Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đã trở thành nhu cầu tất yếu của xã hội
Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp trở thành một phong trào thi đua rộng khắp
Ngày 26/3/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới dự và phát biểu tại Lễ Khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ 4, tổ chức tại Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải (Vĩnh Phúc).
Tại đây, Thủ tướng đã đánh giá: Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tới phong trào đổi mới sáng tạo (ĐMST), trước hết là các Đề án 844, 939, 1665 của Chính phủ; các bộ, ban, ngành, cơ quan, địa phương đều có các chương trình, đề án riêng thúc đẩy phong trào khởi nghiệp. Song hiện tại, hệ sinh thái khởi nghiệp vẫn còn khoảng cách so với nhiều nước tiên tiến; cơ chế chính sách, môi trường pháp lý khởi nghiệp còn bất cập; quan điểm chấp nhận rủi ro và vốn đầu tư cho khởi nghiệp còn hạn chế; số lượng, chất lượng dự án, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng; tinh thần khởi nghiệp ĐMST chưa lan tỏa mạnh mẽ đến các cấp, các ngành, người dân, ngay cả trong thế hệ trẻ; sự gắn kết giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học với ĐMST, khởi nghiệp còn hạn chế; giáo dục – đào tạo còn nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, chưa quan tâm đúng mức đến kỹ năng, sáng tạo, khát vọng, tầm nhìn và chưa chú trọng phát huy năng lực đặc thù của từng học sinh, sinh viên (SV).
Thủ tướng cũng yêu cầu: Để phong trào khởi nghiệp chuyển sang một giai đoạn mới, đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về khởi nghiệp, phải coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị; phải đẩy mạnh truyền thông về ĐMST, khuyến khích tư duy ĐMST; thúc đẩy mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp ngành giáo dục nói chung, nhất là hệ sinh thái khởi nghiệp trong trường đại học (ĐH), cao đẳng nói riêng; khuyến khích SV có sáng kiến ĐMST, tạo ra mô hình kinh doanh mới, đề tài nghiên cứu ứng dụng có thể thương mại hóa, hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp …
ĐMST và Khởi nghiệp trước hết là chủ động tạo việc làm cho mình và cho người khác
Ngày 16/5/2016, Chính phủ ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Trong đó, nêu mục tiêu đến năm 2020 thành lập được 1 triệu doanh nghiệp. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến hết năm 2020, Việt Nam mới có khoảng 800 doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động.
Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Nghị quyết về phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030, với mục tiêu đến năm 2025 cả nước có 1,3-1,5 triệu doanh nghiệp. Để đạt mục tiêu trên, theo tính toán, trong 5 năm liền, tốc độ tăng trưởng số lượng doanh nghiệp phải đạt từ 12-14%/năm. Tính ra, mỗi năm sẽ có thêm khoảng 100.000 – 150.000 doanh nghiệp mới đi vào hoạt động. Đây là một mục tiêu không dễ thực hiện nếu không có quyết sách phù hợp.
Ngoài việc trải thảm đón doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp đầu tư nước ngoài từ một quốc gia hay đa quốc gia), Việt Nam cần phải thúc đẩy khởi nghiệp, tạo ra nhiều doanh nghiệp mới của chính mình. Qua đó chủ động giảm tỷ lệ thất nghiệp hiện còn cao trong một quốc gia có hơn 50 triệu lao động. Việc làm của SV sau tốt nghiệp không chỉ phụ thuộc vào việc xây dựng các chương trình định hướng, tư vấn nghề nghiệp mà còn phải là việc đào tạo khởi nghiệp trong nhà trường và xã hội.
Ngày 18/10/2016, Chính phủ ra Quyết định số 1982/QĐ-TTg phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam. Trong đó, cấu trúc Khung trình đồ quốc gia gồm 8 bậc: Bậc 1 – Sơ cấp I; Bậc 2 – Sơ cấp II, Bậc 3 – Sơ cấp III, Bậc 4 – Trung cấp; Bậc 5 – Cao đẳng; Bậc 6 – Đại học; Bậc 7 – Thạc sĩ; Bậc 8 – Tiến sĩ. Chuẩn đầu ra bao gồm: Kiến thức thực tế và kiến thức lý thuyết; Kỹ năng nhận thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp và kỹ năng giao tiếp, ứng xử; Mức độ tự chủ và trách nhiệm cá nhân trong việc áp dụng kiến thức, kỹ năng để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Một trong những kỹ năng thuộc chuẩn đầu ra của bằng ĐH là kỹ năng dẫn dắt, khởi nghiệp, tạo việc làm cho mình và cho người khác.
Trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, nhu cầu về nguồn lực con người và doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng rất lớn. Hiện tại, có 5 trường ĐH và gần 100 ngành, khoa chuyên môn trong các cơ sở ĐH hàng năm đào tạo hàng vạn SV lĩnh vực xây dựng. Việc đào tạo khởi nghiệp đáp ứng chuẩn đầu ra phù hợp với chuyên ngành xây dựng tại các cơ sở đào tạo này đã trở thành nhu cầu cấp thiết.
Cách mạng công nghiệp 4.0 – Cuộc cách mạng về ĐMST và khởi nghiệp
Cách mạng Công nghiệp 4.0 là cơ hội và thách thức cho phát triển
Cuộc Cách mạng Công nghiệp (CMCN) 4.0 được hình thành nhờ những đột phá về công nghệ mới nổi, xóa nhòa ranh giới giữa lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học… tạo ra 4 tác động chính: Gia tăng nhu cầu tiêu dùng; gia tăng sản xuất; thúc đẩy ĐMST; thay đổi các hình thức tổ chức.
CMCN 4.0 không chỉ đơn thuần là sự kéo dài các cuộc CMCN trước đó mà là sự đổi mới to lớn cả về chiều rộng và chiều sâu nhận thức, lý luận và mô hình phát triển; thay đổi nhanh chóng thế giới xung quanh, cả về thế giới vật chất (lao động, bình đẳng, an ninh, giá trị xã hội, chuẩn mực đạo đức…) và thế giới tinh thần; không có một cá nhân, tổ chức hay quốc gia nào có thể đứng ngoài.
Tương tự như các cuộc CMCN trước đó, CMCN 4.0 mang lại cơ hội về: Tăng thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống của công dân mỗi quốc gia; tạo ra sản phẩm và dịch vụ tiêu dùng mới; mở ra thị trường mới và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Sự thành công của mỗi cá nhân, tổ chức không còn chỉ phụ thuộc vào nguồn vốn, đất đai mà phụ thuộc mức độ kết nối và năng lực khởi nghiệp gắn với ĐMST.
Hiện trên thế giới có nhiều mô hình khởi nghiệp ĐMST, từ cấp quốc gia, đến TP và từng tổ chức.
Quốc gia Khởi nghiệp
Nhiều quốc gia đi sau trên thế giới đã trở nên thịnh vượng nhờ khởi nghiệp ĐMST.
Israel: Ý chí khởi nghiệp đã đưa một quốc gia không có tài nguyên thiên nhiên, hai phần ba diện tích là hoang mạc, thiếu nước ngọt và chỉ với khoảng 8 triệu dân, trở thành một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất thế giới.
Hàn Quốc: Nền kinh tế thứ tư châu Á với kế hoạch định hướng phát triển quốc gia giai đoạn mới dựa trên ĐMST đã thiết lập một quỹ khởi nghiệp giá trị hàng tỷ USD để giúp thanh niên lập ra hàng chục ngàn doanh nghiệp khởi nghiệp.
Singapore: Là một trong những quốc gia được lấy làm khuôn mẫu cho hoạt động khởi nghiệp. Quốc gia này, vào những năm đầu thế kỷ 21, đã tạo lập thành công môi trường khởi nghiệp, thúc đẩy chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Trung Quốc: Là một trong những quốc gia thành công trong lĩnh vực công nghệ với quan điểm xem ĐMST là một quá trình phát triển kinh tế – xã hội, có thể được hướng dẫn và thúc đẩy phù hợp nguồn lực vật chất và chính sách của chính quyền. Bằng cách xây dựng và bảo hộ thị trường, cùng với việc học hỏi từ các hệ sinh thái ĐMST toàn cầu, Trung Quốc đang tăng tốc phát triển các công nghệ quan trọng của riêng họ.
