LTS: Nhân đại lễ 70 năm Giải phóng Thủ đô, Tạp chí Kiến trúc xin trân trọng giới thiệu bài viết về Hà Nội của KTS Đoàn Khắc Tình, người nặng tình với Thủ đô yêu dấu, cũng là người bấy nay không hề che dấu thiện cảm của mình đối với nền nghệ thuật Dân chủ Cộng hòa.

Nền kiến trúc dân chủ cộng hòa, nhớ lại và suy nghĩ

KTS Nguyễn Ngọc Chân, người tham dự Hội nghị KTS toàn quốc lần đầu nhớ lại: Ngày khai mạc Đại hội 24/4/1948, tại xã Liễn Sơn, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, Bộ trưởng Giao thông công chính Trần Đăng Khoa có đến dự và đọc thư Hồ Chủ Tịch gửi Hội nghị: “Trong bốn điều quan trọng cho dân sinh: Ở và đi lại là hai vấn đề cũng cần thiết như ăn và mặc. Vì vậy, việc kiến trúc là một việc rất quan hệ. Chúng ta phải tùy hoàn cảnh mà xây dựng ngay trong khi kháng chiến và sau khi kháng chiến thành công. Tôi mong Hội nghị sẽ đi tới những kế hoạch thiết thực với tình thế hiện tại, và những chương trình kiến thiết hợp với tương lai, kế hoạch và chương trình đúng tinh thần đời sống mới. Tôi lại mong Hội nghị chú trọng đặc biệt tới vấn đề nhà ở tại thôn quê, tìm ra những kiểu nhà giản dị mà cao ráo, sáng sủa và rẻ tiền”. Sau năm 1954 phát triển kiến trúc đô thị trên miền Bắc đi liền với điện khí hóa, xây dựng các khu công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ theo kế hoạch Nhà nước hạn kỳ 3 năm, 5 năm. Ngày 1/6/1961 Thủ tướng Việt Nam DCCH ký Quyết định thành lập Ban chỉ huy công trường Thủy điện Thác Bà, khai sinh ngành xây dựng Thủy điện Việt Nam. Từ đầu thập niên 1960, mọi việc kiến thiết còn phải cân nhắc thiệt hại trước bom đạn của đế quốc Mỹ. Thực tế vốn đầu tư xây dựng cơ bản của Việt Nam DCCH chiếm tỉ trọng rất khiêm tốn so với chiến phí; hầu như chỉ trông cậy vào GDP quốc nội eo hẹp và một phần viện trợ nước ngoài đến từ Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN anh em. Tổng cộng qua 20 năm (1955 – 1975), Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN đã viện trợ cho Việt Nam DCCH tổng khối lượng hàng hóa quy đổi thành tiền tương đương 7 tỉ USD, trong đó hơn một nửa là viện trợ quân sự.

Nhiều căn cứ chiến lược, công trình quốc phòng, Bộ tư lệnh quân khu, quân chủng, binh chủng, tổng kho vũ khí đạn, các nhà trường sĩ quan, hạ sĩ quan, quân y viện lần lượt được thiết kế xây dựng trong thập niên 1960. Tiếp đó, sân bay Sao Đỏ (Vĩnh Phúc, 1964), Kép (Bắc Giang, 1965), Sao Vàng (Thanh Hóa, 1965), Con Cuông (Nghệ An, 1967). Vẻ vang nhất là Hệ thống đường Trường Sơn vĩ đại (1963 – 1975) xuyên Đông Dương cùng nhiều binh trạm lớn trên đường mòn Hồ Chí Minh. Trong thời gian thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất đã xuất hiện ở Hà Nội và các tỉnh thành miền Bắc nhiều nhà máy xí nghiệp, các trường đại học, trung cấp, bệnh viện, rạp hát, rạp chiếu bóng, sân vận động, nhà ở. Mạnh mẽ, nổi trội hơn cả là những công trình thiết chế DCCH. Hầu khắp tỉnh thành, địa phương mọc lên trụ sở Uỷ ban hành chính, trụ sở Đảng, nhà làm việc Sở ban ngành cấp tỉnh, rồi đến huyện thị, phường xã. Đó là những công trình hưng phấn XHCN. Thẩm mỹ chính thống được ưu tiên cho các công trình thiết chế, văn hóa – giáo dục quy mô lớn gọi là công trình trọng điểm, do Nhà nước trực tiếp đầu tư xây dựng quản lý sử dụng. Hầu hết kiểu dáng kiến trúc dàn trải biểu trưng, ảnh hưởng Liên Xô, Trung Quốc; trong khi duy trì cải biên truyền thống, theo đuổi mô-đéc hoặc trở lại nghệ thuật thuộc địa.

