Tóm tắt

Trong những năm gần đây, quá trình đô thị hóa đã và đang diễn ra tại hầu hết các tỉnh thành ở Việt Nam, điển hình là tại các thành phố (TP) lớn, nơi chứa đựng nhiều Di sản quý giá. Công cuộc hiện đại hóa đô thị vừa mang tới những thay đổi tích cực, vừa chứa đựng không ít những nguy cơ, trong đó, nhóm Di sản đô thị là các đối tượng rất dễ bị “tổn thương” trong các kế hoạch phát triển mới. Để các Di sản trong đô thị được gìn giữ lâu dài, nhiệm vụ Bảo tồn Di sản cần phải được kết nối chặt chẽ với các khía cạnh quan trọng của công tác quản trị đô thị hiện đại.

Bài viết này được thực hiện nhằm luận bàn về công tác Quản trị đô thị hiện đại tại Việt Nam, trong đó, đặc biệt nhấn mạnh việc Bảo tồn Di sản là nhiệm vụ không thể tách rời trong quá trình thực hiện công tác Quản trị đô thị hiện nay; góp phần hướng tới mục tiêu phát triển đô thị bền vững trong tương lai.

Giới thiệu chung

Quản trị đô thị và bảo tồn di sản đô thị là các công tác rất quan trọng trong lĩnh vực phát triển đô thị không chỉ ở Việt Nam, mà ở nhiều nước trên thế giới. Trong bối cảnh hầu hết các đô thị trên thế giới đang phải đối mặt với nhiều vấn đề rất đáng lo ngại như: Sự biến đổi khí hậu, sự gia tăng dân số đô thị, sự thiếu hụt năng lượng,… dẫn tới sự xuống cấp của hạ tầng đô thị trong nhiều khu đô thị lịch sử, sự mất cân bằng trong cấu trúc đô thị, tác động tiêu cực tới chất lượng sống và nhu cầu hưởng thụ tinh thần của con người trong các TP, nhất là ở các nước đang phát triển ở Châu Á như Việt Nam. Quản trị đô thị và bảo tồn di sản đô thị trong thực tế là mối quan hệ tương quan và tương hỗ, vì cả hai đều liên quan đến việc duy trì và phát triển các TP và khu vực đô thị một cách bền vững. Quản trị đô thị giúp bảo đảm việc cung cấp cơ sở hạ tầng đô thị và thực thi chính sách hỗ trợ cho việc bảo tồn di sản, trong khi bảo tồn di sản đô thị đóng góp vào việc gìn giữ các không gian đô thị đặc trưng với các giá trị văn hóa và lịch sử phong phú. Sự kết hợp giữa quản trị đô thị và bảo tồn di sản đô thị là điều kiện cần thiết để kiến tạo nên các TP bền vững và có sức hút, đồng thời tôn vinh và bảo tồn các giá trị văn hóa và lịch sử đặc trưng.

Discussion on urban governance and heritage conservation in Vietnam now

In recent years, the process of urbanization has been taking place in most provinces and cities in Vietnam, typically in large cities, which contain many valuable heritages. In order to achieve sustainable urban development goals, the tasks of Urban Governance require effective and proper interdisciplinary coordination. The process of urban modernization not only brings positive changes but also contains many risks, in which the Urban Heritage group is very vulnerable in new development plans. In order to protect urban heritage for a long time, the task of Heritage Conservation needs to be intimately connected with important aspects of modern urban governance.
This paper aims to discuss modern urban governance in Vietnam, with special emphasis on Heritage Conservation as an inseparable task in the process of implementing urban governance today.
Keywords: Urban governance, Heritage conservation,…

Quản trị đô thị

Liên hiệp quốc định nghĩa: “Quản trị là quá trình ra quyết định và quá trình thực hiện các quyết định. Trong đó, các cơ quan chính phủ, công dân và các doanh nghiệp cùng nhau tương tác để đưa ra quyết định nhằm mục tiêu làm cho xã hội và đất nước tốt đẹp hơn” [1]

Vậy thì Quản trị đô thị cụ thể là gì? – Chúng ta có thể hiểu một cách logic rằng, quản trị đô thị là quá trình quản lý, tổ chức và điều hành các hoạt động liên quan đến sự phát triển của một TP, hay thậm chí cả một vùng đô thị (các hoạt động cụ thể như quy hoạch đô thị, phát triển cơ sở hạ tầng, cung cấp dịch vụ, quản lý môi trường và phúc lợi xã hội…). Quá trình này bao gồm việc xây dựng các kế hoạch và thực hiện các chính sách chiến lược, để đáp ứng nhu cầu của cư dân đô thị, bảo vệ môi trường, và đảm bảo sự phát triển bền vững của đô thị. Tất nhiên, để các hoạt động của quản trị đô thị đạt hiệu quả, thì sự tương tác đa ngành giữa các cơ quan chính quyền đô thị với cộng đồng người dân và các doanh nghiệp là điều vô cùng quan trọng và cần thiết.

Theo dữ liệu nghiên cứu của World Bank, hiện nay, hơn 1 nửa dân số (56%, 2023) đang sống trong các đô thị, tới 2050, con số này sẽ đạt khoảng 66%. Áp lực dân số đô thị tăng nhanh cùng tốc độ đô thị hóa, sự phát triển kinh tế và khoa học công nghệ…đương nhiên đã, đang và sẽ khiến cho hệ thống hạ tầng đô thị hiện tại dễ bị quá tải và hệ thống quản trị đô thị truyền thống sớm bị lỗi thời so với đòi hỏi của xu thế phát triển đô thị hiện đại. Chúng ta đều hiểu rằng: Những áp lực đô thị tác động tới tính ổn định chính trị của mỗi đô thị (sự mất cân bằng năng lượng, giảm chất lượng nước hoặc không khí, sự quá tải của hệ thống giao thông hoặc hệ thống giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe…đều có thể là nguyên nhân tác động tới sự ổn định xã hội, an ninh đô thị). Vì vậy, việc chú trọng công tác Quản trị đô thị là điều rất cần thiết và tất yếu.

