Tóm tắt

Biến đổi khí hậu (BĐKH) là một vấn đề đang diễn biến phức tạp và sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến Việt Nam trong nhiều năm tới. TP Hồ Chí Minh (TP.HCM), với vai trò đô thị với hệ thông sông ngòi và kênh rạch dày đặc, sẽ chịu tác động lớn nếu yếu tố bền vững của khu vực ven sông không được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, hiện nay, các khu vực cảnh quan ven sông chưa được để ý đúng mức dẫn đến vấn đề ô nhiễm và mất mỹ quan còn tồn tại nhiều trong TP. Mục tiêu của nghiên cứu này là (i) phân tích các giải pháp giảm thiểu các-bon, chứng chỉ cảnh quan xanh và tổng hợp các tiêu chí đánh giá cảnh quan xanh; (ii) đánh giá thực trạng công viên ven sông (CVVS) ở TP.HCM dựa trên các tiêu chí đã phân tích; và (iii) định hướng giải pháp giảm thiểu các-bon cho CVVS tại TP.HCM. Nội dung về các chứng chỉ xanh được thu thập từ trang thông tin chính thức và dữ liệu công viên được thu thập từ thực địa và đối chiếu chéo để tăng tính chính xác của thông tin.

Từ khóa: Giảm thiểu các-bon, Cảnh quan bền vững, Công viên ven sông, Công trình xanh.

Tổng quan

Năm 2023, tại Hội nghị COP27, Việt Nam đã cùng 147 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 [1]. Trong đó, TP.HCM là trung tâm kinh tế – chính trị của cả nước nhưng cũng được dự báo đối mặt với BĐKH tại các khu vực ven sông [2]. TP.HCM sở hữu hệ thống sông và các kênh rạch trù phú. Trong đó, không gian cảnh quan ven sông ở trung tâm có tiềm năng lớn, không chỉ là bộ mặt của đô thị sông nước mà còn có diện tích ven sông lớn để bảo tồn, phát triển hệ sinh thái và thúc đẩy không gian công cộng cho cư dân. Tuy nhiên, trên thực tế, các tiềm năng này chưa được khai thác để hướng tới mục tiêu phát thải ròng về “0” mà chỉ đang dừng lại ở mức công viên tiện ích thông thường.

CVVS được định nghĩa là không gian công cộng nằm dọc theo bờ sông ngòi hoặc kênh rạch, phục vụ nhu cầu giải trí và giao lưu văn hóa của người dân [3]. Bên cạnh những hoạt động xã hội, CVVS còn sở hữu dịch vụ ven sông như vận tải và du lịch đường sông. Trên thực tế, CVVS cũng là khu vực bảo tồn môi trường tự nhiên hiện hữu cùng với phòng chống sạt lở ven bờ.

Trong tiến trình phát triển của đô thị, khi hệ thống đường bộ chưa được xuất hiện nhiều, các khu vực ven sông đóng vai trò là điểm lưu thông hàng hóa theo đường thủy bên trong TP và trở thành những khu công nghiệp thuận tiện trong vận chuyển tài nguyên và hàng hóa. Cùng với đó, các khu dân cư được hình thành gần các điểm giao thương dọc theo bờ sông và kênh rạch. Khi vận tải đường bộ phát triển, các khu công nghiệp ven sông ít được chú ý hơn do lợi ích kinh tế thấp hơn, các khu vực này dần bị bỏ hoang hoặc cải tạo theo hướng phát triển của đô thị. Sau thời kỳ công nghiệp, chính quyền các TP chú ý hơn về việc thay đổi diện mạo đô thị và tiến hành cải tạo các khu vực ven sông từ những nhà máy công nghiệp và bến tàu trở thành những không gian công cộng [4]. Từ khu vực có lợi ích kinh tế xuất phát từ các hoạt động sản xuất công nghiệp và giao thương, các khu vực ven bờ xuất hiện các CVVS với hệ thống dịch vụ phát triển và gần như miễn phí cho mọi người dân. Trong khi ở một vài nơi, sự phát triển hài hòa giữa công nghiệp đường thủy và không gian công viên vẫn được chú trọng, điển hình như ở Miami, Florida, Portland, Oregon (Mỹ), các công trình ven sông và CVVS trở thành trọng tâm trong các chính sách phát triển đô thị ven sông của các đô thị khác nhau trên thế giới [5,6]. Các dự án đáng chú ý gồm có với con đường đi bộ và đạp xe xung quanh đảo Manhattan, TP New York, kết nối các CVVS lớn tạo nên khu vực cộng đồng cho cư dân địa phương và toàn TP [7]; khu dân cư Circular Quay kết nối Nhà hát Sydney với di sản The Rocks tiếp cận dễ dàng với các trạm dừng giao thông công cộng như xe buýt, tàu điện, phà [6]; khu vực ven sông Hoàng Phố ở Thượng Hải, Trung Quốc trở thành các khu vực đi bộ phân biệt với đường đạp xe và các cây cầu kết nối các quảng trường ven sông [8]. Bên cạnh đó, pháp luật về môi trường của các quốc gia cũng hướng đến nâng cao chất lượng nước sông chứng tỏ bởi hoạt động vui chơi dưới nước ở một số đoạn sông Seine và Rhine, và bảo tồn hệ sinh thái bằng việc sử dụng hạ tầng mềm cùng phát triển du lịch ở Evrotas, Sparta, Hy Lạp [9,10]. Hơn nữa, một loại hình đô thị tận dụng hạ tầng xanh để giải quyết vấn đề thoát nước hay còn gọi là TP bọt biển cũng đang được phát triển dựa vào mặt nước và bờ sông có khả năng hấp thu nước từ trong đô thị [11].

Tại Việt Nam, các khu vực ven sông là nơi tập trung các hoạt động giao thương trong lịch sử. Sau thời kỳ công nghiệp với các khu cảng dần ít được sử dụng, các TP bắt đầu phát triển dân cư và các khu công viên dọc bờ sông phục vụ người dân. Các khu vực bờ sông đều được phát triển dựa trên những mô hình đang được thực hiện trên thế giới.

