Tóm tắt

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc và cũng đa dạng về vùng miền, môi trường tự nhiên. Quá trình hình thành và phát triển kiến trúc cổ truyền Việt Nam gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của ông cha ta. Đó là một giai đoạn lịch sử dài hàng nghìn năm đấu tranh, chống chọi với cả thiên nhiên và giặc ngoại xâm để tồn tại và xây dựng, gìn giữ bản sắc văn hóa, văn minh của dân tộc. Kiến trúc cổ truyền ở Việt Nam phong phú, đa dạng về loại hình, từ kiến trúc cung đình, kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng đến các công trình kiến trúc công cộng, dân gian truyền thống nhưng không có sự khác biệt nhiều về kết cấu. Kiến trúc cổ truyền Việt Nam đa phần sử dụng kết cấu khung gỗ và các vật liệu tự nhiên sẵn có quanh nơi cư trú. Mỗi vùng miền, mỗi dân tộc lại có một loại hình kiến trúc mang bản sắc riêng nhưng dựa trên một cơ tầng văn hóa chung, góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng của kiến trúc cổ truyền Việt Nam.

Từ khóa: Kiến trúc cổ truyền, Tôn giáo, tín ngưỡng, cung đình, dân gian

Quá trình hình thành phát triển kiến trúc cổ truyền Việt Nam

Quá trình phát triển nền kiến trúc cổ Việt Nam gắn liền với môi trường thiên nhiên và hoàn cảnh kinh tế – xã hội. Cảnh quan thiên nhiên, đặc điểm khí hậu khác nhau đã ảnh hưởng đến phong cách kiến trúc của mỗi miền đất nước, hình thành kiểu kiến trúc nhà khung bền chắc, thoáng mát theo lối kiến trúc mở, hòa lẫn với cây xanh, mặt nước. Những công trình kiến trúc cổ hầu hết được xây dựng trong thời kỳ phong kiến – chủ yếu là trước thế kỷ 19. Dù là công trình nhỏ bé như kiến trúc dân gian hoặc đồ sộ, phức tạp như kiến trúc cung đình, vật liệu xây dựng sẵn có ở địa phương đã được khai thác và sử dụng phổ biến và rộng khắp: Tranh, tre, nứa, lá, gỗ, đá…, sau này còn có các vật liệu khác như gạch, ngói, sành, sứ…

Kiến trúc cổ Việt Nam còn lại không nhiều và thường có niên đại muộn. Đối với kiến trúc của vương quốc Champa cổ xưa, có thể kể đến là những đền tháp Ấn Độ giáo xây bằng gạch, đá nằm ở khu vực miền Trung Việt Nam, với khung niên đại hiện còn từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 17. Nhiều khu đền tháp có giá trị lớn về kiến trúc, nghệ thuật, được UNESCO ghi trong danh mục Di sản văn hóa thế giới, như khu đền, tháp Mỹ Sơn (Quảng Nam).

Đa số những công trình cổ của người Việt/Kinh hiện còn chỉ có niên đại từ thế kỷ 16 đến nửa đầu thế kỷ 20. Dấu vết kiến trúc các thời kỳ từ thế kỷ 15 trở về trước hiện chỉ biết qua các công trình khai quật khảo cổ học hoặc một vài dấu tích chùa, tháp còn sót lại ở miền Bắc.Tuy vậy, những gì còn lại tại Việt Nam ngày nay cũng đủ để người ta biết cách thức xây dựng trong dân gian và những quy định trong cấu tạo kiến trúc thời xưa, được gọi là “thức kiến trúc cổ truyền Việt Nam”.

Các loại hình và đặc trưng cơ bản của kiến trúc công cộng

Kiến trúc thành lũy

Từ thời dựng nước, cha ông ta đã không ngừng phải đối phó và chống cự với quân thù để giữ nước nên ngoài các công trình kiến trúc phục vụ đời sống sinh hoạt của con người, những công trình kiến trúc quân sự – quốc phòng đã sớm xuất hiện và phát triển liên tục trong các thời kỳ lịch sử tiếp theo.Vào thời buổi sơ khai, kiến trúc thành – lũy còn xây đắp thô sơ với hình thức rất đơn giản, chỉ là những tấm ván gỗ bao che, bao bọc nơi cư trú của con người, vừa để bảo vệ và phòng ngừa sự tấn công của thú dữ và cũng là công sự tự vệ, chống trả với những bộ lạc lân cận khác đến cướp phá, đến nay nhiều làng bản các dân tộc vùng Tây Nguyên của nước ta còn tồn tại hình thức kiến trúc phòng ngự này. Về sau, ông cha ta đã thiết kế và xây dựng những kiến trúc thành lũy kiên cố hơn. Những thành lũy đầu tiên như Cổ Loa, Luy Lâu, Đại La, Hoa Lư, hay thành Đồ Bàn… đều được đắp bằng đất. Với những tòa thành đắp đất có niên đại sớm, thông thường thì người ta đào ngay đất tại chỗ đắp tường thành, phần đất bị đào đi tạo thành hào chạy xung quanh thành và là bộ phận quan trọng trong cấu trúc phòng ngự của tòa thành. Những tòa thành đắp đấp giai đoạn này thường được xây dựng dựa vào địa hình tự nhiên của sông, của núi mà nối lại với nhau cho nên các thành đều không có hình thù cố định. Mặt cắt tường thành hình thang với chân thành đắp rộng, lên cao thu hẹp lại để tạo sự vững chắc, chống xói mòn, sạt lở.

