Điều dễ thấy là văn hóa đô thị Việt Nam có nguồn gốc từ văn hóa nông thôn, nhưng văn minh nông thôn ở Việt Nam lại được phát triển từ văn minh đô thị. Không gian đô thị là “bà đỡ” cho nền văn minh hiện đại. Làn sóng đô thị hóa không ngừng vỗ vào mẹ thiên nhiên, mẹ cứ nép mình, ép mình nhường chỗ cho những con-sóng đô thị. Chỉ số đô thị hóa còn được coi là một chỉ số phát triển. Cả nước phấn đấu để đến năm 2025 có chỉ số đô thị hóa là 45%, Hà Nội là 75% đến năm 2030. Một “sa mạc” vật thể nhân tạo đã hình thành và sẽ càng ngày càng lớn hơn nhiều, chúng tạo nên môi trường sống của chúng ta. Trong cái “sa mạc vật thể đô thị” mênh mông ấy, lác đác xuất hiện vài “ốc đảo đô thị” – Đó là các Công viên đô thị.

Garden of Eden, Vịnh Ba tư. Bản vẽ vườn cổ đại 1765

Nói đến công viên, không thể không bàn đến vườn, bởi vườn là “mẹ đẻ” của công viên. Trong cách nhìn nhận phổ thông, vườn và công viên thường lẫn lộn, không dễ phân biệt. Bởi chúng có cái chung lớn là cây xanh, dùng để thưởng ngoạn và giải trí. Điều phân biệt rõ nhất là vườn luôn liên quan đến cái nhà, dù là nhà ở, dinh thự hay lâu đài. Công viên thì liên quan đến đô thị. Hoạt động ở vườn thường tĩnh hơn, riêng tư hơn, hoạt động ở công viên thì động và công cộng hơn.

Chuyết chính viên Trung Quốc

Trong sự phát triển của văn minh đô thị, xuất hiện nhiều biến thể khác nhau của vườn và công viên. Vườn đô thị phần lớn là không gian và hoạt động tĩnh, nhưng là công cộng. Các vườn Hoàng gia, vườn dinh thự của các đại gia phong kiến trước kia như Versailles, Di Hòa Viên – Bắc Kinh, Taj Mahal – Ấn Độ, Vườn Herrenhausen Hanover (CHLB Đức)…hay các Vườn quốc gia, vẫn gọi là vườn nhưng dành cho công chúng, và hoạt động thiên về thưởng ngoạn, tĩnh, quy mô rất lớn.

Hơn 10 000 năm TCN đã có vườn, nhưng công viên thì mãi đến thế kỷ XIX mới có. Năm 1842 Victoria Park London mới được xây dựng, đây là công viên đầu tiên trên thế giới.

Nếu lấy kiến trúc làm trung tâm thì vườn có giới hạn từ kiến trúc đến hết ranh giới khu đất. Vườn khác công viên chủ yếu ở tính mục đích và đối tượng phục vụ. Vườn thiên về thưởng ngoạn cảnh trí, phục vụ tư hữu, hoạt động thanh tĩnh. Công chúng là đối tượng chính của công viên. Hoạt động trong công viên chủ yếu là các hoạt động năng động như giải trí, nghỉ ngơi, thể thao. Thưởng ngoạn cảnh trí cũng là một phần của các hoạt động trong công viên, nhưng không nhiều.

Theo Từ điển Encyclopaedia Britanica “Vườn là một khu đất nơi trồng thảo dược, hoa quả và rau xanh”- Garden History – Tom Turner. Trong khi thuật ngữ cổ thì “Vườn là một khu đất được rào quanh để thờ cúng và tín ngưỡng thờ thần”-. Tuyên ngôn Florence 1981 (Florence Charter) định nghĩa: “Vườn là một bố cục cây trồng và kiến trúc cho tiện ích công cộng xét từ quan điểm nghệ thuật hay lịch sử”. Còn rất nhiều định nghĩa hay cách hiểu khác nhau về vườn tùy theo góc nhìn và quan niệm. Nhưng điều hầu như khẳng định, dẫu không biết ở đâu và khi nào là: ( Garden History. Tom Turner)

