Trong không gian rộng của mảnh đất miền Trung, tôi xin chọn Quảng Nam xưa là vùng đất hội tụ nhiều nền văn hoá, trong đó có các nền văn hoá bản địa là: Sa Huỳnh, Champa, Đại Việt và nền văn hoá du nhập từ: Trung Hoa, Nhật Bản, Âu Châu. Ở đó đô thị cổ Hội An là nơi tiếp nhận được nhiều nền văn minh, nhất là về kiến trúc bằng gỗ. Và bài viết này nhằm trao đổi về loại nhà ở phố cổ Hội An và nhà ở Huế.
Quảng Nam có hai loại kiến trúc, về kỹ thuật chịu lực trên cột (1) là nhà Rội/Rọi và nhà Rương/Rường. Ngoài ra còn có một loại thứ ba về công năng sử dụng là nhà Lá Mái(*) (rội và rường).Trong giới hạn khuôn khổ tạp chí xin trao đổi về nhà Rội/Rọi và nhà Rương/Rường.
Nhà Rội/Rọi
Từ những tư liệu về những ngôi nhà nằm rải rác từ vùng phía Nam sông Gianh (Quảng Bình) đến Bình Định của tác giả người Pháp Pierre Gourou (đã dày công nghiên cứu từ những năm 30 của thế kỷ 20 tại vùng trung trung bộ Việt Nam); cùng với bản dịch rất chi tiết của nhà nghiên cứu Đào Hùng (đăng trên Tạp chí Nghiên cứu và phát triển Huế, số 2 (36), 2002, tôi xin trích lại nguyên văn một đoạn trong bản dịch về nhà Rội ở cửa Tùng – Quảng Trị như sau ”Hình cắt ngang cho thấy nét độc đáo của nhà Rội: Bộ vì kèo dựa trên cột chính lên đến nóc, và không kết thúc bằng một thanh quá giang như ở nhà chữ Đinh. Ở đây chỉ có hai vì kèo, như vậy ngôi nhà dựa chủ yếu trên hai cột chính giữa” (loại nhà 1 gian NV) (xem bản vẽ 1, ghi bình đồ của Pierre Gourou). Một thông tin khác từ cuộc điều tra vào tháng 9/1994 tại Huế của các nhà nghiên cứu Nhật Bản mục đích so sánh kiến trúc cổ truyền ở Huế với kiến trúc phố cổ Hội An có giải thích “Nhà Rọi là nhà có mặt bằng hình vuông với bước cột 3 gian x 3 gian. Gian giữa hơi rộng hơn các gian khác, có kiểu bốn mái…”. Các kiểu nhà này có rất nhiều ở khu vực miền Trung Việt Nam, đặc biệt là từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế. Ở Huế có các công trình tiêu biểu như Trường Du Tạ (công trình nằm trong khuôn viên của cung Diên Thọ, nơi Thái hậu lui tới để uống trà), Bình An Đường (2) (nhà riêng của Hoàng hậu thời Vua Minh Mạng số 2 Đặng Thái Thân) (xem bản vẽ 2 và ảnh chụp 1), nhà của ông Phan Thuận An tác giả của nhiều công trình viết về kiến trúc cố đô Huế cũng được xếp vào loại nhà Rọi (xem bản vẽ 3). Những kết cấu chính của các ngôi nhà cổ tại Hội An cũng có hình thức tương tự như kiểu nhà này.