Những thời kì tiếp theo, vật liệu xây thành lũy ngày càng phong phú hơn và cũng tùy thuộc vào mỗi vùng, miền. Ở vùng núi, người ta sử dụng những phiến đá xanh có đẽo gọt hoặc không, ở vùng trung du, người ta khai thác đá ong để xây tường thành khá là vững chắc, ở vùng đồng bằng khi đã có nghề nung, người ta dùng gạch và vôi vữa để xây thành. Những tòa thành xây dựng ở đồng bằng vào giai đoạn này thường có mặt bằng hình vuông hoặc chữ nhật (thành nhà Hồ…)

Đến cuối thế kỷ 18, ở nước ta xuất hiện một kiểu thành mới mang phong cách châu Âu – kiểu thành Vauban do người Pháp đưa vào. Tòa thành loại kiểu này được xây dựng đầu tiên ở nước ta là thành Gia Định, năm 1790. Kiểu thành Vauban này có mặt bằng cơ bản vẫn theo dạng hình học rõ ràng, song có đặc điểm là có bố trí nhiều góc cạnh bởi việc bố trí những pháo đài, pháo đài góc những pháo đài nhãn, đường chân thành ngoài, đường ngoài hào… Cấu trúc thành như vậy nhằm đáp ứng nhu cầu và điều kiện kỹ thuật quân sự. Các thành kiểu Vauban thường sử dụng vật liệu bằng gạch nung già kích thước lớn, mạch trát vữa và mặt tường thành có trổ các lỗ châu mai thích hợp với kĩ thuật quân sự hồi đó.

Về cấu trúc, thông thường mỗi tòa thành thường chia làm hai bộ phận phần trong là nội thành và phần ngoài là ngoại thành, tùy thuộc vào tính chất tòa thành mà bố trí các thành phần kiến trúc. Trong trường hợp thành xây dựng ở kinh đô, có thể có ba vòng thành hoặc nhiều hơn. Vòng thành ngoài được gọi là Kinh thành hoặc Đô thành. Vòng thành ngoài của thành Thăng Long được gọi là thành Đại La (Đê La Thành) Hà Nội ngày nay… Với kinh đô triều Nguyễn ở Huế có 3 vòng thành rõ rệt: Kinh thành, Hoàng thành và Tử Cấm thành. Ở trong nội thành thường xây dựng kiến trúc cung điện, khu trung tâm hành chính, nơi ở của vua… ngoại thành thường bố trí khu doanh trại quân lính và nhà ở của nhân dân. Song riêng trong trường hợp thành Hoa Lư, cung điện của các vua Đinh – tiền Lê lại được đặt ở thành ngoại, chủ yếu là do địa hình tự nhiên và liên hệ giao thông thuận tiện hơn khu vực thành nội.

Kiến trúc cung đình (cung điện, dinh thự)

Kiến trúc cung điện – dinh thự là kiến trúc tiêu biểu và điển hình của các triều đại phong kiến Việt Nam, được xây dựng làm nơi thiết triều, tổ chức các nghi lễ, nơi ở, sinh hoạt của vua chúa, hoàng gia thời phong kiến hoặc nơi tôn miếu của hoàng gia. Cung điện còn được xây dựng ở điểm dừng chân mỗi khi vua tuần, hoặc những điểm danh thắng nổi tiếng để vua có thể đến ngắm cảnh, thưởng ngoạn gọi là hành cung.

Hệ thống cung điện thường gắn với đời sống cung đình, hoàng tộc nên chúng được chú ý đặc biệt, ưu tiên xây dựng với kiến trúc tráng lệ, quy mô hoành tráng… Loại hình kiến trúc này đòi hỏi sự huy động, tập trung cao độ tài lực của cả nước hoặc ít nhất là địa phương nơi xây dựng cung điện, dinh thự.

Kiến trúc cung đình thời nhà Đinh – Tiền Lê đến thế kỷ 17 ở Thăng Long cũng chỉ được biết đến qua thư tịch, qua các cuộc khai quật khảo cổ học.

