Vừa qua, Di tích chùa Cầu sau 1,5 năm trùng tu đã nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng. Trong đó, nhiều người cho rằng việc trùng tu, đặc biệt màu sơn, đã khiến chùa Cầu “bớt cổ kính”, di tích trở nên lạ lẫm so với trước đây. Tuy nhiên, cũng có nhiều người khen công trình sau trùng tu vẫn giữ được nguyên bản gốc, riêng về “sự cổ kính” thì theo thời gian sẽ lại có màu rêu phong. Tại bài viết này, Tạp chí Kiến trúc xin chia sẻ tới bạn đọc một số ý kiến của các chuyên gia và chính quyền địa phương xung quanh vấn đề này, trân trọng giới thiệu tới bạn đọc. 

Chùa Cầu trước và sau trùng tu (Nguồn ảnh: Người Lao Động)

Bảo tồn kiến trúc không những là bảo tồn kiến trúc mà cả không gian chung quanh nó

Theo Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, Nguyên trưởng phòng nghiệp vụ Trung tâm Quản lý di tích danh thắng Quảng Nam, chia sẻ với Tạp chí Kiến trúc: “Chùa Cầu là kiến trúc tiêu biểu mang cả ba công năng: đi lại; không gian sinh hoạt cộng đồng và tín ngưỡng. Đây là điểm đặc biệt mà các cầu khác không có. Việc tu bổ được kỳ vọng đáp ứng được 3 chức năng để tiệm cận với bản gốc, trả lại không gian thư giãn, tái lập sự thú vị của văn hóa Việt với quốc tế. Nay việc nâng cầu mà code chỉ chênh lệch quá nhỏ như một cái gờ chỉ 8 đến 10 cm, xem như là một cái lề đường sẽ làm mất đi nét duyên dáng, cả sự an toàn lẫn nghiêm trang của từng công trình riêng như nơi nghỉ chân, nơi thờ cúng. Thiết nghĩ, việc trả lại không gian thư giãn này sẽ tái lập sự thú vị của văn hóa Việt với quốc tế. Chúng ta có thể hình dung các cô gái trong tà áo dài, bộ Kimono trang nhã, dạo bước trên các đôi gót, chân trần trong nội thất, bên ngoại thất chùa Cầu – kiến trúc đã từng được gọi là cầu Nhật Bản.

Ông cho biết, việc tu bổ đang trong giai đoạn khó khăn…, từ việc nghiên cứu các dấu vết mộng( loại mộng đuôi cá của người Việt). Để tránh sự bị SỐC từ màu sơn tường hiện đại (sơn có màu sáng hơn) trong khi truyền thống từ vôi với nguyên liệu vỏ sò với keo da trâu thì sẫm hơn, cần làm thí nghiệm trước khi sơn, xem có thể kết hợp với loại keo hóa học hiện đại không? Bên cạnh đó, việc tái định vị các con giống trang trí bờ nóc, bờ chái cần có kết cấu vững chãi, màu sơn phục hồi cũng cần chọn lọc kỹ cả màu sắc. Ông mong với ý kiến của mình sẽ giúp các đồng nghiệp, các nhà bảo tồn và tu bổ thành công trong việc phục hồi và gìn giữ vẻ đẹp truyền thống Chùa Cầu Hội An.

Mái ngói di tích Chùa Cầu sau trùng tu (Nguồn ảnh: Người Lao Động)

Trùng tu trả lại cho Hội An một Chùa Cầu vững chãi hơn, kiên cố hơn

Theo TS Trần Đức Anh Sơn – người từng công tác trong ngành bảo tồn bảo tàng ở Huế trong 17 năm, từng tu nghiệp trong lĩnh vực khảo cổ học, bảo tồn di tích và quản lý di sản văn hóa ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và Pháp và vài lần đến hiện trường tu bổ Chùa Cầu để tham quan, xem xét, chia sẻ với Báo Người Lao động cho rằng, đội ngũ trùng tu Chùa Cầu đã thực hiện bài bản, khoa học, nghiêm túc. Kết quả trùng tu là tốt đẹp, trả lại cho Hội An một Chùa Cầu đúng với diện mạo, hình hài bản thể nhưng vững chãi hơn, kiên cố hơn.

