Khu đô thị mới là một chủ đề quan trọng trong quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa tại Việt Nam hiện nay. Trải qua quá trình hình thành và phát triển hơn 20 năm, những khu đô thị mới được ra đời ngày càng nhiều để đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho nhân dân. Sự ra đời của hệ thống các khu đô thị mới dẫn đến việc hình thành cấu trúc không gian sống khác với truyền thống. Ở bài viết này, chúng tôi nhìn tìm hiểu cấu trúc không gian đời sống của một khu đô thị mới ven đô qua đó thấy được tính chất khác biệt so với truyền thống từ góc độ chợ
Không gian chợ truyền thống
Trước đây, từ nông thôn đến thành thị, người Việt tổ chức đời sống theo chiều ngang (horizontal living), nhà cửa và các cơ sở hạ tầng khác thường cấu trúc thấp, thường trên một mặt phẳng, đa số là một tầng. Với chiều hướng kiến trúc không gian như vậy, đời sống sinh hoạt của con người cũng được diễn ra theo chiều ngang từ nhà nọ sang nhà kia, xóm nọ sang xóm kia, thôn trong, thôn giữa, thôn ngoài…Do không gian đời sống được định vị theo chiều ngang nên mọi tương tác xã hội của người dân cũng diễn ra theo chiều ngang. Đặc biệt, tổ chức không gian chợ, là không gian công cộng mang đậm nét sinh hoạt truyền thống của người Việt. Trong cuốn “Sống đời của chợ”, Nguyễn Mạnh Tiến (2017) cho rằng: Chợ Việt sinh ra từ căn tính của người Việt và dĩ nhiên cũng là nơi trình ra một cách rõ nét nhất căn tính Việt. Chợ chính là không gian văn hóa, hội hè làng mạc và bảo tồn nghệ thuật dân gian. Người ta đến với chợ không chỉ để mua bán, kiếm lời mà còn để tìm kiếm niềm vui. Chợ vì thế mang không khí của hội, hội chợ là vì thế. Chợ quê xưa là nơi diễn xướng, nơi diễn ra các trò chơi dân gian, hát đối đáp, diễn tuồng, hát xẩm… Chợ cũng chính là nơi bảo tồn và phát triển nghệ thuật dân gian. Mọi sinh hoạt ở chợ trong truyền thống được diễn ra theo chiều ngang (horizontal living).
Khi xây dựng những khu đô thị mới (KĐTM), các dịch vụ công cộng thương mại được đẩy mạnh hơn, một mặt tăng tính tiện nghi, thỏa mãn các nhu cầu của cư dân trong một xã hội tiêu dùng, mặt khác đem lại nhưng nguồn thu cho chủ dự án từ việc khai thác và quản lí các dịch vụ này trong quá trình vận hành KĐTM. Chính mục đích thứ hai này đã làm cho một loại hình công trình thương mại truyền thống, đó là chợ, bị loại khỏi danh sách các công trình dịch vụ công cộng của KĐTM. Với lý do: Chợ khó quản lý, mất vệ sinh trong một môi trường hướng tới mỹ từ: “Văn minh Hiện đại”, ban quản lý dự án các khu đô thị đều muốn thay thế mô hình mua bán truyền thống này bằng những phong cách hiện đại hơn thông qua hệ thống siêu thị hay các cửa hàng. Tuy nhiên, trong quan niệm của người Việt Nam, chợ nếu quản lý tốt thì vẫn đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống đô thị mà các hình thức thương mại hiện đại khó thay thế được. Geertman Stephanie (2011) đã tổng kết những ưu thế của chợ như sau:
- Chợ hỗ trợ các mối quan hệ xã hội trong khu dân cư (tạo ra các mối quan hệ thân thiết nảy sinh từ những cuộc nói chuyện hàng ngày, vượt lên trên sự trao đổi bình thường giữa người bán và người mua);
- Chợ hỗ trợ cho sự thoải mái về tinh thần (Một không gian công cộng thể hiện sự sôi động của đời sống đô thị);
- Chợ hỗ trợ chế độ dinh dưỡng tốt (Người tiêu dùng sử dụng trực tiếp thực phẩm không qua các giai đoạn chế biến bảo quản);
- Chợ cung cấp thực phẩm có lợi cho sức khỏe với giá rẻ (tạo cơ hội mua các sản phẩm có mức giá rẻ hơn thông qua việc mặc cả giữa người bán và người mua);
- Chợ củng cố bản sắc và văn hóa địa phương (được coi là một trong những tài sản quan trọng đóng vai trò chính trong bản sắc của các khu dân cư và trong văn hóa ẩm thực địa phương);
- Chợ hỗ trợ nền kinh tế địa phương (chợ được hưởng lợi từ một mạng lưới các cửa hàng hoạt động tốt ở xung quanh, và đồng thời các cửa hàng cũng được hưởng lợi từ một khu chợ hoạt động tốt);
- Chợ hỗ trợ các mối liên hệ giữa thành thị và nông thôn (là một trong những thành phần chính kết nối nền kinh tế đô thị và nông thôn, nội thành và ngoại thành của các TP Việt Nam) (theo Trần Minh Tùng 2016, tr: 201-202).
