Thành phố (TP) sáng tạo hiện đang là một trong những chiến lược và tầm nhìn chủ đạo để phát triển đô thị. TP sáng tạo xem sự sáng tạo như những động lực cho sự phát triển đô thị bền vững. Sáng tạo không chỉ tập trung vào lĩnh vực nghệ thuật mà còn là sáng tạo trong khoa học-công nghệ, sáng tạo trong phát triển các giải pháp cho cơ cấu xã hội, sáng tạo cho tổ chức TP… Sự sáng tạo gắn liền với các địa điểm và không gian thường dựa trên khung cảnh và bầu không khí sáng tạo trong các TP – “Hình ảnh và hồn” của TP (Helbrecht, 2004 và Landry, 2006).
Các khả năng thử nghiệm, có thể được thực hiện ở các không gian bị lãng quên trong cấu trúc đô thị – Đó là điều kiện tiên quyết cho một TP sáng tạo. Theo nghĩa bóng, “lãng quên” được dùng với ý nghĩa bị lãng quên khỏi ý thức của cộng đồng, khỏi con mắt “thèm thuồng” của những nhà đầu tư tài chính, và khỏi tầm nhìn của các nhà quy hoạch “TP mới”. Theo nghĩa đen, chúng là “không gian tự do”, không bị ảnh hưởng bởi các tuyên bố chính trị và thị trường, và do đó, trở thành nguồn cung cấp những ý tưởng mới trong TP sáng tạo.
Chuyển đổi những không gian “bị lãng quên” trở thành không gian cho sự sáng tạo
Trong xu hướng quy hoạch lại các TP, việc thay đổi chức năng sử dụng của không gian các cơ sở sản xuất cũ theo diện buộc phải di dời hoặc gỡ bỏ là tất yếu. Một diện tích lớn của các khu đất, tòa nhà, phân xưởng, nhà kho trở thành nơi không có mục đích sử dụng cụ thể đã thu hút công dân, nghệ sĩ, thanh thiếu niên, trẻ em… tạo lập các sân chơi và không gian để thử nghiệm.
Dự án Vườn cộng đồng Galileistraat, The Hague, Hà Lan; Dự án công viên Tanner Springs, Portland, Oregon, Mỹ là những điển hình của việc chuyển đổi và sử dụng những không gian “bị lãng quên” trên thế giới. Các dự án đều xuất phát từ những công trình, khu đất ít được sử dụng. Với sự đồng tình của chính quyền TP, người dân kêu gọi được các nguồn lực kinh tế để thuê và cải tạo thành các khu vườn cộng đồng. Các dự án đã dần trở thành không gian công cộng đáp ứng mọi nhu cầu cơ bản của cộng đồng xung quanh.
Ví dụ điển hình ở Việt Nam là không gian “Chợ nghệ thuật” – Zone 9, địa điểm tiên phong trong hoạt động tái sinh các không gian lãng quên trở thành không gian văn hóa sáng tạo ở Việt Nam. Trong thời gian ngắn sau khi ra đời, Zone 9 nhanh chóng trở thành điểm đến và sự lựa chọn yêu thích của giới trẻ Hà Nội. Không gian của Zone 9 được kiến thiết trên nền cơ sở sản xuất dược phẩm cũ, và mau chóng được biến thành một sàn diễn nghệ thuật và không gian phục vụ cộng đồng. Sau đó, các chuỗi tổ hợp khác như Zone X98, Hanoi Creative City ở Hà Nội; Nhà ga 3A ở TP HCM đã ra đời. Mặc dù chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng sự ra đời của nó đã bất ngờ tạo nên một chuỗi những câu chuyện kinh tế, kiến trúc, quy hoạch, hay sự tương tác giữa sáng tạo văn hóa – nghệ thuật với đời sống. Cho đến nay, Việt Nam có hơn 200 không gian sáng tạo lấy cảm hứng từ việc chuyển đổi các khu đất cũ thành không gian sáng tạo, như 282 Design, Public Art Phúc Tân; sân chơi dành cho trẻ em…
Thay đổi quan điểm không gian “bị lãng quên” trong đô thị
Các ví dụ trên cho thấy sự thử nghiệm chuyển đổi các không gian hay vùng đất bị lãng quên giữa các khu vực đô thị có tổ chức, những vùng đất này dường như có những tiềm năng nhất định để kích hoạt các mục đích sử dụng của những cá nhân sáng tạo. Và theo đó, đô thị thực sự được hưởng lợi từ những diện tích bị lãng quên và các công trình chưa được sử dụng hết. Bài viết hướng đến cách nhìn nhận các khu vực bị lãng quên trong đô thị có thể cung cấp khả năng thích ứng cho TP sáng tạo trong tương lai.
Các không gian bị lãng quên dưới quan điểm “lãnh thổ” được định nghĩa bởi các nhà hoạch định chủ nghĩa hậu hiện đại là:
- Những không gian trung tâm TP, khu dân cư, khu vui chơi giải trí là những ví dụ về các không gian có lãnh thổ;
- Các vùng đất bị lãng quên trong đô thị là những không gian phi lãnh thổ.