TP.HCM có hệ thống sông Sài Gòn (SG) và sông Đồng Nai với kênh rạch chằng chịt. Trong quá trình hình thành tuyến phố ven sông, khi những bước chân đầu tiên của lưu dân Việt từ miền Trung và miền Bắc đổ về khai phá thì đây là miền đất hoang vu bên bờ Tây sông Bến Nghé. Sau đó, điểm trụ cư được dần hình thành và phát triển, dân cư tập trung ngày càng đông đúc. Họ bám theo các cung đường ven sông để buôn bán, sản xuất các hàng thủ công mỹ nghệ, tạo nên cảnh tấp nập trên bến dưới thuyền. Cứ thế, những con đường ven sông lớn dần và thay đổi theo thời gian. Khi Pháp đổ bộ và bắt đầu công cuộc quy hoạch đô thị kiểu phương Tây, lấy sông làm chuẩn kẻ các đường ô bàn cờ cùng với việc san lấp một số kênh rạch chằng chịt, khu trung tâm ngày nay đã được hình thành. Các tuyến phố ven sông được phân chia thành các chức năng quảng trường, khách sạn, công viên trong đó con đường xưa nhất và tiêu biểu nhất của SG là đường Tôn Đức Thắng. Ngày nay, khi cơ sở hạ tầng dần phát triển hiện đại hơn, việc truyền tải những giá trị mới và cũ ở TP.HCM dần được xuất hiện qua những chiếc cầu, bằng cách phát triển các trục không gian đi bộ liên kết chặt chẽ với không gian quảng trường và hồ nước rộng lớn ở trung tâm, kết nối với các khu vực chức năng tạo nên không gian mở đa dạng. Trục giao thông đi bộ giờ đây như một mối nối sinh động giữa trung tâm đô thị cũ và không gian đô thị mới hay đô thị Thủ Thiêm. Đây chính là cơ hội để nhấn mạnh bản sắc sự khác biệt tổng thể lõi trung tâm TP so với các đô thị khác trong nước và trên thế giới [12].

Chính quyền TP.HCM đang thực hiện đề án “Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông TP.HCM giai đoạn 2020-2045″. Kế hoạch đề ra các nội dung thực hiện gồm (i) rà soát quy hoạch dọc sông SG; (ii) đề xuất ý tưởng quy hoạch cho hành lang sông SG; (iii) tích hợp phân vùng không gian, tham gia có ý kiến vào các đề án ngành, lĩnh vực có liên quan; (iv) đề xuất lộ trình phát triển áp dụng vào nghiên cứu vào công tác lập quy hoạch chung TP [12]. Trong hội thảo phát triển không gian chức năng dọc hành lang sông SG theo kinh nghiệm của Pháp về sông Seine, Viện Quy hoạch vùng Paris cũng đề xuất hướng phát triển các khu vực bờ sông dựa vào những đặc trưng và phương hướng phát triển đô thị của TP với 4 phân khu. Các định hướng quy hoạch ven sông SG, sông Đồng Nai đều có mục tiêu khai thác tiềm lực kinh tế ven sông, bảo vệ môi trường, sinh thái, an ninh nguồn nước. Nghiên cứu quy hoạch phát triển hành lang sông SG cần kết nối đồng bộ, toàn diện hệ thống hạ tầng kỹ thuật với các tỉnh [13]. Còn ở từng khu vực, việc thúc đẩy các hoạt động văn hóa, thương mại và bảo tồn sinh thái ở các CVVS được chú trọng cũng như kết nối các công viên thành một hành lang liên tục với các hạ tầng mềm [9]. Hiện tại, phương hướng phát triển các không gian công cộng dọc theo bờ sông và kênh rạch của TP vẫn chưa rõ ràng khi chỉ có vài dự án được chính quyền đầu tư và đa số các CVVS vẫn do các doanh nghiệp và khu phố thực hiện.

Việc thiết kế cảnh quan yêu cầu xem xét các tiêu chuẩn của chính quyền và các yếu tố trong khu vực. Các yếu tố đó bao gồm an toàn thiên tai, bồi lấp đất, kiểm soát nước mưa, sắp xếp các mạng lưới giao thông, xây dựng các kết cấu như tường, lối đi, hàng rào, hay cầu đi bộ, trồng và chăm sóc thực vật, lắp đặt các tiện ích như hồ bơi, đài phun nước, hay đèn chiếu sáng, và sử dụng các vật liệu trong quá trình thi công cảnh quan [14]. Có thể phân chia các yếu tố chính trong thiết kế cảnh quan nói chung và cảnh quan ven sông bền vững nói riêng thành 4 nhóm, gồm (i) vật liệu; (ii) nước; (iii) hệ đất-sinh vật; và (iv) hạ tầng dịch vụ (Hình 1).

Nghiên cứu này nhằm phân tích các chứng chỉ về đánh giá giảm thiểu các-bon cho công trình kiến trúc và không gian ngoài trời thông qua các yếu tố đã nêu. Từ cơ sở đó, các tiêu chí đánh giá cảnh quan bền vững sẽ được đưa ra. Tiếp theo, dựa trên các tiêu chí đó, thực trạng CVVS tại TP.HCM được đánh giá. Cuối cùng, các giải pháp giảm thiểu các-bon cho CVVS tại TP.HCM được định hướng.

Các chứng chỉ về đánh giá giảm thiểu các-bon cho công trình kiến trúc và không gian ngoài trời

Đối với mục tiêu giảm thiểu và tăng cường lưu trữ các-bon trong cảnh quan, việc áp dụng các kỹ thuật và cơ sở hạ tầng có thể được cân nhắc và sử dụng. Các giải pháp giảm thiểu các-bon sinh ra trong quá trình sản xuất, vận chuyển, sử dụng vật liệu và quá trình thi công các dự án cảnh quan cần được tính đến ngay từ bước thiết kế. Theo chu trình các-bon, cảnh quan với nhân tố chính là môi trường đất và sinh vật có thể được tận dụng để cô lập các-bon thông qua các hoạt động sinh thái. Quá trình này dựa vào tự nhiên bao gồm việc thu hồi và lưu trữ các-bon bằng sự trao đổi chất và hoạt động của các sinh vật. Các tiêu chí chung của công trình xanh mà có thể áp dụng cho cảnh quan là lựa chọn vật liệu xanh, tăng cường mảng xanh, tối thiểu hóa diện tích bê tông, tái sử dụng nước, trồng các loài cây địa phương hoặc cây ít cần chăm sóc… Những hạng mục này có thể giúp công trình đạt đến mục tiêu giảm thiểu các-bon tự thân (embodied carbon) và các-bon vận hành (operational carbon). Việc tận dụng cảnh quan như một nơi lưu trữ các-bon thông qua hoạt động quang hợp của các loài thực vật và sinh vật trong đất cũng cho thấy việc duy trì hệ đất khỏe mạnh và hệ sinh vật đa dạng với khả năng loại bỏ các-bon trong khí quyển cũng rất quan trọng. Bộ khung giải pháp và chứng chỉ đánh giá tính giảm thiểu các-bon và tính bền vững của cảnh quan có thể coi như công cụ để áp dụng vào công trình thực tế.

