Không gian công cộng (KGCC) là một khái niệm phức tạp, đa chiều và chưa có một định nghĩa chuẩn xác, phổ quát về nó. Theo quan niệm của đại đa số, KGCC có thể hiểu là những không gian mà ở đó tất cả mọi người đều có quyền tiếp cận, bất luận địa vị xã hội hay điều kiện kinh tế, quyền này được bảo vệ bởi pháp luật.

Thế nhưng ngày nay, việc phát triển KGCC tại các đô thị Việt Nam, đặc biệt là tại Hà Nội còn tồn tại nhiều vấn đề, thiếu hụt và nhiều bất cập nên chưa đáp ứng được nhu cầu cho người dân. Thậm chí nhiều KGCC được sử dụng chưa đúng mục đích, chưa có các văn bản quản lý cụ thể, dẫn tới tình trạng không tối ưu hóa được các không gian.

Bằng việc nghiên cứu những lý thuyết về không gian trong đô thị, kết hợp với những kinh nghiệm thực tế đã chứng minh sự thành công trên thế giới, từ đó đề xuất những quan điểm và nguyên tắc trong việc thiết kế những không gian đa chức năng, góp phần vào sự phát triển công nghiệp văn hóa tại khu vực đồng bằng sông Hồng nói chung và tại Thủ đô Hà Nội nói riêng.

Cải tạo không gian cảnh quan khu vực vườn hoa Hàng Đậu nghiên cứu đến các vấn đề hướng gió và hướng nắng, tạo các không gian đệm giữa luồng giao thông cơ giới và khu vực vui chơi cộng đồng (Atelier Dubosc et Associes)

Tổng quan

1. Khái niệm không gian công cộng

Tại Việt Nam, thuật ngữ “KGCC” lần đầu tiên được nêu trong Nghị định số 42/2009 của Chính phủ về phân loại đô thị. Tại Thông tư số 34/2009/TTBXD của Bộ Xây dựng ngày 30/9/2009, KGCC được mô tả là “Không gian sinh hoạt cộng đồng, công viên, vườn hoa, quảng trường, khu vực đi bộ được tổ chức, không gian mở, có điểm vui chơi nghỉ ngơi giải trí phục vụ đời sống tinh thần dân cư đô thị”. Theo Thông tư số 19/2010/TT-BXD, KGCC là các công viên/vườn hoa/sân chơi. Trong một số văn bản quy phạm pháp luật khác, có những định nghĩa về cây xanh sử dụng công cộng, vườn hoa, vườn đi bộ, sân chơi, quảng trường công cộng…

Theo Quy chuẩn Quy hoạch xây dựng 2008 (QC QHXD 2019 thay thế cho QC QHXD 2008) [3] Chương II, Mục 2.3.1. Các khu chức năng đô thị khái niệm KGCC không được nhắc đến trực tiếp, nhưng có một câu nói về “Các khu vực xây dựng các khu cây xanh công viên, vườn hoa đô thị” là một trong các loại “khu chức năng” trong đô thị. Điều này ám chỉ các KGCC, nhưng thể hiện là các KGCC có tính chất thiên nhiên (cây xanh, vườn hoa) hơn là các KGCC mang tính chất xã hội.

Ngoài ra, ở các đầu mục khác có liên quan cũng chỉ có các quy định về chỉ số đất cây xanh trên đầu người hoặc bán kính phục vụ của các không gian vườn hoa, sân chơi đối với các nhóm nhà ở. Như vậy, có thể thấy trong hệ thống quy hoạch chính thống của Việt Nam chưa có khái niệm KGCC; đặc biệt không có sự khẳng định và trình bày rõ rệt.

Theo nhà nghiên cứu David Koh [1] thì KGCC không chỉ là những không gian vật chất cố định với các chức năng cụ thể mà còn là KGCC do người sử dụng tạo ra.