Quản trị đô thị hiệu quả sẽ là chìa khóa để giải quyết những thách thức mà các đô thị đang đối mặt hiện nay, để tạo nên một môi trường sống tốt đẹp hơn cho con người trong đô thị. Đối với quản trị đô thị, việc đảm bảo cân bằng giữa phát triển kinh tế, ổn định xã hội và bảo vệ môi trường là yêu cầu cần phải đặt ra và luôn được xem như là kim chỉ nam cho mọi quyết định trong quản trị đô thị. Khi chất lượng quản trị đô thị nâng lên, chất lượng sống trong đô thị của cư dân sẽ được cải thiện rõ rệt. Bất cứ chính phủ nào cũng đều coi trọng sự ổn định chính trị và xã hội; quản trị đô thị tốt sẽ là điều kiện cơ bản để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững cho đất nước.

Bảo tồn di sản Đô thị

Bảo tồn di sản đô thị không ngoài mục tiêu gìn giữ, bảo vệ các công trình kiến trúc cổ, các khu phố cổ trong đô thị, các không gian đô thị nơi chứa đựng những di sản đô thị quý giá, và những hoạt động văn hóa của con người qua quá trình phát triển đô thị lâu dài. TS. KTS Nguyễn Quốc Tuân từng nhấn mạnh: “Di sản đô thị là di sản văn hóa có qui mô lớn nhất trong mọi loại hình di sản mà con người kiến tạo được trong lịch sử tiến hóa của nhân loại. Di sản đô thị khác biệt, với tính nhị nguyên: Vừa là sản phẩm của sáng tạo từ văn hóa loài người, vừa là môi trường bao chứa tất cả những hoạt động văn hóa ấy”.[2].

Trong bối cảnh của sự phát triển đô thị nhanh chóng, ở nhiều TP, dưới áp lực đô thị hóa, nhiều di sản đô thị đã phải đối diện với những nguy cơ như bị biến đổi thậm chí “biến mất”, mà không lường trước. Bảo tồn di sản đô thị sẽ giữ gìn được vẻ đẹp của kiến trúc – đô thị, các giá trị lịch sử và văn hóa, giúp lưu giữ những nét độc đáo, đặc thù đô thị riêng biệt, bảo đảm sự nổi trội của những giá trị hữu hình và vô hình của khu vực đô thị đó, tăng tính hấp dẫn của đô thị đối với cư dân và du khách, thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội thông qua các hoạt động kinh tế và du lịch. Đồng thời, việc bảo tồn di sản đô thị cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì bản sắc văn hóa của một cộng đồng và tạo nên một môi trường sống có chất lượng cao cả về vật chất và tinh thần. GS. Hoàng Đạo Kính khẳng định: “Các di sản kiến trúc có giá trị văn hóa và lịch sử là tài sản của đô thị. Bảo tồn và phát huy được “dĩ vãng vật chất và tinh thần” của mình, đô thị có thể duy trì, củng cố và giữ được diện mạo, tâm hồn, bản sắc riêng”. [3]

Rõ ràng, quản trị đô thị và bảo tồn di sản là hai khía cạnh không thể thiếu trong việc phát triển hướng tới mục tiêu bền vững của các TP và các khu vực đô thị. Sự kết hợp hiệu quả giữa quản trị đô thị hiện đại và bảo tồn di sản chắc chắn sẽ tạo ra một môi trường sống thật sự chất lượng, đa dạng, phong phú và bền vững cho các cư dân trong các đô thị, nhất là ở các đô thị lịch sử.

Quản trị đô thị và sự ảnh hưởng của công tác này tới bảo tồn di sản đô thi trong bói cảnh Việt Nam

Sau 35 năm đổi mới, quá trình đô thị hóa tại Việt Nam đã diễn ra rất nhanh chóng. Hiện nay, tính đến cuối năm 2023, nước ta đã có hơn 900 đô thị; ngoài 02 đô thị loại đặc biệt là TP HCM và thủ đô Hà Nội, hiện đã có 22 đô thị loại I, 36 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 94 đô thị loại IV, 703 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa tại Việt Nam đã đạt khoảng 42,6%.

Tín hiệu lạc quan là chất lượng đô thị đang từng bước được nâng cao theo hướng đồng bộ, đáp ứng nhu cầu của cư dân đô thị về chất lượng môi trường sống và điều kiện làm việc. Đồng thời, quá trình phát triển đô thị đã và đang trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa quá nhanh, trong khi năng lực quản trị đô thị còn có những hạn chế, không theo kịp những thay đổi trong khu vực đô thị, khiến cho hệ thống đô thị Việt Nam có nhiều dấu hiệu mất cân bằng, thiếu tính liên kết, nhất là vấn đề hạ tầng đô thị bị quá tải ở các đô thị lớn, những nguy cơ tác động tiêu cực tới di sản trong các đô thị lớn là điều không tránh khỏi. Các khu vực đô thị lịch sử đã và đang bị xuống cấp, nhưng chưa có kế hoạch cải tạo, nâng cấp phù hợp.

