Là một đất nước theo truyền thống Phật giáo nên lối kiến trúc của Lào cũng mang đậm âm hưởng nhà Phật và được thể hiện mạnh mẽ qua các công trình đền, chùa, nhà ở, tháp…Kể từ sau khi trở thành thuộc địa của Pháp từ năm 1893-1953, kiến trúc Lào mới thực sự có nhiều thay đổi. Pháp muốn đánh dấu sự thống trị của mình lên đất nước Lào nên đã cho xây dựng nhiều công trình mang các yếu tố của kiến trúc Pháp như nhà ở, trường học, bệnh viện,… Kiến trúc công quyền tại Lào trong thời kỳ thuộc địa vẫn tạo ra những dấu ấn về di sản ở hầu hết các thị trấn và TP lớn của Lào như Vientiane, Luang Prabang, Savannakhet,… Bên cạnh đó, người Pháp đã tích hợp phong cách kiến trúc truyền thống Lào với phong cách kiến trúc đậm chất Pháp và chỉnh sửa các yếu tố kiến trúc trên công trình công quyền sao cho phù hợp với điều kiện tự nhiên và khí hậu. Sự kết hợp hài hòa này đã mang đến sự đặc trưng và giá trị cho các công trình công quyền trong thời kỳ Pháp thuộc. Đây cũng là giai đoạn đại diện cho sự tiến hóa quan trọng nhất trong lịch sử phát triển nền kiến trúc tại Lào.

Cung điện Hoàng gia, Luang Pha Băng

Với những phân tích về khái niệm công trình công quyền theo các văn bản lưu hành tại Pháp [1], có thể thấy, kiến trúc công quyền phổ biến tại Lào gồm 2 loại hình chủ đạo: Thứ nhất là công trình công quyền đa chức năng, vừa là nơi làm việc hành chính, vừa là nơi ở (dinh thống đốc); thứ 2 là công trình công quyền đơn năng với chức năng chính là làm việc hành chính và quản lý chính quyền (trụ sở tòa án, ngân hàng, kho bạc,…). Sự ảnh hưởng của phong cách kiến trúc thuộc địa Pháp mang âm hưởng hiện đại đã để lại nhiều công trình có giá trị tại nhiều TP lớn cho đất nước Lào và được bảo tồn cho đến tận ngày nay. Bên cạnh đó, thuộc tính đô thị tại Lào trong thời kỳ này cũng có nhiều thay đổi, người Pháp đã cho xây dựng các khu đô thị chiến lược chủ yếu nằm ở những khu vực ven sông Mê Kông, bởi đây là những vị trí thuận lợi cho giao thông. Các khu đô thị này nằm ở Vientiane, Luang Prabang, Thakkek, Savannakhet, Champasak và có quy mô tương đối nhỏ. Người Pháp xây dựng các khu đô thị này theo nhiều cách khác nhau nhằm phát huy hiệu quả cao nhất của việc chiếm đóng và khai thác thuộc địa như: thiết kế khu đô thị mới hoàn toàn trên một khu đất hoang (Champasack), xây dựng các công trình mới đan xen vào khu đô thị có sẵn (Savannakhet, Luang Prabang), hoặc khôi phục lại khu đô thị cổ (Vientiane)…

Tòa nhà mang kiến trúc thuộc địa tại Luang Pha Băng

Nhưng dù đô thị được tiến hành xây dựng theo hình thức nào, thì chúng vẫn được thiết kế trên những tuyến đường ô bàn cờ như quy hoạch chuẩn của phương Tây và các công trình công quyền lớn kiểu kiến trúc Pháp hoặc kiến trúc thuộc địa được đặt nằm sát ven đường chính, chủ yếu là những công trình mang tính nguyên bản tại chính quốc nhằm phục vụ cho những người Pháp đang thực hiện nhiệm vụ tại Lào.

