coi là nơi linh thiêng nên việc khai thác gỗ và săn bắn thường bị nghiêm cấm. Họ tin rằng lệnh cấm này đảm bảo niềm tin cho sự bền vững lâu dài của ngôi làng. Các kỹ thuật quản lý lâm nghiệp địa phương cũng liên quan chặt chẽ đến tín ngưỡng tôn giáo và được quản lý thông qua các hương ước của làng. Họ cho rằng: “Rừng trên núi là của tất cả mọi người” và dân làng cùng nhau đảm bảo rằng mọi người chỉ lấy những gì họ cần. Việc chặt quá nhiều cây không chỉ ảnh hưởng đến sinh thái mà còn khiến các vị thần tức giận. Cán bộ địa phương ở đây nhận định rằng người dân địa phương rất đoàn kết và kiến thức truyền thống đã tạo ra một môi trường sống ôn hòa và bền vững. Sự tôn kính đối với các vị thần thôi thúc người dân tham gia vào việc bảo tồn sinh thái và là cơ sở cho nhiều hương ước bảo vệ rừng. Do chính quyền thôn bản quy định rằng chủ ruộng phải duy trì khoảng cách nhất định giữa ruộng và rừng, cần để lại những cây cao không ảnh hưởng đến lượng ánh sáng mặt trời dành cho canh tác. Ngoài ra còn có các quy tắc liên quan đến việc chặt cây lấy củi. Ví dụ, khi lấy củi, chỉ được chặt một số loại cây nhỏ không có ích, không chặt cây to hay những cây được trồng theo kế hoạch. Tại Kin Chu Phìn, người Hà Nhì có tập quán làm nhà bằng tường đất và lợp ngói hoặc cỏ tranh nên việc sử dụng gỗ cũng giảm thiểu đáng kể.

4. Tri thức bản địa trong quản lý nguồn nước

Các dãy núi cao chót vót xung quanh thường xuyên bị bao phủ bởi sương mù, mang lại lượng mưa dồi dào cho thung lũng. Một phần nước mưa thấm vào lòng đất trong các khu rừng và tạo thành nguồn cung cấp nước dồi dào cho dân bản. Tuy nhiên, lượng nước này khó giữ lại trong điều kiện tự nhiên và có thể làm gia tăng nguy cơ lũ lớn. Dân làng sử dụng đá để tạo thành các đập ngăn dòng chảy của nước hoặc họ xây các máng bê tông để gom nước dư. Phương pháp này điều chỉnh tốc độ của dòng nước, tạo thành một số dòng chảy cố định hoặc tạo ra các ao nhỏ tương đối nông, làm nơi cư trú cho cá và vịt. Các đập ngăn cũng giữ lại một lượng nước nhất định, giúp ngăn chặn tình trạng khô hạn trong mùa khô. Người dân bản địa coi nguồn nước trên núi là tài sản vô giá cho đời sống và hệ sinh thái. Tri thức bản địa trong quản lý nguồn nước thể hiện trong việc sử dụng hiệu quả nguồn nước cho các nhu cầu tưới tiêu, sinh hoạt và nuôi trồng. Người dân bản địa điều hướng dòng nước bằng kênh (gồm kênh máng gỗ), rãnh đào và ống dẫn, sau đó nước được dẫn vào các ruộng bậc thang hoặc đưa vào các thôn bản tạo thành mạng lưới cung cấp nước đa chiều (Hình 6). Các đầu nước vào và ra cũng được kiểm soát ở ruộng phía trên và phía dưới, tận dụng chênh lệch cao độ để thực hiện tưới tiêu tự động. Tại Kin Chu Phìn, nguồn nước dồi dào và tinh khiết không chỉ phục vụ tưới tiêu và sinh hoạt, nguồn nước lạnh từ núi cao còn giúp họ phát triển các mô hình nuôi cá (cá hồi và cá tầm). Người dân đều hiểu sự cần thiết phải gìn giữ nguồn nước và cam kết cùng nhau đảm bảo nguồn cung đầy đủ cho thế hệ sau.