Trong diễn đàn Phát triển Bền vững Đô thị Việt Nam 2023, TS. KTS. Trần Quốc Thái (Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị, Bộ Xây dựng) đã đánh giá: “Năng lực quản lý và quản trị đô thị còn yếu, chậm được đổi mới, các quy định pháp luật hiện hành điều chỉnh về phát triển đô thị còn rời rạc, chủ yếu là các văn bản ở cấp dưới Luật”. [4]

Dưới tốc độ phát triển đô thị mạnh mẽ tại Việt Nam như hiện nay, đặc biệt tại các TP lớn như Hà Nội và TP HCM…, công tác quản trị đô thị đã và đang ảnh hưởng rất đáng kể tới việc bảo tồn di sản đô thị, cụ thể ở những điểm sau:

  • Quy hoạch đô thị: Quy hoạch đô thị tác động tới sự phát triển của các khu vực đô thị và lẽ dĩ nhiên sẽ tác động trực tiếp đến việc bảo tồn di sản đô thị. Nếu công tác quy hoạch không được thực hiện một cách cẩn trọng, với những cân nhắc kỹ lưỡng giữa việc phát triển hay bảo tồn, thì các khu vực di sản đô thị có giá trị sẽ không tránh khỏi những nguy cơ bị tác động tiêu cực, thậm chí bị loại bỏ. Việc đưa ra quyết sách/quyết định hợp lý hay không trong quy hoạch đô thị, phụ thuộc rất nhiều vào năng lực quản trị đô thị. TS. Nguyễn Thị Hậu từng đề cập: “Có một vấn đề luôn được đề cập đến trong quy hoạch đô thị lâu nay, đó chính là bài toán giữa bảo tồn di sản và phát triển đô thị: Bên nào sẽ thắng hay có phương pháp nào để hai bên cùng thắng (win – win)? Hầu như ở đô thị các di sản luôn đứng trước sự lựa chọn: Lợi ích kinh tế trước mắt hay lâu dài, lợi ích của một nhóm nhỏ hay của cộng đồng? Câu trả lời của chính quyền thế nào sẽ tìm ra phương pháp giải quyết như thế.” [5]. Ở đây, quyết định của các cơ quan quản lý đô thị trong công tác Quy hoạch đô thị, đóng vai trò quan trọng hàng đầu, tác động trực tiếp tới các khu vực Di sản trong đô thị.
  • Các chính sách và pháp luật đô thị: Các quy định pháp luật và chính sách liên quan đến quản trị đô thị có thể ảnh hưởng lớn tới việc bảo tồn di sản đô thị. Những hạn chế trong việc lập và thực thi các quy định pháp luật có thể dẫn đến những khó khăn trong nỗ lực bảo tồn di sản đô thị tại Việt Nam. Theo GS. Hoàng Đạo Kính: “Luật Di sản văn hóa chưa đề cập tới khái niệm và thuật ngữ “Di sản đô thị” hoặc “Di sản kiến trúc nông thôn”. Từ đó, khi phố cổ Hà Nội được công nhận là di tích lịch sử hay làng cổ Đường Lâm được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật… đã không thể hiện đầy đủ những giá trị, tính chất sống động và đặc biệt là nhu cầu sử dụng, cải tạo nâng cấp, cải tạo thích ứng và sự tham gia vào công cuộc phát triển tiếp nối của người dân” [6]
    TS.KTS Nguyễn Quốc Tuân có cùng nhận định: “Luật Di sản văn hóa 2001 (đã bổ sung sửa đổi năm 2009) hiện mới chỉ có quy định chính thức công nhận “di tích”, mà chưa có tiêu chí công nhận “di sản kiến trúc”, càng không có “di sản đô thị”. Luật cũng không quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức khoa học, các hội chuyên ngành (như Hội Quy hoạch phát triển đô thị, Hội KTS Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử, Hội Di sản…) trong việc giúp cơ quan quản lý nhà nước thẩm định, đánh giá, nghiên cứu và hoạch định các chính sách liên quan đến di sản” [6]. Rõ ràng, khi thực thi các nhiệm vụ quản trị đô thị (trong đó, điển hình là việc thực hiện công tác quản lý đô thị) mà không có các văn bản luật cụ thể liên quan tới Di sản đô thị, thì việc các công trình kiến trúc có giá trị trong đô thị bị “bỏ quên”, hoặc bị xâm phạm, hay thậm chí bị loại bỏ là điều có thể xẩy ra; vì không cơ quan quản lý đô thị nào có đủ chế tài để can thiệp, kiểm soát hay bảo vệ các di sản quý giá đó. Trong thực tế, có không ít các công trình di sản đô thị thời Pháp thuộc tại Hà Nội như các nhà phố Pháp đang dần mất đi và bị thay thế bởi các công trình mới, chỉ bởi vì các công trình này chưa được công nhận là di sản, không có một văn bản luật nào đủ cụ thể để bảo vệ và gìn giữ những công trình này, đây có thể coi là một trường hợp điển hình nhất, một “nỗi buồn khó quên” cho những ai yêu di sản đô thị Hà Nội.
  • Quản lý sử dụng đất đai: Quản lý sử dụng đất đai không hợp lý có thể dẫn đến việc xây dựng các công trình mới ở các khu vực di sản, gây nguy cơ biến dạng di sản thậm chí khiến cho di sản bị phá hủy nghiêm trọng. Rủi ro này là hoàn toàn có thể xẩy ra nếu các quy định pháp luật không cụ thể, và rõ ràng. Với các khu vực di sản đô thị quan trọng, việc khoanh vùng di sản, đánh giá tiềm năng di sản, lượng giá di sản,… là vô cùng cần thiết để từ đó giúp cho việc quản lý sử dụng đất đai tại các khu vực liên quan tới di sản minh bạch và hợp lý hơn.
  • Chiến lược phát triển đô thị: Chiến lược phát triển đô thị cần phải tích hợp việc bảo tồn di sản vào quá trình phát triển đô thị. Nếu không có kế hoạch cụ thể và hiệu quả, di sản đô thị có thể bị bỏ qua trong quá trình phát triển đô thị. TS. Nguyễn Thị Hậu từng chia sẻ: “Hiện nay, chính quyền đô thị vẫn quan niệm vùng lõi đô thị nơi có nhiều di tích lịch sử văn hóa chỉ là vùng “đất vàng”, thậm chí “đất kim cương”, chưa quan niệm là “vùng di sản, vùng ký ức”. Do đó, việc thực thi bảo tồn di sản chưa nhất quán” [5] Trong chiến lược phát triển đô thị tại các TP lớn, nhất là các TP lịch sử như ở Việt Nam, việc coi trọng vùng lõi đô thị, nơi chứa đựng dày đặc các di sản đô thị, phải là khu vực quý giá không thể đụng tới, thì công tác bảo tồn di sản đô thị mới trở nên hiệu quả.
  • Quản lý dự án đô thị: Các dự án xây dựng mới và phát triển đô thị cần được quản lý một cách cẩn thận để đảm bảo rằng việc bảo tồn di sản được tính đến và thực hiện đồng thời với các hoạt động khác. TS Nguyễn Thị Hậu nhấn mạnh: “Chính quyền là người thay mặt dân cư quản lý đô thị, trong quy hoạch của chính quyền phải có hoạch định và quan điểm rõ ràng về bảo tồn di sản: Phá hay giữ? – Nếu như chính quyền kiên quyết giữ, thì phần tiếp theo là lắng nghe tư vấn từ các nhà chuyên môn xem giữ như thế nào, giữ đến đâu. Không phải cái gì thuộc về “đồ cổ” cũng giữ, nhưng nếu có giá trị di sản đô thị thì bắt buộc phải được bảo tồn, trùng tu và sử dụng có hiệu quả” [5]. Trong các dự án phát triển đô thị hiện nay tại Việt Nam, công tác quản lý dự án đô thị hầu hết do chính quyền TP (thông qua các Ban Quản lý dự án) thực hiện, vì vậy, việc tác động tích cực hay tiêu cực đối với các khu vực chứa đựng di sản đô thị (nếu có) hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực quản lý dự án đô thị của chính quyền. Di sản đô thị là một phần quan trọng trong cấu trúc đô thị khu vực, vì thế sẽ không thể tránh khỏi những tác động và ảnh hưởng của các dự án đô thị mới trong cùng khu vực.

