Khán phòng hòa nhạc kiểu ruộng bậc thang đầu tiên là khán phòng hòa nhạc Berlin Philharmonie, được khởi công vào năm 1960 và khánh thành năm 1963. Khán phòng hòa nhạc kiểu ruộng bậc thang có kiến trúc độc đáo, không gian ấm cúng gần gũi và chất lượng âm học tốt nên khán phòng kiểu này ngày càng phổ biến hơn.

Sự ra đời của khán phòng hòa nhạc kiểu ruộng bậc thang đầu tiên

Khán phòng hòa nhạc cho các dàn nhạc giao hưởng hiện đại xuất hiện từ giữa thế kỷ thứ 19. Những khán phòng này có dạng hình hộp với các đặc điểm chung là trần cao (17-19 m), chiều rộng vừa phải (20-23 m) cùng với các ban công ngắn (2-6 m). Sức chứa của những khán phòng này cũng vừa phải. Dựa vào các tiêu chuẩn hiện đại, sức chứa trung bình vào khoảng 1,600 chỗ. Hình dáng và kích thước của các khán phòng này có chất lượng âm học tuyệt vời. Khán phòng Grosser Musikvereinssaal (1870) ở Viên (Áo), khán phònvg Concertgebouw (1888) ở Amsterdam (Hà Lan)… là những khán phòng được đánh giá là những khán phòng hòa nhạc có chất lượng âm học tốt nhất thế giới. [1]

Khán phòng hòa nhạc Concergebouw (Hà Lan) là khán phòng kiểu hình hộp cuối cùng của thế kỷ 19 được thiết kế bởi A.L. Van Gendt (1888). Khán phòng rộng 29 m, rộng nhất trong tất các khán phòng kiểu cổ điển này. Sân khấu được bao bọc bởi ghế khán giả mà trước đây là chỗ cho dàn đồng ca. Tường và trần với các gờ chỉ và chi tiết trang trí đã tạo sự khuếch tán âm thanh xuất sắc.

Sau thế kỷ 18 và 19, khán phòng kiểu hình quạt xuất hiện. Khán phòng hình quạt có sức chứa lớn hơn khán phòng kiểu hình hộp nhưng nó gặp phải các khuyết điểm về âm học. Một trong những khuyết điểm đó là hiện tượng hội tụ âm xảy ra ở gần sân khấu gây ra bởi mặt phẳng cong lõm của tường hậu.

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, các phòng hòa nhạc mới được xây dựng để thay thế cho những công trình cũ bị phá hủy bởi chiến tranh. Khán phòng hòa nhạc Berlin Philharmonie được thiết kế bởi KTS Scharoun (1893-1972) và chuyên gia âm học Lothar Cremer (1905-1990) là một thiết kế có tính đổi mới nhất.

Phối cảnh công trình khán phòng hòa nhạc Berlin Philharmonie, ảnh: Lombana [4]
Mặt cắt khán phòng hòa nhạc Berlin Philharmonie [3]
Ý tưởng thiết kế khán phòng hòa nhạc Berlin Philharmonic của Scharoun xuất phát từ mối quan hệ mới giữa sân khấu và khán giả của Blundell Jones (1978) cho rằng: “Mọi người luôn tập trung thành hình tròn khi nghe nhạc trong các không gian thân mật”. Khán phòng còn sở hữu thuộc tính hữu cơ trong kiến trúc công trình từ trong nội thất đến hình khối được thiết kế bởi Scharoun và sự chú trọng vào âm phản xạ sớm (20 – 80 mi li giây) được giải quyết bởi Cremer. Sau đó, người ta gọi khán phòng hòa nhạc kiểu này là khán phòng hòa nhạc kiểu ruộng bậc thang (terrace-style hall) bởi vì chỗ ngồi được chia thành từng khối như khối ruộng bậc thang, hay còn gọi là kiểu vườn nho (vineyard-style hall).

