Trong thiết kế đô thị, quảng trường là một phần không thể thiếu, đóng vai trò quan trọng trong việc nhận diện đô thị (urban identity). Hiện nay, đô thị hóa và toàn cầu hóa đang diễn ra nhanh ở Việt Nam và trên thế giới, dẫn đến các đô thị có nguy cơ bị mất yếu tố nhận diện vốn có. Nha Trang – một đô thị ven biển duyên hải miền Trung, qua 100 năm phát triển đã hình thành các quảng trường và không gian mở, nổi tiếng với lễ hội Festival Biển hàng năm. Bài viết chia sẻ những góc nhìn từ Nha Trang, qua những không gian quảng trường, từ đó xem xét những yếu tố nhận diện đô thị trong quá trình phát triển bền vững.  

Mở đầu

Nha Trang là thành phố (TP) ven biển có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh của tỉnh Khánh Hòa. Dưới góc nhìn của các nhà địa lý xưa, Nha Trang được coi là vùng đất lạ, quý hiếm, bởi có “tứ thủy triều quy, tứ thú tụ”, nghĩa là bốn mặt có nước bao bọc, có bốn quả núi mang hình bốn con thú hội tụ, che chở cho vùng đất.

Ngã 6 nha trang thời Pháp thuộc
Nguồn: manhhai/ flickr

Xét về lịch sử đô thị, vùng đất Nha Trang vốn thuộc về Chiêm Thành, do đó các di tích của người Chăm vẫn còn tồn tại nhiều nơi ở Nha Trang, nổi tiếng với Tháp Bà Ponagar. Dưới thời Pháp thuộc, nền móng của đô thị Nha Trang được hình thành với cấu trúc đô thị hướng tâm, những quảng trường giao thông đầu tiên bắt đầu xuất hiện.

Quảng trường trong thị

Theo Donald, Alan và Robert, quảng trường đóng vai trò là trung tâm cho đời sống văn hóa xã hội của mỗi đô thị. Mối quan hệ độc đáo giữa không gian mở của quảng trường, các tòa nhà xung quanh và bầu trời phía trên tạo ra trải nghiệm cảm xúc chân thực có thể so sánh với tác động của bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào khác (Donald, Alan và Robert, 2003).

Quảng trường phía trước ga Nha Trang
Nguồn: manhhai/ flickr

“Squares act as a centre point for social and cultural life in the city. The unique relationship between the open area of the square, the surrounding buildings and the sky above creates a genuine emotional experience comparable to the impact of any other work of art” (Donald, Alan and Robert, 2003).

Nhận diện đô thị (urban identity) được thể hiện ở cả hai khía cạnh, vật chất (material dimension) và phi vật chất (immaterial dimension). Chiều thứ nhất, khía cạnh vật chất, bao gồm các yếu tố có thể cảm nhận trực tiếp như các giá trị hữu hình, thị giác, âm thanh và khứu giác tương ứng với môi trường vật lý. Chiều thứ hai, khía cạnh phi vật chất, liên quan đến các yếu tố nhận thức không nhìn thấy được làm nền tảng cho những yếu tố hữu hình, chủ yếu bị ảnh hưởng bởi trải nghiệm của chúng ta trong các không gian đô thị khác nhau.

Trong đó, yếu tố quảng trường đô thị là một trong bốn yếu tố do con người tạo dựng, tạo nên các giác quan hữu hình, có tương tác hai chiều đối với ký ức đô thị. Hơn nữa, quảng trường đô thị là một trong những không gian công cộng, đây là những không gian mở thể hiện bản sắc, văn hóa cộng đồng và lịch sử của TP.

The concept of urban identity – Khái niệm nhận diện đô thị
Nguồn: MDPI

Có hai cách để phân loại quảng trường đô thị – Đó là theo cấp độ không gian và theo hình thái.

Đối với cấp độ không gian, ở cấp đô thị có quảng trường trung tâm đô thị và các quảng trường gắn liền với các nút giao thông, phố đi bộ, và nhỏ hơn là những không gian mở phía trước công trình.