Từ hai nguồn thông tin trên với góc nhìn của 2 người nước ngoài (Pháp và Nhật) người đọc sẽ hoang mang với kiểu thức kết cấu kèo với cột, và mặt bằng sinh hoạt ở 2 loại tên gọi Rội và Rọi. Nhưng trong bài “Nhà ở dân gian vùng Huế Bình Trị Thiên”, trang 88 của Tập san Kiến Trúc và Khí hậu Nhiệt đới Việt Nam của Viện Nghiên cứu kiến trúc, NXB Xây dựng Hà Nội, 1997 có tóm tắt rất cụ thể như sau: ”Nhà Rọi có ba cột chôn sâu xuống đất, cột giữa cao thẳng đến nóc”. Cùng định nghĩa, PGS Nguyễn Khắc Tụng cho rằng: “Nhà rội thường là của người nghèo hoặc là nhà phụ như: Nhà bếp, chưồng trâu bò… Mỗi vì có ba cột, cột cái ở giữa, hai cột con hai bên. Có một cái băng xuyên qua thân cột cái,hai đầu giáp vào kèo”. PGS Nguyễn Khắc Tụng còn chi tiết kèo trước rội sau rường và vì kèo trên rường dưới rội (xem bản vẽ 4 và ảnh chụp 2). Tương tự, Nhà nghiên cứu Nguyễn Bạt Tụy trong cuốn Những Ngôi Nhà Xưa ở Quảng Nam viết: “Nhà rội là loại nhà nay ít ai làm, có hàng cột cái chống thẳng lên nóc và có thêm hai hàng cột phía trước, hai hàng cột phía sau, vị chi là 5 hàng cột”… Như vậy, từ những mô tả ngắn gọn và giống nhau của Pierre Gourou và của các KTS, chuyên gia nghiên cứu kiến trúc và khí hậu Việt Nam, rõ ràng ở Huế, Quảng Trị và xa nhất là Quảng Bình – Hà Tĩnh gọi là Rọi hoặc Rội, ở Quảng Nam gọi là Rội. Điều mà những nhà nghiên cứu kiến trúc cổ quan tâm nhất là: Các chuyên gia kiến trúc Nhật Bản đã phân loại nhà Rọi và Rường chủ yếu khác nhau ở mặt bằng (hình vuông) và mái (bốn mái). Còn hai khẳng định của chuyên gia nghiên cứu kiến trúc Việt Nam và Pierre Gourou thì sự khác nhau của Rội/Rọi và Rường/Rương là có cột chôn xuống đất, cột giữa đâm thẳng lên kèo nóc đỡ đòn dông/đòn đông. Kiểu thức này ở Quảng Nam gọi là nhà Xuyên tâm/Xuyên phương(3) và chủ yếu sử dụng trong loại nhà Rội (nhà bằng tre, gỗ) có niên đại sớm và hiện nay ít thấy. Như vậy, quan sát bản vẽ của nhà ông Phan Thuận An và Bình An Đường, ta thấy các cột đều được kê trên đá tảng. Các nhà nghiên cứu Nhật Bản xếp vào loại nhà rội (so sánh nhà ở Huế trang 169 – 175 Kiến trúc phố cổ Hội An, Viện Nghiên cứu Văn hóa quốc tế – ĐH Nữ Chiêu Hòa). Sẽ rất mâu thuẫn nếu gọi kiểu nhà này là nhà Rọi (cột chôn xuống đất),vì cột kê trên đá.
Nhà Rương/Rường
Theo Pierre Gourou, nhà Rương là loại nhà lớn hơn nhiều (Rương có nghĩa là cái hòm gỗ), cấu trúc phức tạp, giá trị đắt hơn nhiều, chỉ ở những gia đình giàu có. Và cũng theo lời dịch của Đào Hùng, trang 92 Tạp chí Nghiên cứu và phát triển số 4 (34)-2001, tại Quảng Nam loại nhà này cũng được làm bằng gỗ với các cột đều kê trên đá tảng, ở vùng thấp lụt nhà thường có một sàn gỗ lắp đặt trên trính của gian giữa hoặc hai gian đầu hồi là một phần gác nhỏ làm nơi chứa đồ (chủ yếu lương thực) để tránh lũ gọi là Rầm thượng, hình thức giống như cái hòm, cái rương mà Pierre Gourou đã mô tả. Một số nhà ở Nông Sơn cũng gọi là nhà rương. Khi trao đổi với ông Nguyễn Hữu Thông, nhà nghiên cứu văn hoá Huế, có thể Pierre Gourou đã nhầm phát âm Rương và Rường ở vùng Quảng Trị. Tương tự, ở Quảng Nam khi ông đến ngôi làng ở mỏ than Nông Sơn (nay là huyện Nông Sơn), bắt gặp loại kiến trúc này ông cũng gọi là nhà Rương, trong khi đó người địa phương gọi là Rường(4).