Trong cuốn sách “Cuộc sống giữa các công trình kiến trúc”[2], Jan Gehl lại cho rằng: Một KGCC tốt cần có 4 tiêu chí bao trùm: Khả năng tương tác xã hội (sociability); công năng và hoạt động (uses and activities); sự tiện nghi và hình ảnh đô thị (comfort and image); và cuối cùng là khả năng tiếp cận, kết nối (accessibility and connectivity). KGCC luôn gắn với thiên nhiên, là không gian mở và không gian giao tiếp có liên quan đến sự thay đổi về văn hóa thị dân trong thời kỳ hậu hiện đại, mang tầm quan trọng của xã hội nhân văn với con người đô thị cởi mở hơn, sáng tạo hơn và sống tốt hơn – Do vậy có sức hấp dẫn các nhà đầu tư, những người tài năng đến tương tác.

2. Khái niệm về không gian mở công cộng

Không gian mở công cộng là những KGCC không sử dụng vào mục đích xây dựng công trình, là những KGCC ngoài trời, và trừ không gian dùng cho giao thông cơ giới: Công viên, vườn hoa, sân chơi, bãi biển công cộng, bờ sông, bờ kè và quảng trường công cộng.

Sơ đồ 1.1 Tỷ lệ không gian xanh trên đầu người
Nguồn: l’Asian Green City Index 2011

3. Về KGCC tại Hà Nội

Hà Nội là một trong những đô thị có mật độ dân số lớn nhất thế giới (lên tới 404 người/ha) song bên cạnh đó Hà Nội cũng là thành phố (TP) có tỷ lệ KGCC rất hạn chế: 0,3% diện tích TP với tỷ lệ ít hơn 1m² trên đầu người. So với các TP có cùng quy mô tương tự trên thế giới nói chung và tại châu Á nói riêng thì diện tích cho KGCC, không gian xanh rất hạn hẹp: ở Hà Nội là 11,2 m² trên đầu người, trong khi tỷ lệ trung bình của các thành phố châu Á là 39 m² trên đầu người.

Theo chỉ số TP Xanh của châu Á 2011 (2011 Asian Green City Index), Hà Nội là TP duy nhất, trên tổng số 22 TP được điều tra, bị đánh giá là “đứng dưới mức trung bình” về mặt sử dụng đất và xây dựng.

Khi mật độ dân số tại Hà Nội đang tăng nhanh chóng mà đất công cộng thì không thể sinh ra thêm được, nhưng vẫn còn những không gian hạ tầng kỹ thuật, do bối cảnh và lịch sử, dường như những không gian này vẫn còn rất nhiều tiềm năng. Vì vậy, vai trò và trách nhiệm của nó không chỉ dừng lại ở việc phục vụ hạ tầng kỹ thuật mà còn phải đáp ứng được các chức năng khác như công cộng, thương mại, dịch vụ, giáo dục,…

4. KGCC và sự định hình bản sắc văn hóa tại Hà Nội

Hà Nội vẫn được các du khách nhìn nhận như một TP sôi động và náo nhiệt của các sinh hoạt công cộng. Tuy thế, phần lớn các hoạt động này thường bám theo những không gian khó định hình như vỉa hè, góc phố… hơn là tại những không gian cụ thể dành riêng như những quảng trường ở Châu Âu.

Cơ sở đề xuất những giải pháp kiến tạo KGCC mở – đa chức năng

1. Cơ sở lý thuyết

Lý thuyết về Không gian đô thị (KGĐT) của Roger Trancik:

  • Lý thuyết hình nền: Nghiên cứu quan hệ giữa không gian và thực thể đô thị qua cảm nhận của con người, xây dựng dựa trên nghiên cứu mối quan hệ về độ phủ kín của công trình với khoảng không gian trống. Nghiên cứu mối quan hệ hình-nền của môi trường vật chất, xác định trật tự và cấu trúc KGĐT bằng cách vận dụng mối quan hệ này như thêm hay bớt đi làm thay đổi hình dạng vật thể của không gian.
  • Lý thuyết kết nối: Tính kết nối theo quy luật liên hệ tuyến tính tồn tại trong các yếu tố cấu thành môi trường đô thị. Đường đi bộ, tuyến không gian mở, tuyến giao thông công cộng tạo nên hệ thống kết nối, tạo ra cấu trúc KGĐT. Lý thuyết kết nối làm rõ trình tự trước sau của các lớp trong KGĐT, tạo ra liên kết giữa các điểm, khu vực và lân cận mà ở đó, vai trò của KGCC được thấy rõ.
  • Lý thuyết địa điểm: Đề cập đến nhu cầu người sử dụng, văn hoá địa phương, bối cảnh xã hội lịch sử trong thiết kế. Những ảnh hưởng của địa điểm tạo phần hồn của KGĐT phản ứng với Chủ nghĩa Công năng. KGCC là địa điểm thể hiện rõ nét nhất đặc tính này, qua cấp độ từ không gian, điểm đến và nơi chốn [12].

Tính đa dạng trong không gian của Emily Talen: Emily đưa ra quan điểm cần thiết để phát triển đa dạng các khu dân cư Mỹ, bắt nguồn sâu xa từ mục tiêu công bằng xã hội thông qua thiết kế. Bà đề xuất ba tiêu chí bao gồm: Sử dụng hỗn hợp, tính kết nối và tính an toàn trong không gian. Những yếu tố này mang tính khái quát cao và có tác động dây chuyền với nhau tạo nên không gian đa dạng.

Tiêu chí về sự đa dạng và công bằng xã hội trong không gian công cộng của Emily Talen [13]
2. Cơ sở thực tiễn

Tại Nhật Bản: Các TP lớn điển hình như Tokyo được quy hoạch với tầm nhìn và mục tiêu phát triển về hạ tầng, môi trường, an ninh, văn hóa, du lịch và công nghiệp trình độ cao. Dự án trọng tâm là phục hồi cảnh quan TP dựa trên yếu tố mặt nước và hành lang xanh và tái thiết một số KGCC cũ bị bỏ hoang. Dự án này góp phần tạo dựng việc kết nối các không gian xanh hiện hữu cũng như phát triển thêm các không gian xanh mới

Ở đây, những khoảng xanh, nơi công cộng cho người dân thư giãn và tập thể dục vô cùng quan trọng, đặc biệt là ở Tokyo hay Osaka, nhà khá bé và nhiều căn hộ được thiết kế dành cho người độc thân nên càng chật chội. Vào ngày cuối tuần, nếu ở nhà cả ngày người ta rất dễ bị cảm thấy trầm cảm. Vì thế, KGCC là một phần không thể thiếu trong khu dân cư. Dù sống ở đâu, trong khoảng cách đi bộ, nước Nhật đều có KGCC để người dân có thể đi dã ngoại, ngồi thư giãn hay tụ tập với bạn bè.