Cũng như các nước thuộc địa khác của đế quốc, kiến trúc thuộc địa tại Lào là sự tiếp xúc về văn hóa, mang đến những tác động và ảnh hưởng khác nhau theo không gian và thời gian, tạo nên một dòng kiến trúc kết hợp giữa hai yếu tố bản địa và phương Tây. Kiến trúc thuộc địa tại Lào cũng trải qua hai giai đoạn cơ bản: Giai đoạn áp đặt và giai đoạn kết hợp. Trong giai đoạn áp đặt, dưới quyền cai trị của thực dân Pháp, chỉ có một số đô thị nằm ở vị trí chiến lược như đã bàn ở trên và các công trình kiến trúc công quyền theo kiểu Pháp có quy mô nhỏ đến trung bình được xây dựng nhưng chủ yếu là sao chép nguyên mẫu từ chính quốc để phục vụ người Pháp và tiến hành nhiệm vụ chủ chốt tại Lào. Hầu hết các công trình công quyền trong giai đoạn này mang tính thực dụng cao, lấy kỹ thuật xây dựng từ phương Tây và có tinh thần của chủ nghĩa công năng đơn giản, nghệ thuật truyền thống bản địa của Lào vốn không được xem trọng trong giai đoạn này. Sang đến giai đoạn kết hợp, nước Pháp mới bắt đầu tìm hiểu và nghiên cứu về các điều kiện bản địa cũng như khí hậu nhằm đưa ra các giải pháp để thay đổi kiến trúc nguyên mẫu sao cho phù hợp với điều kiện bản địa mới cũng như củng cố lại niềm tin của nhân dân Lào. Hay nói cách khác, để việc khai thác được lâu dài, kiến trúc thuộc địa tại Lào lúc này đóng vai trò thể hiện các chính sách hòa hợp và xem trọng hơn các yếu tố bản địa (hình 8).

Cụ thể, các công trình công quyền của Lào tập trung nhiều ở ba TP lớn như Luang Prabang ở Bắc Lào, Vientiane ở Trung Lào và Savannakhet ở Nam Lào. Không chỉ riêng ở Lào mà cả Việt Nam và Campuchia đều được người Pháp chú ý đến lưu lượng và tốc độ gió hàng năm đưa vào công trình để làm mát và làm khô thoáng các không gian bên trong do Đông Dương nằm trong vùng có độ ẩm khá cao, dễ gây ẩm mốc [7]. Các giải pháp thông gió tự nhiên cơ bản đối với các công trình công quyền tại Đông Dương chủ yếu là làm sao đón được lượng gió lớn nhất, đồng thời giảm thiểu vùng lặng gió. Điều này ảnh hưởng nhiều đến quy hoạch vị trí và hình dáng công trình công quyền…

Luang Prabang nằm ở khu vực có địa hình chủ yếu là đồi núi nên được người Pháp coi trọng các vấn đề về địa hình và cảnh quan của địa phương. Khí hậu ở đây gần giống với khí hậu của vùng trung du miền núi của Việt Nam, cũng gần giống với kiểu khí hậu của miền núi và miền Bắc nước Pháp nên kiến trúc công trình công quyền ở Luang Prabang mang nhiều nét giống với kiểu kiến trúc địa phương của Pháp. Các công trình công quyền tại Luang Prabang đề cao tận dụng địa hình địa thế tự nhiên, người Pháp đặc biệt chú ý đến cách quy hoạch mạng lưới đường giao thông trong sự chênh lệch giữa các đường đồng mức nên các công trình công quyền tại đây không hề làm ảnh hưởng đến cảnh quan của thiên nhiên. Luang Prabang có diện tích đất đai khá rộng rãi nên việc xây dựng các công trình công quyền theo các quy định được đặt ra trong đạo luật Cornudet cũng không gặp nhiều khó khăn. Các công trình công quyền có bố cục đều đảm bảo được khoảng cách quy hoạch giữa các ngôi nhà bản địa, giữa cây xanh, giữa địa hình của những ngọn núi nên cảnh quan nơi đây thực sự hài hòa và không làm xáo trộn cảnh quan tự nhiên.

Vientiane và Savannakhet tuy nằm ở vị trí Trung Lào và Nam Lào nhưng lại có địa hình tương đối giống nhau và giống với địa hình của miền Trung Việt Nam – Với diện tích đồng bằng chiếm đa số và ven chân núi hoặc bao quanh bởi các đỉnh núi cao, khí hậu của ba vùng cũng tương đối giống nhau. Nhưng chỉ khác một điều là miền Trung của Việt Nam nằm sát bờ biển nên chịu ảnh hưởng của những trận mưa bão mạnh mẽ và kéo dài, và khi bão di chuyển sang đến Trung Lào hay Nam Lào thì bão đã giảm dần hoặc gần như đã chuyển thành áp thấp nhiệt đới. Chính vì vậy khi người Pháp xây dựng công trình công quyền tại miền Trung Việt Nam thì chú trọng các giải pháp chống mưa chống bão, còn ở Vientiane và Savannakhet thì có các giải pháp tương tự để chống mưa to, gió lớn, kết cấu nhà rất chắc chắn. Công trình có độ dày càng lớn thì càng có sức cản được gió nên mặt bằng công trình rộng về bề ngang, có kích thước lớn, hình khối công trình có dạng hình chữ nhật dài. Mặt đứng hướng Đông và hướng Tây chịu nhiều bức xạ nhiệt của mặt trời, nhiệt độ không khí bên ngoài cao nên dạng hình khối này sẽ dễ dàng thực hiện các biện pháp thông gió tự nhiên.