Nhân thức về không gian và sự kế thừa của TTBĐ qua các thế hệ

1. Tri thức bản địa trong tổ chức không gian thôn bản

Tri thức bản địa là một hình thức đặc biệt của kiến thức sinh thái, là cách mà con người tương tác với thiên nhiên dựa trên kiến thức hiểu biết về thiên nhiên. Tri thức bản địa được hình thành từ kinh nghiệm qua nhiều thế hệ và là phương pháp tạo ra những lợi ích thực tế và lâu dài trong tạo dựng môi trường và cảnh quan. Tri thức bản địa còn “Có khả năng truyền cảm hứng và khuyến khích các thế hệ khám phá ra những phương pháp đúng đắn để thực hành bền vững trong từng hoàn cảnh cụ thể”. Tri thức bản địa độc đáo ở Kin Chu Phìn được hình thành để đảm bảo sinh kế, sinh tồn và tác động rõ nét đến cách thức tổ chức không gian. Quá trình khảo sát cho thấy hầu hết mọi kiến thức sinh thái và kỹ thuật quản lý tài nguyên thiên nhiên đều ảnh hưởng trực tiếp đến trật tự sắp xếp của các yếu tố cảnh quan trong thôn bản. Cụ thể, hệ thống cảnh quan thôn bản được phân loại gồm: Cảnh quan núi đồi bao bọc xung quanh thung lũng, rừng già trên núi và rừng thứ sinh xen kẽ ruộng lúa, cảnh quan ruộng bậc thang, cảnh quan suối nước; mỗi loại liên quan đến các hoạt động bảo vệ tài nguyên thiên nhiên riêng gồm bảo vệ núi rừng, quản lý đất nông nghiệp và quản lý nước. Tri thức bản địa và kỹ thuật quản lý tài nguyên thiên nhiên không những ảnh hưởng đến cấu trúc cảnh quan thôn bản mà còn đóng vai trò cộng hưởng tới các không gian sinh thái khác (Bảng 1); ví dụ, trồng rừng, nuôi cá, chăn thả gia cầm.

Bảng 1: Hệ thống tri thức bản địa trong quản lý tài nguyên thiên nhiên

Tri thức bản địa tác động rõ nét đến bố cục của cảnh quan nơi ở và kỹ thuật quản lý tài nguyên thiên nhiên ở Kin Chu Phìn. Ruộng bậc thang tại đây nối tiếp nhau theo các sườn dốc, có quy mô lớn nhỏ khác nhau dựa vào độ dốc của sườn núi (Hình 7). Những ngôi làng lớn tập trung lại với nhau, với những ngôi làng nhỏ hơn nằm rải rác xung quanh tạo nên tính tổ chức và trật tự thôn bản, đồng thời thuận tiện quản lý ruộng lúa và nguồn nước vốn bị phân tán. Nhìn chung, các khu định cư tập trung vào mục tiêu cùng phát triển bền vững, tạo dựng sự ổn định và thịnh vượng với thiên nhiên. Như một người dân trong làng đã nói: “Mọi người hiểu rõ rằng ngôi làng không chỉ bao gồm nhà ở mà còn có rừng già, ruộng bậc thang và các con suối cùng tạo thành một mái nhà chung của chúng tôi”. Người dân bản địa trồng rất nhiều cây xung quanh nhà cửa và thôn xóm như cây ăn trái, vườn rau và các cây rừng cổ thụ. Nhìn từ xa các ngôi làng như những ốc đảo xanh giữa cánh đồng ruộng bậc thang rộng lớn. Cây cối tạo nên một trường trong sạch thuận lợi nghỉ ngơi, chăn nuôi và cũng là môi trường để nuôi các giống cá nước lạnh (cá tầm, cá hồi) tại nhà. Nguồn nước từ khe suối dẫn tới khu ở hoặc các ruộng bậc thang trên cao, sau đó được luân chuyển xuống các ruộng lúa thấp hơn, cuối cùng chúng được gom lại qua các rãnh và đổ ra ra suối. Nguồn nước được tận dụng tối đa để canh tác lúa một vụ và tưới tiêu cây cối, qua vụ lúa cỏ dại được giữ lại để bảo vệ ruộng khỏi xói mòn và sạt lở.