Cung điện, dinh thự dưới thời nhà Nguyễn được xây dựng trong Đại nội Huế vẫn được bố cục xây dựng theo kiểu truyền thống triều đình phong kiến Á Đông, các vua Nguyễn tiếp sau đó tu bổ và mở mang thêm những công trình mới. Kiến trúc cung đình dinh thự Huế được chia thành ba loại. Loại thứ nhất là kiến trúc dùng làm nơi thiết triều và cử hành lễ nghi: Ngọ Môn, điện Thái Hòa, điện Cần Chánh…Loại hai là nơi của Vua và hoàng gia: Điện Càn Thanh, điện Khôn Thái, điện Kiến Trung, điện Diên Thọ…Và loại cuối cùng các công sở – công quán: Điện Văn Minh, điện Võ Hiển, Đông các phủ nội vụ, Thái y viện…

Kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng (đình, đền, chùa, miếu, nhà thờ Công giáo…)

  • Đình làng:

Đình làng là một kiến trúc cổ truyền có những đặc điểm kiến trúc, nghệ thuật độc đáo mang đậm tính dân tộc, bản sắc dân gian và ít chịu ảnh hưởng ngoại lai hơn tất cả các loại hình kiến trúc cổ Việt Nam được xây dựng trong thời kỳ phong kiến xưa.

Tổng thể đình Vân Sa (Ba Vì- Hà Nội) – Nguồn: TS.Tạ Quốc Khánh

Địa điểm xây dựng đình làng thường không quá xa mà gắn liền với khu ở của dân làng, thế đất có thể hẹp song tầm nhìn mở rộng và phóng khoáng. Đình có thể là một công trình đơn độc, hợp khối hay là một quần thể kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng khác, như chùa, văn chỉ, đền miếu…. Phía trước đình làng thường có sân rộng, hồ nước, cây xanh tạo cảnh… để thỏa mãn công năng tập hợp đông đảo dân làng trong những ngày lễ hội, vui chơi, giải trí… Tổng thể kiến trúc được bố cục nhấn mạnh tính hoành tráng, tính chiều hướng rõ rệt bằng hệ thống trục chính, trục phụ theo kiểu trung tâm kết hợp với bố cục chiều sâu và giải pháp không gian quy hoạch được tổ chức có sự gắn bó hài hòa của 3 loại không gian kiến trúc: Kín, nửa kín và thông thoáng nhằm phục vụ chức năng đa dạng tổng hợp của công trình.Vị trí dựng ngôi đình có thể ở rìa làng, giữa làng, nhưng thường là trung tâm văn hóa của làng, thuận tiện giao thông, đi lại. Về nguyên tắc, hướng của đình có liên quan đến tư duy nông nghiệp và mối quan hệ đối đãi âm dương đối đãi. Trước đình phải nguồn nước để vừa mang yếu tố âm, vừa thể hiện quan điểm “trọng thủy” của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước.

Cấu trúc tổng thể của đình làng thay đổi theo thời gian. Những ngôi đình làng ban đầu chỉ là một công trình kiến trúc có mặt bằng chữ nhất, chưa thấy xuất hiện Hậu cung cũng như các công trình phụ trợ khác trong ngôi đình làng; ban thờ Thần/Thành hoàng làng được làm thành một gác lửng ở gian giữa, vị trí từ hàng cột cái sau trở về sau. Những ngôi đình tiêu biểu như đình Tây Đằng, đình Thanh Lũng (Ba Vì – Hà Nội) cho đến nay vẫn còn giữ được cấu trúc như vậy. Sau này, tòa Đại đình được mở rộng hơn về quy mô, Hậu cung đình bắt đầu xuất hiện và dần phổ biến vào giai đoạn sau. Các công trình như Tiền tế, Tả, Hữu vu, Phương đình, Nghi môn, hệ thống tường bao… tạo cho mặt bằng tổng thể của ngôi đình ngày càng phong phú hơn.

Không gian tòa Đại đình thường rất rộng nên nhìn từ bên ngoài, mái của đình thường chiếm 2/3 chiều cao, xòe rộng ra như bám lấy mặt đất. Mái của đình thường lợp ngói mũi hài, cấu trúc kiểu “tầu đao lá mái”, để phân biệt với loại mái khác như “chồng đấu tiếp rui” hay “tàu hộp”.

Đền Hạ – Đền Hùng (Việt Trì – Phú Thọ) – Nguồn: TS.Tạ Quốc Khánh

Đền, miếu:

Sự ra đời và phát triển của ngôi đền trong lịch sử phản ánh sự phát triển của hệ thống thần linh Việt, đối tượng thờ chủ yếu trong loại hình kiến trúc này. Cũng như nhiều tộc người trên thế giới, tục thờ thần, cúng tế thần đã có ở nước ta từ rất lâu đời, không làng nào, địa phương nào không có đền miếu thờ thần.

