Hai thập kỷ qua chúng ta vẫn đang chứng kiến cuộc tranh luận phân cực về chính sách phát triển TP Sáng tạo (TPST). Trong đó, một bên lạc quan về tiềm năng tăng trưởng kinh tế, còn một bên hoài nghi về các hệ lụy xã hội mà chính sách phát triển TPST có thể đem lại, đặc biệt là các vấn đề về bất bình đẳng xã hội – việc ưu tiên lợi ích của một nhóm người trong khi bỏ lại đa số phía sau.

Dù chính sách phát triển TPST có thể khác nhau tùy vào bối cảnh, không gian, xã hội cụ thể, nhưng như Andy C. Pratt1 đã lập luận, chúng đều hướng tới một mục tiêu duy nhất, là tìm cách khai thác tính sáng tạo để đạt mục đích về kinh tế. Việc lấy kinh tế làm trung tâm khiến vấn đề “loại trừ xã hội”2 ngày càng nghiêm trọng, và dần trở thành hiện tượng toàn cầu. Nhiều nghiên cứu về các TP ở Bắc Mỹ3, Châu Âu4, Úc5, Mỹ Latin6, và Châu Á7 đã chỉ ra rằng đây là mặt trái tồn tại song hành cùng chính sách phát triển TPST ở khắp nơi trên thế giới.

Trong bài viết này, tác giả muốn bàn luận về nguồn gốc của xu hướng phát triển TPST và thách thức của trào lưu này dưới góc nhìn xã hội học.

Hà Nội sẽ phát triển theo hướng xanh, sạch, đẹp.
Ảnh: Lê Việt

Nguồn gốc và thách thức của xu thế phát triển TPST

Nguồn gốc của phong trào phát triển TPST được hình thành sau Thế chiến thứ II, khi các nước công nghiệp phát triển tăng năng suất, bắt đầu chuyển dịch sản xuất truyền thống sang các nước đang phát triển, và bước vào thời đại hậu công nghiệp với việc ưu tiên dịch vụ, kiến thức, sự sáng tạo và đổi mới. Các mốc quan trọng bao gồm “Bước ngoặt văn hóa” vào những năm 1980s và “Bước ngoặt sáng tạo” vào những năm 1990s.

Khái niệm về TPST lần đầu được đề cập một cách có hệ thống bởi Franco Bianchini và Charles Landry8. Bianchini và Landry tiếp cận “Sự sáng tạo” ở lớp nghĩa rộng nhất, bàn về cách mà tính sáng tạo, sự đổi mới có thể giải quyết các vấn đề thường ngày của đô thị, lấy bối cảnh là quá trình tái định vị các ngành công nghiệp và tái thiết đô thị ở Vương quốc Anh vào cuối những năm 1980s và đầu những năm 1990s. Ý tưởng lấy văn hóa, các sản phẩm văn hóa như một cách thúc đẩy sự phát triển được Bianchini và Landry cổ vũ, và điều này phù hợp với phong trào “Thủ đô Văn hóa” khởi xướng bởi Liên minh Châu âu (EU) thời điểm bấy giờ. Khái niệm về TPST khi đó gắn liền với tầm nhìn về một Trung tâm Văn hóa EU: Mục tiêu là thể hiện sự phong phú, đa dạng của các nền văn hóa ở Châu Âu, đồng thời xây dựng tinh thần đoàn kết giữa các thành viên EU thông qua những hoạt động và sự kiện văn hóa.

