Đã đến lúc những công thự quý hiếm cần mở cửa và mở thêm công năng mới, góp phần làm “trường học” và “vườn ươm” ý tưởng về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật và ngay cả quản trị cho đông đảo người dân, nhất là với giới trẻ.
Trong đêm, tòa nhà trắng ba tầng kiến trúc Pháp, kiểu tân cổ điển, được chiếu sáng lung linh, soi bóng bên bờ sông Hàn. Nơi đây từng là Tòa Thị chính Đà Nẵng, sau hơn 120 năm làm nhiệm vụ “công đường” đã được chính quyền chuyển thành Bảo tàng Lịch sử. Người dân và du khách thập phương đón nhận tin vui từ 4 năm nay và đang chờ kết quả trùng tu, gia tăng giá trị hồn cốt của một tòa nhà “đẹp lão”.
Ở Việt Nam, hiện có bao nhiêu công thự mỹ lệ lâu đời sẽ “về hưu danh dự” bằng một nhiệm vụ vẻ vang mới? Bao nhiêu công thự uy nghi trên dưới 100 năm sẽ thôi cảnh “kín cổng cao tường” để mở ra cho công chúng thưởng lãm?
Thôi khép cửa tòa nhà ba thế kỷ
Ít người biết rằng tòa nhà cổ ba tầng có những nét hoa văn Âu – Á kiều diễm ở góc đường Hàm Nghi – Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM từng thay đổi công năng ít nhất hai lần. Vào đầu thập niên 1860, đây là tòa nhà bề thế và kiên cố đầu tiên được xây cất sau khi Pháp xâm chiếm và quản trị Sài Gòn. Tuy nhiên, đó không phải là tòa nhà công lập mà là tòa nhà tư nhân của một thương gia Singapore, tên là Wang Tai (Vương Thái).
Ngày ấy, giới doanh nhân Singapore, những người làm kinh tế thị trường ở thuộc địa của người Anh đã nhạy bén “xuất khẩu” nhiều hàng hóa qua thuộc địa tân lập của người Pháp. Ngoài vật liệu xây dựng và nội thất, họ còn bán một khung sườn bằng gỗ để làm dinh thự cho Soái phủ Nam kỳ (vị trí Trường Trần Đại Nghĩa hiện tại). Riêng ông Vương Thái nhanh chóng đầu tư vào địa ốc cùng nhiều ngành kinh doanh khác. Ông bỏ vốn xây ngay tòa nhà bên bến tàu, lúc khai trương mang tên Wang Tai Maison, về sau đổi thành Hotel Cosmopolitan (Hoàn Vũ).
Có thể coi đây chính là tổ hợp khách sạn – văn phòng, cơ sở lưu trú hiện đại và mang tính quốc tế ra đời sớm nhất trên đất Sài Gòn. Nó phục vụ thương cảng Sài Gòn và thành phố Sài Gòn tân tiến vừa thành lập. Khách hàng có sẵn cho tòa nhà là các thuyền trưởng và thủy thủ đoàn, các nhà buôn, nhân viên bảo hiểm và ngân hàng, viên chức lãnh sự nước ngoài… Sang thập niên 1870, khi Sài Gòn thành lập Hội đồng Thành phố thì chính quyền không ngần ngại thuê một tầng của Hotel Cosmopolitan làm Tòa Thị chính tạm thời.
Và rồi vào cuối thập niên 1880, sau khi cảng thị Sài Gòn đã “trổ mòi” phồn thịnh, Liên bang Đông Dương hình thành, chính quyền Pháp có sáng kiến mua luôn Hotel Cosmopolitan để làm Sở Quan thuế và Thuốc phiện Đông Dương. Thuở ấy, ngành quan thuế, còn gọi là thương chánh, nay gọi là hải quan, ngoài việc thu thuế và kiểm tra xuất nhập khẩu còn phụ trách độc quyền sản xuất và mua bán thuốc phiện. Nhà nước cho làm mới tòa nhà, sửa chữa lớn hành lang và cấu trúc bên trong. Mặt ngoài tòa nhà được kiến trúc sư Marie-Alfred Foulhoux làm thêm nhiều chi tiết hoa văn phương Tây cổ truyền, đồng thời lại có họa tiết hoa anh túc. Cứ thế, tòa nhà tồn tại xuyên ba thế kỷ, hợp cùng với cột cờ Thủ Ngữ và Nhà Rồng trở thành bộ ba biểu tượng của thương cảng Sài Gòn vang bóng.