Vườn là hình thái cảnh quan sớm nhất. Không gian ngoài nhà được biết đến từ 10 000 năm trước Công nguyên (TCN). Vườn bắt đầu rất sớm ở châu Á. Trung Quốc từ 2100 năm TCN đã có vườn, gọi là “hữu”, là vườn có tường bao xung quanh nuôi con vật yêu thích (Vườn cảnh Trung Quốc – Lâu Khánh Tây). Vườn Ai cập được biết đến từ 6 000 năm TCN qua các tranh khắc trên tường. Vườn treo Babylon từ năm 632 TCN, là một giả thuyết chưa có kết luận chắc chắn…

Từ thời cổ đại, vườn đã có nhiều thể loại như: Vườn nhà, vườn săn bắn, vườn đền, vườn lâu đài, vườn thuốc, vườn thiền, vườn trà và vườn cảnh.

Vườn Thượng uyển của Hoàng đế Tần Thủy Hoàng năm 221 TCN: “Chiều dài từ Đông sang Tây lên đến 1100m, từ nam đến bắc rộng 400m…Tiền điện A phòng Đông Tây bốn trăm bộ, Nam Bắc mươi trượng, trên ngồi vạn người, dưới dựng cờ năm trượng”. Đủ thấy vườn không chỉ là nơi du hí phong lưu mà còn là biểu tượng uy quyền, vừa là nơi săn bắn vừa là nơi giao tiếp với thần linh – thông thần.

Vườn Ai Cập cổ đại

Vườn đền, thờ Nữ hoàng Ai cập Hatshepsut (1450 TCN) có mộ và đền thờ, được xây 2 nơi khác nhau – Mộ được chôn với châu báu, mộ cổ trong Thung lũng các Hoàng đế. Senenmut thiết kế mộ của Bà. Ở đây có 3 sân lớn giật cấp (terraces) được nối với các đường dốc (ramp) rất uy nghiêm. Hàng cây ở sân biểu lộ dáng dấp thiêng liêng của gò mộ với 2 hồ dáng chữ T tiếp giáp với tuyến đường trung tâm. Đường hành lễ đến sông Nile được xếp hàng các tượng nhân sư, cách nhau 10m, mỗi tượng dài 3m, cao 1m. Từ xa đã nhận thấy bức tượng Nữ hoàng do Osinde điêu khắc bằng đá vôi khổng lồ trước hàng cột bao quanh sân đền – (Garden History. Tom Turner)

Vườn Shalamar Bagh – Chốn của tình yêu – (1620 Kashmir) là một trong các vườn quý phái nhất thế giới, nền được chuẩn theo dạng hình học tĩnh, bên hồ Dal Kashmir. Vườn được Hoàng đế Jahangir và phu nhân Nur Jahan xây 1650. Sau đó con là Shah Jehan tiếp quản. Vườn được nối với hồ bằng một kênh nước dài 850m, là vườn riêng của Hoàng đế và một vài mệnh phụ của triều đình nên Shah Jehan xây thêm các lầu quán bằng đá cẩm thạch đen. Ở đó có ngai và thác nước. Mặt bằng tổng thể của vườn là một chahar bagh truyền thống (vườn 4 phần truyền thống Hồi giáo) với lầu đặt ở trung tâm một hồ nước vuông, nơi giao nhau của các kênh nước. Cây trồng là cây dương và cây tiêu huyền. Shalamar gần hồ, có một con suối nhỏ dễ thương từ đồi chảy xuống và vào hồ Dal. Theo lời cha mình Hoàng đế Jahangir, Shah Jehan xây đập và tạo thác nước để ngắm nhìn. Đây là một thắng cảnh nổi tiếng nhất của Kashmir (Garden History – Tom Turner).

