Khi biết chủ động khai thác hiệu quả kì diệu của ánh sáng với cường độ thích hợp, sẽ mang lại giá trị thẩm mỹ cao cho không gian nội thất. Nhưng bằng cách nào để mang ánh sáng nghệ thuật ấy vào môi trường sống thật khéo léo và tinh tế? Vật liệu xuyên sáng sẽ là giải pháp hữu hiệu, là cầu nối để tạo lập không gian nội thất thẩm mỹ và mang nhiều cảm hứng tích cực. Hãy cùng khám phá một số loại vật liệu xuyên sáng đang được ưu chuộng bởi sự độc đáo, hiện đại và ấn tượng hiện nay.

Đá xuyên sáng

Là loại đá nhân tạo có khả năng xuyên sáng, khuyếch tán ánh sáng, “biến hoá” đa dạng về màu sắc và hoa văn, giúp không gian nơi chúng hiện diện luôn nổi bật và tỏa sáng. Loại đá độc đáo này thường được chế tạo từ hỗn hợp gồm khoáng đá tự nhiên, alumina trihydrat, kết hợp với chất kết dính là nhựa resin – một loại nhựa nhân tạo tổng hợp có gốc acrylic hoặc polyester, phối trộn cùng chất tạo màu và một số phụ gia. Quá trình sản xuất đá hiện đại với công nghệ rung ép trong chân không, nên đá có kết cấu ổn định và độ bền cao. Bề mặt đá láng mịn nên dễ lau chùi, đá không thấm nước, chống ố bẩn tốt và có khả năng bền hóa cao. Khi kết hợp với đèn led được bố trí chiếu sau tấm đá, sẽ cho ánh đèn mờ ảo xuyên thấu, làm nổi bật hoa văn và đường vân, tạo hiệu ứng ánh sáng lung linh, huyền ảo với độ sáng có thể chủ động điều chỉnh được.

Không gian thật ấm áp và đẳng cấp với đá xuyên sáng
Không gian thật ấm áp và đẳng cấp với đá xuyên sáng
Bậc thang mang đậm “chất” riêng với đá xuyên sáng
Bậc thang mang đậm “chất” riêng với đá xuyên sáng

Mặt khác, đá xuyên sáng còn có những tính năng vượt trội mà các vật liệu khác khó có thể đáp ứng được. Đó là khả năng uốn cong khi gia nhiệt, có thể chà nhám các góc cạnh và dán ghép lại với nhau bằng keo dán để tạo bề mặt liền mạch không vết nối, có thể khảm và phun xăm trang trí trên bề mặt.

Không gian quầy bar và phòng tắm với đá xuyên sáng

Nhưng cần lưu ý tránh sử dụng đá ở môi trường có tia UV và nhiệt độ cao, vì đá sẽ bị biến đổi về màu sắc, biến dạng và có thể nứt vỡ. Nếu dùng đá cho các mặt phẳng ngang lớn thì cần có vật liệu gia cường và hỗ trợ. Và khi sử dụng, không nên có bất cứ tác động nào lên đá khi đang ở nhiệt độ trên 800C.

Trần căng xuyên sáng

Cấu tạo của trần bao gồm tấm màng căng, khung xương tạo hình kết hợp với hệ thống đèn chiếu sáng. Tấm màng thường được làm từ nhựa tổng hợp với hơn 70% nhựa PVC, 20% nhựa vinyl và 10% các chất phụ gia đặc biệt khác. Tấm rất đa dạng về màu sắc, có độ dày từ 0,15mm đến 0,3mm nên rất nhẹ. Mức độ truyền sáng qua tấm từ 40% đến 90% tùy theo ý muốn của người thiết kế. Tấm màng luôn được duy trì độ căng ổn định, có khả năng đàn hồi, chống cháy lan, không bị ảnh hưởng bởi độ ẩm và có khả năng tái chế. Tuy nhiên, tấm màng có thể bị thủng và rách nếu bị tác động bởi các vật sắc nhọn.

