Tóm tắt

Bài viết phân tích và nhận diện những đặc điểm, giá trị của kiến trúc hiện đại miền Nam Việt Nam trong giai đoạn 1954–1986. Đây là thời kỳ kiến trúc miền Nam bứt phá khỏi ảnh hưởng của phong cách cổ điển phương Tây, đồng thời tiếp thu các nguyên tắc của Chủ nghĩa Hiện đại quốc tế, nhưng được sáng tạo để phù hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới và khai thác có chọn lọc các yếu tố truyền thống vào những công trình quy mô lớn. Giai đoạn này cũng đánh dấu sự ra đời của nhiều công trình tiêu biểu, từ trụ sở hành chính, trường học, cơ sở tôn giáo đến nhà ở và các công trình văn hóa, thể hiện rõ tài hoa và sức sáng tạo của giới KTS Việt Nam. Các công trình được định hình theo ba phong cách chủ đạo: Hiện đại – Quốc tế, Hiện đại – Nhiệt đới, và Hiện đại – Dân tộc, góp phần quan trọng vào việc định hình phong cách kiến trúc hiện đại Việt Nam. Những bài học về sự kết hợp hài hòa giữa tiến bộ của kiến trúc thế giới với các yếu tố bản địa, dân tộc vẫn tiếp tục mang lại giá trị tham khảo và ứng dụng trong thực tiễn phát triển kiến trúc ngày nay.

Từ khóa: Kiến trúc Hiện đại, miền Nam Việt Nam, Hiện đại – Quốc tế, Hiện đại – Nhiệt đới, Hiện đại – Dân tộc

Bối cảnh phát triển kiến trúc miền Nam giai đoạn 1954-1986

Sau Hiệp định Genève 1954, miền Nam Việt Nam trở thành trung tâm quy tụ nhiều KTS tài năng tốt nghiệp từ các trường danh tiếng trong và ngoài nước như trường Mỹ thuật Đông Dương, Cao đẳng Kiến trúc Đà Lạt, Cao đẳng Kiến trúc Sài Gòn và các trường danh tiếng ở Pháp như Cao đẳng Quốc gia Mỹ thuật Paris và Kiến trúc Lyon. Với sự ra đời của Bộ Kiến thiết & Thiết kế Đô thị, nhiều chương trình quốc gia quy mô lớn đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế và nâng cao đời sống xã hội, mang đến diện mạo kiến trúc hiện đại cho miền Nam dù đang trong bối cảnh chiến tranh.

Thập niên 1960 là giai đoạn phát triển rực rỡ nhất với lực lượng kiến trúc sư ngày càng đông đảo và sự phổ biến của kỹ thuật xây dựng tiên tiến. Tuy nhiên, từ cuối thập niên 1960 đến đầu 1970, chiến sự leo thang, đặc biệt sau Mậu Thân 1968, khiến các chương trình chuyển trọng tâm sang tái thiết thay vì phát triển mới, kéo dài đến năm 1975.

Giai đoạn 1975-1986, Việt Nam bước vào thời kỳ kinh tế kế hoạch hóa với nhiều khó khăn, thiếu hụt vật liệu xây dựng. Các công trình xây mới bị hạn chế, chủ yếu tái sử dụng công trình cũ và tập trung vào các thể loại nhà tập thể, nhà máy, hội trường,… với mục tiêu tối ưu hóa công năng, chi phí thấp. Điều đó làm tính thẩm mỹ kiến trúc bị suy giảm, kéo dài cho đến khi đất nước bước vào thời kỳ Đổi mới.

Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển kiến trúc miền Nam

Kiến trúc Hiện đại miền Nam phát triển nhờ sự kết hợp của nhiều yếu tố:

  • Kế thừa hạ tầng do người Pháp để lại và tốc độ phát triển đô thị nhanh chóng: Trong thời kỳ thuộc địa, người Pháp đã xây dựng nhiều đô thị với hệ thống hạ tầng kỹ thuật tương đối hoàn chỉnh cùng các công trình đa dạng như nhà thờ, bệnh viện, trường học, khu quân sự… Sau khi giành độc lập năm 1954, các đô thị miền Nam, đặc biệt là Sài Gòn, tiếp tục phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng dân số nhanh chóng. Sự bùng nổ này đã thúc đẩy nhu cầu xây dựng các công trình hiện đại quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu đa dạng và phong phú của xã hội.
  • Chính quyền sở tại đề cao tinh thần quốc gia, dân tộc: đây cũng là nhân tố quan trọng tác động đến sự hình thành tính bản sắc và hiện đại của kiến trúc miền Nam Việt Nam ngay sau năm 1954. Những công trình thuộc sở hữu nhà nước gần như loại bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của phong cách cổ điển phương Tây (Dinh Tổng thống, Thư viện quốc gia, Bệnh viện Vì Dân,…). Chính quyền tiếp nhận và tạo điều kiện cho các kiến trúc sư tự do sáng tác theo phong cách hiện đại tiên tiến của thế giới, triển khai cùng những chương trình kiến thiết lãnh thổ qui mô lớn.
  • Sự đóng góp của các kiến trúc sư được đào tạo từ phương Tây và trong nước: những thế hệ kiến trúc sư này đã tiếp nhận tinh hoa kiến trúc thế giới thông qua các chương trình đào tạo và thực hành mang tính quốc tế, tuy nhiên cũng đã nâng cao sáng tạo từ sự am hiểu sâu sắc về kiến trúc truyền thống và điều kiện khí hậu nhiệt đới. Phần lớn công trình xây dựng trong thời kỳ này thể hiện lối đi riêng trong việc xây dựng phong cách kiến trúc Hiện đại mang sắc thái Việt Nam.
  • Ảnh hưởng từ kiến trúc hiện đại phương Tây và Hoa Kỳ: trong thập niên 1950-1960, Chủ nghĩa Hiện đại đang thịnh hành trên thế giới với các nguyên tắc đề cao công năng, kỹ thuật, và tính giản đơn trong thiết kế. Sự tiếp thu những quan điểm này đã tạo ra cuộc cách mạng trong thiết kế kiến trúc tại miền Nam, giúp các công trình vượt qua ảnh hưởng của phong cách cổ điển và mang đậm tính sáng tạo. Mel Schenck, một nhà nghiên cứu lịch sử kiến trúc người Mỹ đến Sài Gòn lần đầu tiên vào năm 1972, có nhận định đáng lưu ý là: Sài Gòn – vốn luôn cởi mở với những ý tưởng mới – đã tiếp nhận kiến trúc Hiện đại, chấp nhận và biến nó thành kiến trúc bản địa của mình. Sài Gòn đã trở thành một trong những trung tâm quan trọng của kiến trúc Hiện đại thế giới .

Đặc điểm của kiến trúc hiện đại miền Nam

  • Đặc điểm mặt bằng và không gian chức năng 

Giai đoạn nửa sau thập niên 1950, công tác thiết kế được thực hành bởi những kiến trúc sư Hiện đại tiền phong người Pháp và các kiến trúc sư người Việt tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông Dương hoặc Cao đẳng Quốc gia Mỹ thuật Paris. Yếu tố hiện đại đã xuất hiện nhưng chưa rõ nét. Công trình kiến trúc giai đoạn này thường có bố cục đối xứng, cân bằng; mặt bằng hình chữ T, U, H, hình chữ nhật khép kín; sử dụng sân trong và khoảng hiên hoặc hành lang rộng để tạo sự thông thoáng.

Giai đoạn 1960 đến 1975, sự khẳng định vai trò của các kiến trúc sư người Việt cùng với sự xuất hiện những công ty của Hoa Kỳ, Nhật, Hàn, Úc,… đã góp phần thúc đẩy nhiều thay đổi trong kiến trúc. Ảnh hưởng của kiến trúc Hiện đại phương Tây và Hoa Kỳ với nền kiến trúc miền Nam cũng rõ rệt hơn. Các nguyên tắc tổ chức mặt bằng và không gian chức năng linh hoạt, phong phú với hình thức tự do, bất đối xứng; nhiều công trình có cấu trúc hợp khối hay hỗn hợp thay vì phân tán như trước đây. Hình dạng mặt bằng cũng đa dạng như hình thang, hình tròn, đa giác, tự do hoặc đan cài ý nghĩa về chiết tự. Hành lang, sân trong được sử dụng phổ biến như là giải pháp hữu hiệu để thích ứng với điều kiện khí hậu nhiệt đới tại miền Nam.

