Dưới sự tham vấn của các chuyên gia Pháp và các đơn vị tư vấn địa phương, đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Mù Cang Chải đã được nghiên cứu với tinh thần tích hợp hướng tới mục tiêu phát triển cân bằng và bền vững, phù hợp và kế thừa các quy hoạch ngành Quốc gia, Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được phê duyệt theo Quyết định số 1086/QĐ-TTg ngày 18/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ) và các quy hoạch tại địa phương. Đồ án quy hoạch là cơ sở để định hướng phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là chiến lược phát triển du lịch và quảng bá thương hiệu Mù Cang Chải; tạo điều kiện thu hút đầu tư vào các dự án phát triển hạ tầng, đô thị và du lịch trên địa bàn huyện; nhằm sớm đưa huyện Mù Cang Chải trở thành huyện tiêu biểu về phát triển du lịch bền vững của tỉnh Yên Bái trong tương lai.
Di sản ruộng bậc thang: Chứng nhân của quá trình chinh phục thiên nhiên bằng bàn tay con người
Theo huyền sử Tây Bắc, cách đây hơn bốn thế kỷ, các dân tộc Mông, Dao, La Chí… đã di cư lên Tây Bắc khai khẩn, định cư. Tại bốn thung lũng lớn của vùng Tây Bắc có các dân tộc bản địa như Thái, La Ha sinh sống. Vì vậy, họ chọn những dãy núi như Khau Phạ (Mù Cang Chải – Yên Bái), Hoàng Liên Sơn (Sa Pa – Lào Cai), Tây Côn Lĩnh (Hoàng Su Phì – Hà Giang), nơi có độ cao từ 1.000 – 1.600m so với mực nước biển để xây dựng bản làng.
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải gắn liền với đời sống, tập tục của người Mông. Ở vùng cao, dốc, thiếu những mảnh ruộng bằng phẳng để canh tác, đồng bào Mông đã tận dụng từng mảnh ruộng nhỏ được vỡ ra ở từng ngọn núi có độ cao từ 800 – 1.700m, cùng với việc nương nhờ vào thiên nhiên để sinh tồn, vô tình đồng bào ở đây lại trở thành những “người nghệ sĩ” tạo nên một “tác phẩm nghệ thuật” hùng vĩ giữa núi non đại ngàn.
Năm 2021, ruộng bậc thang Mù Cang Chải chính thức được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt, cũng như việc từng vào “Top 20 điểm đến sắc màu nhất thế giới” đã đem đến danh tiếng cho vùng đất này. Tuy nhiên, xét trên khía cạnh kinh tế nông nghiệp, với quy mô diện tích nhỏ hẹp, kỹ thuật canh tác cổ xưa, thiếu đổi mới về giống, loại hình này mang lại giá trị kinh tế thấp, và chỉ có thể phục vụ nhu cầu lương thực cục bộ tại địa phương.
Nghịch lý của Mù Cang Chải – một điểm đến nổi tiếng thế giới cũng là một trong 56 huyện nghèo nhất cả nước (theo Quyết định số 275/QĐ-TTg) đã đặt ra thách thức ngày càng lớn đối với công tác hoạch định phát triển: Làm thế nào để vừa bảo tồn di sản cảnh quan – nông nghiệp ngàn năm này vừa kiến tạo các dư địa mới để đón đầu các xu hướng phát triển trên thế giới?
Một tương lai thịnh vượng hay sự đánh đổi bản sắc?
Làm thế nào để các cộng đồng địa phương vươn lên, khởi nghiệp và chung sống thịnh vượng trên chính quê hương của mình? Không chỉ là những người vun đắp giá trị, cộng đồng các dân tộc ở đây cũng chính là nguồn lực nội tại để thúc đẩy phát triển lãnh thổ. Khi thu nhập xã hội gia tăng, các cộng đồng địa phương dễ tổn thương thường bị “nghèo hóa” và cô lập khỏi sự phát triển chung. Sự xâm nhập của các văn hóa ngoại lai – “Bảo tồn trong lồng kính” hay “trình diễn văn hóa” khiến các giá trị ngàn năm bị tách khỏi đời sống thường nhật. Do đó, thóat nghèo bền vững, phát triển kinh tế địa phương luôn là mục tiêu hàng đầu trong các chiến lược phát triển vùng nói chung và Mù Cang Chải nói riêng.