2. Sự kế thừa tri thức bản địa trước thách thức từ nhu cầu phát triển

Giống như nhiều hệ thống cảnh quan ruộng bậc thang ở Tây Bắc, cảnh quan nông nghiệp ở Kin Chu Phìn đang đứng trước thách thức nghiêm trọng đến từ toàn cầu hóa và phát triển du lịch. Các cuộc khảo sát cho thấy rất ít thanh niên và người trung niên ở địa phương, các gia đình cho biết nhiều người ra khỏi khu vực này để kiếm việc làm. Tuy nhiên, gần đây một số ít người trẻ đã quay trở lại bản làng để phát triển mô hình kinh tế nuôi cá nước lạnh (cá tầm và cá hồi) và trồng lê Tai Nung (Hình 8). Ở khía cạnh khác, nằm gần cung đường du lịch Sa Pa – Y Tý, cùng với cảnh quan độc đáo sẽ khiến Kin Chu Phìn trở thành một điểm đến hấp dẫn. Khi đó cơ cấu kinh tế và hạ tầng của thôn bản sẽ thay đổi đáng kể và có thể khiến tri thức bản địa và bản sắc văn hóa của người địa phương phần nào bị mai một. Các dịch vụ homestay hay khu nghỉ dưỡng sẽ thay đổi cấu trúc xã hội và cơ cấu kinh tế nông nghiệp hiện tại sẽ bị chuyển biến.

Mô hình sử dụng đất tại Kin Chu Phìn, cảnh quan được bao bọc bởi rừng già, các khu định cư phân tán trong những cánh đồng ruộng bậc thang rộng lớn

Các cuộc phỏng vấn cho thấy nhận thức về tri thức bản địa tăng lên theo độ tuổi, tuy nhiên ở một số khía cạnh về quản lý nguồn nước hay phát triển nông nghiệp thì nhận thức của người trẻ cao hơn. Ví dụ, khi làm ruộng bậc thang, người trẻ sẽ học được rất nhiều kiến thức về chọn nguồn nước, vị trí ruộng, kỹ thuật gia cố bờ ruộng hay chọn giống lúa từ người cao tuổi; tuy nhiên về giống cây và mô hình chăn nuôi mới thì người trẻ lại hiểu biết hơn. Mặc dù ba thế hệ người già, người trung niên và thanh niên ở Kin Chu Phìn hiện có mức độ thành thạo khác nhau về tri thức bản địa trong quản lý tài nguyên thiên nhiên, nhưng sự kế thừa văn hóa giữa các thế hệ về quản lý nông nghiệp, quản lý nước, bảo vệ núi và quản lý rừng vẫn rất hiệu quả. Ở khía cạnh khác, các hoạt động văn hóa và lễ hội thường có vai trò rất quan trọng truyền tải tri thức bản địa giữa các thế hệ. Các hương ước của bản hay các quy định hành chính của xã cũng góp phần tăng cường nhận thức về sinh thái và bảo vệ môi trường.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đa phần thế hệ trẻ hiện đang theo học tại các trường ở TP Lào Cai và các thị trấn bên ngoài thung lũng và do đó việc thực hành quản lý tài nguyên thiên nhiên của họ đã giảm bớt. Một sinh viên trong làng nói rằng “Các trường học vẫn dạy một số văn hóa truyền thống của họ”, nhưng việc truyền dạy tri thức bản địa vẫn chủ yếu đến từ các hoạt động thực tế do ông bà và cha mẹ của họ dẫn dắt. Những truyền thống gia đình này vẫn là con đường chính để kế thừa tri thức bản địa trong quản lý tài nguyên thiên nhiên giữa các thế hệ. Ngoài ra, cấu trúc xã hội chặt chẽ trong thôn bản buộc thế hệ trẻ phải tuân thủ một số quy định của bản trong cuộc sống hàng ngày, đây là một trong những lý do giúp tri thức bản địa được kế thừa và phát huy. Một cán bộ địa phương khẳng định rằng: “Văn hóa dân bản đang được bảo tồn tốt. Đời sống và sản xuất nông nghiệp, bao gồm cả hệ sinh thái lúa – nuôi cá – gia cầm vẫn được đảm bảo tốt. Vì vậy, nhìn chung cuộc sống và cảnh quan nông nghiệp nơi này vẫn rất thanh bình và ổn định”.

