“Công trình Khoa Pháp” đã trở nên quen thuộc với những người dân khu vực Cầu Giấy – Từ Liêm (Hà Nội) mấy chục năm qua. Kiến trúc ấy, cái tên ấy không chỉ được biết với những ai học hay làm việc ở đó, trong môi trường giáo dục, mà có sức lan tỏa mạnh mẽ cả với cộng đồng dân cư. Bởi lẽ đơn giản: Đó là một công trình kiến trúc đẹp.

“Thiên đường” trong ký ức của nhiều người

Những năm 1980, trong khi cả khu vực Cầu Giấy – Từ Liêm (thuộc trục quốc lộ 32 đi về xứ Đoài bây giờ) còn là một khu vực rộng lớn, hoang sơ, mênh mông cánh đồng và ao hồ, dân cư còn thưa thớt, nhà cửa lèo tèo, kiến trúc nhà ở lụp xụp – tạm bợ, những công sở, trường học nằm rải rác với kiến trúc nhỏ bé, “khiêm tốn” về mọi phương diện… thì “Công trình Khoa Pháp” đã xuất hiện như một điểm nhấn sáng chói.

“Công trình Khoa Pháp” là một quần thể kiến trúc giáo dục, một dự án hợp tác Pháp – Việt. Đó là cơ sở làm việc, học tập, giảng dạy, nghiên cứu của Khoa Tiếng Pháp thuộc ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Khoa Ngôn ngữ và văn hóa Pháp, thuộc ĐH Ngoại ngữ – ĐH Quốc gia Hà Nội). Trong thời kỳ kinh tế còn quá khó khăn (trước đổi mới 1986), một kiến trúc giáo dục như Công trình Khoa Pháp ra đời quả thực là một thiên đường. Những cán bộ, giảng viên và sinh viên khoa Tiếng Pháp có một sự ưu đãi khác biệt quá lớn so với các khoa khác cùng trường (ĐH Sư phạm ngoại ngữ); và so với cả các trường ĐH khác trong cùng khu vực (như các trường ĐH Sư phạm 1, trường Tuyên giáo (nay là Học viện báo chí tuyên truyền), ĐH Thương nghiệp (nay là ĐH Thương mại), trường Sân khấu điện ảnh…) Công trình khoa Pháp là niềm tự hào của giảng viên, sinh viên của khoa và cũng là sự ghen tị của giảng viên, sinh viên các khoa khác, trường khác. Có thể dễ dàng nhận thấy điều này khi so sánh Công trình khoa Pháp với những công trình cơ sở vật chất khác của trường như các nhà học cấp 4, nhà khung thép mái tôn do Unicef tài trợ, giảng đường tạm… Nơi đây – thậm chí còn tồn tại cho tới những năm 2000. Cũng vì lẽ đó, nên Công trình Khoa Pháp bị “trưng dụng” một phần làm phòng hành chính của Ban Giám hiệu của trường trong một thời gian dài.

Công trình khoa Pháp là một phần ký ức của nhiều người, những giảng viên, sinh viên, học sinh chuyên ngữ của trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ. Công trình khoa Pháp thuộc về khoa Pháp, nhưng cũng là “của chung”. Tất cả những nghi lễ quan trọng, những hội nghị, liên hoan văn nghệ… của nhà trường đều diễn ra ở nơi đây. Không chỉ có vậy, đây còn là nơi vui chơi, giao lưu, một công viên văn hóa, một phòng đọc thư viện ngoài trời… của sinh viên. Đó cũng là sân chơi của lũ trẻ trong khu tập thể nhà trường, thậm chí là lũ trẻ ở nhiều khu vực quanh đấy… Nơi đây cũng là điểm hò hẹn lãng mạn, chứng kiến bao mối tình sinh viên… Hình ảnh Công trình Khoa Pháp vẫn hiện diện trên các tấm bưu thiếp chúc Tết, lịch của trường cho tới tận bây giờ.

Kiến trúc nhiệt đới chuẩn mực

Nếu lựa chọn lấy 3 công trình kiến trúc giáo dục (trường học) xuất sắc nhất Việt Nam (không kể Trường chuyên Hà Nội – Amsterdam mới khánh thành dịp đại lễ Hà Nội ngàn năm, do KTS Việt Nam thiết kế), tôi vẫn cho rằng đó là những công trình mang dấu ấn của người Pháp. Thứ nhất, đó là Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, một bài thơ tuyệt tác ở cao nguyên; thứ hai là Trường ĐH Đông Dương (sau là ĐH Tổng hợp Hà Nội, nay là một phần của ĐH Khoa học tự nhiên – ĐH Quốc gia Hà Nội), một kiến trúc đô thị rất kinh điển; và thứ ba là Công trình Khoa Pháp – ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội.

