Làng cổ Đông Hòa Hiệp thuộc huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích cấp Quốc gia vào năm 2017. Tại đây, những ngôi nhà với niên đại hơn 100 năm tuổi được xem là những tác phẩm kiến trúc độc đáo, dù trải qua những biến cố lịch sử. Bài báo này tập trung vào việc nhận diện giá trị di sản nhà cổ tại làng cổ Đông Hòa Hiệp, bao gồm giá trị vật thể (kiến trúc, cảnh quan, hình thái học) và giá trị phi vật thể (kinh tế, văn hóa xã hội, niên đại). Nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát thực tế, thu thập các dữ liệu và phân tích, đánh giá nhằm nhận diện các giá trị của nhà cổ. Kết quả nghiên cứu khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật của nhà cổ Đông Hòa Hiệp, đề xuất định hướng bảo tồn và phát huy giá trị di sản nhà cổ, hướng đến phát triển kinh tế du lịch bền vững.
Tổng quan
Bảo tồn di sản văn hóa (DSVH) hiện là một nhiệm vụ quan trọng của nhân loại, nhằm giữ gìn dấu ấn lịch sử và bản sắc văn hóa cộng đồng trước sự thay đổi của công nghệ và đô thị hóa. DSVH không chỉ góp phần nâng cao nhận thức về truyền thống mà còn có vai trò quan trọng trong phát triển du lịch di sản. Chủ trương phát triển du lịch trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị DSVH truyền thống tốt đẹp của dân tộc đã được thể hiện trong Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Do đó, việc bảo tồn và phát huy những giá trị của DSVH góp phần gìn giữ bản sắc dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa, đồng thời có khả năng thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch bền vững cho địa phương [1,2].
Di tích kiến trúc nghệ thuật làng cổ Đông Hòa Hiệp (ĐHH) đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Quốc gia theo Quyết định số 2080/QĐ-BVHTTDL năm 2017. Ngôi làng được các nhà nghiên cứu đánh giá là một DSVH quý giá và có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái [3]. Có 7 ngôi nhà cổ được xây dựng theo cấu trúc nhà truyền thống Nam Bộ (NB) gồm 3 gian 2 chái, hình chữ Nhất/Đinh. Hình thức kiến trúc đa dạng, theo kiểu kiến trúc thuần Việt hoặc ảnh hưởng bởi kiến trúc phương Tây. Tuy nhiên, hiện nay nhiều nhà cổ đang bị xuống cấp nặng, chủ yếu do sự hạn chế về tiềm lực của chủ nhà. Với các giá trị đặc biệt, nhà cổ ông (Ô) Xoát, Ô. Kiệt và Ô. Ba Đức được Tổng cục Du lịch Việt Nam và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) chọn để tài trợ cho việc trùng tu, tôn tạo. Một số nhà cổ khác đã được chủ nhà tự sửa chữa để phục vụ du lịch [4]. DSVH ở làng cổ đang đối diện với vấn đề về khai thác thương mại quá mức, việc phục dựng hoặc cải tạo sai quy cách khiến di sản nhanh xuống cấp và giảm giá trị, việc định hướng giữ gìn và phát triển nhà cổ chưa được quan tâm đúng mức.
Trải qua thời gian, các di sản kiến trúc dần trở nên gắn bó với lịch sử địa phương. Giá trị si sản kiến trúc có thể phân thành 2 nhóm, gồm (i) giá trị vật thể và (ii) giá trị phi vật thể [5]. Để giữ được những lớp giá trị văn hóa cũ và mới, những lớp cảnh quan và công trình kiến trúc xưa và nay cần được cộng sinh trong một quá trình phát triển tiếp nối. Việc nhận dạng các giá trị di sản xuyên qua dòng chảy lịch sử của nó là một nhu cầu thiết thực. Nghiên cứu này nhằm nhận diện và khẳng định các giá trị di sản của các nhà cổ ĐHH, từ đó mở ra những đề xuất về giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị kiến trúc nhà cổ, hướng đến việc thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch bền vững của địa phương.
