Kiến trúc – Nội thất nhà ở Việt Nam đương đại đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức – Việc tiếp thu tinh hoa văn hoá thế giới là cần thiết xong đôi khi nó làm ta lạc hướng. Điểm tựa “Kiến trúc xanh” hay “Công trình xanh” mới chỉ giúp kiến trúc Việt kiện toàn phần “xác”. Phần hồn – phong cách kiến trúc nội thất Việt nằm trong tay chính chúng ta, từ chủ đầu tư, nhà thiết kế, nhà lý luận phê bình thông qua các trải nghiệm thực tế – Những nghiên cứu và thiết kế đi từ cái tôi đậm chất con người Việt Nam.

Công trình nhà ở Bình Dương – Giải Vàng hạng mục nhà ở nông thôn Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2021 (Ảnh trong bài: Tác giả)

Với các điều kiện lịch sử, văn hóa và kinh tế xã hội rất đặc trưng, kiến trúc Việt Nam nói chung và kiến trúc nhà ở nói riêng đang kể câu chuyện của mình. Tuy nhiên, với một thái độ không dễ dãi, ta nhận thấy “câu chuyện” Kiến trúc – Nội thất nhà ở Việt Nam đã và đang có phần rời rạc, đứt gãy và đôi khi lạc lối. Ngoái nhìn lại kiến trúc truyền thống với những ngôi nhà gỗ đậm chất văn hóa địa phương của khắp mọi miền quê Việt, rồi tiếp tục lướt qua những nhà ở đủ thể loại được xây dựng ồ ạt trong thời buổi hiện nay, một chút lo lắng về tính “bản sắc” hay phong cách Việt trong kiến trúc – nội thất nhà ở là điều dễ hiểu. Nhà ở cao tầng đang mở rộng địa bàn rộng khắp tại các đô thị lớn, ngay cả tại các vị trí nhạy cảm trong nội đô lịch sử. Bài viết tập trung vào mảng nhà ở thấp tầng và đặc biệt là vấn đề nội thất trong các biệt thự, nhà lô hay các căn hộ chung cư cao tầng.

Có thể nói trong lĩnh vực nhà ở, chúng ta đang trong giai đoạn tiếp thu văn hóa, văn minh thế giới, điều này là dễ hiểu và cần thiết trong bối cảnh hội nhập cả kinh tế lẫn thông tin. Tuy nhiên, việc bê nguyên các hình mẫu nhà ở tại các nước phát triển vào Việt Nam với số lượng và tốc độ không nhỏ đã mang lại cảm giác lo lắng cho những người làm chuyên môn. Những mô hình “lâu đài” với kiến trúc rườm rà xa hoa xuất hiện ở hầu hết các địa phương với nội thất lấp đầy bằng gỗ quý, chạm trổ cầu kỳ – dát vàng từ trong ra ngoài. Sự xuất hiện của các loại nhà ở này chưa hề có biểu hiện dừng lại… Một số kiến trúc nội thất hiện đại trang bị nội thất nhập khẩu rất đắt tiền vẫn đang được bộ phận lớn người ở có điều kiện kinh tế coi là hình mẫu hướng tới.

Có thể lý giải hiện tượng “quốc tế hóa” trong phong cách kiến trúc nội thất nhà ở Việt Nam khoảng hai thập kỷ vừa qua bằng 3 nhóm vấn đề chính sau:

Thứ nhất, khi điều kiện kinh tế và thông tin hội nhập sâu rộng, những người ở có điều kiện đầu tư cho ngôi nhà của mình với tâm lý “trả thù quá khứ”, “bù đắp” những thiếu thốn thời bao cấp các chủ đầu tư muốn ngôi nhà mình không thua kém các hình mẫu ở châu Âu, Mỹ,… dẫn đến việc bỏ qua và lãng quên những mô hình ở truyền thống.

Thứ hai, các KTS, nhà thiết kế cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của kinh tế thị trường và quy luật cung cầu, sẵn sàng chiều lòng khách hàng, đặt lợi ích kinh tế lên trước. Một bộ phận lớn người thiết kế loay hoay trước những yêu cầu của đại đa số khách hàng khi họ lựa chọn các phong cách cổ điển, Tân cổ điển và những hình mẫu hiện đại kiểu phương Tây. Khi chưa có lý luận đủ vững để dẫn dắt thì cách thường thấy là nhà thiết kế sẽ thỏa hiệp với thực tại, với yêu cầu của “thượng đế”.

Qua đó, vấn đề thứ ba là, trong bối cảnh phát triển “nóng”, giới kiến trúc Việt Nam vừa hành nghề vừa xây dựng hoàn thiện lý luận.

Gần đây, chúng ta “nương tựa” vào trào lưu kiến trúc xanh như một điểm tựa trước mắt trên con đường định hình phong cách cho riêng mình. Cũng như các loại hình nghệ thuật khác, kiến trúc, nội thất muốn phát triển cần có nền tảng lý luận dẫn đường và cần có các “chất liệu” thể hiện. Hiện nay về lý luận thì chúng ta vẫn đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện trên các điểm tựa của Luật Kiến trúc và định hướng phát triển kiến trúc mới được ban hành. Mặt khác, một khó khăn nữa là chúng ta vẫn rất thiếu các vật liệu, chất liệu hiện đại, có kế thừa các yếu tố truyền thống. Khó có thể hoàn thiện một không gian hiện đại có bản sắc khi cái thừa vẫn thừa (là những vật liệu nhập khẩu) trong khi cái thiếu vẫn thiếu (là những vật liệu mới chứa đựng các giá trị bản sắc).

