1. Đặt vấn đề

Người dân sống trong các thành phố ngày một đông đúc như ở Hà Nội hay TP HCM đều đã biết đến và nói nhiều về các vấn đề này: Trẻ em thiếu sân chơi, đường phố không an toàn, người già khó kiếm chỗ tập thể dục, thanh niên khó tìm được chỗ để giao lưu. Không gian công cộng an toàn và tiện ích dành cho các sinh hoạt của người dân đang thiếu trầm trọng(1). Đây là vấn đề liên quan đến sức khỏe cả thể chất lẫn tinh thần. Trẻ em thành phố ở Việt Nam trong hai thập kỷ nay đang lớn lên với rất ít không gian chơi – tự do – ngoài trời. Chúng ta đang có ngày càng nhiều hơn trẻ béo phì, trẻ bị các vấn đề về tâm lý(2). Hơn hết, không gian công cộng an toàn và thuận tiện còn đóng vai trò kết nối xã hội, giúp cho bất cứ ai cũng có thể tìm được một không gian để giao lưu, gặp gỡ gần nhà, có thể đi đến hàng ngày mà không cần phải liên tục trả tiền. Điều này đặc biệt quan trọng với các nhóm yếu thế ít có tiếng nói trong xã hội như trẻ nhỏ, người già yếu, người nghèo, người khuyết tật…(3). Không gian công cộng vốn đã thiếu thốn, các không gian xanh hiện có như công viên, vườn hoa có sự quản lý chính thức cũng đang gặp phải các vấn về về quản lý rác, về duy tu bảo dưỡng như Công viên Thống Nhất và nhiều công viên khác.

Hình 1: Một khu vực bờ vở thuộc phường Chương Dương được đánh dấu các điểm bãi rác

Có một vấn đề ít được quan tâm và biết đến hơn với các công viên, không gian xanh công cộng, đấy là việc quản lý cây xanh tốn kém do cần phải có nhiều sự can thiệp trong quá trình duy trì, vận hành(4): Bảo vệ cỏ, cắt tỉa cây, dọn lá cây, tưới nước, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học… Nhiều loài cây ngoại lai được sử dụng để đáp ứng các nhu cầu chụp ảnh check-in, tạo cảnh quan lạ mắt mà không quan tâm đến sự thích nghi, nguy cơ xâm lấn, nguy cơ tốn nhiều nguồn lực chăm sóc, nguy cơ ô nhiễm đất và nước với các hóa chất bảo vệ. Tỉ lệ bê tông hóa cao ở các công viên làm giảm khả năng thấm hút bề mặt, một yếu tố quan trọng giúp giảm ngập lụt đô thị khi để nước mưa thấm tự nhiên xuống mạch nước ngầm(5). Tuy rằng toàn bộ quá trình này tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, nhưng nó lại tiêu tốn nhiều tài nguyên, tốn kém quản lý, giảm đa dạng sinh học do mất đi các loài thực vật bản địa (dẫn đến ảnh hưởng đến chuỗi thức ăn của chim hoang dã và các loài khác) và làm cho đất, nước ngầm bị ảnh hưởng và khó phục hồi về lâu dài.

“… Lần đầu tiên tôi đến khu ngoài đê sát sông Hồng

Lần đầu tôi thấy 1 công viên do nhân dân sống lân cận làm chủ. Những ông bà 55-70 đóng đinh ghim thảm trên nền đất, người khác vác xẻng trồng cây. Tôi nể họ vì sự chung tay xây dựng khu vui chơi cộng đồng.

Lần đầu tiên thấy ở phố, từ trẻ nhỏ đến cụ già (cụ cao tuổi nhất là 94) chơi trong 1 khuôn viên trong không khí thân mật như ở làng xã.
Ở đó, họ có doanh nghiệp ủng hộ hơn trăm “củ” làm 1 góc sân tập bóng rổ; ở đó có người nọ người kia ủng hộ dụng cụ tập thể thao ngoài trời, đèn chiếu sáng sử dụng năng lượng mặt trời.

Đương nhiên, để có sân chơi đó cần sự hậu thuẫn từ phường, thậm chí là từ quận Hoàn Kiếm.