Phương pháp nghiên cứu và khung nhận diện giá trị di sản
Phương pháp nghiên cứu
Một cuộc khảo sát điền dã tại làng cổ ĐHH được tiến hành vào tháng 11/2023, đặc biệt tập trung vào nghiên cứu, đo đạc và vẽ ghi kiến trúc các ngôi nhà cổ. Phương pháp phỏng vấn sâu từng chủ nhà nhà cổ nhằm có cái nhìn thực tế và rõ hơn về kiến trúc, cảnh quan, văn hóa, xã hội, con người; đồng thời nhận diện các vấn đề mà làng cổ đang phải đối diện. Dữ liệu thứ cấp khác được thu thập từ các nguồn đáng tin cậy như các nghiên cứu khoa học, tạp chí, luận văn… Sau đó, toàn bộ dữ liệu được tiến hành tổng hợp, so sánh, phân tích và đánh giá. Phương pháp mô hình hóa đã được áp dụng nhằm nhận diện rõ hơn các giá trị vật thể của kiến trúc các nhà cổ.
Khung nhận diện giá trị di sản kiến trúc nhà cổ
Thành phố (TP) Quebec, Canada, được xem là trường hợp thành công trong việc giữ gìn bản sắc đô thị. Để bảo tồn hiệu quả hệ thống kiến trúc thành lũy, chính quyền TP đã xác định giá trị công trình kiến trúc và giá trị xung quanh nó. Tiêu chí xác định giá trị kiến trúc bao gồm các giá trị: Sử dụng, vật chất, vị trí, niên đại, nghệ thuật và khảo cổ… Tiêu chí xác định giá trị khu vực di sản bao gồm hình thái đô thị, mối quan hệ của khu vực với môi trường tự nhiên, hình dạng và sắc thái.
Theo Phạm Thị Hoàng Giang (2022), nhóm giá trị vật thể của di sản bao gồm các yếu tố cấu thành nên kiến trúc công trình và kiến trúc cảnh quan. Không gian sử dụng phải tiện nghi và bền vững trong chừng mực có thể. Điều kiện tự nhiên và văn hóa xã hội của địa phương là các yếu tố khách quan. Các giá trị vật thể thường bao gồm chức năng sử dụng, nghệ thuật (hình thức, hình thái, tỷ lệ, phong cách, màu sắc, vật liệu…), kỹ thuật và kết cấu. Giá trị phi vật thể được nhận diện thông qua niên đại, văn hóa, phong tục tập quán và lối sống. Nhóm giá trị này được xem như “phần hồn” của không gian quần thể công trình và nó thay đổi theo từng khu vực khác nhau. Giá trị vật thể giúp định hướng xác định các đặc trưng, chi phối giá trị vật thể tại mỗi địa phương [5].
Trong nghiên cứu này, khung lý thuyết được đề xuất để nhận diện giá trị di sản kiến trúc nhà cổ tại làng cổ ĐHH được thể hiện như nội dung Bảng 1. Dựa trên khung lý thuyết này, các giá trị vật thể và phi vật thể của những ngôi nhà cổ trong làng cổ ĐHH sẽ được phân tích và trình bày ở nội dung tiếp theo.