Từ tháng 8 / 1964, đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh leo thang phá hoại. Mọi công việc kiến thiết quy mô lớn ngoài quốc phòng đều phải đình lại. Trừ trường hợp nhà máy thủy điện Thác Bà. Thời gian Mỹ ngừng ném bom 1969 – 1971, một số công trình trọng điểm được triển khai như: Nhà máy giấy Bãi Bằng, Nhà máy dệt Minh Phương, Nhà máy hoá chất Việt Trì. Năm 1971 bắt đầu khảo sát thiết kế Thủy điện Hòa Bình; Chính phủ giao Bộ Thủy lợi và sau đó là Ban công tác Sông Đà trực thuộc Thủ tướng đảm nhận công trình vĩ đại này. Cũng trong năm 1971, nhóm chuyên gia Liên Xô đầu tiên đã sang Việt Nam làm việc. Từ tháng 4/1972 – 12/1972 miền Bắc bị Mỹ đánh phá hủy diệt, đặc biệt là Hà Nội, Hải Phòng và nhiều nơi khác. Sang năm 1973, các dự án 1971 được tái khởi động và lần lượt hoàn thành trước 1975. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi công tháng 5/1973, mở cửa lần đầu ngày 29/8/1975. Riêng công trình thủy điện Hòa Bình, tháng 11/1974 mới chính thức khởi công và được hoàn thành 1994.

Hà Nội những ngày chiến tranh, những ngày hòa bình

Sau khi hòa bình lập lại, tại Hà Nội xuất hiện nhiều công trình trọng điểm: Hội trường Ba Đình (cũ) Đại học Bách khoa (1955 – KTS Nguyễn Cao Luyện); Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (Từ Liêm, 1958 – KTS Nguyễn Ngọc Chân); Đại học Nông Nghiệp (1958 – 1960 – KTS Nguyễn Ngọc Diệm); Lễ đài Ba Đình (1960 – KTS Nguyễn Văn Ninh), Đại học Bách khoa Hà Nội (1960 – 1962 – Liên Xô thiết kế); Trụ sở Tổng cục Thống kê (1960 – 1962, KTS Đoàn Văn Minh); Viện mắt Trung ương (1961, KTS Đoàn Ngọ); Học viện Thuỷ Lợi (1961 – 1963 – KTS Đoàn Văn Minh); Hội trường Ba Đình (1961 – 1963 – KTS Trần Hữu Tiềm, KTS Nguyễn Cao Luyện và KTS Tạ Mỹ Duật); Trường Trung cấp Thương nghiệp (Mai Dịch, 1962 – KTS Tạ Mỹ Duật), Khu văn công Mai Dịch (1962 – 1963 – KTS Phạm Hòang); Trường Trung cấp Nông Lâm (Từ Liêm – Hà Nội, 1962 – KTS Tạ Mỹ Duật)… Tại bốn quận nội thành Hà Nội xuất hiện nhiều chung cư, khu tập thể kiểu mới 1 – 2 tầng, 3 – 4 – 5 tầng với những căn hộ đạm bạc dành cho viên chức thuộc các cơ quan Dân chính đảng hay cán bộ, công nhân thuộc các nhà máy xí nghiệp đóng trên địa bàn Hà Nội. Đó là các Khu tập thể: Bờ sông, Nguyễn Công Trứ (KTS Nguyễn Ngọc Diệm), Bách Khoa (KTS Nguyễn Đức Thiềm và cộng sự), Tiểu khu Kim Liên (KTS Trương Tùng, chuyên gia CHDCND Triều Tiên), Trung Tự (KTS Trương Tùng và cộng sự), khu tập thể 8 – 3, Trương Định. Một số dự án tiếp thu kỹ thuật xây dựng hiện đại và lề lối tổ chức tiểu khu (Microdistrict) kiểu Liên Xô và Đông Âu. Nhiều cơ sở công nghiệp hàng đầu miền Bắc được xây dựng tại Hà Nội: Nhà máy Cơ khí Gia Lâm (cải tạo mở rộng), Khu CN Thượng Đình (thường gọi khu Cao – Xà – Lá) bao gồm các nhà máy sản xuất cao su, thuốc lá, xà phòng (Trung Quốc thiết kế); Nhà máy dệt 8 -3; Nhà máy cơ khí Hà Nội (gần Cầu Mới, Q. Đống Đa, Liên Xô thiết kế); Cải tạo nâng cấp Nhà máy In Tiến Bộ (CHDC Đức thiết kế bổ sung), Nhà máy Pin Văn Điển (huyện Thanh Trì, Trung Quốc thiết kế), Nhà máy Cơ khí Đông Anh (Liên Xô thiết kế). Kèm theo đó là nhà tập thể, hội trường, nhà ăn, nhà trẻ trực thuộc nhà máy. Các KTS, KTS của Uỷ ban Kiến thiết Cơ bản Nhà nước, Bộ Kiến trúc, Khoa Xây dựng – ĐH Bách Khoa, Hội KTS Việt Nam, Hội KTS Hà Nội tham gia cùng các KTS nước bạn hay trực tiếp thiết kế hầu hết các dự án trọng điểm của Thủ đô Hà Nội. Kể cả các tỉnh thành miền Bắc hồi bấy giờ.