Khán phòng hòa nhạc Berlin Philhamonie khánh thành năm 1963 với thể tích là 21,000 m3 với sức chứa 2,218 chỗ ngồi, và trong đó có 120 chỗ cho dàn đồng ca. Khán phòng có chiều dài là 60 m và chiều rộng là 45 m. Khu vực khán giả chia làm 16 khối với 6 khối chỗ ngồi ở phía trước sân khấu (chiếm khoảng 55% tổng số chỗ), 8 khối chỗ ngồi ở hai bên trái, phải sân khấu và 2 khối chỗ ngồi ở phía sau sân khấu. Tại khu vực phía trên sân khấu, có 10 tấm phản xạ âm hình thang bằng nhựa treo trên sân khấu với độ cao từ 10 – 12 m với tổng diện tích là 75 m2 (xem hình 3). Chỉ số âm học hỗ trợ sớm ST1 tại khu vực sân khấu đo được là -16.8 dB. Phần trên của tường bên sân khấu được làm nghiêng xuống để cung cấp các âm phản xạ sớm đến dàn nhạc. Chỉ số âm học hỗ trợ sớm ST1 cho biết người biểu diễn cảm thấy hòa nhập như thế nào với bạn đồng diễn (cảm giác về nhịp, âm điệu của dàn nhạc, mức âm của từng nhạc cụ…), có liên quan đến lượng năng lượng âm phản xạ sớm đến sân khấu. [2]

Khán phòng hòa nhạc kiểu ruộng bậc thang có kiến trúc độc đáo, không gian ấm cúng gần gũi và chất lượng âm học tốt nên khán phòng kiểu này ngày càng phổ biến hơn.

Đặc điểm kiến trúc và âm học khán phòng hòa nhạc kiểu ruộng bậc thang

Khán phòng kiểu ruộng bậc thang thường có các đặc điểm sau. Các khối chỗ ngồi khán giả được bố trí xung quanh sân khấu, nhưng phần lớn chỗ ngồi vẫn là được bố trí phía trước sân khấu. Các bề mặt tường phía trước mỗi khối chỗ ngồi được thiết kế nghiêng xuống để phản xạ âm thanh tới các khối chỗ ngồi ở gần đó. Trần của khán phòng thường có dạng lều (xem Hình 2) và tường bên của khán phòng thường được làm nghiêng để phản xạ âm thanh đến các khối chỗ ngồi bố trí bên dưới. Với các khối chỗ ngồi ở hai bên sân khấu, khán phòng kiểu ruộng bậc thang thông thường rộng hơn khán phòng kiểu hình hộp và độ rộng khán phòng cũng có sự thay đổi đáng kể. Độ dốc sàn của loại khán phòng này cũng cao hơn so với kiểu khán phòng hình hộp do sự phân chia các khối khán giả (xem Hình 2). Hình khối thì khá là phức tạp bởi sự bố trí các khối chỗ ngồi và mặt bằng dạng hữu cơ .

Ưu điểm của khán phòng kiểu ruộng bậc thang là khoảng cách giữa người biểu diễn và khán giả được rút ngắn lại làm cho không gian biểu diễn ấm áp, gần gũi, và sức chứa cũng lớn hơn. Tuy nhiên, trong loại khán phòng này, vì các khối chỗ ngồi được bố trí xung quanh sân khấu và xếp chồng lên nhau như ruộng bậc thang nên khán phòng kiểu này gặp vấn đề phân bố năng lượng âm. Để giải quyết vấn đề này, các bề mặt tường trước mỗi khối chỗ ngồi, tường bên khán phòng được thiết kế nghiêng, kết hợp với trần dạng lều để hướng âm phản xạ thứ nhất đến khu vực khán giả bên dưới. Bên cạnh đó, vì khán giả ngồi xung quanh sân khấu nên dẫn đến thể tích khu vực sân khấu tăng lên, các bề mặt phản xạ xung quanh sân khấu bị giảm đi gây ảnh hưởng đến hỗ trợ sớm (ST1) ưa thích của các nhạc công khi đồng diễn. Chính vì vậy, phía trên sân khấu thường có treo các tấm hoặc tán phản xạ âm thanh và tường xung quanh sân khấu thường được thiết kế nghiêng xuống để cung cấp âm phản xạ sớm đến dàn nhạc.