Thực trạng kiến trúc làng cổ Đông Hòa Hiệp
Làng cổ ĐHH thuộc xã ĐHH, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Năm 1732, Chúa Nguyễn đã thiết lập ở dinh Phiên Trấn một đơn vị mới là dinh Long Hồ và chọn thôn An Bình Đông, thuộc xã ĐHH ngày nay để làm lỵ sở của dinh. Suốt 25 năm, làng ĐHH đã từng qui tụ nhiều vị quan lại và đại địa chủ sinh sống, vùng đất này trở nên trù phú [6]. Từ đó, ngôi làng đã là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống như các lễ hội đình làng, các nghề thủ công gia truyền như làm gốm, làm bánh tráng, bánh phồng tôm…
Làng cổ ĐHH đang là điểm đến du lịch văn hóa đặc sắc, thu hút du khách trong và ngoài nước bởi vẻ đẹp truyền thống và các giá trị lịch sử lâu đời. Dấu hiệu đáng mừng là đã bắt đầu có sự quan tâm và đầu tư từ phía chính quyền địa phương cùng cộng đồng. Các hoạt động du lịch như tham quan, trải nghiệm văn hóa truyền thống, lễ hội… được tổ chức nhằm giới thiệu và quảng bá rộng rãi hình ảnh của làng cổ. ĐHH là minh chứng cho đặc điểm văn hóa phong phú và lịch sử phát triển của cộng đồng người Việt ở NB. Cùng với làng cổ Đường Lâm (Hà Nội) và làng cổ Phước Tích (Huế), làng cổ ĐHH được JICA lựa chọn để thực hiện Dự án “Hỗ trợ Phát huy vai trò của cộng đồng trong phát triển bền vững tại Việt Nam, thông qua du lịch di sản” [4].
Ngoài 3 ngôi chùa và 1 đình làng với tuổi đời hơn 100 năm, làng cổ ĐHH có 36 căn nhà niên đại từ 100-200 năm. Trong đó, có 29 ngôi nhà cổ có niên đại 80-100 năm và để được công nhận là nhà cổ thì chỉ có 7 căn với niên đại 150-220 năm [7]. Hiện nay, có 5 ngôi nhà cổ có thể tiếp cận, phục vụ khách du lịch, bao gồm nhà Ô. Xoát, Ô. Kiệt, Ô. Ba Đức, Ô. Tòng, Ô. Võ (Bảng 2). Các ngôi nhà này hầu hết được xây cất bằng các loại gỗ quý, có mái lợp ngói, theo hình thức kiến trúc truyền thống NB hoặc có sự kết hợp Đông-Tây, có sân vườn rộng, nằm ẩn mình bên những dòng sông, vườn cây ăn trái thóang mát, góp phần tạo nên diện mạo kiến trúc và cảnh quan đặc trưng, phản ánh rõ nét kiến trúc và phong cách sống của người dân NB xưa. Trong số đó, nhà Ô. Kiệt, nhà Ô. Đức và nhà Ô. Xoát là 3 ngôi nhà cổ có giá trị cao nhất về cảnh quan, hình thức và đặc điểm kiến trúc, qui mô và dịch vụ du lịch… Do đó, 3 ngôi nhà này đã được lựa chọn để khảo sát chi tiết và phân tích trong nghiên cứu này.
Gía trị di sản kiesn trúc tại làng cổ Đông Hòa Hiệp
Giá trị vật thể
Kiến trúc cảnh quan ngôi làng thể hiện sự độc đáo của vùng Tây NB, với những ngôi nhà ven sông/kênh. Đặc trưng của làng cổ là hình ảnh những ngôi nhà mang đậm kiến trúc nhà vườn NB, màu sắc hài hòa, nằm xen lẫn giữa khu vườn cây trái có sông nước hữu tình và không gian mát mẻ. Con đường bao quanh làng rợp bóng cây xanh, hai bên người dân trồng hoa và rau trái tạo nên “hồn quê”. Vẻ đẹp dân dã ấy, cộng thêm nét thơ mộng của con sông Cái Bè và hình ảnh con kênh uốn mình trước cổng những ngôi nhà cổ, càng khiến ngôi làng trở nên hấp dẫn và đặc biệt.