Như đã nêu trên, trong thời kỳ “quá độ” này, việc tiếp thụ tinh hoa kiến trúc – nội thất của thế giới là cần thiết, nó giúp chúng ta có được sức sống tươi mới cho cơ thể kiến trúc. Tuy nhiên nếu để buông thả theo nhu cầu của thị trường trong một thời gian dài, kiến trúc Việt có nguy cơ gánh chịu những hệ lụy không nhỏ.

May mắn thay, theo dõi các cuộc thi, giải thưởng kiến trúc nội thất gần đây ta nhận ra những điểm sáng lấp lánh. Nhiều đồ án thiết kế đã không chỉ dừng lại ở các biểu hiện tìm sự khác lạ ở hình thức mà đã khai thác được các giá trị văn hóa của địa điểm, của vùng lãnh thổ mà nó mọc lên. Rất nhiều ngôi nhà đạt Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia hay Top 10 houses đã quan tâm và có giải pháp thích đáng cho các yếu tố khí hậu, văn hóa. Không chỉ nắng gió, các giá trị nhân văn hướng tới người ở đã được đề cập và giải quyết khá thấu đáo. Bên cạnh đó cá tính của các nhà thiết kế nội thất, cái tôi cái chất Việt của chủ nhà cũng ngày càng xuất hiện rõ nét hơn trong không gian nội thất nhà ở gần đây. Việc khai thác những ký ức về nơi chốn hay việc tạo ra mô hình nhà ở linh hoạt cho vừa hiện đại vừa gần gũi là những minh chứng cho một hướng đi cần thiết và đúng đắn trong thiết kế nội thất Việt Nam đương đại. Bằng sự xuất hiện của những thể nghiệm mới không theo dòng chảy quốc tế hóa của thị trường, những cá tính tâm hồn Việt của cả nhà thiết kế và chủ nhà cho chúng ta hy vọng về một tương lai không xa, phong cách kiến trúc nội thất Việt Nam sẽ được định hình trước hết trong thể loại nhà ở.

Có lẽ theo một hướng tiếp cận khác, lý luận thiết kế của chúng ta sẽ được hoàn thiện và bồi đắp thông qua các tác phẩm thực tiễn của các nhà thiết kế Việt và các chủ nhà Việt. Sở dĩ phải dùng chữ Việt sau các danh xưng trên nghĩa là muốn nói tới các nhà thiết kế và chủ nhà với ý thức và lòng tự tôn dân tộc trên con đường sáng tác, tổ chức không gian ngôi nhà luôn đề cao các giá trị văn hóa truyền thống và truyền tải những dấu ấn cá nhân đậm chất con người Việt Nam. Một minh chứng tiêu biểu cho thể nghiệm mang bản sắc Việt là công trình Nhà ở Bình Dương – Giải Vàng hạng mục Nhà ở nông thôn Giải thưởng kiến trúc Quốc gia 2021. Với một kiến trúc bình dị của các gian nhà ngói mang cấu trúc truyền thống thân quen được khéo léo xếp đặt trên khuôn viên sẵn có nhiều cây xanh, các tác giả đã tôn trọng yếu tố địa điểm một cách tối đa khi bảo tồn và khai thác được các giá trị sinh thái vốn có của vị trí xây dựng. Không gian ngôi nhà vì nương theo tự nhiên mà tạo các khoảng trống xanh và nhịp điệu một cách thụ động. Hình khối, bố cục công trình xuất phát từ yếu tố địa điểm và công năng không cần tới sự “lên gân” thái quá nào. Cùng với cách nghĩ đó, không gian nội thất rất phong phú mà thoáng đãng trong sự bình dị, nơi mà vật liệu địa phương như ngói và gạch đất nung lên ngôi, phát huy được chất cảm và cả giá trị sử dụng. Sàn gạch đất nung khổ nhỏ làm nền một cách hiệu quả cho các nội thất thô mộc giản dị mang lại sự ấm cúng gần gũi cần có và đại diện cho một phong cách sống mới tại một vùng nông thôn Việt Nam. Các giải pháp kiến trúc – nội thất ở đây thật nhẹ nhàng và giản dị vì nó xuất phát trước hết từ một cách cảm thuần Việt, như một sự nảy sinh phát triển của những cây cỏ nơi đây. Kiến trúc trở thành một thực thể sống nương theo tự nhiên và hài hòa với tự nhiên một cách hữu cơ. Tuy chỉ là nếp nhà ở một vùng nông thôn Việt nhưng công trình này thực sự là một điểm sáng, một cách thể nghiệm dù kiệm lời nhưng có giá trị góp phần bổ sung vào lý luận về phong cách kiến trúc Việt Nam đang từng bước định hình.

Cổ vũ cho những giải pháp mang cái tôi thuần Việt dung dị, chúng ta hy vọng sẽ ngày càng xuất hiện nhiều hơn các công trình nhà ở với cách nghĩ đó và thái động lao động đó. Một phong cách kiến trúc Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc đang hình thành từ những trải nghiệm như thế.

PGS.TS.KTS Vũ Hồng Cương
Trưởng Khoa Nội thất – ĐH Kiến trúc Hà Nội
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 08-2022)

The post Hướng tới phong cách Kiến trúc Nội thất Việt Nam trong nhà ở đương đại appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.