Đặc điểm mặt bằng và không gian chức năng của một số công trình kiến trúc tiêu biểu miền Nam Việt Nam

Giai đoạn 1975 – 1986, đội ngũ KTS miền Nam được bổ sung thêm nhiều nhân sự được đào tạo từ miền Bắc và các nước Xã hội chủ nghĩa. Số lượng công trình xây mới ít, chủ yếu tận dụng các công trình có sẵn từ trước. Kiến trúc giai đoạn này tập trung vào tối ưu hóa công năng, giảm chi phí đầu tư, với thiết kế mặt bằng đa dạng, sử dụng hành lang và sân trong để tăng cường thông gió và chiếu sáng tự nhiên.

  • Đặc điểm tạo hình 

Giai đoạn nửa sau thập niên 1950, việc tạo hình vẫn chịu ảnh hưởng của kiến trúc thời Pháp thuộc trước đó. Công trình được phân chia với những thành phần rõ ràng gồm khối đế – khối thân – khối đỉnh. Khối đế thường ốp đá tự nhiên; khối thân được quét vôi tường ngoài, sơn gai hoặc đá rửa màu vàng; khối đỉnh thường là mái dốc lợp ngói có ống khói vươn cao. Ảnh hưởng của phong cách Art Deco hậu kỳ cũng được phản ánh bằng những họa tiết trên bề mặt để tạo nhịp điệu hình học, nhấn mạnh phân vị ngang. Tường ngoài dày và trần cao để phù hợp với khí hậu nhiệt đới.

Giai đoạn từ 1960 đến 1975, ảnh hưởng của kiến trúc Hiện đại thế giới đối với miền Nam Việt Nam trở nên rõ nét, tạo hình kiến trúc vì thế cũng đa dạng và phong phú hơn. Công trình kiến trúc được thiết kế với hình học kỷ hà nhưng giải pháp tổ hợp khá tự do; không phân định khối đế, khối thân, khối đỉnh rõ ràng như trước. Mái bê tông cốt thép sử dụng phổ biến. Hình thức kiến trúc không còn chịu ảnh hưởng của phong cách Art Deco, mà thay vào đó là những sáng tạo phù hợp với khí hậu nhiệt đới, loại bỏ các chi tiết trang trí rườm rà. Đây cũng là thời kỳ mà thành phần lam chắn nắng, gạch hoa gió được sử dụng rộng rãi. Nhiều tấm lam chắn nắng hoặc bông gió còn được sáng tác riêng cho công trình để đạt sự thuần nhất từ tổng thể đến chi tiết. Bên cạnh sự học hỏi phong cách Quốc tế, các kiến trúc sư đã khéo léo khai thác mô thức truyền thống vào công trình hiện đại. Trong nhiều công trình (tôn giáo, văn hóa, nhà ở), hình ảnh đặc trưng của kiến trúc truyền thống không được sao chép nguyên bản mà có sự chọn lọc, giản lược và cách tân theo hướng “gợi nhắc” hơn là “miêu tả”. Điều này đã làm biến đổi kiến trúc truyền thống Việt theo một cách mới mẻ, sinh động, phù hợp với sự tiến bộ của vật liệu và kỹ thuật xây dựng đương thời.

Giai đoạn từ 1975 đến 1986: do sự khó khăn rất lớn về kinh tế và tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng nên hình thức kiến trúc không còn phong phú và đa dạng như trước. Tuy nhiên, thời kỳ này vẫn có những đóng góp đáng lưu ý cho kiến trúc TPHCM như Nhà hát Hòa Bình (1985), Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ (1985), Nhà thi đấu Phan Đình Phùng (1985), Công ty Legamex (1986)… Đặc điểm tạo hình của giai đoạn này là: 01) tiếp tục sử dụng hình thức và giải pháp kiến trúc thích ứng với khí hậu nhiệt đới giống giai đoạn trước nhưng có phần đơn giản hơn; 02) hình khối công trình có xu hướng biểu tượng hoành tráng, chịu ảnh hưởng của phong cách kiến trúc Hiện đại từ Liên bang Xô Viết.