Ảnh hưởng bởi địa thế và sự tiếp cận giao thông, hướng của các nhà cổ tại đây tuân theo nguyên tắc “Nhất cận thị – Nhị cận giang – Tam cận lộ”, thuận tiện cho văn hóa và kinh tế miền sông nước. Mọi sinh hoạt sử dụng nước trong nhà đều phụ thuộc vào con sông/kênh. Nhà thường có bố trí các lu chứa nước, đặt cạnh lối vào và có khu nhà mát kèm sàn nước đặt bên cạnh bờ sông/kênh. Các hoạt động sản xuất, chăn nuôi, canh tác thường được kết hợp lại ngay trong khuôn viên đất rộng. Phía sau nhà là ruộng, vườn cây ăn trái và chuồng trại, rất thuận lợi cho việc canh tác và quản lý.
Cổng nhà thường nằm lệch sang một bên chứ không đi thẳng vào cửa chính. Không có bức bình phong hay ao nước ở phía trước nhà. Hàng rào là rặng cây thấp, có tỷ lệ hài hòa, tạo nên sự thân thiện với hàng xóm làng giềng. Nhiều ngôi nhà trong làng có sân rộng phía trước để phơi nông sản hoặc tổ chức tiệc tùng. Trong sân có bố trí bàn thờ Ông Thiên. Ngôi nhà thường có nhà chính và nhà phụ, được bố trí sát cạnh nhau thành một khối nhà lớn hoặc nằm song song và kết nối bởi một hành lang có mái che. Các thành phần trong tổng thể được bố cục tự do, với nhà chính là trung tâm. Vị trí các thành phần còn lại phụ thuộc vào sông/kênh/rạch và khả năng nguồn lực của gia chủ.
Cả 3 ngôi nhà cổ được chọn để khảo sát chi tiết đều nằm gần sông, bến đò, chợ và thuộc khu vực tập trung sinh sống của cộng đồng cư dân. Với những đặc trưng riêng của vùng đất đồng bằng cây trái trù phú, các ngôi nhà đều sở hữu một cảnh quan xanh mát. Phía trước nhà có sân rộng, quanh sân có trồng nhiều cây, hoa kiểng quý được sắp xếp, cắt tỉa hài hòa. Phía sau nhà là khu vườn rộng với các loại cây ăn trái địa phương như dừa, cam, bưởi, xoài… kết hợp với ao nước hoặc mương, rạch, liếp, bờ bao. Trong cả 3 nhà đều có bố trí các dãy lu lớn để chứa nước mưa dùng cho sinh hoạt hàng ngày.
Có 2 phong cách kiến trúc chính, gồm nhà thuần Việt và nhà chịu ảnh hưởng bởi kiến trúc phương Tây. Kiểu nhà thuần Việt xuất hiện từ giai đoạn Phong Kiến. Hệ khung chịu lực theo kiến trúc nhà ở dân gian miền Trung với bộ vì kèo có 2 dạng chính là kiểu nhà Rọi (cột giữa chống tới nóc) hoặc nhà Rường (2 cột cái với cây “xuyên” và “trính”). Phần mái nhà với mái 4 dốc có đầu hồi với các lam rỗng tăng làm khả năng thông gió. Cách ghép nối mái giữa nhà chính và nhà phụ tạo ra các kiểu nhà chữ Nhất (nhà bát dần), chữ Đinh, chữ Nhị (nhà thảo bạt, nhà sắp đọi…). Nhà Ô. Xoát và Ô. Ba Đức là kiểu nhà chữ Nhất trong khi nhà Ô. Kiệt là kiểu chữ Đinh (Bảng 3).
Cùng với trào lưu “Tây hóa”, từ khi người Pháp thiết lập quyền hành chính tại Đông Dương, nhà cổ ĐHH có ảnh hưởng bởi kiến trúc phương Tây được biến tấu thành 2 dạng tiêu biểu. Dạng thứ nhất là vỏ bao che mang kiểu kiến trúc thuộc địa. Dạng thứ hai có sự kết hợp giữa kiến trúc truyền thống và kiểu thuộc địa cả về hình thức và tổ chức không gian. Mặt bằng có sự biến đổi, không gian trở nên rộng, cao và thóang hơn giai đoạn trước. Không gian ngủ được đưa ra gian hai bên có cửa buồng khép kín, riêng tư. Sự độc đáo của dạng thứ hai là tuy bên ngoài nhà mang phong cách châu Âu nhưng bên trong vẫn là kiểu nhà Rường và cách thức thờ cúng vẫn theo lối người Việt xưa.
