Tạo nên một cây cầu đẹp không phải là xây dựng nên một cây cầu hoành tráng mà cây cầu đó phải phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và bối cảnh xây dựng xung quanh. Xoay quanh chủ đề này, TS.KTS Nguyễn Việt Huy đã có những phân tích, đánh giá về tính biểu hiện trong kiến trúc công trình cầu trong điều kiện kỹ thuật xây dựng tại Việt Nam hiện nay.
Xây dựng cầu đường đang gặp rất nhiều thách thức trong bối cảnh phát triển chung của ngành xây dựng Việt Nam
Năm 1954, hòa bình lập lại nhưng nước ta vẫn tạm thời bị chia cắt hai miền Nam, Bắc. Nhiệm vụ lớn nhất của ngành giao thông vận tải trong thời kỳ này là khôi phục lại hệ thống giao thông để phục vụ phát triển kinh tế miền Bắc đồng thời chi viện cho chiến trường miền Nam. Cầu Hàm Rồng, Cầu Việt Trì, Cầu Phủ Lạng Thương… và hàng loạt cầu trên các tuyến đường sắt Hà Nội – Vinh, Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Hải Phòng, có kết cấu chủ yếu là dàn thép đã được xây dựng trong thời kỳ 1954 – 1964.
Giai đoạn 1964 – 1975 là giai đoạn đảm bảo giao thông chống chiến tranh phá hoại miền Bắc và chi viện cho giải phóng miền Nam. Sự tàn phá của chiến tranh trong một giai đoạn dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống giao thông cả hai miền Nam, Bắc. Sau khi thống nhất đất nước năm 1975, có thể nói không còn một tuyến đường bộ nào ở miền Bắc đạt cấp kỹ thuật đồng bộ.
Trong giai đoạn từ năm 1986 đến năm 1995, do đất nước vẫn đang bị bao vây, cấm vận, ngân sách nhà nước hết sức khó khăn nên ngành GTVT tập trung chủ yếu nguồn lực cho công tác duy tu bảo dưỡng để đảm bảo ATGT và triển khai xây dựng một số công trình thực sự cấp bách. Có tầm vóc lớn, góp phần phát triển kinh tế xã hội như: Cầu Rào, Niệm, An Dương (Hải Phòng) cầu Bo (Thái Bình) là cầu bê tông dự ứng lực thi công bằng công nghệ lắp hẫng; cầu Yên Bái, Đò Quan, Bến Thủy, Việt Trì, Phong Châu… bằng dàn thép.
Giai đoạn từ năm 1995 đến nay được bắt đầu bởi nhu cầu xây dựng cầu Gianh trên QL1. Các phương án được đề xuất như phương án khung T nhịp đeo theo kiểu cầu Rào, phương án “banh” dàn thép theo kiểu Chương Dương, Bến Thủy… đã không được các cơ quan có thẩm quyền thông qua do thiếu tính khả thi. Trong khi đó, nguồn thép viện trợ ngày càng khan hiếm và đến đầu những năm 90 thì không còn nữa. Yêu cầu xây dựng những cây cầu vượt nhịp lớn ngày càng cấp thiết.
Từ những sơ lược trên để có thể rằng mặc dù ngành xây dựng cầu đường thuộc bộ GTVT chính thức được thành lập từ năm 1945, tuy nhiên phải đến 50 năm sau, vào năm 1995, Việt Nam mới làm chủ được công nghệ đúc hẫng trong xây dựng cầu. Vì vậy có thể nói ngành xây dựng cầu đường tại Việt Nam đến nay mới có tuổi đời chỉ khoảng 30 năm.
Bên cạnh đó, cũng giống như nhiều ngành kỹ thuật khác hiện nay, việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào thiết kế thi công là yêu cầu bắt buộc với việc thiết kế xây dựng Cầu Đường. Các phần mềm thiết kế, tính toán hoặc các công nghệ tự động hóa có thể giúp cho quá trình giải quyết công việc của Kỹ Sư Cầu Đường đơn giản và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện học hỏi và nắm bắt kịp thời, đặc biệt là với những người có kinh nghiệm làm việc lâu năm thì đây có thể là một sự thay đổi lớn. Bên cạnh đó, các công nghệ mới thường có chi phí khá cao, đòi hỏi đầu tư ban đầu lớn, liên quan tới trang thiết bị cũng như đào tạo. Nhìn chung, việc triển khai và áp dụng công nghệ mới phụ thuộc rất nhiều vào ngân sách đầu tư và yếu tố con người.
Từ đó có thể thấy rằng, với kỹ thuật xây dựng cầu tại Việt Nam hiện nay và đối với bối cảnh chung của ngành xây dựng Việt Nam, việc tạo nên một cây cầu đẹp không phải là xây dựng nên một cây cầu hoành tráng mà nó phải là một cây câu phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và bối cảnh xây dựng xung quanh.