Bảo tồn bền vững hệ thống cảnh quan ruộng bậc thang: chính sách và cơ chế

Hệ thống cảnh quan ruộng bậc thang ở Kin Chu Phìn thể hiện các nguyên tắc rõ ràng về xây dựng môi trường theo định hướng sinh kế, phát triển nông nghiệp và duy trì cảnh quan. Thực tế cho thấy người dân bản địa hiểu đầy đủ giá trị của từng thành phần trong hệ thống cảnh quan nông nghiệp. Họ tận dụng thành thạo cấu trúc của đồi núi dốc, tác động phù hợp với địa hình nhấp nhô tự nhiên; và thích ứng một cách hợp lý với những thay đổi do điều kiện nước, nhiệt độ, và sự phân bố vật chất do chênh lệch độ cao gây ra. Núi và đất rừng, với vai trò là nền tảng của toàn bộ cảnh quan văn hóa – nông nghiệp vùng cao, bao quanh và hỗ trợ cảnh quan định cư ở bên trong, đồng thời cung cấp cơ sở vật chất cho sự phát triển bền vững cho môi trường tổng thể (Hình 9). Cảnh quan nước đóng vai trò là sợi dây kết nối toàn bộ cảnh quan văn hóa, liên kết chặt chẽ giữa ruộng bậc thang, rừng và làng mạc. Do đó, tất cả tạo thành một chỗi cảnh quan nông nghiệp từ trên xuống gồm núi – rừng – khu định cư – ruộng bậc thang – sông suối.

Mô hình ảnh hưởng của tri thức bản địa lên các cảnh quan thông qua quản lý tài nguyên thiên nhiên và mối quan hệ phức tạp giữa các yếu tố

Hệ thống ruộng bậc thang tại Kin Chu Phìn là một trong những ví dụ điển hình về tác động của tri thức bản địa đối với quản lý tài nguyên thiên nhiên và sự kế thừa kiến thức sinh thái qua các thế hệ. Do đó, mô hình này có thể được sử dụng để tạo nên các khung chính sách trong tương lai nhằm hỗ trợ quản lý tài nguyên và cảnh quan di sản một cách bền vững. Mặc dù các cộng đồng ruộng bậc thang nói chung hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình chuyển đổi và phát triển, nhưng các chính sách đề xuất sau đây sẽ rất hữu ích cho nhiều cộng đồng nông nghiệp miền núi: Đầu tiên, chính quyền và mỗi hộ gia đình cần nhận thức đầy đủ về việc sử dụng tri thức bản địa để đảm bảo duy trì bản sắc bản địa. Điều này rất quan trọng trong việc tạo dựng sự tự tin và đa dạng văn hóa khi ngành du lịch đang dần phát triển. Thứ hai, việc hồi sinh, bảo vệ và lưu truyền tri thức bản địa trong quản lý tài nguyên thiên nhiên cần được nhấn mạnh trong các chiến lược phát triển kinh tế – xã hội trong tương lai, nhằm ứng phó với toàn cầu hóa, đô thị hóa và phát triển du lịch. Thứ ba, mặc dù phát triển du lịch và cơ sở hạ tầng du lịch chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến mô hình sinh kế, quản lý tài nguyên thiên nhiên, và hệ thống cảnh quan bản địa, vì thế cần có các chính sách để đảm bảo hoạt động cho các không gian và lối sống truyền thống. Tri thức bản địa là một hệ thống tiến hóa, vì vậy các chính sách nên khuyến khích việc kế thừa các kiến thức sinh thái truyền thống, đồng thời cập nhật các tri thức của thời đại. Một cán bộ về hưu trong bản đã tóm tắt như sau: “Hiện nay, mặc dù hệ thống giao thông, điện nước của thôn đã có nhiều thay đổi, nhưng sản xuất nông nghiệp về cơ bản vẫn như trước. Do đó, ruộng bậc thang, rừng, làng mạc và thung lũng về cơ bản vẫn được duy trì. Tôi nghĩ giữ được cảnh quan ban đầu và văn hóa truyền thống vẫn là quan trọng nhất”.