Một số khu vực rộng lớn với cây xanh bao phủ và hoạt động công chúng được gọi là vườn mà không gọi là công viên như Vườn Quốc gia, Vườn Bách thảo, Vườn thú. Thuật ngữ vườn có phạm trù ý nghĩa rộng hơn công viên. Một công viên đôi khi được gọi là vườn, nhưng một vườn khó có thể gọi là công viên. Một công viên được thiết kế với công năng công viên thì không thể gọi là vườn. Khác nhau chủ yếu vẫn là ở công năng.

Có thể nói, lịch sử hình thành và phát triển của vườn là khởi đầu và phát triển của lịch sử công viên và cảnh quan nói chung. Hầu hết các lý thuyết và phong cách cảnh quan đều có nguồn gốc từ thẩm mỹ vườn

Công viên là hình thái cảnh quan nhân văn xuất hiện khi quá trình Công nghiệp hóa thúc đẩy quá trình Đô thị hóa, nhu cầu cần thiết phải tạo ra nhiều khoảng trống trong đô thị, nhiều khu cây xanh đô thị nhằm cân bằng sinh thái với khối tích xây dựng dày đặc của đô thị. Đối tượng chính của công viên là công chúng. Hoạt động vui chơi giải trí, nghỉ ngơi thưởng ngoạn, thể thao và sự kiện…là những hoạt động chính của công viên.

Công viên và thiết kế công viên có ảnh hưởng nhất đến quá trình Công viên hóa đô thị trên thế giới là Công viên Trung tâm New York – Central Park NY, Frederick Law Olmstead và Calvert Bowyer Vaux là các KTS cảnh quan thiết kế công viên này. Công viên được xây dựng năm 1856, rộng 341 ha, là công viên công cộng đầu tiên ở Mỹ. Mặc dầu ban đầu F.L. Olmstead là phóng viên từng 2 lần tham quan các công viên Anh quốc, ông ấn tượng với công viên Birkenhead Park Livepool ở tính công cộng và tính thiên nhiên “đẹp như tranh vẽ – picturesque” của các công viên nước Anh và mang tinh thần thiên nhiên – công cộng đó vào cuộc thi thiết kế Central Park New York cùng với Calvert Vaux. Đồ án “Greenward” của hai ông đoạt giải và ông được cử làm KTS trưởng dự án và Calvert Vaux làm phụ tá cho ông (Great City Parks – Alan Tate ).

Điều đáng nói là với dự án Central Park NY, Frederick Law Olmstead mang chính danh là KTS cảnh quan đầu tiên và các công việc liên quan đến thiết kế, tư vấn và quản lý cảnh quan được công nhận là một nghề chính thống ở Mỹ. F.L.Olmstead và Vaux là hai người dùng thuật ngữ kiến trúc cảnh quan –landscape architecture đầu tiên ở Mỹ. Frederick Law Olmstead không học đại học vì bị ngộ độc cây sơn trầm khi chuẩn bị nhập Đại học Yale, cũng không thấy sau đó ông học kiến trúc ở đâu nhưng với tình yêu thiên nhiên và vốn tri thức có được qua các cuộc viễn du Âu – Á và nội địa, với tầm ảnh hưởng chính trị xã hội của mình ông được coi là cha đẻ của kiến trúc cảnh quan Mỹ. Công viên Trung tâm NY và hàng loạt các công trình khác của ông như: Công viên triển vọng (1866); Công viên Delaware, Buffalo (1869) Belle Isle, Detroit (1881); Mount Royal, Montreal (1877); Công viên Franklin, Boston (1885); Công viên Thung lũng Genesee, Rochester, New York (1890); Công viên Cherokee, Louisville (1891… Hệ thống Công viên Boston-“Vòng cổ ngọc lục bảo”: Charlesbank, Back Bay Fens, Riverway, Leverett Park, Jamaica Pond, Arboretum Arnold, Franklin Park và Marine Park, và các đường công viên nối liền…đã chứng minh điều đó.

