Tối 17/11, tại Ngã tư Tràng Tiền – Đinh Tiên Hoàng, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 đã chính thức bế mạc. Sau 9 ngày liên tục đón tiếp gần 30 vạn Nhân dân và du khách tới thưởng lãm và tham gia tích cực, lễ hội đã chứng tỏ sức hấp dẫn và lan tỏa tinh thần sáng tạo, góp phần phát triển ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô.
Lễ hội do UBND thành phố Hà Nội – Hội Kiến trúc sư Việt Nam chỉ đạo; Sở Văn hoá và Thể thao, Tạp chí Kiến trúc thường trực tổ chức, cùng sự đồng hành và phối hợp tổ chức của Văn phòng UNESCO tại Hà Nội và Tập đoàn SOVICO; Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), UBND Quận Hoàn Kiếm, Thành đoàn Hà Nội, các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, và các đơn vị liên quan. Lễ hội có sự tham gia đông đảo của các doanh nghiệp, nhóm cộng đồng, các chuyên gia và tài năng sáng tạo…
Nhiều sự quan tâm
Lễ hội đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo và hỗ trợ toàn diện từ lãnh đạo quản lý các cấp, các ngành. Các đơn vị đều dành những nguồn lực tốt nhất phục vụ lễ hội, đặc biệt là các đơn vị trực tiếp tham gia vào tuyến Lễ hội như Cung Thiếu nhi Hà Nội, Nhà khách Chính phủ (Bắc Bộ Phủ), Nhà Hát lớn, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Đại học Tự nhiên – ĐHQGHN (Đại học Tổng hợp) đã cởi mở phối hợp và thí điểm mở cửa đón khách tham quan.
Lễ hội không chỉ nhận được sự quan tâm, tham dự của lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội mà còn chào đón đại diện các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế tại Hà Nội. Ngày 10/11, đồng chí Nguyễn Văn Phong – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội và lãnh đạo các sở, ngành thành phố đã tham quan các không gian sáng tạo tại Lễ hội. Ngày 12/11/2024, đoàn các phu nhân đại sứ và trưởng đại diện tổ chức quốc tế tại Hà Nội đã có chuyến tham quan tour di sản đặc biệt…Các đại biểu bày tỏ sự ngạc nhiên và ghi nhận nội lực của giới sáng tạo Thủ đô.
Tài hoa sáng tạo
Bước sang năm thứ 4, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 được mở rộng với hơn 110 hoạt động thuộc 12 lĩnh vực công nghiệp văn hoá tiêu biểu như kiến trúc, mỹ thuật, trình diễn, điện ảnh, quảng cáo… Điểm nhấn là các diễu hành cộng đồng sáng tạo, công trình biểu tượng, sắp đặt không gian sáng tạo, hoạt động triển lãm – trưng bày, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trải nghiệm, các tọa đàm hội thảo quốc tế và trong nước. Qua đó, tinh thần sáng tạo được lan toả tại khắp các không gian kiến trúc, không gian di sản văn hóa, không gian sáng tạo, các phố nghề, làng nghề truyền thống trên khắp các tuyến phố, khắp địa bàn quận huyện, thị xã của Thủ đô. Bên cạnh đó, cộng đồng tổ chức gần 50 hoạt động sáng tạo hưởng ứng Lễ hội, phục vụ công chúng và du khách Thủ đô.
Lễ hội được ví như “đại tiệc” sáng tạo thú vị, đa sắc màu thể hiện sự tài hoa của nhiều thế hệ nhân dân Thủ đô. Các hoạt động được tổ chức là cuộc đối thoại giữa công trình hiện hữu, gắn những ý tưởng sáng tạo vào những ký ức của cộng đồng, nhằm phát huy các giá trị của văn hóa trong phát triển ngành công nghiệp sáng tạo.
Chương trình khai mạc với chủ đề “Giao lộ” đã mở màn ấn tượng cho Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024. Buổi lễ tái hiện “Long Vân khánh hội” và “Diễu hành Phố Chợ”, quy mô hoành tráng, hòa quyện giữa nghệ thống truyền thống và hiện đại, mang đến trải nghiệm nghệ thuật độc đáo, nhận được sự dõi theo, hưởng ứng và cổ vũ từ đông đảo khán giả và nhân dân Thủ đô.
Ba công trình biểu tượng: Pavillion “Hành lang thơ ngây”, “Dòng”, “Rồng rắn lên mây” thay vì đứng độc lập như các mùa lễ hội trước, năm nay được sắp ở vị trí tương tác, tạo ra cuộc đối thoại với di sản kiến trúc. Hai cuộc đại triển lãm “Cảm thức Đông Dương” tại Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Tổng hợp) và “Cung Thiếu nhi Hà Nội – Hoài niệm cho tương lai” khẳng định sự sáng tạo không giới hạn của giới nghệ sĩ, kiến trúc sư khi có sự phá cách trong tư duy, độc đáo trong sắp đặt, nhưng vẫn đảm bảo giá trị truyền thống, có sự hài hòa với không gian cảnh quan và hiện vật trưng bày.
Các cuộc tọa đàm, hội thảo mang lại những nhận thức mới cho hoạt động sáng tạo ở Thủ đô như: Tọa đàm “Sáng tạo hình ảnh Hà Nội trong điện ảnh các thời kỳ”; Hội thảo “Truyền thống từ góc nhìn Kiến trúc đương đại”; Hội thảo: “Xây dựng mô hình, sản phẩm công nghiệp văn hóa từ nguồn lực di sản văn hoá phi vật thể ở Thủ đô Hà Nội”… Thông qua đó, gợi những điểm nhìn mang tính hệ thống của các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, kiến trúc… góp phần tạo ra một cộng đồng tri thức mới.
Giàu “tính tham gia”
Không gian Lễ hội trải rộng theo tuyến, từ điểm đầu tới điểm cuối cách nhau gần 3km, nhưng đó không phải rào cản cho việc khám phá, trải nghiệm của du khách. Trong đó, lần đầu tiên, Cung Thiếu nhi Hà Nội, Nhà khách Chính phủ (Bắc Bộ Phủ), Nhà Hát lớn, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Đại học Tự nhiên – ĐHQGHN (Đại học Tổng hợp) thí điểm mở cửa đón khách tham quan như một di sản kiến trúc bên cạnh công năng vốn có đã trở thành những điểm nhấn của tuyến.
Lễ hội năm nay được đánh giá có tính tham gia, tính hoà nhập cao. Sự góp mặt của hơn 500 đơn vị, hơn 1.000 nhà sáng tạo, trong đó có nhiều nghệ sĩ trẻ tài năng đã thành danh cả trong và ngoài nước. Cộng đồng người khuyết tật và các nhóm yếu thế trong xã hội đã tích cực đóng góp với vai trò là những nhà sáng tạo chuyên nghiệp. Những hoạt động mà các nhóm cộng đồng này mang tới Lễ hội không chỉ giúp công chúng thấu hiểu hơn về thế giới của mình, mà còn thể hiện tinh thần tích cực của mỗi người dân thủ đô trong hành trình xây dựng một thành phố sáng tạo năng động và phát triển.
Gần 300 bạn trẻ chọn đóng góp cho Lễ hội khi trở thành tình nguyện viên hỗ trợ công tác tổ chức, tiếp đón và hướng dẫn nhân dân tham quan trải nghiệm.
Sau 9 ngày tổ chức, Lễ hội đã đạt được thành công ngoài mong đợi, tạo dấu ấn và nhận được sự ủng hộ, cộng hưởng lớn từ nhân dân Thủ đô và du khách. Hơn 30 vạn lượt khách đã đến tham gia, trải nghiệm tại các điểm trên tuyến chính của Lễ hội, trong đó những ngày cuối tuần, Lễ hội đón tới gần 60.000 người chỉ trong một ngày tại các điểm có cổng ra vào, chưa kể đến các không gian mở như vườn hoa hay không gian công cộng. Nhân dân và du khách kiên nhẫn xếp hàng, háo hức chờ tham quan.
Hơn 200 phóng viên báo chí đã tham gia và trở thành một phần không thể thiếu của Lễ hội, chủ động sản xuất hơn 1.200 tin bài phản ánh những góc cạnh thú vị, tuyên truyền thúc đẩy nhân dân và du khách dành thời gian cho văn hóa, cho sáng tạo. Nhiều đề tài chuyên sâu đã được khai thác, góp phần gia tăng “dân biết, dân bàn” về các chủ đề kinh tế sáng tạo, công nghiệp văn hóa, đưa chính sách đến gần với cuộc sống của nhân dân. Trên các phương tiện truyền thông mới, hơn 2000 nhà sáng tạo nội dung đã thực hiện sản phẩm truyền thông đa phương tiện trên các mạng xã hội, hướng dẫn khán giả cách tham gia Lễ hội sao cho tối ưu và văn minh, lan tỏa thông điệp tự hào về thành phố ngàn năm văn hiến. Riêng fanpage chính thức của Lễ hội đã có 500 bài viết chất lượng được đăng tải, thu hút hơn 1 triệu lượt tiếp cận với công chúng.
Với ba trụ cột Thiết kế – Sáng tạo – Cộng đồng, tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024, cộng đồng trở thành chủ thể của Lễ hội. Họ không chỉ đến tham quan, trải nghiệm mà còn tương tác, hòa nhịp với các hoạt động, sự kiện. Từ các hoạt động cộng đồng, trưng bày – triển lãm, trình diễn – biểu diễn đến cả các hội thảo – tọa đàm đều thu hút rất đông người dân và du khách. Tại một số hoạt động như Lễ diễu hành sáng tạo, các nghệ sĩ đã chủ động đưa cộng đồng vào thành một phần của hoạt động, hay các hoạt động cộng đồng tại Cung Thiếu nhi, các vườn hoa, tuyến phố Tràng Tiền đều hướng đến người dân và du khách. Các hộ kinh doanh, nhà dân trên địa bàn Quận Hoàn Kiếm đã thể hiện tinh thần “chủ nhà”, chủ động hỗ trợ người dân và du khách trong quá trình tham quan. Mỗi cá nhân tham gia đều hào hứng, được tương tác, góp tiếng nói và tìm thấy niềm vui sáng tạo ở Lễ hội.
Chuỗi thí điểm mới
Lễ hội không chỉ thí điểm một tuyến trải nghiệm về Kinh tế sáng tạo cho thành phố trong tương lai.
Lễ hội năm nay đã tạo điều kiện cho các đơn vị lữ hành thí điểm triển khai bán “Tour Sáng tạo” có sẵn ghi nhận mỗi ngày ngàn lượt thanh toán trực tuyến.
Thử nghiệm ứng dụng công nghệ giúp công chúng chủ động lựa chọn, thuê “trợ lý chuyến đi” cùng tự thiết kế tour cũng thu hút công chúng, đặc biệt là du khách nước ngoài.
Các chuyên gia sáng tạo cũng vào cuộc thử nghiệm dẫn “tour giám tuyển”, “tour kiến trúc sư”, “tour nghệ sĩ” nhằm giúp tối đa hóa khả năng tiếp cận thông tin cho khán giả.
Thí điểm Triển lãm Ý tưởng Thiết kế Sáng tạo tại Nhà triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng cũng nhận được sự hưởng ứng từ cộng đồng. Các ý tưởng tới từ các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức thực hành sáng tạo trên cả nước đã được trưng bày, biến Triển lãm thành nơi chia sẻ và cổ vũ tinh thần dũng cảm sáng tạo, đồng thời hướng tới kết nối các nguồn lực hỗ trợ (nhà tài trợ, đầu tư tiềm năng…) đưa các sáng kiến sáng tạo vào thực tiễn cuộc sống.
Đây là những nét mới, tạo sự khác biệt, tăng thêm sức hấp dẫn và tạo thành công cho Lễ hội, gợi ý nhiều hướng khai thác các sản phẩm dịch vụ mới, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế sáng tạo Hà Nội. Những thí điểm thành công này cũng mở ra các điều kiện chuẩn bị cho sự ra mắt Trung tâm điều phối hoạt động sáng tạo Hà Nội. Hàng triệu niềm vui đã tạo nên một bầu không khí sáng tạo tràn ngập thủ đô Hà Nội những ngày qua. Tất cả đều dành tâm huyết, công sức, tình yêu góp phần tạo nên thành công của Lễ hội, hơn cả là góp phần cho mục tiêu hiện thực hóa các sáng kiến của Hà Nội khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO.
© Tạp chí Kiến trúc
Nhận xét