Thành phố Khởi nghiệp
Ngay tại các quốc gia phát triển, xu hướng khởi nghiệp cũng rất được quan tâm, có thể không phải là mô hình quốc gia khởi nghiệp song là mô hình địa phương khởi nghiệp, ví dụ: TP Fukuoka được Chính phủ Nhật Bản chỉ định là đặc khu chiến lược quốc gia về khởi nghiệp; mô hình ĐMST khởi nguồn từ mô hình Thung lũng Silicon Mỹ, được hình thành năm 1971 đã lan rộng phổ biến trên toàn thế giới với gần 100 địa điểm. Riêng Châu Á có 9 Cụm kinh tế mang tên Silicon Valley và hiện bổ sung thêm nhiều mô hình ĐMST khác, tạo thành Hệ sinh thái kinh doanh.
Khởi nghiệp tại các trường ĐH qua Trung tâm ĐMST
Nhiều trường ĐH tại các quốc gia phát triển thành lập Trung tâm ĐMST với số lượng tăng nhanh hàng năm. 10 TP có số lượng Trung tâm ĐMST lớn nhất toàn cầu: Silicon Valley (Mỹ), London (Anh), Singapore (Singapore), Paris (Pháp), Banglore (Ấn Độ), Tokyo (Nhật Bản), Shanghai (Trung Quốc), Atlanta (Mỹ), Tel Aviv (Israel) và Toronto (Canada). Hiện tại, Trung tâm ĐMST là hạt nhân của Hệ sinh thái khởi nghiệp trong trường ĐH và là một bộ phận không thể thiếu của cơ sở đào tạo ĐH.
Những ví dụ trên và còn nhiều ví dụ khác cho thấy: Tại nhiều quốc gia, ĐMST và Khởi nghiệp không chỉ là xu hướng mang tính phổ quát thời CMCN 4.0 mà đã trở thành chương trình phát triển kinh tế – xã hội, được cả xã hội hướng vào. Tại Việt Nam, ĐMST và Khởi nghiệp khởi xướng từ năm 2016 và mới dừng ở cấp độ phong trào.
Muốn khởi nghiệp ĐMST, trước hết phải biết: Ta là ai?
Đào tạo khởi nghiệp hay khởi sự doanh nghiệp không hề đơn giản
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2021, cả nước có 116,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, trong đó chỉ có khoảng hơn 1000 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST. Song, cứ khoảng 100 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST thì có tới 90 doanh nghiệp đứng trước nguy cơ giải thể trong hai năm đầu hoạt động.
Doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST hiện nay dựa chủ yếu trên các yếu tố đến từ bên ngoài, như kỹ thuật công nghệ cao, tri thức khoa học… để hình thành một ý tưởng kinh doanh. Nhưng như vậy là chưa đủ. Để khởi nghiệp thành công, người khởi nghiệp phải hội tụ được những yếu tố cần thiết, bao gồm kiến thức và kỹ năng về: Công nghệ nguồn và Công nghệ trình diễn; quản trị điều hành doanh nghiệp; môi trường kinh doanh; kết nối với hệ sinh thái khởi nghiệp gắn với các tổ chức dịch vụ, hỗ trợ khởi nghiệp…Các kiến thức, kỹ năng đó có thể đến từ việc tự học, song hiệu quả hơn là đến từ việc được đào tạo.
Các trường ĐH hiện nay ở Việt Nam chủ yếu quan tâm đến đào tạo người làm công ăn lương bậc cao (ra trường có nhiều cơ hội việc làm), ít quan tâm tới đào tạo doanh nhân. Các cử nhân, kỹ sư khi ra trường thiếu ý chí, khát vọng khởi nghiệp, cho dù có cơ hội; và hầu như không có mối liên hệ chuyên môn với cơ sở đào tạo, khoa học công nghệ (KHCN) để có công nghệ nguồn cho việc khởi nghiệp. Các trường ĐH chưa nhận thức rõ việc đào tạo khởi nghiệp là cơ hội gắn kết tổ chức đào tạo, KHCN với thực tiễn thị trường, với doanh nghiệp, qua đó tìm được đầu vào hướng nghiên cứu và tạo điều kiện cho việc thương mại hóa sản phẩm KHCN.
Các doanh nhân, đặc biệt là tại doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, thiếu kiến thức cần thiết về môi trường kinh doanh, liên kết phối hợp với doanh nghiệp lớn theo chuỗi sản xuất hàng hóa, với tổ chức hỗ trợ…để có công nghệ phù hợp tạo giá trị gia tăng cho doanh nghiệp và tăng cường khả năng cạnh tranh.
