Đặt vấn đề
Theo định nghĩa của Groák, “Nhà ở linh hoạt” gồm hai khía cạnh là khả năng thích ứng và tính linh hoạt của không gian. Trong đó, khả năng thích ứng mô tả các không gian có thể được sử dụng theo nhiều cách khác nhau mà không tạo ra những thay đổi cấu trúc vật lý, còn tính linh hoạt liên quan đến các vấn đề về hình thức, cấu trúc không gian và kỹ thuật, đạt được bằng cách thay đổi kết cấu vật lý của căn hộ/căn nhà.
Tuyên ngôn của Đại hội CIAM lần thứ hai được tổ chức tại Frankfurt vào năm 1929 mang tên Die Wohnung für das Existenzminimum (Nhà ở tự cung tự cấp): “Nếu cần có ít không gian hơn thì không gian đó cần được sử dụng theo cách hiệu quả và linh hoạt nhất có thể”. Căn hộ chung cư là một dạng nhà ở đặc biệt có diện tích nhỏ nhưng đầy đủ công năng của một ngôi nhà, càng cần thiết tích hợp đầy đủ “Khả năng thích ứng” và “Tính linh hoạt” trong thiết kế để đạt được hiệu quả sử dụng linh hoạt tối đa. Trong thời đại mà tốc độ thay đổi diễn ra nhanh chóng trong mọi mặt của đời sống, xã hội, hơn bao giờ hết thiết kế căn hộ chung cư cần tiếp cận các đặc tính của căn hộ linh hoạt, đó là: “Khả năng thích ứng” và “Tính linh hoạt”. Quy chiếu các đặc tính này trong thiết kế cấu trúc không gian trong căn hộ, đó là các yêu cầu:
- Thiết kế không gian đa năng, linh hoạt nhiều chức năng sử dụng (khả năng thích ứng);
- Thiết kế không gian linh hoạt tích hợp các khả năng cấu trúc lại không gian (tính linh hoạt).
Như vậy, có thể thấy, tính linh hoạt và khả năng thích ứng với những thay đổi trong tương lai là yêu cầu quan trọng đặt ra đối với việc thiết kế nhà ở và căn hộ.
Nguyên tắc thiết kế căn hộ linh hoạt
1. Thiết kế không gian đa năng, linh hoạt nhiều chức năng sử dụng
Trong thiết kế các căn hộ phổ biến hiện nay, khả năng thích ứng của không gian đã được định hình thông qua cấu trúc không gian mở tích hợp đa chức năng như bếp – ăn – sinh hoạt. Đây là không gian có tính thích ứng cao phù hợp với các căn hộ có diện tích trung bình, đó là những căn hộ 2- 4 phòng ngủ nhưng không đủ rộng hoặc không đủ điều kiện chiếu sáng tự nhiên để ngăn chia thành các phòng riêng biệt như phòng bếp, phòng ăn, phòng sinh hoạt. Ngoài ra, đối với một số căn hộ nhỏ như căn hộ studio, căn hộ một phòng ngủ, không gian mở bếp – ăn – sinh hoạt còn có thể tích hợp cả chức năng ngủ nghỉ, làm việc trong một cấu trúc ngăn chia linh hoạt theo nhu cầu sử dụng thay đổi trong ngày. Không gian đa chức năng là các không gian mở tích hợp nhiều chức năng trong căn hộ, có thể chuyển đổi giữa các chức năng bằng hệ nội thất có thể gấp, xếp, trượt linh hoạt.
PKMN Architectures là một trong những công ty thiết kế đi đầu trong nghiên cứu thiết kế hệ nội thất linh hoạt cho không gian đa chức năng trong các căn hộ nhỏ. Dự án thiết kế nội thất một căn hộ nhỏ mang tên All I Own House nằm trong một khu nhà ở phía Bắc Madrid.
Để tối đa hóa chức năng của không gian hạn chế, nhà bếp, phòng ngủ và nhà kho được đặt trong một loạt các mô đun nội thất có thể di chuyển được làm từ ván dăm. Tất cả không gian trong ngôi nhà được bố trí thông qua ba mô đun bằng gỗ, treo, di động và có thể biến đổi. Cấu trúc không gian có thể được sắp xếp lại hoàn toàn chỉ trong vài phút, điều chỉnh toàn bộ căn hộ theo nhu cầu việc sử dụng tại mỗi thời điểm, hình thành một không gian mở rộng thoáng linh hoạt, không bị ngăn chia thành các phòng nhỏ cố định. Được gắn trên bánh xe và đường ray trên trần, các mô-đun nội thất bằng gỗ có thể được di chuyển dọc theo một bên của căn hộ. Ba thành phần này được tách biệt hoặc nhóm lại để phục vụ nhiều chức năng khác nhau (hình 1).