Vào năm 2022, phía sau tòa nhà cổ kính mọc lên một khối nhà tân thời khổng lồ 21 tầng làm trụ sở hoạt động của Hải quan TP.HCM. Thật may mắn, tòa nhà ba tầng được giữ lại, sơn phết mới, càng làm nổi bật vẻ đẹp xưa. Tuy nhiên, sẽ còn đẹp hơn nếu như tòa nhà không chỉ trở thành nhà truyền thống nội bộ của ngành hải quan. Bậc “kỳ lão” này xứng đáng chuyển hóa thành bảo tàng giao thương của thành phố, trong đó lịch sử hải quan là một phần quan trọng. Tại đây, ngoài việc giới thiệu lai lịch tòa nhà, cơ quan quản lý sẽ trưng bày các hiện vật, hình ảnh thể hiện hoạt động ngoại thương của Sài Gòn từ thế kỷ XVII. Tại các hành lang và sảnh bên trong có thể hình thành các phòng triển lãm tác phẩm mỹ thuật và hàng lưu niệm phản ánh đời sống cảng thị nhộn nhịp. Sân trước tòa nhà khá rộng rãi, rất phù hợp tổ chức các cuộc tiếp tân, trao giải thưởng, biểu diễn thời trang…
Thay vì khép cửa nằm im, tòa nhà cổ của hải quan sẽ được công dân thành phố và du khách xa gần thưởng ngoạn một cách sinh động. Qua đó, ngành hải quan góp thêm một địa chỉ văn hóa – lịch sử kỳ thú ở khu vực bến Bạch Đằng mà vẫn không ảnh hưởng đến chỗ làm việc tại khu nhà cao tầng mới.
Những “mỹ nhân” doanh thương cần được đánh thức
Cùng trong khung cảnh sông nước độc đáo của Sài Gòn, còn có hai “mỹ nhân” khác rất cần được tôn tạo và dành cho công chúng khám phá. Trước nhất là tòa nhà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ở số 8 Võ Văn Kiệt (trước đây là số 17 Bến Chương Dương), nằm đối diện di tích cầu Mống (1902). Đây là một kiến trúc kỳ vĩ không chỉ về kích thước, vật liệu, công nghệ xây dựng mà còn về văn hóa đa quốc gia.
Thật vậy, tòa nhà màu đá trắng xám vĩnh cửu, ra đời thập niên 1930, nguyên là trụ sở Ngân hàng Đông Dương. Mặt ngoài và bên trong sảnh giao dịch của tòa nhà được thiết kế oai nghiêm, hài hòa màu sắc, ánh sáng và nhiệt độ. Đặc biệt, các đường nét kiến trúc và trang trí không chỉ là phương Tây mà còn pha trộn nhiều yếu tố Việt Nam và Khmer. Nhất là tầng thượng, hiện là văn phòng, nhà ăn và hội trường nhỏ, có thiết kế mặt ngoài gợi nhớ hình ảnh cung điện Angkor, hòa quyện với cung điện Pháp.
Từ bao lơn khoáng đạt của tầng thượng, khách còn được ngắm nhìn khu vực Khánh Hội và dòng kênh Tàu Hũ êm đềm. Toàn bộ tòa nhà không chỉ là “kho báu” tài chính mà còn là “kho báu” văn hóa và mỹ thuật. Về lâu dài, có thể lập tại đây một bảo tàng tiền tệ – ngân hàng. Càng thêm ý nghĩa xã hội nếu tầng thượng được sử dụng làm nơi tiếp tân và triển lãm nghệ thuật.