Bộ Công cụ Thiết kế Khí hậu (Climate Design Toolkit – CDT) của Tổ chức Thiết kế Tích cực với Khí hậu (Climate Posititve Design – CPD) chứa đầy đủ các đề xuất liên quan đến 4 yếu tố của cảnh quan bền vững gồm vật liệu, nước, hệ đất-sinh vật và hạ tầng dịch vụ (Hình 1), kèm theo giải thích rõ ràng các mục tiêu hướng đến giảm thiểu các-bon trong cảnh quan. Trong khi đó, chứng chỉ cảnh quan bền vững SITES được phát triển bởi Hội KTS cảnh quan Hoa Kỳ, Lady Bird Johnson Wildflower Center, và Vườn Bách thảo Hoa Kỳ với các nhà tài trợ gồm Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ (USGBC) và Công ty Chứng nhận Kinh doanh Xanh (Green Business Certification Inc – GBCI). Kết hợp công cụ CDT và chứng chỉ SITES, một bộ khung tiêu chí đánh giá cảnh quan giảm thiểu các-bon bền vững có thể được đưa ra [12]. Trong bài báo này, bộ công cụ CDT và chứng chỉ SITES sẽ được đánh giá và áp dụng để đưa ra các giải pháp giảm thiểu các-bon cho CVVS tại TP.HCM.

Các yếu tố chính trong thiết kế cảnh quan ven sông bền vững
(Nguồn: Tác giả)

CPD có mục tiêu là tác động tích cực đến các cuộc khủng hoảng khí hậu và đa dạng sinh học trong môi trường tự nhiên và xây dựng bên ngoài thông qua vận động chính sách, giáo dục và thiết kế. Đây là tổ chức được thành lập bởi Pamela Conrad cùng với sự đồng hành của các công ty thiết kế kiến trúc bao gồm Architecture 2030, CMG Landscape Architecture, Sasaki,… Tổ chức này đã cho ra mắt bộ công cụ CDT gồm các giải pháp giảm thiểu các-bon, chống chịu với BĐKH, cơ hội công bằng trong sử dụng và giáo dục nhằm hướng đến một tương lai cho môi trường bền vững, đáng sống và giảm dấu chân các-bon (carbon footprint). Trong đó có đề cập tới hướng dẫn các ứng dụng để giảm thiểu các-bon hiện hữu và các-bon vận hành, tối ưu lưu trữ các-bon vào trong cảnh quan và tăng cường tính kết nối không gian tới khu vực lân cận. Kết hợp với bộ hướng dẫn, CPD còn ra mắt ứng dụng “Pathfinder” để có thể tính toán lượng các-bon hiện hữu, các-bon vận hành và khả năng dự án có thể cô lập và lưu trữ các-bon nhiều hơn mức thải ra.

GBCI đã đưa ra chứng chỉ SITES nhằm đánh giá một không gian ngoài trời mang tính bền vững. Đây là hệ thống đánh giá toàn diện của GBCI để phát triển cảnh quan bền vững của dự án trong quá trình quy hoạch, thiết kế, xây dựng và quản lý cảnh quan cũng như các không gian ngoài trời khác. Có tổng cộng 10 tiêu chí, từ giai đoạn đánh giá khu đất đến đánh giá thiết kế cho tới đánh giá xây dựng và vận hành, bao gồm (i) bối cảnh khu đất; (ii) tiền thiết kế (đánh giá và hoạch định); (iii) thiết kế yếu tố nước; (iv) thiết kế hệ đất – sinh vật; (v) lựa chọn vật liệu; (vi) thiết kế sức khỏe và phúc lợi; (vii) thi công; (viii) vận hành và bảo trì; (ix) giáo dục và giám sát hoạt động; và (x) sáng tạo và xuất sắc trong hoạt động. Trong đó, có 4 tiêu chí của SITES dùng để đánh giá khung thiết kế, đó là thực vật, nước, vật liệu, sức khỏe và phúc lợi. Tuy nhiên, so với CDT, SITES không đi sâu vào các hành động cụ thể để giảm hoặc lưu trữ các-bon trong khi CDT cụ thể hơn và có hướng dẫn hướng tới ứng phó BĐKH. Bên cạnh đó, các chứng chỉ công trình xanh phổ biến khác như LEED, BREAM, FITWEL… đều không chứa thông tin đầy đủ để ứng dụng tăng cường hấp thu các-bon vào trong môi trường cảnh quan [15]. Có thể nói, SITES là công cụ toàn diện để đánh giá tính bền vững của một dự án cảnh quan kiến trúc ngoài trời, tuy nhiên nên kết hợp SITES với CDT và phần mềm Pathfinder để tập trung tối ưu việc giảm và lưu trữ các-bon.

Một số CVVS được xem là điển hình (trên thế giới và tại Việt Nam) sẽ được phân tích theo các tiêu chí của các khung đánh giá vừa nêu. Đó là Công viên Chicago Navy Pier (Chicago, Mỹ), Công viên Xuhui Runway Park (Thượng Hải, Trung Quốc), Công viên Scenic Hudson Long Dock (New York, Mỹ) và Công viên Diamond Lotus Riverside (DLRS) tại TP.HCM (Bảng 1). Trong đó, ngoài DLRS được làm theo tiêu chuẩn LEED và LOTUS, ba công viên còn lại đều đạt chứng nhận SITES Gold. Các CVVS điển hình này được đánh giá dựa trên các yếu tố của kiến trúc cảnh quan ven sông bền vững cùng với tiêu chuẩn giảm thiểu các-bon. Từ các phân tích, bộ tiêu chí đánh giá phù hợp với cảnh quan CVVS tại nhiều khu vực, đặc biệt là TP.HCM sẽ được đề xuất.

