Đặt vấn đề

Những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến một tốc độ đô thị hoá nhanh chóng của thủ đô Hà Nội. Bên cạnh những tác động tích cực như phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, thúc đẩy tiến bộ khoa học kỹ thuật, quá trình đô thị hoá cũng mang lại rất nhiều tác động tiêu cực cho TP như: ô nhiễm nguồn nước, không khí, gia tăng các vấn đề xã hội, quá tải hạ tầng đô thị, thiếu không gian xanh, không gian công cộng (KGCC).

Joëlle Zask trong khu vườn công nhân của mình
Nguồn : Gilles Gerbaud – https://ift.tt/ezKCT8S – 1941

Hiện nay, TP vẫn còn một bộ phận rất lớn người dân vẫn phải cư trú và sinh hoạt trong các khu vực có điều kiện sống chật chội, thiếu không gian xanh và không gian giao tiếp xã hội. Bên cạnh đó, vẫn còn rất nhiều KGCC như công viên, vườn hoa, vỉa hè vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức dẫn tới chất lượng cơ sở hạ tầng bị xuống cấp, chất lượng cảnh quan suy giảm, chưa đáp ứng được nhu cầu hàng ngày của người dân. Người dân TP trong thời gian chờ đợi các dự án cải tạo, chỉnh trang đã bắt tay vào tự mình cải thiện chất lượng sống của mình.

Liz Christy – người khởi xướng phong trào vườn cộng đồng tại Lower East Side – New York
Nguồn : Donald Loggins – https://ift.tt/1dfA0xV – 1975
Người dân và khu vườn của họ trong thế chiến 2 tại Hoa Kỳ
Nguồn: Bettman/Getty,1945

Người dân tự mình tạo ra các vườn cộng đồng, vườn rau chia sẻ ngay trên các diện tích không gian ít ỏi có thể tận dụng xung quanh khu ở của mình.

Vườn cộng đồng ở Grand Mare – Pháp
Nguồn : BVGM – https://ift.tt/BUWQa7K – 2022

Việc hình thành mô hình vườn cộng đồng tự phát này chính là dấu hiệu cho một nhu cầu mới của người dân về một loại hình không gian xanh, công cộng phục vụ đời sống hàng ngày của họ.

Từ xa xưa, những khu vườn đã đóng một vai trò rất quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của người dân, nó giúp người dân tự chủ động được một phần nguồn thực phẩm. Trên thực tế, vườn cộng đồng là một khái niệm không mới trên thế giới, nhưng nó vẫn còn ít được nhắc đến ở Việt Nam. Loại hình không gian này có thể được định nghĩa là: “Vườn được quản lý bởi một hội nhóm, mở cửa cho tất cả mọi người, giúp phát triển các hoạt động xã hội, văn hoá, giáo dục, tăng cường mối liên kết xã hội, đồng thời góp phần bảo tồn sự đa dạng sinh học của các cây trồng”. Loại hình vườn này lần đầu tiên được biết đến với tên gọi “vườn công nhân” tại Pháp vào giai đoạn cách mạng công nghiệp. Sau đó, vào những năm 1970, một phong trào mới mang tên “vườn cộng đồng” đã được nhân rộng tại New York. Muộn hơn, vào những năm 1990, ý tưởng về mô hình vườn cộng đồng này đã quay trở lại châu Âu trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và xã hội.