Cùng với đời sống văn hóa vật chất, đời sống văn hóa tinh thần của người Việt cũng đã được hình thành và phát triển theo thời gian… Ngoài những tín ngưỡng nguyên thủy thờ thần đá, thần cây, người Việt cũng thờ nhiều vị anh hùng dân tộc (cả những anh hùng trong truyền thuyết) là người bản địa hoặc người có công với dân, với nước. Đi kèm với tín ngưỡng thờ cúng như vậy, nhiều ngôi đền, miếu đã được hình thành trong các thôn xóm. Có những ngôi đền chỉ là nơi sinh hoạt tâm linh của một làng, nhưng cũng có nhiều ngôi đền giờ đã trở thành chốn hành hương, chiêm bái của cư dân cả nước (như Khu di tích lịch sử đền Hùng).

Kiến trúc đền miếu là một bộ phận của kiến trúc tôn giáo – tín ngưỡng nước ta. Địa điểm xây dựng đền miếu thường được lựa chọn theo thuật phong thủy hoặc được lựa chọn ở những vị trí có liên quan đến những truyền thuyết hoặc sự tích, cuộc sống của vị thần hay nhân vật được tôn thờ.

Bố cục kiến trúc các đền miếu cũng tùy theo quy mô lớn nhỏ, phụ thuộc vào nguồn lực từng nơi nên không cố định. Khi thì đền có nhiều đơn nguyên hợp thành, khi lại chỉ có một đơn nguyên chính (những ngôi miếu nhỏ). Do đó kết cấu có thể là chữ nhất (-) chữ nhị (=). Cũng có khi có một hoặc hai nhà quay ngang, nối dọc hợp thành một quần thể công trình: chữ Đinh, chữ Công, hay chữ Quốc, hoặc nội công ngoại quốc… Đa số cũng có sân ở phía trước điện thờ để tiện việc tiến hành nghi lễ, sân có tường vây hoặc hành lang 2 bên hoặc bao quanh và ra vào qua cổng lớn, cũng có khi xây 2-4 cột trụ tạo thành kiến trúc kiểm soát sự xuất nhập.

Tam quan chùa Keo Hành Thiện (Xuân Trường-Nam Định)
Nguồn: TS.Tạ Quốc Khánh

Chùa:

Theo lịch sử, Phật giáo đã có mặt ở nước ta từ hơn 2000 năm. Ở Việt Nam hiện có 18.491 ngôi chùa, chiếm 36% tổng số di tích Việt Nam. Tuy nhiên, dấu vết kiến trúc hiện nay cũng chỉ thấy từ thế kỷ 11. Phật giáo Việt Nam có 4 hệ phái chính là Bắc tông, Nam tông – Kinh, Nam tông – Khmer và Khất Sĩ, các ngôi chùa của mỗi hệ phái vì thế sẽ có những đặc điểm riêng tương ứng.

  • Hệ phái Bắc Tông: Kiến trúc của một ngôi chùa Bắc tông thường mở đầu là Tam quan, công trình chính là Tam Bảo, ngoài ra còn có các hạng mục phụ trợ như hành lang, nhà Mẫu, nhà Địa tạng…Các ngôi chùa Việt Nam thường được xây dựng bằng các vật liệu quen thuộc như tre, nứa, lá cho đến gỗ, gạch, ngói…Bộ khung kiến trúc ngôi chùa Bắc tông về cơ bản vẫn được làm theo thức kiến trúc dân gian truyền thống của người Việt.
  • Hệ phái Nam tông – Kinh:Về kiến trúc, mặt tiền chính điện thường được bố trí xoay hướng Đông, phương cách này ảnh hưởng phật giáo Campuchia. Chính điện luôn phải kiết giới Sìma. Ngoài ra, trong khuôn viên chùa còn có một nơi để để Pháp sư giảng pháp vào những ngày lễ (Pháp tọa), một tòa tháp bên trong an trí tượng Phật Thích ca dưới gốc cây Bồ đề.
  • Hệ phái Nam tông – Khmer: Mỗi ngôi chùa của người Khmer thường tọa lạc trong một khuôn viên khá rộng, gồm khá nhiều hạng mục công trình: Cổng chùa, nhà hội (Sa la), Tăng xá, thu tháp cốt, tháp tượng Phật Thích ca an vị dưới gốc Bồ Đề…). Ngôi chính điện thường được xây dựng trên 2 hoặc 3 cấp nền cao, có tường rào vây quanh. Chính điện có mặt bằng chữ nhật, thông thường được bố cục theo chiều Đông – Tây (trong trường hợp đó ban thờ Phật sẽ nằm ở phía Tây)
  • Hệ phái Khất Sĩ: Nơi thờ tự, tu trì của các nhà tu hành thuộc hệ phái Khất sĩ gọi là Tịnh xá Kiến trúc Chính điện một Tịnh xá luôn có măt bằng nền hình bát giác với 04 cột cái lớn ở chính giữa và 08 cột quân xung quang với 02 tầng mái, tầng mái trên thường chỉ có 04 mặt mái. Một số Tịnh xã sau này do nhu cầu mở rộng không gian hành trì nên đã thêm 08 hàng cột hiên nối dài ra khiến kiến trúc những công trình này có 03 tầng mái.