Bảng 1. Phân tích các CVVS điển hình theo 4 yếu tố cảnh quan hướng tới giảm thiểu các-bon (Nguồn: Tác giả)

Hiện nay, tại các CVVS, phần lớn lượng các-bon thải ra từ cảnh quan đến từ vật liệu chưa được áp dụng hợp lý trong khi cảnh quan có một tiềm năng rất lớn để có thể lưu trữ các-bon thông qua đất, thực vật và cây [16]. Để giảm thiểu các-bon, có thể bằng 3 cách khác nhau, Thứ nhất là tập trung giảm các-bon tự thân từ giai đoạn thiết kế và xây dựng. Thứ hai là giảm thiểu các-bon trong quá trình vận hành. Thứ ba là tăng cường lưu trữ các-bon trong môi trường sinh thái. Ngoài việc cần quan tâm đến các-bon, công viên cũng cần được thiết kế để hướng tới cộng đồng, ví dụ như tăng cường không gian đi bộ, đi xe đạp, kết nối khu vực lân cận [17]. Khả năng lưu trữ các-bon trong kiến trúc cảnh quan là vô cùng quan trọng. Nó có thể hấp thu và lưu trữ phần các-bon mà từ chính hạ tầng cứng thải ra và từ các công trình lân cận. Từ đó, cây xanh là một trong những yếu tố quan trọng để góp phần giảm thiểu các-bon. Bên cạnh đó, còn nhiều yếu tố khác cũng cần được quan tâm như vận hành thông minh, giảm thiểu năng lượng và thúc đẩy sức khoẻ và tiện nghi. Bảng 2 thể hiện các tiêu chí đề xuất để đánh giá giảm thiểu các-bon trong CVVS tại TP.HCM.

Bảng 2. Tiêu chí đề xuất để đánh giá giảm thiểu các-bon trong
CVVS tại TP.HCM (Nguồn: Tác giả)

Thực trạng kiến trúc cảnh quan ven sông tại TP. HCM

Chế độ thủy văn của TP.HCM chịu ảnh hưởng chủ yếu của sông Đồng Nai, Sài Gòn và Vàm Cỏ. Sông Đồng Nai có hướng chảy chính là Đông Bắc – Tây Nam, đoạn trung lưu có nhiều nhánh lớn đổ vào. Ở phần hạ lưu sông được gia tăng lượng nước bởi các phụ lưu Sông Bé, sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ. Dòng chính có tổng chiều dài từ thượng lưu đến cửa là 628km. Lòng sông không sâu so với các sông khác, độ sâu trung bình 12-15m, dòng chảy trung bình 500 m3/s. Đoạn sông Đồng Nai chảy qua TP.HCM có chiều dài 87km (từ cầu Đồng Nai đến cửa sông Soài Rạp), chiều rộng biến đổi lớn, từ 500-800m ở đoạn trên (cầu Đồng Nai đến Cát Lái), 800- 1.500m ở đoạn giữa (từ Cát Lái đến ngã ba sông Vàm Cỏ) và 2.000-3.000m ở đoạn dưới (ngã ba Vàm Cỏ ra cửa sông), với độ sâu từ 8-15m. Từ mũi Nhà Bè, sông Đồng Nai tỏa ra thành nhiều nhánh tạo nên vùng cửa sông rộng lớn, dày đặc sông rạch. Đoạn sông SG đi qua TP.HCM có chiều dài khoảng 80km (từ xã Phú Mỹ Hưng – H.Củ Chi đến phường Phú Mỹ – Quận 7), chiều rộng trung bình 100- 200m ở đoạn trên (từ xã Phú Mỹ Hưng – H.Củ Chi đến TP.Thủ Dầu Một – Bình Dương) và 200-300m ở đoạn dưới (đoạn cửa sông rộng 400-500m), độ sâu trung bình từ 8-15m [18].

Phân bố CVVS tại TP.HCM
(Nguồn: Tác giả)
Bảng 3. Hệ thống CVVS tại TP.HCM
(Nguồn: Tác giả)

Hệ thống kênh rạch trong khu vực nội thành TP.HCM có tổng chiều dài khoảng 76 km với 5 tiểu lưu vực chính bao gồm hệ thống các kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tân Hóa – Lò Gốm, Tàu Hủ – Kênh Đôi, Kênh Tẻ – Bến Nghé, Tham Luơng – Bến Cát – Vàm Thuật. Theo tính toán, mật độ kênh rạch khu vực các quận nội thành hiện đang ở mức rất thấp và không có lợi cho việc thoát nước. Đáng lưu ý, một số kênh do nạo vét quá sâu nhưng bề rộng mặt cắt bị thu hẹp đến hơn 50%.

Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng (2019), TP.HCM hiện có 369 công viên công cộng và trong số đó, các CVVS không có số liệu thống kê chính thức [19]. Tuy nhiên, các công viên dọc theo bờ sông và kênh rạch có những hoạt động liên quan đến mặt nước có thể được xem là các CVVS. Dựa vào cơ sở dữ liệu trên Google Maps và hệ thống GIS của TP, khoảng 72 CVVS đã được thống kê (Bảng 3, Hình 3) và có thể được phân chia thành 4 loại, bao gồm (i) công viên nhỏ; (ii) công viên địa phương; (iii) công viên cộng đồng; và (iv) công viên bảo tồn. Tỷ lệ của từng loại CVVS được thể hiện trong Hình 4.