Không gian vườn cộng đồng tự phát tại công viên Hồ Cần
Nguồn: Nhóm tác giả, 2024

Vai trò của những khu vườn nói chung và những khu vườn cộng đồng nói riêng trong lịch sử loài người là không thể chối cãi, chúng đảm bảo an ninh lương thực, tăng cường giao tiếp xã hội, tăng cường tính bền vững cho đô thị… Ngày nay, chúng ta có thể nhận thấy sự phổ biến của các khu vườn cộng đồng không chỉ ở Hoa Kỳ và Pháp mà còn ở các quốc gia khác trên thế giới. Ví dụ: Ở Vương quốc Anh (vườn chia sẻ Paul Stone, Martineau Gardens), ở Úc (vườn Pop Up Matche), ở Đức (vườn chia sẻ Prinzessinnengäten), ở Nhật Bản (vườn rau Machinaka), ở Canada (vườn cộng đồng Ruisseau Bois- Joli)…

Hiện trạng không gian xanh và vườn cộng đồng tự phát tại Hà Nội

Quá trình đô thị hóa ồ ạt của thủ đô đồng thời đã làm giảm đáng kể diện tích không gian xanh, các loại hình thiên nhiên mới được thiết lập trong đô thị nghèo nàn hơn rất nhiều về mặt đa dạng sinh học so với các không gian tự nhiên ban đầu. Tại Hà Nội hiện nay, rất dễ dàng có thể bắt gặp các vườn cộng đồng tự phát tại các khu vực công cộng như: vỉa hè trước nhà, sân chung, đất xen kẹt chưa được sử dụng, và đặc biệt là không gian trong các công viên, vườn hoa, ven hồ nước ít được chăm sóc, quản lý.

Có thể lấy ví dụ như công viên Hồ Cần (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Đây là một hạng mục thuộc Đề án “Cải tạo môi trường các hồ ở nội thành Hà Nội”. Việc cải tạo công viên Hồ Cần góp phần làm mới cảnh quan môi trường đô thị trên địa bàn phường Vĩnh Tuy nói riêng và TP. Hà Nội nói chung. Tuy nhiên, do thiếu sự quản lý, người dân nhận thấy vườn hoa không được chăm sóc, cỏ mọc um tùm gây mất mỹ quan và do nhu cầu bức thiết về một không gian trồng trọt – giao lưu, rất nhiều diện tích vườn tự phát đã xuất hiện ở khu vực này.

Bên cạnh việc trồng rau, người dân cũng trồng và chăm sóc các loại thực vật có chức năng trang trí. Điều này thể hiện rất rõ mong mỏi của người dân không chỉ trong việc tạo ra nguồn rau sạch mà còn cải thiện chất lượng cảnh quan không gian sống.

Một ví dụ khác cũng thể hiện rõ ràng sự phổ biến của mô hình vườn cộng đồng tự phát, đó là khu vực KDTM Linh Đàm. Theo kết quả cuộc khảo sát của nhóm tác giả trên 100 người dân ở các độ tuổi khác nhau trong khu vực KDTM Linh Đàm, có tới 93% người được hỏi thể hiện mong muốn được sở hữu một không gian vườn để thực hành các hoạt động trồng trọt, canh tác. Bên cạnh đó, rau xanh và hoa là hai loại hình thực vật được người dân trồng nhiều nhất trong các khu vườn cộng đồng.

Tại khu vực này, cách thức tổ chức vườn cộng đồng tự phát rất đa dạng: Trồng trực tiếp trong công viên, trồng trong chậu, hoặc trồng trong thùng xốp, trồng tại các khu đất trống chưa được tổ chức không gian cảnh quan…

Các dụng cụ được người dân sử dụng để làm vườn khá đa dạng: Chai nhựa, khay nhựa, thùng xốp đã qua sử dụng được tái chế để trở thành vật dụng trồng cây; những cây leo thì được trồng trên giàn leo được ghép bằng cành cây, tre khô. Đối với những hộ gia đình phía trước cửa nhà có vỉa hè hay bồn cây, người dân sẽ xếp những viên gạch có thể là gạch khi lát vỉa hè còn thừa tạo nên một ô đất bằng gạch để trồng cây.