  • Quảng trường trung tâm thường là nơi gặp gỡ chính, diễn ra các hoạt động lễ hội của đô thị, do đó quy hoạch quảng trường phải thoáng đạt, mở.
  • Các quảng trường giao thông và các quảng trường trước công trình công cộng lớn thường được tổ chức vườn cảnh với quy mô nhỏ, có ý nghĩa sử dụng toàn đô thị.
    Theo hình thái tổ chức, KTS. Paul Zucker đã chia quảng trường thành 5 loại:
  • Quảng trường có hình thái không gian định hình (closed square) là quảng trường được bao quanh bởi các công trình kiến trúc, có bố cục khép kín. Ví dụ: Plaza Mayor, Tây Ban Nha…;
  • Quảng trường có hình thái không gian định hướng (dominated square) là quảng trường có bố cục bởi công trình, nhóm công trình theo không gian mở định hướng. Ví dụ: Quảng trường trước Nhà thờ Notre Dame, Paris…;
  • Quảng trường có hình thái không gian hạt nhân (nuclear square) là quảng trường mà không gian là một trật tự được xác định bằng một yếu tố “hạt nhân” chi phối không gian. Ví dụ: Quảng trường Trafalgar Square, London, Anh…;
  • Quảng trường có hình thái không gian nhóm (grouped square) là tập hợp các quảng trường mà mỗi quảng trường đơn lẻ đại diện cho một phần chưa hoàn thiện của một trật tự cao hơn. Ví dụ: Quảng trường Piazzetta S. Marco, Venice, Ý…;
  • Quảng trường có hình thái không gian vô định hình (amorphous square) là quảng trường không có cơ cấu và giới hạn cụ thể, nhưng có ít nhất một trong các yếu tố cấu thành. Ví dụ: Pl. de l’Opéra, Paris, Pháp…;

Tổ chức quảng trường tại Nha Trang

Quảng trường trong sự phát triển của TP Nha Trang
Nguồn: Các bản đồ và tác giả tổng hợp

Theo dòng lịch sử, các quảng trường ở Nha Trang được hình thành:

  • Khi ga Nha Trang được Pháp xây dựng, quảng trường phía trước ga được hình thành, kết nối với công viên đối diện, nay là Công viên 23/10;
  • Theo bản đồ năm 1933, nút giao thông ngã 6 được hình thành, đến nay được chỉnh trang và có vai trò là nút giao thông chính của TP;
  • Đến năm 1989, trên bản đồ du lịch Nha Trang, quảng trường phía trước chợ Đầm được hình thành, phục vụ cho nhu cầu mua sắm của người dân đô thị; quảng trường 2/4 cũng được ghi nhận. Có thể nói ở thời gian này, nút giao ngã 6 đóng vai trò như một quảng trường trung tâm TP;
  • Sau năm 1989, quảng trường ngã 7 được hình thành, nằm trên trục kết nối chính giữa ngã 6 và quảng trường 2/4. Khi cầu Trần Phú được xây dựng, cùng với sự hoàn thiện trong hệ thống giao thông, quảng trường 2/4 trở thành quảng trường trung tâm, nằm trên trục lễ hội, kết nối các di tích địa điểm du lịch nổi tiếng của TP.
Quảng trường 2/4
Nguồn ảnh: Báo VN Express, tác giả phân tích và ghi chú

Quảng trường 2/4 là quảng trường trung tâm TP, trên con đường ven biển Trần Phú, có độ mở không gian ra biển, kết nối với tháp Trầm Hương và công viên ven biển. Quảng trường vừa có hình thái không gian định hướng, vừa có hình thái không gian hạt nhân, các quảng trường trước công trình đều có hình thái không gian định hướng.

Quảng trường có góc nhìn đẹp hướng ra vịnh Nha Trang, nơi mà người dân địa phương thường tập trung vào mỗi buổi sáng và tầm chiều muộn, tại đây nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, nghệ thuật của TP Nha Trang cũng như tỉnh Khánh Hòa. Vì nằm trên trục đường Trần Phú, do đó mật độ giao thông dày đặc, gây khó khăn trong việc kết nối giữa quảng trường chính và các quảng trường công trình công cộng.

Xét về yếu tố vật thể trong nhận diện đô thị, hiện tại có tháp Trầm Hương, ngoài ra các yếu tố để tôn lên giá trị của khu vực quảng trường còn hạn chế, nhạt nhòa. Tuy nhiên, sự thành công trong việc tổ chức không gian quảng trường nằm ở yếu tố phi vật thể, nói cách khác, chỉ khi có lễ hội độ nhận diện đô thị mới được thể hiện một cách rõ nét.

Vòng xoay ngã 6 Nha Trang đã có từ lâu đời, được hình thành từ những năm 1930 trong thời kỳ Pháp thuộc, cùng với nhà thờ Chánh Tòa Nha Trang. Trải qua nhiều lần cải tạo, ngã 6 được trang trí với hình tượng cánh sóng ôm lấy viên ngọc trai, tạo điểm nhấn cho trung tâm thành phố.

Chợ đầm tròn Nha Trang

Vòng xoay ngã 7 phát triển sau này, tuy nhiên ưu điểm là tạo được một công viên nhỏ giữa TP, tăng tiện ích về mặt cây xanh đô thị bởi vì hiện trạng công viên TP chỉ tập trung chủ yếu tại đường ven biển.

Vòng xoay ngã 7

Hai không gian có tiềm năng để phát triển không gian quảng trường đó là chợ đầm tròn Nha Trang và không gian trước Nhà ga đường sắt Nha Trang. Trong tương lai, những công trình này có thể được chuyển đổi công năng thành bảo tàng và không gian công cộng.