Mô-đun đầu tiên là bề mặt làm việc nhà bếp có thể gập lại và nơi lưu trữ, trong khi mặt bên kia là một tấm bảng phấn hình tròn lớn vẽ trên tường cho phép phác thảo ý tưởng trong khi làm việc. Khối thứ hai chứa kệ sách và giường gấp. Đơn vị cuối cùng cung cấp thêm kệ đựng đồ và kệ sách, trong khi tủ quần áo ở phía bên kia tạo thành phòng thay đồ di động đối diện với phòng tắm (hình 2).
Một công trình khác của PKMN Architectures là Dự án thiết kế cải tạo căn hộ MJE House ở Tây Ban Nha. Đó là một căn hộ nhỏ có hướng nhìn ra biển nhưng thiết kế ban đầu không khai thác được tầm nhìn do vách ngăn cố định giữa các phòng ở. Đầu bài cho phương án thiết kế lại nội thất là căn hộ có thể thích ứng với số lượng người khác nhau tùy theo thời gian trong năm nhưng không gian không được ngăn chia thành nhiều phòng nhỏ.
Ý tưởng thiết kế của PKMN Architectures là thay thế các bức tường ngăn bằng hệ thống tủ cao từ sàn đến trần có thể di chuyển và xoay trên các bánh xe nhỏ và do đó có thể ngăn chia thành các không gian ngủ nhỏ linh hoạt ban đêm hoặc mở rộng thành không gian sinh hoạt ban ngày. Đây là giải pháp tối ưu cho thiết kế không gian các căn hộ nhỏ, trong điều kiện các nhu cầu của cuộc sống thay đổi nhanh hơn, hầu hết các gia đình sống ở thành phố không đủ tài chính để mua căn hộ mới có thêm phòng ngủ. Do đó các không gian căn hộ là đối tượng cần nghiên cứu thiết kế để thích ứng với các điều kiện mới trong sinh hoạt (hình 3.4).
Một ví dụ mới về khái niệm sống mới “thông minh” cho căn hộ hiện đại, thông qua các phân vùng có thể thích ứng và hệ thống nội thất bổ sung, cho phép thay đổi cấu hình căn hộ dễ dàng phù hợp với nhiều nhóm gia đình có nhân khẩu thay đổi. Đó là dự án khu chung cư Van B ở Munich, Đức do UNStudio và Bauwerk thiết kế với tiêu chí “không gian cá nhân trong nhà của chúng ta phải trở nên đa chức năng, đồng thời vừa là văn phòng, phòng tập thể dục, phòng khách và góc ngủ”. […] chúng ta cần phát triển các khái niệm sống mới nhằm đáp ứng nhu cầu thay đổi của ngôi nhà của chúng ta”. Chiến lược này bao gồm việc tạo ra nhiều cách khác nhau nhất có thể để cấu hình lại một căn hộ, bằng ý tưởng thiết kế một hệ thống dựa trên “plugin” có thể thích ứng và đồ nội thất cho phép chủ nhà sử dụng không gian trong căn hộ 40m2 gần như thể đó là một căn gác xép 60m2 (hình 5).
Nội thất căn hộ gồm 9 mô-đun, trong đó mỗi mô đun có thể di chuyển để tạo ra các cấu hình căn hộ khác nhau, cho phép người sử dụng dễ dàng thay đổi cấu trúc không gian chỉ trong vài phút. Thiết kế này thách thức các quy ước cũ về diện tích, khuyến khích mọi người sống theo những cách linh hoạt hơn. Trên thực tế, chủ nhà có thể thay đổi không gian theo nhu cầu hàng ngày. Ý tưởng thiết kế thực sự đặc biệt và độc đáo, mang đến một hình thức sống thông minh hoàn toàn mới. Không phải theo nghĩa tích hợp công nghệ thông thường; thay vào đó, nó liên quan đến việc diễn giải lại các ý tưởng từ thế giới kỹ thuật số để cải thiện không gian vật lý (hình 6).
Khả năng thích ứng của căn hộ linh hoạt thể hiện ở việc thiết kế không gian đa năng có thể tích hợp nhiều chức năng sử dụng. Đó là không gian mở có mặt bằng vuông vắn liên thông để có thể bố trí các mô đun nội thất di động xoay trượt linh hoạt, định hình các công năng khác nhau theo nhu cầu sử dụng trong ngày. Giải pháp này phù hợp với các căn hộ có diện tích nhỏ, căn hộ studio, căn hộ 1 phòng ngủ.
