I. Mở đầu

Du lịch homestay – một loại hình du lịch gắn với cộng đồng đã xuất hiện tại nhiều nơi trên cả nước trong khoảng 10 năm trở lại đây. Trên cơ sở phát huy tính tích cực khám phá tự nhiên; tìm hiểu về văn hóa địa phương, cùng sống và trực tiếp trải nghiệm nếp sống của người dân bản địa. Loại hình du lịch này đã mang đến những kết quả tích cực trong bức tranh toàn cảnh của du lịch Việt Nam: Tăng cường giao lưu văn hóa, bảo tồn các giá trị mang tính lịch sử vùng miền, phát triển môi trường sống bền vững và là sợi dây liên kết các mối quan hệ trong cộng đồng.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với những đặc trưng về khí hậu, địa hình, thổ nhưỡng, cảnh quan và con người dường như hội tụ tất cả các lợi thế để du lịch Homestay được cất cánh. Tham gia homestay tại ĐBSCL, du khách vừa được hòa mình vào đời sống sinh hoạt của người dân vùng sông nước, vừa được trải nghiệm các hoạt động thường nhật truyền thống như bắt cá, tát ao, nấu ăn, thưởng thức văn nghệ đờn ca tài tử…

Tại Vĩnh Long, Cù lao An Bình được mệnh danh là “Đệ nhất homestay”, với kiến tạo điển hình của dạng đồng bằng bồi tụ phù sa sông – thường được gọi với tên dân gian là Cù lao hay Cồn. Do được bồi lắng phù sa từ sông Tiền và sông Cổ Chiên nên khu vực rất thuận lợi cho phát triển các vườn cây ăn trái, hình thành cảnh quan miệt vườn sông nước trù phú.

Với những điều kiện thuận lợi đó, các cơ sở du lịch homestay đã được hình thành và khai thác sử dụng thu hút khách du lịch nhiều năm qua, trở thành sản phẩm du lịch mang thương hiệu Vĩnh Long vang bóng một thời trong khu vực và cả nước được rất nhiều bạn bè đến tham quan, học tập kinh nghiệm.

II. Đặt vấn đề

Với ý tưởng “Người người làm homestay, nhà nhà là homestay”, tác giả muốn định hình lại cách người dân Cù lao sống chung với các hoạt động du lịch như một điều không thể tách rời. Xây dựng một mô hình không gian kiến trúc kết hợp giữa nhà ở nông thôn hiện đại và điểm du lịch homestay nhằm đưa du lịch đến từng nhà, làm phong phú thêm những trải nghiệm của du khách, khi mà mỗi ngôi nhà là một điểm đến, một câu chuyện rất riêng biệt để khai thác và khám phá. Tác giả xin được phân tích một mô hình cải tạo ngôi nhà thuần nông thôn vùng Cù lao ĐBSCL thành một “Căn nhà homestay” qua 3 góc nhìn về kiến trúc: Truyền thống và hiện đại, chung và riêng, cá thể và tổng thể.

Vị trí xây dựng Sông Mê homestay
Vị trí xây dựng Sông Mê homestay
Mặt bằng tổng thể công trình
Mặt bằng tổng thể công trình
Phối cảnh tổng thể Sông Mê homestay
Phối cảnh tổng thể Sông Mê homestay

Phối cảnh thực tế công trình
Phối cảnh thực tế công trình

Hình ảnh ngôi nhà ba gian, hai chái, mái lá, nền đất vẩy rồng,… dường như là đại diện đặc trưng cho homestay An Bình. Mọi người dễ dàng bắt gặp hình ảnh truyền thống ấy khi đặt chân đến miền cù lao này. Đó là một ý niệm tốt để đối tượng du lịch phương xa đặc biệt là người thành thị và khách nước ngoài được trải nghiệm những hình ảnh đậm chất miệt vườn, đưa con người quay về với những hòa niệm xưa cũ. Tuy nhiên, đối tượng tác giả muốn hướng đến tiếp theo là những người muốn hòa vào nhịp sống thực tại của người dân bản địa một cách chân thật nhất. Với câu chuyện hơi thở của thời đại, không phải gia đình nào cũng giữ được nếp xưa và những không gian xưa để khai thác.Làm thế nào để kết hợp được chất hiện đại nhưng vẫn giữ được hồn của vùng quê?

Các không gian gợi nhớ

Cách sử dụng và phối hợp vật liệu cũng là một điều đáng quan tâm. Công trình cần đảm bảo các điều kiện cần thiết để tồn tại với môi trường tự nhiên nắng, gió và mưa nhiều. Không gian để ở, sinh sống lâu dài qua hàng chục năm sẽ khác so với không gian lưu trú trong một thời gian ngắn để du lịch trải nghiệm. Cho nên, việc lựa chọn vật liệu xây dựng của các mô hình homestay gia đình sẽ có những yêu cầu không giống với homestay đơn thuần. Vật liệu tường gạch xây, mái ngói vẫn được ưu tiên sử dụng, thêm vào đó là nghệ thuật phối hợp các vật liệu địa phương vào công trình hiện đại. Vĩnh Long nổi tiếng là “Vương quốc Gốm đỏ”, chất đỏ thô từ gốm sẽ là chất xúc tác làm tăng tính vùng miền trong một ngôi nhà hiện đại. Đồng thời, tre nứa, mái lá,… cũng là những chất liệu và màu sắc giúp trung hòa giữa tính hiện đại và chất truyền thống cho công trình.

Cách phối hợp vật liệu địa phương
Cách phối hợp vật liệu địa phương

Không gian chung

Không gian riêng

Giao thông kết nối chung – riêng
Giao thông kết nối chung – riêng

Hình ảnh sinh hoạt của Du khách

Công trình trong tổng thể cảnh quan xung quanh
Công trình trong tổng thể cảnh quan xung quanh

Cách phối hợp cây xanh công trình hài hòa với cảnh quan xung quanh

Với “Căn nhà homestay”, tác giả hi vọng tạo ra một hình mẫu homestay gia đình mà người dân nào trên vùng cù lao cũng có thể học tập và áp dụng cho chính bản thân mình. Với kinh phí đầu tư phù hợp cho hộ gia đình, chắc chắn là một giải pháp khả thi, dễ dàng được lựa chọn. Một khi nhà nhà đều có thể làm du lịch, người dân nào cũng có công ăn việc làm, các công trình nhà ở có thêm vai trò mới thì tự thân nó sẽ thay đổi và hoàn thiện theo chiều hướng hợp lý về công năng và vi khí hậu. Người dân muốn thu hút khách du lịch thì ngôi nhà của họ tạo ra phải có giá trị, từ đó cuộc sống của họ cũng sẽ trở nên tích cực hơn. Mối quan hệ tương hổ này sẽ tồn tại vững chắc theo thời gian. Một môi trường phát triển bền vững sẽ hình thành trên vùng đất được mệnh danh là “Đệ nhất homestay”.

KTS. Trịnh Hiếu Hiền – Trung tâm Quy hoạch xây dựng Vĩnh Long
© Tạp chí Kiến trúc