Tuy nhiên, kể từ năm 1998 đến nay, khái niệm TPST trở nên phổ biến và không chỉ bó hẹp trong tầm nhìn của EU về “Thủ đô Văn hóa”. TPST giờ đây được hiểu là đích đến của nền Kinh tế Tri thức, Kinh tế Sáng tạo, với đặc trưng là sự xuất hiện của các sản phẩm sáng tạo, và sự tham gia của lực lượng lao động mới. Cách hiểu này manh nha hình thành năm 1998, khi Bộ Văn hóa, Truyền thông, và Thể thao Vương quốc Anh lần đầu xuất bản một bản đồ định vị các “Ngành Công nghiệp Sáng tạo”9. Bản đồ này được công nhận rộng rãi như một phân tích toàn diện đầu tiên về đóng góp kinh tế của các hoạt động sáng tạo trong nền kinh tế chung. Cụ thể, các lĩnh vực được Bộ Văn hóa, Truyền thông, và Thể thao Vương quốc Anh xếp vào nhóm Ngành Công nghiệp Sáng tạo gồm: Quảng cáo, Đồ cổ, Kiến trúc, Thủ công mỹ nghệ, Thiết kế, Thời trang, Phim ảnh, Phần mềm Giải trí, Âm nhạc, Nghệ thuật Biểu diễn, Xuất bản, Phần mềm, Truyền hình & Phát thanh. Và tiêu chí để được xếp vào nhóm Ngành Công nghiệp Sáng tạo là: “Có nguồn gốc từ sự sáng tạo, kỹ năng, và tài năng của cá nhân, và có tiềm năng tạo ra sự giàu có, việc làm thông qua việc khai thác tài sản trí tuệ”.

Đầu những năm 2000s, Richard Florida, với xuất bản “Tầng lớp Sáng tạo”10 đánh dấu bước tiến mới trong việc xây dựng TPST. Florida đưa ra những khái niệm mới về lực lượng lao động phục vụ cho nền Kinh tế Sáng tạo, và cách để thu hút và giữ chân lớp người này. Tác phẩm của Florida được coi là kim chỉ nam cho việc hình thành chính sách phát triển TPST ở nhiều quốc gia Âu, Mỹ sau này. Theo Florida, để trở thành TPST, TP cần có sự phục vụ của lực lượng lao động trí óc như nghệ sĩ, người đồng tính, nhà văn, nhà thiết kế, người làm truyền thông, nhà khoa học, nhà đổi mới, và doanh nhân. Ông gọi đó là “Tầng lớp Sáng tạo”. Họ là những người ưa tự do, thích di chuyển, và luôn tìm kiếm những bến đỗ mới, điều kiện mới phù hợp với thị hiếu, và nuôi dưỡng những ý tưởng liên tục sinh sôi trong họ. Florida cho rằng đây là đội ngũ tiên phong mà mọi TP cần có để trở thành nơi hội tụ của sự sáng tạo đúng nghĩa.

Dù Florida phản ảnh đúng sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các TP, các quốc gia trong việc thu hút và giữ chân nhân tài, nhưng việc gán “tính sáng tạo” cho một nhóm người trong xã hội đã cổ vũ việc hình thành những không gian, những cộng đồng biệt lập, chỉ dành riêng cho “tầng lớp sáng tạo” – Điều này làm sâu sắc hơn vấn đề “loại trừ xã hội” trong đô thị ngày nay.

Cũng giống các mô hình phát triển TP khác, TPST là TP phục vụ con người. TPST do đó không phải nơi dành riêng cho một nhóm những người được cho là “Tiên phong của sự sáng tạo”, mà là TP biết tận dụng sự sáng tạo từ mọi người trong xã hội, để hình thành bản sắc riêng biệt và độc đáo. Khác với Florida, điều tác giả muốn nhấn mạnh ở đây là sự sáng tạo không chỉ có ở tầng lớp nghệ sỹ, kỹ sư, doanh nhân… hay những người đang làm công việc trí óc, mà sự sáng tạo tồn tại trong tất cả mọi người. Như Landry và Bianchini từng nói: TPST là TP hướng tới lợi ích cho tất cả, và thách thức của TPST là dung hòa được các kiểu sáng tạo khác nhau, và coi những gì tưởng như đối lập và cần loại bỏ là một phần của tổng thể.