Hệ khung xương làm bằng vật liệu nhôm, được nẹp viền theo chu vi giúp giữ cố định và căng tấm màng. Hệ khung này được thiết kế linh hoạt và có thể tạo hình cho trần, biến hóa từ những hình cong, tròn đơn giản đến những kiểu lượn sóng 3D, … Hệ thống đèn chiếu sáng được lắp đặt ở phần trên của trần nhà, có thể là đèn led, đèn neon hay downlight, giúp khuyếch tán ánh sáng đều và không gây chói mắt. Trần có thể biến đổi màu từ ánh sáng đơn sắc đến chế độ đa sắc được lập trình riêng, tạo hiệu ứng ánh sáng chuyển động nhịp nhàng và ấn tượng cho trần.

Không gian sảnh ở Vinpearl Nha Trang “tràn ngập” ánh sáng với trần xuyên sáng
Không gian sảnh ở Vinpearl Nha Trang “tràn ngập” ánh sáng với trần xuyên sáng
Sảnh chờ khách sạn Art Rotana với trần xuyên sáng 3D mang phong cách kiến trúc Ả Rập
Sảnh chờ khách sạn Art Rotana với trần xuyên sáng 3D mang phong cách kiến trúc Ả Rập

Tấm resin xuyên sáng

Được chế tạo từ thành phần chính là nhựa resin, tấm có độ cứng và khả năng chịu lực khá cao. Ưu điểm vượt trội của tấm vật liệu này là có tính truyền sáng, dễ tạo hình, không bị mối mọt như gỗ và không bị vỡ thành những mảnh sắc nhọn như kính nên giảm thiểu nguy cơ gây nguy hiểm. Tấm tiêu chuẩn thường có dạng phẳng, độ dày từ 6mm đến 20mm và kích thước thông dụng là 1220x2440mm.

Sự đa dạng về màu sắc và kiểu dáng của tấm xuyên sáng
Sự đa dạng về màu sắc và kiểu dáng của tấm xuyên sáng

Tấm resin xuyên sáng vừa nhẹ vừa có khả năng chống va đập tốt hơn kính nên là vật liệu lý tưởng để thay thế kính. Chúng có thể biến hóa với nhiều hình dáng uốn lượn độc đáo cùng sự chuyển màu đầy ấn tượng. Có thể nói, đây là loại vật liệu linh hoạt về màu sắc, bề mặt và cả kiểu dáng, … Từ bề mặt trơn bóng, mờ, nhám đến chống lóa; từ màu đơn sắc, đa sắc đến loại được tạo hình gồ ghề theo kiểu điêu khắc bề mặt (texture), … tất cả đều không có giới hạn nhất định với tấm vật liệu này.

Tấm trang trí nghệ thuật và vách ngăn mờ ảo với tấm xuyên sáng

Tấm resin xuyên sáng với lớp lõi trang trí

Tấm vật liệu này cũng giống như tấm resin xuyên sáng, nhưng có lớp lõi khá đặc biệt ở giữa và được phủ bên ngoài bởi 2 lớp nhựa resin. Lớp lõi chính là yếu tố tạo nét độc đáo, có thể là lõi thực vật, lõi kim loại, vải dệt, tơ lụa hay lõi giấy, … Lớp lõi thực vật có thể là những cây bông lúa xanh, những bông hoa lau nhuộm sắc đỏ hay những chiếc lá màu vàng ươm, … nhưng cần phải qua công nghệ xử lý ướp khô. Lớp lõi sợi kim loại hay họa tiết trang trí bằng kim loại sẽ làm cho tấm có ánh kim độc đáo và tạo hiệu ứng pha lê lấp lánh. Lớp resin bề mặt có thể là mặt cát (sandstone) hoặc mặt mịn mờ (matte), … để tạo hiệu ứng mờ ảo.

