Không kiến tạo môi trường phục vụ khoa học thuần túy và khô cứng, Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) khởi tạo thành hệ sinh thái rộng mở và hòa hợp, trở thành điểm giao hòa giữa khoa học, nghệ thuật và thiên nhiên.

Khởi nguồn từ ước nguyện chắp cánh tri thức

Nằm hiền hòa bên bờ biển Ghềnh Ráng (Quy Nhơn, Bình Định), Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) là công trình kiến trúc độc đáo được khởi nguồn từ ước nguyện ấp ủ cả đời của giáo sư Trần Thanh Vân – Chủ tịch Hội Khoa học gặp gỡ Việt Nam, đóng góp cho sự phát triển khoa học và giáo dục của nước nhà. Công trình được Lễ hội Kiến trúc thế giới năm 2017 (World Architecture Festival 2017) đánh giá là một trong 16 công trình kiến trúc đẹp nhất dành cho khoa học và giáo dục trên thế giới.

Mục tiêu của chúng tôi là làm sao trung tâm này sẽ là điểm hẹn giao lưu học thuật đặc biệt của các nhà khoa học thế giới, nhất là các nhà khoa học châu Á. Chúng tôi có những yếu tố tốt, bề ngoài cảnh quan ở đây đẹp mà không một trung tâm hội nghị nào trên thế giới có cảnh quan đặc biệt như vậy. ICISE có kiến trúc đẹp, hài hoà với cảnh quan thiên nhiên.” – Giáo sư Trần Thanh Vân chia sẻ.

Không kiến tạo môi trường phục vụ khoa học thuần túy và khô cứng, giáo sư Trần Thanh Vân mong muốn khởi tạo ICISE thành một hệ sinh thái rộng mở và hòa hợp, trở thành điểm giao hòa giữa khoa học và thiên nhiên. Được khởi công xây dựng ngày 18/12/2011 và khánh thành giai đoạn I, chính thức đưa vào hoạt động ngày 12/8/2013, ICISE đã đón nhận sự yêu thích nồng nhiệt của các nhà khoa học Việt Nam và thế giới, đặc biệt là các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á với các hoạt động tích cực cho nền khoa học nước nhà với hàng chục hội nghị, hội thảo chuyên ngành tầm cỡ khu vực và quốc tế mỗi năm. Giai đoạn II sẽ được triển khai tiếp đến năm 2025 với các hạng mục nhằm hoàn thiện ICISE thành một tổ hợp hội nghị, nghiên cứu…

Thiết kế kiến trúc thích ứng bản địa

Soi chiếu theo ước nguyện của giáo sư Trần Thanh Vân, kiến trúc sư Jean-Francois Milou và cộng sự đã dày công thiết kế công trình ICISE đảm bảo sự hài hòa của kiến trúc và môi trường xung quanh, thiết lập sự thích ứng đa dạng của văn hóa – xã hội, tạo lập sự bền vững lâu dài cho tương lai.

Công trình bao gồm: không gian hội nghị với 01 hội trường lớn 350 chỗ ngồi, 01 phòng hội nghị 150 chỗ ngồi và 05 phòng 40 chỗ ngồi; không gian thư giãn gồm 01 cây cầu bắc qua sông, vườn dừa, bãi biển, sân thượng với góc nhìn toàn cảnh Trung tâm; khu văn phòng làm việc và trung tâm hội nghị trực tuyến,…

Tư tưởng kiến trúc của công trình này là hài hòa với thiên nhiên, chứ không thách thức thiên nhiên. ICISE không có những tòa cao ốc mà chỉ có hội trường lớn 350 chỗ ngồi, hội trường nhỏ 150 chỗ ngồi, khách sạn bốn sao, nhà hàng, quán cà phê, các ngôi nhà một tầng theo kiểu bungalow dưới tán lá dừa xanh, những ngôi nhà trầm tư (cogitum), bể bơi nước ngọt, nhịp cầu qua suối, lối dạo bộ len lỏi dưới rừng cây…” – Kiến trúc sư Thomas Rouyre nhận định.

Không tham vọng chiếm dụng và cơi nới không gian sử dụng, tỷ lệ xây dựng của ICISE khá ít ỏi chỉ hơn 7% trong tổng quỹ đất. Khu đất hơn 21ha được chia thành một bãi biển dài 300m về phía đông, một khu rừng dừa ở phía bắc và các vách đá ở phía nam. Dòng sông nối hai bên cánh đồng và các ao nuôi tôm bên trong khuôn viên của dự án. Bài toán xếp đặt vị trí không gian được giải quyết khéo léo và tinh tế khi nằm ẩn hiện giữa thảm thực vật xanh mướt sẵn có phía bên phải, con đê hiền hòa chảy trong lòng quần thể và biển Ghềnh Ráng hoang sơ rì rào sóng vỗ.

