Nhân kỷ niệm 50 năm ngày Thống nhất đất nước (1975-2025), Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội phân công Hội KTS Hà Nội viết bài về các KTS. Tôi là kẻ hậu sinh, những chuyện kể dưới đây là nghe từ các KTS bậc cha chú anh chị, nay ghi lại cho các KTS sau này biết thêm.
Năm 1938 – 1941, sau khi đỗ Tú tài, cha tôi được nhận vào làm tập sự tại Bưu Điện Hà Nội (các cụ vẫn gọi là Sở Dây thép). Những năm tháng ấy, các viên chức – trí thức trẻ Hà Nội đã rất ngưỡng mộ các KTS Việt Nam tốt nghiệp trường mỹ thuật Đông Dương thông qua các hoạt động của Hội Ánh Sáng: vận động người Việt Nam xây dựng nhà ở theo lối mới: vệ sinh, chắc chắn nhưng chi phí thấp. Các KTS không chỉ diễn thuyết, viết báo mà còn trực tiếp tham gia xây dựng khu nhà mẫu tại khu dân nghèo Phúc Xá, mang tên “Trại Ánh Sáng”. Các KTS còn chỉ dẫn xây “Nhà ở Thôn quê” cho bà con nông dân trong một đất nước nông nghiệp rộng lớn. Bên cạnh tên tuổi các KTS Nguyễn Cao Luyện và Hoàng Như Tiếp về kiến trúc nhà cửa, còn có họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc với những sản phẩm nội thất tân tiến, thích hợp với lối sống mới cho người Việt Nam,… đã in sâu trong tâm trí người Hà Nội. Đó là hình ảnh các KTS, trí thức tài hoa có trách nhiệm xã hội, đảm lãnh nhiệm vụ tiên phong xây dựng khung cảnh sống mới cho người Việt Nam.
Ngày 2/9/1945, Cha mẹ và chị cả tôi hòa trong dòng người Hà Nội tới Quảng trường Ba Đình nghe cụ Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, hàng vạn con mắt hướng lên lễ đài mà không ai hay người thiết kế là KTS Ngô Huy Quỳnh, còn thợ và vật liệu lấy từ xưởng họa sĩ (KTS Nội thất) Trịnh Hữu Ngọc. Sau những ngày Độc lập ngắn ngủi , Hà Nội bước vào cuộc trường chinh cứu nước , giữ nước gian khổ. Các KTS để lại sau lưng Hà Nội hào hoa để lên Việt Bắc kiến thiết các công trình phục vụ kháng chiến nhưng vẫn miệt mài với nhiệm vụ “…Thiết thực với tình thế hiện tại và những chương trình kiến thiết hợp với tương lai… Đặc biệt là vấn đề nhà ở tại thôn quê, tìm ra những kiểu nhà giản dị và cao ráo, sáng sủa và rẻ tiền.” (trích thư Cụ Hồ gửi đại hội thành lập Hội KTS Việt Nam – 27/4/1948).
Ngày 10/10/1954, cả nhà tôi trở về Thủ đô trong đoàn quân tiếp quản, nhanh chóng chung tay xây dựng Thủ đô của nước Việt Nam hòa bình. Công viên Thống Nhất, các khu nhà tập thể, CLB Công nhân, Thanh thiếu nhi, những công xưởng nhà máy, trường học, nhà trẻ do các KTS thiết kế từng ngày được hiện thực hóa trong không khí hân hoan cả nước bước vào giai đoạn xây dựng Hòa Bình ở miền Bắc, hỗ trợ miền Nam đấu tranh thống nhất đất nước. Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam ra đời, cả nước biết tới vị Chủ tịch đầu Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt nam là KTS Huỳnh Tấn Phát.
Trong các cuộc chiến tranh giữ nước, nhiều thế hệ KTS cả nước đã tham gia tòng quân và giữ trọn lời thề hoàn thành nhiệm vụ mới về quê hương, và cũng kỳ diệu thay khi trưa ngày 30/4/1975, KTS nguyễn Hữu Thái đã có mặt trong những giây phút lịch sử tại Dinh Độc lập.
Ngày vui Thống Nhất, trong không khí đoàn viên, các KTS tìm lại nhau giữa 2 miền đất nước và chia sẻ những kỷ niệm vui buồn những năm tháng chia xa. Trên hai miền đất nước, các KTS đã rất tự hào vì bằng tất cả tài năng và nhiệt huyết đã dựng xây lên những công trình đẹp đẽ vì ngày mai Việt Nam thống nhất hòa bình. Nhiều công trình còn mãi giữa lòng Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh đã vượt qua bom đạn chiến tranh, chia cắt đất nước, để lại mai sau niềm tự hào tài năng, trí tuệ Việt Nam.