Toàn cảnh TP Hồ Chí Minh trên cao nhìn từ sông Sài Gòn

Lời kết

Dù chúng ta thống nhất ở một điểm rằng “Sự sáng tạo” là yếu tố tiên quyết trong bối cảnh kinh tế mới, chính sách phát triển TPST cần coi trọng hơn việc “hòa nhập xã hội” và thúc đẩy sự phát triển theo hướng lấy cộng đồng làm trung tâm. Quy hoạch đô thị và Kiến trúc cho TPST vì thế cần những không gian khuyến khích sự đa dạng, tính đa nghĩa, sự hòa nhập và tham gia của cộng đồng.

Việc xây dựng TPST đòi hỏi các dự án quy mô nhỏ và rất nhiều sự kiên nhẫn. Hãy dừng các dự án lớn, vì chúng chỉ dẫn đến sự đơn điệu cho đô thị. Và đừng phấn đấu cho sự thành công ngay lập tức. Đôi khi phải mất nhiều năm trước khi các khu đô thị, khu công nghiệp bỏ hoang được phục hồi. Những nơi sáng tạo trong TP giống những sinh vật sống: Chúng được sinh ra, lớn lên, suy tàn và có thể sống lại. TPST cũng không nên bị gò ép bởi các nhà Quy hoạch, các KTS với những bản vẽ trên bàn làm việc của họ – Vì không gian sáng tạo không thể được lập kế hoạch từ đầu, và sự phát triển của chúng đòi hỏi sự tham gia của nhiều người, thuộc mọi tầng lớp.

TS. Tạ Anh Dũng
Cố vấn Quy hoạch – Luật Xây dựng Hội đồng TP Auckland, New Zeland
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 06-2022)


Ghi chú
(1). Pratt, A. C. (2008) Creative cities: the cultural industries and the creative class, Geografiska Annaler: Series B, 90(2), pp. 107–117.
(2). “Loại trừ xã hội” có thể được nhìn nhận dưới bốn góc độ: (1) Kinh tế: Sự loại trừ xuất phát từ việc chênh lệch về thu nhập, tạo nên ranh giới giàu – nghèo. (2) Chính trị: Sự loại trừ thể hiện qua việc một cá nhân hay một nhóm người (ví dụ: phụ nữ,người dân tộc thiểu số, hay người nhập cư) mất đi lợi ích và quyền lợi về chính trị. (3) Xã hội (văn hóa): Sự loại trừ biểu hiện qua việc một cá nhân, hay một nhóm người bị bỏqua và mất đi sợi dây liên hệ với cộng đồng. (4) Không gian: Sự loại trừ thể hiện qua việc một cá nhân hay một nhóm người bị hạn chế tiếp cận không gian công cộng.
(3). Catungal, J. P., Leslie, D., & Hii, Y. (2009). Geographies of displacement in the creative
city: The case of liberty Village, Toronto. Urban Studies, 46–5/6, 1095–1114.
Ponzini, D., & Rossi, U. (2010). Becoming a creative city: The entrepreneurial mayor,
network politics and the promise of urban renaissance. Urban Studies, 47–5, 1037–1057.
Zimmerman, J. (2008). From brew town to cool town: Neoliberalism and the creative
city development strategy in milwaukee. Cities, 25–4, 230–242.
Bayliss, D. (2007). The rise of the creative city: Culture and creativity in copenhagen. European Planning Studies, 15–7, 889–903
Atkinson, R., & Easthope, H. (2009). The consequences of the creative class: The pursuit
of creativity strategies in Australia’s cities. International Journal of Urban and Regional Research, 33–1, 64–79.
Atkinson, R., & Easthope, H. (2009). The consequences of the creative class: The pursuit of creativity strategies in Australia’s cities. International Journal of Urban and Regional Research, 33–1, 64–79.
Liu, C. Y., Hu, F. Z., & Jeong, J. (2020). Towards inclusive urban development? New
knowledge/creative economy and wage inequality in major Chinese cities. Cities, 105, 102385
Sasaki, M. (2010). Urban regeneration through cultural creativity and social inclusion:
Rethinking creative city theory through a Japanese case study. Cities, 27–1, S3–S9.
Landry, C., & Bianchini, F. (1995). The creative city. London: Demos Publishing.

The post Chính sách phát triển TP sáng tạo – Nguồn gốc và thách thức appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.