Tối ngày 08/10/2024, tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) đã diễn ra Lễ trao giải Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội 2024 do báo Thể thao và Văn hoá phối hợp với Công ty cổ phần Ashui Việt Nam (Ashui Vietnam Corporation) và Công ty cổ phần Tập đoàn Gỗ Minh Long tổ chức. Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 với chủ đề “Dòng chảy” đã nhận được Đề cử Việc làm tại giải thưởng này. 

Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội do báo Thể thao và Văn hóa và gia đình cố họa sĩ Bùi Xuân Phái thành lập từ năm 2008, nhằm trao cho các tác giả, tác phẩm, ý tưởng, việc làm có giá trị khoa học, nghệ thuật cao, thấm đượm tình yêu Hà Nội. Hội đồng giám khảo của Giải thưởng gồm những tên tuổi uy tín như: nhà thơ Bằng Việt, nguyên Chủ tịch Hội VHNT Hà Nội (chủ tịch Hội đồng); nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam; nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam; nhà báo Lê Xuân Thành, Tổng biên tập báo Thể thao và Văn hóa; và đặc biệt năm nay, Hội đồng giám khảo có thêm một thành viên mới là PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Trải qua 16 mùa giải, đã có hơn 150 tác giả, tác phẩm, ý tưởng, việc làm được công nhận là đề cử chính thức, đã có gần 70 giải thưởng được trao, trong đó có 15 Giải thưởng Lớn lần lượt được trao cho: Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc (2009), nhà văn Tô Hoài (2010), Giáo sư Phan Huy Lê (2011), nghệ sĩ guitar Văn Vượng (2012), nhà nhiếp ảnh Quang Phùng (2013), nhà nghiên cứu Vũ Tuân Sán (2014), nhà nghiên cứu Giang Quân (2015), nhà nhiếp ảnh Lê Vượng (2016), nhà nghiên cứu Hữu Ngọc (2017), nhà nghiên cứu Nguyễn Bá Đạm (2018), nhà nghiên cứu Nguyễn Thừa Hỷ (2019), nhạc sĩ Phú Quang (2020), nhạc sĩ Hồng Đăng (2021), đạo diễn Trần Văn Thủy (2022) và gần đây nhất là đạo diễn Đặng Nhật Minh (2023).

Lễ trao giải hằng năm đã trở thành một ngày hội vinh danh những cá nhân, tập thể có nhiều cống hiến cho Hà Nội trong năm. Tại mùa giải năm nay, trên cơ sở một danh sách dự kiến đề cử gồm 54 “ứng viên”, Hội đồng giám khảo đã tổ chức 2 phiên họp để chọn ra 9 đề cử chính thức. Từ 9 đề cử này, Hội đồng giám khảo tiếp tục bỏ phiếu để chọn ra 4 giải thưởng, gồm: Giải thưởng Lớn, Giải Tác phẩm, Giải Ý tưởng, và Giải Việc làm. Kết quả này sẽ được công bố tại Lễ trao giải.

Danh sách Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội 2024

  • Giải Thưởng Lớn: GS-TS-KTS Hoàng Đạo Kính, “hiệp sĩ của những di tích kiến trúc”.
  • Giải Tác phẩm được trao cho cuốn sách Hà Nội thời cận đại – từ nhượng địa đến thành phố (1873-1945) của Đào Thị Diến.
  • Giải Việc làm được trao cho việc quảng bá du lịch Hà Nội qua MV Going home của nghệ sĩ saxophone Kenny G, do báo Nhân Dân và IB Group Việt Nam thực hiện.
  • Giải Ý tưởng được trao cho đồ án cải tạo, chỉnh trang không gian, cảnh quan xung quanh hồ Thiền Quang và phụ cận, do UBND quận Hai Bà Trưng, Hà Nội tổ chức nghiên cứu và xây dựng vào năm 2023.
  • Ngoài ra, các tác phẩm đạt Giải Đề cử gồm có:
    + Đề cử Giải Tác phẩm
    1. Cuốn sách “Chuyến thăm Hà Nội” của nhà văn người Mỹ Susan Sontag (Phan Xích Linh dịch, NXB Chính trị quốc gia Sự thật và Thư viện Nguyễn Văn Hưởng xuất bản năm 2024)
    2. Phim điện ảnh “Đào, Phở và Piano” của đạo diễn Phi Tiến Sơn (Công ty cổ phần Phim truyện I sản xuất)
    + Đề cử Giải Việc làm
    1. Dự án “Chuyện đình trong phố” do quận Hoàn Kiếm phối hợp với nhóm nghệ sĩ thực hiện
    2. Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 với chủ đề “Dòng chảy” do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Tạp chí Kiến trúc, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức
    + Đề cử Giải ý tưởng
    1. Đề xuất khôi phục và phát triển hành trình “Bát cảnh Tây Hồ” của quận Tây Hồ

Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 với chủ đề “Dòng chảy” do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Tạp chí Kiến trúc, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức nhận Đề cử Giải Việc làm

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội là sự kiện thường niên được tổ chức từ năm 2021 tại Hà Nội. Tuy nhiên, lần tổ chức thứ 3 năm 2023 vừa qua đã có nhiều bước đột phát lớn về quy mô và địa điểm – khi các kiến trúc cũ thời Pháp như tháp nước Hàng Đậu, cầu Long Biên, nhà máy xe lửa Gia Lâm… được sử dụng và thu hút một lượng lớn nghệ sĩ tham gia. Với chủ đề “Dòng chảy”, diễn ra với hơn 60 hoạt động văn hóa, 4 công trình giới thiệu kiến trúc, 20 trưng bày và triển lãm, 19 hội thảo và tọa đàm, trong đó có 5 hội thảo quốc tế, 12 hoạt động nghệ thuật, chuỗi sự kiện cộng đồng, hội chợ sáng tạo…, lễ hội đã thu hút 200.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm; 30.000 lượt khách tham quan tháp nước Hàng Đậu; 26.000 vé tàu đã bán ra cho khách trải nghiệm tuyến tàu di sản; thu hút sự hưởng ứng, chủ động sáng tác của 1.000 nhà sáng tạo nội dung…

Bên cạnh việc “khơi nguồn” sáng tạo cho các nghệ sĩ – điều vốn luôn được khuyến khích trong xu thế phát triển công nghiệp văn hóa và xây dựng thành phố sáng tạo Hà Nội – thành công của lễ hội còn nằm ở việc trực tiếp đánh thức sự quan tâm của dư luận tới các di sản công nghiệp trong thành phố. Theo đó, trong bối cảnh chính sách di dời cơ sở sản xuất công nghiệp ra khỏi nội đô đã và đang để lại nhiều di sản công nghiệp giàu tiềm năng, những không gian này hoàn toàn có thể được “đánh thức” để trở thành tổ hợp văn hóa sáng tạo, dịch vụ, sản phẩm mới, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển Công nghiệp văn hóa Thủ đô, hướng đến sự phát triển bền vững.

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 do UBND thành phố Hà Nội – Hội Kiến trúc sư Việt Nam chỉ đạo; Sở Văn hóa và Thể thao, Tạp chí Kiến trúc (Hội Kiến trúc sư Việt Nam), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức với sự đồng hành của Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội, Chương trình định cư con người Liên hợp quốc (UN-HABITAT) và sự phối hợp của các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã.

Xem thêm: Lễ hội thiết kế sáng tạo 2023: Hành trình đánh thức di sản

Thuỵ AnTCKT.VN
© Tạp chí Kiến trúc