Ngày 22/10/2024, Diễn đàn và Triển lãm kinh tế xanh năm 2024 (GEFE 2024) do Bộ Công Thương và Hiệp hội Thương mại châu Âu Việt Nam (EuroCham) tổ chức tại Tp Hồ Chí Minh. Tại chương trình, Sika Việt Nam đã chia sẻ nhiều công nghệ và giải pháp nổi bật, được các chuyên gia đánh giá là phù hợp với định hướng chuyển đổi sang nền kinh tế xanh của Việt Nam.
Với chủ đề “Kiến tạo tương lai xanh”, Diễn đàn và Triển lãm kinh tế xanh 2024 đã chia sẻ, tăng trưởng xanh và các tiêu chuẩn bền vững đang là một chủ đề quan trọng trong các chiến lược phát triển kinh tế – xã hội trong tương lai.
Tại sự kiện, Sika Việt Nam đã giới thiệu các giải pháp tiên tiến cho xây dựng các cơ sở hạ tầng. Đây cũng là một trong những nhánh chiến lược của thương hiệu trong việc đáp ứng ưu tiên của Chính phủ hiện nay là xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững. Trong bài trình bày của Sika do ông Đỗ Nguyên Hưng – Giám đốc khu vực miền Trung của Sika Việt Nam chia sẻ, Sika Việt Nam mang đến đa dạng giải pháp về cầu, đường, hầm, cảng hàng không, cảng biển và công trình giao thông công cộng. Nổi bật nhất là với hệ thống màng chống thấm khắc phục những nhược điểm đã tồn tại hàng thập kỷ của phương pháp thi công truyền thống.
Theo ông Phạm Đại Sơn – Quản lý dự án năng lượng của Sika Việt Nam chia sẻ trong bài trình bày Nâng cao hiệu quả năng lượng: Những đóng góp của Sika cho các dự án năng lượng bền vững: Sika Việt Nam đã tận dụng sức mạnh tổng hợp từ thương vụ sáp nhập để cải tiến vữa cường độ cao SikaGrout® đáp ứng đa dạng các loại điện gió như điện gió trên bờ, điện gió gần bờ và điện gió xa bờ. Giải pháp đã ghi nhận những con số xanh nổi bật.
Sika đã cung cấp giải pháp vữa cường độ cao cho 2500 trụ điện gió ngoài khơi trong 72 dự án trên khắp toàn cầu, góp phần tạo nên nguồn năng lượng sạch tương đương 20kW.
Bên cạnh đó, hành trình xanh của Sika Việt Nam không chỉ gói gọn trong việc tạo ra các sản phẩm vượt trội, mà còn phải góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn qua việc tái chế nguyên liệu cũ, chẳng hạn như tái chế bê tông. Vấn đề này đã được đề cập trong Phiên Thảo luận nhóm 4C (Lộ trình phát triển công trình xanh tại Việt Nam), với phần trình bày của ông Jacobo Perez Polaino – Tổng Giám đốc Sika Việt Nam. Thực tế, với sản lượng xi măng tiêu thụ mỗi năm tại Việt Nam xấp xỉ 100 triệu tấn, lượng bê tông cũ từ các công trình xây dựng và phá dỡ ước tính cũng rất lớn.
Cụ thể, Sika đã phát triển một quy trình được cấp bằng sáng chế nhằm nâng cao quy trình tái chế bê tông, sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn. Quy trình sáng tạo này đã vượt qua những thách thức kỹ thuật của các phương pháp tái chế bê tông truyền thống hiện nay.
Nhìn về tương lai xanh ngành xây dựng tại Việt Nam, ông Jacobo Perez Polaino chia sẻ: “Hành trình kiến tạo tương lai xanh là một quá trình lâu dài. Chúng tôi tin rằng, nó phải xuất phát từ việc thấu hiểu nhu cầu và xu hướng phát triển của thị trường để tìm ra một hướng đi đúng đắn cho doanh nghiệp. Tương lai xanh nằm trong những cải tiến mang tính bền vững ở hiện tại”.
Nghiên Dương – TCKT.VN
© Tạp chí Kiến trúc
Nhận xét