Đó là chia sẻ của Ông Christian Manhart – Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam trong cuộc trò chuyện với TCKT xoay quanh các nội dung của TP sáng tạo và những kế hoạch phối hợp Hành động cho chương trình TP sáng tạo của UBND TP Hà Nội và UNESCO.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Phóng viên (P/V): Năm 2019, Hà Nội chính thức tham gia Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO. Từ đó, UNESCO đã hỗ trợ TP Hà Nội huy động các nguồn lực để xây dựng thành phố sáng tạo, hướng tới sự phát triển bền vững trong tương lai. Ông nghĩ gì về những nỗ lực của Hà Nội và sự phối hợp giữa các bên liên quan trong thành phố để đạt được mục tiêu này?

Ông Christian Manhart
Trưởng Đại diện UNESCO tại
Việt Nam

Ông Christian Manhart: Chúng tôi đã và đang làm việc chặt chẽ với Hà Nội, và tôi phải nói rằng Hà Nội là một đối tác tuyệt vời, sáng tạo và hợp tác. Kể từ khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo – UCCN, Hà Nội đã thực hiện nhiều sáng kiến khác nhau để thực hiện các cam kết của mình với Mạng lưới. Thành phố đã phê duyệt Kế hoạch Hành động cho Chương trình Thành phố Sáng tạo, và đã được lồng ghép trong Chiến lược Phát triển Công nghiệp Văn hóa. Bên cạnh đó, tôi cho rằng Hà Nội thậm chí có thể làm nhiều hơn nữa để thúc đẩy tư cách thành viên của mình trong mạng lưới quốc tế như là tham gia các hội nghị quốc tế, trao đổi kinh nghiệm với các Thành phố Sáng tạo khác của UNESCO để học hỏi kinh nghiệm của họ. Đây cũng là một trong những lợi ích khi tham gia UCCN.

Phóng viên (P/V): Hà Nội đặt phát triển đô thị sáng tạo và phát triển văn hóa làm trọng tâm trong các chính sách lớn của thành phố giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, văn hóa trở thành nền tảng thúc đẩy gắn kết xã hội và là nhân tố quan trọng hình thành bản sắc đô thị. Ông có thể chia sẻ với chúng tôi một số suy nghĩ của mình: Làm thế nào để Hà Nội có thể tận dụng và phát huy các nguồn lực văn hóa của để trở thành một thành phố sáng tạo? Và kiến trúc – quy hoạch đô thị đóng vai trò gì trong quá trình này?

Ông Christian Manhart: Như chúng ta đã biết, việc chuẩn bị hồ sơ để Hà Nội gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO đã trải qua rất nhiều công đoạn, nhưng điều TP Hà Nội luôn hướng tới không phải là kết quả cuối cùng, mà trên hết là bước đầu tiên để đưa Hà Nội trở thành Thủ đô sáng tạo ở Đông Nam Á. Và khi tham gia dưới lĩnh vực Thiết kế, Hà Nội đã lựa chọn cách tiếp cận mà Thành phố có thể tận dụng tốt nhất để đem lại sự thay đổi tích cực. Thật vậy, Hà Nội hiện đang đặt Thành phố Sáng tạo và phát triển văn hóa làm trọng tâm trong các chính sách lớn của thành phố. Sự sáng tạo đến từ con người, từ công dân của thành phố đó, và họ cần không gian để sáng tạo, và khi đó kiến trúc và quy hoạch đô thị trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Phóng viên (P/V): Cuối năm 2021, UNESCO đã ký Biên bản ghi nhớ với Chính phủ Việt Nam cho giai đoạn 2021-2025 với một trong những mục tiêu là thúc đẩy sự sáng tạo và các hoạt động khởi nghiệp văn hóa cho thanh niên Việt Nam. Ông có thể chia sẻ về kế hoạch của UNESCO cho 2021-2025 nhằm thúc đẩy hơn nữa văn hóa và sáng tạo ở Hà Nội và Việt Nam?

Ông Christian Manhart: Kể từ năm 2020, UNESCO đã và đang triển khai dự án “Ha Noi Rethink – Huy động các nguồn lực văn hóa và sự tham gia của thanh niên để xây dựng Hà Nội thành Thủ đô Sáng tạo.”. Chúng tôi đang phối hợp rất chặt chẽ với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội trong thời gian qua và sẽ có nhiều hoạt động hơn nữa dành cho thanh niên và cộng đồng nhằm khuyến khích sự tham gia của người dân để đóng góp cho sự phát triển của Thành phố. Ngoài ra, chúng tôi hy vọng sẽ khuyến khích thêm nhiều thành phố ở Việt Nam tham gia Mạng lưới này. Hà Nội có thể chia sẻ bài học kinh nghiệm và lời khuyên tư vấn cho các thành phố khác. Hiện nay, một số thành phố của Việt Nam đã bày tỏ nguyện vọng tham gia Mạng lưới theo đề án của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tầm nhìn đầy khát vọng này sẽ góp phần thiết lập một vành đai sáng tạo của các thành phố năng động, ở đó văn hóa được chú trọng trong các chiến lược phát triển trên khắp cả nước.

Phóng viên (P/V): Tất cả các thành phố sáng tạo của UCCN đều có những nét độc đáo riêng, và các phương pháp thành lập và vận hành trung tâm sáng tạo tốt nhất là những kinh nghiệm quý báu mà Việt Nam có thể học hỏi. Có mô hình hiệu quả nào mà ông nghĩ Việt Nam có thể học hỏi được không?

Ông Christian Manhart: Để biết mô hình nào phù hợp nhất với Hà Nội, chúng tôi cần nghiên cứu nhiều hơn cũng như trao đổi với các Thành phố Sáng tạo khác trong Mạng lưới để học hỏi kinh nghiệm của họ. Theo tôi được biết, Hà Nội đã và đang thực hiện cách tiếp cận này. Trong tháng tới, trong khuôn khổ Dự án Ha Noi Rethink, UNESCO sẽ hỗ trợ Hà Nội tổ chức một hội nghị quốc tế để mời đại diện từ các Thành phố sáng tạo khác của UNESCO trong khu vực đến đây để chia sẻ những những kinh nghiệm của họ. Tôi tin rằng họ sẽ đưa ra những lời khuyên quý giá để từ đó thành phố Hà Nội sẽ có thể chọn cho mình một mô hình phát triển phù hợp nhất.

Phóng viên (P/V): Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 06-2022)

The post Ông Christian Manhart – Trường Đại diện UNESCO tại Việt Nam: “Chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ có nhiều thành phố tham gia mạng lưới TP sáng tạo!” appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.