Trước những thói quen mua bán của cư dân, một số chủ dự án đã phải đồng ý tích hợp thêm chợ vào không gian KĐTM hoặc kết hợp với chính quyền địa phương sở tại mở rộng phạm vi ảnh hưởng của các chợ hiện hữu trong các khu dân cư láng giềng để hỗ trợ nhu cầu thiết yếu của người dân. Tuy nhiên, với những KĐTM cao cấp thì chợ không có chỗ đứng trong quan niệm phát triển của các chủ dự án nơi đây. Chính vì vậy mà người dân đã thích ứng với cuộc sống ở không gian mới này với nhiều hình thức khác nhau trong đó có chợ theo “chiều thẳng đứng”
Chợ theo “chiều thẳng đứng”
Ngày nay, trước xu thế đô thị hóa, đặc biệt là tại các khu đô thị mới, mật độ dân cư ngày càng đông đúc thì không gian sống dường như bị “nén” lại. Bên cạnh việc thiết kế kiến trúc theo kiểu chiều ngang truyền thống thì người dân hướng tới kiến trúc không gian đô thị theo chiều thẳng đứng cùng với độ cao của ngôi nhà, tòa nhà mình sinh sống. “Vertical living” (đời sống theo chiều thẳng đứng) ra đời trong bối cảnh đô thị hóa hiện nay. Theo đó “vertical living” không chỉ là mở rộng phát triển đô thị theo chiều rộng mà là xây dựng hướng lên trên. Một phần cơ bản của khái niệm này là sự tích hợp của các lĩnh vực xã hội. Theo GS.TS Phạm Hồng Tung – Trưởng nhóm Nghiên cứu mảng Khu vực học của Khoa Việt Nam học và phát triển, ĐH Quốc gia Hà Nội thì đời sống đô thị hiện nay có ba vấn đề chính được tập trung nghiên cứu: 1) Xu hướng phát triển đô thị mới; 2) Vertical Living (đời sống theo chiều thẳng đứng; 3) Urban Area Studies (Nghiên cứu khu vực đô thị), trong đó “Vertical Living” được đề cập trong nghiên cứu không đơn thuần là tổ chức không gian đô thị mà còn khơi đến những mạch nguồn của đời sống văn hoá đô thị hiện đại. Tuy nhiên, thực tế cho thấy sự phát triển của đô thị hiện đại đã đặt ra nhiều vấn đề đáng lưu tâm, đặc biệt là vấn đề đời sống đô thị như một luận điểm quan trọng như “đời sống chiều thẳng đứng”. Thực tế, trên thế giới “Vertical Living” đã trở thành một trong số 162 chỉ dấu (indicator) của TP đổi mới sáng tạo (Innovation Cities). Trong đối sánh với đời sống chiều thẳng đứng hiện nay, các không gian sống trước đây chủ yếu chỉ được định vị theo chiều hướng ngang. Hiện nay ở các khu đô thị mật độ dân cư và mật độ hoạt động sống ngày càng trở nên dày đặc (densified) hơn, sâu sắc (intensive) hơn và đa diện (multifaced) hơn thì các không gian sống ngày càng bị nén lại – theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Và do đó, bên cạnh bề rộng và chiều hướng ngang theo kiểu truyền thống, người ta phải khai thác cả chiều thẳng đứng của không gian đô thị. “Vertical living” cũng được đề cập đến trong cuốn sách của hai KTS nổi tiếng Kenneth King và Kellogg Wong cùng các cộng sự năm 2013 có tên là “Vertical City: Design for Sustainable Living” (Thành phố thẳng đứng: Giải pháp cho cuộc sống bền vững). Cuốn sách dày hơn 600 trang mang đến cái nhìn về một tương lai bền vững từ những thành phố thẳng đứng (Vertical City) – đích đến cho cuộc sống đô thị trong tương lai gần. Bằng cách xây dựng các TP thẳng đứng, chúng ta có thể tiết kiệm năng lượng, giải quyết được những vấn đề của đô thị, hỗ trợ giải quyết vấn đề tăng dân số…