Kết luận

Thông qua những nghiên cứu và phân tích kết quả thu thập được từ việc khảo sát, chúng ta có thể khẳng định rằng: Có một nhu cầu rất lớn về vườn cộng đồng của người dân. Có thể thấy rằng, các vườn cộng đồng tự phát có sự đa dạng về quy mô, cách thức tổ chức, cách thức thiết lập. Sự đa dạng này là minh chính rõ nét cho tính tự phát của những không gian này. Người dân trồng bất cứ thứ gì họ muốn hoặc cho là cần thiết cho nhu cầu hàng ngày mà hầu như không có sự quản lý của cơ quan nhà nước. Thêm vào đó, người dân cũng làm việc không theo quy tắc nào, họ xây dựng các khu vườn của mình bằng tất cả các loại vật liệu có thể như: nhựa, xốp, gỗ, tre, kim loại…

Chúng ta có thể khẳng định một số tác động tích cực của những khu vườn cộng đồng này đối với người dân đô thị. Đầu tiên, những sản phẩm từ khu vườn đáp ứng được một phần nhu cầu lương thực hàng ngày của người dân. Tiếp theo, sự hiện diện của các khu vườn chia sẻ còn góp phần tăng sự đa dạng sinh học và cải thiện môi trường sống tự nhiên của con người và nhiều loài động vật. Thay vì để lại những bãi đất trống dần biến đổi thành bãi rác trong không gian xanh bị bỏ hoang, người dân đã dọn dẹp lại và trồng rau ở đó. Điều này giúp cải thiện chất lượng môi trường đô thị. Cuối cùng, việc phát triển vườn cộng đồng làm tăng cường khía cạnh xã hội, khuyến khích người dân tham gia vào các hoạt động tập thể. Cư dân giúp đỡ nhau chăm sóc cho khu vườn và cùng nhau chia sẻ thành quả lao động. Tuy nhiên, loại hình không gian tự phát này luôn tiềm ẩn những tác động tiêu cực và rủi ro nếu thiếu sự quản lý của cơ quan chức năng và thiếu khung pháp lý.

Ngày nay, mô hình vườn cộng đồng đang nở rộ trên khắp thế giới, từ các TP phát triển đến các TP đang phát triển. Điều này chứng tỏ vai trò, tầm quan trọng của mô hình trong việc cải thiện môi trường sống đô thị của cư dân. Hà Nội với những vấn đề đô thị đang tồn tại sẽ không thể tránh khỏi xu hướng này. Việc ban hành một khung pháp lý để chính thức xác nhận và quản lý vườn chia sẻ là bước đi cần thiết nhằm thúc đẩy và nhân rộng mô hình trên toàn TP. Ngoài ra, việc áp dụng mô hình vườn cộng đồng còn khuyến khích sự tham gia của người dân vào quy hoạch đô thị và giảm áp lực tài chính cho Nhà nước.

*TS. KTS. Nguyễn Quốc Đạt – TS. Nguyễn Vũ Bảo Minh
Giảng viên trường Đại học Kiến trúc Hà Nội
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 4-2024)


Tài liệu tham khảo
1. Allain, Y.-M., Une histoire des jardins potagers, ed. B. livres. 2022, Versailles: Étidions Quae;
2. Ministère de l’Écologie du Développement durable et de l’Énergie, Les jardins collectifs. 2014;
3. Naudin, C., Le potager, jardin du cultivateur. 1860, Paris: Librairie agricole de la maison rustique;
4. Reyburn, S., Le cadre de vie et les jardins potagers communautaires à Montréal. VertigO – la revue électronique en sciences de l’environnement – https://ift.tt/SWFkYEm, 2002. 3 – Numéro 2;
5. Tharrey, M., Impact de la participation à un jardin partagé en ville sur l’adoption de styles de vie plus durables, in Sciences alimentaires et Nutrition, École doctorale GAIA – Biodiversité, Agriculture, Alimentation, Environnement, Terre, Eau, Université de Montpellier 2020. p. 205;
6.Từ điển Larousse, D., Expressions : Jardins communautaires. 2023: Online