Nhà sàn truyền thống (Champasak, Lào)
Nhà sàn truyền thống (Luang Prabang, Lào)

Về phong cách thiết kế, người Pháp bên cạnh kết hợp kiến trúc phương Tây và yếu tố kiến trúc bản địa, họ còn sử dụng lại các phong cách kiến trúc mà họ đã áp dụng tại Việt Nam. Ngoài ra, họ còn sử dụng các kỹ thuật xây dựng mới của Châu Âu và Trung Quốc. Đồng thời, họ lấy ý tưởng từ những ngôi đền truyền thống với các cấu trúc bằng gỗ lâu đời của Lào-vốn thích hợp với khí hậu ấm áp và ẩm ướt của Lào… Tất cả những điều trên sản sinh ra kiểu kiến trúc thuộc địa độc đáo chỉ được tìm thấy tại Lào [11]. Trong đó, những công trình có chức năng công quyền nằm giữa khu trung tâm và hài hòa giữa thiên nhiên, mang lại đặc trưng riêng cho các khu đô thị được quy hoạch bởi người Pháp.

Dựa vào các cấu kiện kiến trúc, kỹ thuật xây dựng, vật liệu xây dựng màu sắc và chi tiết của hoa văn, có thể phân chia các công trình công quyền tại Lào theo các phong cách thuộc địa chính theo từng giai đoạn như sau:

Phong cách kiểu trại lính: Hay còn gọi là phong cách kiến trúc thực dân tiền kỳ. Giai đoạn đầu của thời kỳ thuộc địa, người Pháp phải sống nhờ trong những ngôi nhà sàn của người dân bản địa và xây dựng một số ngôi nhà tạm để sinh sống trong một thời gian ngắn, sau đó người Pháp cần phải thiết lập nhanh cơ sở trú ngụ cho binh lính Pháp đóng quân tại Lào nên những công trình theo kiểu trại lính xuất hiện. Chính vì vậy những công trình kiểu này hết sức đơn giản, ít chú trọng về mặt thẩm mỹ, những chi tiết trang trí đầu cột hay diềm mái cầu kỳ vốn thấy ở kiến trúc cổ điển phương Tây gần như đã được tối giản mà chỉ khai thác một ít từ kiến trúc Phục Hưng như hàng con tiện hoặc đắp vữa tạp hình hoa lá. Hình thức các công trình công quyền kiểu trại lính hết sức đơn giản với mặt bằng hình chữ nhật, hàng hiên rộng chạy xung quanh nhà, mái dốc lợp ngói, tường xây bằng gạch chịu lực chống mái, cửa dạng vòm cuốn La Mã có viên đá khóa dùng để trang trí mặt tiền nhà hoặc mái pediment làm lối cửa chính, chiều cao công trình thường chỉ có 1 tầng.

Phong cách Tân Cổ Điển: Các công trình công quyền sẽ được sao chép nguyên bản từ các công trình ở chính quốc nhầm phô trương thế lực – mục đích chính của thực dân Pháp. Công trình thường có khung kết cấu của kiến trúc Pháp, có tường, cột và móng bằng gạch chịu lực, khu mái bằng gỗ và lợp ngói. Công trình vẫn sử dụng bố cục đối xứng nghiêm ngặt, cấu trúc hình học và tỷ lệ của kiến trúc cổ điển vẫn được tuân thủ. Tuy những công trình này có quy mô không lớn như những công trình khác được xây cùng thời ở Đông Dương nhưng chúng gây ấn tượng mạnh mẽ trong lịch sử và mô phỏng rõ ràng được hình thức kiến trúc Tân cổ điển trong giai đoạn này. Hình thức trang trí của những công trình công quyền mang phong cách Tân cổ điển này có thể sao chép nguyên bản từ chính quốc do tay nghề của đội ngũ nghệ nhân bản địa đã được nâng cao hoặc được đội ngũ nghệ nhân du nhập từ Việt Nam vốn đã dày dặn kinh nghiệm (hình 13)