Một cây cầu để trở thành biểu tượng không chỉ cần đáp ứng những yếu tố về tạo hình kiến trúc mà hơn hết còn phải đáp ứng những yêu cầu đặc biệt về kỹ thuật
Cầu là một ngành khoa học kết cấu với các nguyên tắc chặt chẽ, ngay từ xa xưa người ta đã xem cầu là một phần của kiến trúc mà kiến trúc là một ngành khoa học nghệ thuật lâu đời nhất của con người xuất hiện từ thời tiền sử khi con người bắt đầu rời khỏi hang đá ra sống ở lều cỏ. Cầu còn là một môn khoa học nghệ thuật kết cấu và cụm từ “nghệ thuật kết cấu” mới chỉ được công nhận thời gian gần đây. Cần có những nguyên tắc chung cho thiết kế kiến trúc cầu trong đô thị.
Hiểu theo nghĩa hiện đại thì các công trình cầu không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật với vẻ đẹp khách quan và tồn tại vĩnh cửu mà còn là một sản phẩm sáng tạo của con người thỏa mãn tối đa công năng sử dụng và bền vững theo thời gian. Chính vì vậy, trong tác phẩm “Die Brücke und die Stadt – Cây cầu và thành phố” của Daniel Biau, Presses des Pont, Paris 2012, trong số 15 cây cầu tuyệt đẹp gắn liền với các thành phố của nó, cầu Long Biên của Hà Nội đã được lựa chọn giới thiệu đại diện cho khu vực Đông Nam Á.
Kiến trúc sư Otto Wagner (1841 – 1918) từng được mệnh danh là “Baulöwe – Con sư tử trong ngành kiến trúc xây dựng” và từng là Chủ tịch danh dự của Hiệp hội Kiến trúc sư Áo cũng có một câu nói nổi tiếng: “… Chỉ những gì đúng về mặt xây dựng mới có thể trở nên đẹp đẽ – … only what is constructively correct can be beautiful”. Cầu vượt Wienzeile do O. Wagner xây dựng vào năm 1898 là một trong những minh chứng.
Một cây cầu được xây dựng thành công phải xét đầy đủ 4 tiêu chí: vững vàng, đúng chức năng, tiết kiệm và tao nhã. Giải quyết hài hòa 4 tiêu chí này, trong đó có tiêu chí tao nhã thì việc xây dựng cầu không chỉ là một kỹ thuật mà còn là một nghệ thuật.
- Vững vàng: An toàn đối với con người trong quá trình sử dụng là điều kiện tiên quyết được đặt lên hàng đầu. Một công trình không an toàn đối với con người thì không thể tồn tại được.
- Đúng chức năng: đây là điều kiện cốt yếu, là mục đích của việc xây dựng. Chúng ta xây cầu là để phục vụ giao thông đi lại thuận tiện chứ không phải để đủ số lượng hay để trang trí. Từ đó, chúng ta mới xét tới bề rộng mặt cầu đủ đảm bảo số làn xe và đường lên xuống thích hợp cho từng loại phương tiện. Tùy điều kiện tại chỗ (địa hình, địa chất, thủy văn…) và các yêu cầu khác như vấn đề thông thuyền, chiều cao tối đa, điều kiện và khả năng thi công… để xác định chiều dài nhịp và kết cấu thích hợp cho từng đoạn cầu, tạo nên hình dáng chiếc cầu. Chính vì vậy mới có câu “hình dạng đi theo chức năng” (form follows function).
- Tiết kiệm: Thuộc phạm trù kinh tế cũng và cũng là yếu tố quyết định. Một cây cầu được xây không phải là bằng mọi giá mà phải với chi phí hợp lý và trong khả năng cho phép. Chi phí ở đây là chi phí toàn vòng đời của công trình, bao gồm: chi phí xây dựng, chi phí sử dụng, chi phí bảo trì, chi phí xét tới yếu tố mỹ quan…, có thể phải chi thêm dăm bảy % thì vẫn nằm trong khoảng chấp nhận được. Với các cây cầu mang tính cách tiêu biểu cho địa phương, chi phí phụ thêm có thể cao hơn nhưng không thể quá cao, nếu cao đến mức thêm tới hàng chục % thì phải cân nhắc vì chi phí bảo dưỡng, bảo trì mà khi thiết kế cũng phải xét tới.
- Tao nhã: Thuộc phạm trù thẩm mỹ và ở đây vẻ đẹp phải là tự nhiên, đơn giản, độc đáo nhưng khả thi và hài hòa với môi trường tại chỗ, có tỷ lệ cân bằng thanh nhã tạo cho công chúng ấn tượng thuận mắt từ nhiều góc nhìn (nhìn khi đi trên cầu, nhìn từ dưới lên, trên xuống, từ hai bờ…) chứ không đơn giản chỉ nhìn trên mô hình. Trang trí khiên cưỡng không xét tới yếu tố truyền lực chỉ tạo ra ấn tượng phản cảm trong khi chiếu sáng mỹ thuật toàn cầu có thể tạo ấn tượng hiệu quả.
Chính vì giữ những vai trò đặc biệt như vậy trong đô thị, Cầu đô thị là một thể loại công trình đặc biệt mà không thể so sánh với các thể loại công trình công cộng khác. Đối với công trình cầu đô thị thì theo đó, ngay từ bước thi tuyển lựa chọn Phương án kiến trúc cũng cần phải xem xét một cách kỹ càng đến những yếu tố về tính an toàn, bền vững và cả tính khả thi về mặt kỹ thuật và thi công.