PGS Nguyễn Khắc Tụng cũng cho biết “hai vì kèo nhà rường có 4 cột hoặc 6 cột cột cái liên kết nhau bằng cái trếng” (Bắc Quảng Nam gọi là “trính”, Nam Quảng Nam gọi là “tránh” – tác giả).Vị trí trếng thấp hơn câu đầu nhà ở miền Bắc, và cái dầm ngang này được người Nguồn (dân tộc Mường) ở vùng núi Quảng Bình gọi là rường (xem ảnh 3,4,5). Trong tháng 5/2010, tôi đã đến vùng núi xã Qui Hóa, huyện Minh Hóa tìm hiểu những thông tin của PGS Tụng cung cấp. Đúng như những mô tả, tại đây trong cấu kiện làm nhà có những chi tiết như rường đuôi teo, rường cánh (5)… (xem Nhà Ở Cổ Truyền các Dân Tộc Việt Nam, tập 1, sđd). Kết hợp thông tin của GS Nguyễn Bạt Tụy, gọi là nhà rường chỉ giới hạn đến vùng Quảng Bình, Hà Tĩnh mà thôi. Vài thông tin của những người bạn nghiên cứu rõ thêm từ Ruong/Rường trong tiếng Mã Lai là một đơn vị, còn tiếng Thái là “nhà”. Điều này cho ta suy ngẫm đến một sự hoàn chỉnh, chặt chẽ trong liên kết… được gọi gọn như cái rương cũng có lý nhưng ý nghĩa rộng hơn là kỹ thuật được nâng cao trong cách làm nhà. Chữ rường người miền Trung thường dùng với nghĩa là ràng lại, buộc lại. Trong từ ngữ Việt Nam có câu: “Thanh niên là rường cột nước nhà”.
Vậy từ một kỹ thuật dựng nhà đơn giản ban đầu (cột chôn xuống đất) đến kỹ thuật phức tạp hơn (cột không cần chôn xuống đất) là một bước tiến trong kỹ thuật dựng nhà ở miền Trung. Với kỹ thuật chôn cột lúc ban đầu, ngôi nhà dễ bị hỏng, mặt bằng sinh hoạt bị bó hẹp do nhiều cột. Vì vậy, để tăng tính thẩm mỹ và tạo thế vững vàng cho những cây cột, người xưa đã nâng lên kỹ thuật cao bằng giải pháp liên kết các cột với nhau bằng xà, xuyên (thượng, hạ) và trốn cột. Vậy ở phố cổ Hội An có kiểu nhà rội/rọi không? – Tôi chắc chắn là có. Trong thời gian đầu xây dựng thương cảng, những hàng quán, kho chứa… phải xây dựng bằng vật liệu đơn giản như tre gỗ làm thân nhà, mái lợp tranh lá bắt buộc các cột phải chôn xuống đất. Trong năm 2007 – 2008, khi lắp đặt hệ thống thoát nước ở các con đường chính của phố cổ, công trình phải tạm dừng để các nhà khảo cổ tìm hiểu các kiến trúc sớm hơn nằm bên dưới, những phát hiện như rãnh thoát nước, cọc gỗ, vách ván kè bờ sông… còn có dấu hiệu cột gỗ chôn của công trình kiến trúc (xem ảnh 6) (do phải trả lại mặt bằng sớm mà thời gian và vị trí không thể tìm hiểu kỹ các kiến trúc bị vùi lấp này). Bức “Giao chỉ Quốc Mậu dịch độ hải đồ’ của Chaya Shinroku, bức bình phong hiện lưu giữ ở chùa Jomyo, TP Nagoya đã vẽ phố cổ Hội An vào đầu thế kỷ thứ 17, ngoài những kiến trúc hai tầng ta thấy có những hàng quán một tầng đều lợp tranh lá thì chắc chắn đây có kiến trúc kỹ thuật rội, chân cột phải chôn xuống đất (xem ảnh 7).