Nhưng đập vào mắt tôi, rất ý nghĩa là những tấm biển* này đặt ở nơi công cộng

Tôi lại nghĩ đến khu sân chơi ngoài đê Khu 7 – Thụy Lôi.”

Vu Xuan Loi (chia sẻ trên mạng xã hội sau khi đến thăm Công viên rừng Chương Dương ngày 29/6/2023)

*Biển thông tin các loài chim hoang dã được chụp ở bờ sông Hồng

“Lâu lắm rồi mới cảm thấy cái mùi này. Mùi con người, mùi cộng đồng, mùi cuộc sống. Mùi sự sống.”

Duong Dang (chia sẻ trên mạng xã hội sau khi đến thăm Công viên rừng Chương Dương ngày 1/10/2023)

Hình 2: Các khu vườn cộng đồng tại Hà Nội

Trước các vấn đề an sinh xã hội và môi trường như vậy, người dân thành phố Hà Nội đang có một cơ hội lớn khi chính quyền thành phố bắt đầu nhìn lại về các dải không gian xanh quý giá còn sót lại ở hai bờ và bãi giữa sông Hồng(6). Được bảo vệ trong hành lang xả lũ, hai dải bờ sông Hồng và bãi giữa được bồi tụ phù sa màu mỡ vừa hỗ trợ cho thực vật bản địa phát triển vừa là sinh cảnh nước tạo nguồn thức ăn dồi dào cho các loài chim di cư hoang dã. Khảo sát nhiều năm của nhóm chuyên gia Chi hội bảo tồn chim hoang dã cho thấy khu vực có hơn 100 loài thực vật bản địa và hơn 140 loài chim hoang dã, trong đó có một số loài sách đỏ cần được bảo vệ(7,8). Tuy nhiên, hiện trạng sử dụng khu vực này lại đang có nhiều vấn đề. Theo quan sát, trong khu vực thuộc 4 quận nội thành Hoàn Kiếm, Long Biên, Ba Đình và Tây Hồ hiện đang được sử dụng tự phát làm nông nghiệp, trồng trọt chăn nuôi và cả bẫy chim hoang dã. Một số nơi có các hoạt động kinh doanh nghỉ dưỡng, cắm trại, bãi đỗ xe và hàng quán. Ở phường Chương Dương và Phúc Tân sát với bờ vở (bờ lở sông Hồng) là các khu dân cư đông đúc, mật độ cao, nhiều ngõ ngách với nhà cửa chật chội không thông thoáng. Nhiều người lao động sống trong các khu nhà trọ tồi tàn. Dọc khu vực bờ vở là các cống nước thải trực tiếp ra sông. Nhìn từ google earth có thể phát hiện rất nhiều các điểm bãi rác dọc bờ vở. Đi sâu vào khu vực này có thể thấy được tình trạng đổ rác, đốt rác bừa bãi. Dòng sông nhiều năm trước từng giúp cuốn trôi đi rác và nước thải, nhưng với tình hình thượng nguồn xây dựng thêm các đập thủy điện(9), và một con đường mới được mở chắn ngang dòng nước ở khu vực An Dương, toàn bộ khu giữa bờ vở và bãi giữa thuộc Ba Đình, Hoàn Kiếm trở thành nước tù đọng, kém lưu thông, dẫn đến ô nhiễm và mùi hôi thối. Một khu vực rất tiềm năng nhưng cũng nhiều thách thức.