Muốn khởi nghiệp, con người phải được rèn luyện về năng lực khởi nghiệp
Năng lực khởi nghiệp (nhận thức, kiến thức, kỹ năng, hành vi) được hình thành bởi Năng lực tự thân và Năng lực tự rèn luyện gắn với hoạt động khởi nghiệp.
Năng lực tự thân khởi nghiệp là năng lực tự đánh giá chân thực điểm mạnh, điểm yếu về tính cách cá nhân liên quan đến hoạt động khởi nghiệp. Việc tự đánh giá tính cách để rút ra kết luận về năng lực tự thân khởi nghiệp là không đơn giản, đòi hỏi sự nỗ lực, kiên trì của mỗi cá nhân.
Năng lực tự rèn luyện (năng lực chuyên môn và năng lực xã hội) khởi nghiệp là một quá trình vừa học, vừa làm của học viên; quá trình vừa đào tạo vừa dẫn dắt của giảng viên và cả hệ thống cơ sở đào tạo.
Khởi nghiệp ĐMST đòi hỏi những con người có năng lực tự thân và năng lực tự rèn luyện đặc biệt. Đây là những người có đủ năng lực chung để thích nghi với điều kiện thời hội nhập, có ý chí vươn lên lập thân, lập nghiệp, dám đổi mới tư duy và nhận thức, sẵn sàng làm việc phức tạp và sáng tạo.
Năng lực khởi nghiệp không tự nhiên mà có. Năng lực này không thể đến một cách tình cờ sau một vài cuộc thi khởi nghiệp mà phải được chuẩn bị công phu, không phải trong một vài tháng mà trong nhiều năm.
Năng lực tự thân hay năng lực đánh giá tính cách cá nhân theo mô hình Big Five
Trong các loại năng lực thì năng lực tự thân là cái gốc, từ đây mới có năng lực rèn luyện.
Hiện tại, người ta thường dùng mô hình Big Five để tự đánh giá tính cách, hình thành năng lực tự thân. Khi gõ từ Big Five trên máy tính, trong phạm vi 0,5 giây, có tới 6.430.000.000 kết quả; một số lượng khổng lồ về một từ được tìm kiếm trên mạng internet, thể hiện sự quan tâm sâu rộng của loài người về một vấn đề.
Big Five là một mô hình đánh giá con người theo 5 tính cách: i) Cân bằng cảm xúc, (Emotional Stability, còn có tên gọi khác là Nhiễu tâm/Neuroticism); ii) Đồng thuận (Agreeableness); iii) Hướng ngoại (Extraversion; iv) Tận tâm (Conscientiousness); v) Sẵn sàng trải nghiệm (Openness).
Tính cách tác động sâu sắc tới nghề nghiệp và thành công trong công việc, đặc biệt là tính cách Cân bằng cảm xúc, Tận tâm và Sẵn sàng trải nghiệm. Vì vậy có thể nói: Đào tạo khởi nghiệp chính là đào tạo phát triển năng lực khởi nghiệp cho học viên, hướng dẫn họ tự tìm hiểu và tự rèn luyện tính cách để phù hợp với hoạt động khởi nghiệp.
Để nâng cao năng tực tự thân cho học viên, đề tài lập một phần mềm tự đánh giá tính cách theo mô hình Big Five – talaai.com.vn và đã thu hút được 1,8 vạn lượt truy cập. Từ các kết quả tự đánh giá tính cách cá nhân và so sánh với tính cách của những người liên quan khác, học viên có thể tự học, tự điều chỉnh các tính cách còn yếu. Cơ sở đào tạo có thể phân chia nhóm đào tạo khởi nghiệp, phát hiện học viên có tính cách mạnh để đào tạo tài năng và những học viên có tính cách yếu, đặc biệt là cân bằng cảm xúc, để hỗ trợ.
Muốn khởi nghiệp ĐMST, phải có chương trình đào tạo và hệ sinh thái phù hợp
Chương trình đào tạo và Truyền thông về khởi nghiệp ĐMST
Ý tưởng khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST phải được đào tạo bài bản trong các cơ sở ĐH, kết nối với tổ chức khoa học và thương mại, phòng thí nghiệm trong và ngoài nước; được bảo vệ trước các tác động khắc nghiệt của điều kiện thị trường. Từ đó, doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST mới đủ khả năng để giải phóng các nguồn lực, tạo ra sản phẩm có khả năng cạnh tranh và gia tăng vị thế của quốc gia.