Nhưng nếu hai công trình trên ấn tượng bởi những khối kiến trúc chính, mạnh mẽ, thì Công trình khoa Pháp lại khác hẳn – Đó là một quần thể hài hòa đan xen nhiều công trình nhỏ, mà xét về tính chất, quy mô, vị trí trong tổng thể thì không có hạng mục nào nổi trội hẳn. Tất cả hòa quyện thành một thể thống nhất, tương hỗ và bổ sung cho nhau. Bố cục tổng thể công trình là một khuôn viên với nhiều hạng mục kiến trúc phân tán, có chức năng riêng biệt rõ ràng, đầy đủ của một công trình giáo dục bậc ĐH. Khối cao nhất là 4 tầng (giảng đường chính), khối thấp nhất là 1 tầng (nhà hành chính, hội trường).

Mặt bằng tổng thể nhìn từ ảnh vệ tinh
Khối phòng lab và học chuyên đề

Có thể nói Công trình khoa Pháp là một kiến trúc nhiệt đới chuẩn mực.Tính nhiệt đới được thể hiện thống nhất từ tổng thể đến chi tiết. Đó là việc xử lý quy hoạch chung, bố cục các hạng mục công trình rất khoa học và hợp lý với điều kiện địa lý, khí hậu. Hướng của quần thể công trình (căn cứ lối vào) là hướng chính Đông, nhưng đó chính là cái cớ để hai khối nhà giảng đường trải dài, hướng mặt chính vào sân trong nhận ánh sáng từ hai bên cửa sổ hướng Bắc – Nam, đẩy cái nắng nhiệt đới về hai đầu hồi có diện tích tiếp xúc nhỏ. Xung quanh, ở giữa quần thể và đan xen giữa các khối nhà là cây xanh, mặt nước, tạo nên một không gian thân thiện, môi trường trong lành. Hệ thống hồ nước ngoài việc làm tăng giá trị cảnh quan cùng các công trình kiến trúc, còn có ý nghĩa quan trọng trong vấn đề tiêu thủy. Khối kiến trúc hội trường nằm cuối cùng trong hệ thống công trình theo lối vào, hở sườn đón nắng tây nhưng không bao giờ bị nắng bởi được che chắn bởi một “rừng” tre ngà. Nhiều người vẫn nhớ “rừng” tre ngà này. Bây giờ, tre ngà dẫu có ít đi thì vẫn đủ bóng mát. Kiến trúc các công trình khúc chiết, mạch lạc, rõ ràng với “tuyên ngôn” nhiệt đới: Tường dày, mái đua xa, lo-gia sâu; chiếu sáng và thông gió tự nhiên được nghiên cứu kỹ và khai thác tối đa qua hệ thống gạch hoa rỗng, lưới bao che, cửa chớp lật… Hình khối kiến trúc của các công trình chắc, khỏe, mạnh mẽ nhưng lại rất tinh tế, mềm mại ở các chi tiết. Một điều khá thú vị là tất cả các hạng mục công trình không giống nhau, bố cục tổng thể cũng không đối xứng, không theo một quy luật, nguyên tắc rõ ràng nào, như thể là sự ngẫu hứng. Bản thân mỗi công trình lại có mặt bằng khá là dích-dắc, phức tạp, nhưng ngôn ngữ kiến trúc của tất cả lại thống nhất đến kỳ lạ. Có thể nhận thấy tính điển hình cao ở đây: Nhiều thành phần và chi tiết kiến trúc được module hóa, nhắc lại một cách logic, hợp lý, chuẩn xác giữa mặt bằng và mặt đứng, giữa dưới và trên, giữa mặt nọ và mặt kia, khối này và khối khác… Bên cạnh đường nét, hình khối thì chất liệu và màu sắc cũng là yếu tố tạo nên cá tính riêng cho công trình này. Đó là việc sử dụng gạch trần ở nhiều mảng tường ngoài, gạch gốm hoa ở lan can, gạch lá dừa ở sân… kết hợp với màu sơn chủ đạo là màu hồng nhạt, tạo nên một màu sắc khá đặc trưng và riêng biệt, không hề thay đổi trong bao năm qua.

Điều thú vị nhất và đặc biệt nhất ở Công trình Khoa Pháp là hệ thống hành lang liên kết giữa các khối nhà. Đây không phải nhà – cầu, mà thuần túy là những tuyến giao thông nội bộ có mái che. Có thể nói ngắn gọn thế này: Nếu trời mưa, bạn vẫn đi tới được mọi nơi trong quần thể công trình mà không bị ướt. Hệ thống hành lang có hình thức kiến trúc thanh mảnh, tạo nên những điểm nhìn thú vị ở các góc, ở nhiều độ cao. Những dầm dài đỡ mái theo tuyến đi được đặt trên những cặp trụ – dầm đôi, chi tiết dầm thòi đầu và mái gợn sóng nhấp nhô có cấu tạo như mái ngói âm dương gợi nhắc chút gì của kiến trúc truyền thống Việt. Những đoạn hành lang giao nhau được xử lý bằng giải pháp chênh cốt mái. Hệ thống hành lang này là một phần quan trọng không tách rời trong cấu trúc và thẩm mỹ của công trình.