2. Thiết kế không gian linh hoạt tích hợp các khả năng cấu trúc lại không gian
Để có thể cung cấp các khả năng thay đổi linh hoạt cơ cấu không gian căn hộ, việc thiết kế kiến trúc của công trình cần có chiến lược toàn diện, đồng bộ các giải pháp từ cấp độ tòa nhà đến căn hộ, từ mặt đứng đến mặt bằng căn hộ, từ giải pháp kết cấu đến bố trí hệ thống kỹ thuật…Kết quả là một thiết kế tổng thể gồm một tập hợp các phương án bố trí mặt bằng căn hộ cung cấp các giải pháp cấu trúc không gian linh hoạt, có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng căn hộ đa dạng tại các thời điểm khác nhau của mỗi gia đình. Người sử dụng sẽ được bàn giao căn hộ theo đúng phương án bố trí mặt bằng đã chọn khi mua nhà và có thể linh hoạt thay đổi cấu trúc không gian trong quá trình sử dụng theo các phương án đã được cài đặt. Kết hợp với các giải pháp công nghệ trong thiết kế nội thất, chiến lược thiết kế kiến trúc căn hộ có tính linh hoạt cao giúp cho việc thay đổi, ngăn chia lại không gian bằng hệ tường vách nhẹ, nội thất di động trở nên đơn giản, nhanh chóng, tiết kiệm, không ảnh hưởng đến sinh hoạt trong căn hộ cũng như môi trường ngoài căn hộ.
Kết nối linh hoạt trong thiết kế căn hộ linh hoạt
Trong căn hộ, vị trí mỗi không gian được định hình bởi quan hệ về chức năng sử dụng (công năng), quan hệ với môi trường, với hệ thống kỹ thuật…Về bản chất đó chính là các kết nối chức năng (với các không gian liền kề), kết nối môi trường (với không gian ngoài tòa nhà), kết nối kỹ thuật (với hệ thống kỹ thuật điện, nước, thông tin…). Các kết nối đó là các liên kết mà mỗi không gian phải đáp ứng để một căn hộ có thể vận hành hợp lý. Nếu các kết nối đó được thiết kế cố định (kết nối cứng) thì các không gian trong kết nối đó có rất ít tính linh hoạt, hay nói cách khác là khó có thể thay đổi được cấu trúc không gian trong căn hộ. Nếu các kết nối đó được thiết kế tùy biến, linh hoạt (kết nối mềm) thì các không gian trong kết nối đó có tính linh hoạt cao dẫn đến việc dễ dàng cấu trúc lại không gian bên trong căn hộ.
Như vậy, một “Căn hộ linh hoạt” là căn hộ có các không gian thành phần linh hoạt và điều kiện để có các không gian thành phần linh hoạt chính là các kết nối linh hoạt. Các kết nối linh hoạt cung cấp các tùy biến khác nhau để sắp xếp lại các không gian trong căn hộ và kết quả cuối cùng là một căn hộ có cấu trúc không gian linh hoạt. Sơ đồ về quan hệ đó thể hiện như sau:
Kết nối linh hoạt – Không gian linh hoạt – Cấu trúc linh hoạt
Sơ đồ trên cho thấy “Kết nối linh hoạt” chính là điều kiện để hình thành “Căn hộ linh hoạt”
Các kết nối chính trong căn hộ bao gồm:
- Kết nối với tòa nhà: Là kết nối về giao thông giữa không gian trong căn hộ và không gian giao thông của tòa nhà tiếp cận căn hộ. Trong căn hộ, kết nối với tòa nhà là kết nối cố định thông qua cửa ra vào;
- Kết nối với môi trường: Là kết nối mang tính vật lý giữa các không gian trong căn hộ và không gian môi trường bên ngoài. Thông qua các vị trí kết nối như cửa sổ, vách kính các yếu tố vật lý như ánh sáng, nắng, mưa, gió, nhiệt độ, độ ẩm… được lưu thông, tương tác giữa không gian bên trong và không gian bên ngoài;
- Kết nối với hệ thống kỹ thuật: Là kết nối mang tính kỹ thuật giữa các thiết bị lắp đặt trong không gian căn hộ với các trục kỹ thuật của hệ thống cấp điện, cấp thoát nước, thông tin, mạng iternet…Các kết nối này thông qua các cổng kết nối như công tắc, ổ cắm, đầu chờ cấp thoát nước lắp đặt trên tường, trần sàn;
- Kết nối về chức năng: Là kết nối giữa các không gian trong căn hộ để vận hành chức năng sử dụng chung và riêng. Trong căn hộ, đó là các kết nối giữa các không gian chung (phòng ăn-sinh hoạt), không gian riêng tư (các phòng ngủ), không gian phụ trợ (khu vệ sinh, lô gia, hành lang). Các kết nối này thông qua các ô cửa, khoảng mở liên kết giữa các không gian.