Tỷ lệ % các loại CVVS tại TP.HCM                                                                                                                                                 (Nguồn: Tác giả)

Thực trạng công tác quản lý công viên ven sông tại TP.HCM

Hiện tại, TP chưa thể thực hiện các chính sách chỉnh trang CVVS ở nhiều khu vực với tình trạng các khu dự án và công trình xây dựng san lấp hoặc lấn chiếm hành lang bảo vệ dòng sông [20]. Hơn nữa, ven kênh rạch khu Quận 8, các khu nhà trên sông vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc di dời cho người dân do những chính sách quản lý và sự bất cập trong việc xây dựng trước khi những chính sách bảo vệ hành lang ven sông có hiệu lực [21]. Cùng với nguy cơ về lấn chiếm mặt sông, TP cũng cần có các hành động ngăn chặn việc xả thải vào kênh rạch và sông ngòi gây ô nhiễm nguồn nước, làm tổn thương hệ sinh thái sông ngòi và ảnh hưởng đến sinh hoạt của cư dân ven sông [22]. Trong quá trình hoàn thiện các đề án, TP đã quan tâm đến các vấn đề sạt lở bờ sông, vận động người dân hạn chế xả rác và triển khai các công trình xây dựng bờ kè thành công viên cây xanh với dự án chỉnh trang công viên điển hình ở bến Bạch Đằng, Quận 1 vào năm 2021. Không những thế, TP cũng từng bước quy hoạch các khu vực và công trình chống ngập nhưng tình trạng lụt vẫn xuất hiện khi có mưa lớn và triều cường [22, 23].

Tháng 7/2024, UBND TP.HCM ban hành Kế hoạch về việc Triển khai Đề án phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông giai đoạn 2020 – 2025. Trong đó có nêu rõ TP cần nghiên cứu và hoàn thiện cơ chế, quy hoạch nhằm triển khai các dự án đầu tư xây dựng kè bờ sông, hạ tầng xanh đa chức năng cải thiện môi trường đô thị. TP sẽ rà soát quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất dọc sông SG, xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp từ các đề án quản lý để đồng bộ các chủ trương, phương án kết nối đề xuất ý tưởng điều chỉnh quy hoạch phát triển hành lang sông SG. Cùng với đó, TP cũng mong muốn sớm điều chỉnh hoàn thiện phương án xây dựng kè bờ sông và ưu tiên triển khai các hạng mục công trình công cộng như bến bãi đậu tàu thuyền, thương mại dịch vụ, công viên. Song song đó, hợp tác quốc tế được thực hiện để thúc đẩy nghiên cứu quy hoạch và quản lý phát triển, đề xuất các mô hình hạ tầng xanh dọc hành lang sông SG [13]. Nhìn chung, chính sách và đề án phát triển hạ tầng xanh và giảm thiểu các-bon ở khu vực ven sông tại TP.HCM vẫn đang trong quá trình nghiên cứu và phát triển với số lượng hạn chế các CVVS có hướng đến giải pháp xanh.

Thực trạng văn hóa xã hội

Qua khảo sát thực tế các CVVS tại TP.HCM, khu chức năng thường thấy là những đường đi bộ bao lấy các bãi cỏ, bồn trồng cây hoặc bụi hoa ven rìa, các sân trống hoặc sân chơi cho trẻ em, các khu vực nghỉ ngơi có ghế ngồi và mái che. Các không gian này phục vụ hoạt động thể dục, vui chơi, tập trung trò chuyện và nghỉ ngơi của người dân. Ở một vài CVVS được đầu tư như Vinhomes Central Park, hoạt động thưởng thức nghệ thuật ở các quảng trường nhỏ được khuyến kích nhờ việc đặt các tác phẩm nghệ thuật công cộng ở trung tâm. Một số hoạt động liên quan đến mặt nước như bến tàu thủy cũng có thể tìm thấy ở một số CVVS (Hình 5). Những CVVS đặc biệt như Bến Bạch Đằng, với vị trí gần quảng trường Mê Linh và di tích lịch sử cột cờ Thủ Ngữ, cũng có không gian dành cho khách du lịch đến tham quan trong khi đa số các CVVS khác đều chỉ phục vụ nhu cầu của người dân sinh sống trong khu vực.

Tại một vài CVVS, các biểu tượng văn hóa được thể hiện khá rõ qua hình dạng bãi cỏ như các cánh hoa sen của công viên Bến Bạch Đằng hay mô hình hoa Sala lớn ở trên cầu trong khu đô thị Sala (Hình 6). Vào các dịp đặc biệt, dọc kênh Tẻ có xuất hiện thuyền ghe buôn bán hoa và trái cây tái hiện lại hình ảnh văn hóa “trên bến dưới thuyền” và các lễ hội sông nước diễn ra thường niên, thu hút sự quan tâm của nhiều người. Tuy nhiên, những hoạt động trên chưa thể hiện được tính nâng cao nhận thức về hoạt động giảm thiểu dấu chân các-bon và các hành động bảo vệ môi trường chỉ được chú ý khi có các sự kiện dọn dẹp vệ sinh được tổ chức dọc theo CVVS.

Bến thuyền tại công viên Vinhomes Central Park (Nguồn: Tác giả)
Biểu tượng hoa Sala tại CVVS ở Khu đô thị Sala (Nguồn: Tác giả)

Thực trạng kiến trúc cảnh quan

Từ khung tiêu chí trong Bảng 1, thực trạng kiến trúc cảnh quan CVVS tại TP.HCM được phân tích và đánh giá. Kết quả đánh giá này sẽ là cơ sở để đề xuất các giải pháp giảm thiểu các-bon cho CVVS của TP. Về vật liệu, TP.HCM hiện chỉ có một vài công viên như Diamond Lotus Riverside (DLRS) hay Vinhomes Central Park là được chú trọng đến vấn đề này với đa số các công viên không có đầu tư về bê tông xanh, thép sản xuất theo quy trình ít phát thải và vật liệu xây dựng có thành phần tái chế. Các kết cấu trong các công viên thường làm từ kết cấu thép và gỗ với tính minh bạch về nguồn gốc chưa rõ ràng với người sử dụng và cả tính an toàn của các hóa chất được sử dụng trong công viên. Các vật liệu lót đường ở một số khu vực như công viên DLRS có sử dụng bê tông thấm nước với vật liệu sáng màu ngăn hấp thụ nhiệt và lớp sỏi để thoát nước. Theo khảo sát hiện trạng kè bờ sông và kênh nội thành, bờ kè sông SG được chia ra các đoạn từ ngã ba sông đến ranh giới Tây Ninh phần lớn bờ tự nhiên, đoạn từ Củ Chi đến Phú Long có các đoạn bờ tự nhiên bị chia cắt bởi kè cho hoạt động ven sông, đoạn từ cầu Phú Long đến cầu SG có các tường bao bằng cọc ván bê tông ở các bến cảng và khu đô thị, và đoạn từ cầu SG đến Mũi Đèn Đỏ với phần đất ngập nước được bảo tồn và cơ sở hạ tầng ổn định bởi bức tường cọc ván [9].