Công viên có thể phân loại theo chức năng chính như sau:

  • Công viên đô thị (urban park);
  • Công viên chuyên đề (theme park): Công viên lịch sử, công viên nước, công viên giải trí (amusement park), công viên thể thao…;
  • Vườn quốc gia (National park);
  • Các khu bảo tồn đa dạng sinh học, sinh quyển, rừng ngập mặn, cao nguyên đá…

Ra đời sau rất lâu so với vườn, thế kỷ XIX, Công viên thực sự là một yếu tố cấu trúc thiết yếu cho các đô thị, cho hệ sinh thái của một vùng, một quốc gia cho các không gian nghỉ ngơi giải trí của con người

Công viên đô thị là không gian xanh trong đô thị, dung nạp các hoạt động nghỉ ngơi, giải trí, văn hóa, thể thao của thị dân. Công viên đô thị có hoạt động phổ thông và đa dạng, quy mô từ nhỏ đến lớn, có thể ở trong hoặc ngoài đô thị, đáp ứng nhu cầu hàng ngày, hàng tuần hay hàng tháng của người dân.

Công viên chuyên đề thường ở ngoại vi đô thị, cần diện tích lớn và đặc biệt là các hoạt động theo một chuyên đề nhất định. Nhu cầu thường là tháng, năm. Có thể có các dạng công viên chuyên đề như sau: công viên nước, công viên lịch sử, công viên giải trí kiểu Disneyland – Amusement park, công viên thể thao, công viên sinh thái kiểu bách thảo, bách thú (Botanic garden- Zoological park/garden) hoặc công viên rừng…

Vườn quốc gia (National Park) – Ở đây, thuật ngữ tiếng Việt “vườn” và “công viên” thay cho nhau. Vườn quốc gia là khu vực đất hay biển được bảo tồn sinh học, sinh quyển bởi các quy định pháp luật quốc gia và quốc tế. Vườn quốc gia được chính thức công nhận đầu tiên trên thế giới là Vườn quốc gia Mackinac năm 1875 (Mackinac National Park). Việt Nam có 34 vườn quốc gia, trong đó vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng có diện tích lớn nhất.

Vườn quốc gia Cúc Phương là vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam được công nhận quốc tế, năm 1966.

Ngoài nhiệm vụ bảo tồn, vườn quốc gia có các hoạt động giải trí, giáo dục, du lịch, tham quan, trải nghiệm … với yêu cầu không xâm hại các hệ sinh thái, sinh quyển và bảo đảm phát triển bền vững cho tự nhiên của vườn.
Các khu bảo tồn đa dạng sinh học, sinh quyển, rừng ngập mặn…chưa được coi là vườn quốc gia, cũng chưa có cấu trúc công viên hoàn chỉnh. Nhưng do đặc tính hoang sơ, hoang dã, một vùng thiên nhiên đặc trưng nên cũng được áp dụng cho tham quan, trải nghiệm, nghỉ ngơi, khám phá. Các hoạt động ở đây thường tĩnh, chủ yếu là tham quan, trải nghiệm hoặc nghiên cứu. Các vườn cò, vườn chim, rừng ngập mặn, đầm phá hay cao nguyên đá … thuộc dạng này.

Một số công viên nổi tiếng thế giới như: Di hòa viên Trung Quốc, Central Park New York, Parc de la Villette Paris, Regent Park London, Tiergarten Berlin, Amsterdamse Bos Amsterdam…

Nghệ thuật cảnh quan có nguồn gốc từ nghệ thuật vườn. Cho đến thập kỷ 50- 60 thế kỷ XX nghệ thuật cảnh quan không thoát khỏi nghệ thuật vườn – nghệ thuật “mẹ”, dẫu đã có những những khởi mầm của cảnh quan đô thị. Công viên Thống Nhất được xây dựng năm 1957, thiết kế năm 1956 vẫn theo bố cục trục chính, biến thể của vườn Baroque. Nghệ thuật cảnh quan vườn bắt đầu từ châu Á, từ Trung Quốc, Nhật Bản và thế giới Hồi giáo, nhưng nghệ thuật cảnh quan công viên thì xuất hiện ở châu Âu và Châu Mỹ, dẫu có muộn hơn nhiều.