Trở lại vấn đề chợ trong các KĐTM hiện nay, phần lớn chợ truyền thống không tồn tại. Thay vào đó là các siêu thị, cửa hàng tiện ích nằm ở tầng trệt của các khu chung cư. “Chợ online” của các chung cư cũng là một hình thức khác của chợ được diễn ra vô cùng sôi động. Tuy nhiên ở bài viết này, quan tâm đến một loại hình “chợ” khác được diễn biến theo “chiều thẳng đứng” đúng theo nghĩa đen và nghĩa bóng. “Chợ” này thường xuất hiện tại các khu đô thị thu nhập thấp hoặc khu tái định cư. Đó là các cửa hàng bán hàng tồn tại ngay trong một số căn hộ của mỗi tòa nhà. Khi thiết lập cuộc sống mới sau khi thay đổi chỗ ở, người dân thường có xu hướng mang cuộc sống cũ và phương cách kiếm sống cũ đến nơi ở mới mặc dù là hai bối cảnh khác nhau. Trong cuộc sống thường nhật, mọi người thường sinh hoạt buôn bán theo chiều ngang, theo những con đường lối xóm. Không ít người dân chuyển đến sinh sống trong các căn hộ chung cư cao tầng đã biến các tòa nhà thành những “phố phường theo chiều thẳng đứng” với các hoạt động thương mại cung ứng tại chỗ tại các tầng nhà mình. Các dịch vụ cũng đa dạng không kém gì ở chợ từ hàng thực phẩm khô, bánh kẹo, hoa quả, cắt tóc, gội đầu, sim thẻ điện thoại, cắt may, sửa chữa quần áo… Một số thì dán biển hiệu ngay trước cửa nhà mình, một số khác thì treo biển ngoài ban công, cửa sổ nhằm thu hút khách hơn. Hoạt động mua bán tại nhà cũng sôi nổi hơn nhờ có ứng dụng của mạng xã hội (facebook, zalo). Chỉ cần đăng bài, tên sản phẩm, địa chỉ nhà, người mua, người bán có thể kết nối với nhau thuận tiện. Việc mua bán tại các tầng đem lại sự tiện dụng, giá rẻ (vì không mất phí thuê cửa hàng), vừa giải quyết trước mắt là cải thiện thu nhập của những người chưa có công ăn việc làm, ổn định cuộc sống tái định cư. Chị H (quê Ninh Bình), bán hàng mĩ phẩm, giày dép Thái Lan, ở khu đô thị Sài Đồng, Long Biên cho biết: “Ban đầu, chỉ định bán hàng trong thời gian nuôi con nhỏ, sau đó, thấy hàng bán khá ổn định, khách hàng trong khu ngày càng tăng, nên không đi làm công nhân nữa mà ở nhà bán hàng. Do không tốn tiền thuê mặt bằng, không phải nộp bất kỳ khoản phí nào, cho nên các mặt hàng bán tại nhà thường có giá mềm hơn so với các cửa hàng trên phố, thu hút nhiều khách hàng, chủ yếu là các chị em nhân viên công sở, ít thời gian đi mua sắm. Chị thường post sản phẩm lên facebook của khu đô thị, khách hàng tranh thủ chọn mẫu trên đó và đến nơi mua hàng vào giờ nghỉ trưa hoặc tan tầm, buổi tối”. Có chị kinh doanh quần áo mẹ và bé, một tháng cũng kiếm được cả chục triệu đồng. Chị T (quê Lạng Sơn), nhà ở khu đô thị Đặng Xá, Gia Lâm, căn nhà vỏn vẹn có hơn 60m2 nhưng chị cũng bố trí được 15m2 cho một “kios” quần áo đúng nghĩa. Chị T chia sẻ: “Khách của shop đa phần là chị em trong cùng tòa nhà, trong khu. Em lấy được hàng giá gốc, không phải qua trung gian, giá cả phải chăng nên các mẹ rất thích. Các mẹ thường đến buổi tối là lúc cơm nước đã xong xuôi, vừa là tranh