Ngoài tuyến đường Vành đai 3 đang triển khai thì Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang lên kế hoạch đầu tư mở rộng các tuyến đường giao thông để dễ dàng kết nối với các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nam bộ. Đó là các dự án hạ tầng giao thông cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài, mở rộng Quốc lộ 22, đường Nguyễn Văn Bứa, đường Trường Chinh, đường Tân Kỳ Tân Quý, mở rộng Quốc lộ 13, mở rộng Quốc lộ 1 đi Long An, nâng cấp đường trục Bắc – Nam (đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức – Long Thành)…  

Hệ thống giao thông Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 – 2025.

Theo đó, tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài dài hơn 51km, có điểm đầu từ Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh ở huyện Củ Chi và điểm cuối gần Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh). Dự án sẽ được đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao), trong đó ngân sách góp gần 50% (khoảng 9.943 tỷ đồng), còn lại là vốn do nhà đầu tư huy động. Tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 với 4 làn xe khoảng 19.886 tỷ đồng.

Hiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đã hoàn thiện để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Dự kiến công trình sẽ khởi công vào tháng 5/2025 và hoàn thành cuối năm 2027.

Tại cuộc họp thứ 11 khóa X, HĐND Thành phố Hồ Chí Minh đã thông qua Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22 dài 9,1km (từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3). Do đó, Quốc lộ 22 sẽ mở rộng lên gần 60m với 2 cầu vượt tại nút giao Nguyễn Ảnh Thủ và nút giao Nguyễn Văn Bứa. Công trình có tổng mức đầu tư khoảng 7.100 tỷ đồng.

Đường Nguyễn Văn Bứa (đoạn từ Ngã Ba Giồng đến cầu Tỉnh lộ 9) kết nối với tỉnh Long An cũng được mở rộng lên 32 – 40m (hiện hữu chỉ 11 – 14m). Tổng mức đầu tư dự án hơn 2.420 tỷ đồng bằng vốn ngân sách và sẽ được triển khai trong giai đoạn 2024 – 2028.

Tương tự đường Trường Chinh (đoạn từ đường Cộng Hòa đến đường Âu Cơ) dài 765m, hiện tại chỉ rộng 10 – 12m đã trở thành nút thắt cổ chai nên sẽ được mở rộng lên 30m với tổng mức đầu tư khoảng 3.750 tỷ đồng, triển khai giai đoạn 2024 – 2028.

Đường Tân Kỳ Tân Quý (đoạn từ đường Cộng Hòa đến đường Lê Trọng Tấn) dài 636m cũng là nút thắt cổ chai khi chỉ rộng khoảng 8m nên Thành phố cũng có kế hoạch mở rộng lên 30m với vốn đầu tư 1.345 tỷ đồng trong giai đoạn 2024 – 2027.

Đối với dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương) sẽ được đầu tư với số vốn khoảng 10.000 tỷ đồng để mở rộng lên 53-60m, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 9.000 tỷ đồng. Dự kiến khởi công cuối năm 2025, hoàn thành năm 2028 theo hình thức BOT.

Dự án mở rộng trục đường Bắc – Nam (từ đường Nguyễn Văn Linh đến nút giao cầu Bà Chiêm) dài 7,5km cũng sẽ được mở rộng từ 4 lên 10 làn xe. Tổng vốn đầu tư gần 4.500 tỷ đồng. Dự án Quốc lộ 1 (đoạn từ An Lạc đến giáp ranh tỉnh Long An) dài 9,6km cũng đề xuất mở rộng lên 40m với tổng vốn khoảng 12.900 tỷ đồng…

Để chuẩn bị đầu tư các dự án, thành phố sẽ tổ chức lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, quyết định chủ trương đầu tư dự án trong quý II và III/2024. Tổ chức khảo sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả trong quý IV/2024, hoàn thành lập thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, phê duyệt dự án trong quý I và II/2025. Tiếp theo thành phố sẽ lựa chọn nhà đầu tư vào quý III/2025 và bắt đầu triển khai xây dựng công trình từ quý IV/2025, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2027 – 2028.

Theo Cao Cường/Báo Xây dựng