Vườn Trung Quốc xuất hiện sớm nhất, có 3000 năm phát triển, từ thời Thương Chu – Tần Hán (1600 TCN -280) đến thời Minh Thanh (1368-1911). Vườn Trung Quốc với triết luận thiên nhiên thu nhỏ, đan quyện tính văn hóa, nghệ thuật thi họa. Vườn Hoàng gia thì thể hiện khí phách, vương quyền, vườn tư nhân thì như một chốn lưu ẩn tâm hồn, chốn ươm mầm ý tưởng nghệ thuật. Giá trị lớn nhất của nghệ thuật vườn Trung Quốc là ở cấu trúc vườn và thủ pháp dựng cảnh cho vườn. Những cấu trúc sơn thủy, cấu trúc mô phỏng, cấu trúc “nhị nguyên tương-đối” (chính phụ, xa gần, trước sau, trong ngoài, ẩn hiện, thật ảo…) hay cấu trúc dẫn dắt vẫn còn nguyên giá trị đến bây giờ. Làm vườn khó tránh những cấu trúc này. Lãng mạn và kỳ ảo là ở những thủ pháp dựng cảnh vườn. Những “bộ di cảnh dị”, “viên trung hữu viên”, “tiểu trung kiến đại”, “sơn trùng thủy phục” hay “ảo vu nhân tá” đã mấy ai hiểu hết được. Đó là chất trầm hương của nghệ thuật vườn Trung Hoa, ngấm dần và lan tỏa. Thâm sâu, kỳ ảo, đậm chất nhân sinh như vậy nhưng lại khó áp dụng cho cảnh quan công viên bởi đó là vườn và chỉ cho vườn.

Ryoan-ji Garden

Vườn Nhật Bản nổi tiếng đến vậy nhưng để nêu lên đặc tính và giá trị với một vài chữ thôi, thì lại không nhiều. Triết luận vườn Nhật ở chất tượng trưng, cô đúc và ở xử lý chi tiết. Cây, hoa, nước thì vườn ở đâu cũng có, nhưng đá, sỏi, cát, rêu thì rất đặc biệt ở vườn Nhật. Đá là núi, là đồi. Cát là nước là sóng biển. Các nguyên tắc chọn đá, phân loại, bố cục đá và cấu trúc vườn cũng không có gì đặc biệt. Đáng nói nhất là tinh thần Wabi-Sabi được áp dụng trong nghệ thuật vườn. Cái phù du, không hoàn hảo, vô thường, giản lược, khiêm và gần, thông hiểu tự nhiên làm cho tác giả vườn Nhật phiêu linh hơn, tự tại hơn. Làm cho du khách bình thản, an nhiên hơn với một chút giật mình. Nghệ thuật vườn Nhật cốt ở cái tiểu, không mạnh ở cái đại nên càng không đưa vào nghệ thuật cảnh quan công viên được. Có chăng chỉ là ở các chi tiết.

Vườn Hồi giáo là một khát vọng của con người, lấy cảm hứng từ vườn thiên đàng – Paradise Garden – được nói trong kinh Coran “Với tất cả tín đồ Hồi giáo, chúa hứa ban cho vườn và các dòng sông, nơi các người hằng mong đợi, và những biệt thự lộng lẫy; nhưng tuyệt vời hơn cả là niềm vui thích tốt lành của chúa trong vườn – Đó là “niềm hạnh phúc lớn nhất” (Asian Gardens – History, Beliefs and Design. Tom Turner). Vườn Hồi giáo là nơi để một người thấy hạnh phúc sau khi chết, không phải được tạo ra trên mặt đất. Đặc trưng nhất của vườn Hồi giáo là Vườn 4 phần- Chahar bagh. Mặt bằng hình vuông với 4 kênh nước giao nhau tượng trưng cho nước, sữa, mật ong và rượu vang. Tại điểm giao nhau có thể xây công trình lăng mộ hoặc lầu quán, tùy theo mục đích của chủ nhân. Kênh dẫn nước là yếu tố không thể thiếu của vườn Hồi giáo. Kênh dẫn nước ở vườn Shalamar Bagh, Kashmir dài đến 850m. Vườn có rộng lớn đến mấy cũng không được thiếu chahar bagh – vườn 4 phần. Giản dị, thường nhật, không trừu tượng hay biểu hiện nhưng vườn hồi giáo toát lên vẻ quý phái, giàu sang và quyền uy của các Hồi vương. Chính các thương gia, lữ khách châu Âu mang cái tinh thần quý phái, giàu sang này về nước để kiến tạo nên vườn cổ điển châu Âu. Vườn Baroque của Pháp có cái chất này.