Phong cách Đông Dương: Đạo luật Cornulet ra đời sau thế chiến thứ I nhằm quy hoạch lại các TP sau chiến tranh và định hình phong cách kiến trúc chung cho từng khu vực Đông Dương. Từ năm 1920, KTS Ernest Hébrard là người đã đề xướng ra phong cách kiến trúc Đông Dương-kiểu kiến trúc pha trộn giữa văn hóa kiến trúc phương Tây và phương Đông [6]. Phong cách này đa dạng với nhiều kiểu quy mô khác nhau, có sự pha trộn giữa kiến trúc Pháp với văn hóa kiến trúc Lào và đôi khi là pha trộn cả với văn hóa kiến trúc của cộng đồng Việt-Hoa [5] [2]. Những công trình dạng này thường chịu ảnh hưởng của ba yếu tố chủ chốt: Văn hóa bản địa của người Lào, tôn giáo tín ngưỡng, và văn hóa phương Tây. Hoa văn trang trí chi tiết có sự pha trộn giữa phương Tây và các yếu tố bản địa nhưng cấu trúc công trình vẫn sử dụng hệ kết cấu tường, cột, móng chịu lực của Pháp.

Hầu hết các công trình công quyền của Pháp tại Lào vẫn giữ đúng tinh thần chung của các nguyên tắc kiến trúc cổ điển phương Tây như cửa sổ bằng gỗ, mái ngói, tường dày đi kèm ban công, mái hiên…

Trong quá trình xây dựng các tòa nhà công quyền, người Pháp đã đưa vào các kỹ thuật và vật liệu xây dựng của Châu Âu. Tuy nhiên, vào thời kỳ chiến tranh thế giới thứ II, vận chuyển đá sang các nước thuộc địa rất khó khăn và khai thác và sử dụng đá tại thuộc địa cũng rất mất thời gian, chính vì vậy để đáp ứng tiến độ và tính thực dụng cho các công trình được xây dựng tại Lào cũng như các nước thuộc địa khác, người Pháp đã chọn vật liệu bằng gạch sẵn có ở địa phương [3]. Việc sử dụng gạch và đá trước đây ở châu Âu vốn dĩ chỉ được dùng cho nhà thờ và các công trình lớn thì các công trình công quyền tại Lào vào thời điểm đó đã được sử dụng gạch một cách rộng rãi. Do đó, có sự biến đổi từ những ngôi nhà truyền thống của Lào từ một cấu trúc được xây dựng bằng gỗ và tre sang những ngôi nhà làm bằng gỗ – vách đất, rồi đến gạch – gỗ hay gạch – vách đất, và cuối cùng là những công trình được làm từ gạch và thạch cao. Ngoài ra, các KTS người Pháp cũng sửa đổi các các thiết kế để phù hợp với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm thông qua việc bổ sung ban công, mái hiên và hành lang bên trong.

Trong các công trình truyền thống của Lào, kết cấu công trình chủ yếu là cấu trúc cột và dầm, tận dụng tối đa nguồn vật liệu địa phương như cột và dầm bằng gỗ, mái gỗ, tường tre, ngói bằng đất sét nung, trong đó phương pháp xây dựng chủ yếu vẫn theo kiểu truyền thống. Đến thời kỳ thuộc địa, các công trình công quyền có phương pháp thi công hiện đại hơn, đồng thời sử dụng hệ thống tường gạch, vật liệu xây dựng hiện đại hơn, pha trộn giữa kết cấu tường gạch, mái ngói đất sét và tường gạch thạch cao. Có sự chuyển đổi trong cấu trúc và vật liệu của kiến trúc truyền thống Lào sang kiến trúc thuộc địa này là do ảnh hưởng từ không gian linh hoạt trong không gian nhà truyền thống Lào, công trình có thể dễ dàng thay đổi không gian chức năng sử dụng để phù hợp với nhu cầu sử dụng của người dân, nên vật liệu gỗ với kiểu xây dựng truyền thống được chuyển đổi sang kiểu kết cấu cố định và bền hơn bằng các vật liệu như gạch, xi măng nhằm gia cố cho cấu trúc công trình (bảng 2).