Việc đào tạo phát triển năng lực khởi nghiệp được hình thành trên một tiền đề, khác hẳn với việc đào tạo các kỹ năng cứng. Đó là một hệ thống kỹ năng mềm liên quan đến: Cơ sở pháp lý về khởi nghiệp; các kiến thức cơ bản về khởi nghiệp; mối quan hệ giữa chương trình đào tạo truyền thống và đào tạo năng lực khởi nghiệp; con người và năng lực khởi nghiệp; truyền thông và sự nhận thức về khởi nghiệp; cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc nâng cao năng lực khởi nghiệp. Các yếu tố tiền đề này được đặt trong bối cảnh chung về hội nhập quốc tế, nhu cầu phát triển của quốc gia và chuyên ngành liên quan.
Việc đào tạo phát triển năng lực khởi nghiệp không chỉ phát triển năng lực chuyên môn mà còn phải phát triển cả năng lực tự thân và năng lực xã hội liên quan. Các năng lực này không tách rời nhau, mà có mối quan hệ chặt chẽ với nhau trong suốt quá trình đào tạo.
Các cơ sở đào tạo ĐH cần hình thành được Khung chương trình đào tạo khởi nghiệp theo chuẩn quốc gia và theo chuyên ngành có liên quan để đáp ứng cao nhất việc nâng cao năng lực khởi nghiệp của từng học viên.
Việc đào tạo phát triển năng lực khởi nghiệp phải gắn liền với truyền thông khởi nghiệp. Chương trình truyền thông không chỉ tuyên truyền thu hút SV, quảng bá hoạt động khởi nghiệp, thi khởi nghiệp trên các phương tiện truyền thông mà còn là việc tổ chức các hoạt động giao tiếp khởi nghiệp gắn với hoạt động Đoàn Thanh niên, CLB Thanh niên, hội thảo và cuộc thi về khởi nghiệp, tại các không gian đặc thù thúc đẩy giao tiếp khởi nghiệp…
Hệ sinh thái khởi nghiệp và Hệ sinh thái kinh doanh
Hệ sinh thái khởi nghiệp, theo định nghĩa của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum – WEF), bao gồm các yếu tố: Khung pháp lý và cơ sở hạ tầng; Giáo dục và đào tạo; Nguồn nhân lực; Thị trường; Nguồn vốn và tài chính; Trường ĐH, học viện; Hệ thống dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp; và Văn hóa quốc gia. Tất cả các yếu tố này được đồng bộ hóa thành Hệ sinh thái khởi nghiệp. Quy mô của hệ sinh thái là số doanh nghiệp khởi nghiệp được ươm tạo bởi các tổ chức đào tạo và dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp. Theo định nghĩa trên, Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại Việt Nam chỉ mới đang hình thành, do nguồn lực hạn chế. Song, các cơ sở ĐH hiện nay tại Việt Nam là nơi có đủ điều kiện hơn cả để sớm phát triển Hệ thống cơ sở hạ tầng khởi nghiệp hay Hệ sinh thái khởi nghiệp, đóng góp tích cực cho việc hình thành và phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia.
Hệ sinh thái kinh doanh là một thuật ngữ chỉ một cộng đồng doanh nghiệp cộng sinh, chia sẻ và bổ sung cho nhau, tạo thành một môi trường thuận lợi thúc đẩy hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST và tăng trưởng nhanh. Hệ sinh thái này đáp ứng yêu cầu rộng lớn hơn, không chỉ cho hoạt động khởi sự doanh nghiệp mà còn cho cả hoạt động kinh tế và xã hội khác, tạo lập tinh thần kinh doanh của khu vực, của địa phương. Quy mô của hệ sinh thái này là quy mô của hoạt động kinh doanh, tập trung lại thành Cụm Kinh tế (tương tự mô hình Thung lũng Silicon, Mỹ). Các doanh nghiệp khởi nghiệp chỉ là một phần trong hệ sinh thái, tập trung vào việc nghiên cứu tạo lập sản phẩm công nghệ mới. Việt Nam chưa hình thành Hệ sinh thái kinh doanh, song phải có tầm nhìn để dần hình thành Hệ sinh thái này.