Những định hướng chiến lược trong công tác quản lí đô thị, có thể tác động hiệu quả tới mục tiêu bảo tồn di sản đô thị

Công tác quản trị đô thị đòi hỏi những định hướng chiến lược để đảm bảo sự phát triển bền vững và hài hòa của các TP. Dưới đây là một số định hướng chiến lược quan trọng trong công tác quản trị đô thị, tác động hiệu quả tới mục tiêu bảo tồn di sản đô thị:

  • Xây dựng chính sách quản lý đô thị bền vững: Thiết lập và thúc đẩy các chính sách quản lý đô thị bền vững, nhấn mạnh vào việc phát triển đô thị một cách bền vững, đảm bảo sự cân bằng giữa phát triển kinh tế, xã hội và môi trường; bao gồm nhiệm vụ không thể thiếu là bảo vệ di sản đô thị, nhằm gìn giữ “tâm hồn và bản sắc đô thị”. Bằng cách này, di sản đô thị luôn được coi trọng và bảo tồn trong quá trình phát triển đô thị.
  • Quy hoạch đô thị thông minh: Các chiến lược quản trị đô thị hiện nay thường tích hợp các yếu tố của các TP thông minh, nhằm tối ưu hóa sử dụng tài nguyên và cải thiện chất lượng cuộc sống. Trong quá trình này, di sản đô thị luôn được coi trọng, xem xét như một phần quan trọng của văn hóa và sự đa dạng của đô thị, và được tích hợp vào các kế hoạch quy hoạch và phát triển. Một đô thị thông minh nơi mà công nghệ được đưa vào để giúp nâng cao chất lượng sống đô thị và nâng cao hiệu suất làm việc của cư dân đô thị một cách “thông minh hơn”, tại đó, các di sản đô thị như là những thành tố kết nối hiệu quả và thu hút các hoạt động sống, trải nghiệm văn hóa và phát triển hợp tác kinh doanh du lịch
  •  Tái thiết và tái chức năng đô thị: Thay vì xây dựng mới, nhiều TP hiện nay đang chuyển hướng sang tái sử dụng và tái chức năng các khu vực cũ. Điều này có thể bao gồm việc tái thiết các khu vực công nghiệp hoặc khu dân cư cũ thành các khu vực mới phát triển, trong đó di sản đô thị được bảo tồn và tích hợp vào các kế hoạch tái thiết. Phương pháp Bảo tồn thích ứng không còn xa lạ trong lĩnh vực bảo tồn di sản đô thị trên thế giới, đây là phương pháp hữu hiệu và phù hợp với thời đại, để làm “sống” lại các khu vực đô thị di sản.
  • Tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức và thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng: Các chiến lược quản trị đô thị ngày nay cần chú trọng việc nâng cao nhận thức cộng đồng, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong quá trình quy hoạch phát triển đô thị và bảo tồn các di sản.
  • Tăng cường hợp tác, đối thoại đa cấp độ: Đối với việc bảo tồn di sản đô thị, sự hợp tác và đối thoại giữa các cấp quản lý, bao gồm cả cấp quốc gia, địa phương và cộng đồng địa phương, là rất quan trọng. Các chiến lược quản trị đô thị không thể bỏ qua việc tăng cường hợp tác giữa các cấp quản lý, điều này sẽ đảm bảo mục tiêu bảo tồn di sản đô thị một cách hiệu quả. Không những vậy, việc thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác giữa các cơ quan quản lý với cộng đồng địa phương, các tổ chức phi chính phủ và các chuyên gia bảo tồn di sản cũng vô cùng cần thiết, để tìm ra giải pháp thực hiện hiệu quả các dự án bảo tồn trong đô thị
  •  Sử dụng ứng dụng công nghệ hiện đại: Áp dụng công nghệ thông tin và các giải pháp sáng tạo trong quản trị đô thị và bảo tồn di sản đô thị. (chẳng hạn, việc sử dụng drone để quản lý và giám sát, đến việc phát triển các ứng dụng di động để tăng cường nhận thức cộng đồng về di sản đô thị, hỗ trợ hoạt động truyền tải thông tin, marketing, thúc đẩy du lịch,… là những giải pháp thực tế và khả thi tại các khu vực trung tâm đô thị lịch sử). Bên cạnh đó, áp dụng công nghệ để lượng giá di sản sẽ giúp cho việc đánh giá chính xác hơn giá trị di sản và nhận thức đúng vai trò quan trọng của di sản đối với cộng đồng; khai thác thông tin quan trọng trong quá trình lượng giá sẽ hỗ trợ việc đưa ra quyết định chính sách phù hợp của các cơ quan quản lý đô thị, góp phần tăng cường công tác quản lý và bảo tồn di sản trong phát triển đô thị (chẳng hạn, sử dụng các công nghệ để lượng giá di sản như ứng dụng GIS, các ứng dụng mô phỏng 3D, sử dụng hình ảnh vệ tinh + UAV, hệ thống thông di sản H-BIM, công nghệ thực tế ảo Virtual Reality…)
  • Kích thích phát triển kinh tế “xanh”: Thúc đẩy phát triển kinh tế “xanh” trong đô thị, bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và các dự án phát triển có thể tạo ra giá trị kinh tế từ việc bảo tồn thích ứng di sản (làm sống động lại di sản hoặc khu vực di sản bằng việc đưa công năng khác, sáng tạo hơn, phù hợp với điều kiện mới, xu hướng mới của thời đại.).
  • Tăng cường quản lý và thực thi các quy chế: Xây dựng và tăng cường hệ thống quản lý công cộng, đảm bảo thực thi các quy định và chính sách liên quan đến bảo tồn di sản đô thị, bao gồm cả việc giám sát và kiểm tra sự tuân thủ của các đơn vị liên quan.