Tại Pháp: Paris là TP di sản đô thị. Vì vậy, định hướng quản lý đô thị của TP luôn tuân thủ nguyên tắc bảo tồn di sản đô thị, đặc biệt là các KGĐT có giá trị lịch sử, trong đó có các KGCC. Quanh khu vực cos các KGCC, các công trình xây dựng mới được quản lý rất chặt chẽ để bảo đảm hoà nhập với KGĐT. Các ngôi nhà cũ, nhất là hình đáng bên ngoài, nhịp điệu tuyến phố được bảo vệ chặt chẽ. Người sử dụng được phép sửa sang cơi nới bên trong hoặc không gian ngầm để tăng diện tích sử dụng, song không được phép thay đổi diện mạo bên ngoài, nhịp điệu kiến trúc tuyến phố. Ngoài đường phố, có thể đặt thêm cột đèn đường, biển báo, trạm chờ xe buýt, song tất cả phải được thiết kế hài hoà với kiến trúc công trình quanh nó. Trong khuôn viên khu nhà, không được phép tự ý tăng mật độ xây dựng. Chủ nhà có trách nhiệm chăm sóc vườn hoa cây cảnh trong khu vực nhà mình. Nếu chính quyền đô thị phát hiện chủ nhà không chăm sóc, để khu vườn khô héo thì người chủ nhà sẽ chịu phạt. Do vậy, đến đầu thế kỷ 21, vẫn có thể dạo bước trên những khu phố nguyên vẹn kiến trúc, cảnh quan xây dựng từ thế kỷ 18. Quản lý minh bạch các giao dịch bất động sản đem lại nguồn thu lớn cho thành phố, đồng thời bảo đảm quyền lợi cho khách hàng và chủ bất động sản. Vỉa hè Paris là nguồn lợi cho các cửa hàng. Chính quyền không bỏ qua nhu cầu mở rộng diện tích kinh doanh của người dân. Hộ kinh doanh được phép cơi nới diện tích cửa hàng ra một phần vỉa hè, nhưng không được chiếm chỗ đi bộ và phần cơi nới phải có kết cấu nhẹ, tháo dỡ được.

3. Cơ sở môi trường tự nhiên và văn hóa bản địa

Văn hóa truyền thống vốn là một giá trị phi vật thể tạo nên bản sắc của KGĐT nói chung, kiến trúc, cảnh quan KGCC nói riêng. Các giai đoạn lịch sử của Thăng Long – Hà Nội đã tạo nên những nét văn hóa truyền thống và định hình các giá trị bản sắc, tinh thần, nơi chốn cho các KGCC. Trải qua hàng ngàn năm phát triển, các KGCC được hình thành, tồn tại cho đến ngày nay có ý nghĩa rất lớn đối với cuộc sống người dân Thủ đô. Các giải pháp nhằm cải thiện nâng cao giá trị sử dụng các không gian kiến trúc cảnh quan tại các KGCC cần đề cao các yếu tố quan trọng này, nhằm giữ gìn phần hồn, góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống của người Hà Nội.

Khí hậu khu vực khá tiêu biểu cho khí hậu đồng bằng Bắc bộ nhiệt đới gió mùa, lạnh về mùa đông, nóng ẩm về mùa hè. Đặc trưng có bốn mùa rõ rệt làm khí hậu khu vực này đa dạng, tác động lớn tới kiến trúc, cảnh quan. Địa hình khu vực cũng đa dạng với hệ thống sông, hồ, gò, đồi. Các KGCC là không gian mở, kết hợp với cây xanh, mặt nước, địa hình tự nhiên. Vì vậy, yếu tố tự nhiên, môi trường tác động rõ rệt tới kiến trúc, cảnh quan và phương thức, tần suất sử dụng KGCC vào các mùa trong năm. Trong những năm gần đây, hiện tượng biến đổi khí hậu xảy ra mạnh mẽ trên toàn cầu. Việt Nam là một trong số những nước bị ảnh hưởng nặng nề. Các hoạt động ngoài trời tại các KGCC cũng bị ảnh hưởng cũng như kiến trúc, cảnh quan các KGCC này. Để thích ứng với biến đổi khí hậu, các giải pháp quản lý kiến trúc, cảnh quan KGCC cũng cần xem xét yếu tố quan trọng này.

Những quan điểm và nguyên tắc phát triển

1. Thiết kế không gian mở cần nghiên cứu đến các yếu tố tự nhiên (hướng nắng, hướng gió…)

Quay lại quá khứ, tại những ngôi làng truyền thống vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, chúng ta có thể thấy được mặc dù tại thời điểm đó không có những nhà chuyên môn về kiến trúc hay quy hoạch nhưng cha ông ta vẫn tạo ra được các KGCC cho làng quê Việt hết sức hợp lý. Các công trình xây dựng cho dù co cụm nhưng vẫn đảm bảo về mật độ xây dựng, đặc biệt tận dụng tối đa các hướng gió tốt và tránh được hướng gió xấu. Tổng thể kiến trúc cảnh quan làng xã luôn tạo ra những không gian vi khí hậu với cây đa, bến nước sân đình… luôn hội tụ đầy đủ các yếu tố của một không gian sống sinh thái.