“Mù Cang Chải đang đứng trước sự lựa chọn sống còn”
Ngày hôm nay, mong muốn phát triển kinh tế – xã hội để nâng cao đời sống, để tiếp cận những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới không chỉ là nhu cầu cấp thiết, mà còn là sự lựa chọn sống còn, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao. Hơn lúc nào hết, việc tìm kiếm lối đi riêng trong phát triển lãnh thổ lại trở nên khó khăn như hiện nay, bởi việc lựa chọn mô hình phát triển phải cùng lúc đối mặt nhiều thách thức trong lưu giữ những di sản ngàn năm – điều mà không ít đô thị du lịch tại Việt Nam đang phải hối tiếc…
Nhu cầu phát triển kinh tế tốc độ cao trong bối cảnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa có nguy cơ dẫn đến sự đánh đổi môi trường và bản sắc cộng đồng các dân tộc – vốn là các giá trị không thể khôi phục lại được và thường để lại nhiều hối tiếc cho tương lai. Các hệ quả ngày càng rõ nét sau quá trình phát triển nóng của các đô thị có tính chất tương đồng như Đà Lạt, Sa Pa… nhiều khả năng sẽ là bài toán Mù Cang Chải cần giải quyết trong tương lai. Bên cạnh đó, diễn biến gần như không thể đảo ngược của thiên tai, biến đổi khí hậu và sự nóng lên toàn cầu, cùng các tác động nhân tạo không được cảnh báo trước (như hoạt động khai thác thượng nguồn, các sự cố môi trường nằm ngoài phạm vi lãnh thổ) đã và đang làm thay đổi nhanh chóng các điều kiện và quy luật tự nhiên – vốn là nền tảng của mọi hoạt động phát triển lãnh thổ.
Các viễn cảnh này có thể là không thể tránh khỏi trong quá trình phát triển, nhưng cũng đồng thời là hồi chuông báo về một thời điểm mà chúng ta cần nhìn lại mô hình phát triển, đặc biệt là đối với các đô thị đang còn “ngủ yên”.
Khai thác danh tiếng để phát triển hay định hình một hướng đi riêng?
Trong bối cảnh bất định và biến đổi không ngừng của toàn cầu hóa, cách mạng công nghệ cũng như biến đổi khí hậu, bất kỳ quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nào cũng đang đứng trước những cơ hội song hành với thách thức to lớn cho chặng đường phát triển sắp tới. Việc xác định một chiến lược dài hạn ít hối tiếc sẽ không những giúp địa phương rút ngắn khoảng cách phát triển, mà còn có khả năng tạo ra những vận hội và vị thế mới. Chưa lúc nào việc tìm kiếm lối đi riêng trong phát triển lãnh thổ lại trở nên khó khăn như hiện nay, bởi việc lựa chọn mô hình phát triển phải cùng lúc đối mặt nhiều thách thức trong lưu giữ những di sản ngàn năm – điều mà không ít đô thị du lịch tại Việt Nam đang phải hối tiếc…
Đồ án mong muốn hướng đến việc đề xuất một mô hình tổ chức không gian phát triển lãnh thổ cân bằng giữa gìn giữ và khai thác, cộng sinh giữa bảo tồn và phát triển, nhân văn trong sự giao hòa văn hóa địa phương và toàn cầu, bền vững trong kinh tế.
Lấy Kinh tế du lịch làm chất kết dính cho sự phát triển hiệp đồng của không gian lãnh thổ
Phát triển du lịch không phải là đích đến, mà chúng tôi cố gắng sử dụng kinh tế du lịch làm chất kết dính cho một sự phát triển bền vững giữa thiên nhiên và con người, qua đó lưu giữ và bảo tồn các giá trị di sản ngàn năm của Mù Cang Chải. Với slogan “Mù Cang Chải – Đến những tầng mây: Đổi mới và trải nghiệm”, huyện Mù Cang Chải hướng tới trở thành huyện du lịch tiêu biểu, phát triển bền vững của tỉnh Yên Bái; là huyện có nền kinh tế nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ du lịch, văn hóa, xã hội phát triển ổn định, bền vững; đời sống vật chất, tinh thần người dân, dân trí ngày một nâng cao; tiên tiến, đậm đà, giữ vững và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống; là một cấu phần năng động, đóng góp hiệu quả cho nền kinh tế – văn hóa – xã hội của tỉnh Yên Bái; gắn kết chặt chẽ với đảm bảo an ninh quốc phòng.
Quy hoạch vùng huyện Mù Cang Chải đến năm 2030: Thu hẹp khoảng cách để hướng tới các mục tiêu phát triển công bằng và hài hòa
Sử dụng du lịch để quảng bá thương hiệu lãnh thổ. Khi được phát triển mạnh mẽ, danh tiếng du lịch trong nước và quốc tế – với tất cả các động lực và giá trị mang lại cho mọi lĩnh vực, là nguồn lực đáng kể giúp tái cấu trúc kinh tế (nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ), nâng cao đời sống cho người dân địa phương, và hoàn thiện cơ sở hạ tầng (trung tâm đào tạo nghề, cơ sở y tế, văn hóa, thể dục thể thao, đường sá, cấp điện, cấp nước…). Một mạng lưới hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hiệu quả phục vụ nhu cầu của tất cả mọi người – cộng đồng dân cư lẫn khách du lịch giúp kiến tạo chất lượng không gian lãnh thổ, mà đích đến sau cùng là cuộc sống hạnh phúc và thịnh vượng của người dân.
Với quan điểm thóat nghèo bền vững và không đánh đổi sự phát triển bằng mọi giá, vùng huyện Mù Cang Chải cần xây dựng một quy hoạch không gian tổng thể có tầm nhìn chiến lược rõ ràng gắn liền với hệ thống mục tiêu và chương trình hành động khả thi. Một định hướng phát triển dài hạn lấy du lịch làm trọng tâm sẽ giúp vùng huyện Mù Cang Chải có thể cùng lúc thúc đẩy 04 trọng tâm:
- Một hệ sinh thái kinh tế xanh: Nông nghiệp hữu cơ gắn với đặc sản địa phương, công nghiệp sạch với quy mô vừa và nhỏ, dịch vụ du lịch hướng đến các thị trường tiểu ngạch;
- Quảng bá thương hiệu và đặc trưng lãnh thổ;
- Cải thiện dân trí và chất lượng nguồn nhân lực, rút ngắn khoảng cách phát triển
- Bảo tồn các giá trị cảnh quan, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Định vị thương hiệu du lịch đột phá để chuyển đổi các yếu tố bất lợi thế thành giá trị cạnh tranh
Phát triển du lịch không phải là đích đến, mà chúng tôi cố gắng sử dụng kinh tế du lịch làm chất kết dính cho một sự phát triển bền vững giữa thiên nhiên và con người, qua đó lưu giữ và bảo tồn các giá trị di sản ngàn năm của Mù Cang Chải. Khi được phát triển mạnh mẽ, du lịch – với tất cả các động lực và giá trị mang lại cho mọi lĩnh vực, là nguồn lực đáng kể giúp tái cấu trúc và hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Một mạng lưới hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hiệu quả phục vụ nhu cầu của tất cả mọi người – cộng đồng dân cư lẫn khách du lịch giúp kiến tạo chất lượng không gian lãnh thổ, mà đích đến sau cùng là cuộc sống hạnh phúc và thịnh vượng của người dân.
Thông qua cách tiếp cận đó, chúng tôi định vị thương hiệu du lịch Mù Cang Chải gắn với 05 sản phẩm du lịch chính: Du lịch nghỉ dưỡng – thiền, du lịch văn hóa cộng đồng, du lịch từ trên cao, du lịch mạo hiểm, du lịch số hóa và quảng bá lãnh thổ. Đây được xem là 05 nhân tố bản lề cấu trúc nên hệ sinh thái kinh tế xanh lấy du lịch làm trọng tâm của huyện Mù Cang Chải trong tương lai. Trong đó, khai thác giá trị cảnh quan du lịch từ trên cao thông qua các phương thức di chuyển mới là một nhân tố đột phá của đồ án, qua đó khắc phục được những hạn chế tiếp cận về hạ tầng giao thông đường bộ và đường thủy hiện tại. Đây sẽ là lĩnh vực cung cấp trải nghiệm du lịch khác biệt, có sức cạnh tranh mạnh mẽ thông qua đa dạng các loại hình: Trực thăng, khinh khí cầu, dù lượn, máy bay không người lái,… hướng tới các thị trường du lịch ngách, phù hợp với xu hướng thế giới. Đồng thời, cách tiếp cận này cũng góp phần nâng cao hiệu quả cho các hoạt động giám sát, cứu hộ, nghiên cứu, quan trắc,… phục vụ bảo tồn và phục hồi môi trường.
Đồ án xác định 05 tiểu vùng phát triển, bao gồm: Tiểu vùng 1: Trung tâm dịch vụ đô thị (TT. Mù Cang Chải, xã Kim Nọi); Tiểu vùng 2: Vùng kinh tế năng lượng (xã Hồ Bốn, xã Lao Chải, xã Khao Mang); Tiểu vùng 3: Vùng bảo tồn đa dạng sinh học và dự trữ sinh quyển (xã Chế Tạo); Tiểu vùng 4: Vùng trọng điểm phát triển du lịch – nghỉ dưỡng tự nhiên (xã La Pán Tẩn, xã Dế Xu Phình, xã Púng Luông, xã Nậm Khắt, xã Cao Phạ); Tiểu vùng 5: Vùng kinh tế nông – lâm nghiệp đặc sản (xã Mồ Dề, xã Chế Cu Nha, xã Nậm Có). Mỗi tiểu vùng đều được xác định cụ thể về quy mô, tính chất, các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn và danh mục dự án chiến lược.
Định hướng phát triển lãnh thổ gắn với phát triển du lịch, đồ án cũng đã xác định 36 phương hướng thúc đẩy quá trình hiện thực hóa, bao quát tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, du lịch và môi trường để làm nền tảng cho khung định hướng phát triển không gian vùng. Trong đó nổi bật 06 dự án chiến lược mang tính đột phá tạo ra lợi thế cạnh tranh và khẳng định thương hiệu quốc tế cho Mù Cang Chải, bao gồm: Bảo tàng tự nhiên – văn hóa Mù Cang Chải, Sân bay trực thăng Mù Cang Chải, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp động vật hoang dã, Trung tâm quan trắc – nghiên cứu khí hậu và cảnh báo thiên tai, Trung tâm huấn luyện thể dục thể thao mạo hiểm Việt Nam, và Trung tâm chế biến nông – lâm sản và nghiên cứu phát triển nông nghiệp vùng cao.
Bên cạnh đó, đồ án cũng đã nghiên cứu phương hướng phát triển cho các ngành có lợi thế của huyện, định hướng phát triển hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, cũng như hoàn thiện Đánh giá môi trường chiến lược theo đúng quy định.
Dưới sự tham vấn của các chuyên gia Pháp và các đơn vị tư vấn địa phương, đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Mù Cang Chải đã được nghiên cứu với tinh thần tích hợp hướng tới mục tiêu phát triển cân bằng và bền vững, phù hợp và kế thừa các quy hoạch ngành Quốc gia, Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được phê duyệt theo Quyết định số 1086/QĐ-TTg ngày 18/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ) và các quy hoạch tại địa phương. Đồ án quy hoạch là cơ sở để định hướng phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là chiến lược phát triển du lịch và quảng bá thương hiệu Mù Cang Chải; tạo điều kiện thu hút đầu tư vào các dự án phát triển hạ tầng, đô thị và du lịch trên địa bàn huyện; nhằm sớm đưa huyện Mù Cang Chải trở thành huyện tiêu biểu về phát triển du lịch bền vững của tỉnh Yên Bái trong tương lai.
KTS. Trần Hữu Hoàng Phú – ThS. KTS. Phạm Tuấn Nam
Công ty TNHH TV-TK-XD Không gian Kiến trúc Quốc tế (EAI VN)
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2023)
The post Quy hoạch vùng huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái: Nắm bắt cơ hội để viết tiếp câu chuyện di sản ngàn năm appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
Nhận xét