Hình 3: Hiện trạng khu bờ vở trước cải tạo

2. Các bài học và kinh nghiệm

Think Playgrounds (TPG) là một doanh nghiệp xã hội với sứ mệnh bảo vệ “Quyền được chơi” của trẻ em thông qua hợp tác với các chuyên gia đa ngành, các tổ chức đối tác cùng chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư cải tạo không gian công cộng thân thiện và bền vững cho trẻ em. Đến năm 2023, TPG cải tạo hơn 230 sân chơi, vườn cộng đồng trên cả nước, thử nghiệm các mô hình chơi trên phố, sân chơi phiêu lưu cũng như tổ chức các sự kiện chơi, tọa đàm, hội thảo, tập huấn để nâng cao nhận thức và lan tỏa các bài học. Đồng hành cùng TPG có các tổ chức đối tác từ nhiều lĩnh vực về sức khỏe, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật, môi trường… như HealthBridge, Live and Learn, British Council, Goethe Institut, Hội KTS Việt Nam, Vì một Hà Nội đáng sống, Plan International, VVOB… cùng với các nhà tài trợ doanh nghiệp như Ford, BASF, Inox Hoàng Vũ, Lixil, MB Bank… Với quan điểm rằng sân chơi tuyệt vời nhất cho trẻ em là ở trong rừng, nơi có đa dạng nhất các hình thái và vật liệu thiên nhiên để trẻ em có thể tương tác, tưởng tượng và trở nên sáng tạo nhất, TPG đã có các sáng kiến tích hợp việc thúc đẩy đa dạng sinh học và nâng cao nhận thức về cây bản địa trong không gian công cộng của thành phố. Tuy đô thị không có nhiều không gian, nhưng đã có các dự án từng được thử nghiệm để phục hồi và bảo vệ đa dạng sinh học trong các không gian xanh sẵn có, tạo ra được các môi trường tốt nhất và bền vững nhất cho việc học qua chơi(10, 11).
Được truyền cảm hứng bởi các dự án cải tạo không gian xanh theo hướng thuận tự nhiên dựa vào cộng đồng như: Cải tạo không gian sinh thái trong trường tiểu học Ikiminami tại thành phố Fukuoka Nhật Bản (khởi xướng bởi Giáo sư – Nhà sinh thái cảnh quan Ito Keitaro)(12), dự án chuyển hóa từ một nhà máy thuốc lá cũ thành Công viên rừng Benjakitti – ốc đảo xanh giữa lòng Bangkok(13), TPG tin rằng việc trao quyền cho cộng đồng trong việc xây dựng, vận hành và quản lý không gian công cộng hòa nhập, thuận tự nhiên, đảm bảo đa dạng sinh học là xu thế tất yếu của các đô thị bền vững.

Các thử nghiệm vườn cộng đồng trong phố cũng đã chứng minh mang lại được các sức sống mới cũng như huy động được kiến thức thực vật bản địa, đặc biệt là cây thuốc Nam, từ trong các cộng đồng dân cư. Từ năm 2018, bảy (07) mô hình vườn cộng đồng tại Đông Anh, Tân Mai, Ngọc Hà và Bãi giữa sông Hồng đã được thực hiện với hơn năm mươi (50) người (đa số là phụ nữ) tham gia vận hành và quản lý theo hướng tái tạo, sử dụng, duy trì nhờ phần lớn nguồn lực từ người dân. Không gian này mang lại rất nhiều giá trị về xã hội, sinh thái, môi trường, giáo dục.

Trong những năm gần đây, riêng quận Hoàn Kiếm đã rất chú ý đến khu vực bờ vở và đã hỗ trợ nhiều sáng kiến cải tạo môi trường thông qua các dự án nghệ thuật và dân sinh. Dự án Con đường Nghệ thuật Phúc Tân(14) đã gây được tiếng vang lớn khi quy tụ được16 nghệ sĩ thực hiện các tác phẩm dọc theo bức tường ngăn khu dân cư. Không gian từng bị thành phố quay lưng, bỏ rơi, bỗng nhiên trở nên hấp dẫn, sống động hơn với cả cộng đồng lẫn khách du lịch. Tiếp tục, năm 2020, TPG đã cùng cộng đồng tổ(15) Phúc Tân cải tạo một sân chơi hòa nhập(16), nơi không chỉ có sinh hoạt cộng đồng và trẻ em mà còn có các hoạt động duy trì sinh kế của nhóm phụ nữ bán hàng rong. Dự án đã được sự ủng hộ rất lớn từ phía khu dân cư, dù ban đầu còn nhiều ngờ vực, và đã hỗ trợ cho nhóm lao động có thêm tiếng nói và hòa nhập hơn trong sinh hoạt tập thể.

Hình 4: Các cuộc họp với chính quyền và cộng đồng
Hình 5: Trẻ em và người dân tham vấn ý kiến cho thiết kế

3. Công viên rừng Chương Dương(16)

Tầm nhìn:

  • Tạo một không gian công cộng hòa nhập cho mọi người, được thiết kế, xây dựng và gìn giữ bởi chính những người sử dụng;
  • Quản lý môi trường bền vững, thuận tự nhiên, phục hồi và thúc đẩy đa dạng sinh học.