Đền, tháp Chăm pa:

Loại hình kiến trúc này tập trung ở các tỉnh miền Trung Việt Nam, hiện còn thấy từ Thừa Thiên Huế trở vào tới Bình Thuận. Các khu đền Chăm pa luôn có một nhóm, một tổng thể hoàn chỉnh phản ánh vũ trụ quan Ấn giáo. Tổng thể có khuôn viên vuông vắn, tường bao quanh xây cao, vuông góc với nhau tượng trưng cho núi (tuy nhiên, nhiều khi do nương theo địa hình, một vài công trình đã phải xây dựng ngoài tường bao). Các công trình trong tổng thể được bố cục theo một đường trục chạy giữa. Hướng chính của các tổng thể thường là hướng Đông – hướng của thần thánh, của sinh sôi, nảy nở. Hãn hữu cũng có những nhóm quay hướng khác: Po Tằm (Bình Thuận) quay về hướng Tây Nam; các nhóm A, A’, G, E, F ở Mỹ Sơn (Quảng Nam) quay về hướng Tây và được giải thích là chúng hướng về ngôi đền đá B1 ở trung tâm.

Nhà thờ Công giáo:

Năm 1533, Công giáo đã được truyền vào nước ta.Người Việt tiếp nhận một tôn giáo mới từ phương Tây, tương ứng với điều đó là một loại hình kiến trúc tôn giáo mới: Nhà thờ Công giáo. Là một tôn giáo ngoại sinh, nên từ khi truyền bá vào nước ta, Công giáo cũng nhanh chóng dung hội với văn hóa bản địa để dễ tiếp cận với đông đảo tầng lớp nhân dân và phát triển. Cùng với những thay đổi về giáo lý, giáo luật cho phù hợp với đời sống xã hội của người dân, nhiều nhà thờ Công giáo đã có những thay đổi về diện mạo kiến trúc. Bên cạnh những nhà thờ Công giáo mang đặc trưng phong cách kiến trúc phương Tây từ bố cục tổng thể đến kết cấu, nghệ thuật trang trí thì cũng đã xuất hiện hàng trăm nhà thờ sử dụng bộ khung gỗ cổ truyền của Việt nam, có niên đại hiện vào khoảng nửa sau thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20 và trở thành một bộ phận của di sản kiến trúc, góp phần làm giàu bản sắc kiến trúc truyền thống Việt Nam.

Mặt đứng nhà thờ giáo xứ Lai Ổn (Quỳnh Phụ – Thái Bình) – Nguồn: Tác giả

Tổng thể một khu nhà thờ Công giáo thường bao gồm Nhà thờ chính và có các hạng mục kiến trúc phụ trợ khác. Nhà thờ chính thường là công trình đồ sộ nhất, có giá trị nhất về kiến trúc, nghệ thuật.Tùy vào mỗi nhà thờ mà số hạng mục kiến trúc phụ trợ có thể nhiều ít khác nhau. Những kiến trúc phụ trợ có thể kể đến là: Tháp chuông, Đài Đức Mẹ, các tượng đài khác (như tượng đài Thánh Tử đạo, tượng đài thánh Quan thầy, tượng đài Chúa Giê su, đức mẹ Maria…), hang đá, nhà xứ, hay nhà mục vụ giáo xứ là nơi hôi họp điều hành giáo xứ, cũng có các phòng cho giáo sĩ ở và làm việc. Ngoài ra có thể có các công trình khác như phòng học giáo lý, nhà hài cốt (nơi đặt các hũ tro cốt người chết), nhà sách, nhà hậu…

Kiến trúc nhà ở

Kiến trúc nhà ở truyền thống được biểu hiện đầy đủ nhất trong lịch sử là những ngôi nhà còn sót lại trong các làng xóm của người Việt (Kinh). Những ngôi nhà ở cổ nhất hiện cũng mới thấy từ cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18, còn lại đa phần nhà có niên đại từ thế kỷ 19, 20. Những ngôi nhà của các dân tộc thiểu số còn có niên đại muộn hơn. Nhà ở khu vực đồng bằng chủ yếu là nhà trệt, nền đất, mái ngói hoặc rơm, rạ. Nhà ở của cư dân miền núi là nhà sàn hoặc nửa sàn, nửa đất…

Kiến trúc nhà ở của người Việt (Kinh): Do đặc điểm địa lý, khí hậu và tập tục cư trú, sinh hoạt nên nhà của người Việt ở đồng bằng thường là nhà đất, nhà trệt. Cấu trúc nhà có 3 bộ phận đó là khung sườn, mái che và vách tường. Trong đó quan trọng nhất là khung sườn, sau đến mái nhà còn tường vách có thể có hoặc không.

