Với triết lý hoà vào thiên nhiên, lấy thiên nhiên làm chủ đạo, các công trình chùa Việt có kiến trúc khiêm tốn, quy mô vừa phải, hài hoà với cảnh quan thiên nhiên cũng như cảnh quan làng xã. Mối quan hệ giữa các ngôi chùa với khu vực dân cư lân cận là mối quan hệ thuộc về tôn giáo, tâm linh – Ngôi chùa không chỉ là nơi hành trì của giới tăng ni mà còn là nơi người dân tới để cầu an, tu tập và hướng thiện. “Mái chùa che chở hồn dân tộc – Nếp sống muôn đời của tổ tông” – Từ lâu không gian các ngôi chùa được coi là không gian thiêng trong lòng cá quần cư làng xã của cư dân Đại Việt. 

Kiến trúc chùa Việt cũng như các công trình truyền thống khác, được biết đến với đặc điểm chính là hệ kết cấu gỗ khá khuôn mẫu, với không gian bên trong nhiều cột, khẩu độ vừa phải… Chùa không chỉ dừng lại là nơi thờ Phật mà còn là nơi những nhà tu hành tương tác với đại chúng đối diện với những vấn đề đương đại, hướng tới lối sống tốt đời đẹp đạo. Kết cấu chùa truyền thống dường như không còn phù hợp cho thể loại công trình này trong đời sống hiện đại. Chính vì vậy, hiện nay, những không gian như Nhà giảng đường, nhà niệm Phật đường, thiền đường ở nhiều nơi với qui mô sức chứa hàng trăm người đang dần hình thành trong các không gian chùa truyền thống.

Hạng mục Nhà Giảng đường Chùa Phúc Sơn tại Cao Xá, Tân Yên, Bắc Giang do Công ty Tư vấn Thiết kế Xây dựng Công trình văn hóa Tâm Việt thiết kế đã dung hòa được các yếu tố truyền thống và hiện đại tại ngôi chùa này. Nhà Giảng đường đáp ứng nhu cầu sử dụng đa chức năng, trang bị kỹ thuật AV hiện đại và sử dụng kết cấu, vật liệu mới, nhưng kiến trúc vẫn hài hòa với tổng thể Di tích Văn hoá Lịch sử chùa Phúc Sơn với mức đầu tư không lớn. 

Các KTS tại Công ty Tâm Việt đã lựa chọn giải pháp kết cấu móng bê tông cốt thép, cột – kèo thép tiền chế cho yêu cầu không gian rộng thoáng mà vẫn đảm bảo an toàn và tính ổn định cho toàn bộ công trình. Các thông số kỹ thuật của loại ngói thực thực tế lựa chọn, hệ xà gồ tương ứng, tải gió địa phương, hệ trần treo, hoạt tải sửa chữa… được đưa vào tính toán trên phần mềm để có lựa chọn tối ưu.

Ngoài không gian chỗ ngồi đa năng, công trình giảng đường được bố trí đầy đủ các hạng mục sân khấu, phòng kỹ thuật với hệ thống âm thanh, hình ảnh hiện đại. Mặc dù áp dụng các giải pháp mới, ưu điểm tiết kiệm năng lượng bằng các giải pháp truyền thống vẫn được áp dụng triệt để như thông gió tự nhiên cho khoảng áp mái và sát trần, hiên rộng bao quanh, tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên… giúp công trình có được tiện nghi sử dụng cao.