Mục tiêu:

  • Đề xuất các giải pháp cải tạo môi trường, xử lý nước thải, cải tạo cảnh quan, giảm ô nhiễm mà không gây ảnh hưởng tới nền hiện trạng của khu vực bờ vở;
  • Thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng chung tay cải tạo và gìn giữ không gian công cộng;
  • Tạo ra các sinh hoạt cộng đồng sống động: Sân chơi, vườn cộng đồng, không gian cảnh quan cây xanh sạch đẹp để cải thiện chất lượng sống. Tạo sân chơi lành mạnh cho trẻ em sinh sống trong khu vực;
  • Thay đổi thói quen vứt rác, bảo vệ môi trường, giáo dục môi trường cho trẻ em và thanh niên;
  • Góp phần phục hồi và bảo vệ đa dạng sinh thái TP Hà Nội, kết nối với các không gian sinh thái khác của thành phố;
  • Nâng cao năng lực cộng đồng quản lý, vận hành, tổ chức các hoạt động trải nghiệm.

Quy trình thực hiện:

  • Các khảo sát không gian với chuyên gia sinh thái, chính quyền, cộng đồng;
  • Hoạt động cùng thiết kế với các nhóm cộng đồng, trẻ em, đoàn thể.;
  • Tổ chức các hoạt động cùng dọn rác, làm vườn, thi công xây dựng;
  • Tập huấn thiết kế và làm vườn thuận tự nhiên theo phương pháp permaculture (trường canh);
  • Xây dựng Vườn rừng cộng đồng đầu tiên với sự chủ trì và tham gia tích cực của Hội Phụ nữ phường Chương Dương;
  • Kết nối các nhóm tình nguyện, các tổ chức hỗ trợ, các trường quốc tế để hỗ trợ cho các hạng mục xây dựng công viên;
  • Xây dựng các nhóm quản lý vườn và công viên;
  • Tập huấn quản lý vận hành với đầy đủ các bên tham gia;
  • Kết nối các nhóm nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu để tiếp tục sáng tạo các ý tưởng hoạt động với cộng đồng.

Nguồn lực:

  • Sự hỗ trợ tích cực từ phòng tài nguyên môi trường quận Hoàn Kiếm, UBND phường Chương Dương cùng các đoàn thể;
  • Có rất nhiều nhà tài trợ đã chung tay cho dự án: Đại sứ quán Đan Mạch, New Zealand, Mỹ, Úc, các tổ chức Hoop dreams, Dream and Do, Vì một Hà Nội đáng sống, Greenhub, Ecue, Live and Learn, Chi hội bảo tồn chim hoang dã Việt Nam, các nhà tài trợ doanh nghiệp như Ford, Biolak, các trường quốc tế như UNIS, BVIS, Ohana…;
  • Nguồn lực lớn và bền vững nhất là từ người dân và các nhóm hội địa phương, những người gắn bó chặt chẽ với không gian;
  • Nguồn lực sẵn có từ thiên nhiên với hệ thống cây bản địa nhiều tầng tán giúp cải tạo môi trường không khí và không tốn công chăm sóc.

Kết quả: Trong 6 tháng đầu tiên, dự án đã cải tạo 1.200m2 với các hạng mục: Thu gom và vận chuyển đi 200 tấn rác thải, xây dựng đường kết nối, làm cống xả, xây dựng sân chơi tái chế và đặc biệt thử nghiệm thành công mô hình vườn rừng cộng đồng đầu tiên, có diện tích gần 400m2 với hơn 100 loài thực vật. Trong 1 năm sau, dự án mở rộng đến hơn 8000m2 với sân bóng rổ đa năng, đường dạo toàn khu, xử lý các cống nước thải, tiếp tục bổ sung các cây bản địa trong vườn giác quan, bảng biển thông tin giáo dục môi trường. Việc quản lý rác và nước thải đã dễ dàng hơn và tốt hơn rất nhiều.