Bên cạnh đó Thành phần Hội đồng giám khảo các cuộc thi sáng tác kiến trúc cây cầu ở vị trí quan trọng không nên chỉ là KTS, quy hoạch chung chung mà là các chuyên gia chuyên ngành liên quan, kỹ sư công nghệ cầu đường, thậm chí còn là sự kết hợp của các nhà điêu khắc, họa sĩ để vừa tạo dựng không gian, kiến trúc vừa đảm bảo kết cấu, công nghệ tương thích, hiện đại, khả thi.
Thiết kế cầu đơn giản trong biểu hiện nhưng rất đa dạng trong cách thức truyền tải ý tưởng kiến trúc
Để công trình cầu trở thành một tác phẩm kiến trúc là điều không đơn giản. Đặc biệt trong thời đại ngày nay, cầu không chỉ là một công trình giao thông, nó còn là một tác phẩm nghệ thuật, một biểu tượng văn hóa marketing hình ảnh đô thị, tinh thần nơi chốn.
Không thể phủ nhận rằng tại Việt Nam, trong khoảng chục năm trở lại đây, khi một số cây cầu trong nước được thiết kế và xây dựng bởi các nhà thầu quốc tế đã mang lại cho các TP những vẻ đẹp riêng đặc sắc, thì chất lượng kiến trúc cầu đã dần dần được quan tâm và cải thiện. Một số cuộc thi tuyển kiến trúc cầu đã có sự tham gia của các KTS kết hợp với các kỹ sư kết cấu để tạo ra những cây cầu vừa hợp lý về kết cấu lại vừa có tính thẩm mỹ cao về kiến trúc.
Tuy nhiên các dạng kết cấu phù hợp với điều kiện của Việt Nam hiện nay không nhiều và hơn hết, cùng chức năng, cùng tài chính, cùng phương pháp và điều kiện tự nhiên thì việc có cùng lựa chọn dạng kết cấu sẽ dễ gây lầm tưởng cho những người không có chuyên môn là kiến trúc “na ná” giống nhau.
Các công trình cầu cùng loại thường có nhiều nét tương đồng về hình tượng nhưng đều truyền tải những thông điệp, những ý tưởng kiến trúc khác nhau. Chính vì vậy để hiểu và đánh giá đúng được ý tưởng kiến trúc của một cây cầu mà chỉ thông qua những tạo hình kiến trúc bên ngoài, những hình khối mỹ thuật đơn giản thì sẽ gây những hiểu nhầm đáng tiếc.
Lời kết
Cầu không chỉ là một công trình gắn liền với đời sống kinh tế xã hội của người dân. Nó còn là một phương tiện để lưu thông và là một công trình để kết nối các khu vực vùng miền. Đó là điều hiển nhiên và ai cũng nhìn thấy. Tuy nhiên có một điều còn ẩn chứa trong những cây cầu mà không phải ai cũng nhìn thấu. Đó là giá trị văn hóa – thẩm mỹ mà cây cầu có thể mang lại cho các đô thị, các địa phương với những đặc trưng địa lý, văn hóa lịch sử khác nhau.
Chính vì vậy, sự đầu tư thông minh trong việc xây dựng các cây cầu sẽ gắn liền với tầm nhìn không chỉ xem cầu như một công trình giao thông mà cần phải coi cầu như một công trình, một tác phẩm kiến trúc có sự cộng sinh của các yếu tố kỹ thuật – mỹ thuật, được thiết kế bởi kiến trúc sư kết hợp với kỹ sư chuyên ngành cầu đường.
Tuy nhiên với thể loại công trình đòi hỏi một tiêu chuẩn cao về yếu tố kỹ thuật thì tính biểu hiện của kiến trúc lại phụ thuộc rất nhiều vào các giải pháp kết cấu và thi công. Chính vì vậy việc đánh giá yếu tố biểu hiện và tính thẩm mỹ trong hình tượng kiến trúc của công trình cầu cần được đánh giá và xem xét một cách khách quan từ các chuyên gia có hiểu biết về nghề, cần phải đối chiếu và so sánh trên rất nhiều những khía cạnh khác nhau để tránh sự quy chụp và gây ra những nhầm lẫn không đáng có.
Theo TS.KTS Nguyễn Việt Huy (Kiến Việt)
Nguồn ảnh đại diện: báo Thanh Niên
Tài liệu tham khảo
- Nguyễn Phúc Trí. (2022). Bàn về nghệ thuật cầu
- Tổng Trần Tùng (2017). 72 năm phát triển của ngành xây dựng cầu Việt Nam
- Nguyễn Phú Đức (2021). Điều kiện cần và đủ khi xây dựng cầu trong đô thị
- TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 11823-2:2017 THIẾT KẾ CẦU ĐƯỜNG BỘ – PHẦN 2
The post Tính biểu hiện trong kiến trúc công trình cầu trong điều kiện kỹ thuật xây dựng tại Việt Nam hiện nay appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
Nhận xét