Công trình đã đáp ứng được đòi hỏi công năng đặt ra, phần còn lại khó nhất chính là khả năng hòa nhập với tổng thể các công trình kiến trúc truyền thống xung quanh. KTS đã phân tích quy hoạch tổng thể dự án, khả năng đáp ứng của nhà thầu, vật tư sẵn có… để lựa chọn các giải pháp triển khai:

  • Chọn vị trí đặt hạng mục giảng đường ở cốt thềm thấp, có vị trí tiệm cận lối vào chính và sân lớn thuận lợi cho các hoạt động đại chúng, giữ được khoảng cách phù hợp với các công trình truyền thống;
  • Ngôn ngữ kiến trúc tổng thể theo nguyên tắc truyền thống với hệ 2 lớp mái dốc lợp ngói ceramic tráng men chống rêu mốc, phần hiên rộng bao quanh với hàng cột và hệ cửa mở rộng giúp lấy sáng cách nhiệt cũng như hạn chế nắng mưa hiệu quả;
  • Vật liệu hoàn thiện cột, tường, vách, trần sử dụng kết hợp tấm ốp nhôm và gỗ nhựa composite phù hợp với hệ xương thép, có độ bền màu cao với thời tiết, chống cháy và co ngót, ẩm mốc… vượt trội nhưng vẫn mang thẩm mỹ hài hòa với vật liệu tự nhiên;
  • Các yếu tố trang trí mang văn hóa truyền thống được lựa chọn áp dụng tạo những điểm nhấn đáng chú ý cho công trình: họa tiết hoa sen dập nổi trên tầm trần nhôm trung tâm; lối vào chính được tạo hình lá đề với họa tiết mây lửa bao quanh; hệ cửa nhôm vân gỗ, kính hộp có hoa văn triện cách điệu, chuỗi xích- cốc thoát nước mưa bằng đồng mỹ thuật thay cho ống tròn…

Công trình nhà Giảng đường chùa Phúc Sơn đang từng ngày phục vụ nhân dân và Phật tử trong các hoạt động khoá tu ngắn dành cho Phật tử, học sinh, các buổi thuyết pháp, các sự kiện hoa đăng…. Quy mô công trình đủ lớn đáp ứng được nhu cầu sử dụng nhưng vẫn có sự khiêm tốn về vị trí, tầm nhìn và đạt được sự hài hòa với tổng thể DTLS chùa Phúc Sơn. Thực tế trong bối cảnh xã hội đương đại, do nhu cầu mới phát sinh, không thể tránh khỏi quy luật đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Nhiệm vụ của các KTS là phải tạo dựng các không gian đó đáp ứng tốt với nhu cầu chức năng mới và bố cục tổng thể hợp lý, đủ khoảng cách ly với khu vực các hạng mục truyền thống và đảm bảo hài hoà cảnh quan chung để mang đậm tính kế thừa và phát triển.

Công trình: Nhà giảng đường chùa Phúc Sơn, Cao Xá, Tân Yên, Bắc Giang Đơn vị TVTK: Công ty TNHH Tư vấn Thiết kế và Xây dựng công trình văn hoá Tâm Việt

Công ty TNHH Tư vấn Thiết kế và Xây dựng Công trình Văn hóa Tâm Việt được thành lập năm 2010. Với đội ngũ các KTS trẻ, năng động, nhiệt huyết và đặc biệt say mê giá trị kho tàng kiến trúc cổ Việt Nam. Tâm Việt đã có gần 15 năm hoạt động trong lĩnh vực tư vấn thiết kế, xây dựng các công trình văn hóa, di tích lịch sử trên cả nước, tập thể công ty đã khẳng định được thương hiệu với các chủ đầu tư, và được ghi nhận qua các dự án đã được triển khai như: Công trình Mái che hiện vật ngoài trời khu du tích Điện Biên Phủ; Đền thờ chủ tịch Hồ Chí Minh tại quảng trường Hoàng Diệu, TP Thái Bình; Cải tạo nâng cấp và mở rộng bảo tàng Quang Trung Bình Định; Chùa Trúc Lâm Bản Giốc tỉnh Cao Bằng; Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế…

  • Địa chỉ: Tầng 1, Tòa CT2, Tòa nhà Văn phòng số 536 Minh Khai, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
  • Website:kientructamviet.com.vn

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2023)

The post Nhà giảng đường chùa Phúc Sơn Cao Sơn, Tân Uyên, Bắc Giang appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.