Cơ sở hạ tầng khởi nghiệp
Cơ sở hạ tầng này là một phần của Hệ sinh thái khởi nghiệp, đảm bảo sức sống hay sự lưu chuyển bên trong và kết nối với bên ngoài của: Dòng sản phẩm và nhân lực khởi nghiệp; Dòng công nghệ và tài chính khởi nghiệp; Dòng tri thức và văn hóa khởi nghiệp.
Đào tạo khởi nghiệp thực chất là tạo ra sản phẩm khởi nghiệp cho xã hội. Vì vậy, cơ sở hạ tầng phải đáp ứng được nguồn cung với chất lượng cao nhất về sản phẩm khởi nghiệp; định hình, mở rộng được nguồn cầu về sản phẩm khởi nghiệp.
Cơ sở hạ tầng khởi nghiệp phân thành:
Cơ sở hạ tầng vật chất: Là một hệ thống gồm: Không gian đào tạo khởi nghiệp, là không gian giảng đường, hội trường, phòng thí nghiệm (phần lớn là hiện có phục vụ Chương trình đào tạo chung); Không gian dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp: Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn khởi nghiệp; CLB Khởi nghiệp; Trung tâm Chuyển giao KHCN (hay Trung tâm Sẵn sàng về công nghệ); Trung tâm ĐMST Thúc đẩy khởi nghiệp; Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp; Trung tâm Dữ liệu số (hay Trung tâm Chuyển đổi số); Thư viện Khởi nghiệp…
Cơ sở hạ tầng phi vật chất, gồm: Thiết chế khởi nghiệp: Hệ thống tổ chức bộ máy hành chính, quản lý, hỗ trợ, kết nối, thi và giám sát khởi nghiệp; Tổ chức dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp…
Phải tận dụng tối đa nguồn lực cơ sở hạ tầng hiện có và tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng mang tính đột phá, là cơ sở hạ tầng gắn với việc đào tạo, kết nối, sẵn sàng công nghệ và chuyển đổi số.
Trong ngành xây dựng (XD), có thể tập trung đầu tư một số cơ sở hạ tầng khởi nghiệp liên quan đến lĩnh vực: Thị trường bất động sản; Phát triển vật liệu XD (trước hết cho các vùng ven biển và hải đảo); Chương trình cơ khí hóa, tự động hóa XD; Chương trình phát triển đô thị (đô thị thông minh, đô thị sinh thái, đô thị xanh); Xây dựng nông thôn mới và các khu kinh tế đặc thù; Chương trình phát triển nhà ở, nhà ở xã hội gắn với an sinh xã hội; Kinh tế biển; Công nghiệp văn hóa; Bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu; Chương trình chính phủ số, kinh tế số và xã hội số liên quan đến lĩnh vực XD.
ĐMST và Khởi nghiệp đã trở thành chuẩn mực xã hội mới thời kỳ hội nhập
ĐMST và Khởi nghiệp phải sớm trở thành chương trình phát triển kinh tế – xã hội
Ngoài việc tiếp tục hoàn thiện các khung pháp lý, chính sách và thúc đẩy phong trào khởi nghiệp hiện tại, Nhà nước cần phải coi đây là một chương trình phát triển kinh tế – xã hội. Chương trình này phát triển theo 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1 – Bảo hộ hay hỗ trợ ĐMST và Khởi nghiệp:
Nhà nước hỗ trợ hình thành, nuôi dưỡng và bảo vệ Hệ sinh thái ĐMST và Khởi nghiệp non trẻ trước sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, của các công ty lớn trong và ngoài nước; tài trợ kinh phí đủ lớn và chấp nhận rủi ro cho hoạt động khởi nghiệp ĐMST. Nhà nước đã đầu tư hàng tỷ USD để xây dựng các tuyến đường cao tốc, chống biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Hỗ trợ khởi nghiệp cũng cần được đầu tư như vậy. Đầu tư cho khởi nghiệp ĐMST cũng chính là đầu tư cho phát triển. Việc hỗ trợ Khởi nghiệp nên bắt đầu từ các cơ sở đào tạo ĐH. Đào tạo khởi nghiệp chính là phát triển khởi nghiệp từ gốc.
Giai đoạn này tiếp nối giai đoạn trước, thực hiện đến năm 2025.