Đặc khu K9 hay là Công trình Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược

Địa điểm: Núi Đá Chông, huyện Ba Vì – Hà Nội. Thiết kế xây dựng: KTS Hoàng Linh và cán bộ chiến sĩ Cục Doanh trại Bộ Quốc phòng. Đặc khu K9 chiếm cứ một vùng núi non đồi gò hoang vắng rộng 234 ha, bạt ngàn cổ thụ nguyên sinh xen kẽ đồi thông, lại sẵn nhiều cự thạch đỉnh nhọn đứng lô nhô như muôn mũi chông, ngọn mác chĩa lên trời. Hình thế Đá Chông tựa như một con rồng vĩ đại cúi đầu uống nước sông Đà. U rồng chính là dãy núi nhô lên cao nhất. Lại nữa, dòng sông Đà từ thượng nguồn chảy qua Lai Châu, Hòa Bình rồi xuôi tiếp qua đằng Khê Thượng; đến đây thì đột ngột gãy ngoặt, chảy ngược lên phía Bắc, tới ngã ba Bạch Hạc (Việt Trì) rồi nhập vào sông Hồng, sông Thao. K9 quả là đắc địa Hồn thiêng sông núi.

Tháng 5/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Trung đoàn 36, Sư 308 diễn tập bên sông Đà, có dừng chân nghỉ ăn trưa tại một đỉnh đồi nơi có 3 mỏm đá nhọn như chông tựa sát vào nhau. Bác nảy sáng kiến xây dựng ở đây nhà làm việc của Người và Trung ương, phòng khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Tháng 2 năm sau Bác lên xem lại địa bàn Đá Chông. Lần này đi cùng có đồng chí Nguyễn Lương Bằng, một số cán bộ Phủ Chủ tịch và lãnh đạo tỉnh Sơn Tây. Trước đó, Cục Doanh trại đã chuẩn bị được mấy dãy nhà cấp bốn. Khi họp bàn, mọi việc quy hoạch và kiến trúc đều theo gợi ý của Bác: Khu A dành cho Bộ Chính trị họp và tiếp khách, khu B dành cho các đồng chí lãnh đạo nghỉ ngơi, khu C dành cho bộ phận bảo vệ, phục vụ. Bác đích thân cắm cọc, nhắm hướng cho hội trường, nhà làm việc, nơi ăn nghỉ của Bác và Trung ương. Người lại trực tiếp duyệt dự án “Công trường số 5” (gọi tắt là K5).

Tháng 2/1958, đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh cắm đất cho K5. Sau 6 tháng chuẩn bị, tháng 9 -1959 chính thức hoàn công K9. KTS Hoàng Linh – Cục trưởng Cục Doanh trại thiết kế một ngôi nhà 2 tầng, na ná kiểu nhà sàn nhưng bề thế bằng gạch, bê tông cốt sắt dành cho Bác Hồ. Ngoài các hạng mục nổi, ở Đặc khu K9 còn có hệ thống công sự và hầm ngầm. Trong quá trình xây dựng, Bác Hồ từng nhiều lần lên thăm kiểm tra. Giữa tháng 3/1960, ngôi nhà 2 tầng nay mang tên Nhà Sàn, hoàn thành, Bác Hồ đáp máy bay trực thăng lên dự khánh thành (cũng từ ngày ấy K5 mang tên Đặc khu K9. Sau ngày Bác qua đời, K9 được Trung ương chọn làm nơi giữ gìn thi hài của Người với mật danh K84. Ngày 18/7/1975, một đoàn xe đặc biệt chở thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh rời K84 về Lăng tại quảng trường Ba Đình – Hà Nội (Nguồn tài liệu: Thượng tá Nguyễn Thanh Huống, Chính uỷ Đoàn 285 – Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng).

Ba đợt Quy hoạch Hà Nội trước 1975

Giai đoạn 1954 – 1960: Định hướng TP phát triển hoàn toàn nằm phía bờ Tây sông Hồng. Trung tâm là khu Ba Đình và khu Hoàn Kiếm (ngày ấy chưa gọi là quận) và một phần Nam Hồ Tây với qui mô 7.000 ha.