Nhà cổ ĐHH có cấu trúc 3 gian 2 chái hoặc 5 gian 2 chái. Dù là theo phong cách nào, các ngôi nhà vẫn được giữ cách bài trí không gian nội thất theo truyền thống Á Đông. Nhà phụ là khu sinh hoạt, nghỉ ngơi, để đồ đạc hoặc kho lúa. Nhà chính là nơi thờ phụng và tiếp khách. Bàn thờ gỗ được chạm trổ công phu hoặc khảm xà cừ tỉ mỉ, sắp xếp theo nguyên tắc bên trái thờ cha mẹ, bên phải thờ ông bà, ở giữa thờ gia tiên hoặc thờ Phật. Có nhà còn thờ các vị thần như Táo quân, Phúc thần, Ngọc Hoàng. Giữa bàn khách và khu thờ tự có thể được ngăn cách bởi bức vách hoặc bình phong. Khu vực này là diện mạo của ngôi nhà, nơi bày trí các vật dụng có giá trị như bộ bàn ghế trang trí chạm lộng khéo léo và các đồ cổ quý hiếm, vật dụng yêu thích, thể hiện sở thích và điều kiện kinh tế của chủ nhà. Trên các bức vách, cột có các bức hoành phi, liễn đối, tranh vẽ… được chạm khắc, lộng công phu, thể hiện tư tưởng, tôn giáo, tín ngưỡng, quan niệm sống, hay những ao ước, cảm nghĩ, giá trị đạo đức, nhân văn của người xưa. Nhà Ô. Xoát và nhà Ô. Ba Đức theo lối kiến trúc Pháp nhưng vẫn cho thấy sự khéo léo trong cách bố trí nội thất. Các vật dụng phương Tây như bộ ghế khảm trai, các bộ đèn chùm pha lê, đèn dầu treo… vẫn hài hòa với màu nâu trầm của hệ cột, vì kèo, vách gỗ, bên cạnh những bộ tủ thờ, trường kỷ, ván ngựa, bàn ghế… được chạm khắc tinh xảo.
Nhờ không gian thoáng đãng và sự ưu đãi của thiên nhiên, cả 3 nhà cổ có vườn cây ăn quả xung quanh, khiến ngôi nhà thích nghi tốt hơn với khí hậu nhiệt đới. Mái nhà vươn rộng để che nắng mưa, có kết cấu nhiều lớp với khung kèo gỗ, lợp ngói tráng men. Mái dốc giúp thoát nước mưa nhanh chóng và nhiệt nóng sẽ thoát ra qua các lỗ thông hơi ở đầu hồi. Cửa đi và cửa sổ được bố trí ở mọi phía của nhà, tối đa hóa khả năng thông gió tự nhiên. Tường ngăn bên trong nhà theo kiểu thượng song hạ bản (dưới đặc, trên rỗng). Do đó, không khí từ bên ngoài đi vào nhà có thể đi xuyên qua tất cả các không gian [8]. Ở gian chính của các ngôi nhà, ánh sáng tự nhiên hầu như chưa đủ cho các sinh hoạt bên trong. Nhà Ô. Kiệt hiện đã thay một số viên ngói bằng kính lấy sáng để tăng cường chiếu sáng ban ngày. Nhà Ô. Xoát phải bật đèn bên trong gian thờ chính vì thiếu ánh sáng tự nhiên. Trong khi đó, nhà Ô. Ba Đức có diện tích không quá lớn so với 2 ngôi nhà còn lại và có các cửa sổ bên cho nên đã tận dụng được chiếu sáng ban ngày tốt hơn.
