Bối cảnh
Đã 4 năm từ khi Hà Nội đã tham gia mạng lưới các TP sáng tạo, với ba trụ cột chính được đặt ra: Thiết kế, cộng đồng, và sáng tạo, từ đó góp phần tạo điều kiện tối đa để các nhà sáng tạo trẻ dễ dàng phát huy tiềm năng, tạo nên nhiều không gian sống tốt cho người dân TP, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân (1). Các yêu cầu này dẫn đến câu hỏi về một cách quản lý và thiết kế mới cho các không gian công cộng và địa điểm văn hóa trong TP cho người sử dụng thuộc mọi độ tuổi có thể tương tác và sử dụng bất chấp các giới hạn về thể chất.
Một trong những không gian công cộng (KGCC) đã được đổi mới để trở thành không gian cho tất cả là Khu di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám hay còn được biết đến như Trường Quốc học đầu tiên và là di tích Nho học lớn nhất Việt Nam, là một địa điểm văn hóa mang giá trị về kiến trúc, lịch sử, nghệ thuật mang đến sức hút du lịch to lớn cho Thủ đô Hà Nội. Trong thời gian qua, Ban quản lý di tích đã thực hiện nhiều dự án cải tạo, tôn tạo công trình và thêm hoạt động mới như triển lãm, số hóa di tích, chương trình trải nghiệm về đêm, phòng trải nghiệm cùng di sản, xây dựng sân chơi hòa nhập… hướng đến mục tiêu đưa Văn Miếu – Quốc Tử Giám thành không gian di tích sáng tạo. Trong đó, sân chơi hòa nhập Thánh Gióng có thể kể đến như một dự án đánh dấu sự khác biệt trong hoạt động đối với các khu di tích lịch sử khác trong TP – Khi sân chơi giúp mở rộng tiếp cận đối với trẻ em, các gia đình trẻ, và người khuyết tật đến và chơi và khám phá di tích lịch sử.
Dự án sân chơi được đặt tại Vườn Giám – Không gian xanh không thu phí trong khuôn viên Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Là một trong số ít những không gian xanh công cộng được gìn giữ rất tốt của TP Hà Nội. Vườn Giám có nhiều tiềm năng thu hút du lịch và tương tác cho cộng đồng địa phương cũng như du khách với di tích nói riêng và TP nói chung. Tuy nhiên, trước đây, khu vườn này chỉ được sử dụng như phần đệm cho những hoạt động như đi dạo, tập thể dục, câu lạc bộ nhỏ, và đỗ xe. Năm 2023, Think Playgrounds phối hợp với Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám lắp đặt và khai trương sân chơi Thánh Gióng tại Vườn Giám. Một năm sau đó, vào tháng hành động vì trẻ em Việt Nam, hai đơn vị trên cùng Đại sứ quán New Zealand và UNICEF đã cải tạo và cho ra mắt sân chơi hòa nhập Thánh Gióng. Một hành trình với nhiều nỗ lực hướng đến những không gian công cộng thân thiện và dễ tiếp cận cho tất cả mọi người.
Câu chuyện về sân chơi Thánh Gióng
Trẻ em có quyền được chơi, thông qua việc chơi trẻ có cơ hội tiếp xúc với xã hội và môi trường tự nhiên, phát triển thể chất, học cách xử lý các chướng ngại vật, cách quản lý rủi ro trong môi trường đô thị …. Trẻ em cũng mang những người lớn (người trông coi trẻ) ra KGCC nhiều hơn, tăng tính gắn kết cộng đồng. Nhu cầu chơi phải được đảm bảo như một hoạt động hàng ngày trong một khoảng cách thuận tiện, vì vậy việc duy trì những khu chơi trong khu vực ở là hết sức cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh đô thị lớn như Hà Nội. Khu vực Vườn Giám là không gian mở, miễn phí, dễ tiếp cận, có nền đất và cây xanh bóng mát phù hợp với các mong muốn kể trên, đây thật sự là không gian quý giá cho người dân sống xung quanh khu vực.
Trên phương diện du lịch, trẻ em đã trở thành một đối tượng quan trọng đối với ngành du lịch tại Việt Nam, theo Nghiên cứu (2), Thế hệ Z (sinh trong khoảng 1997 – 2012) và các gia đình có trẻ em là các nhóm đối tượng chính góp phần làm nên sự bùng nổ du lịch nội địa. Đối tượng trẻ nhỏ càng ngày càng tác động nhiều đến quyết định các kì nghỉ của gia đình, cha mẹ cũng có xu hướng chi nhiều tiền và năng lượng hơn cho các chuyến đi với con cái của họ (3). Bên cạnh đó, trẻ em cũng có xu hướng ưa thích các khu vực có hoạt động kích thích như đi bộ, bập bênh, chạy,… thay vì hoạt động tĩnh như như xem triển lãm (4), điều này khiến những gia đình có con nhỏ khó có thể tham quan những không gian văn hóa lịch sử như Văn Miếu – Quốc Tử Giám một cách thoải mái nếu ban quản lý không có những hoạt động và khu vực cho hoạt động tương tác và vui chơi trong di tích.
Việc chơi đối với trẻ còn là cơ hội gia tăng kết nối giữa người lớn và trẻ nhỏ, thông qua việc chơi cùng và hướng dẫn chơi, cha mẹ và ông bà trao cho con cháu kinh nghiệm sống. Thiết kế Think Playgrounds đã đưa câu chuyện Thánh Gióng vào sân chơi với mong muốn bản địa hóa sân chơi, từ đó tăng cảm giác thuộc về của người dân với địa điểm đồng thời liên kết việc chơi đến các giá trị văn hóa truyền thống về lòng yêu nước. Câu chuyện Thánh gióng cũng như bước đệm văn hóa, đưa người trẻ đến gần hơn với di tích lịch sử. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội quảng bá câu chuyện ý nghĩa đến khách du lịch. Nội dung truyền thuyết được truyền tải trong sân chơi qua bảng thông tin, các thiết bị chơi dựa trên hình ảnh bàn chân khổng lồ, con ngựa, rừng tre, và Núi Sóc. Thiết kế hướng tới cách kể câu chuyện nhẹ nhàng tập trung vào mô tả các dấu vết của truyền thuyết đẹp về sức mạnh của những người bình thường đứng lên bảo vệ vùng đất mình yêu quí thay vì nhấn mạnh yếu tố chiến tranh. Các thiết bị được thiết kế như những thử thách nhỏ trong câu chuyện tích hợp giữa chơi và học hỏi như sau: Khi vào sân chơi người sử dụng sẽ gặp bảng thông tin có câu chuyện và hình ảnh thiết bị chơi theo những cột mốc chính của chuyện. Truyền thuyết bắt đầu với dấu chân khổng lồ bằng gỗ. Tiếp theo là xích đu, cầu trượt và hệ leo trèo được tích hợp trong hình ảnh ngựa của Thánh Gióng, nơi trẻ em có thể rèn luyện nhiều kỹ năng thể chất. Câu chuyện được tiếp nối với hệ thăng bằng giả lập lại chi tiết rừng tre, giúp trẻ tăng khả năng giữ thăng bằng và leo bám thông qua trải nghiệm chơi này. Hành trình kết thúc với hệ chui và leo hình núi Sóc Sơn. Các thiết bị được đặt trên nền đất rộng rãi phù hợp cho việc chơi, đánh trận giả sáng tạo theo tình tiết chuyện. Ngoài những tác động đã được đề cập như tăng cường thể chất và các kỹ năng xã hội, việc chơi đùa hàng ngày với những hình ảnh thuộc từ truyền thuyết giúp trẻ ghi nhớ sâu sắc về câu chuyện, tạo ra sự kết nối và tự hào với văn hóa bản địa. Bảng thông tin với câu chuyện chi tiết cũng mang câu chuyện đến với du khách tham quan như một cách quảng bá văn hóa.
Sân chơi sau khi đưa vào sử dụng đã thu hút hàng nghìn trẻ em đến vui chơi. Đem lại những tác động tích cực lên cộng đồng địa phương và góp phần giúp Văn Miếu – Quốc Tử Giám trở thành địa điểm văn hóa thân thiện với trẻ em.
Cải tạo sân chơi hòa nhập Thánh Gióng
Sau thành công của sân chơi Thánh Gióng, với mong muốn tạo ra những ảnh hưởng tích cực lên nhận thức cộng đồng và mang đến không gian chơi cũng như luyện tập nâng cao sức khỏe cho người khuyết tật trong khu vực lân cận, Think playgrounds kết hợp cùng Trung tâm hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám, dưới sự tài trợ của Đại sứ quán New Zealand, và Unicef cùng hợp tác cải tạo sân chơi Thánh Gióng trở thành sân chơi hòa nhập. Sân chơi được xây dựng trên tinh thần hỗ trợ phát triển thế mạnh của mỗi trẻ em và khuyến khích việc chơi hòa nhập trong đó trẻ thuộc nhiều nhóm khuyết tật cũng như khỏe mạnh cùng chơi chung chứ không bị phân tách theo nhóm.
Do mỗi nhóm khuyết tật thể chất và tinh thần có những điểm mạnh, yếu cũng như nhu cầu vận động khác nhau, thiết kế cần bám sát những điểm này để cải tạo sân chơi. Dự án cải tạo sân chơi hòa nhập được bắt đầu bằng hoạt động tham vấn các chuyên gia, nhà trị liệu, người khuyết tật và người chăm sóc họ thuộc Hội người khuyết tật quận Đống Đa. Trong buổi tham vấn này, người tham gia được chơi với các thiết bị có sẵn dưới sự quan sát của nhà thiết kế và phỏng vấn về trải nghiệm của họ, từ đó đưa ra được thống kê các kiểu khuyết tật, những khó khăn và nguy hiểm trong tiếp cận và sử dụng đối với thiết bị chơi hiện có và nhu cầu mong muốn của họ. Với những dữ liệu này, Think playgrounds đã thực hiện những cải tiến với tinh thần giảm thiểu nguy cơ gây hại cho trẻ, tăng khả năng tiếp cận đến từng thiết bị chơi và hỗ trợ việc chơi cùng nhau. Thiết kế cải tạo được thực hiện trên các phương diện: Cải tạo tiếp cận, nâng cao mức độ an toàn của thiết bị chơi, hỗ trợ trẻ dùng xe lăn, thêm các không gian nghỉ ngơi và không gian tĩnh.
Yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến số lượng người khuyết tật sử dụng KGCC là khả năng tiếp cận, ở đây bao gồm khả năng nhìn thấy và đi đến bằng mọi phương tiện một cách an toàn và dễ dàng. Sự chênh lệch độ cao và vật cản trên lối đi làm giảm khả năng tiếp cận đối với nhóm trẻ sử dụng xe lăn, trẻ vận động yếu và khiếm thị. Để cải thiện vấn đề này, nhiều đường dốc và vạch kẻ sơn màu nổi bật được bố trí ở những điểm chênh lệch độ cao giúp mọi trẻ em có thể nhận diện độ chênh dễ hơn. Ngoài ra mã QR link đến file ghi âm giới thiệu dự án và bảng thông tin mới cũng được lắp đặt thêm giúp người khiếm thị có thể nghe được thuyết minh câu chuyện Thánh Gióng. Chuông gió được treo trong khuôn viên giúp người thuộc nhóm khiếm thị đánh dấu và phát hiện địa điểm tốt hơn. Những cải tiến nhỏ này giúp trẻ có thể tham gia vào sân chơi với ít rào cản hơn.
Việc đối diện với các rủi ro khi chơi là điều cần thiết cho mọi trẻ em, vì nó giúp nâng cao khả năng thể chất và xử lý vấn đề của trẻ. Tuy nhiên đối với sân chơi hòa nhập các rủi ro này cần được đảm bảo an toàn cho trẻ bằng cách thêm thiết bị hỗ trợ cho trẻ có thời gian làm quen. Tại sân chơi Thánh Gióng, chỉ bằng những cải tạo nhỏ như sơn vàng vùng độ cao lớn hoặc thay đổi độ cao đã giúp đánh dấu các vùng cần chú ý khi chơi. Đặc biệt, thiết bị chơi rừng tre, núi và ngựa đều được trang bị thêm lan can giúp trẻ vận động yếu cầm nắm và sử dụng có thể chơi dễ dàng hơn. Bằng việc tăng độ rộng cầu trượt và kích thước ghế ngồi xích đu cũ cũng như lắp đặt thêm xích đu ghế băng, xích đu khổng lồ cũng giúp trẻ dễ bị mất khả năng thăng bằng chơi an toàn hơn.
Người sử dụng xe lăn gặp nhiều khó khăn do kích thước xe và các chướng ngại trên đường, vì vậy ngoài các hỗ trợ về tiếp cận, các thiết bị sử dụng trong sân chơi cần có kích thước phù hợp cho người dùng xe lăn và các hạng mục có thể chơi bằng tay ở độ cao thấp. Với tiêu chí này bàn picnic có khoảng hở cho xe lăn đã được lắp đặt. Bên cạnh đó, thiết bị ngựa gỗ, núi đều được thêm trò chơi có thể chơi ở vị trí thấp.
Một điểm khác cần chú ý trong sân chơi là người khuyết tật có sức bền kém và thường cần người chăm sóc đi kèm nên sân chơi hòa nhập cần có nhiều không gian tĩnh cho nhu cầu nghỉ ngơi ngắn cho cả trẻ em và người đi cùng. Các không gian tĩnh này cũng là nơi lý tưởng cho trẻ tự kỷ và mất khả năng đi lại ngồi chơi. Với mục đích này khu vực picnic được bổ sung có thể sử dụng cho xe lăn và thư viện mini được lắp đặt mới phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi và thư giãn của người sử dụng. Bàn chân khổng lồ cũng được trải thảm cỏ nhân tạo để trẻ có thể ngồi chơi cùng nhau.
Những thay đổi và cải tiến trong dự án sân chơi hòa nhập được đa dạng hóa từ đơn giản đến phức tạp đến từ sự thấu hiểu những khó khăn của trẻ em khuyết tật và mong muốn thu hẹp khoảng cách giữa các nhóm trẻ để mọi trẻ em có thể cùng chơi đùa và học hỏi lẫn nhau. Trẻ em sống trong môi trường đa dạng hơn sẽ có sự thấu cảm và tôn trọng với khác biệt của người khác, cũng như có khả năng thích ứng tốt hơn.
Kết luận
Không gian công cộng nói chung và địa điểm văn hóa nói riêng là những cơ hội quý giá cho trẻ em gặp gỡ, vui chơi, học hỏi, tăng cường kiến thức và gắn kết với văn hóa truyền thống, đồng thời cũng hỗ trợ quảng bá du lịch. Để tối đa hóa cơ hội này, nhà thiết kế và các bên liên quan cần nỗ lực cải tiến các KGCC nhằm đáp ứng những mong muốn riêng mỗi nhóm tuổi đồng thời khơi gợi sự hứng khởi, hỗ trợ phát triển trí tuệ và thể chất cho trẻ. Sân chơi hòa nhập Thánh Gióng đã thể hiện những cố gắng này từ các nhà tài trợ Think playgrounds – Unicef cùng Đại sứ quán New Zealand, Ban quản lý di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, và nhà thiết kế – Think playgrounds đem lại những tác động rõ ràng cho không gian văn hóa và cư dân trong khu vực. Số lượng và thời gian sử dụng của trẻ em, người khuyết tật và gia đình trẻ du lịch và sử dụng hàng ngày tại di tích ngày càng tăng. Người tham quan được đa dạng hóa trải nghiệm từ hoạt động tĩnh (quan sát, ngắm nhìn di tích) đến động (vui chơi, chạy nhảy). Hơn thế, sân chơi đã trở thành tác nhân nâng cao ý thức cộng đồng về sự hòa nhập đối với trẻ khuyết tật, tạo lập một cộng đồng mà trong đó trẻ với những khả năng khác nhau được gặp gỡ và tương tác một cách bình đẳng.
KTS Đặng Quỳnh chi – KTS Chu Kim Đức
Nhóm thiết kế: KTS Francesco Montresor
KTS Nguyễn Tiêu Quốc Đạt
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 7-2024)
Tham khảo
1. Mai Hoa, Yến Nga (2023) – “Phát triển mạng lưới các TP sáng tạo dựa trên 3 trụ cột chính: Thiết kế, Cộng đồng, Sáng tạo”, Hà Nội Mới (2023, 09 06).
2. Visa:https://ift.tt/wDvLTIJ
3. Heike A. Schänzel, Ian Yeoman. (2015). The Future of Family Tourism. Tourism Recreation Research.
4. Norma P. Nickerson, Claudia Jurowski. (2001). The influence of children on vacation travel patterns. Sage Journals Home.
Nhận xét