Còn thực tế hiện nay, do yêu cầu phát triển kinh tế, đặc biệt là lợi nhuận đặt lên hàng đầu, mặc dù chúng ta có những nhà chuyên môn về quy hoạch, về kiến trúc, nhưng các đồ án quy hoạch hay thiết kế cảnh quan dường như lãng quên việc nghiên cứu hướng nắng, hướng gió để tạo ra môi trường vi khí hậu tốt nhất cho các công trình xây dựng. Thực ra những thiếu sót đó vô hình chung không những không tận dụng được các lợi thế của thiên nhiên mà còn gây tốn kém rất nhiều cho các chi phí vận hành, tiêu hao rất nhiều năng lượng trong sử dụng.

Chính vì vậy, việc tận dụng những kinh nghiệm bản địa về điều kiện tự nhiên là cơ sở thiết kế, cải tạo những KGCC mở – thích ứng và tôn vinh các giá trị văn hóa bản địa, góp phần vào phát triển ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô.

2. Tối đa tiếp cận và điểm nhìn cho không gian mở

KGCC về lý thuyết, mở ra phục vụ và không có phân biệt cho tất cả các đối tượng dân cư xã hội có nhu cầu – Đó mới là những KGCC đúng nghĩa. Do đó, việc tạo ra một hệ thống KGCC tốt có ý nghĩa vô cùng quan trọng với một TP nói chung, cũng như từng khu đô thị nói riêng. Các nội dung cốt lõi của KGCC bao gồm: Sự tiếp cận và tính liên kết, sự tiện nghi và hình ảnh, tính chất sử dụng và các hoạt động và các thuộc tính xã hội.

Tăng cường khả năng kết nối từ mọi hướng đổi với không gian công cộng (Atelier Dubosc et Associes)

3. Tạo điều kiện cho sự linh động giữa giao thông và các hoạt động thể thao, văn hóa công đồng

Sự chia sẻ đường phố cho người đi bộ, các hoạt động, sự kiện văn hóa thường xuyên diễn ra. Có thể đi kèm với các giải pháp như giảm thiểu tốc độ các phương tiện đi lại để tránh xung đột.

Trong việc củng cố chất lượng phục vụ công cộng thông qua các hoạt động của người dân. Đường phố tạo thành các không gian đặc biệt cởi mở và phát triển có khả năng cung cấp các điều kiện phù hợp tương đương với các KGCC hiện hữu bởi hệ thống quản lý, các thiết bị nội thất có tính tháo dời.

4. Tạo lập địa điểm thu hút, tiện ích và biểu tượng cho đô thị

Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan tạo cảm giác dẫn hướng, phân chia các khu chức năng phục vụ rõ ràng thông qua các yếu tố trang trí nội thất đường phố như lát gạch màu, hệ thống cây xanh thảm thực vật,…

Đối với mỗi không gian thiết lập đều mang những đặc thù riêng biệt. Vì vậy việc phân chia không gian một cách khéo léo là rất quan trọng để vừa phục vụ được công cộng nhưng cũng tránh được các xung đột nhạy cảm bởi sự tranh giành không gian chung. Qua đó kích thích các hoạt động diễn ra sôi nổi một cách thoải mái hơn.