Kết luận

Bài viết này là lời giải đáp cho chủ đề “Trí tuệ sinh thái: Từ kiến thức đến hành động thực tế” được khởi xướng gần đây trên Tạp chí “Landscape and Urban Planning”. Tri thức bản địa là một hình thức đặc biệt của kiến thức sinh thái, là cách thức người bản địa tương tác với thiên nhiên, dựa trên sự hiểu biết về thiên nhiên. Tại Kin Chu Phìn, thông qua vai trò của tri thức bản địa về quản lý tài nguyên thiên nhiên trong sự hình thành và tiến hóa của hệ thống cảnh quan ruộng bậc thang, có thể thấy: sinh kế canh tác lúa của cộng đồng bản địa có ảnh hưởng và bị ảnh hưởng bởi các kiến thức sinh thái cũng như các phương pháp quản lý tài nguyên thiên nhiên của họ, đặc biệt trong các khía cạnh bảo tồn núi đồi, quản lý rừng, quản lý nông nghiệp và quản lý nước; trong quá trình này, các tri thức bản địa đã ảnh hưởng tích cực đến việc hình thành cảnh quan nông nghiệp địa phương thông qua các hoạt động quản lý tài nguyên thiên nhiên và được tích hợp trong kỹ thuật quản lý tài nguyên thiên nhiên; sự kế thừa tri thức bản địa cho các thế hệ sau thể hiện qua nhiều hình thức bao gồm: Hoạt động văn hóa, lễ hội, hương ước, văn bản hành chính,… Do đó, cần thiết phải có các các chính sách để đảm bảo sự phát triển, bảo tồn và kế thừa tri thức bản địa. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhận thấy rằng đa dạng văn hóa có liên quan mật thiết đến đa dạng sinh học, đồng thời có một mối quan hệ cộng sinh giữa văn hóa bản địa và các hệ sinh thái địa phương, điều này rất cần được nghiên cứu thêm.

Nguyễn Văn Long – Ngô Thị Minh Thê
Nguyễn Duy Liêm – Vương Thị Thủy
Bộ môn Cảnh quan & Kỹ thuật Hoa viên, ĐH. Nông Lâm TP.HC
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 07-2022)


Tài liệu tham khảo
1) Berkes, F. (2012). Sacred ecology (Third edition). New York, NY: Routledge. Berkes, F., Colding, J., & Folke, C. (2000). Rediscovery of traditional ecological knowledge as adaptive management. Ecological Applications, 10(5), 1251–1262. Costa, J. D. (1995). Working wisdom: the ultimate value in the new economy. Toronto: Stoddart.
2) Fu, X., Wang, X., Schock, C., & Stuckert, T. (2016). Ecological wisdom as benchmark in planning and design. Landscape and Urban Planning, 155, 79–90.
3) McHarg, I. (1969). Design with Nature. New York, NY: The Natural History Press. Naess, A. (1973). The shallow and the deep, long-range ecology movement. A summary. Inquiry, 4, 95–100.
4) Pattern, D. T. (2016). The role of ecological wisdom in managing for sustainable interdependent urban and natural ecosystems. Landscape and Urban Planning, 155, 3–10.
5) Wang, X., Palazzo, D., & Carper, M. (2016). Ecological wisdom as an emerging field of scholarly inquiry in urban planning and design. Landscape and Urban Planning, 155, 100–107.
6) Xiang, W.-N. (2014). Doing real and permanent good in landscape and urban planning: Ecological wisdom for urban sustainability. Landscape and Urban Planning, 212, 65–69.
7) Xiang, W.-N. (2016). Ecophronesis: The ecological practical wisdom for and from ecological practice. Landscape and Urban Planning, 155, 53–60.
8) Nguyễn, T. T. V. (2019). Bảo tồn phát huy tri thức địa phương trong canh tác nương rẫy của người Hmong ở Cao Nguyên đá Đồng Văn.
9) Nhuần, Đ. T., & Phương, D. Q. (2013). Tri thức bản địa của dân tộc Dao khu vực miền núi phía Bắc trong việc lựa chọn đất đai, địa hình canh tác và hệ thống cây trồng. Tạp chí Khoa học, (44), 175.
10) Trần, T. T. (2014). Biến đổi tập quán canh tác ruộng bậc thang của người Hmông ở bản Cát Cát, xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai (Doctoral dissertation).
11) Lê, T. A. (2013). Ứng dụng Viễn thám và GIS trong nghiên cứu sự phát triển của ruộng bậc thang huyện Sa Pa trong bối cảnh biến đổi khí hậu (Doctoral dissertation).
12) Kieu, T. T. H., Nguyen, T. N., Nguyen, T. H. T., Vu, T. H. A., & Nguyen, Q. T. (2020). Indigenous knowledge in climate change adaptation.

The post Nhận thức sinh thái vì môi trường bền vững: Tri thức bản địa trong quản lý cảnh quan ruộng bậc thang tại Bản làng miền núi Chu Phìn appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.