Nên lưu ý rằng kỹ thuật nhà rội xuất hiện sớm, nhưng sau này người nghèo vẫn sử dụng nên có những ngôi nhà gỗ trong điều kiện thiếu gỗ người ta vẫn có cơ hội làm nhà nhờ sử dụng kiểu thức kết cấu này. Người Quảng Nam ví von: “Nhà người giàu vì có chuồng Trâu rường (cột được kê trên đá)”.
Cuối cùng, việc tìm hiểu tên gọi, kiểu, loại, kỹ thuật kết cấu, cấu kiện… khá phức tạp về cách phát âm của từng vùng, lẫn ngữ nghĩa… Việc này rất cần sự giúp đỡ của các nhà ngôn ngữ học.
Nguyễn Thượng Hỷ
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 08-2022)
Chú thích:
(*)sẽ dành một bài về kiến trúc này trong số khác.
1) Các kiến trúc nhà ở của Việt Nam chủ yếu có hai kỹ thuật chịu lực
– Chịu lực trên cột (cột chôn xuống đất hay cột có đế)
– Chịu lực trên thân tường là chính như nhà của các dân tộc vùng Tây Bắc như Hà Nhì, Mông… ta gọi là nhà trình tường. Nếu phân chia loại nhà theo các nhà nghiên cứu Nhật Bản, nhà dân gian truyền thống ở Huế có ba loại: Nhà Rường, nhà Rọi, và nhà Phố. Cách chia này là không hợp lý, bởi lẽ về phương diện kỹ thuật học thì việc phân loại nhà Rường, Rọi là đúng nhưng thêm nhà phố thì lẫn lộn qua vị trí nhà và công năng sử dụng. Nhà phố ở nội và ngoại thành cũng gọi là nhà Rường. Ở thành phố Huế có nhiều nhà rường đã từng tồn tại ở phố Phan Bội Châu (nay là Phan Đăng Lưu), Chi Lăng, Bạch Đằng, Huỳnh Thúc Kháng Mai Thúc Loan., nay chỉ còn một vài nhà.
2) Nơi này thời gian sau được sử dụng làm nơi chữa bệnh và nghỉ ngơi của các cung nữ bị bệnh nặng
3) Loại kiểu thức nhà có cột giữa đâm lên đỡ vì kèo nóc ở vị trí giao nguyên, miền Bắc gọi là kèo nọc ngựa khá phổ biến ở nhà tre ở Huế (xem ảnh A) và nhà võ cua ở phía trước;các ngôi nhà gỗ ven bờ biển vùng huyện Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành – Quảng Nam (xem ảnh B); tôi chưa thấy ở Quảng Ngãi; tại Bình định xuất hiện ở huyện Phù Mỹ (xem ảnh C); đi xa hơn ở huyện Diên Khánh lại phổ biến; xa nhất tận vùng Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang lại xuất hiện khá rõ nét (xem bản vẽ A)
4) Một loại nhà được kết hợp giữa Rương và Rọi Pierre Gourou gọi là thượng Rương hạ Rọi “… Phần phía trên giống nhà rương và phía dưới giống nhà rọi .Thật vậy,một ngôi nhà được vẽ tại Di Luân (Di Loan), gần cửa Tùng,được dựng đúng như một nhà rọi,nghĩa là dựng trên cột giữa,nhưng cột giữa này được xuyên qua một quá giang lớn cắt ngang các thanh kèo,chứ không dựa trên đầu hai cột ngang …” (dịch của Đào Hùng sđd). Ở Quảng Nam thì ngược lại, nhà bà Bùi Thị Phương, thôn Cổ Linh, xã Bình Sa, huyện Thăng Bình hay nhà anh Nguyễn Văn Mười, thôn Qúi Thượng, xã Tam Phú, TPTam Kỳ có cột giữa