Đặc điểm tạo hình của một số công trình kiến trúc miền Nam Việt Nam
  • Đặc điểm vật liệu và kỹ thuật xây dựng

Trong kiến trúc Hiện đại miền Nam, đá tự nhiên thường được dùng để ốp mặt ngoài khối đế, trụ cổng và chân tường rào, mang lại vẻ đẹp bền vững. Đá rửa, gồm sỏi và xi măng pha bột đá, là vật liệu phổ biến nhờ độ bền và kỹ thuật xây dựng thuần thục của các hãng thầu Việt Nam, với màu trắng xám chủ đạo từ xi măng Hà Tiên. Sau năm 1975, do thiếu hụt nguyên vật liệu và công nghệ, đá rửa có màu xám tối hoặc xám đen, không còn giữ được màu sắc đồng nhất như trước.

Đá mài và gạch bông được dùng phổ biến để hoàn thiện sàn, bậc thang và nội thất cho nhiều loại công trình. Gạch bông không còn phụ thuộc vào sản xuất từ Pháp mà được cung ứng trong nước. Tấm Fibrocement, một vật liệu mới do các xưởng kỹ nghệ miền Nam sản xuất, thường được dùng để lợp mái, chống nóng cho công trình có mái bê tông. Vật liệu tiền chế cũng được nghiên cứu và áp dụng cho một số công trình nhà ở, xưởng kỹ thuật, nhưng do thị hiếu và nhiều lý do khác, nó ít được sử dụng rộng rãi.

Về kết cấu, bê tông cốt thép là lựa chọn chủ yếu nhờ độ bền và phù hợp với khí hậu nhiệt đới, thay thế tường gạch chịu lực. Kết cấu thép chỉ được dùng hạn chế, chủ yếu cho các nhà xưởng công nghiệp.

Kỹ thuật xây dựng ở miền Nam được nâng cao với sự tổ chức chuyên nghiệp của các hãng thầu, đặc biệt là các hãng thầu thuộc Chính phủ và Nha Công binh. Từ giữa thập niên 1960, kỹ thuật xây dựng cải tiến với sự tham gia của kiến trúc sư và kỹ sư công binh Hoa Kỳ, cùng với sự xuất hiện của thiết bị hiện đại như thang máy và điều hòa. Điều này cho phép xây dựng các công trình quy mô lớn, cao tầng và phức tạp về mặt kỹ thuật, chủ yếu diễn ra trong thập niên 1960 và nửa đầu 1970. Tuy nhiên, từ 1975 đến 1986, do khó khăn về kinh phí và vật liệu, kỹ thuật kiến trúc và xây dựng không còn phát triển mạnh, chủ yếu tận dụng lại công trình có sẵn hoặc xây mới với quy mô nhỏ và kỹ thuật đơn giản.

Đặc điểm vật liệu và kỹ thuật xây dựng phổ biến của các công trình kiến trúc miền Nam Việt Nam

Giá trị và tiềm năng khai thác kiến trúc hiện đại miền Nam (1954 – 1986) trong giai đoạn hiện nay

Giá trị định hình các phong cách kiến trúc mới

Kiến trúc hiện đại miền Nam Việt Nam định hình 03 phong cách kiến trúc tiêu biểu sau:

  • Phong cách Hiện đại – Quốc tế: đặc trưng bằng việc tiếp nhận và thực hành theo những nguyên tắc cơ bản của kiến trúc Hiện đại thế giới, đặc biệt là Chủ nghĩa Công năng. Tuy nhiên, các công trình theo phong cách Hiện đại – Quốc tế được xây dựng tại miền Nam Việt Nam thường không nổi bật tính “duy lý” như ở Âu Mỹ, mà sinh động và nhiều chi tiết hơn bằng các thủ pháp tạo hình phong phú, đa dạng. Nhiều công trình còn mang vẻ đẹp trừu tượng, gắn kết ý nghĩa biểu trưng về tôn giáo hay ý niệm về nguyên lý vận hành vũ trụ,… Một số công trình tiêu biểu như: Chợ Đà Lạt, Khách sạn Caravelle, Khách sạn Palace, Viện Nguyên tử, Cư xá Thanh Đa, Cư xá Capitol, Đại sứ quán Anh, Nhà máy nước Thủ Đức, Nhà hát Hòa Bình…
Một số công trình kiến trúc theo phong cách Hiện đại – Quốc tế
  • Phong cách Hiện đại – Nhiệt đới z: đặc trưng bằng việc sử dụng những giải pháp thiết kế hiện đại kết hợp với sự sáng tạo độc đáo, hiệu quả nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của khí hậu nhiệt đới; tiêu biểu là:
  • Lam chắn nắng (tường hoa gió, Brise – soleil): đây là giải pháp nổi bật, dễ nhận biết của kiến trúc miền Nam Việt Nam, là lớp bao che thứ hai nhằm hạn chế ánh nắng trực tiếp và giúp đối lưu không khí. Ngoài ra, nó còn tạo nên bề mặt thẩm mỹ mới lạ bằng cách phối hợp hoa văn trang trí đa dạng, phức tạp được thiết kế riêng cho từng công trình, làm giảm cảm giác đồ sộ của các khối kiến trúc hiện đại nhiều tầng. Hiện nay, giải pháp này vẫn còn tiếp tục được kế thừa và phát huy trong nhiều công trình qui mô lớn nhỏ như một dấu hiệu của kiến trúc vùng khí hậu nhiệt đới Việt Nam.
  • Tường hai lớp (Double skin) và cửa hai lớp: giải pháp này tạo ra lớp cách âm và cách nhiệt, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng cho công trình. Tường hai lớp bao gồm lớp bên trong với cửa đi và cửa sổ, và lớp bên ngoài là tấm chắn nắng bằng bê tông, ngăn cách bởi hành lang hoặc khoảng trống, giúp giảm tác động của nhiệt độ và tiếng ồn từ bên ngoài. Cửa hai lớp gồm lớp cửa kính bên trong kết hợp với cửa chớp bên ngoài, góp phần điều hòa vi khí hậu và bảo vệ không gian nội thất một cách tích cực.
Một số công trình kiến trúc theo phong cách Hiện đại – Nhiệt đới
  • Ô văng che nắng: các kiểu ô văng che nắng giúp hạn chế ánh sáng mặt trời trực tiếp, hình thành nên vùng bóng râm trên bề mặt công trình. Tạo hình ô văng cũng là đề tài yêu thích của nhiều kiến trúc sư trong giai đoạn này nhằm góp phần đem lại tính mới mẻ và sinh động cho bề mặt công trình kiến trúc.

Có thể nói, phong cách Hiện đại – Nhiệt đới là ưu thế nổi bật và có tính đại diện cao nhất của kiến trúc miền Nam Việt Nam 1954 – 1986. Nó được áp dụng trong rất nhiều công trình xây dựng với sự đa dạng về thể loại và sự linh hoạt của giải pháp thiết kế. Cho đến hiện nay, bài học về phong cách kiến trúc này vẫn còn nhiều giá trị tham khảo và ứng dụng. Một số công trình tiêu biểu như: Dinh Độc Lập, Trường Trung học Kiểu mẫu Huế, Đại học Y khoa Sài Gòn, Trụ sở ngân hàng Việt Nam Thương Tín, Bệnh viện Vì Dân, Tòa nhà VAR.