Một số ví dụ điển hình của việc triển khai hiệu quả công tác quản trị đô thị và bảo tồn di sản đô thị trên thế giới

1.Tại châu Á, công tác quản trị đô thị hiệu quả, luôn coi trọng nhiệm vụ bảo tồn di sản đô thị không còn là điều xa lạ ở nhiều nước, dưới đây là một số ví dụ điển hình:

Dự án Bảo tồn Đô thị Kyoto, Nhật Bản

Kyoto là cố đô lịch sử, là niềm tự hào của Nhật Bản, nơi có nhiều di sản đô thị quan trọng. Dự án Bảo tồn đô thị Kyoto tập trung vào việc bảo tồn các khu vực lịch sử của TP, trong đó công tác quản trị đô thị bao gồm các hoạt động quản lý du lịch, bảo tồn kiến trúc truyền thống và phát triển các chính sách bảo vệ không gian mở trong đô thị được thực hiện cẩn trọng và hiệu quả; nhiều biện pháp quản trị đô thị và bảo tồn di sản nhằm bảo vệ và duy trì những giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt của Kyoto đã được thực hiện như sau:

  • Quản lý phát triển đô thị: Kyoto đã đặt ra các quy định về quy hoạch đô thị và xây dựng để bảo vệ các di sản lịch sử và kiến trúc truyền thống. Việc kiểm soát cao độ xây dựng, bảo tồn các khu vực cổ điển và hạn chế sự phát triển không kiểm soát đã giúp bảo vệ tính riêng biệt và bản sắc của TP.
  • Bảo tồn các di tích lịch sử và văn hóa: Kyoto có nhiều di tích lịch sử và văn hóa quan trọng, bao gồm các đền chùa, cung điện, khu phố cổ, và vườn cổ. Chính phủ địa phương và các tổ chức bảo tồn đã thực hiện các biện pháp để duy trì và phục hồi các công trình này, bảo đảm rằng chúng được bảo tồn và sử dụng một cách bền vững.
  • Chương trình giáo dục và thông tin: Kyoto thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục và thông tin về di sản của mình cho cả cộng đồng địa phương và du khách. Điều này bao gồm các tour hướng dẫn, triển lãm văn hóa, và các sự kiện văn hóa để tăng cường nhận thức và sự tôn trọng đối với di sản của TP.
  • Hợp tác quốc tế: Kyoto cũng hợp tác với các tổ chức quốc tế và các đối tác quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức trong việc quản lý và bảo tồn di sản. Việc này giúp thúc đẩy việc áp dụng các phương pháp hiệu quả và tiên tiến hơn trong bảo tồn di sản.
    Thông qua các biện pháp trên và sự cam kết nghiêm túc của cộng đồng địa phương, Kyoto đã thực hiện việc quản trị đô thị và bảo tồn di sản một cách hiệu quả, giúp cho TP vẫn gìn giữ được bản sắc văn hóa và lịch sử độc đáo của mình. [7]
Không gian cố đô Kyoto. Nguồn: Travelwondergrow

Dự án Quy hoạch Đô thị Thông minh ở Singapore

Singapore là một trong những quốc gia hàng đầu trong việc triển khai các dự án quản trị đô thị thông minh. Quy hoạch đô thị thông minh của Singapore không chỉ tập trung vào việc tối ưu hóa sử dụng không gian và tài nguyên, mà còn chú trọng đến việc bảo tồn các khu vực lịch sử và di sản kiến trúc của TP. Các khu vực được UNESCO công nhận là di sản thế giới như Đảo Sentosa, các Khu phố cổ của Singapore,… đã được bảo tồn và phát triển một cách cân nhắc để đảm bảo tính bền vững và duy trì tính nhận diện địa danh quan trọng của chúng. Đặc biệt, Singapore đã tích hợp công nghệ vào quản lý đô thị và bảo tồn di sản một cách hiệu quả như một loạt các công nghệ thông minh dưới đây:

  •  Hệ thống giám sát thông minh: Singapore đã triển khai các hệ thống giám sát thông minh như camera an ninh, cảm biến để giám sát hoạt động và giao thông trong các khu phố cổ. Điều này giúp cải thiện an ninh và an toàn, đồng thời cũng cung cấp dữ liệu quan trọng cho việc quản lý khu vực.
  • Internet of Things (IoT): Các thiết bị IoT như cảm biến nhiệt độ, độ ẩm, ô nhiễm không khí, và tiêu thụ năng lượng đã được triển khai để giúp quản lý môi trường sống trong các khu phố cổ. Thông qua dữ liệu từ các thiết bị này, các quyết định về bảo tồn và quản lý môi trường tại các khu vực di sản của Singapore có thể được đưa ra một cách chính xác hơn.
  • Ứng dụng di động và trí tuệ nhân tạo (AI): Singapore cũng đã phát triển các ứng dụng di động và sử dụng trí tuệ nhân tạo để cung cấp thông tin du lịch, lịch trình tham quan, và hướng dẫn trong các khu phố cổ. Điều này giúp cải thiện trải nghiệm của du khách và người dân địa phương khi thăm thú các khu vực này.
  • Sử dụng dữ liệu và phân tích dữ liệu: Singapore đã tích hợp các công nghệ phân tích dữ liệu để hiểu rõ hơn về các cách di chuyển của người dân và du khách trong các khu phố cổ. Thông qua việc phân tích dữ liệu này, các quyết định về quản lý giao thông và tiện ích công cộng có thể được đưa ra một cách thông minh hơn.
    Hầu hết những công nghệ này đóng vai trò quan trọng trong công tác quản trị đô thị, bảo tồn và quản lý hiệu quả các khu phố cổ ở Singapore, giúp duy trì tính văn hóa và lịch sử của chúng trong bối cảnh của một TP thông minh và hiện đại. [8]

2. Ở Châu Âu, vùng đất được gọi là “lục địa già”, nơi chứa đựng vô vàn các di sản đô thị quý giá, công tác bảo tồn di sản đã được những người châu Âu chú trọng từ nhiều thập kỷ trước. Đã có rất nhiều dự án quản trị đô thị và bảo tồn di sản đô thị được triển khai thành công ở các nước phát triển phương Tây từ nhiều năm trước, các dự án này cung cấp những kinh nghiệm thực tiễn quý báu về cách quản trị đô thị và bảo tồn di sản đô thị trong khu vực Châu Âu, đồng thời là nguồn cảm hứng cho các dự án tương tự trên khắp thế giới và nhất là ở các nước đang phát triển như Việt Nam.

Dự án Tái thiết và Phát triển Docklands, London, Anh Quốc

Docklands ở London trước đây là một khu vực công nghiệp bị bỏ hoang, nhưng thông qua các dự án tái thiết và phát triển, nó đã trở thành một khu vực phát triển đô thị mới với các tòa nhà cao tầng và tiện ích công cộng. Trong quá trình này, các phần của di sản đô thị cũng được bảo tồn và tích hợp vào quy hoạch phát triển mới.

Dự án đã thành công nhờ một loạt các biện pháp và cách thức thực hiện hợp lý như:

  • Chính sách bảo tồn và quy hoạch: Các chính sách quy hoạch đã được thiết lập để bảo tồn và bảo vệ di sản kiến trúc quan trọng trong quá trình phát triển khu vực Docklands. Việc này bao gồm việc quản lý và bảo tồn các khu vực lịch sử, cũng như đảm bảo rằng các dự án mới phải tuân thủ các tiêu chuẩn bảo tồn và hài hòa với di sản kiến trúc;
  • Tái sử dụng và phục hồi công trình cũ: Một số nhà kho, nhà xưởng cũ và cảng cũ đã được tái sử dụng và phục hồi để tạo ra không gian sống, làm việc và giải trí mới. Các công trình này thường được bảo tồn và tích hợp vào khu phức hợp phát triển mới;
  • Bảo tồn các công trình lịch sử: Các công trình lịch sử như nhà kho, nhà xưởng, cầu cảng và các cấu trúc cũ khác đã được bảo tồn và sử dụng lại trong các dự án phát triển mới. Việc này giúp duy trì tính độc đáo và bản sắc lịch sử của khu vực;
  • Quy hoạch không gian mở và công viên: Một phần của quá trình tái thiết bao gồm việc tạo ra các khu vực công cộng, công viên và bờ sông. Các không gian này không chỉ cung cấp cho cư dân và du khách một nơi nghỉ ngơi và giải trí mà còn giữ lại một phần của bản sắc lịch sử của khu vực;
  • Bảo tồn các cấu trúc biểu tượng: Một số cấu trúc biểu tượng như Canary Wharf đã được bảo tồn và tích hợp vào quy hoạch phát triển mới. Các tòa nhà và cấu trúc này không chỉ là biểu tượng của Docklands mà còn là một phần quan trọng của cảnh quan đô thị của London;

Tóm lại, trong quá trình tái thiết khu vực Docklands, chính quyền TP London đã có những nỗ lực đáng kể để bảo tồn và tái sử dụng các di sản kiến trúc quan trọng, giúp duy trì tính độc đáo và bản sắc lịch sử của khu vực đô thị này. [9]

Khu vực tái thiết và phát triển Docklands, London, Anh. – Nguồn: tripadvisor.de

Dự án Bảo tồn Khu phố cổ, Prague, Cộng hòa Séc

Khu phố cổ (Prague Old Town) là một trong những khu phố lịch sử đẹp nhất và được bảo tồn tốt nhất ở châu Âu, nơi đây có không gian đô thị cổ với nhiều công trình kiến trúc đa dạng từ thế kỷ 9 đến thế kỷ 19. Dự án bảo tồn khu phố cổ này tập trung vào việc duy trì và phục hồi các tòa nhà cổ, cùng với việc áp dụng các chính sách quản lý đô thị như việc cẩn trọng bảo vệ không gian mở và quyết liệt xử lý chất thải để bảo vệ môi trường đô thị, giúp hồi sinh một trung tâm đô thị lịch sử tuyệt đẹp với các không gian mở trong lành, chứa đựng các công trình kiến trúc quý giá.