Vườn Baroque ra đời ở thời Khai sáng của Châu Âu, thời kỳ nhà nước chuyên chế, quyền lực và tài lực tập trung (Louis XIV). Vườn Baroque hòa chung trong viên ngọc bất quy tắc nghệ thuật Baroque. Nghệ thuật Baroque là “nghệ thuật về sự chuyển động, không ngừng phát triển, kéo dài các yếu tố và bố cục để nhập vào cái vô số của hiện tượng, vào trong dòng chảy của sự vật, nơi mà sự tương hợp là bất tận. Bố cục baroque động và mở, có xu hướng vươn doãi ra ngoài các giới hạn”-Bazin.G/ Baroque and Rococo.

Vườn Baroque ra đời ở Pháp, bắt đầu với Vaux le Vicomte, do André Le Nôtre thiết kế, chủ nhân và cũng là nhà khai phá là Nicolas Fouquet, Bộ trưởng tài chính của Louis XIV. Vaux le Vicomte là tiền thân của Versailles, trong đó vườn Versailles cũng do Le Nôtre thiết kế, là đỉnh cao của nghệ thuật vườn Baroque. Vườn Baroque có quy mô rộng lớn, phóng tuyến thường quá giới hạn tạo nên vẻ vương giả, hoành tráng. Cấu trúc của vườn Baroque dùng hệ trục: trục chính, trục nước, trục hình sao, trục ngang… theo đó bố trí các yếu tố như boulevard, tượng ngoài trời, đài nước nghệ thuật, các quảng trường với kênh nước, thác nước. Thẩm mỹ của vườn baroque là động, mở, vươn doãi và trình diễn, là nghệ thuật liên kết các yếu tố kiến trúc – cảnh quan, điêu khắc và các thành tựu khoa học. Lối bố cục thiên về hình học, duy lý này chỉ có ở Châu Âu. Chính vì vậy mà nó có ảnh hưởng mạnh trong Quy hoạch đô thị thế kỷ XVIII và XIX. Pierre Charles L’Enfant đã quy hoạch cho Washington City năm 1791 cũng theo các hệ trục tổ hợp, tạo ra các quảng trường, điểm nhấn và các đại lộ kiểu boulevard. Vườn cổ điển Châu Âu có nhiều kiểu dạng, nhiều phong cách nhưng phong cách rõ rệt và đáng nói nhất chính là vườn Baroque của Pháp và vườn lãng mạn của Anh quốc.

Central Park

Vườn Anh quốc tạo nên phong cách vườn Tân cổ điển và vườn Lãng mạn ở châu Âu. Thời này chủ nghĩa kinh nghiệm đã thay thế chủ nghĩa duy lý khô cứng. Nền dân chủ lập hiến đã thay thế quân chủ chuyên chế. Những cuộc viễn du từ nước Anh tới nước Ý, sự ngưỡng mộ hội họa cảnh quan của Claude Lorraine, Nicolas Possin đã khơi dậy và nâng cao các giá trị cổ điển về tự nhiên, về con người đậm chất lý tưởng, huyền thoại. Và đặc biệt phong trào trở lại nông thôn, nông thôn như một chốn nghỉ ngơi yên lành… tất cả đã tạo nên chất cổ điển và lãng mạn trong thiết kế và xây dựng vườn ở Anh quốc.

Lý luận về nghệ thuật vườn đã bắt đầu thay đổi. William Temple cho rằng “Hình dạng tốt nhất của vườn không chỉ là dạng có quy tắc, mà cả những dạng bất quy tắc nữa, có trong cái đẹp bất quy tắc và sức tưởng tượng”.

