Sáng ngày 13/11/2024 – Tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, số 1 Phạm Ngũ Lão, Hoàn Kiếm Hà Nội đã diễn ra Cuộc tọa đàm “Di sản kiến trúc trong Thành phố sáng tạo” trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội do UBND TP Hà Nội – Hội Kiến trúc sư Việt Nam chỉ đạo, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp Tạp chí Kiến trúc, đồng hành cùng nhiều đối tác quan trọng trong và ngoài nước.
Phát biểu khai mạc toạ đàm, KTS Hoàng Thúc Hào – Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam bày tỏ: “Di sản kiến trúc không chỉ động lực về mặt tinh thần mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế thủ đô. Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 năm nay với nội dung tập trung vào di sản, chúng ta đã được thấy sự tương tác, cộng hưởng của các tác giả đương đại với di sản trong quá khứ, từ các khoảng không tới các tác phẩm cộng sinh. Toạ đàm hôm nay có sự tham gia của rất nhiều giáo sư, TS, chuyên gia trong ngành di sản, kiến trúc, các nhà lãnh đạo có những góc nhìn mới trong phát triển sáng tạo, nhà thiết kế, nghệ sĩ, rất mong sẽ nhận được những giải pháp, sáng kiến bảo tồn, lưu trữ các công trình di sản, để thế hệ của rất nhiều năm về sau vẫn có thể được trải nghiệm những di sản đó.”
Bà Phạm Lan Anh – Trưởng Phòng Quản lý Di sản, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của kiến trúc: “Hiện nay, UNESCO đang dự kiến tách kiến trúc ra khỏi thiết kế, và trở thành môn nghệ thuật thứ 8. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của kiến trúc, tuy nhiên, với kinh nghiệm tổ chức Lễ hội Thiết kế Sáng tạo trong nhiều năm qua, chúng tôi nhận thấy rằng nếu tách kiến trúc ra khỏi thiết kế, đó sẽ là điều rất đáng tiếc. Để Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội thành công như ngày hôm nay, không thể thiếu sự đóng góp, tham gia của Hội KTS Việt Nam và Tạp chí Kiến trúc đối với hoạt động sáng tạo. Kiến trúc trong Thiết kế sáng tạo là giá trị vật thể, mang tới cho chúng tôi kết quả để chúng tôi có thể báo cáo với thành phố và xây dựng hoạt động văn hoá của thành phố trong những năm tiếp theo.”
Đến với những cách tiếp cận mới của các chuyên gia, từ các góc nhìn đa dạng, với sự kết nối của Nhà văn – KTS Nguyễn Trương Quý, các đại biểu tham dự tọa đàm đã cùng đối thoại với các KTS chuyên ngành bảo tồn, nhà quản lý, tác giả các pavilion, tuyến di sản kiến trúc và nghệ sĩ, trong sự tương tác với kiến trúc, không gian đô thị và những tác phẩm nghệ thuật.
- GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính – Chuyên gia, một “Hiệp sĩ” trong lĩnh vực bảo tồn di sản;
- TS.KTS Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm;
- Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn – Tổ hợp triển lãm nghệ thuật tương tác Cảm thức Đông Dương;
- Nguyễn Hồng Quang, người phụ trách chung cho các định hướng không gian của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội lần này, cũng như đã qua 3 mùa lễ hội, anh cũng đồng thời thiết kế 1 pavilion là Dòng ở Vườn hoa Diên Hồng và sân trong của cụm công trình nổi tiếng là Nhà khách chính phủ, tức Bắc Bộ phủ;
- Giám tuyển Vân Đỗ – Giám đốc nghệ thuật Á Space, Trưởng nhóm giám tuyển “Cung Thiếu nhi Hà Nội: Hoài niệm cho tương lai”.
Tọa đàm gợi những điểm nhìn mang tính hệ thống của các nhà nghiên cứu kiến trúc cũng như những giải pháp đem lại sức sống cho các di sản này, đặc biệt tạo ra một cộng đồng tri thức, chia sẻ hiểu biết về di sản từ chính những chủ nhân của thành phố – những con người đang sống ở Hà Nội hôm nay.
Toạ đàm cũng nhận được sự hưởng ứng của khách mời tham dự kiện kiện, cũng như đại diện đơn vị quản lý các không gian tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội.
Bà Nguyễn Thị Thu Hoan – Phó Giám đốc Bảo tàng lịch sử Việt Nam: “Toạ đàm đã mang tới từ khoá cho chúng tôi trong việc phát triển bảo tàng. Hiện nay, với các công năng được mở rộng, chúng ta cần có những cải tạo để nó phù hợp với đương đại. Và việc kết hợp giữa kiến trúc và bảo tồn lần này đã mang đến cho chúng tôi những tiếp cận mới. Tôi rất mong, trong thời gian tới, việc bảo tồn trong thời gian tới của công trình sẽ có thêm sự đóng góp của các kiến trúc sư.”
PGS.TS Nguyễn Việt Khôi – Trường Khoa học Liên ngành Nghệ thuật – Đại học Quốc gia Hà Nội bày tỏ: “Hàng ngày, trước khi mở cửa Trường Đại học Tổng hợp, các bạn đến xếp hàng tham quan rất đông. Đây là điều rất tự hào với chúng tôi, và tôi mong muốn, sau Lễ hội này, chúng ta sẽ vẫn giữ lại được các giá trị này cho các thế hệ tiếp theo. Cảm ơn Ông Phạm Tuấn Long và HS Nguyễn Thế Sơn đã giúp chúng tôi có cơ hội được mở ra kho báu của mình.”
KTS. Trương Ngọc Lân: “Ai cũng muốn công trình của mình có thể được dài hơi trong không gian đô thị này. Tôi mong các công trình này sẽ được mở cửa thường xuyên như một bảo tàng sống, để người dân được tiếp cận. Đó cũng cơ hội để người dân tiếp cận với giáo dục nghệ thuật thông qua các công trình di sản.”
Thuỵ An – TCKT.VN
© Tạp chí Kiến trúc
Nhận xét