Có thể lấy ví dụ bằng việc phân tích một số các giải pháp của hai công trình công quyền tiêu biểu tại Lào, để thấy rõ được các yếu tố tôn trọng bản địa đã được các KTS Pháp thực hiện rất tốt.

Tòa nhà Residence Superieure

Công trình Sở chỉ huy quân sự – Luang Prabang – Lào

Được xây dựng vào năm 1925 và hoàn thành vào năm 1926, trước đây là văn phòng của sở chỉ huy quân sự, hiện nay công trình đã được chuyển đổi chức năng thành Trung tâm hành chính Luang Prabang.

Công trình được xây dựng trên một khu đất tương đối bằng phẳng do KTS người Pháp – Veysseire thiết kế. Mặt đứng của công trình đơn giản theo phong cách Thuộc địa tiền kỳ với tổng thể đối xứng theo đúng nguyên tắc của kiến trúc Cổ điển [8]. Công trình này có 2 tầng với khối tích đơn giản nhưng dày và chắc chắn nằm theo hướng Bắc Nam để tránh tác động của gió bão, tác giả đã lưu ý đến hướng công trình sao cho phù hợp với khí hậu của Luang Prabang. Lối vào chính là các bậc thang lớn nằm ngay chính giữa công trình cùng với 2 ram dốc ở 2 bên và 2 lối tam cấp vào phụ nằm ở hai góc đầu hồi công trình. Các bước gian cách đều khoảng 4m, các phòng làm việc ở 2 tầng tương đối giống nhau và bám sát vào trục hành lang bên ở phía trước mặt tiền công trình.

Hệ thống cửa của công trình rất đáng chú ý. Tầng dưới không có hàng hiên chống nắng như kiểu thường thấy của kiến trúc thuộc địa mà là 1 loạt các cửa sổ cao 2,85m, nằm ngay tường ngoài. Tuy không có hàng hiên để tránh mưa và nắng nhưng các cửa sổ to lớn này cũng đóng vai trò giúp cho tầng dưới không bị chiếu nắng và vẫn thông thoáng nhờ vào hệ thống chớp cửa bên ngoài và lớp kính bên trong. Tầng trên là dãy hành lang bên cách một khoảng 1,75m rồi mới đến dãy phòng có cửa đi có chớp. Phía trên là hệ thống mái ngói 2 lớp chống nóng chống lạnh, vươn ra xa để tránh mưa hắt, phía dưới mái được đỡ bằng consol gỗ. Mái nhà tránh nắng thay cho ô văng chạy dọc suốt hành lang tầng trên. Buổi sáng, ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp từ hướng Đông nhưng mái nhà kết hợp với hành lang tầng trên này sẽ giúp tránh ánh nắng xuyên qua. Trên tầng hầm mái là một không gian rất thóang đãng có đủ ánh sáng và thoáng mát nhờ vào các cửa sổ mái hình tam giác rộng đáy 2 mét, cao 1,6m và một cửa sổ mái lớn nằm ngay chính giữa, tạo ra luồng gió đối lưu giữa trong và ngoài công trình, tạo cảm giác thóang đãng cho tầng hầm mái như các tầng ở dưới công trình. Độ dốc của mái là 320.

Nền móng của công trình là nền móng nông chịu lực kết hợp cuốn vòm gạch, để tránh thẩm thấu nước từ nền đất lên đồng thời truyền tải trọng từ tường xuống các trụ và cột chịu tải trọng chính. Nên tuy công trình không có tầng hầm nhưng tầng 1 vẫn chống ẩm tốt bởi cách xử lý trên. Bên cạnh còn có hệ thống tường chắn để tránh sạt lở đất. Tường chịu lực bằng gạch nung đảm bảo thích ứng với khí hậu hai mùa nóng lạnh ở Luang Prabang. Bên trong dầm và xà gồ làm bằng gỗ ngâm nước để tránh mối mọt.

Công trình cũng được bố trí lò sưởi tương tự như Nha Tài chính Đông Dương ở Hà Nội để chống lạnh vào mùa đông ở Luang Prabang và đồng thời giúp không khí trong công trình được lưu thông tốt.

Người Pháp đã khéo léo khi tạo ra một tầm nhìn thoáng đãng khi nhìn vào mặt tiền công trình. Cây cối được lựa chọn kỹ để phù hợp với không gian kiến trúc. Đặc biệt có hàng cây thông để tôn vẻ hòa hợp giữa công trình và cảnh quan núi rừng xung quanh Luang Prabang.