Lãnh thổ được hiểu là “Việc tạo ra ý nghĩa trong không gian xã hội thông qua việc tạo ra các kết nối có chủ đích” (Brown & Lunt, 2002). Các tòa nhà trước kia của dự án Zone 9, hay 3A Station là những không gian có lãnh thổ cho đến khi suy tàn hoặc bị lãnh quên do đang trong thời gian chuyển đổi chức năng; khi nó mang tính chất mới, “phi lãnh thổ” và được sử dụng cho nghệ thuật thử nghiệm. Quá trình “khử” lãnh thổ là sự mất ổn định và dần loại bỏ các ý nghĩa ổn định.
Nhà xã hội học Richard Sennetts (1970) tuyên bố rằng Những không gian như vậy và sự khác biệt giữa các phẩm chất được đề cập của không gian trong TP là cần thiết cho sự phát triển của cá nhân. Ông nhấn mạnh vào rối loạn ở các khu vực ngoài quy hoạch trong phát triển đô thị như là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển riêng lẻ trong TP.
Quy hoạch không gian thử nghiệm
Sự phát triển đô thị được đặc trưng các chu kỳ và các giai đoạn chuyển đổi của không gian có lãnh thổ và phi lãnh thổ trong cấu trúc đô thị. Những khu vực phi lãnh thổ thường là những vấn đề nan giải của quy hoạch đô thị. Nên, quá trình quy hoạch đô thị cũ chủ yếu là việc phát triển các không gian có lãnh thổ, đóng cửa các không gian phi lãnh thổ. Ý tưởng chung trong 10 năm qua là tái sinh và tìm các mục đích sử dụng mới cho các khu vực này. Đây là chiến lược tốt để cải thiện cảnh quan đô thị và hỗ trợ sự phát triển của các không gian phi lãnh thổ trong cấu trúc đô thị.
Bey (1991) đã từng cho rằng những điều mới mẻ và bất ngờ bắt nguồn từ những phẩm chất vô chủ ở các khu vực bị kìm hãm bởi khái niệm “tự trị tạm thời”. Những không gian mở, phi lãnh thổ cần được xem là các nguồn tài nguyên có giá trị mặc dù thực tế đang được cho là “vô giá trị” (Lynch, 1991). Bài viết này ủng hộ phương án để các địa điểm và khu vực phi lãnh thổ cho các nghệ sĩ tự do “chiếm đóng”, các nhà hoạt động văn hóa và thậm chí những người dân sống xung quanh sử dụng làm sân chơi, không gian hoạt động cho các mục đích sử dụng khác nhau. Tuy nhiên, đề xuất này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến quy hoạch đô thị thông thường và sẽ có khả năng xảy ra phá hoại hay vẽ bậy. Điều này không thật sự đáng ngại, và cần nhìn nhận đó là dấu hiệu của một quá trình làm việc sáng tạo.
Quá trình sử dụng và sáng tạo đô thị với các không gian này là cách thức thử nghiệm nghiêm túc về những gì người dân sử dụng các khu vực đó mong muốn. Đối với việc quy hoạch, điều này cần sự chuyển đổi cách hiểu thông và mở ra các cấu trúc không gian cho sự đổi mới sáng tạo. Việc lên kế hoạch cho các không gian thử nghiệm là cần thiết. Quy hoạch đô thị nói chung hay cụ thể hơn quy hoạch mạng lưới tương tác xã hội cần nhiều tương tác hơn và nghiên cứu nhiều hơn để có thể quản lý tốt không gian bị bỏ quên hay không gian phi lãnh thổ.
TS.KTS. Nguyễn Thị Thùy Vân
Trưởng Bộ môn Kiến trúc – Quy hoạch, Khoa Kiến trúc
Đại học Kiến trúc Đà Nẵng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 06-2022)
Tài liệu tham khảo:
1. Brown, S. and Lunt, P. 2002. A Genealogy of the Social Identity Tradition: Deleuze and Guattari and Social Psychology, British Journal of Social Psychology 41, pp. 1–23.
2. Bey, H. 1991. T.A.Z. The Temporary Autonomous Zone, Ontological Anarchy, Poetic Terrorism. New York
3. Helbrecht, I. 2004. Bare Geographies in Knowledge Societies – Creative Cities as Text and Piece of Art: Two Eyes, One Vision. In: Built Environment. Vol 30. Nr. 3. p. 191-200
4. Landry, Ch. 2006. The art of city making. London Lange, B. 2007. Die Räume der Kreativszenen. Cult
5. Lynch, K. 1991. Wasting Away. San Francisco
6. Sennett, R. 1970. The Uses of Disorder. Personal Identity and City Life. New York, London
The post Thành phố sáng tạo và những không gian bị lãng quên appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
Nhận xét