Không gian mở hoàn toàn, đồng thời tăng cường khả năng kết nối và tiếp cận đối với không gian từ mọi hướng (Atelier Dubosc et Associes)

5. Tạo lập các không gian đa chức năng, phục vụ đa dạng đối tượng sử dụng.

Nếu phân loại các KGCC dựa theo tính chất của không gian, dưới góc độ người sử dụng, KGCC có thể chia thành 03 loại chính:

  • KGCC là nơi tụ họp – các quảng trường, không gian mở mang tính chất đô thị; là không gian nơi con người gặp gỡ và giao tiếp. Vì vậy, cần được thiết kế phù hợp với tỷ lệ con người, tiện nghi, có các khu vực ăn uống, tiện ích trong khoảng cách gần, và không bị ảnh hưởng bởi các phương tiện giao thông.
  • KGCC là nơi nghỉ ngơi, thư giãn – các công viên cây xanh lớn. Công viên cây xanh được coi là nơi giải thoát khỏi các vấn đề căng thẳng do cuộc sống đô thị mang lại, tận hưởng những thú vui như chạy nhảy, chơi đùa, đi dạo hoặc đơn giản chỉ là ngồi thư giãn, ngắm cảnh. KGCC thuộc loại này cần có những đường đi dạo, đường đi xe đạp, trồng nhiều cây xanh và ít các dịch vụ tiện ích.
  • KGCC là nơi vui chơi, giải trí thư giãn hàng ngày – các công viên khu ở có ý nghĩa rất quan trọng đối với môi trường sống của con người, có thể làm tăng cao giá trị khu đất cũng như mang lại môi trường sống chất lượng cao. Không gian này cần được thiết kế sao cho dễ tiếp cận, không bị ảnh hưởng bởi phương tiện giao thông, thân thiện con người, cũng như có các tiện ích và không gian vui chơi an toàn cho người dân ở mọi lứa tuổi.

TS.KTS NGuyễn Việt Huy – KTS Phạm Quang Chung
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 4-2024)


Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Minh Hòa (2006). Từ không gian giao tiếp đến không gian nhân văn- con đường đi của đô thị Việt Nam. Tạp chí phát triển KH& CN, tập 9 số 3 2006;
2. Gehl.J (2001), Cities for people, New City Spaces. Copenhagen, Danish Architectural Press;
3. Julien de Labaca. (2020). Urbanisme et mobilité: l’urgence de prendre le temps! (https://ift.tt/2Lh14js)
4. Báo điện tử bộ văn hóa thể thaovà du lịch https://toquoc.vn/
5. Trang thông tin phân tích và tưởng tượng các diễn biến đô thị và xã hội liên quan đến Paris https://www.apur.org/fr
6. Báo điện tử an ninh thủ đô https://ift.tt/YTnVLvS
7. Studio thiết kế cảnh quan Pure+Applied
8. Chỉ số thành phố xanh châu á Asian Green City Index
9. Gehl.J (2002), Life between buldings: Using public space, New York: Van Nostrand Reinhold
10. Gehl.J, Gemzoe.Lars (2001), New City Spaces. Copenhagen, Danish Architectural Press.
11. Mark Francis – Public places and spaces Chapter:Control as a Dimension of Public-Space Quality – Department of Environmental Design, University of California Davis, Davis, CA, 95616, USA
12. Nguyễn Việt Huy (2018) Đôi điều suy nghĩ về không gian công cộng ở Việt Nam. Tạp trí kiến trúc (Hội kiến trúc sư Việt Nam), 06-2018
13. Nguyễn Việt Huy (2021) Kiến trúc xanh và xây dựng phát triển bền vững. 60-66.
14. Nguyễn Việt Huy (2016) Sử dụng hiệu quả quỹ đất, ý tưởng thiết kế không gian sinh hoạt cộng đồng từ những công trình bị lãng quên trong đô thị ?. Tạp trí kiến trúc (Hội kiến trúc sư Việt Nam), 12-2016
15. Dũng, P. S. (2015). Không gian cộng đồng – Khái niệm cần được nhìn nhận. Tạp chí Kiến trúc (Hội Kiến trúc sư Việt Nam)
16. Stephen Carr, Mark Francis, Leanni G.rivlin, Andrew M.Stone (1992) Public space – Cambrige university Press