vươn tới nóc (gọi là kiểu xuyên tâm) còn thanh trính chỉ ngắn một đoạn nối cột giữa với cột nhì hậu, kiểu này GS Nguyễn Bạt Tụy gọi là tam sơn (xem bản vẽ B). Nhưng nhà này cột kê trên đá (yếu tố rường) còn phần trên cột đến nóc (yếu tố rội) nên tôi tạm gọi là thượng rội hạ rường. (xem ảnh C). Ngoài ra, ở Quảng Trị bà Nguyễn Thị Nương, cán bộ Bảo Tàng tỉnh còn phát hiện một kiểu nhà đặc biệt gọi là rường vơ, ở Vĩnh Thái, Vĩnh Trung, huyện Vĩnh Linh, kiến trúc này xem như trước rường sau rội . Theo bà Nương giải thích thì phần kèo hậu theo kiểu kèo luôn (suốt) để tạo không gian thờ, phần kèo tiền kiểu chồng (chuyền) nối nhau với nhu cầu mở không gian sinh hoạt ở phía trước, kiểu nhà này vượt xa kiểu nhà rội nhưng chưa đạt độ kỹ thuật, mỹ thuật nên gọi là vơ.
5) Cần lưu ý các ngôi nhà dân gian từ Hà Tỉnh,Quảng Bình vào Nam không có cấu kiện nối trên đầu hai cột cái (tiền và hậu)như Pierre Gourou đã nhận xét, gọi là câu đầu phổ biến ở phía Bắc. Nhưng kết cấu nối hai cột này thấp hơn đầu cột từ khoảng 50cm đến 80cm không gọi là quá giang vì chỉ kết thúc ở phía đuôi hai cột cái có cái khóa chốt giữ hoặc chỉ tiếp tục ăn đỡ và bụng kèo của cột hàng nhì (cột quân). Tên gọi cấu kiện này là rường (người Nguồn), trếng(Quảng Trị, Huế),trính /tránh (Quảng Nam) và tiếp tục lập lại tên gọi này ở phía Nam.
Tài liệu tham khảo
– Nhà Lá Mái ở Quảng Nam, cùng tác giả, đăng trên tạp chí Văn hoá Quảng Nam, 2003.
– Nhà ở dân gian cổ truyền Quảng Nam, cùng tác giả, đăng trên Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, số 9/2004.
– Đọc bản dịch của Đào Hùng từ tạp chí Nghiên cứu và Phát triển Huế, số 4 (34)-2001 và số 2 (36) 2002 dịch từ tác phẩm Esquisse d’etude de l’habition Annamie (phác thảo nghiên cứu về nhà Việt Nam) của Pierre Gourou;
– Những ngôi nhà xưa ở Quảng Nam, Nguyễn Bạt Tụy, Văn Hoá Nguyệt San số 59 Sài Gòn 1961;
– Nhà ở cổ truyền các dân tộc Việt Nam, PGS Nguyễn Khắc Tụng, Tập 1, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, trung tâm nghiên cứu kiến trúc, Đại học Kiến Trúc Hà Nội,1994;
– Nhà ở cổ truyền người Việt tại Quảng Nam, Kỷ yếu trung tâm bảo tồn di sản di tích Quảng Nam, 2008;
– Kiến trúc và khí hậu nhiệt đới Việt Nam, Viện Nghiên Cứu Kiến Trúc, NXB Xây Dựng Hà Nội, 1997;
– Tìm hiểu Kiến trúc Dân gian của người Việt ở Quảng Trị, Đề tài nghiên cứu cấp tỉnh của bà Nguyễn Thị Nương, cán bộ Bảo Tàng tổng hợp Quảng Trị, 2006;
– Phố cổ Hội An – Việc giao lưu Văn hóa ở Việt Nam, TS Nguyễn Quốc Hùng, NXB Đà Nẵng, 2004.
The post Đôi điều về các kiểu nhà truyền thống ở miền Trung Việt Nam appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
Nhận xét