Kết nối với tòa nhà và với kết nối với môi trường là thiết kế ở cấp độ tòa nhà. Kết nối về chức năng và kết nối về kỹ thuật là thiết kế ở cấp độ căn hộ. Các định hướng trong giai đoạn thiết kế ban đầu để tạo ra căn hộ linh hoạt trong tương lai bao gồm thiết kế ở mức độ tòa nhà và thiết kế căn hộ. Trong đó cách tiếp cận hiệu quả nhất là nghiên cứu thiết kế để cung cấp các phương án kết nối khác nhau (kết nối linh hoạt) cho mỗi không gian, qua đó các không gian thành phần trong căn hộ có nhiều tùy biến linh hoạt.
Giao diện của kết nối linh hoạt.
Không gian trong và ngoài căn hộ được ngăn cách, phân định với nhau bằng các vách tường ngăn. Các vách tường chung đó có tác dụng ngăn cách sự kết nối giữa các không gian bên trong căn hộ cũng như không gian giữa trong và ngoài căn hộ. Tuy nhiên, các khoảng mở được thiết kế trên các vách tường như các ô cửa sổ, cửa đi, vách kính, ô thoáng… chính là các mặt phẳng kết nối giữa các không gian trong và ngoài, đó chính là giao diện kết nối giữa các không gian. Thông qua giao diện kết nối, các không gian tiếp xúc với nhau và xuất hiện các tương tác về công năng sử dụng, về giao thông, cũng như lưu thông các yếu tố mang tính vật lý với môi trường như ánh sáng, nắng, mưa, gió, nhiệt độ, độ ẩm…Trong cách thiết kế truyền thống các vách tường, vị trí cửa đi, cửa sổ, vách kính đó được thiết kế cố định và do đó các không gian bên trong căn hộ có rất ít khả năng thay đổi, cấu trúc lại. Trong căn hộ linh hoạt, vách tường chung cho đến các ô cửa được cài đặt các trạng thái khác nhau như đóng, mở, xoay, trượt, di chuyển…để thay đổi khối tích, hình dạng của không gian, hoặc hoán đổi vị trí, hoặc mở rộng kết nối từng phần cho đến toàn phần giữa hai không gian (kết nối linh hoạt). Như vậy, trong căn hộ linh hoạt, toàn bộ vách tường với các ô cửa cố định (kết nối cố định) ngăn cách giữa hai không gian được thay thế bằng mặt giao diện có thể tùy biến các dạng thức kết nối khác nhau, đó là giao diện kết nối linh hoạt.
Để có thể đánh giá tác động của việc cung cấp các lựa chọn kết nối (thay đổi trạng thái kết nối) đến tính linh hoạt của cấu trúc không gian căn hộ ta phân tích sơ đồ mặt bằng một căn hộ 2 phòng ngủ (căn hộ tiêu chuẩn) có dạng một hình chữ nhật trước và sau khi thay đổi trạng thái kết nối như hình 7 dưới đây.
Sơ đồ mặt bằng căn hộ dạng tổng quát được phân chia thành 3 vùng với cấu trúc lấy không gian chung (phòng ăn – phòng sinh hoạt) làm trung tâm kết nối các không gian riêng tư (các phòng ngủ) và các không gian phụ trợ (khu vệ sinh, lô gia, trục kỹ thuật). Căn hộ có một trục kỹ thuật để cung cấp các đầu chờ cho hai khu vệ sinh, trong đó một phòng vệ sinh bố trí khép kín trong phòng ngủ chính và phòng vệ sinh thứ hai dành cho các không gian còn lại.
Đây là căn hộ 2 phòng ngủ khá phổ biến trong nhà chung cư, có các đầy đủ kết nối với tòa nhà, với môi trường, kết nối giữa các không gian và với hệ thống kỹ thuật trong căn hộ. Tuy nhiên các kết nối đều ở dạng cố định nên có rất ít khả năng thay đổi, ngăn chia lại cơ cấu không gian bên trong. Trong tình huống thay đổi trạng thái của các kết nối cố định trong căn hộ thành các kết nối linh hoạt, mỗi kết nối ở cấp độ tòa nhà và cấp độ căn hộ được cung cấp thêm các phương án tùy biến khác nhau:
- Kết nối với tòa nhà thông qua giao diện kết nối sử dụng cấu trúc tường panel linh hoạt thay thế cho tường cố định, do đó cung cấp nhiều vị trí có thể lắp đặt cửa ra vào căn hộ;
- Kết nối giữa căn hộ với môi trường được tăng cường thông qua việc bổ sung thêm 1 mặt thoáng tiếp xúc với không gian bên ngoài tòa nhà;
- Kết nối với hệ thống kỹ thuật được cung cấp thêm các lựa chọn linh hoạt thông qua việc bổ sung thêm trục kỹ thuật và thay đổi giao diện kết nối của các cổng kết nối điện, nước, thông tin…;
- Kết nối chức năng giữa hai không gian qua trong căn hộ thông qua các khoảng mở, ô cửa, tường vách di động có giao diện đóng, mở, xoay, trượt linh hoạt.
Giải pháp thiết kế căn hộ linh hoạt
Nội dung dưới đây đề cập đến các khả năng tái cấu trúc không gian căn hộ sau khi chuyển đổi các trạng thái kết nối từ cố định sang linh hoạt. Đó là các phương án tái cấu trúc không gian căn hộ sau khi chuyển đổi trạng thái kết nối.
1. Trạng thái kết nối với tòa nhà
Kết nối giữa căn hộ với tòa nhà thông qua giao diện là ô cửa đi trên mặt tường bao che căn hộ, ngăn chia không gian giữa hành lang chung và căn hộ. Đây là dạng kết nối cố định (kết nối cứng) do tường bao căn hộ và vị trí cửa ra vào đều cố định, không thay đổi được (hình 14a). Với căn hộ linh hoạt, diện tường cố định có thể được thay thế bằng các mô đun panel tường nhẹ, có thể tháo lắp di chuyển được. Khi cần đổi vị trí cửa ra vào căn hộ, chỉ cần tháo lắp đổi chỗ các mô đun tường và cửa đi. Với vị trí cửa ở các phân vùng 1-2-3 sẽ có các vị trí của không gian mở tương ứng (hình 14b, 14c, 14d). Như vậy, trong căn hộ linh hoạt, kết nối giữa căn hộ với tòa nhà chuyển từ dạng cố định sang linh hoạt với giao diện là các ô cửa và panel tường nhẹ có thể hoán đổi vị trí, cung cấp thêm nhiều phương án cấu trúc lại không gian bên trong theo nhu cầu sử dụng. Tuy nhiên đây mới là điều kiện cần, để các phương án tái cấu trúc không gian hợp lý về công năng, cần kết hợp với việc cung cấp thêm cho căn hộ 1 trục kỹ thuật tại vùng 3 (điều kiện đủ). (hình 8)
Đối với căn hộ tiêu chuẩn có một mặt thoáng (hình 8a), sau khi được cung cấp kết nối linh hoạt với tòa nhà và thêm một trục kỹ thuật, hình thành các phương án cơ cấu lại không gian bên trong như hình 8b, 8c, 8d. Kết nối giữa căn hộ với tòa nhà chuyển từ dạng cố định sang linh hoạt đồng nghĩa với việc mở ra nhiều phương án tái cấu trúc không gian căn hộ, chuyển đổi trạng thái căn hộ từ cố định sang căn hộ linh hoạt.
2. Trạng thái kết nối với môi trường
Một căn hộ kết nối với môi trường (không gian bên ngoài tòa nhà) thông qua giao diện là các ô cửa sổ, vách kính trên tường bao mặt ngoài căn hộ. Tại mặt giao diện kết nối, không gian bên trong nhà được kết nối, lưu thông với không gian bên ngoài nhà thông qua các ô cửa sổ, vách kính. Kết nối với môi trường rất quan trọng đối với nhà ở nói chung và căn hộ nói riêng vì nó cung cấp ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, không khí sạch…cũng như tầm nhìn ra cảnh quan không gian bên ngoài. Ở căn hộ tiêu chuẩn có một mặt thoáng, các không gian chung và riêng đều ưu tiên bố trí tiếp xúc trực tiếp với không gian môi trường bên ngoài, do đó cùng với các kết nối cố định khác như cửa đi (kết nối với tòa nhà) và trục kỹ thuật (kết nối với hệ thống kỹ thuật) đã hạn chế các khả năng cơ cấu lại các không gian trong căn hộ.
Trong căn hộ linh hoạt, sau khi được cung cấp thêm trục kỹ thuật và các vị trí lắp cửa đi căn hộ khác nhau, việc cung cấp thêm một mặt thoáng cho sơ đồ bố trí mặt bằng căn hộ có thể tạo ra các phương án bố trí lại không gian căn hộ linh hoạt. Đó là các các không gian được cấu trúc lại bằng cách hoán đổi vị trí, mở rộng, thu hẹp, giao thoa, hay tích hợp thêm các chức năng (hình 9).