A.O.Lovejoy nhận định “Chúa trời của thế kỷ 17 giống như người làm vườn, hình học hóa khi làm vườn. Chúa trời của Chủ nghĩa lãng mạn là một thế giới vạn vật, phát triển hoang dại, không trật tự và trong sự đa dạng của hình dạng thiên nhiên”. Với 3 giai đoạn phát triển: Phong cách Tân cổ điển (Augustan), Phong cách Serpentine (uốn lượn) và Picturesque (Đẹp như tranh vẽ), vườn Anh quốc đã chinh phục lý luận và thực tiễn vườn châu Âu. Với các triết luận và thay đổi từ quy tắc sang bất quy tắc, từ duy lý đến kinh nghiệm, từ hoành tráng sang lãng mạn, từ hữu hình sang phi hình, từ hệ trục sang phi hệ trục…Vườn Anh quốc đã làm một cuộc cách mạng về hình thức và nội dung của nghệ thuật vườn; một minh chứng và thực tiễn về thiết kế và xây dựng vườn, một phong cách đặc trưng vườn Anh quốc. Phong cách Picturesque lấy cái đa dạng và ấn tượng làm đầu. Lối bố cục theo hội họa cảnh quan như cận cảnh, trung cảnh, viễn cảnh kết hợp với các thủ pháp bất quy tắc, phi hình học, dựa vào thiên nhiên để đạt được hiệu quả lãng mạn, pha chút tượng trưng và huyền thoại, bí hiểm, một phong cách vườn Anh quốc thực sự. Đó là một đột phá trong nghệ thuật vườn và nghệ thuật cảnh quan nói chung.

Thế kỷ XX bùng nổ các quan niệm về nghệ thuật, về hệ giá trị nghệ thuật mới ở mọi lĩnh vực nghệ thuật nói chung và tạo hình nói riêng. Cấu trúc thời gian trong phim của Federico Fellini, kịch nói của Bertolt Brecht, truyện ngắn của Franz Kafka, hội họa lập thể, điêu khắc của Henry Moore, kiến trúc hữu cơ…tất cả tạo nên một môi trường ý tưởng và tác động mạnh đến nghệ thuật vườn thế kỷ XX.

Vườn Lập thể của Gabriel Guevrekian 1925, Vườn như một bức tranh trừu tượng của Roberto Burle Marx, hay một khuôn viên đậm chất phúng dụ của Ian Hamilton Finley…đã mở rộng không gian sáng tạo và ý nghĩa cho các KTS cảnh quan khi thiết kế vườn. Các mô thức (pattern) cổ điển vẫn được dùng, nhưng những cách tiếp cận mới đến chân trời sáng tạo càng ngày càng đa dạng và mới lạ. Vườn đồ họa Kitamachi Shimashima của Ryoko Ueyama chỉ là những vệt cỏ cắt xanh vàng song song thẳng hàng bất tận trong một không gian xanh tự nhiên. Những vệt cỏ và hàng cây bụi cắt đều của vườn trước Bảo tàng Bavarian lại trầm tư, tự tại chậm rải như bản thể vốn có của bảo tàng. Vườn sinh thái, vườn điêu khắc, vườn biểu hiện, vườn hậu hiện đại…đã thêu dệt nên tấm thảm vườn hiện đại đa dạng đa sắc và kỳ thú. Thế giới tưởng tượng của vườn đã rộng mở, ma trận giá trị phong cách vườn càng thêm nhiều hàng nhiều cột và từ đây vườn phóng chiếu các giá trị và phong cách, ý tưởng và thủ pháp, hình dạng và sắc màu sang lĩnh vực công viên hiện đại.