Về yếu tố nước, đa số các CVVS không tính đến hệ thống thoát nước và xử lý nước tự nhiên và các khu vực ven kênh thường bị ngập do triều cường và mưa lớn. Các bờ cứng cũng góp phần làm trầm trọng hiện tượng lũ lụt đô thị và giảm khu vực sinh sống của sinh vật. Các công viên có hệ thống tưới nước tự động, tuy nhiên tình trạng lãng phí nguồn nước dành cho cảnh quan là một vấn đề khi lực tưới của một số vòi bao phủ ngoài bãi cỏ và làm đọng nước trên đường đi hay thời điểm tưới nước không phù hợp dẫn đến lãng phí nước và thiệt hại cho mảng xanh.

Về hệ đất và sinh vật, các CVVS có sử dụng đất trồng khi xây mới và có các biện pháp chăm sóc đất và cây trồng. Đất trong các khu công viên thường ít bị xới và cải tạo, vì thế rêu và đất mới hay sỏi lòng sông ít được sử dụng trên bề mặt. Các loại cây trồng, phổ biến trong nhiều công viên, cũng thích ứng tốt với môi trường địa phương như cây bàng, cây muồng hoàng yến, cây bằng lăng (Hình 7). Tuy nhiên, việc sử dụng các loại cây đặc dụng cho việc lưu trữ các-bon chưa có dữ liệu công khai ở TP.HCM, trong khi hiện TP chỉ có 0.49m2 mảng xanh/người [19]. Song song với trồng cây mới, việc bảo tồn cây xanh hiện hữu cũng được chú trọng, đặc biệt là tại những khu vực có trồng các loại cây ổn định bờ sông và chống sạt lở tự nhiên như ở công viên DLRS. Việc cắt tỉa cây được thực hiện thường xuyên, đa phần bằng cách thủ công, nhằm mục đích hạn chế gây nguy hiểm cho người dân. Việc sử dụng các mảng xanh trên mặt đứng các công trình trong công viên cũng giúp hạn chế việc tiêu thụ điện để làm mát và góp phần che nắng cho công trình.

Về hạ tầng dịch vụ, một số công viên có lắp đặt đèn chiếu sáng LED và pin mặt trời nhằm tiết kiệm năng lượng và cung cấp năng lượng sạch cho cảnh quan. Hơn nữa việc sử dụng năng lượng chủ yếu đến từ tưới nước và chiếu sáng cảnh quan nên năng lượng tiêu thụ không gây áp lực cho các công trình xung quanh. Cân nhắc về hạ tầng giao thông xung quanh các CVVS, các trạm xe buýt có thể được tìm thấy dễ dàng nhưng thiếu các đường đi riêng cho xe đạp và lối qua đường an toàn cho người đi bộ là một trong các vấn đề của TP. Thêm vào đó, theo thống kê, có đến hơn 90% CVVS không có bố trí chỗ đậu xe [24]. Hơn nữa, các tiện ích khác cũng khó tìm thấy hoặc thiếu nhà vệ sinh công cộng hay vòi nước uống miễn phí [25].

Cây xanh tại CVVS Vinhomes Central Park (trái) và DLRS
(phải) (Nguồn: Tác giả)

Tóm lại, CVVS tại TP.HCM hiện chưa trở thành trọng tâm trong quá trình giảm khí thải các-bon cho đô thị do vấn đề các tiêu chí giảm thiểu các-bon và hạ tầng xanh chưa được đáp ứng. Các giải pháp xanh còn thiếu, đa phần nằm ở hai yếu tố vật liệu và hạ tầng dịch vụ dẫn đến khả năng giảm thiểu các-bon tự thân và vận hành thấp. Tình trạng này kêu gọi bộ khung giải pháp xanh áp dụng một cách phù hợp với thực tiễn của các CVVS.

Định hướng giải pháp giảm thiểu các-bon cho công viên ven sông tại TP HCM

Dựa trên cơ sở khung tiêu chí hướng đến giảm thiểu các-bon và thực trạng CVVS tại TP.HCM, một hệ thống các giải pháp được đề ra để áp dụng vào các CVVS của TP. Nhằm tính toán và tối ưu các hành động giảm thiểu các-bon, công cụ Pathfinder do CPD công bố để đề xuất các điều chỉnh phù hợp về vật liệu, sinh vật và năng lượng dựa trên kết quả tính toán các-bon phát thải và các-bon lưu trữ bởi cảnh quan. Phần mềm Pathfinder xử lý thông tin dựa trên kích thước và vị trí khu đất xác định rồi đề ra các giải pháp dựa trên CDT. Nhờ đó, để tối ưu giảm thiểu các-bon cho CVVS, việc sử dụng Pathfinder để tính khả năng phát thải và lưu trữ các-bon rồi từ đó áp dụng các giải pháp dưới đây được đề xuất nhằm tận dụng tối đa tài nguyên của khu đất.

Các giải pháp được đề xuất sau đây xuất phát từ cả công cụ CPD, chứng chỉ SITES, và thực trạng CVVS của TP. Đồng thời, các giải pháp cũng được dựa vào 4 yếu tố chính của cảnh quan bền vững như đã trình bày trong Hình 1. Hơn nữa, các giải pháp sẽ hướng đến thực hiện các mục tiêu bao gồm giảm thiểu các-bon tự thân, tăng lưu trữ các-bon trong môi trường tự nhiên, giảm các-bon vận hành kết hợp sử dụng năng lượng tái tạo, và thiết kế khu vực thân thiện với người đi bộ, đạp xe và sử dụng phương tiện công cộng.