Nhà cổ ĐHH thường sử dụng vật liệu tự nhiên hay địa phương như gỗ, gạch, ngói, vôi… Hệ chịu lực chính và vỏ bao che thường bằng gỗ quý như gõ, lim, cẩm lai, căm xe… có khả năng chống chịu được mối mọt và độ ẩm cao. Nhà Ô. Kiệt có hệ khung, vì kèo, vách, vỏ bao che bằng gỗ. Nhà Ô. Xoát và nhà Ô. Ba Đức dùng gỗ cho dàn khung chịu lực và hệ vì kèo, tường bao che và mặt tiền xây gạch đỏ truyền thống, trát vữa xi măng, chạm đắp phù điêu, quét vôi lên cấu trúc vòm, cột, lan can, tay vịn kiểu thuộc địa. Ngoài ra, có nhà còn dùng vật liệu nhập khẩu như gạch bông và khung sắt có hoa văn.
Hệ cột, vách ngăn hay sàn thường làm bằng vật liệu quý, chọn lọc từ các vùng miền kết hợp với vật liệu địa phương như gỗ, gạch bông, gạch tàu, đá xanh… mang đến vẻ đẹp độc đáo và bền vững. Nghệ thuật trang trí và điêu khắc được biểu hiện qua thân cột, vách ngăn, bình phong, bao lam, hoành phi, liễn cùng các chạm khắc công phu, tỉ mỉ với họa tiết truyền thống, mang dấu ấn văn hóa và tôn giáo của vùng NB. Các cổ vật được gìn giữ cẩn thận bởi các thế hệ tiếp nối như bàn ghế, tủ thờ, trường kỷ bằng gỗ quý cẩn xà cừ, bộ ván ngựa đá cẩm thạch, đèn dầu thủy tinh… Đó là các báu vật lưu giữ hồn cốt của ngôi nhà, minh chứng cho kỹ thuật chế tác và thẩm mỹ phong phú của thời xưa.
Giá trị phi vật thể
Làng cổ ĐHH, hơn 200 năm, là minh chứng cho quá trình phát triển mở mang bờ cõi vùng đất NB của thế hệ cha ông. Các nhà cổ thể hiện trình độ kỹ thuật, nghệ thuật và kiến trúc của các thời kỳ khác nhau, lưu giữ những giá trị kiến trúc độc đáo, phong cách kiến trúc của từng thời kỳ. Một số nhà có sự giao thoa hài hòa văn hóa Đông-Tây. Trình độ mỹ thuật rất cao của người NB xưa được thể hiện qua sự tinh tế, cầu kỳ trong nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ trên các chi tiết trang trí nội thất và vật dụng.
Nhà cổ ĐHH đang là điểm thu hút du lịch, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Các hoạt động dịch vụ đang được tổ chức khá đa dạng như tham quan, sản xuất thực phẩm địa phương, bán trái cây trong vườn, lưu trú dạng homestay, nhà hàng phục vụ các món ăn truyền thống NB và biểu diễn nghệ thuật đờn ca tài tử. Tùy vào điều kiện của chủ nhà, mỗi ngôi nhà có các hoạt động khác nhau (Bảng 4). Đặc trưng NB được thể hiện qua các hoạt động nghệ thuật (đờn ca tài tử, cải lương), tập tục thờ cúng ông bà tổ tiên, giữ gìn và phát huy các giá trị đạo đức cho thế hệ trẻ (câu thơ, câu đối, hình ảnh chạm khắc…), sự duy trì các nghề thủ công truyền thống (làm bánh tráng, bánh phồng tôm…). Nhà cổ góp phần gắn kết cộng đồng, tạo ra không gian chung cho người dân, là nơi giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử, văn hóa, đạo đức, truyền thống dân tộc.