Công tác quản trị đô thị và bảo tồn khu vực này đã được thực hiện qua các biện pháp sau:

  • Luật pháp và quy hoạch quản lý: Prague đã áp dụng các luật pháp và quy hoạch quản lý chặt chẽ để bảo vệ và duy trì tính chất lịch sử của khu phố. Các biện pháp này bao gồm việc xây dựng các quy định về kiến trúc, sử dụng đất và việc bảo tồn các công trình lịch sử.
  • Bảo tồn kiến trúc và cảnh quan: Prague đã thực hiện các dự án bảo tồn để duy trì và phục hồi kiến trúc và cảnh quan của khu phố. Việc này bao gồm việc sửa chữa các công trình lịch sử, bảo vệ các bức tường và kiến trúc độc đáo, cũng như duy trì hệ thống đường phố cổ và biệt thự cổ.
  • Quản lý du lịch: Prague đã áp dụng các biện pháp để quản lý lưu lượng du khách đến khu phố Lịch sử nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường và cộng đồng địa phương. Điều này bao gồm việc xây dựng các khu vực hạn chế xe cộ, hỗ trợ các hành trình đi bộ và khuyến khích du khách sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.
  • Giáo dục và tạo nhận thức: Prague đã thực hiện các chương trình giáo dục và tạo nhận thức để tăng cường ý thức bảo tồn lịch sử và văn hóa của khu phố. Các hoạt động này bao gồm các hướng dẫn tham quan, triển lãm và sự kiện văn hóa nhằm giới thiệu và bảo tồn di sản lịch sử của Prague.

Những biện pháp này đã đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và quản lý khu phố Lịch sử Prague, giữ cho nó luôn là một điểm đến quan trọng và đẹp nhất của châu Âu, thu hút hàng triệu du khách mỗi năm [10].

Khu phố cổ Prague, CH Séc. Nguồn: tripsavyy.com

Dự án Phục hồi và Quản lý Khu vực Cảng Venice, Italy

Venice đang đối mặt với nhiều thách thức do vấn đề biến đổi khí hậu, mực nước dâng lên, hiện tượng sạt lở đất, nhiều công trình di sản kiến trúc có nguy cơ bị phá hủy…TP Venice đặc biệt quan tâm tới các dự án Bảo tồn di sản đô thị, dự án này nhằm tập trung vào việc phục hồi và quản lý khu vực cảng để bảo vệ di sản đô thị và nỗ lực phát triển bền vững TP.

Dự án phục hồi và quản lý khu vực cảng Venice là một nỗ lực lớn của các cơ quan chính phủ và cộng đồng địa phương nhằm bảo tồn và tái sử dụng khu vực này một cách bền vững. Một loạt các biện pháp quản trị đô thị và bảo tồn di sản đã được thực hiện hiệu quả trong dự án này như:

  • Bảo tồn và phục hồi cơ sở hạ tầng lịch sử: Khu vực cảng Venice có nhiều công trình cổ và cơ sở hạ tầng lịch sử. Dự án đã tập trung vào việc bảo tồn và phục hồi các cầu cảng, kho hàng và nhà xưởng cổ, đảm bảo rằng những di sản này được duy trì và sử dụng một cách hiệu quả.
  • Xây dựng các tiêu chuẩn kiến trúc: Để duy trì tính nhất quán và mỹ quan của khu vực, dự án đã thiết lập các tiêu chuẩn kiến trúc cho việc xây dựng mới và tái sử dụng. Điều này giúp đảm bảo rằng các công trình mới phản ánh và hòa mình vào với di sản kiến trúc của khu vực.
  •  Phát triển không gian công cộng: Dự án đã tạo ra các khu vực công cộng mới như công viên, quảng trường và bờ sông, nơi mà người dân và du khách có thể thư giãn và tận hưởng không gian xanh và nước.
  • Quản lý du lịch: Venice là một điểm đến du lịch nổi tiếng, và việc quản lý lưu lượng du khách là một phần quan trọng của dự án. Các biện pháp như hạn chế lưu lượng du khách, phân bổ khu vực du lịch, và tăng cường vận tải công cộng đã được thực hiện để giảm bớt tác động tiêu cực lên môi trường và cộng đồng địa phương.
  • Hợp tác cộng đồng: Dự án đã tích hợp ý kiến từ cộng đồng địa phương vào quá trình quyết định, đảm bảo rằng những người sống và làm việc tại khu vực cảng Venice có thể tham gia và cảm thấy hài lòng với các quyết định được đưa ra [11].
TP Venice, Italia. Nguồn: vfs.vn

Dự án Quy hoạch Đô thị Thông minh ở Amsterdam, Hà Lan

Amsterdam là một trong những TP tiên phong trong việc triển khai các dự án quản trị đô thị thông minh. Quy hoạch đô thị thông minh của Amsterdam không chỉ tập trung vào việc tăng cường sử dụng công nghệ, mà còn chú trọng vào việc bảo tồn di sản đô thị, bao gồm việc duy trì hệ thống kênh và các tòa nhà lịch sử.

Như nhiều TP tiên tiến khác trên thế giới, Amsterdam đã tích hợp nhiều công nghệ vào quản trị đô thị và bảo tồn di sản kiến trúc như dưới đây:

  • Internet of Things (IoT): Amsterdam đã triển khai các hệ thống IoT để giám sát và quản lý năng lượng, giao thông, và môi trường trong TP. Các cảm biến được lắp đặt trong các khu vực đô thị giúp thu thập dữ liệu về tiêu thụ năng lượng, chất lượng không khí, và tình trạng giao thông. Dữ liệu này được sử dụng để tối ưu hóa hoạt động và cải thiện chất lượng cuộc sống cho cư dân.
  • Smart Mobility: Amsterdam đã phát triển các giải pháp thông minh về giao thông như hệ thống đèn giao thông động, ứng dụng di động cho việc chia sẻ xe và dịch vụ gọi xe, hệ thống điều hướng giao thông dựa trên dữ liệu thời gian thực. Những công nghệ này giúp giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trong TP.
  • Bản đồ số và dữ liệu không gian: Amsterdam đã phát triển các bản đồ số và sử dụng dữ liệu không gian để quản lý và phát triển đô thị. Các bản đồ số này cung cấp thông tin chi tiết về cơ sở hạ tầng, sử dụng đất, và các khu vực cần được bảo tồn.
  • Hệ thống quản lý nước: Với Amsterdam nằm dưới mức nước biển, hệ thống quản lý nước là một phần quan trọng trong quản trị đô thị. Công nghệ đã được sử dụng để giám sát và dự đoán mực nước biển, hệ thống thoát nước, và hệ thống cấp nước
  •  Sử dụng công nghệ số hóa và mô phỏng 3D để bảo tồn di sản kiến trúc. Việc này giúp quản lý và tái tạo các công trình lịch sử một cách hiệu quả, đồng thời tạo ra cơ sở dữ liệu chính xác cho việc bảo tồn.