Gần kề tòa nhà Ngân hàng Nhà nước là tòa nhà Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (16 Võ Văn Kiệt). Thời Pháp, đó là trụ sở Phòng Thương mại Sài Gòn, về sau là Hội trường Quốc tế Diên Hồng, kế đến là trụ sở Thượng viện. Tòa nhà mang dáng dấp của một nhà hát châu Âu với mặt tiền hai tầng to lớn, có nhiều cột La Mã là điểm nhấn hùng tráng. Khán phòng tòa nhà rất sang trọng, sức chứa vài trăm khách. Phía sau tòa nhà vào năm 2014 đã mọc lên cao ốc văn phòng Ex-change Tower 12 tầng, lợp kính. Thế nhưng, từ lâu thị trường chứng khoán đã được điện tử hóa toàn bộ, các sở giao dịch đều không cần duy trì khán phòng lớn.
Để không lãng phí diện tích sử dụng và giá trị lịch sử, tòa nhà cần thiết trở lại công năng một nhà hát – một hội trường lịch lãm. Đó là nơi gặp gỡ của giới doanh thương, nhà đầu tư, nhà khởi nghiệp với nhiều hoạt động giao lưu đa dạng. Tại tòa nhà nên có phòng trưng bày hình ảnh và hiện vật thể hiện lịch sử các công ty cổ phần (bắt đầu từ Công ty Minh Tân – năm 1908 ở Nam kỳ) và lịch sử thị trường chứng khoán của Việt Nam (ra đời năm 1998). Mặt khác, không phải là xa vời, các hội đoàn doanh nghiệp và chính quyền nên chung tay hình thành sớm bảo tàng công thương của thành phố và có thể đặt trước nhất tại đây.
Hiện tại, cách không xa hai công thự nêu trên còn có Bảo tàng Mỹ Thuật TP.HCM tại số 97 Phó Đức Chính (nguyên là các kiến trúc Pháp – Hoa của gia đình “chú Hỏa”- Hui Bon Hua). Chắc chắn bộ ba “mỹ nhân” kiến trúc – đều vào tuổi 90, sẽ đóng góp thêm sự hấp dẫn về văn hóa, thương mại cũng như về địa ốc cho một khu vực đã được quy hoạch là khu phố tài chính – một Wall Street nho nhỏ của “Hòn ngọc Viễn Đông” từ thế kỷ trước!
Mở cửa và mở thêm công năng
Nhiều năm trước đây, một số công thự lâu đời có giá trị kiến trúc và lịch sử được chuyển đổi công năng từ công sở hành chính sang công trình văn hóa công cộng. Ở Hà Nội, điển hình là Tòa nhà Hải quan (216 Trần Quang Khải, quận Hoàn Kiếm), sau tháng 10.1954 chuyển thành Bảo tàng Cách mạng. Vào năm 2011, bảo tàng này hợp nhất cùng Bảo tàng Lịch sử, trở thành Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Hay như Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, vốn là một ký túc xá thanh lịch dành cho nữ sinh con cái quan chức Đông Dương thời Pháp.
Còn tại Sài Gòn, sau tháng 4.1975, Dinh Độc Lập đã mở cửa cho dân vào tham quan. Dinh thự lớn bậc nhất miền Nam đã và đang được phục hồi nguyên mẫu, thu hút hàng trăm ngàn du khách mỗi năm. Gần đó, Dinh Gia Long – từng là Dinh Thống đốc Nam kỳ, được trở về công năng khởi thủy là bảo tàng (nay là Bảo tàng TP.HCM ở số 65 Lý Tự Trọng, quận 1). Riêng Dinh Phó tổng thống, thời Pháp là một biệt thự tư nhân (169 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3) chuyển thành Nhà Thiếu nhi Thành phố.
Ở Bến Tre, Dinh Tỉnh trưởng bề thế 100 tuổi đời, xếp hạng di tích quốc gia, chuyển qua làm bảo tàng địa phương. Tại Đà Lạt, các dinh thự của vua Bảo Đại và các chính quyền kế tiếp cũng trở thành địa điểm du lịch đại chúng.
Mặc dầu vậy, đó đây trên cả nước vẫn còn không ít công thự nguy nga chỉ làm nơi “đóng đô” của cơ quan chính quyền, bao gồm các bộ, sở, ban ngành và doanh nghiệp quốc doanh. Ở Hà Nội, có thể kể đến trụ sở Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (số 2 Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm), từng là nhà làm việc của Phủ Thống sứ Bắc kỳ. Vốn dĩ tòa nhà rất khang trang, đặt bên cạnh Dinh Thống sứ, nay là Nhà khách Chính phủ. Cả hai được xây dựng theo phong cách đế chế Pháp vào cuối thế kỷ XIX và đầu XX, nằm đối diện khách sạn huyền thoại Metropole. Ba tòa nhà hợp thành một “góc Paris” hoa lệ ở Hà Nội. Kiến trúc châu Âu cổ điển và không gian cây xanh phía trước các tòa nhà đủ điều kiện làm nên một “phố đi bộ” tuyệt vời.