Về yếu tố vật liệu, việc cân nhắc trồng thêm cây hoặc phủ xanh các lối đi bộ sẽ mang đến thảm thực vật hấp thụ các-bon thay vì gia tăng các lớp vật liệu lót đường tăng nhiệt hấp thụ. Thêm vào đó, việc hạn chế kết cấu nhân tạo dưới lòng đất, ven bờ sông, trên mặt sông và hạn chế sử dụng bê tông, thép và nhôm cũng góp phần làm giảm các-bon tự thân của các vật liệu dùng trong xây dựng. Những kết cấu của chỗ nghỉ ngơi hay mái che có thể xem xét sử dụng các loại vật liệu có nguồn gốc bền vững và được chế tạo từ quy trình giảm phát thải các-bon ví dụ như sử dụng gỗ tuân theo những tiêu chuẩn khai thác và sản xuất bền vững, thay thế bê tông và nhựa đường bằng lớp đá granite vụn cho vật liệu lát đường đi bộ hay phát triển lớp lót đường phía dưới từ các vật liệu tái chế từ kính (foamed galss aggregate), đá phiến sét (expanded shale) hoặc bê tông bọt (foamed concrete). Thay vì sử dụng các vật liệu thông thường, các kết cấu và lớp lát đường đi có thể sử dụng bê tông với 30% tro bay, thép sản xuất ít tốn nguyên liệu và phát thải, hoặc tái sử dụng, tái chế các nguyên liệu có sẵn trong khu vực. Khi xây dựng công trình cảnh quan, việc sử dụng lại tối đa những kết cấu cũ và vật liệu địa phương sẽ giảm lượng các-bon thải ra trong quá trình vận chuyển và xây mới. Hơn nữa, tận dụng các vật liệu vô cơ và hữu cơ trong quá trình xây dựng và vận hành cũng giảm áp lực xử lý chất thải và mua nguyên liệu mới.

Về yếu tố nước, điều cần lưu ý là nghiên cứu và xây dựng phù hợp các điều kiện thủy văn tự nhiên như hệ thống làm chậm và thoát nước tự nhiên qua thực vật và đất hiện hữu. Bảo tồn hệ sinh thái ngập nước, ven bờ, hoặc sông ngòi hiện hữu và hạn chế lắp đặt ống thoát nước ở các khu vực không cần thiết để tránh ảnh hưởng đến khả năng lưu trữ các-bon của các hệ sinh vật. Với khí hậu có mùa mưa như ở TP.HCM, việc thu nước mưa, xử lý và tận dụng vào việc tưới tiêu cảnh quan cùng với xử lý nước thải theo hệ thống nước tuần hoàn cũng làm giảm sự phụ thuộc vào quá trình xử lý và bơm nước từ bên ngoài. Nếu điều kiện cho phép, những khu vực ngập nước có thể chuyển thành cảnh quan xử lý nước và trở thành nơi sinh sống của các sinh vật quang hợp, ví dụ điển hình là công viên Houtan ở Thượng Hải, Trung Quốc đã tạo ra các khu vực ngập nước kết hợp với các đường đi bộ tham quan thực hiện các chức năng sinh thái và văn hóa. Cuối cùng, việc tiết kiệm nước trong sử dụng và chăm sóc cảnh quan nên được ưu tiên trước khi tìm hướng phát triển cho các hạ tầng nước của khu vực.

Về yếu tố đất và sinh vật, các hoạt động bồi, đào, cày xới đất cần được kiểm soát chặt chẽ để hạn chế ảnh hưởng đến khả năng lưu trữ các-bon của hệ sinh vật trong đất (Hình 8). Việc kiểm soát các tác động trong quá trình xây dựng cũng cần được tính đến để lập ra kế hoạch giảm thiểu tác động đến môi trường đất. Song song đó, việc cải tạo đất chỉ nên thực hiện ở mức cần thiết để có hiệu quả tốt nhất đối với môi trường sống của sinh vật và đất trồng cây. Với hệ sinh vật trong đất và trên đất mặt, những điều cần tránh gồm việc làm ảnh hưởng đến các hệ sinh vật hiện hữu và gây tác động xấu đến hệ sinh thái khỏe mạnh. Một số CVVS tại TP.HCM có các mảng xanh hiện hữu phát triển từ quá khứ có khả năng lưu trữ các-bon lớn và có thể nằm trong danh mục được bảo vệ của chính quyền nên việc xác định rõ các khu vực đặc biệt là cần thiết để có biện pháp bảo vệ trước khi tiến hành tác động trực tiếp đến khu đất. Khi trồng mới các loại cây, cần tính toán để thực vật có thể phủ xanh các khu vực lối đi, giảm diện tích các bãi cỏ cần nhiều sự chăm sóc và ưu tiên các loại cây trồng địa phương đã thích ứng với môi trường đô thị như cây sao đen, cây muồng hoàng yến, cây sứ, cây me tây và các loại cây tại khu đất. Để tối ưu khả năng lưu trữ các-bon của hệ thực vật, quy tắc trồng cây đa tầng tán có thể được áp dụng để tăng thích ứng và đa dạng sinh học với các loại bụi quen thuộc như cây bạch trinh biển hay mỏ két, các loại cỏ ít cần nước và cắt tỉa, các loại cây phủ bề mặt tăng diện tích hấp thụ CO2 và các loại cây leo tăng diện tích mảng xanh. Trong quá trình vận hành của cảnh quan, việc hạn chế sử dụng phân bón, thiết lập các biện pháp phòng sâu bệnh, và tái sử dụng sinh khối vào môi trường đất là yếu tố then chốt để duy trì hệ sinh vật khỏe mạnh phát triển khả năng hấp thụ các-bon theo thời gian.

Về yếu tố hạ tầng dịch vụ, CVVS có thể tận dụng các yếu tố trên để giảm sử dụng năng lượng ví dụ như sử dụng cây che nắng làm mát công trính, thiết lập hệ thống nước tuần hoàn qua các chu trình sinh học và nhân tạo, và áp dụng các vật liệu sáng màu hấp thụ nhiệt ít. Hơn nữa, chủ động thiết kế cảnh quan với các thiết bị chiếu sáng, bơm nước, chăm sóc cây trồng tiết kiệm điện kết hợp với việc thu năng lượng tái tạo từ mặt trời, gió hay sinh khối có thể giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng bên ngoài và nhiên liệu hóa thạch để vận hành cảnh quan. Ngoài ra, các dịch vụ như nhà vệ sinh, bồn nước uống, hay mái che nghỉ ngơi có thể được thêm vào để tăng sự tiện nghi của khu vực. Song song với hạ tầng trong cảnh quan, các trạm dừng phương tiện công cộng và các làn đường dành cho xe đạp và các phương tiện không tiêu tốn nhiên liệu có thể được cân nhắc đặt gần khu đất nếu khả thi. Có thể đặt các lối vào của khu công viên gần vạch qua đường hoặc thiết kế cảnh quan giảm tốc ven đường là các biện pháp khuyến khích người dân và khách tham quan đi bộ đến khu đất.