Tại miền Nam những năm đầu chia cắt (1954-1955), tình cảnh của các sinh viên kiến trúc đang học Kiến trúc miền Bắc, miền Trung dở dang phải vào Sài Gòn học tiếp rất gian nan: xa nhà, không nguồn tiếp tế, không người thân thích nơi đất khách quê người… đã được gia đình KTS Võ Đức Diên cưu mang giúp đỡ. Những KTS tốt nghiệp Mỹ thuật Đông Dương đã xây nên những công trình kiến trúc hiện đại nhưng rất đậm chất Việt Nam – tạo ra một phong cách Kiến trúc nhiệt đới VN đặc sắc. Đó là bằng chứng hùng hồn của tinh thần yêu nước, hướng về dân tộc mạnh mẽ trong những năm tháng chia cắt đau thương. Các KTS miền Nam đã xuất bản tạp chí “Nhà Đẹp” tôn vinh những công trình kiến trúc tiến bộ, ca ngợi những tài năng phẩm chất của các KTS tài năng đóng góp vào sự nghiệp kiến trúc dân tộc. Các KTS miền Bắc cũng vượt khó để xây nên những công trình thấm đậm nhân văn; những bệnh viện, nhà ga, trường học trên nền gạch vỡ bom đạn, Cung thiếu nhi lộng lẫy giữa Hà Nội vất vả “áo chăn chưa ấm thân mình”, Đài phát sóng vươn lên trời cao để phát đi lời kiêu hãnh “Đây là Đài tiếng nói Việt nam, phát thanh từ Hà Nội…”
Những ngày thống nhất hòa bình của dân tộc cũng là những ngày đoàn tụ của KTS hai miền. Đại hội KTS Việt Nam đầu tiên đã bầu KTS Huỳnh Tấn Phát làm chủ tịch, Ban chấp hành có đủ các KTS cả ba miền đất nước. Những thành tựu kiến trúc trên khắp đất nước được giới KTS cùng nhau chia sẻ, học hỏi một cách chân tình. Những tấm gương lao động sáng tạo, ứng xử lịch lãm của các KTS ngày ấy mãi là tấm gương cho các thế hệ KTS kế tiếp học hỏi. Các KTS đã được các vị lãnh đạo Đảng và nhà nước trân trọng. Có chuyện cảm động về tình bạn thân quý giữa cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và KTS Ngô Viết Thụ – các cụ đã là tấm gương vì Dân vì Nước, vì cái Đẹp, Thiện lành mà không tiếc sức mình để cùng dân tộc vượt khó trong những giai đoạn cấm vận ngặt nghèo. Có cả niềm tin yêu của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt với giới KTS nói chung với KTS Lê Hiệp trong những công trình tưởng niệm nhớ ơn các Anh hùng liệt sĩ trải dài từ Ba Đình (Hà Nội) tới Tuyên Quang, Quảng Ninh, Phú Yên…
Trong giai đoạn mở cửa, phát triển kinh tế văn hóa xã hội, các KTS Hà Nội, Tp HCM, Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa,… luôn sẵn sàng đóng góp cho địa phương mình những công trình giá trị và cũng luôn có tiếng nói thẳng thắn phê phán việc tàn phá môi trường, lãng phí tài nguyên để bảo vệ lợi ích cộng đồng. Đó chính là kế thừa tinh thần “phụng sự nhân dân – dân tộc” của các thế hệ KTS cha anh truyền dạy.
Sau 50 năm hòa bình thống nhất, đất nước đang trong giai đoạn phát triển mới với những thách thức mới: kinh tế toàn cầu cạnh tranh khốc liệt, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh khó lường; Công kỹ nghệ biến đổi nhanh chóng… đòi hỏi các KTS cả nước cùng nhau chia sẻ những bài học hay, tháo gỡ, khắc phục những hạn chế, gắn kết bền chặt để vượt khó khăn, lập nên những thành tựu mới, tiếp nối truyền thống tốt đẹp của các thế hệ KTS cha anh đã gây dựng.
Trần Huy Ánh – Ủy viên thường vụ, Trưởng ban Kiểm tra Hội KTS Hà Nội
© Tạp chí Kiến trúc
Nhận xét