Gần đó, ở góc phố Ngô Quyền – Tràng Tiền, Bộ Thương mại, nay là Bộ Công Thương, suốt nhiều thập niên, đặt một phần trụ sở tại một tòa nhà ngân hàng xưa với kiểu kiến trúc Art Deco duyên dáng. Ở Hà Nội còn có một số “trường Tây” thời thuộc địa quy mô lớn, kiến trúc thanh nhã nhưng bấy lâu chỉ làm công sở. Chẳng hạn, tại số 60 Trần Phú, quận Ba Đình, có một ngôi trường nữ sinh, với đặc trưng là mái ngói cùng các cửa sổ và cửa ra vào đều sơn đỏ. Sau tháng 10.1954, ngôi trường được trưng dụng làm trụ sở sứ quán Liên Xô, đến năm 1995 mới chuyển thành trụ sở Bộ Tư pháp.
Một tòa nhà đẹp khác, từng là trường học, tại số 18 Nguyễn Du, quận Hoàn Kiếm, hiện là trụ sở Bộ Thông tin và Truyền thông. Giá như những công sở nói trên có thêm công năng bảo tàng, nhà lưu niệm và nơi sinh hoạt văn hóa – nghệ thuật thì công chúng sẽ thấy gần gũi và thân thiện hơn nhiều.
Trong khi đó, TP.HCM cũng có không ít công thự là kiến trúc có giá trị lịch sử hoặc nghệ thuật chưa được nâng niu đúng cách. Nổi bật là tòa nhà hình chữ U – hơn 160 tuổi, từng là Dinh Thượng thơ – cơ quan quản trị hành chính của Nam kỳ, ở số 59-61 Lý Tự Trọng, quận 1. Vào năm 2018, tòa nhà “xém” bị đập bỏ, may nhờ dư luận xã hội lên tiếng mạnh mẽ nên được cứu giữ. Hiện tòa nhà có đến hai cơ quan chủ quản là Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công Thương. Chính quyền thành phố dự kiến bảo tồn nơi đây là nhà truyền thống công vụ nhưng chưa rõ bao giờ thực hiện. Cùng tại quận 1, ở số 15 Lê Duẩn có một tòa nhà rất hùng vĩ, hiện là trụ sở của Tổng Công ty Petrolimex. Tòa nhà là công trình tráng lệ với kiểu kiến trúc kết hợp Âu Mỹ, ra đời những năm 1930. Nơi đây rất nên chuyển thành một tụ điểm cho những người yêu nghệ thuật và sáng tạo.
Đã đến lúc những công thự quý hiếm kể trên cần mở cửa và mở thêm công năng mới, góp phần làm “trường học” và “vườn ươm” ý tưởng về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật và ngay cả quản trị cho đông đảo người dân, nhất là với giới trẻ. Đó là di sản nhân văn và khoa học của các thế hệ đi trước cần được học hỏi và khai thác hiệu quả.
Thiết nghĩ, các Luật Di sản Văn hóa, Luật Kiến trúc, Luật Quy hoạch Đô thị và Luật Tài sản công cần sớm bổ sung các điều khoản liên quan việc điều hành các công thự về mặt lịch sử và văn hóa. Song trước nhất, những người đang quản trị các công thự không những cần có ý thức tôn trọng tiền chủ – tiền nhân, cố gắng giữ gìn những đường nét, gốc tích hay đẹp mà còn phải làm sao quảng bá lai lịch và ý nghĩa của chúng cho nội bộ và xã hội biết đến. Với những “báu vật của đời” chúng ta đều có trách nhiệm đừng để hoang phí hay xuống cấp, thậm chí phôi pha và hoang phế ngay từ trong tâm khảm!
Theo Phúc Tiến (Người đô thị)
Nhận xét