Khung sườn là sự liên kết của các cấu kiện bằng tre hoặc gỗ, trong đó quan trọng nhất là cột, kèo, xà… theo các mặt phẳng ngang, dọc cắt nhau vuông góc. Sự liên kết trong một mặt phẳng dọc thẳng đứng (từ trước vào sau) tạo nên một vì. Tùy theo sự phát triển mà bộ vì cũng đi từ đơn giản đến phức tạp, kỹ thuật liên kết cũng tiến từ buộc, ngoàm đến mộng.

Nhà ở của người Kinh trên những miền có khí hậu khác nhau có những kiểu kiến trúc khác nhau. Vùng đồng bằng miền Bắc công trình chính, phụ được phân biệt rạch ròi, công trình phụ phải phụ thuộc vào công trình chính và làm nền tôn công trình chính.Với khung sườn làm bằng tre, vách đất, lợp rạ (hay cỏ tranh, lá mía, lá cọ), nhà ở của người nghèo không có hiên, tường đất vây xung quanh chỉ để trống gian giữa, treo tấm phên tre đan để ban đêm sập xuống làm cánh cửa đóng lại, ban ngày chống lên để ra vào. Mái nhà lợp rơm rạ, hoặc cỏ tranh. Tường bao được là kiểu tường trình đất dầy hoặc vách đất trát. Nhà của những nhà khá giả hơn có khung sườn làm bằng gỗ, có cửa bức bàn, hiên dài rộng, mái lợp ngói, phía trước có thể có cái sân gạch.

Ở khu vực Duyên hải Bắc Bộ, nhất là từ Quảng Ninh xuống đến Thái Bình là nơi có nhiều gió, bão nên căn nhà khá thấp, cửa mở thường tránh gió bão từ biển thổi vào. Mái lợp tranh hay bổi cói dài để tạo mảng rộng lợp dầy lên đến 0,5m trên bờ nóc còn chèn những đụn rạ to tròn cho gió lướt qua, phía trong đụn dạ còn có những giằng tre khóa ghì mái với khung nhà. Nếu mái lợp ngói thì giữa các khe ngói còn trát vữa cho tất cả gắn chặt vào nhau thậm chí còn đặt những tấm đá lên từng chỗ để tránh gió to có thể thổi bay mái nhà. Nếu nhà trình tường thì tường đất đó cũng rất dày, có khi tơi 50-60cm.

Vùng đồng bằng Thanh – Nghệ – Tĩnh thường có nhà chính hướng Nam và nhà phụ hướng Tây. Gian giữa của nhà chính, lại có một bộ phận được đắp tường trình đất hay xây gạch, quây riêng ra, trong chứa những thứ cần thiết nhất của đời sống như lương thực và quần áo, chắc chắn để phòng cháy.

Vùng Bình Trị Thiên có kiểu nhà rọi và nhà rường đều thích nghi với khí hậu và việc phòng chống bão to và lụt lớn. Nhà rọi trong mỗi vì có 3 cột chôn xuống đất, cột giữa nhô cao đến tận đỉnh nóc, tạo ra vì kèo chữ thập chống đỡ trực tiếp nóc mà đảm bảo một kết cấu vững chắc trước bão tố. Nhà rường thì trong một vì kèo, các cột kê lên đá tảng, đỡ bộ vì kèo chồng. Kiểu nhà rường phía trước lắp thêm cái kẻ uốn cong lên, đầu trên tỳ lên cái bẩy ở trước cột con, còn đầu dưới ăn mộng vào cột hiên, tạo ra cái hiên cơ động có thể tháo lắp dễ dàng không ảnh hưởng đến toàn cục, ở những nhà rường thường lợp ngói âm dương vừa có kết dính thành khối đè lên khung nhà càng tăng sức chống bão.

Ở vùng miền Nam Trung Bộ, nổi lên là những căn nhà lá mái ở nông thôn Quảng Nam đến Bình Định. Vật liệu làm nhà từ tre, cỏ tranh và đất sét. Lấy tre mỡ làm khung nhà trên lớp đòn tay rải những thanh rui, nút lạt buộc thẳng hàng, tạo một mặt phẳng lợp cỏ tranh tạo nên lớp mái ngoài (mái trên). Lớp mái ngoài là lớp mái nội, được trát bằng đất, bùn. Vách xung quanh nhà làm bằng xương tre trát đất trộn rơm.