Hình 9. Giao diện kết nối linh hoạt giữa căn hộ và môi trường cho phép cơ cấu lại không gian căn hộ theo các phương án khác nhau
Kết nối giữa không gian căn hộ với môi trường thông qua các ô vách kính, cửa sổ, lô gia mang tính cố định do các yếu tố này liên quan đến mặt đứng và kiến trúc tổng thể của tòa nhà. Đây là những kết nối cố định ảnh hưởng đến tính linh hoạt của không gian căn hộ. Cùng với việc cung cấp thêm cho căn hộ một diện kết nối với môi trường (thêm mặt thoáng), mặt đứng tổng thể của tòa nhà được tích hợp thêm các trạng thái khác nhau tương ứng với các thay đổi về vị trí, tỷ lệ đặc rỗng của cửa sổ, lô gia, vách kính căn hộ. Chuyển đổi trạng thái kết nối giữa không gian căn hộ và môi trường từ cố định sang linh hoạt là yếu tố quan trọng trong tái cấu trúc không gian căn hộ và liên quan đến định hướng kiến trúc mặt đứng tòa nhà. Đó là kiến trúc mặt đứng tòa nhà không cố định về tỷ lệ đặc rỗng giữa diện tường và kính, không cố định vị trí các lô gia căn hộ.
3. Kết nối với hệ thống kỹ thuật
Hệ thống kỹ thuật trong căn hộ gồm hệ thống cấp thoát nước bố trí trong các trục kỹ thuật chạy dọc theo chiều cao tòa nhà và hệ thống điện nhẹ, điện sinh hoạt bố trí trên trần. Ngoại trừ các đường ống cấp nước và đường cấp điện bố trí chìm tường còn có khả năng thay đổi các vị trí đầu chờ (cổng kết nối), giao diện kết nối của hệ thống ống thoát nước là các đầu chờ (cổng kết nối) trên mặt sàn đều là các kết nối cố định, không thay đổi được vị trí. Trong căn hộ, trục kỹ thuật khu vệ sinh và các cổng kết nối của hệ thống thoát nước là các yếu tố cố định và do đó kết nối giữa khu vệ sinh và trục kỹ thuật, kết nối giữa các thiết bị dùng nước và đầu chờ (cổng kết nối) hệ thống thoát nước cũng là kết nối cố định. Như vậy, do khu vệ sinh về cơ bản cũng được định vị cố định nên kết nối về mặt chức năng giữa phòng ngủ và khu vệ sinh cũng là kết nối cố định. Đây chính là yếu tố hạn chế khả năng cơ cấu lại cấu trúc linh căn hộ. Yếu tố then chốt trong bộ ba liên kết giữa trục kỹ thuật – khu vệ sinh – phòng ngủ chính là vị trí trục kỹ thuật và giao diện kết nối của hệ thống thoát nước. Khi bổ sung thêm kết nối (trục kỹ thuật) và chuyển đổi giao diện kết nối của hệ thống thoát nước từ cố định sang linh hoạt có thể tạo ra các phương án bố trí khu vệ sinh và phòng ngủ khác nhau cũng như tăng cường khả năng cơ cấu lại cấu trúc không gian căn hộ.
Trong thiết kế căn hộ chung cư hiện nay, các giao diện kết nối của hệ thống thoát nước chủ yếu nằm trên mặt sàn với hai phương án kết nối của hệ thống ống với trục kỹ thuật là treo nổi dưới sàn và lắp nổi trên sàn.
- Phương án treo dưới sàn khác tầng: Hệ thống ống thoát nước, cấp nước của khu vệ sinh được lắp đặt treo dưới sàn chịu lực của khu vệ sinh tầng trên và nằm trong trần kỹ thuật của khu vệ sinh tầng dưới (hình 10a). Đây là phương án dễ thi công và tiết kiệm chi phí nên hiện nay hầu hết các dự án nhà chung cư đều thi công lắp đặt theo phương án này. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, phương án này khó bảo trì, sửa chữa và không thay đổi được vị trí các cổng kết nối. Việc bảo trì, sửa chữa gặp nhiều khó khăn do hệ thống thoát nước của căn hộ này lại nằm trong không gian sử dụng riêng của căn hộ khác;
- Phương án đặt nổi trên mặt sàn cùng tầng: Hệ thống ống thoát nước, cấp nước của khu vệ sinh từ trục kỹ thuật được lắp đặt nổi trên mặt sàn cùng tầng. Khi đó ô sàn khu vệ sinh khi thi công phải hạ xuống mặt dưới của dầm với độ sâu từ 20-25cm so với cos nền. Các ống cấp thoát nước được đi nổi trên mặt sàn nên thi công tương đối thuận lợi. Tuy nhiên phương án này sẽ phát sinh thêm chi phí cho lớp vật liệu độn và sàn phụ đổ bù lên phía trên. Vì toàn bộ hệ thống ống nằm chìm trong nền khu vệ sinh của căn hộ nên khi chuyển đổi, sửa chữa, thay đổi các cổng kết nối thi công sẽ phức tạp, phát sinh nhiều chi phí và việc thay đổi vị trí lắp đặt thiết bị sẽ không hiệu quả vì biên độ di chuyển các cổng kết nối nhỏ (hình 10b).