Chợ đầm tròn Nha Trang
Ga Nha Trang và công viên 23/10
Nguồn ảnh: Khoa Tran Gallery
Cây xanh trên trục đường cũng như công viên được bảo tồn và ngày càng tăng thêm, nhấn mạnh trục cảnh quan từ quảng trường Place de la Concorde đến Khải Hoàn Môn

Bài học kinh nghiệm của Quảng trường Place de la Concorde

Place de la Concorde là một trong những quảng trường công cộng lớn ở Paris, Pháp. Quảng trường này có đặc điểm đô thị tương đồng với quảng trường 2/4, có hình thái không gian hạt nhân và không gian định hướng.

Với diện tích 7,6 ha (19 mẫu Anh), đây là quảng trường lớn nhất ở thủ đô nước Pháp. Nó nằm ở quận 8 của TP, ở cuối phía Đông của đại lộ Champs-Élysées. Đây là nơi diễn ra nhiều vụ hành quyết công khai đáng chú ý, bao gồm cả những vụ hành quyết của Louis XVI, Marie Antoinette và Maximilien Robespierre trong Cách mạng Pháp, trong thời gian đó, quảng trường được tạm thời đổi tên thành Place de la Révolution – “Quảng trường Cách mạng”.

Quảng trường place de la Concorde nằm trong Dự án tái thiết kế đại lộ Champs-Élysées ở Paris thành không gian xanh thân thiện với người đi bộ, xóa bỏ hoàn toàn giao thông cơ giới. Quảng trường Concorde kết nối với Vườn Tuileries và Vườn Champs-Élysées. Đồng thời, trụ Obelisk nằm trên quảng trường kết nối với Khải Hoàn Môn tạo thành trục cây xanh liên tục.

Kết luận và kiến nghị

Hệ thống quảng trường đô thị Nha Trang đa dạng, nhiều thể loại. Các quảng trường được liên kết với nhau theo một trục chính, giao thông dễ dàng tiếp cận tuy nhiên vào giờ cao điểm, mật độ giao thông cao làm cản trở lưu thông người đi bộ. Hệ thống tiện ích và giao thông công cộng chưa phát triển. Xét trên các yếu tố đã phân tích, có thể thấy độ nhận diện đô thị của Nha Trang là chưa cao.

Đối với quảng trường trung tâm: Tăng cường tiện ích và giao thông công cộng, tăng cường độ mở của các quảng trường phía trước công trình để tạo liên kết và tăng tính linh hoạt trong việc sử dụng không gian. Để tăng thêm tính mở của quảng trường, khuyến khích các công trình cộng trong bán kính gần có quảng trường mở, kết nối linh hoạt với quảng trường chính. Đề xuất thêm công trình công cộng, tăng cường không gian cho người đi bộ.

Đối với các quảng trường giao thông: Cần giữ nguyên mảng xanh hiện hữu, các yếu tố trang trí cần đường thống nhất chủ đề, tạo tính đồng bộ cho toàn bộ đô thị.

KTS. Võ Nguyễn Trung Thành
Trường ĐH Kiến Trúc TP.HCM
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 4-2024)


Tài liệu tham khảo

  • PTS. KTS. Hàn Tất Ngạn – 1999 – “Kiến trúc cảnh quan” – NXB Xây dựng.
  • ThS. KTS. Phù Văn Toàn, PGS. TS. KTS. Lê Anh Đức – 2023 – “Lý luận về khai thác giá trị nơi chốn trong tổ chức không gian đô thị”- Tạp chí Xây dựng. ISSN 2734-9888. https://ift.tt/7TcgM4x
  • PGS.TS.KTS. Nguyễn Quốc Thông – 2013 – “Toàn cầu hóa với vấn đề phát triển đô thị ở Việt Nam”- Tạp chí Kiến trúc. https://ift.tt/O3Eb8Gc
  • “Đề xuất mô hình quảng trường phù hợp với các đô thị lớn ở Việt Nam” – Tạp chí Quy hoạch xây dựng, số 52/2011- https://ift.tt/g1DbWdK
  • Cliff Moughtin. 1992. Urban Design: Street and Square. Nhà xuất bản Routledge.
  • Hasan Mahmoud Mansour, Fernando Brandão Alves, António Ricardo da Costa. A Comprehensive Methodological Approach for the Assessment of Urban Identity. MDPI.
    https://ift.tt/jh6cMxI
  • Yashita Khanna. 2021. Rethinking the Urban Square. https://ift.tt/cgG7Jli
  • Susanna Moreira. 2022. Public Spaces and Urban Areas: 12 Squares Viewed from Above. Tạp chí Archdaily. https://ift.tt/q8Ayn4t
  • What Makes a Public Square? https://ift.tt/AqFwg02