Vào đến Nam Bộ là vùng đất mới được khai thác vài thế kỉ nay, đất rộng người thưa, mặt nước mênh mông, kênh rạch chằng chịt. Để tiện cho sinh hoạt mọi mặt, người nông dân tụ cư trên các kênh rạch, họ đào đất đắp nên, quen dùng cây đước, cây tràm và lá buông làm nhà. Ở đây có những “nhà nổi” làm nhà sàn trên những cọc gỗ đước và gỗ tràm quen chịu mặn cắm xuống lòng kênh, lấy lá dừa làm vách, toàn những thứ sẵn có nhưng nhà thì thật là tạm bợ.

Như vậy, nhà cửa của người Việt từ xa xưa cho tới gần đây, trên dải đất từ đồng bằng ra ven biển, từ Bắc vào Nam có sự phát triển với những mốc thời gian theo biến động của lịch sử, và theo những đặc điểm khí hậu của vùng miền, từ đó có những sắc thái riêng. Những truyền thống đó sẽ giúp cho chúng ta đúc rút được nhiều bài học quý báu trong việc xây dựng và phát triển nền kiến trúc hiện đại và có bản sắc.

Các loại hình kiến trúc dân gian khác

Cầu:

Qua thư tịch và văn bia chúng ta biết Bắc Bộ xưa đã có rất nhiều cầu. Phân loại theo vật liệu xây dựng, ta có cầu đá, cầu ngói, cầu gạch, cầu gỗ; phân loại theo cấu trúc ta có cầu lộ thiên (cả cầu đá, cầu gạch, cầu gỗ) và cầu có mái kiểu “thượng gia hạ kiều” (ngoài vật liệu dựng cầu là gạch, gỗ, đá, ngói, mái lợp cầu còn có thể là tranh tre, lá bổi…).

Cầu ngói Chợ Lương
Nguồn: Tác giả
  • Cầu đá là những phiến đá vôi đơn giản gối vào những xà ngang cũng bằng đá, hai đầu xà nhô ra ngoài và được đẽo vênh có đục trang trí lên để giữ các phiến đá lát mặt cầu khỏi xô lệch. Cầu không có tay vịn mà phía ngoài các phiến đá lát hai bên mép cầu có đục gờ cao để làm cữ, tránh người đi trượt chân. Những cầu đá hiện còn cho thấy chúng có hai kiểu chính là kiểu móng cuốn vòm và kiểu móng trụ
  • Cầu có mái xây dựng theo từng nhịp, từng gian và uốn cong sống trâu. Các nhịp và gian dài, ngắn, nhiều, ít tùy theo chiều ngang bắc qua sông nước. Hai bờ chân cầu thường xây gạch hoặc kè đá chắc chắn tránh xói lở, bảo vệ cấu trúc cầu. Kiến trúc cầu có mái gồm hai phần: Cầu bên dưới (hạ kiều) và nhà bên trên (thượng gia).

Cổng làng:

Ban đầu cổng làng chỉ được làm bằng tre, cửa chắn bằng phên, dong nhiều gai nhọn với mục đích ban đầu để ngăn cản thú dữ vào làng phá phách, chứ chưa phải để đề phòng người lạ. Sau này, để phòng thủ, nhiều làng còn có cả cổng xóm cũng cửa đóng, then cài mỗi tối và có tuần đinh. Nếu cổng làng có thể có 1 hoặc 3 lối vào dạng Tam quan thì cổng xóm chỉ có 1 lối ra vào, thường có ở những làng quy hoạch xóm ngõ theo kiểu răng bừa, tất cả các đường xóm chạy song song, cùng hướng ra trục đường chính (như làng Đông Ngạc, làng Cự Đà, làng Khúc Thủy, làng Thụy Khuê, hay làng Hành Thiện ở Nam Định); những làng có lối cư trú bám theo sườn đồi vùng bán sơn địa thường không có cổng xóm. Vật liệu để tạo nên cổng làng, cổng xóm thường là gạch, ngói, gỗ. Ở các làng quê thuộc xứ Đoài còn có những chiếc cổng xây bằng đá ong, tạo nên đặc trưng riêng. Kiến trúc cổng làng xưa về cơ bản gồm 04 thành phần: Cột trụ – Tường bao – Mái – Lầu gác (có cổng không có phần này). Dù với từng ấy thành phần kiến trúc nhưng ta khó có thể tìm thấy hai chiếc cổng của hai làng khác nhau lại giống hệt nhau.