Giai đoạn 1961 – 1964: Tháng 4/1961, Quốc hội phê chuẩn đồ án QH mở rộng Thủ đô của chuyên gia Liên Xô. Theo đó, Hà Nội sáp nhập về mình thêm 18 xã, 6 thôn và 1 thị trấn của Hà Đông; 29 xã và 1 thị trấn của tỉnh Bắc Ninh; 17 xã và nửa một làng của tỉnh Vĩnh Phúc; 1 xã của tỉnh Hưng Yên. Khi ấy Hà Nội rộng 130 km²; gồm 4 quận nội thành, 4 huyện ngoại thành. Dân số đạt 380.000 người. Dự án Quy hoạch Tổng thể Thủ đô Hà Nội hoàn thành năm 1961 với sự giúp đỡ của chuyên gia Liên Xô. Theo dự án, TP phát triển chủ yếu về khu Đông Nam gần bờ sông Hồng; hướng Đông Bắc ăn sang huyện Gia Lâm; về phía Tây Bắc là các xã Phú Thượng, Xuân La, Xuân Đỉnh, Cổ Nhuế; phía Tây về Cầu Giấy, Dịch Vọng, Yên Hòa, Trung Hòa; hướng Tây Nam bám quốc lộ 6; phía Nam có khu Giáp Bát và một phần xã Định Công. Đã triển khai QH: Khu Trung tâm Thủ đô Hà Nội 1961, KTS Hoàng Như Tiếp; Quy hoạch khu Quần Ngựa 1961, KTS Ngô Huy Quỳnh và QH Trung tâm chính trị Ba Đình 1961, KTS Ngô Huy Quỳnh).

Nhớ lại năm 1894, núi Khán Sơn bị người Pháp san phẳng, sau mọc lên ở đó dinh Toàn quyền (Xd 1901 – 1906), Trường Albert Sarrau (1913 – 1918), nhóm tượng đài Pháp quốc. Ngoài ra, còn một khải hoàn môn lệch về bên phải dinh toàn quyền và vườn hoa Puiginier có vòng xuyến giao thông ở giữa (người Hà Thành gọi là quảng trường Tròn). Tháng 7/1945, Thị trưởng Hà Nội Trần Văn Lai cho đổi tất cả đường phố tên Pháp sang tên Việt Nam, tôn vinh lịch sử, các anh hùng dân tộc và văn hiến nước nhà. Vườn hoa Pugininer được đổi thành vườn hoa Ba Đình, với ý nghĩa tưởng niệm đồng bào ba ngôi làng Mỹ Khê, Thượng Thọ, Mậu Thịnh (Nga Sơn, Thanh Hóa) nổi dậy theo Đinh Công Tráng khởi nghĩa năm 1886 – 1887, đã bị giặc Pháp tận diệt. Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam DCCH. Từ đó, quảng trường có tên Độc Lập (1945 – 1946), rồi Hồng Bàng (1947 – 1954). Sau năm 1954, có ý kiến đề nghị lấy lại tên Độc Lập hoặc đổi thành Quảng trường 2 – 9, nhưng Bác Hồ quyết giữ tên Ba Đình. Trong đợt quy hoạch Hà Nội 1960 – 1961, có nội dung ưu tiên là sắp xếp lại quảng trường Ba Đình với công trình bổ sung quan trọng – Hội trường Ba Đình (xây dựng 1961 – 1963, KTS Nguyễn Cao Luyện, KTS Trần Hữu Tiềm, KTS Tạ Mỹ Duật). KTS Ngô Huy Quỳnh được giao nhiệm vụ thiết kế quảng trường Ba Đình. Ông đã tiếp thu ý tưởng 1924 của KTS Ernest Hebrard và ý tưởng năm 1943 của KTS Georges Pineau. Đó là: Muốn tiếp cận quảng trường Ba Đình thì không thể bỏ qua trục tia huyết mạch: đường Điện Biên Phủ, hướng tới Lễ đài Ba Đình (KTS Nguyễn Văn Ninh, 1960). Phương án quy hoạch Ba Đình của KTS Ngô Huy Quỳnh đã tạo điều kiện cho các công trình kiến trúc quyền lực cao nhất có điều kiện biểu hiện trong bối cảnh gắn liền với sự ra đời của nước Việt Nam DCCH và những thắng lợi vĩ đại của hai cuộc chiến chống Pháp, Mỹ.

Giai đoạn Quy hoạch 1973

Đợt quy hoạch Hà Nội 1973 do Liên Xô giúp là chính, nhưng có thêm sự góp ý xây dựng cải tạo Thủ đô từ phía chuyên gia Nhật Bản. Do hoàn cảnh chiến tranh, hầu hết các thiết kế quy hoạch lớn trước năm 1975 đều không thực hiện được, trừ một phần Quy hoạch Khu Trung tâm Chính trị Ba Đình khi thay thế cổng vườn hoa Puiginier bằng Lễ đài, rồi 1973 lại thay Lễ đài này bằng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường như thấy ngày nay. Các quy hoạch khác được thực hiện dưới hình thức tổng mặt bằng quần thể như ĐH Bách khoa, Công viên Thống Nhất, Khu Văn công Mai Dịch, tổ hợp công nghiệp Cao su – Xà phòng – Thuốc lá (gọi tắt là khu Cao Xà Lá) hay các Tiểu khu (Microdistrict).

Lễ đài Ba đình

Lễ đài Ba Đình, 1955 – KTS Nguyễn Văn Ninh (hoàn thành tháng 12 năm 1955)

Công trình vừa thiết kế vừa thi công nội trong hai tháng, toàn bộ làm bằng gỗ súc và gỗ ván, kết cấu lắp dựng linh hoạt, Những dịp lễ lớn, có thể làm thêm dãy bục gỗ nhiều bậc rộng từ thấp lên cao, chứa được vài trăm người. Lễ đài có dáng dấp như một tam quan hai tầng, bố cục đăng đối, khối trung tâm nhô cao, lễ đài phụ hai bên thấp dần, chạy dài theo bề mặt quảng trường. Phần đế lễ đài vững chãi, mặt tiền trổ ba cửa cuốn vòm lớn. Tầng hai là lễ đài chính, nơi Bác Hồ, Lãnh đạo Đảng và Chính phủ đứng duyệt binh và vẫy chào các đoàn diễu hành trong các dịp lễ lớn. Bên trên lễ đài dựng mái đua che nắng mưa, ở giữa mở ba cửa thông sang phòng khách và cầu thang ở phía sau. Khối lễ đài chính nhô cao, trên đó nổi bật bức chân dung Hồ Chủ tịch khổ lớn. Bộ mái lớn dốc xòe ra bốn phía, bốn góc có tàu đao cong. Mái phụ và khối kiến trúc hai bên thấp hơn cũng tạo hình kiểu ngôi đình truyền thống. Lễ đài Ba Đình trang nghiêm hướng thượng, đậm tính dân tộc, giản dị mà thanh cao, lại gần gũi người dân. Bút pháp của KTS Nguyễn Văn Ninh đã chiếm lĩnh tình cảm của cả người Việt Nam lẫn khách nước ngoài. Công trình tồn tại đến năm 1958 thì được dỡ bỏ để xây lại bằng vật liệu kiên cố.

Lễ đài Ba Đình, 1960 – KTS Nguyễn Văn Ninh (công trình kiên cố thay thế công trình cùng tên bằng gỗ ván, làm năm 1955)

Năm 1960, KTS Nguyễn Văn Ninh lại vinh dự được giao thiết kế xây dựng Lễ đài Ba Đình bằng vật liệu kiên cố để sử dụng lâu dài và ông đã dành hết tâm huyết cho tác phẩm. Lễ đài chính chiếm vị thế trung tâm, hai tầng, mái bằng, phần đế sang trọng, cân đối, vững chãi; lễ đài phụ chạy sang hai cánh bên. Tác giả thật “cơ trí” khi đặt một “khải hoàn môn” áp sát tầng một khối trung tâm, như một hạt nhân không thể thiếu, khả dĩ nhất thể hoá khán đài trên cao và hai cánh khán đài phụ. Sự trơn tru của “khải hoàn môn” là lý do chính đáng để tôn tính trang trí của tổng thể kiến trúc. Mọi tinh tế dồn hết cho bộ mái lễ đài, được cấu tạo như một attic (phần kết thúc của khải hoàn môn) tân cổ điển. Thế nhưng, lễ đài hoàn toàn tách bạch khỏi truyền thống Âu Tây, không những xoá nhòa vĩnh viễn hình ảnh của cổng Puginier ngày nào, mà còn “đẩy ra xa” những công trình kiến trúc thuộc địa quanh Quảng trường Ba Đình như Phủ Toàn quyền, Trường Albert Saraut, Sở Tài chính Bắc Bộ, nhóm biệt thự tây ở phố Bà Huyện Thanh Quan… Lễ đài thu hút mọi tầm nhìn từ đường Điện Biên Phủ hướng về nó; như hướng về tương lai gần của một nền nghệ thuật mới – nền Nghệ thuật DCCH. Sinh thời, KTS Nguyễn Văn Ninh từng kể chuyện Bác Hồ trực tiếp góp ý cho dự án này: “Người nói: Bác muốn trổ mỗi bên mặt hồi một cửa sổ, chú thấy có nên không”? – Ý Bác được thực hiện. Sau này hai ô cửa sổ đó trở thành nơi quan sát rất thuận tiện cho công tác chỉ huy duyệt binh, diễu hành. Năm 1973, Lễ đài Ba Đình được triệt giải, lấy chỗ xây dựng Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh như ngày nay.

Đài Tổ quốc ghi công – Nghĩa trang Mai Dịch, đường Hồ Tùng Mậu, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy Hà Nội (1956 – KTS Nguyễn Văn Ninh). Đài Liệt sĩ nghĩa trang Mai Dịch khối hình chữ nhật, mặt bằng thu nhỏ dần theo chiều cao, kết thúc bằng khối sơn tường mái dốc sang hai bên, tỉ lệ rất đẹp. Bề mặt trước và sau đài liệt sĩ nổi bật hàng chữ Tổ Quốc Ghi Công. Bệ đài cao chừng 1m, giật đều ba cấp; ở chính giữa cấp trên cùng tôn trí một chiếc lư đồng. Đỡ bệ đài là khối nền cao chừng 1,2m, phía trước và sau làm 9 bậc dẫn lên. Bậc thầy Nguyễn Văn Ninh là người đưa ra hình tượng Đài liệt sĩ bất hủ, cho đến ngày nay vẫn được xem là công trình kinh điển của kiến trúc tượng đài Việt Nam.

Hội trường (cũ) Đại học Bách khoa Hà Nội – Địa điểm: Số 1 đường Giải Phóng, Q. Hai Bà Trưng – Hà Nội (1955 – 1956. KTS Nguyễn Cao Luyện). Đây là công trình bán kiên cố. Hội trường chứa được 5.000 người (một kỷ lục thời bấy giờ) với các tầm nhìn khá tốt. Chất liệu chủ yếu là gạch, gỗ hồng sắc. Mái lợp ngói, không thiết trần. Trang trí đơn giản, ngoại trừ phần kết thúc của hai cây cột chính có mắc đèn chiếu sáng với hai đầu cột bọc đồng dập hình các tầng lá akant thức corinthian.

Nhà sàn Bác Hồ – Địa điểm: Phủ Chủ tịch, Q. Ba Đình – Hà Nội. Xây dựng 1957. KTS Nguyễn Văn Ninh. Trong số các công trình danh tiếng thời DCCH, Nhà sàn Bác Hồ là nhỏ nhất, tùng tiệm nhất. Nhưng được muôn người biết đến vì đó là nơi ở và làm việc của lãnh tụ Hồ Chí Minh, người khai sinh ra nước Việt Nam mới. Kiểu dáng Nhà sàn Bác Hồ xứng đáng với sự nổi tiếng ấy. Từ thô mộc giản dị, trang trí thanh bạch mà kiến trúc thăng hoa, tới được cái lớn lao trác tuyệt của tấm lòng Cha già dân tộc. KTS Nguyễn Văn Ninh cũng như nhiều KTS, nghệ sĩ thế hệ ông là những nhà sáng tạo không thể thay thế. Họ thông hiểu truyền thống và trên nền tảng ấy góp phần mình gây dựng nền nghệ thuật DCCH. Nhà có hai gian chính như ngôi nhà tre nứa của Bác ở Việt Bắc, song rộng hơn và có thêm hai gian hồi ở hai đầu là nơi bố trí cầu thang và hàng hiên (dài 10,5m rộng 6,2m). Tầng dưới dành làm nơi Bác làm việc mùa hè, họp Bộ Chính trị, tiếp khách, có bệ xi măng chung quanh để các cháu thiếu nhi đến thăm Bác có chỗ ngồi chơi và ngắm cá vàng, chung quanh để trống thông thoáng, không gian rộng mở hòa vào ao cá đằng trước, sân vườn và những cây cổ thụ trong vườn. Lần theo bậc thang gỗ lên tầng hai, nơi đây có hai gian nhỏ mỗi gian rộng trên 10m2 làm phòng ngủ và làm việc, hàng hiên bao quanh. Ngôi nhà nhỏ lọt giữa khung cảnh dân dã gần gũi với làng quê, gắn bó với nhà sàn Việt Bắc, như nói lên đời sống thanh bạch của Bác lúc sinh thời. Theo KTS Đoàn Đức Thành (sách “Thế hệ KTS Việt Nam đầu tiên”- NXB Văn hóa – Thông tin, 2008) thì KTS Nguyễn Văn Ninh được Bác Hồ trực tiếp giao thiết kế ngôi nhà sàn của Người trong vườn Chủ tịch phủ. Bác nói: “Chú thiết kế cho Bác ngôi nhà giống như nhà sàn Việt Bắc trước kia Bác đã ở. Chú xem nên làm như thế nào thật đơn giản, chỉ cần một phòng ngủ và một phòng làm việc nhỏ thôi, không nên làm rộng rãi, cầu kỳ. Quanh nhà có hàng hiên, đủ kê ghế ngồi đọc sách và lối đi cho một người”. Nghe Bác nói xong, Nguyễn Văn Ninh đề nghị Bác cho phép đặt khu vệ sinh trong nhà và lắp điều hòa nhiệt độ để bảo đảm tiện nghi tối thiểu, vì Bác đã cao tuổi, nhưng Bác không đồng ý. Quá ngỡ ngàng trước những yêu cầu đơn giản của Bác, so với ý tưởng về một ngôi biệt thự xinh xắn và khang trang mà nhà kiến trúc ấp ủ bấy lâu cho xứng với Chủ tịch một quốc gia. Rốt cuộc, Bác Hồ mau chóng thuyết phục KTS Nguyễn Văn Ninh lĩnh hội ý Người. Ngôi nhà sàn được đưa vào sử dụng từ 17-5-1958, nhân dịp mừng ngày sinh lần thứ 68 của Bác Hồ.

Hội trường Ba Đình, còn gọi là nhà Nhà Quốc hội (cũ) – Địa điểm: Quảng trường Ba Đình – Hà Nội (Xây dựng 1961-1963. KTS Trần Hữu Tiềm, KTS Nguyễn Cao Luyện và KTS Tạ Mỹ Duật). Để chuẩn bị nghiên cứu thiết kế hội trường Ba Đình, năm 1960 một đoàn công tác của Bộ Kiến trúc được cử sang Bắc Kinh trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, trúng dịp Trung Quốc vừa khánh thành Đại lễ đường Nhân dân. Sau đó một nhóm chuyên gia kiến trúc Trung Quốc được chính phủ Việt Nam mời sang Hà Nội. Bộ Kiến trúc cho lập bộ phận chuyên trách trực tiếp nghiên cứu thiết kế cùng với chuyên gia Trung Quốc, gọi là “Tổ Quốc hội” do KTS Trần Hữu Tiềm và KTS Tạ Mỹ Duật phụ trách. Các phác thảo ban đầu cho thấy Nhà Quốc hội khá đồ sộ, tổ hợp nhiều khối nhà quanh 4 mặt, ở giữa có vườn cây. Mỗi khối nhấn cao đều được nâng thêm 2 – 3 tầng mái. Do chiến tranh ngày càng lan rộng ở miền Nam, Bác Hồ và Trung ương quyết định rút gọn dự án thành Hội trường lớn hơn 1.000 chỗ. Năm 1963, công trình hoàn thành nhưng đồng bào vẫn trân trọng gọi là Nhà Quốc hội. Năm 1964, tại đây Chủ tịch Hồ Chí Minh đã điều hành các phiên Hội nghị Chính trị đặc biệt. Từ đó đến năm 2009, tất cả các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, các kỳ họp Quốc hội đều diễn ra tại hội trường Ba Đình (Nguồn tài liệu: “Tạ Mỹ Duật: Dấu ấn Thời gian” – NXB Khoa học Kỹ thuật – 2010).

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam – Địa điểm: 66 Nguyễn Thái Học, quận Ba Đình, 1962-1966, Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung thiết kế. Khu nhà này có từ thập niên 1920, vốn là ngôi trường dành riêng cho lưu học sinh nữ, con em quan chức thuộc địa ba nước Đông Dương về Hà Nội học tập. Năm 1962, nhà nước giao cho Bộ Văn hóa cải tạo lại để làm nơi trưng bày các tác phẩm Mỹ thuật. Năm 1966, bảo tàng được khánh thành, diện tích xây dựng 4.200m², diện tích trưng bày 1.200m². Năm 1997 – 1999, bảo tàng được mở rộng với tổng diện tích sàn 4.737m², phần trưng bày là 3.000m². Trong cải tạo lần này nhiều bộ phận, chi tiết kiến trúc quan trọng được chuyển hóa từ cảm hứng kiến trúc đình làng Việt. Thiết kế của họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung cho thấy tính biểu trưng của nghệ thuật dân tộc có thể đưa kiến trúc thuộc địa đến thành tựu (Nguồn tài liệu và ảnh: baotangmythuat.vn)

Bưu điện Bờ Hồ – Địa điểm: Số 75 Đinh Tiên Hoàng, Q. Hoàn Kiếm – Hà Nội. Khởi công 1971, hoàn thành 1978. Thiết kế: Ban đầu là chuyên gia Trung Quốc, về sau KTS Việt Nam chỉnh sửa. Năm 1954, khi nhận bàn giao từ người Pháp, Bưu điện Hà Nội chỉ có một tổng đài 1.500 số với hơn 600 thuê bao. Nhà Bưu điện mới được khởi công ngày 8/3/1971. Tòa nhà chính cao 5 tầng với mặt tiền dài 51m cơ bản được hòan thành trong năm 1976. Bưu điện Hà Nội chính thức vận hành 1978.