Trong suốt dự án, cộng đồng dân cư và các chuyên gia cùng chính quyền có nhiều cơ hội để nâng cao nhận thức về sinh thái, thực hành lối sống thuận tự nhiên vốn đã rất quen thuộc với truyền thống lâu đời của người Việt Nam (giảm tiêu dùng, giảm đốt rác, chôn lấp rác hữu cơ, làm phân bón (compost) từ chất thải hữu cơ, thuốc trừ sâu hữu cơ, học cách phân biệt và trồng lại các loài cây bản địa, bảo vệ chim di cư hoang dã…).

Hình 6: Sơ đồ bố trí không gian vui chơi TD-TT và trồng cây

Chương trình giáo dục trải nghiệm về thiên nhiên nhằm nâng cao nhận thức và thúc đẩy các hành động của trẻ em ứng phó với biến đổi khí hậu đã được đồng tổ chức giữa Hội Phụ nữ, TPG và các trường quốc tế, với những bài học về thiên nhiên, sinh thái có giá trị đến với rất nhiều học sinh. Các chương trình này đã giúp địa phương củng cố công tác quản lý và thu về các chi phí duy trì bền vững mà không ảnh hưởng đến sự tiếp cận tự do của cộng đồng vào không gian công cộng(17).

Theo nghiên cứu của Giáo sư Danielle Labbe ở đại học Montreal(18):

  • 67% người sử dụng biết rằng công viên được thiết kế, xây dựng và vận hành có sự tham gia của cộng đồng;
  • 62.5% người sử dụng được phỏng vấn khẳng định đã tham gia vào cải tạo công viên (dọn dẹp, trồng cây, tưới nước, bảo trì, xây dựng…);
  • 58% trẻ em đi bộ đến công viên;
  • 21,74% trẻ từ 6-11 tuổi tự đến công viên một mình;
  • 41% trẻ đến chơi vào ngày thường (cao hơn so với Thứ bảy và Chủ nhật) và 64,83% trẻ em lựa chọn đến công viên tham gia các hoạt động vui chơi vào buổi chiều;
  • 36,33% trẻ dành trên 30 phút tham gia các hoạt động vui chơi tại đây, có nhiều bạn hàng ngày đến không gian này 2 đến 3 lần. Đặc biệt; nhóm trẻ em (12-18 tuổi) là nhóm dành nhiều thời gian ở sân chơi nhất (điều hiếm thấy khi hiện nay nhóm tuổi này thường ít ra các không gian công cộng);
  • Gần 50% trẻ nói: Không có gì là không thích ở công viên này.

Công viên rừng được trông coi chăm sóc hàng ngày bởi cộng đồng dân cư và Hội Phụ nữ. Cộng đồng vẫn tiếp tục gây quỹ trong khu dân cư để tự sửa sang, điều chỉnh và làm mới cho công viên(19)

Hình 7: Vườn rừng cộng đồng Chương Dương sau cải tạo

Mô hình thí điểm này đã được sự quan tâm của chính quyền cũng như các phương tiện truyền thông, có tiềm năng lan tỏa trên toàn bộ dải bờ vở sông Hồng.

Khuyến nghị /đề xuất:

  • Mô hình công viên rừng đặc biệt quan trọng với sự phát triển bền vững của thành phố, theo đúng chủ trương “Trong thành phố có rừng”(20), “Biến bãi rác thành công viên”(21);
  • Khi thành phố định hướng phát triển văn hóa cần ưu tiên các sinh hoạt tập thể của cộng đồng dân cư, đặc biệt diễn ra trong các không gian công cộng;
  • Các không gian công cộng sáng tạo cần quan tâm đến đa dạng hoạt động và năng lực, đặc biệt hỗ trợ các nhóm yếu thế (trẻ em, phụ nữ, người già, người khuyết tật…);
  • Cảnh quan cần chú trọng hỗ trợ phục hồi hệ sinh thái bản địa, thì mới đảm bảo môi trường sống tốt cho các loài sinh vật bản địa khác (chim hoang dã, các loài côn trùng…), góp phần phục hồi và bảo vệ đa dạng sinh học;
  • Đảm bảo quản lý tốt rác thải và nước thải, hai vấn đề lớn nhất trong các khu vực giữ cảnh quan hệ sinh thái tự nhiên. Cần lưu ý việc thông dòng cho đoạn tù đọng giữa bờ vở và bãi giữa;
  • Đảm bảo tiếp cận các công viên, sân chơi an toàn (tổ chức giao thông hợp lý kết nối công viên và các khu dân cư).