Kết luận
Để bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể, việc cần làm là nghiên cứu sử dụng và gìn giữ các giá trị văn hóa vật thể. Bởi lẽ, chúng giữ vai trò như chứng tích lịch sử và là hiện thân của các giá trị cho văn hóa bản địa. Bài báo này đã làm rõ giá trị của di sản nhà cổ ĐHH, gồm các giá trị vật thể như kiến trúc cảnh quan, các giá trị phi vật thể như kinh tế, văn hóa, xã hội, niên đại. Nhà cổ ĐHH, với niên đại hơn trăm năm, vừa mang đậm bản sắc truyền thống vừa là những minh chứng sống động về giao thoa văn hóa Đông-Tây. Hài hòa với những khuôn viên sân vườn xanh mát, yên bình, đặc trưng sông nước, nhà cổ là sự kết tinh của kỹ thuật xây dựng truyền thống với nghệ thuật trang trí, điêu khắc tinh xảo, đã lưu giữ giá trị văn hóa, vật chất, tinh thần của người NB xưa. Nhà cổ ĐHH chứa đựng các giá trị văn hóa – xã hội, phản ánh lối sống, niềm tin, tôn giáo… của cộng đồng địa phương qua nhiều thế hệ. Di sản kiến trúc nhà cổ là tiềm năng để đưa làng cổ ĐHH trở thành điểm du lịch đặc sắc, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Trần Công Danh, Lê Thị Hồng Na*
Bộ môn Kiến trúc, Khoa Kỹ thuật Xây dựng, Trường ĐH Bách Khoa TP HCM
Đại học Quốc gia TP HCM
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 6-2024)
Ghi chú:
Chúng tôi xin cảm ơn Trường Đại học Bách Khoa, ĐHQG-HCM đã hỗ trợ cho nghiên cứu này.
Tài liệu tham khảo:
[1]. Phạm Hùng Cường (2022) – “Bảo tồn di sản trên quan điểm “Bảo tồn thích ứng” – Tạp chí Kiến trúc Hội KTSVN. Số 9/2022, trang 13-17.
[2]. Hà Văn Siêu (2018) – “Di sản văn hóa với phát triển du lịch” – Bài nghiên cứu đăng trên website của Cục Du lịch Quốc Gia Việt Nam. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, [online] đăng ngày 26/07/2018. Website: https://ift.tt/GDQB9iv
[3]. Hữu Chí (2023) – “Làng cổ Đông Hòa Hiệp, điểm nhấn du lịch sinh thái tại Tiền Giang” – Chuyên trang thông tin của Thông tấn xã Việt Nam, chuyên mục Chính sách và cuộc sống, [online] đăng ngày 25/11/2023. Website: https://ift.tt/QjCFROV
[4]. Nguyên Sự (2023) – “Trăm năm Làng cổ Đông Hòa Hiệp” – Báo Nhân Dân, [online] đăng ngày 25/12/2023. Website: https://ift.tt/sOGtR1E
[5]. Phạm Thị Hoàng Giang (2022) – “Giá trị kiến trúc Đà Lạt thời thuộc Pháp (1893-1954)” – Luận văn thạc sĩ kiến trúc, Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM.
[6]. Phòng Quản lý Du lịch (2018) – “Làng cổ Đông Hòa Hiệp” – Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Tỉnh Tiền Giang, đăng ngày 24/4/2018. Website: https://ift.tt/E68f37G
[7]. Ngọc Phúc (2022) – “Độc đáo Làng nhà cổ Đông Hòa Hiệp – Tiền Giang” – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục du lịch quốc gia Việt Nam, [online] đăng ngày 13/12/2022. Website: https://ift.tt/Y7ixVoB
[8]. Le Thi Hong Na, Jin-Ho Park, Yangsook Jeon and Sejung Jung (2022). Analysis of vernacular houses in southern Vietnam, and potential applications of the learned lessons to contemporary urban street houses. Open House International, Vol.47 No.3, 2022, pp.533-548.
Nhận xét