Phân tích các phương án thi công hệ thống thoát nước khu vệ sinh căn hộ
Nhìn từ quan điểm thiết kế, phương án treo hệ thống ống cấp thoát nước dưới sàn và phương án lắp nổi hệ thống ống cấp thoát nước trên mặt sàn không thích ứng với thiết kế không gian linh hoạt.
Phương án lắp ngoài tường cùng tầng: Hệ thống ống thoát nước, cấp nước của khu vệ sinh từ trục đứng được lắp đặt nổi ngoài mặt tường cùng tầng. Các cổng kết nối cấp thoát nước như đầu chờ thoát nước bồn cầu, thoát sàn, thoát nước chậu rửa, đầu chờ cấp nước đều bố trí trên tường cùng tầng nên thi công thuận lợi. Sàn khu vệ sinh không cần hạ cốt nên chiều cao sử dụng của không gian tối ưu hơn. Toàn bộ hệ thống ống cấp thoát nước đều thuộc không gian sử dụng riêng của mỗi căn hộ nên không có tranh chấp về pháp lý. Việc sửa chữa, cải tạo cho đến thay đổi vị trí các cổng kết nối cấp thoát nước đều thuận lợi, biên độ dịch chuyển lớn phù hợp với các phương án tái cấu trúc không gian căn hộ (hình 11.12).
Vị trí các cổng kết nối thoát nước cho các thiết bị có thể dịch chuyển nên các khu vệ sinh có thể bố trí ở các vị trí mới cách xa trục kỹ thuật. Như vậy, với việc cấp thêm trục kỹ thuật và các phương án dịch chuyển linh hoạt cổng kết nối thoát nước trên tường, khu vệ sinh và phòng ngủ trong bộ ba liên kết trục kỹ thuật – khu vệ sinh – phòng ngủ có thể chuyển dịch đến các vị trí mới xa trục kỹ thuật, mở ra nhiều khả năng tái cấu trúc không gian căn hộ. Kết hợp các trạng thái kết nối linh hoạt với tòa nhà (thay đổi vị trí mở cửa căn hộ), với môi trường (tăng cường thêm mặt thoáng của căn hộ), với hệ thống kỹ thuật (cổng kết nối chuyển từ sàn lên tường) cung cấp thêm nhiều phương án linh hoạt cơ cấu lại cấu trúc không gian căn hộ (hình 13).
4. Trạng thái kết nối với không gian chức năng khác trong căn hộ
Trong căn hộ tiêu chuẩn, các kết nối chức năng giữa các không gian thông qua giao diện là các khoảng mở, ô cửa gắn trên tường cố định do đó khả năng linh hoạt thay đổi, mở rộng, thu hẹp các không gian bị hạn chế. Trong căn hộ linh hoạt, các giao diện kết nối cố định được thay thế bằng các giao diện kết nối linh hoạt. Thông qua các giải pháp kỹ thuật, công nghệ như vách tường nhẹ di động, vách tường xếp, trượt, xoay để tạo ra các khoảng mở, ô cửa có thể mở rộng một phần hoặc toàn phần, thực hiện tách hoặc nhập các không gian, chuyển đổi chức năng sử dụng giữa các không gian theo nhu cầu sử dụng. Tách một phần không gian mở, sử dụng chung thành không gian đa chức năng kết hợp nhiều chức năng như bếp-ăn-ngủ-làm việc, hoặc sinh hoạt-ngủ-làm việc. Nhập các không gian riêng tư (phòng ngủ) vào không gian sinh hoạt chung (phòng ăn, phòng sinh hoạt), hoặc nhập hai phòng ngủ thành một phòng ngủ lớn (hình 14).
Sử dụng các kết nối linh hoạt cho liên kết giữa tường, vách và trần, sàn như panel cửa xếp trượt, mô đun tủ ngăn phòng di động có thể xoay, trượt là giải pháp để tách nhập, chuyển đổi chức năng sử dụng giữa các không gian (hình 15).