Hội trường lớn, công trình nằm sau cùng trong quần thể kiến trúc. Hội trường này nay mang tên Vũ Đình Liên – NGND, nguyên chủ nhiệm khoa Pháp – ĐH Sư phạm Ngoại ngữ; người thầy đáng kính cũng được biết đến là thi sỹ, tác giả bài thơ “Ông đồ” nổi tiếng.
Lối chính vào giảng đường và sân trong, qua cây cầu nhỏ bắc qua hồ nước

Một thoáng ngậm ngùi

Tôi có may mắn là “công dân” của trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ 7 năm, nhưng không phải thời sinh viên, mà học ở hệ chuyên phổ thông; và đương nhiên cũng không là người của khoa Pháp. Thế nhưng như tất cả những sinh viên, học sinh thời ấy, và cả bây giờ, Công trình Khoa Pháp vẫn là một điều gì đó thân thuộc, gần gũi, gắn bó qua những năm tháng đèn sách. Sau ngày rời mái trường, tôi ít khi trở lại, và trong những lần trở lại cũng chỉ là “đi qua” Công trình Khoa Pháp, không có nhiều thời gian vào trong để mà hồi tưởng. Khi thực hiện những tấm ảnh cho bài viết này, tôi đã nhìn lại, ngắm lại rất lâu, đã đi 2 lần, một vào buổi sáng, một vào buổi chiều để ngắm bóng nắng đổ trên những bức tường phía Đông và phía Tây…

Lần trở lại này, tôi mang tâm thế của một người làm nghề kiến trúc, nhìn với cái nhìn của người làm nghề. Có nhiều điều rõ ràng hơn, cũng có nhiều suy nghĩ khác hơn. Và thời gian cũng làm nhiều thứ đổi thay, không khỏi thoáng chút ngậm ngùi, nhưng không chỉ bởi nhớ về kỷ niệm một thời. Công trình cũ hơn, xấu hơn, hư hại, bị sửa chữa thô thiển… Nhiều gạch hoa ở lan can bị mất và vỡ, nhiều lo-gia phía sau bị quây lồng sắt bảo vệ; có chỗ bịt kín hành lang trước bằng vách nhôm kính để tăng diện tích sử dụng cho phòng chức năng… Sân, bậc thềm, bồn hoa hư hỏng nứt vỡ nhiều… Những hồ nước – dù sen vẫn nở, dù nước vẫn soi bóng những công trình nhưng không ai có thể nói là những mặt nước đẹp. Việc tăng cường một số trang thiết bị và hệ thống kỹ thuật (điều hòa, thông tin, chiếu sáng bảo vệ…) thiếu nghiên cứu đã ảnh hưởng nhất định đến mỹ quan công trình. Đáng buồn nhất là những công trình xung quanh cao tầng hơn, ngày càng mọc lên nhiều, “vây” và siết chặt lấy Công trình Khoa Pháp, làm cho quần thể kiến trúc này ngày càng trở nên nhỏ bé, bức bối, ngạt thở. Từ bên trong nhìn ra, ở nhiều góc, những mái nhà không còn in trên nền trời hay những rặng cây, mà lẫn với nhiều công trình khác cao hơn – ở khoảng cách quá gần.

Và một ngậm ngùi khác, cũng là một băn khoăn: Công trình Khoa Pháp là một kiến trúc tốt, với không quá lời là một tác phẩm xuất sắc – Vậy nhưng kiến trúc này ít được nhắc tới trong các bài viết lý luận phê bình, tổng kết đánh giá, thành tựu kiến trúc, lịch sử kiến trúc của Hà Nội và Việt Nam, như thể bị lãng quên. Tôi đã thử tìm hiểu qua các tài liệu, sách lịch sử kiến trúc, liên hệ với một số cán bộ làm việc nơi đây mà tuyệt nhiên không tìm hiểu thêm được một chút gì về quá trình thực hiện dự án công trình: Ai là tác giả đồ án? Đơn vị nào thiết kế, thi công? Ở đó, chỉ có một tấm biển gắn trên tường, đề những thông tin vô cùng ngắn ngủi và khiêm tốn:

Projet Franco – Vietnamien
Công trình hợp tác Việt – Pháp 19-4-1984

Và Tôi vẫn đang đi tìm câu trả lời…

KTS Nguyễn Trần Đức Anh
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 08-2022)

The post Công trình khoa Pháp appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.