thủ đi tập thể dục. Mỗi tháng, tiền hàng ra vào cũng lên tới cả chục triệu”. Bên cạnh đó, cũng có nhiều ông bà già, không có ý định kinh doanh, nhưng vì con cái đi làm cả ngày, cháu thì đi học, ở nhà buồn thì mở cửa hàng tạp hóa cho vui, lại có người nói chuyện. Nhiều người cũng cho rằng nếu mở cửa hàng nhỏ thì không ảnh hưởng gì lớn đến xung quanh, lại tiện lợi mỗi khi thiếu đồ lặt vặt, không thể đi ra chợ ngay. Theo qui định thì việc mở cửa hàng kinh doanh ở khu chung cư là cũng không được phép nhưng nhiều gia đình vẫn tận dụng để kinh doanh. Con người ở hoàn cảnh nào thì thích nghi, thích ứng với hoàn cảnh ấy sao cho đảm bảo nhu cầu cuộc sống mưu sinh của mình. Chợ ở KĐTM, dù là theo chiều ngang hay chiều dọc vẫn tồn tại cho dù vi phạm nguyên tắc. Trong bối cảnh cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, ban quản trị khu đô thị vẫn phải tạm thời chấp nhận những hình thức này. Sẽ đến một lúc, hình thức này sẽ bị xóa bỏ bởi những chế tài cương quyết hơn. Nhưng lúc đó là bao giờ thì không một ai dám chắc. Chợ là một phần cuộc sống của cư dân, nên nó vẫn tồn tại như một thứ văn hóa khó chối bỏ và được làm cho thích nghi ở bất kì không gian nào.
Kết luận
Việc mở rộng không gian sống theo chiều “thẳng đứng” một mặt giải quyết vấn đề hạ tầng đô thị, song cũng bộc lộ nhiều vấn đề khi mà chúng ta lấy tư duy theo chiều ngang để áp dụng vào xây dựng, quy hoạch và tổ chức cuộc sống theo chiều thẳng đứng. Chỉ qua một góc nhìn là chợ, ta đã thấy được phần nào sự bất cập đối lập trong quy hoạch, kiến trúc với nhu cầu thực tiễn của người dân. Các nhà đầu tư, kiến trúc quy hoạch cố gắng để thay đổi, cải tạo lối sống của dân cư thông qua những mô hình cư trú mà họ phác thảo, xây dựng. Trên thực tế thì các tầng lớp cư dân, thường tiếp nhận và sử dụng không gian cư trú theo kiểu của họ, theo nhu cầu và nhiều khi những điều này lại rất khác so với ý định ban đầu của các nhà xây dựng. Như vậy, lối sống ở KĐTM không chỉ phụ thuộc vào những điều kiện vật chất, cơ sở hạ tầng mà còn phụ thuộc chặt chẽ vào những yếu tố văn hóa và cơ cấu xã hội. Sự thay đổi về cấu trúc cũng như không gian sống là xu thế tất yếu trong bối cảnh đô thị hóa và gia tăng dân số như hiện nay. Điều này cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các bên liên quan từ chính quyền, nhà quy hoạch và cả tiếng nói của người dân để tiến tới một đô thị thông minh, bền vững hơn.
*TS. Lê Việt Liên
Viện Nghiên cứu Văn hóa
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 7-2024)
Tài liệu tham khảo
– Kenneth King and Kellogg Wong (2013) – Vertical City: Design for Sustainable Living” (Thành phố thẳng đứng: Giải pháp cho cuộc sống bền vững), Publisher King&Wong 2013;
– Nguyễn Mạnh Tiến (2017) – “Sống đời của chợ” – NXB Hội nhà văn;
– Phạm Hồng Tung (2023) – “Vertical living” và vấn đề tái cấu trúc và tổ chức không gian đô thị hiện nay, Tạp chí Chính trị và phát triển, số 5, 2023, tr 61-64;
– Trần Minh Tùng (2016) – “Khu đô thị mới tại Hà Nội, hai thập kỉ nhìn lại một mô hình” – NXB Xây dựng.
Nhận xét