Đô thị hóa là một trong những xu hướng quan trọng nhất của thời kỳ hiện đại, hơn một nửa dân số thế giới hiện đang sống ở khu vực thành thị, và các dự báo cho thấy tỷ lệ này sẽ tiếp tục tăng cho đến năm 2050. 

Nguồn: Dezeen

Tuy nhiên, việc sở hữu nhà ở tại các trung tâm đô thị ngày càng trở nên bất khả thi. Trong những năm gần đây, một lượng vốn khổng lồ đã được đổ vào việc mua bất động sản ở các thành phố lớn, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và các chính sách nới lỏng định lượng mà nhiều ngân hàng trung ương áp dụng sau đó. Trong năm 2013-2014, tổng giá trị các doanh nghiệp mua bất động sản ở 100 thành phố lớn nhất thế giới đã tăng từ 600 tỷ USD lên 1 nghìn tỷ USD. Vì vậy, đây là một cuộc cạnh tranh mà người dân khó có thể giành chiến thắng, và hậu quả đang diễn ra trong bối cảnh các vấn đề xã hội ngày càng leo thang trên khắp các nước phát triển như vô gia cư, giảm tỷ lệ sinh, v.v.

Câu trả lời nằm ở những giải pháp đầu thế kỷ 20

Song, câu trả lời có thể nằm ở giải pháp từ đầu thế kỷ 20: cung cấp nhà ở như một dịch vụ công thay vì chỉ dựa vào thị trường.

Từ những năm 1980, nhà ở xã hội đã biến đổi London khỏi những khu ổ chuột thời Victoria, và những địa chủ bóc lột thời Charles Dickens. Thay vào đó là các khu nhà ở thuộc sở hữu công của thành phố – ấm áp, an toàn, rộng rãi và giá cả phải chăng, với giá thuê được tính theo công thức dựa trên thu nhập trung bình của địa phương. Đến năm 1981, 34,8% người dân London sống trong nhà ở xã hội. Điều này có thể rất khác so với các thành phố ở thế kỷ 21 khi việc đầu tư vào nhà ở xã hội bị bóp nghẹt, nhà bị bán phá giá và bị bỏ mặc, giảm dần và cuối cùng bị phá bỏ trong quá nhiều trường hợp.

Nguồn: Jack Bedford

Thị trường tư nhân mất kiểm soát vì không còn đáp ứng nhu cầu cá nhân

Kể từ đó, với việc áp dụng các quy định tài chính hiện đại và giảm bớt sự can thiệp của nhà nước vào các thị trường như nhà ở, nhà ở xã hội trên hầu hết thế giới đã không thể so bì với mức độ trước đây.

Nhưng nhu cầu nhà ở xã hội lại chưa bao giờ cao tới vậy. Ngay cả Paris – thủ đô của một quốc gia nơi đầu tư vào nhà ở xã hội tương đối cao – số lượng nhà ở chỉ đáp ứng được 1/10 và hơn 750.000 người đang chờ nhà ở xã hội. Thành phố này đang phải đối mặt với một vấn đề nan giải lớn trước Thế vận hội Olympic mùa hè năm nay: rất nhiều phòng khách sạn đang được sử dụng làm nơi ở cho người vô gia cư đến mức có thể không đủ chỗ cho người hâm mộ tới tham dự.

Khi chúng ta xây dựng ở các thành phố lớn trong những thập kỷ gần đây, chúng ta có xu hướng phục vụ nhu cầu của các quỹ bất động sản đang khao khát tài sản, chứ không phải những công dân đang tìm kiếm một ngôi nhà và một công việc tử tế. London đã chứng kiến một kỷ nguyên bùng nổ của xây dựng trong thập kỷ qua. Kể từ năm 2015, thành phố đã xây dựng 316.498 ngôi nhà, nhưng chỉ có 7.526 căn được cho thuê nhà ở xã hội, chỉ chiếm 2%. Thị trường tư nhân nằm ngoài tầm kiểm soát vì không còn đáp ứng nhu cầu của người dân mà là sự giàu có của các nhà đầu tư lớn nhất hành tinh. Cách duy nhất để phá vỡ chu kỳ đó là ngừng phụ thuộc vào thị trường.

100 năm tới sẽ là thách thức lớn đối với các thành phố khi dân số sẽ già đi, biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng, đồng thời công nghệ sẽ thay thế nhiều công việc mà người dân ngày nay đang dựa vào. Để có hy vọng sống sót qua những thử thách này, người dân cần có nơi ở an toàn. Và bắt đầu xây dựng nhà ở xã hội mà không phụ thuộc vào kho báu của các nhà đầu tư giàu có nhất thế giới là giải pháp nên được khuyến khích.

Lê Khanh – TCKT.VN
© Tạp chí Kiến trúc