Ông Trần Đức Anh Sơn đánh giá cao phương án “trùng tu hạ giải” mà dự án trùng tu Chùa Cầu đã chọn. Bởi lẽ, sau hơn 400 năm tồn tại trong điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt ở miền Trung: nắng gắt, mưa dầm, lũ lụt đe dọa hàng năm, Chùa Cầu đã xuống cấp và hư hỏng nặng: phần móng bị lún, nghiêng; nhiều kết cấu bằng gỗ bị mối mọt, mục ruỗng; hệ thống tường bao bằng gạch bị bong tróc… Tổng thể Chùa Cầu bị biến dạng phần nào; liên kết kiến trúc bị yếu đi, khiến công trình có thể sụp đổ, nhất là khi có mưa bão tấn công.

Vì thế, lựa chọn phương án “trùng tu hạ giải” nhằm xử lý triệt để phần móng: cân chỉnh, gia cố, gia cường để tăng độ chịu lực; tháo dỡ phần cấu kiện gỗ để thay thế các bộ phận bị mục nát; thay thế ngói lợp bị vỡ, gia cố tường bao bằng gạch ở hai đầu cầu; thay thế những bộ phận bằng gỗ đã hư hại ở mặt cầu và lan can cầu… là cần thiết.

TS Trần Đức Anh Sơn cho rằng các hình ảnh chụp tổng thể Chùa Cầu và chụp chi tiết các kết cấu gỗ bên trong di tích, mà báo chí và mạng xã hội đăng tải trong hai ngày qua, cho thấy đội ngũ trùng tu Chùa Cầu đã làm đúng, làm tốt, đảm bảo nguyên tắc bảo tồn và “tính chân xác” của di tích Chùa Cầu, không có gì đáng phải phê phán.

“Những màu sắc có vẻ mới của Chùa Cầu sau khi trùng tu sẽ “trầm lại” chỉ sau vài mùa mưa nắng. Điều quan trọng là những giá trị cốt lõi của Chùa Cầu về lịch sử (historic values), văn hóa (cultural values), nghệ thuật (art values) cùng các giá trị tình cảm (emotional values) và giá trị sử dụng lâu dài (future usage values) vẫn tồn tại với cộng đồng, quốc gia và nhân loại, không mất đi đâu cả” – TS Trần Đức Anh Sơn đánh giá.

Việc trùng tu Chùa Cầu được thực hiện hết sức kỹ lưỡng, bài bản (Nguồn ảnh: Người Lao Động)

Hội An đã giữ lại cho Chùa Cầu tất cả những cấu kiện, chi tiết còn sử dụng được; chỉ thay thế những chi tiết bị hư hỏng, mục nát mà thôi

KTS Tôn Thất Liêm – một chuyên gia kiến trúc đô thị với 40 năm hành nghề, từng tu nghiệp tại Thụy Điển và Nhật Bản chia sẻ với báo Người Lao Động: “Chùa Cầu đã được xây dựng từ thế kỷ XVII, đến nay đã hơn 400 năm, hư hỏng rất nặng. Việc trùng tu, sửa chữa lớn để giữ di sản tồn tại không bị sụp đổ là việc cần phải làm. Hội An chọn phương án “trùng tu hạ giải” là hoàn toàn chính xác và phù hợp. Trong thực tế, Hội An đã giữ lại cho Chùa Cầu tất cả những cấu kiện, chi tiết còn sử dụng được; chỉ thay thế những chi tiết bị hư hỏng, mục nát mà thôi. Cá nhân tôi đánh giá cao giải pháp kỹ thuật này.”

Thứ hai, thời điểm xây dựng bản gốc (thế kỷ XVII) và trùng tu cách nhau hơn 400 năm, nguồn vật liệu xây dựng hoàn toàn khác nhau, có những vật liệu 400 năm trước bây giờ không thể tìm ra vật liệu thay thế giống nguyên bản 100% được. Do vậy, hướng trùng tu bám gần đúng nhất với nguyên bản trong điều kiện có thể nỗ lực làm được là việc mà Hội An đã làm tốt, chúng ta cần ghi nhận.

Thứ ba, công trình vừa làm xong ở thời điểm tháng 7-2024, các mạch vữa, sơn vôi, mái ngói và họa tiết còn mới. Tất cả cần phải trải qua sự phong hóa theo thời gian bởi sự khắc nghiệt của thời tiết (nắng, mưa, gió bão..) thì công trình mới có được sự “rêu phong”, “cũ kỹ” cần thiết. “Sẽ rất hoang tưởng nếu đòi hỏi công trình mới trùng tu phải đạt độ cổ kính rêu phong như di tích 400 năm tuổi” – KTS Tôn Thất Liêm nhấn mạnh.

Thứ tư, KTS Tôn Thất Liêm cho rằng điểm mấu chốt thành công của việc trùng tu Chùa Cầu là giữ đúng vị trí hiện trạng – giữ đúng nguyên bản kiến trúc – giữ đúng nguyên bản kết cấu chịu lực. Như vậy, việc trùng tu Chùa Cầu đã “giữ đúng được giá trị cốt lõi” về mặt di sản kiến trúc – văn hóa – lịch sử của công trình.

“Hãy vui mừng cho Hội An, cho miền Trung, cho Việt Nam vì đã có thêm một công trình di sản kiến trúc văn hóa lịch sử được trùng tu thật sự có chất lượng, sẽ bền vững tồn tại trong tương lai. Rồi từ từ, cát bụi thời gian sẽ tự đem đến nét cổ kính rêu phong cho Chùa Cầu” – KTS Tôn Thất Liêm đúc kết.

Công trình lúc đang tháo hạ toàn bộ mái. (Ảnh: KTS Sơn Đặng)
Ảnh: KTS Sơn Đặng

Hiếm có di tích nào trùng tu như Chùa Cầu

Ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND TP Hội An, tỉnh Quảng Nam đã có những chia sẻ xung quanh ý kiến trái chiều của dư luận về diện mạo Chùa Cầu sau tu bổ với báo Người Lao Động. Theo ông, Chùa Cầu có lịch sử đã hơn 400 năm, là di tích quốc gia đặc biệt, là biểu tượng của giao lưu văn hóa Hội An – Nhật Bản. Trải qua các đợt trùng tu, công trình này ngày một xuống cấp, đứng trước nguy cơ sụp đổ, sụt lún móng, tường nứt, cấu kiện gỗ hư hỏng. Trong khi đó, mỗi ngày di tích này phải gánh hơn 10.000 lượt du khách qua lại nên việc trùng tu là điều không thể tránh khỏi.

Để chuẩn bị cho việc trùng tu thì TP Hội An đã làm rất kỹ, qua 4-5 năm tổ chức rất nhiều hội thảo khoa học trong nước, quốc tế, hồ sơ chuẩn bị rất kỹ, tham vấn rất nhiều nhà khoa học, kể cả các chuyên gia Nhật Bản.

Theo ông Sơn, trong quá trình trùng tu đã đảm bảo đầy đủ các nguyên tắc. Thứ nhất là công khai minh bạch. Hiếm có di tích nào trong quá trình trùng tu không che kín mà vẫn tổ chức công khai hạ giải cho du khách và các nhà chuyên môn tham quan, đánh giá.

Việc trùng tu đã tuân thủ đảm bảo giữ tối đa yếu tố gốc, tất cả những viên ngói có thể giữ lại được, tất cả những cấu kiện gỗ còn có thể dùng được dù có một đoạn thôi cũng đều được giữ lại, đánh dấu cấu kiện, bố trí trở lại hết. Vì vậy, công trình đảm bảo các yếu tố gốc được giữ lại tối đa có thể.

Một vấn đề nữa, sau khi trùng tu yếu tố vững bền của di tích được đảm bảo. Có thể khẳng định sau đợt trùng tu lần này chắc chắn di tích sẽ tồn tại rất lâu.

Còn về màu sắc cũng được thực hiện theo đúng hồ sơ nghiên cứu. Tất nhiên, mới sơn thì màu có phần tươi mới nhưng theo thời gian thì nó sẽ trở lại bình thường. “Một công trình đại trùng tu mà yêu cầu giữ y cổ kính như trước đây là điều không thể” – ông Sơn nhìn nhận. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP Hội An cũng cho rằng màu trắng trên phần thân Chùa Cầu có phần nổi bật, TP đang giao cho Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An nghiên cứu, quét lại màu xám hơn để công trình bớt cảm giác mới hơn.

Bảo tồn nguyên vẹn các giá trị kiến trúc, nghệ thuật

Theo Ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An (TP.Hội An, Quảng Nam), chia sẻ với báo Thanh Niên, cho biết sau khi nhận sự chỉ đạo của UBND TP.Hội An, đơn vị đang cho xử lý lại một số chi tiết nhỏ ở đà gỗ và dầm trắng dưới lan can chùa Cầu. Theo ông Ngọc, quá trình trùng tu chùa Cầu, mọi hoạt động can thiệp đều được tính toán trên cơ sở tôn trọng lịch sử, đảm bảo tính khoa học và khách quan. Ngoài bảo tồn giá trị, còn phải duy trì chức năng của di tích.

Việc trùng tu luôn đảm bảo giữ lại tối đa các dấu tích vật chất hiện hữu, xác thực hàm chứa các giá trị lịch sử văn hóa của di tích chùa Cầu. Qua đó, bảo tồn nguyên vẹn các giá trị kiến trúc, nghệ thuật đã tạo nên hình ảnh biểu tượng của Hội An. Hoạt động trùng tu được thực hiện với cách tiếp cận khoa học trong tính toán các giải pháp can thiệp, dựa trên cơ sở nghiên cứu đầy đủ, xác thực và các đánh giá khách quan, toàn diện về di tích.

Ngoài ra, việc trùng tu di tích chùa Cầu được xem xét trong tổng thể, không tách rời việc tu bổ các thành phần kiến trúc của di tích với tôn tạo cảnh quan khu vực xung quanh. “Nguyên tắc trùng tu chùa Cầu là bảo tồn tối đa các yếu tố nguyên gốc cấu thành di tích. Tôn trọng và giữ lại cho được sự hòa nhập của các thành phần kiến trúc thay thế và bổ sung qua các thời kỳ; tôn trọng thực thể khách quan và tuổi tác, niên đại, màu thời gian của công trình. Đồng thời, hạn chế tối đa sự can thiệp không cần thiết, tránh làm thay đổi những đặc điểm cơ bản tạo nên các giá trị của di tích…”, ông Ngọc khẳng định.

Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An sẽ xử lý lại màu của di tích Chùa Cầu.

Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu có tổng mức đầu tư hơn 20,2 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh Quảng Nam hỗ trợ 50%, ngân sách TP Hội An bố trí 50%. Dự án do UBND TP Hội An làm chủ đầu tư, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An thực hiện, Trung tâm Tư vấn bảo tồn di tích – Viện Bảo tồn di tích là đơn vị tư vấn.

Việc tu bổ Chùa Cầu tập trung vào 3 nội dung chính: Tôn tạo cảnh quan chung, hạ tầng kỹ thuật; xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ tu bổ di tích; số hóa di tích phục vụ công tác tu bổ bằng công nghệ 3D, hội thảo, tọa đàm.

Dự án này được khởi công ngày 28/12/2022, trong quá trình tu bổ được tiếp tục tham vấn kỹ lưỡng ý kiến của các chuyên gia về một số hạng mục quan trọng; đồng thời được UBND tỉnh gia hạn thời gian thi công tu bổ công trình bởi tính chất quan trọng của di tích này khi Chùa Cầu được xem là biểu tượng của đô thị cổ Hội An.

Thụy An (Tổng hợp) – TCKT.VN
© Tạp chí Kiến trúc