Những công nghệ này không chỉ giúp Amsterdam quản trị đô thị hiệu quả mà còn giúp bảo tồn và phát triển bền vững di sản kiến trúc đô thị của TP. [12]

Kênh đào Amsterdam, Hà Lan. Nguồn: transviet.com.vn

Thay lời kết

Thế giới đã bước vào thế kỷ 21 được hơn hai thập kỷ, giờ đây, chúng ta đang bước vào “Thời đại công nghệ 4.0”, thời kỳ hoàng kim của lĩnh vực công nghệ thông tin, của những “Trí tuệ nhân tạo AI”, “Block chains” và nhiều phát kiến quan trọng khác trên toàn cầu. Việc áp dụng các thành tựu của khoa học công nghệ hiện nay vào công tác quản trị đô thị là tất yếu, khi chúng ta thật sự mong muốn nâng cấp các đô thị, các TP của Việt Nam nhằm theo kịp xu thế của thời đại. Những TP thông minh đang dần là mục tiêu và đích đến trong quá trình phát triển đô thị ở nhiều nơi trên thế giới. Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, chúng ta vẫn cần phải coi trọng việc Bảo tồn di sản đô thị. May thay, trong làn sóng phát triển công nghệ mới, nhiều công cụ và công nghệ hỗ trợ công tác này đã được phát minh và áp dụng hiệu quả. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn luôn cần phải cẩn trọng với các quyết định trong công tác quản trị đô thị, bởi các quyết định này đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo việc bảo tồn và phát triển di sản đô thị có đúng hướng hay không. Bất cứ quyết định nào cũng chỉ nên được đưa ra sau khi đã có những sự suy xét và cân nhắc kỹ lưỡng, để đảm bảo rằng di sản đô thị được bảo tồn và phát triển một cách thích hợp trong tổng thể quy hoạch. Điều đó sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững ở mỗi đô thị tại Việt Nam.

Việt Nam cần sớm xây dựng được chiến lược quản trị đô thị và bảo tồn di sản một cách bền vững, đồng thời tích hợp các biện pháp bảo vệ môi trường, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế và xã hội. Việc lập và thực thi các quy định pháp lý và chính sách hỗ trợ cho việc quản trị đô thị và bảo tồn di sản là điều rất quan trọng, là cơ sở pháp lý để thực hiện hiệu quả mọi nỗ lực trong thực tế; điều này đòi hỏi sự cam kết tận tâm từ phía chính phủ, các cơ quan chức năng và cả cộng đồng địa phương. Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác đa phương và quốc tế, Việt Nam có thể học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia khác trong việc quản trị đô thị và bảo tồn di sản; tham khảo cách thức áp dụng công nghệ khoa học hiện đại mới vào trong từng công tác. Việc hợp tác quốc tế đa phương, đa ngành có thể giúp Việt Nam tận dụng được các nguồn lực và kinh nghiệm từ khắp nơi trên thế giới, nhằm đạt mục tiêu chung là kiến tạo nên các TP thông minh, hiện đại, mà vẫn gìn giữ được bản sắc quý giá của địa phương.

TS.KTS Nguyễn Vinh Quang
Khoa Kiến trúc-Công trình, Đại học Phương Đông
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 6-2024)


Tài kiệu tham khảo
[1] United Nations, N/A. What is good Governance? <trực tuyến, truy cập tại đường link: https://ift.tt/BOv7uT5 >
[2] TS. KTS Nguyễn Quốc Tuân, 2023. Bảo tồn thích ứng Di sản Kiến trúc và Đô thị thời Pháp thuộc ở Việt Nam trong bối cảnh mới. Tạp chí Kiến trúc số 09-2023
[3] N/A, 2022. Đánh thức di sản đô thị. <trực tuyến, truy cập tại đường link: https://ift.tt/Dpn7tOg >
[4] Trần Định, 2023. Năng lực quản lý và quản trị đô thị của Việt Nam còn yếu. <trực tuyến, truy cập tại đường link: https://ift.tt/fLwQiHW >
[5] TS. Nguyễn Thị Hậu, 2020. Bảo tồn di sản đô thị: Trách nhiệm và chính sách. <trực tuyến, truy cập tại đường link: https://ift.tt/jMXHfSs >
[6] TS. KTS Nguyễn Quốc Tuân, 2023. Bảo tồn thích ứng Di sản. <trực tuyến, truy cập tại đường link: https://ift.tt/jVnsUu2
[7] Tiana Santini & Takahiro Taji, 2019. Natural Urban Heritage and Preservation Policies: the Case of Kyoto’s WaterwaysPDF. IEREK Press.
[8] Rana Amirtahmasebi, Mariana Orloff, Sameh Wahba, and Andrew Altman, 2016. Singapore: Urban Redevelopment of the Singapore City Waterfront. <trực tuyến, truy cập tại: https://ift.tt/POA1sDh >
[9] Deyan Sudjic, 2021. Inside London’s Docklands: 40 years of ambition, politics and financial wrangling. <trực tuyến, truy cập tại: https://ift.tt/yUqSFOu >
[10] Historic Center of Prague. <trực tuyến, truy cập tại: https://ift.tt/6t0mCAa >
[11] Venice Port. < trực tuyến, truy cập tại: https://ift.tt/lQe8FVm >
[12] City of Amsterdam – Urban Development. <trực tuyến, truy cập tại: https://ift.tt/62oBSbK >