Theo thiết kế, ICISE là tòa nhà với lối kiến trúc hiện đại và chỉnh chu trong từng chi tiết, xây trên một hệ thống đập dùng để kiểm soát dòng chảy. Với phong cách thiết kế tối giản, khối kiến trúc ICISE nổi bật với những hàng cột cao vút dựng đứng, bao quanh, tạo lập một không gian mở và hoành tráng nhưng vẫn rất tinh gọn. Phía trước có một hồ nhân tạo vuông vắn như một tấm gương phản chiếu công trình, được bao bọc bởi thảm cỏ rộng. Cây cầu đi bộ bắt nối hai khu vực chính là phòng hội nghị, phòng họp và khu sinh hoạt là nơi tuyệt vời nhất để quan sát được công trình tựa núi và hướng biển này. Kết cấu tòa nhà chính có hai phần rõ rệt là chân đế và kết cấu thượng tầng tối giản, không sơn phết bên ngoài và sắc xám nâu trung tính phía trong, tượng trưng cho bản chất trung thực và chuẩn xác của khoa học.

Không chỉ thích ứng với không gian bản địa, thiết kế của ICISE cũng ưu ái sử dụng nguồn nguyên liệu địa phương là đá bazan trong thi công. Việc sử dụng loại đá có nguồn gốc địa phương đem lại nhiều thuận lợi cho công trình. Đá bazan đảm bảo được chất lượng công trình vượt thời gian bởi độ cứng, khả năng chịu lực tốt, tính trơ với thời tiết, an toàn trong sử dụng với độ chống trơn trượt tốt, tính thẩm mỹ cao mang đến vẻ đẹp đậm dấu ấn địa phương, và đặc biệt vì là nguồn nguyên liệu sẵn có nên tiết kiệm được chi phí và công sức vận chuyển. Sự tối giản và thanh lịch trong thiết kế vô hình tạo hiệu quả tương hợp với bối cảnh thiên nhiên, khiến ICISE trở thành một điểm nhấn trong bức tranh thiên nhiên toàn mỹ trong lòng thành phố Quy Nhơn.

Không gian nghệ thuật gợi mở

Kiến trúc và thiên nhiên không là duy nhất, quần thể ICISE còn là một không gian cho nghệ thuật gợi mở và bung tỏa. Những tác phẩm điêu khắc, sắp đặt và hội họa của các nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, Nguyễn Trần Ưu Đàm, Trịnh Minh Tiến, Lê Đăng Ninh, Vũ Xuân Đông, Trí, Vũ Kim Thư, Vương Văn Thạo,… được trưng bày rải rác và có sự tương tác mật thiết với không gian kiến trúc và thiên nhiên.

Câu chuyện về phát triển bền vững

Không dừng lại là một địa điểm trao đổi về khoa học đa lĩnh vực, ICISE với nỗ lực để xây dựng và phát triển một hệ sinh thái bền vững cho tương lai. Sự phát triển bền vững được thể hiện ở nhiều khía cạnh về môi trường và con người. Với môi trường, tính bền vững được đảm bảo thông qua cách các kiến trúc sư coi trọng và bảo toàn tối đa giá trị cảnh quan thiên nhiên địa phương, tận dụng nguồn lực và nguyên liệu địa phương.

Đặc biệt, trải qua hơn 10 năm hoạt động, công trình vẫn nỗ lực giữ nguyên trạng thái thiết kế và hình ảnh mong muốn ban đầu khi các phương thức tác động sử dụng, thay đổi bảo trì đều dựa trên tinh thần tôn trọng kiến trúc sư. Chính việc này đã giữ gìn được quần thể không gian và thiên nhiên ở trạng thái tốt nhất, không theo đà gia tăng sự tiện ích sử dụng mà can thiệp làm suy thoái cảnh quan.

Ở khía cạnh con người, cũng bởi việc tôn trọng thiên nhiên và đan cài yếu tố nghệ thuật đã cung cấp một môi trường sinh hoạt và làm việc tuyệt vời, con người trong không gian trong lành, xanh mướt của cỏ cây, sự khoáng đạt rộng mở của biển rộng và mĩ cảm hài hòa được nuôi dưỡng và phát triển vẹn toàn.

Câu chuyện về phát triển bền vững là câu chuyện của sự cắm rễ hòa hợp với môi trường và đảm bảo chất lượng cuộc sống của chính những cá thể trong môi trường đó. ICISE với mong ước chắp cánh cho trí tuệ con người đã và đang trong hành trình của câu chuyện mang tên bền vững, không chỉ kiến tạo không gian kiến trúc, giữ gìn môi trường bản địa mà còn đóng góp tôn tạo và mở rộng tiềm năng phát triển con người cho tương lai.

Với những điều tuyệt vời được kiến tạo, ICISE không đơn giản chỉ là một công trình kiến trúc xuất sắc dành cho khoa học mà còn là một phần trong tổng quan di sản kiến trúc đương đại thế giới.

Xem thêm hình ảnh công trình:

Hình ảnh: Tư liệu

Nghiên Dương – TCKT.VN
© Tạp chí Kiến trúc