KTS Chu Kim Đức
Think Playgrounds – Doanh nghiệp xã hội
Nghĩ về sân chơi trong phố
(Hội thảo khoa học Đề án xây dựng Công viên văn hóa cảnh quan Bãi Giữa sông Hồng Tầm nhìn và giải pháp)

Thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP Hà Nội về việc lập đề án “Phát triển bãi nổi giữa và ven sông Hồng thành Công viên văn hóa đa chức năng”, Cuộc thi tuyển Ý tưởng Quy hoạch Công viên văn hóa đa chức năng tại Khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng được tổ chức nhằm tìm kiếm ý tưởng thiết kế sáng tạo độc đáo, khai thác hiệu quả quỹ đất khu vực bãi nổi giữa và bãi bồi ven sông Hồng thuộc địa bàn 4 quận: Hoàn Kiếm, Long Biên, Ba Đình, Tây Hồ thành công viên văn hóa xứng tầm tại khu vực, nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất, lợi thế tiềm năng, cải thiện cảnh quan, vệ sinh môi trường, phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng. Đồng thời, hướng tới cụ thể hóa quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được duyệt và định hướng tổ chức không gian cảnh quan của Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) đã được UBND TP phê duyệt.


Tài liệu tham khảo:

1 Nghiên cứu về sự thiếu hụt KGCC ở Hà Nội : https://ift.tt/7Cnx0zG
2 Gần một nửa học sinh nội thành Hà Nội thừa cân, béo phì : https://ift.tt/cGu590H
3 Không gian công cộng cho trẻ em (UN Habitat) : https://ift.tt/JuzpgjR
4 Không gian sinh thái xanh trong lòng đô thị : https://ift.tt/mJOQ9pn
5 Mô hình thành phố bọt biển : https://ift.tt/vVYosuq
6 Hà Nội quy hoạch đô thị hướng ra sông Hồng https://ift.tt/A5Nway4
7 Danh sách thực vật ở Công viên rừng bờ vở Chương Dương : https://ift.tt/ERysCZG
8 Danh sách và ảnh 14 loài chim hoang dã bờ vở và Bãi giữa sông Hồng: https://ift.tt/2pJ13xb
Danh sách hơn 140 loài chim hoang dã được phát hiện ở khu vực bờ vở và bãi giữa Sông Hồng : https://ift.tt/iWMRxd7
9 Sông Hồng và những ẩn số thượng nguồn :
https://ift.tt/AS8wtaY
10 Building the social-ecological future – Think Playgrounds:
The Adventure Playground and Community Garden Model as a Solution for Social-Ecological Transformation in Urban Areas (page 15) https://ift.tt/dLxtywW
11 When we play
https://ift.tt/YPUklvg
12 Growing place in Japan : Creating ecological spaces at school that educate and engage everyone https://ift.tt/4UrqSWi
13 Công viên Benchakitti ở Bangkok : https://ift.tt/3yucKMm
14 Độc đáo con đường nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân https://ift.tt/NbTjBhg
15 Khánh thành không gian công cộng cho lao động nghèo ven sông https://ift.tt/y2C0jVh
16 Bản thuyết trình Công viên rừng Chương Dương https://ift.tt/ChO3IDF
17 Sách hướng dẫn khám phá Công viên rừng Chương Dương https://ift.tt/ZmF6iQa
18 Nghiên cứu của giáo sư Danielle Labbe về dự án Bờ Vở Chương Dương : https://ift.tt/tOzmjLZ
19 Trang facebook cộng đồng Công viên rừng bờ vở Chương Dương : https://ift.tt/WfXqcbJ
20 Phó thủ tướng : Cần có rừng trong đô thị
https://ift.tt/iGpyDX6
21 Chủ tịch Hà Nội: Thành phố sẽ xây dựng các bãi rác thành công viên
https://ift.tt/CW3hrD4