Vườn lập thể. Villa Noailles

Công viên hiện đại gắn liền với nghệ thuật cảnh quan. Do đặc thù và quy mô, cảnh quan công viên là một thành tố của nghệ thuật cảnh quan nói chung, như cảnh quan đô thị, cảnh quan ven bờ, cảnh quan phong cảnh…nhưng ít khi nói đến cảnh quan vườn, mặc dầu lý luận và phong cách của nghệ thuật vườn đẻ ra phong cách và nghệ thuật công viên. Trong 2 mô thức vườn cổ điển Baroque và vườn Anh quốc, triết luận và tinh thần của vườn Anh quốc ảnh hưởng mạnh đến thiết kế công viên. Các thảm cỏ lớn, các khóm cây tự nhiên rộng rậm, các con nước thành hồ, thành suối, một công trình nổi bật trong sắc xanh, một chiếc cầu chậm rãi bắc qua một con suối… là hồn cốt của vườn Anh quốc, rất dễ thâm nhập vào vườn hiện đại thế kỷ XXI.

Công viên hiện đại bắt đầu từ những thập kỷ 50-60 thế kỷ XX. Có lẽ đặc sắc và khác lạ nhất là Poet’s Garden, Zurich (1959) của Ernst Cramer. Đó là những khối chóp, khối chữ nhật, các mặt giao cắt, các mặt phẳng nước. Chất hình học, chất tối giản làm nổi bật một phong cách điêu khắc. Các điêu khắc mặt đất, các điêu khắc địa hình, các mặt nước lớn chảy quanh co hay tạo thác, ngưng tụ thành hồ đều cần đến không gian rộng thoáng của công viên.

Vườn Bách thảo Barcelona đã tận dụng các đặc tính địa hình để tạo nên một công viên điêu khắc thực sự.

Chủ nghĩa biểu hiện không chỉ nẩy mầm và phát triển ở hội họa hay kiến trúc, trong công viên, xu hướng này phát triển và thăng hoa ở nhiều nước Châu Âu. Các biểu hiện năng lượng xoắn, gấp, tạo sóng, các mặt phẳng vát 2 chiều, các lớp giật cấp ở công viên Dumfrieshrie Scottland, ở cảnh quan công viên Northumberlandia (Quý bà Phương Bắc) của KTS, nhà lý luận bậc thầy của kiến trúc hiện đại Charles Jencks là trường hợp hiếm có của công viên biểu hiện.

Stourhead Wiltshire. Vườn lãng mạn Anh quốc

Công viên cũng không lỡ hẹn với chủ nghĩa Hậu hiện đại, công viên cũng là mảnh đất khá màu mỡ cho xu hướng hậu hiện đại trong cảnh quan. Mở đầu là công viên La Villette Paris. Không thấy có trục, không có điểm nhấn, không có quảng trường trung tâm…chỉ có cấu trúc của 3 hệ thống bậc cao là điểm (folies), đường (galerie) và mặt. KTS Tschumi muốn dựng lên một cấu trúc thoát khỏi công năng sử dụng, một cấu trúc phi trung tâm, không phân cấp, một cấu trúc có tính phủ định những quan niệm thông thường về công viên khi đó, đó là một công viên Hậu hiện đại. Rồi một loạt các xu hướng công viên Hậu trừu tượng, Hậu công nghiệp, hay công viên đồ họa liên tiếp xuất hiện làm cho thế giới cảnh quan công viên như một kính vạn hoa rực rỡ, hào nhoáng, chói chang không dễ nhận biết và nhận thức một cách đầy đủ. Trong cái mê lộ phong cách công viên ấy, dễ hiểu và cập nhật tinh thần thời đại nhất là phong cách công viên sinh thái. Công viên sinh thái lấy các yếu tố thiên nhiên và quy luật sinh thái để tạo ra công viên. Cây phải là cây bản địa, hoang dã thay cho cây cảnh, bông lau thay cho hoa. Chỉ cần bước vào công viên của đại học Kiến trúc Thẩm Dương (Shenyang Architectural University) ta thấy đó là những cánh đồng lúa, chỉ có lúa và hàng cây thường xanh che chắn nắng gió. Sinh viên có thể gặp gỡ giao lưu trong những ô bê tông có cây bóng mát, mùa thu hoạch thì người gặt, kẻ gánh lúa về sân phơi, rồi tiếp theo quy trình truyền thống gieo cấy chăm gặt. Hương vị sinh thái, tinh thần truyền thống khó có nơi nào sánh kịp.

KTS Nguyễn Luận
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 4-2024)