Sở chỉ huy quân sự – Luang Prabang – Lào

Công trình Dinh thống sứ Pháp- Luang Prabang- Lào:

Công trình được xây dựng vào năm 1923, trước đây là Dinh thống sứ Pháp nhưng hiện nay đã chuyển đổi chức năng thành Phòng quản lý giáo dục và đào tạo Luang Prabang.

Công trình được xây dựng ở khu đất cao, quay mặt về hướng Đông Nam, vừa có thể đón ánh sáng mặt trời, vừa hứng được lượng gió mát từ hướng Nam và tránh được gió nóng từ hướng Tây. Mặt bằng công trình với tất cả phòng ốc đều được thiết kế các cửa sổ đối diện nhau nhằm lấy gió mát xuyên phòng, tạo ra sự thông thoáng tuyệt đối. Hành lang bao quanh công trình rộng 2m để giúp thông thoáng, làm mát và tránh ánh nắng hắt trực tiếp từ bên ngoài, theo đúng kiểu thường thấy của kiến trúc thuộc địa Pháp. Kết cấu công trình vẫn được giữ nguyên như cũ. Dáng mái của công trình là kiểu dáng hai mái dốc cong lớn 35-60 độ nằm chồng lên nhau, được mô phỏng theo kiểu mái truyền thống của kiến trúc tôn giáo ở Lào. Hai đầu hồi mái có cửa sổ thông gió giúp thông thóang. Do kết cấu của mái có độ dốc cong và chồng mái nên giữa 2 lớp mái sẽ có các lỗ thông khí vô cùng thoáng mát và chiếu sáng tốt, đồng thời độ dốc của mái cao sẽ giúp cho công trình thoát nước mưa tốt không bị thấm nước mưa. Điều này đã được người Pháp vận dụng kinh nghiệm cũ xưa của kiến trúc truyền thống Lào trong việc xây dựng các công trình tôn giáo, vốn rất chú ý đến việc thông thóang đặc biệt là khói hương và thoát nước mái.

Công trình chủ yếu được làm bằng vật liệu rất dễ kiếm tại địa phương. Chẳng hạn như khung mái gồm trụ đội, xà dọc, xà ngang, vì kèo,… đều được làm bằng gỗ rất chắc chắn, mái lợp ngói và tường dày thì làm bằng gạch nung. Công trình được sơn màu vàng, cửa sổ xanh da trời, mái lợp ngói đỏ, hòa mình vào với cảnh sắc của thiên nhiên xung quanh. Do lượng mưa ở Luang Prabang khá cao nên người Pháp không dùng sê nô để thoát nước mưa mà chọn giải pháp thoát nước mái tự do bằng cách làm cho mái đưa ra một khoảng 0.5m. Chính vì thoát nước mưa tự do nên bậc thềm được nâng cao để tránh ẩm mốc do nước mưa và cũng giúp giảm hấp nhiệt từ mặt đất. Dãy cửa sổ bằng gỗ rộng 1m, cao1,5m thụt sâu vào bên trong tường 0,2m, có bệ cửa sổ được đắp nổi và vạt nghiêng bề mặt nhằm tránh tạt nước mưa vào trong, cửa sổ được thiết kế theo kiểu lá sách giúp che nắng mưa nhưng cũng đồng thời giúp thoáng khí rất hiệu quả. Dãy lan can gỗ dọc hành lang được lấy ý tưởng từ lan can của nhà sàn truyền thống Lào, cũng được làm từ gỗ ngâm nước để chống mối mọt. Được biết, cũng giống như kết cấu của mái, dãy lan can gỗ này vẫn còn chắc chắn và hầu như ít có dấu hiệu bị ăn mòn do thời tiết hay mối mọt.

Dinh thống sứ Pháp- Luang Prabang- Lào

Kết luận

Lào là một trong những nước có nền kiến trúc mang đậm dấu ấn thuộc địa của Pháp. Những yếu tố kiến trúc phương Tây đã in sâu trong tâm trí của người Pháp, đã được họ biến hóa, kết hợp một cách khéo léo trong những công trình truyền thống của Lào, để từ đó cho ra đời những công trình tiêu biểu là những công trình kiến trúc công quyền.