  • Phong cách Hiện đại – Dân tộc [Hình 6]: đây không chỉ là sự kết hợp giữa tính hiện đại và truyền thống mà còn biểu trưng cho lòng tự hào văn hóa dân tộc. Sự sáng tạo trong cách khai thác yếu tố truyền thống vào công trình hiện đại cho ra đời những tác phẩm ưu tú, độc đáo của kiến trúc miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954- 1986, đặc trưng bằng các giải pháp cụ thể sau:
  • Hàng cột hiên và dãy hành lang: là những yếu tố quen thuộc trong kiến trúc truyền thống, tạo ra không gian chuyển tiếp thoáng mát, che chắn nắng mưa, đồng thời mang lại nhịp điệu thẩm mỹ và điểm nhấn cho bề mặt công trình.
  • Dầm console và tàu mái bê tông: sự sáng tạo trong việc sử dụng dầm console và tàu mái bê tông ở các công trình văn hóa và nhà ở không chỉ tăng cường tính thẩm mỹ mà còn gợi nhớ đến hình ảnh “kẻ đỡ tàu đao, lá mái” của kiến trúc truyền thống Việt Nam.
  • Hoa văn cách điệu trên tấm chắn nắng: sử dụng các họa tiết truyền thống như chữ Triện và các biểu tượng văn hóa dân tộc. Hoa văn trên tấm chắn nắng không chỉ mang lại dấu ấn nghệ thuật mà còn thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố truyền thống và hiện đại trong kiến trúc.
  • Mái dốc lợp ngói: trong giai đoạn 1954-1986, mái dốc lợp ngói thường xuất hiện trong các công trình tôn giáo, văn hóa và nhà ở. Kết cấu mái sử dụng bê tông cốt thép, tổ hợp thành những lớp cao thấp sinh động và phong phú; có thể kết hợp thêm một số họa tiết trang trí ở đỉnh mái và bờ mái, gợi nhắc đến hình ảnh mái nhà truyền thống Việt Nam.
  • Không gian thiên nhiên gắn kết với công trình kiến trúc: về tổng thể, các công trình kiến trúc có khuynh hướng khai thác truyền thống thường lồng ghép yếu tố thiên nhiên một cách hài hòa vào không gian ở, sinh hoạt. Vì thế, yếu tố sân vườn, khoảng trống, cây xanh, mặt nước luôn được xem là thành phần không thể thiếu của tạo tác kiến trúc; thiên nhiên không chỉ ở bên ngoài mà như hiện thân trong mọi không gian của công trình.

Nhìn chung, phong cách Hiện đại – Dân tộc thường hướng mục tiêu đến việc khai thác các yếu tố dễ nhận biết của kiến trúc truyền thống như mái nhà, hàng hiên, chi tiết hoa văn trang trí, kiểu thức kết cấu chắn nắng (lam, cửa chớp, tường hoa…). Những yếu tố này được tái hiện một cách giản lược bằng vật liệu và kết cấu mới (thường là bê tông cốt thép), đồng thời cũng cho thấy tinh thần sáng tạo độc đáo trong các giải pháp thiết kế. Điểm đặc biệt của phong cách này là các kiến trúc sư đã sử dụng nhiều chất liệu truyền thống trong các tổ hợp khối công trình hiện đại một cách khéo léo, hài hòa mà không dẫn đến hiện tượng sao chép, nệ cổ. Đây có thể xem là bước phát triển tiếp theo của phong cách kiến trúc Đông Dương trên tinh thần hiện đại hóa, và cũng là bài học có giá trị cho kiến trúc giai đoạn hiện nay. Một số công trình tiêu biểu như: Nhà thờ Dòng Chúa cứu thế, Thư viện Quốc gia, Nhà thờ Kẻ Sặt, Chùa Ấn Quang, Chùa Vĩnh Nghiêm.

Một số công trình kiến trúc theo phong cách Hiện đại – Dân tộc

Kiến trúc miền Nam Việt Nam (1954-1986) tạo lập nên 3 phong cách tiêu biểu (Hiện đại – Quốc tế, Hiện đại – Nhiệt đới, Hiện đại – Dân tộc), tiếp tục đóng góp những bài học có giá trị cho sự kế thừa và phát triển kiến trúc Việt Nam đương đại. Có thể nói, sự ra đời của 3 phong cách nói trên là bước phát triển vượt bậc so với kiến trúc Việt Nam giai đoạn tiền kỳ, rời bỏ những ảnh hưởng nặng nề của kiến trúc phương Tây, kế thừa có chọn lọc tinh hoa kiến trúc truyền thống trên phương diện thích ứng khí hậu và tạo hình; đồng thời cập nhật những tiến bộ của kiến trúc hiện đại thế giới. Những thành tựu đó được tìm thấy trong nhiều công trình vẫn còn tồn tại cho đến hiện nay, minh chứng cho tính hiệu quả về công năng và vẻ đẹp bền lâu của kiến trúc Việt Nam hiện đại.