Tấm resin xuyên sáng với lớp lõi thực vật, vải dệt và lõi kim loại
Tấm resin xuyên sáng với lớp lõi thực vật, vải dệt và lõi kim loại

Tấm resin xuyên sáng với họa tiết trang trí tạo cảm giác rất “thiên nhiên”

Bêtông xuyên sáng

Là loại bêtông được chế tạo bằng cách trộn theo thể tích từ 4% đến 5% sợi quang dẫn sáng (optical fiber) với hỗn hợp bêtông mịn. Các sợi quang có kích thước nhỏ được trải thẳng hoặc trộn lẫn với bêtông, đường kính sợi thay đổi tùy theo yêu cầu về độ truyền dẫn ánh sáng. Ánh sáng tự nhiên hoặc nhân tạo có thể được truyền qua phần lõi của sợi quang và tạo ra các hiệu ứng mờ ảo đẹp mắt. Bêtông này có tính thẩm mỹ cao, trọng lượng nhẹ, khả năng chịu lực tốt và có thể tận dụng ánh sáng mặt trời làm nguồn sáng nên giảm chi phí sử dụng điện năng rất đáng kể.

Bêtông xuyên sáng trong không gian nội thất
Bêtông xuyên sáng trong không gian nội thất

Gạch kính xuyên sáng

Là một khối thủy tinh trong suốt hoặc trong mờ nên ứng dụng rất hiệu quả cho không gian cần dẫn sáng. Ánh sáng xuyên qua gạch kính rất dịu nhẹ nên tạo điểm nhấn thanh thoát và lung linh. Kích thước thông thường của một viên gạch kính là 195195100mm. Ở bên trong chúng thường là một khoảng chân không với áp suất thấp nên gạch kính có khả năng cách âm và cách nhiệt tốt. Gạch có độ bền cao và chịu được những tác động từ môi trường với cường độ chịu nén lên đến 7MPa.
Gạch kính có nhiều mẫu mã đa dạng, từ loại trắng trơn, có họa tiết, hoa văn như vân mây, bọt nước, kim cương, … đến các loại có màu sắc tươi sáng. Điều này giúp gạch kính dễ dàng đáp ứng mọi yêu cầu thiết kế, mang lại vẻ đẹp nhã nhặn, hiện đại nhưng cũng rất phong cách.

 

Sự đa dạng về màu sắc và hoa văn của gạch kính
Sự đa dạng về màu sắc và hoa văn của gạch kính

Với những tính năng đặc biệt như không bị thấm nước, ẩm mốc và chống bám dính tốt nên gạch rất dễ vệ sinh lau chùi. Không những thế, gạch kính còn chịu được sự ăn mòn của hóa chất nên dùng thích hợp cho khu vực nhà bếp, nhà vệ sinh và làm vách ngăn lấy sáng ở mọi không gian nội thất.
Tuy nhiên, nếu lắp đặt ở các vị trí thường xuyên bị va chạm thì gạch kính sẽ dễ bị vỡ góc và nứt cạnh. Khi thi công cần lưu ý, thợ phải có tay nghề cao thì mới đảm bảo tính chính xác và thẩm mỹ.

Vách ngăn uyển chuyển và thanh thoát với gạch kính
Vách ngăn uyển chuyển và thanh thoát với gạch kính
Phòng tắm trang nhã với gạch kính trong mờ
Phòng tắm trang nhã với gạch kính trong mờ

Không chỉ tạo điểm nhấn độc đáo cho không gian nội thất, vật liệu xuyên sáng còn giúp tối ưu hóa nguồn sáng và tiết kiệm năng lượng. Có thể nói, vật liệu xuyên sáng là quà tặng của ánh sáng, là giải pháp hiệu quả cho không gian cần dẫn sáng mà vẫn đảm bảo không gian riêng tư, góp phần điểm tô cho không gian nội thất thêm sức hút diệu kì và vô cùng đẳng cấp.

ThS. Nguyễn Thanh Bảo Nghi – Trường ĐH Kiến trúc TP. HCM
© Tạp chí Kiến trúc

Bài viết tham khảo hình ảnh và nội dung từ các website: vatlieutrangtrivn.com, trendviet.vn, barrisol.vn, zegal.vn, betongnghethuat.org, daxuyensang.com, …