Giải pháp kỹ thuật trong các công trình công quyền đã được người Pháp đưa ra một cách thích hợp để thích nghi với tính chất phức tạp của nền đất tại Lào. Các biện pháp chống ẩm, chống lạnh, chống mưa tạt bằng các giải pháp dùng ô văng, ban công, mái hắt, hoa gió… tuy đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao. Kỹ thuật xử lý nước thải bằng mái dốc, sê nô giúp cho công trình luôn sạch sẽ, khô ráo mà không gây ngập úng cho nền móng. Đặc biệt là bộ mái với chức năng che nắng và làm mát không khí nóng cho tầng áp mái bằng giải pháp xây cao và có thêm cửa sổ mái cũng là đặc điểm khác biệt giữa kiến trúc thuộc địa ở Lào và chính quốc Pháp. Ngoài ra còn các biện pháp xử lý vi khí hậu bằng cây xanh, mặt nước, tạo khoảng không gian đệm giữa công trình và môi trường xung quanh cũng làm tăng khả năng thích ứng với khí hậu bản địa.

Nhiều công trình công quyền đã hơn trăm tuổi nhưng vẫn không có biểu hiện của sự lún hay nứt, có khả năng chống chọi tốt với điều kiện khí hậu ở các vùng miền khác nhau của Lào. Điều đó chứng tỏ, họ đã tính toán kỹ lưỡng và kết hợp hết sức linh động trong kỹ thuật xây dựng truyền thống bản địa và và kỹ thuật xây dựng mới từ chính quốc. Như trong nghiên cứu “A genealogy of tropical architecture” (tạm dịch: Phả hệ của kiến trúc nhiệt đới) của tác giả Jiat- Hwee Chang có nói: “Kiến trúc cổ điển phương Tây đã được người Pháp mang đến Đông Dương, những công trình do họ thiết kế và xây dựng đã được nghiên cứu với những tiêu chuẩn khắc khe và không ngạc nhiên khi chúng có thể trường tồn và thích nghi tốt tại các nước nhiệt đới trái ngược hoàn toàn với khí hậu Châu Âu, hay nói cách khác chính họ đã tạo ra phong cách kiến trúc thuộc địa mà chúng ta vẫn đang quan tâm đến tận ngày nay” [12].

ThS.KTS Ôn Ngọc Yến Nhi
TS.KTS Trương Thanh Hải
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 07-2022)


Tài liệu tham khảo
A. Tài liệu tiếng Việt
[1] Phan Thế Duy, Sự thay đổi hình thái kiến trúc trong các công trình công sở tại TP Hồ Chí Minh giai đoạn thuộc Pháp đến nay, luận văn, đại học kiến trúc TP Hồ Chí Minh, 2012.
[2] Khamphouphet Vanivon, “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc khu phố Pháp tại TP Savannakhet Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào”
[3] Trần Văn Khải, Lịch sử kiến trúc phương Tây, trường đại học kiến trúc TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh.
[4] Sengkham Phinith, Kiến trúc Lào, Tạp chí Kiến trúc, Số 140.
[5] Lê Minh Sơn, Kiến trúc Đông Dương, Nhà xuất bản Xây Dựng, 2010.
[6] Lê Thanh Sơn (1999), Kiến trúc và hiện tượng cộng sinh văn hóa, TP.Hồ Chí Minh.
[7] Nguyễn Đình Toàn, Những nhân tố tự nhiên và truyền thống văn hóa bản địa trong kiến trúc thời Pháp thuộc ở Việt Nam, Đại học kiến trúc Hà Nội, Hà Nội, 1998.
B. Tài liệu tiếng Anh
[8] Christof Thoenes and Bernd Evers (2006), Architectural Theory: From the Renaissance to the Present, Taschen Publishers.
[9] Marc Askew, William S. Logan and Colin Long, Vientiane: transformations of a Lao Landscape, Routledge Public, London & New York, 2007.
[10] Thanouphet Onmavong, Western architectural influences in Laos, luận văn, Đại học Chulalongkorn University, 2016.
[11] Xayaphone Vongvilay, “The Influence of French Colonial Rule on Lao Architecture with a focus on residential building”, Journal of Asian Architecture and building engineering, 2015.
[12] “A Genealogy of Tropical Architecture: Colonial networks, nature and technoscience”, Routledge London & New York, 2015.

The post Đặc điểm các công trình công quyền trong thời kỳ Pháp thuộc tại Lào appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.