Lăng Chủ Tịch Hồ Chí Minh – Địa điểm: Quảng trường Ba Đình – Hà Nội. 1970 – 1975. Mở cửa lần đầu 29/8/1975. Những người tham gia thiết kế công trình này (tên ghi rõ trên bản vẽ của Viện Nghiên cứu thiết kế mang tên B.C. Mezentsev) gồm: KTS G. Isakovich (chủ trì), KTS B. Mezentsev; các Công trình sư B. Boiko, Iu. Ghertrikov, V. Mesitov, và một phụ chú: “Tham gia thiết kế còn có tập thể chuyên gia Việt Nam và Liên Xô”. Từ tháng 3 đến tháng 5/1970 phía Việt Nam mở triển lãm lưu động tại Hà Nội, Nghệ An, Hải Phòng, Thái Nguyên, Sơn La; trưng bày 20 phương án trội nhất trong số gần 200 thiết kế ý tưởng từ nhiều đơn vị, cá nhân trong nước, kiều bào nước ngoài. Triển lãm đã thu hút 745.487 lượt người xem, tập hợp được 34.022 ý kiến đóng góp từ các ngành các giới và công chúng. Tháng 5/1970 tại Hà Nội, Việt Nam và Liên Xô họp bàn ghi nhận về cơ bản thiết kế lăng đáp ứng tiêu chí Bộ Chính trị đề ra: “Dân tộc, Hiện đại, Bề thế uy nghi, Trang nghiêm, Giản dị và Thuận tiện”. Dự định hưng công lăng tháng 9/1972 không thành do từ tháng 4 năm ấy Mỹ ném bom trở lại. Ngày 2/9/1973, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký Quyết định khởi công. Vị thế quảng trường Ba Đình (sức chứa 300.000 người) thật đặc biệt. Tại đây tập trung các công trình hàng đầu đất nước: Nhà Quốc hội, Dinh Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Trụ sở BCH Trung ương Đảng, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Đài tưởng niệm Bắc Sơn và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó Lăng là công trình tôn nghiêm nhất. Lăng còn là khán đài Đại lễ quốc gia khổng lồ, nơi gắn bó với lịch sử đấu tranh dành Độc lập, Thống nhất đất nước kể từ ngày 2/9/1945 và hình ảnh Anh hùng dân tộc Hồ Chí Minh. Sau 700 ngày đêm lao động của cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên xây dựng Lăng, và đặc biệt là có sự giúp đỡ bằng sức người và sức của của Đảng, Chính phủ và nhân dân Liên Xô, chúng ta đã vượt qua trăm nghìn gian khó xây dựng nên ngôi nhà vĩnh hằng của Bác. Lăng Bác là một công trình kiến trúc đồ sộ, uy nghi; lăng cao 21,6m, bề mặt rộng 31m. Hai cánh gà mở ra hai phía. Phần dưới Lăng lát đá hoa cương mầu sẫm gồm ba tầng, tầng trên nhỏ hơn tầng dưới, hình thành một tam cấp đồ sộ. Nét độc đáo của kiến trúc dân tộc đã tạo cho Lăng một thế đứng vững chãi, trang nghiêm. Phần mái Lăng cũng hình thành một tam cấp nhẹ nhõm, thanh thoát với những đường vắt chéo, làm cho mái Lăng vừa mang những nét gọn gàng, giản dị của kiến trúc hiện đại, vừa phảng phất dáng vẻ mềm mại, uyển chuyển của mái cong kiến trúc dân tộc cổ truyền. Dưới mái Lăng, bốn phía đều có các hàng cột cao, to bằng đá hoa cương màu xám bạc. Bên trong bốn hàng cột trang nghiêm là bốn bức tường đá hoa cương đỏ màu son: đó là căn phòng yên nghỉ vĩnh cửu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sáng 29/8/1975, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã tổ chức lễ trọng thể khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (Nguồn văn bản: hochiminh.vn)

Thay lời kết

Đôi khi tôi băn khoăn, Kiến trúc đô thị Hà Nội thời DCCH không thiếu cái hay cái đep, chứ đâu chủ thuần là “Nhiều, nhanh, tốt, rẻ” như có người nói một bề. Nhưng trên hết, nền kiến trúc ấy không thể phủ nhận, vì đó là một thực thể quan trọng của đất nước con người Việt Nam trên chặng đường hai thập kỷ cuối của cuộc Trường chinh về đích Thống nhất Tổ quốc. Di sản ấy đáng được gìn giữ.

KTS Đoàn Khắc Tình
(Bài đăng trên  Tạp chí Kiến trúc số 8-2024)