Kết quả đánh giá của giai đoạn này là thu hút thanh niên tham gia ngày càng nhiều trong hoạt động khởi nghiệp. Đào tạo khởi nghiệp trở thành đào tạo thường xuyên, liên tục; Tăng số lượng bài thi tham gia khởi nghiệp ĐMST tại mỗi cơ sở đào tạo ĐH; Hoạt động hiệu quả của các Quỹ đầu tư khởi nghiệp; Thành lập những cơ sở hạ tầng khởi nghiệp mang tính động lực trong các trường ĐH công lập như Trung tâm Khởi nghiệp ĐMST; Trung tâm Chuyển đổi số; Trung tâm Sẵn sàng công nghệ…; Số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST tăng dần.
Giai đoạn 2 – Kết nối khởi nghiệp hay Đồng bộ hóa khởi nghiệp:
Nhà nước hỗ trợ việc kết nối cơ sở đào tạo khởi nghiệp ĐMST với nhà doanh nghiệp, nhà đầu tư thiên thần trong và ngoài nước, trước hết là kết nối về khoa học, công nghệ và thương mại với các quốc gia tiên tiến, góp phần tăng tốc khởi nghiệp và thúc đẩy thương mại hóa các sản phẩm KHCN.
Giai đoạn này tiếp nối giai đoạn trước, thực hiện đến năm 2030.
Kết quả đánh giá của giai đoạn này là thu hút thêm sự quan tâm của doanh nghiệp, nhà đầu tư thiên thần trong và ngoài nước; Khởi nghiệp ĐMST trở thành chương trình định hình trong các cơ sở đào tạo ĐH gắn với Hệ sinh thái khởi nghiệp. Khởi nghiệp ĐMST trở thành hoạt động kinh tế của xã hội gắn với Hệ sinh thái kinh doanh và Cụm Kinh tế tại các địa phương; gia tăng tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động ĐMST trên tổng số doanh nghiệp.
Giai đoạn 3 – Lan truyền khởi nghiệp hay Chuẩn mực hóa khởi nghiệp:
Nhà nước hỗ trợ và cùng thực hiện việc lan truyền tinh thần khởi nghiệp ĐMST cho toàn xã hội.
Giai đoạn này thực hiện đến năm 2035, góp phần đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển.
Kết quả đánh giá của giai đoạn này là khởi nghiệp ĐMST trở thành niềm tin và một chuẩn mực xã hội mới để mọi người cùng hướng vào; Từng tổ chức, từng địa phương hình thành các sáng kiến thiết thực về khởi nghiệp ĐMST; Việt Nam có thể sớm trở thành Quốc gia phát triển với động lực là khởi nghiệp ĐMST.
ĐMST và Khởi nghiệp – Chuẩn mực xã hội mới
Khởi nghiệp ĐMST gắn với thành tựu của cuộc CMCN 4.0, là sự nghiệp tạo ra sản phẩm mới, tổ chức mới, giá trị mới về xã hội và văn hóa. Khởi nghiệp không chỉ là thiết lập mô hình kinh doanh với thành công về tài chính mà còn là khởi nghiệp hướng tới phục vụ cá nhân, cộng đồng và quốc gia, giải quyết các vấn đề liên quan đến con người và phát triển bền vững.
Giai đoạn trước, vào thời kỳ giành độc lập và thống nhất, năm 1945 – 1975, Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã đưa ra chuẩn mực cao quý cho cả dân tộc: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Từ đó, thế hệ thanh niên đã xây dựng được chuẩn mực riêng cho chính mình: “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”.
Giai đoạn hiện nay, vào thời kỳ phát triển và hội nhập, “Sánh vai với các cường quốc năm châu”, đầu thế kỷ 21, nhiều thanh niên Việt Nam cũng đã đặt ra các câu hỏi về chuẩn mực mới trong xã hội để mà hướng vào.
Thời đại nào người tài nấy. Những người tài khởi nghiệp ĐMST sẽ trở thành thế hệ hiền tài mới cho một nước Việt Nam mạnh mẽ và trường tồn.
TS. Phạm Đình Tuyển
Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.
Nguyễn Minh Hiếu
Công ty CP Đầu tư và phát triển công nghệ ĐH Xây dựng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 06-2022)
Tài liệu tham khảo
Bài viết là một số nhận thức rút ra từ Đề tài: “Phát triển năng lực khởi nghiệp cho sinh viên trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam”; Đề tài được tài trợ bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo; Mã số: B2020-XDA-01; Thời gian thực hiện: 2020 – 2021.
The post Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp – Chuẩn mực xã hội mới thời CMCN 4.0 appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
Nhận xét