Giá trị khai thác sử dụng

Nhìn lại kiến trúc miền Nam Việt Nam cho đến hiện nay thì vẫn thấy nhiều công trình đang duy trì giá trị khai thác, sử dụng. Trên lĩnh vực nhà ở, hàng trăm tòa nhà chung cư và hàng ngàn ngôi nhà riêng lẻ tiếp tục phát huy chức năng vốn có ban đầu của nó; đáng kể đến là không ít ngôi biệt thự trong thành phố như vẫn chưa bị lạc hậu khi đứng cạnh các công trình kiến trúc tân thời. Ngoài ra, những tòa nhà công sở (Tòa nhà VAR, Ngân hàng Việt Nam thương tín), các khách sạn cao tầng (Khách sạn Palace, Caravelle, Rex), các ngôi thánh đường (Nhà thờ Kẻ Sặt, Nhà thờ dòng Chúa cứu thế, Phủ Cam), các ngôi chùa (Chùa Phật Quang, Xá Lợi, Vĩnh Nghiêm), các bệnh viện (Bệnh viện Vì Dân, Chợ Quán, Chợ Rẫy), các công trình văn hóa (thư viện, trường học, tượng đài), các công trình đặc biệt (Viện nguyên tử, Nhà máy nước, Dinh Độc lập),… và còn rất nhiều thể loại công trình khác vẫn tiếp tục hiện hữu, bất chấp những biến đổi không ngừng của khoa học, công nghệ, và nhu cầu thẩm mỹ mới. Nếu không kể các công trình đang xuống cấp hư hoại thì vẫn còn rất nhiều công trình bền bỉ với thời gian, mặc dù đã trải qua trên dưới nửa thế kỷ xây dựng. Tất cả những tồn tại này chứng minh cho giá trị sử dụng lâu bền của kiến trúc hiện đại miền Nam Việt Nam.

Giá trị biểu tượng văn hóa

Các công trình tiêu biểu của miền Nam Việt Nam (1954 – 1986) đến nay vẫn đóng vai trò là điểm nhấn của cảnh quan đô thị, là những bài học có giá trị cao về nghệ thuật tạo hình kiến trúc, thể hiện tinh thần sáng tạo thông qua sự vận dụng hài hòa giữa yếu tố hiện đại và dân tộc.

Các kiến trúc sư trong giai đoạn này cũng đã có sự lưu ý đặc biệt đến việc tạo nghĩa cho công trình kiến trúc, khiến cho nó mang thêm những giá trị biểu tượng sâu sắc [Hình 7]. Điển hình như: Dinh Thống Nhất do Ngô Viết Thụ thiết kế đã vận dụng các ý nghĩa trong chiết tự chữ Hán (chữ Cát, chữ Hưng, chữ Trung, chữ Vương,…); Viện Nguyên tử (Đà Lạt) mang ý nghĩa của Bát quái đồ hay sự vận hành của cấu trúc hạt nguyên tử; Công trường Quốc tế viện trợ (Hồ Con Rùa) mang biểu tượng hoa sen; Nhà thờ Phủ Cam (Huế) được xây dựng trên mặt bằng hình thập giá và tạo hình mặt đứng như vòng tay che chở của Thiên Chúa; Hội trường Rùa trong khuôn viên Đại học Cần Thơ mang ảnh tượng của con rùa, một trong tứ linh của văn hóa Việt, thể hiện sự trường cửu và cũng gợi nhắc đến hình tượng rùa đội bia trong văn miếu Quốc tử giám; khối tháp cao tầng của Thư viện Quốc gia như những cuốn sách được xếp chồng lên nhau,…

Bên cạnh việc tạo nghĩa như trên, nhiều công trình kiến trúc theo phong cách Hiện đại – Dân tộc còn tái hiện một cách mới mẻ những cấu trúc truyền thống như mái nhà, họa tiết trang trí, tàu đao lá mái, tấm bình phong… cũng là những hình ảnh quen thuộc trong kiến trúc cổ truyền Việt Nam.