Kết luận
Chiến lược thiết kế căn hộ linh hoạt là nghiên cứu mang tính tổng thể trong giai đoạn thiết kế để đạt được mục tiêu “Căn hộ linh hoạt”, trong đó “Khả năng thích ứng” và “Tính linh hoạt” là hai yếu tố quan trọng. Trên góc độ định tính, đó chính là thiết kế không gian đa năng, linh hoạt nhiều chức năng sử dụng (khả năng thích ứng) và Thiết kế không gian linh hoạt tích hợp các khả năng cấu trúc lại không gian (tính linh hoạt). Chiến lược thiết kế bao gồm các nghiên cứu tổng thể ở phạm vi tòa nhà và căn hộ để xác định bản chất của các mối liên kết giữa không gian căn hộ với tòa nhà, với môi trường, với hệ thống kỹ thuật và liên kết nội tại giữa các không gian chức năng trong căn hộ. Đó chính là các kết nối tương ứng mà trong thiết kế chung cư phổ biến, là các kết nối mang tính cố định. Do đó các không gian trong căn hộ không có khả năng tái cấu trúc trong vòng đời sử dụng và căn hộ không có tính linh hoạt. Để cung cấp khả năng thích ứng và tính linh hoạt cho căn hộ, cần chuyển hóa các kết nối cố định đó thành các kết nối linh hoạt với các giao diện phù hợp.
Trong phạm vi tòa nhà, các yếu tố cần được nghiên cứu, đáp ứng cho chiến lược thiết kế căn hộ linh hoạt bao gồm:
- Tường bao phân định không gian giữa căn hộ và tòa nhà là các panel có thể tháo lắp linh hoạt để dịch chuyển vị trí cửa ra vào căn hộ theo các phương án khác nhau;
- Tăng thêm mặt thoáng của căn hộ;
- Hình dáng mặt bằng căn hộ vuông vắn để tạo các không gian liên thông;
- Bổ sung thêm trục kỹ thuật của căn hộ để đảm bảo mỗi tường biên đều có trục kỹ thuật;
- Mặt đứng tổng thể của tòa nhà cần được cài đặt nhiều trạng thái khác nhau. Cửa sổ, vách kính, lô gia căn hộ lắp các panel kính trượt để có thể thay đổi vị trí linh hoạt;
Trong phạm vi căn hộ, các yếu tố cần được nghiên cứu, đáp ứng cho chiến lược thiết kế căn hộ linh hoạt bao gồm:
- Chuyển đổi giao diện kết nối thoát nước (cổng thoát nước) từ sàn lên tường;
- Sử dụng các panel tường, vách ngăn chia không gian bằng vật liệu nhẹ, tháo lắp, dịch chuyển linh hoạt;
- Sử dụng các kết nối linh hoạt cho liên kết giữa tường, vách và trần sàn.
Trong nhà ở nói chung và căn hộ chung cư nói riêng, tính linh hoạt bị hạn chế bới các kết nối cố định của không gian trong và ngoài nhà cũng như các hạn chế trong định hướng thiết kế mặt bằng, giải pháp kết cấu và hệ thống kỹ thuật. Giải phóng các kết nối cố định và thay thế bằng nhiều lựa chọn kết nối linh hoạt có thể tạo ra nhiều cách bố trí cơ cấu không gian khác nhau cho căn hộ trong suốt quá trình sử dụng. Kết hợp với các nguyên tắc thiết kế không gian đa năng, sử dụng hệ tường vách, mô đun nội thất nhẹ, di động có thể tạo ra căn hộ tích hợp được hai yếu tố: Khả năng thích ứng và tính linh hoạt.
KTS Nguyễn Như Hoàng
Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 5-2024)
Tài liệu tham khảo
1/ Groák, Steven, The idea of building: thought and action in the design and production of buildings. 1992: E & FN Spon, London Schneider,
2/ Hassan Estaji, A Review of Flexibility and Adaptability in Housing Design. 2017: International Journal of Contemporary Architecture “The New ARC”.
3/ https://ift.tt/qBLCleX
4/ Martín Hernández, Manuel. House and architecture modern. 2014: Barcelona: Reverté
5/ Paula Femenias, Faustine Geromel, Adaptable housing? A quantitative study of contemporary apartment layouts that have been rearranged by end users. 2018: Published online
6/ Guopeng Li, Zhubin Li, Yanbing Li, Open building as a design method for adaptability in Chinese public housing. 2019: World Journal of Engineering and Technology
7/ Young-Ju Kim, A Design Strategy for Flexible Space, 2008: Massachusetts Institute of Technology.
8/ Wan-Ju Liao, Cheng-Li Cheng, Chao-Jung Lee, Study on the Bathroom Space and the Application of Same-Floor Drainage in Congregate Housing. 2021: Water
9/ Tatjana Schneider & Jeremy Till, Flexible Housing. 2007: Taylor & Francis.
10/ Željko Jakšić, Milan Trivunić, Aleksey Adamtsevich, Flexibility and adaptability – key elements of end-user participation in living space designing. 2017: MATEC Web of Conferences.
11/ Jie Huang, Jingmin Zhou, Song Gao, Xiao Liu, Exploring the Renovation Status and Flexible Strategies of Urban Housing in China Based on Two Surveys of Residents and Architects. 2022: Buildings.
12/ https://ift.tt/2ViUj91
Nhận xét