Sáng ngày 18/9/2024, dưới sự bảo trợ của Bộ Xây dựng, Trường ĐH Xây dựng Hà Nội phối hợp với Trung tâm Bảo tồn năng lượng Nhật Bản (ECCJ) đã tổ chức Hội thảo “Chia sẻ Kinh nghiệm của Nhật Bản và Châu Âu trong Xác định định mức năng lượng cho Công trình NET ZERO” theo hình thức hybrid tại trường ĐHXD Hà Nội.

Tham dự hội thảo, về phía Bộ Xây dựng có PGS.TS Vũ Ngọc Anh – Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và môi trường; về phía Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) có Ông Masaki Kamiura, Phó Giám đốc Ban Quan hệ quốc tế, Cục Tài nguyên thiên nhiên và Năng lượng cùng các lãnh đạo đại diện nhiều cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Hội thảo hướng đến các kỹ thuật triển khai nội dung của “Kế hoạch hành động của ngành Xây dựng ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26”. Các nội dung chia sẻ tại Hội thảo tạo điều kiện trao đổi kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn về phát triển các Công trình cân bằng năng lượng, Công trình trung hòa carbon (gọi chung là Công trình Net Zero), giúp tăng cường năng lực và phát triển cộng đồng thực hành xanh trong ngành kiến trúc – xây dựng của Việt Nam.

Các Đại biểu và khách mời chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo
Các Đại biểu và khách mời chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Vũ Ngọc Anh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng các định mức năng lượng để hỗ trợ ngành xây dựng trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu. Ông cũng cho biết Bộ Xây dựng đang thực hiện nhiều chương trình nhằm giảm thiểu khí thải trong lĩnh vực xây dựng và cũng mong muốn học hỏi kinh nghiệm từ chuyên gia các nước: “Thông qua Hội thảo này, chúng ta rất muốn lắng nghe những kinh nghiệm thực tiễn từ các chuyên gia đến từ Nhật Bản, Trung tâm tiết kiệm năng lượng Nhật Bản (ECCJ) và Vương quốc Anh, về việc xác định định mức năng lượng cho các dạng công trình, đặc biệt là các công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng hướng tới Net Zero. Từ đó, các chuyên gia và các nhà quản lý có thể cùng trao đổi và áp dụng vào việc xây dựng các chính sách trong điều kiện thực tế tại Việt Nam”.

Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ xây dựng, PGS.TS Vũ Ngọc Anh phát biểu khai mạc hội thảo
Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ xây dựng, PGS.TS Vũ Ngọc Anh phát biểu khai mạc hội thảo

Mở đầu phiên trình bày, TS. Yoshitaka Ushio – Cố vấn cao cấp, Trung tâm Bảo tồn năng lượng Nhật Bản (ECCJ) đã giới thiệu các phương pháp và kỹ thuật cụ thể, chi tiết về “Xác định định mức cho công trình cân bằng năng lượng ở Nhật Bản”. Theo ông Ushio, cần phải xây dựng định mức năng lượng theo từng thể loại công trình và theo các vùng khí hậu khác nhau để quy định phải áp dụng trong thiết kế công trình HQNL, sau đó là định mức sử năng lượng cho từng thể loại công trình đã được đưa vào vận hành, không phân chia theo vùng khí hậu. Bên cạnh đó, ngoài việc xác định các giá trị tiêu chuẩn trong phát triển hệ thống định mức, điều không kém phần quan trọng là làm thế nào để triển khai được chúng thông qua các chính sách thúc đẩy HQNL trong lĩnh vực xây dựng.

TS. Yoshitaka Ushio – Cố vấn cao cấp, Trung tâm Bảo tồn năng lượng Nhật Bản (ECCJ) trình bày tại Hội thảo
TS. Yoshitaka Ushio – Cố vấn cao cấp, Trung tâm Bảo tồn năng lượng Nhật Bản (ECCJ) trình bày tại Hội thảo

Trong mục tiêu hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, bài tham luận “Giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực xây dựng và tòa nhà, hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050” từ ThS. Lưu Linh Hương, đại diện Bộ xây dựng đã cung cấp số liệu mục tiêu Ngành xây dựng giảm tối thiểu 74,3 triệu tấn CO2tđ (theo NDC 2020 và NĐ 06/2022/NĐ-CP) từ các quá trình công nghiệp trong sản xuất xi măng và tiêu thụ năng lượng trong tòa nhà. Dự thảo “Thông tư hướng dẫn quy trình, quy định kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ngành xây dựng” cũng đã được bà Linh Hương giới thiệu trong bài tham luận.

ThS. Lưu Linh Hương, Chuyên viên chính Vụ Khoa học công nghệ và môi trường trình bày tại Hội thảo
ThS. Lưu Linh Hương, Chuyên viên chính Vụ Khoa học công nghệ và môi trường trình bày tại Hội thảo

Trong bài tham luận “Hệ thống Điều hòa không khí tiết kiệm điện và vì sức khỏe – giải pháp hướng tới Trung hòa Carbon cho thị trường ASEAN”, Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc cấp cao của Daikin Air Conditioning Việt Nam đã giới thiệu về dự án nghiên cứu thực nghiệm giải pháp ĐHKK tiết kiệm năng lượng và đảm bảo tiện nghi nhiệt, sức khỏe của người sử dụng, hướng tới mục tiêu giảm 50-60% mức năng lượng tiêu thụ, đã được áp dụng đối với các tòa nhà ZEB tại Thái Lan và Văn phòng Daikin ở Tp HCM.

Theo PGS. Hải Hà đại diện nhóm chuyên gia từ trường ĐH Xây dựng Hà Nội, trường Điện – Điện tử, ĐH Bách Khoa Hà Nội và Hội Môi trường xây dựng Việt Nam tổng kết trong tham luận “Hiện trạng các nghiên cứu về mức tiêu thụ năng lượng riêng (SEC) cho công trình dân dụng tại Việt Nam”, cần có một nghiên cứu tổng hợp, đánh giá phân tích và kế thừa kết quả từ các dự án được UNDP, USAID, IFC tài trợ để hỗ trợ Bộ Xây dựng ban hành định mức năng lượng tòa nhà và tạo ra căn cứ cụ thể về chính sách để đạt được các mốc trên con đường đạt mục tiêu Net Zero của ngành xây dựng hướng tới Net Zero 2050.

Bài học kinh nghiệm từ Vương quốc Anh và các nước Châu Âu, nơi có nhiều nỗ lực đóng góp trong thực hiện khung tiêu chuẩn, pháp lý và thực hành công trình Net Zero được trình bày trong tham luận “Xác định định mức cho Công trình trung hòa carbon ở Vương quốc Anh và Châu Âu”. Các chuyên gia của trường ĐH Wolverhampton đã giới thiệu các Khung quy định và tiêu chuẩn tại Vương quốc Anh và EU.

Trong phiên thảo luận, các đại biểu online và offline đã trao đổi các vấn đề phát triển công trình xanh, công trình Net Zero, tiêu chuẩn vi khí hậu (tiện nghi nhiệt), áp dụng các bài học kinh nghiệm của Nhật Bản và châu Âu cho nghiên cứu định hướng ban hành SEC và định mức năng lượng cho nhà dân dụng tại Việt Nam.

Kết thúc hội thảo, các chuyên gia và khách mời đã cung cấp rất nhiều thông tin hữu ích cho mục tiêu hành động, hoàn thiện cơ sở pháp lý theo lộ trình phát thải ròng bằng không vào 2050 mà ngành Xây dựng đặt ra.

Nghiên Dương – TCKT.VN
© Tạp chí Kiến trúc