Nhìn chung, bằng những cách thức biểu hình khác nhau, kiến trúc miền Nam cũng đã ghi khắc những dấu ấn nghệ thuật trong việc lồng ghép các giá trị biểu tượng cho công trình kiến trúc một cách chủ động và sáng tạo, khai sáng một con đường mới cho hành trình phát triển kiến trúc Việt Nam thời kỳ hiện đại và các giai đoạn về sau.

Hội trường Rùa, Cần Thơ
Nguồn: https://ift.tt/wFuroWT
Nhà thờ Phủ Cam, Huế
Nguồn: https://ift.tt/GkUwFKT
Minh họa về công trình mang tính biểu tượng văn hóa

Kết luận

Kiến trúc hiện đại miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954–1986 là một minh chứng quan trọng cho quá trình phát triển và chuyển mình của kiến trúc quốc gia trong bối cảnh lịch sử phức tạp. Trong suốt giai đoạn này, kiến trúc miền Nam không chỉ tiếp thu tinh hoa của kiến trúc hiện đại quốc tế mà còn sáng tạo để phù hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới và văn hóa bản địa. Sự hòa quyện giữa các yếu tố hiện đại và truyền thống đã tạo nên những phong cách kiến trúc độc đáo, bao gồm Hiện đại – Quốc tế, Hiện đại – Nhiệt đới và Hiện đại – Dân tộc.

Một điểm nổi bật của kiến trúc giai đoạn này là sự đa dạng về loại hình công trình, từ trụ sở hành chính, trường học, cơ sở tôn giáo đến nhà ở và công trình văn hóa. Các công trình này không chỉ mang giá trị về công năng và thẩm mỹ mà còn góp phần định hình phong cách kiến trúc hiện đại Việt Nam. Đặc biệt, việc ứng dụng các giải pháp chống nóng, thông gió tự nhiên và vật liệu bền vững đã tạo ra những kinh nghiệm hữu ích trong thực hành thiết kế. Mặc dù trải qua nhiều biến động kinh tế, chính trị và xã hội, các công trình kiến trúc hiện đại tại miền Nam vẫn còn giữ được giá trị về mặt phong cách, sử dụng và biểu tượng văn hóa cho đến hiện tại. Những đóng góp từ giai đoạn này không chỉ tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển của kiến trúc hiện đại Việt Nam mà còn mang lại nhiều bài học quý báu cho tương lai.

TS.KTS. Phạm Phú Cường
TS.KTS. Nguyễn Song Hoàn Nguyên
Trường Đại học Kiến trúc TP. HCM
(Bài đăng trên  Tạp chí Kiến trúc số 8-2024)


Tài liệu tham khảo
[1] Hoàng Hải Hà (2011), Nền kinh tế thị trường ở miền Nam Việt Nam (1954 – 1975) nhìn dưới góc độ lịch sử, Tạp chí nghiên cứu lịch sử, số 8/2011;
[2] Lê Quang Ninh and Stéphane Dovert (1998), Saigon 1698-1998, NXB Tp. HCM, Tp. HCM;
[3] Mel Schenck – Hảo Linh dịch (2022), Bảo tồn di sản & bảo vệ căn tính Việt Nam, https://ift.tt/uJy4WXR;
[4] Mel Schenck (2016), How Vietnam Created Its Own Brand of Modernist Architecture, https://ift.tt/rkAKtFi;
[5] Mel Schenck (2022), Southern Vietnamese Modernist Architecture: Mid-Century Vernacular Modernism, NXB Thế giới Hà Nội;
[6] Nguyễn Hữu Thái (1999), Kiến trúc nhiệt đới hoá ở Sài Gòn, Tạp chí Kiến trúc số 20/1999.
[7] Thanh Hai Trương & Thi Hong Hanh Vu (2022), Modern architecture of Saigon – Ho Chi Minh City, https://ift.tt/6LvIPJZ;
[8] Thierry Delfosse (2017), Saigon Modernist: Fifty years of Architecture, An e-book
[9] Tim Doling (2014), Exploring Ho Chi Minh City, NXB Thế Giới, Hà Nội;