Vai trò của hệ đất-sinh vật trong việc lưu trữ các-bon
(Nguồn: Trung tâm Tài nguyên Giáo dục Khoa học-SERC, Đại học Carleton)

Kết luận

Cảnh quan ven sông TP.HCM đang đứng trước những vấn đề về giảm thiểu các-bon cho khu vực đô thị. Trước tình trạng nóng lên toàn cầu và BĐKH, vấn đề này đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Hướng đến đô thị giảm phát thải các-bon, các nhà đầu tư, chủ đầu tư, tư vấn thiết kế và các bên liên quan cần quan tâm đến 4 yếu tố của kiến trúc cảnh quan ven sông bền vững bao gồm (i) vật liệu; (ii) nước; (iii) hệ đất – sinh vật; và (iv) hạ tầng dịch vụ. Trong nghiên cứu này, 4 CVVS điển hình được lựa chọn để phân tích. Từ đó, thực trạng CVVS ở TP.HCM đã được đánh giá dựa trên khung các tiêu chí cảnh quan xanh. Đặc biệt, các giải pháp giảm các-bon được định hướng có thể áp dụng cho công tác quản lý, thiết kế và vận hành các CVVS tại TP.HCM. Điều này nhằm thúc đẩy khả năng hấp thụ các-bon từ đô thị của mảng xanh góp phần đạt mục tiêu kiểm soát độ tăng nhiệt độ của TP. Những nghiên cứu cụ thể hơn, mang tính định lượng cần được tiếp tục thực hiện để tăng tính thực tiễn cho hệ thống giải pháp này.

TS.KTS LÊ THỊ HỒNG NA – NGUYỄN HUY ĐỨC
Khoa Kỹ thuật Xây dựng, Trường Đại học Bách khoa TP HCM
Đại học Quốc gia TP HCM
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 7-2024)


Ghi chú
Đề tài nghiên cứu này được Trường Đại học Bách Khoa, ĐHQG-HCM đã hỗ trợ.

Tài liệu tham khảo
1. The World Meteorological Organization (2023), 2023 Shatters Climate Records, with major impacts, Thông cáo báo chí WMO ngày 30/11/2023.
2. Nguyễn Trọng Hòa (2012), Tác động của biến đổi khí hậu đến TPHCM nhìn từ góc độ kinh tế – xã hội, ASHUI.
3. Từ điển Collins (2023), Riverside park definition, HarperCollins
4. Rob Kitchin, Nigel Thrift (2009), International Encyclopedia of Human Geography, Elsevier
5. National Working Waterfront Network (2024), Status and Trends, National Working Waterfront Network
6. Prachi Mehta (2023), An overview of what is waterfront development, Rethinking The Future
7. NYCEDC (2023), Manhattan Waterfront Greenway, NYCEDC
8. Gehl (2022), Shanghai Riverfront Evaluation, Issuu
9. L’Institut Paris Region, AVSE Global (2024), Planning the Comprehensive Development of the Saigon River Corridor in Ho Chi Minh City – Saigon River in the master plan, Hội thảo “Phát triển không gian, chức năng dọc hành lang sông Sài Gòn theo kinh nghiệm của Pháp về sông Seine” ngày 2 tháng 3 năm 2024, TP.HCM.
10. D.E.Y.A (1997), Development of Eco-tourism in the Riparian Ecosystem of Evrotas, Near Sparta, CORDIS
11. Aditi Rajagopal (2024), What are Sponge Cities and How do They Work?, DW
12. Hà Thu Thảo, Nguyễn Huy Đức (2024), Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan ven sông tại TP.HCM hướng tới đô thị bền vững – Trường hợp dự án chung cư cao tầng Diamond Lotus Riverside, Đề tài NCKH Sinh viên cấp Trường, Chương trình Đào tạo Quốc tế, Trường Đại học Bách Khoa, ĐHQG-HCM.
13. Minh Thư (2024), Triển khai Đề án phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông TP.HCM, HCM CityWeb.
14. Charles W. Harris, Nicholas T. Dines (1988), Time Saver Standards for Landscape Architecture, Nhà xuất bản McGraw-Hill.
15. Anastasia Nikologianni (2022), et al., A Review of Embodied Carbon in Landscape Architecture, Practice and Policy, Journal of Carbon Research.
16. Architecture 2030, ASLA, CSLA, IFLA, and LAF, Climate Positive Design.
17. Martin Prominski, et al. (2013), River Space Design, Birkhauser.
18. Trần Đình Hoảnh (2019), Hệ thống sông ngòi và kinh rạch Sài Gòn, CVDVN.
19. UBND TP.HCM (2019), Đề án Phát triển và nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, duy tu công viên cây xanh trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020 – 2025.
20. Kiên Cường (2024), TP.HCM có hơn 100 trường hợp lấn chiếm bờ sông, kênh, rạch, Báo Pháp luật TP.HCM.
21. Đình Sơn (2023), Kế hoạch di dời nhà trên và ven kênh rạch: Nói nhiều, làm không bao nhiêu, Báo Thanh Niên.
22. Sở Giao thông Vận tải TP.HCM (2019), Rà soát hiện trạng kè bờ sông và kênh nội thành và tình hình lấn chiếm, sạt lở, ô nhiễm các tuyến sông, kênh rạch từ 2010 đến nay, Hội thảo Quy hoạch và Phát triển bờ kè sông Sài Gòn và sông, kênh nội thành và các giải pháp để hoàn thành cơ bản vào năm 2025, Sở Quy hoạch- Kiến trúc TP.HCM.
23. Nhật Phương (2020), Hoàn thiện khung pháp lý phát triển hành lang sông, kênh rạch, Báo Đại Biểu Nhân Dân.
24. Phương Nhi (2023) Thiếu bãi giữ xe công viên, TP.HCM chỉ đạo khẩn, Báo Tuổi trẻ.
25. Tiến Long, Cẩm Nương (2023), Không thể chấp nhận TP.HCM thiếu nhà vệ sinh công cộng, quận huyện phải làm ngay, Báo Tuổi trẻ.