Kết luận

Hình thành và phát triển trong một thời gian dài, gắn với các triều đại phong kiến ở Việt Nam từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 19, kiến trúc cổ truyền Việt Nam tương đối ổn định về hình thái, cấu trúc, phương thức tạo dựng và hình thức biểu hiện. Từ đó tạo nên những đặc điểm, sắc thái riêng tương ứng với các vùng miền, các loại hình từ kiến trúc cung đình, kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng đến các công trình kiến trúc công cộng, dân gian truyền thống. Những đặc điểm và sắc thái của kiến trúc cổ truyền đã được hình thành trên cơ sở nền văn hóa dân tộc và chính những đặc điểm, sắc thái ấy lại góp phần tạo lập bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Đồng thời, những kiến trúc cổ truyền ngày nay đã trở thành di sản kiến trúc còn đem đến cho chúng ta những nền tảng, những bài học thực tế quan trọng trong quá trình xây dựng, phát triển kiến trúc đương đại và tương lai của Việt Nam.

ThS.KTS Nguyễn Thị Hương Mai
Viện Bảo tồn Di tích – Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch
(Bài đăng trên  Tạp chí Kiến trúc số 8-2024)


Tài liệu tham khảo
1. Trần Lâm Biền (chủ biên) (2012): “Diễn biến kiến trúc truyền thống Việt vùng Châu thổ sông Hồng”, NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội
2. Trần Lâm Biền (chủ biên) (2017): “Đình làng Việt (Châu thổ Bắc bộ)”, NXB Hồng Đức, Hà Nội
3. Chu Quang Trứ (1996): “Kiến trúc dân gian Việt Nam”, NXB Mỹ thuật, Hà Nội.
4. Ngô Văn Doanh (2002): “Văn hóa cổ Champa”, NXB VHDT, Hà Nội.
5. Ma Ngọc Dung (2004): “Nhà sàn Truyền thống của người Tày ở Đông Bắc Việt Nam”, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội
6. Khuất Tân Hưng (2007): “Mối Quan hệ giữa Văn hóa và Kiến trúc trong Nhà ở Dân gian vùng Đồng bằng Bắc Bộ”, Luận án tiến sỹ, Đại học Kiến trúc Hà Nội
7. Nguyễn Hồng Kiên (1996): “Kiến trúc gỗ cổ truyền Việt”, Tạp chí Kiến trúc 3/1996, Hà Nội.
8. Nguyễn Hồng Kiên (2000): “Đền tháp Chămpa”, Tạp chí Kiến trúc số 4
9. Vũ Tam Lang (2012): “Kiến trúc cổ Việt Nam”, NXB Xây dựng, Hà Nội
10. Nguyễn Cao Luyện (1977): “Từ những mái nhà tranh cổ truyền”, NXB Văn hóa, Hà Nội
11. Nguyễn Thị Hương Mai (2020): “Khảo sát, đánh giá thực trạng Kiến trúc Đền -Miếu của người Việt ở vùng Trung du Bắc Bộ”, Đề tài nghiên cứu, Viện Bảo tồn di tích.
12. Nguyễn Thị Hương Mai (2022): “Khảo sát, nghiên cứu Chùa Việt ở vùng Trung du Bắc Bộ”, Đề tài nghiên cứu, Viện Bảo tồn di tích.
13. Nguyễn Thị Hương Mai (2023): “Khái quát về di sản kiến trúc chùa Việt”, Tạp chí Kiến trúc số tháng 12/2023
14. Vũ Tam Lang (1991): “Kiến trúc cổ Việt Nam”, NXB Xây dựng, Hà Nội.
15. Đỗ Văn Ninh (1983): “Thành cổ Việt Nam”, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
16. Ngô Huy Quỳnh (2000): “Tìm hiểu lịch sử kiến trúc Việt Nam”, NXB Xây dựng, Hà Nội
17. Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Cự (1993): “Chùa Việt Nam”, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
18. Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Cự, Phạm Ngọc Long (1998): “Đình Việt Nam, NXB TP HCM.
19. Lê Bá Thanh: “Nghệ thuật kiến trúc trang trí chùa Khmer Nam Bộ”, Thông tin Mỹ Thuật số 01-02, ĐH Mỹ Thuật TP HCM
20. Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường, Hồ Tường (1993): “Đình Nam bộ – tín ngưỡng và nghi lễ”, TP HCM.
21. Trung tâm Bảo tồn Di sản Di tích Quảng Nam (2008): “Nhà ở cổ truyền người Việt tại Quảng Nam”, Kỷ yếu Hội thảo
22. Vương Trung (2018): “Nhà sàn cổ người Thái Việt Nam”, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội
23. Nguyễn Khắc Tụng (2015): “Nhà ở cổ truyền các dân tộc Việt Nam”, tập 1, tập 2, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội