Trong lịch sử phát triển xây dựng miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng, mô hình khu ở đã xuất hiện từ trước những năm 1954. Tuy nhiên, kể từ năm 1954, sau khi người Pháp rút khỏi, miền Bắc Việt Nam bước vào một giai đoạn phát triển mới theo đường lối XHCN.
Thủ đô Hà Nội được xem là thành phố (TP) tiên phong trong việc thực hiện các nhiệm vụ chiến lược, đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, khôi phục đất nước sau chiến tranh, xây dựng CNXH, thực hiện công cuộc đổi mới, phát triển thì nhiệm vụ chăm lo đời sống, tạo lập chỗ ở mới cho nhân dân được chính quyền hết sức quan tâm. Điều này thể hiện sự quyết tâm của Đảng và nhà nước đối với việc chăm sóc nhà ở và phúc lợi cho người dân.
Tại Hà Nội, các khu ở được phát triển mạnh mẽ dưới tên gọi nhà tập thể. Đặc biệt từ đầu những năm 1960 đến cuối những năm 1980 và dư âm sang đầu những năm 1990, công tác đầu tư xây dựng các khu tập thể (KTT), được triển khai mạnh mẽ, bài bản theo phương thức Nhà nước trực tiếp thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách đã tạo ra nhiều KTT quy mô, hiện đại. Ngoài một số nhà tập thể đơn lẻ độc lập phân bố rải rác trên địa bàn thành phố, các KTT cũ chủ yếu tại các quận nội thành và nội đô lịch sử như Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, tập trung trong các khu ở được tổ chức không gian theo mô hình tiểu khu nhà ở như hình mẫu một số nước trên thế giới đã thực hiện trước đó. Trong giai đoạn này, mô hình xây dựng các nhà tập thể đã đóng góp, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, của Hà Nội trong thời kỳ lịch sử nhất định.
Từ năm 1970, các KTT được xây dựng với quy mô trung bình từ 3-25 ha với các dãy nhà từ 4-6 tầng, phân bố chủ yếu tại vành đai 2 và 3 của TP như các khu: Trung Tự, Giảng Võ, Thành Công, Bách Khoa, Ngọc Khánh, Khương Thượng. Mô hình quy hoạch Khu ở thời kỳ này đã hoàn chỉnh hơn, tạo nên các đơn vị ở khép kín với đầy đủ các dịch vụ công cộng phục vụ người dân như nhà trẻ, trường học, cửa hàng dịch vụ thương nghiệp. Các KTT này thiết kế với số dân trung bình từ 7.500-10.000 người, đã đạt được rất tốt các tiêu chí về không gian cây xanh, sinh hoạt công cộng, dịch vụ xã hội cũng như khả năng giao tiếp cộng đồng trong không gian đô thị.
Sau năm 1980 mô hình xây dựng các khu ở hoàn chỉnh này tiếp tục được áp dụng với quy mô đất lớn hơn từ 25-50 ha, trong đó bao gồm phát triển tiếp các KTT đã được xây dựng từ cuối thập kỷ 70 và đồng thời phát triển thêm một số khu mới như Thanh Xuân, Nghĩa Đô, Kim Giang… Các Khu ở thời kỳ này thường có mật độ xây dựng trung bình thấp (25%), các dãy nhà thấp tầng( 4-6 tầng) thông thường được thiết kế theo kiểu hành lang bên và bố trí song song theo hướng Đông – Tây để tránh nắng với khoảng cách giữa các dãy nhà tương đối lớn (2H), thuận lợi cho việc thông gió và chiếu sáng cho các căn hộ… Mạng lưới giao thông nội bộ Khu ở được thiết kế rộng rãi và kết nối thuận tiện với mạng lưới giao thông chung của Thành phố.
Hình thức kiến trúc của các KTT thường có đặc điểm với hình khối đơn giản, các chi tiết mặt đứng công trình như cửa sổ, hành lang, cầu thang thể hiện trung thực nội dung chức năng sử dụng bên trong. Điều này phản ánh xu hướng kiến trúc công năng, một định hướng kiến trúc đang được suy tôn tại các nước XHCN. Với dáng vẻ công nghiệp và hiện đại, các KTT thời kỳ bấy giờ cũng góp phần làm đẹp thêm những khu vực mới mở rộng của Hà nội.
Hiện nay, theo thống kê trên địa bàn Hà Nội hiện có số KTT nhiều nhất cả nước với khoảng 1.579 nhà tập thể cũ, so với TPHCM có khoảng 474 nhà, TP. Hải Phòng có khoảng 205 nhà, Nghệ An có khoảng 22 nhà…, qua nhiều thập kỷ, hầu hết các KTT cũ đã hết niên hạn sử dụng, bộc lộ nhiều hạn chế trong việc quản lý, vận hành và khai thác sử dụng; qua quá trình sử dụng, sửa chữa cơi nới tự phát, các Khu ở cũ và hạ tầng kèm theo đã bị biến đổi cấu trúc, hư hỏng, xuống cấp, có nguy cơ sụp đổ, nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của nhân dân. Ngoài sự xuống cấp nhà ở, các KTT cũ cũng cho thấy sự xuống cấp của các hạ tầng kỹ thuật và xã hội.
(1) Hiện trạng hạ tầng kỹ thuật: Phần lớn các công trình hạ tầng kỹ thuật trong nhà và khu tập thể cũ đã cũ, xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu sử dụng và quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành, cụ thể:
- Hệ thống đường giao thông xuống cấp, hư hỏng, bị lấn chiếm, hệ thống đường nội bộ có mặt cắt không đồng đều, bề rộng nhỏ (từ 3-6m hoặc nhỏ hơn); phần lớn vỉa hè tại các đường nội bộ bị lấn chiếm để sử dụng vào mục đích cá nhân;
- Nguồn cấp điện sử dụng các tuyến đường dây đi lộ thiên và trạm biến áp được treo trên các cột điện, gây mất an toàn, PCCC và ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị;
- Hệ thống cấp nước được đầu tư không đồng bộ, chất lượng kém, tình trạng người dân đục phá tường để lắp đặt đường ống và lắp đặt các bồn chứa nước inox trên tầng thượng các tòa nhà gây mất an toàn và ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị. Hệ thống thoát nước đã cũ, xuống cấp gây tình trạng ngập úng cục bộ;
- Tỷ lệ cây xanh thấp (khoảng 0,6 m2/người), không đảm bảo quy định, tại một số KCC không có diện tích đất cây xanh tập trung;
- Hầu hết không có hệ thống PCCC, mất an toàn cho người dân;
- Phần lớn không có hệ thống thu gom, tập kết và xử lý chất thải rắn; rác thải được các công ty vệ sinh môi trường thu gom hàng ngày theo giờ cố định và vận chuyển đi bằng xe chuyên dụng;
- Không có diện tích dành riêng để chỗ đỗ xe phục vụ nhu cầu của người dân, chủ yếu tận dụng diện tích giao thông, sân chơi, khoảng trống giữa các tòa nhà và trong các hộ tại tầng 1 làm chỗ đỗ và gửi xe.
(2) Hiện trạng hạ tầng xã hội: Mặc dù một số công trình trường học, nhà văn hóa còn đảm bảo chất lượng do đã được cải tạo, sửa chữa hoặc xây dựng lại trong những năm gần đây. Tuy nhiên, phần lớn các công trình nhà trẻ, trường học bị quá tải, thiếu diện tích các sân chơi theo tiêu chuẩn, xung quanh bị lấn chiếm bởi các ki ốt xây dựng tạm. Nhiều công trình nhà văn hóa, sinh hoạt cộng đồng còn thiếu hoặc đã được xây dựng từ lâu, hiện đã xuống cấp.
Thay lời kết
Quyết định số 5289/QĐ-UBND ngày 18/12/2021 ban hành “Đề án cải tạo, xây dựng lại Khu tập thể trên địa bàn TP Hà Nội” khẳng định sự quan tâm của chính quyền với các Khu ở.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc xây dựng, cải tạo, sửa chữa KTT cũ tại Hà Nội qua nhiều năm còn hạn chế, sự đồng thuận của người dân chưa cao, cơ chế chính sách còn nhiều vướng mắc. Tính đến nay, Hà Nội đã bước đầu thực hiện triển khai xây dựng thí điểm một số KTT cũ, trong khi một số khu ở khác phải cải tạo gia cố kết cấu tạm thời giữ an toàn trong thời gian nhất định. Thực tiễn trên đòi hỏi cần cấp thiết phải thực hiện công tác kiểm định, đánh giá, phân loại chất lượng chung cư cũ để khẩn trương di chuyển người dân tại các KTT cũ nguy hiểm, hư hỏng nặng đến nơi ở tạm cư (nhà ở tạm thời) đảm bảo an toàn; đồng thời cần phải có kế hoạch triển khai đồng bộ quy hoạch, đầu tư xây dựng lại, cải tạo, chỉnh trang hay tái thiết đô thị các KTT cũ, nhằm nâng cao chất lượng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phục vụ tái định cư, làm thay đổi nâng cao chất lượng cuộc sống, nâng cao giá trị kiến trúc, giá trị lịch sử, cảnh quan, hướng tới đô thị xanh, văn minh hiện đại, bền vững, đáp ứng được yêu cầu phát triển mới.
Mục tiêu quan trọng trong quá trình tái thiết các KTT cũ của TP. Hà Nội là tạo dựng mô hình phát triển và tổ chức không gian cho các các khu ở mới sau tái thiết, phải vừa đảm bảo hài hòa các lợi ích và nghĩa vụ khác nhau: Các cư dân đồng thuận với mức độ tiện nghi và khung cảnh cuộc sống sau khi tái thiết, đảm bảo nguyên tắc nâng cao chất lượng cuộc sống cả về mặt vật chất lẫn tinh thần thông qua những chính sách, cách thức, mô hình và lộ trình tái thiết kiến trúc và đô thị do chính quyền đề xuất nhằm đảm bảo lợi ích tài chính đầu tư của các doanh nghiệp, đồng thời mang lại cho TP những khu ở mới hiện đại, hấp dẫn, chất lượng, không lãng phí các nguồn tài nguyên đất đai, góp phần nâng cao môi trường tự nhiên và xã hội cho Thủ đô.
THS.KTS Nguyễn Việt Ninh
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2023)
Tài liệu tham khảo :
1. Lê Thị Bích Thuận – Đề tài cấp Thành phố Hà Nội 2012 “Nghiên cứu quy hoạch và quản lý quy hoạch cho cải tạo các khu chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội”
2. Đặng Hoàng Vũ (2016), Ảnh hưởng của kiến trúc Xô Viết đối với kiến trúc nhà ở và công cộng tại Hà Nội giai đoạn 1954-1986, Đại học Kiến trúc Hà Nội, Hà Nội
3. Sở Xây dựng Hà Nội (2020), Hội thảo: “Cải tạo chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”, (12.4.2021), Hà Nội.
4. Quyết định số 5289/QĐ-UBND ngày 18/12/2021 ban hành “Đề án cải tạo, xây dựng lại Khu tập thể trên địa bàn TP Hà Nội”
The post Thực trạng các khu tập thể cũ ở Hà Nội giai đoạn 1954 -1990 appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
Nhận xét