Mặt bằng tầng 3 khán phòng hòa nhạc Berlin Philharmonie [3]

Sự phát triển nở rộ của khán phòng hòa nhạc kiểu ruộng bậc thang

Từ sự xuất hiện của khán phòng hòa nhạc Berlin Philharmonie năm 1963, càng ngày càng có nhiều khán phòng hòa nhạc loại này xuất hiện ở khắp nơi trên thế giới. Năm 2004, cuốn sách “Khán phòng hòa nhạc và nhà hát opera” của tác giả Leo Beranek được cập nhật và tái bản lần thứ 2 với các lý thuyết về âm học kiến trúc cùng bản vẽ kiến trúc khán phòng, kết quả đo đạt chất lượng âm học và khảo sát từ phía các ca sĩ, các nhạc công, các nhạc trưởng để đưa ra 100 công trình khán phòng hòa nhạc và nhà hát opera được đánh giá có chất lượng âm học tốt nhất trên thế giới. Theo cuốn sách này thì từ năm 1963 đến năm 2000, có 20 khán phòng khòa nhạc kiểu ruộng bậc thang có quy mô trên 1200 chỗ được đánh giá có chất lượng âm học tốt nhất đã được xây dựng ở khắp nơi trên thế giới.

Từ năm 2000 đến nay (khoảng 20 năm), trong một khoảng thời gian ngắn, khán phòng kiểu ruộng bậc thang đã giành được sự thống trị hoàn toàn trong lĩnh vực thiết kế khán phòng hòa nhạc. Có thể thấy, các KTS tên tuổi hay các hãng tư vấn kiến trúc tên tuổi cùng với những công ty tư vấn âm học uy tín đã kết hợp với nhau để thiết kế những khán phòng hòa nhạc và thể loại được lựa chọn hầu hết đều là khán phòng hòa nhạc kiểu ruộng bậc thang. Công ty tư vấn âm học Nagata Acoustics đã khẳng định được vị trí hàng đầu của mình trong lĩnh vực này. Riêng từ năm 2000 đến 2021, Nagata Acoustics đã tư vấn cho 14 công trình, Marshall Day đã tư vấn cho 4 công trình khán phòng hòa nhạc kiểu ruộng bậc thang có quy mô trên 1,200 chỗ.

Bảng 1: Bảng tổng hợp các khán phòng hòa nhạc kiểu ruộng bậc thang tiêu biểu với quy mô từ 1200 chỗ được đánh giá có chất lượng âm học tốt nhất từ năm 1963 đến năm 2000

Một vài công trình khán phòng hòa nhạc tiêu biểu kiểu ruộng bậc thang trong được thiết kế từ năm 2000 đến nay có thể kể đến như sau: Đầu tiên là phải kể đến khán phòng hòa nhạc Walt Disney (2003), được thiết kế bởi KTS Frank O. Gehry và tư vấn âm học bởi công ty Nagata Acoustics. Kế tiếp phải kể đến khán phòng Danish Radio (2009) được thiết kế bởi KTS Jean Nouvel, tư vấn âm học là công ty Nagata Acoustics. Kế tiếp, vẫn là một thiết kế của KTS Jean Nouvel, khán phòng hòa Philharmonie de Paris (2015), nơi có không gian nội thất ấn tượng cùng một trường âm khuếch tán được tư vấn âm học bởi công ty âm học Marshall Day và Nagata Acoustics (xem Hình 5). Gần đây, phải kể đến khán phòng hòa nhạc Elbphilharmonie ở Hamburg (2017) được thiết kế kiến trúc bởi công ty Herzog & de Meuron và tư vấn âm học bởi Nagata Acoustics (xem Hình 6).

Tất cả những thiết kế kể trên đều thỏa mãn mọi khán giả, từ mỗi chỗ ngồi đều có thể thưởng thức âm nhạc tuyệt vời và đó cũng là cách mà khán phòng hòa nhạc kiểu ruộng bậc thang đã phát triển nở rộ trong 60 qua. Tác giả cũng hy vọng, trong tương lai không xa, chúng ta cũng sẽ có một công trình khán phòng hòa nhạc kiểu ruộng bậc thang quy mô và chất lượng đáp ứng sự mong mỏi của các dàn nhạc giao hưởng và của những người yêu hòa nhạc tại Việt Nam.

Nội thất khán phòng hòa Philharmonie de Paris, ảnh: Forgemind ArchiMedia [6]

ThS. KTS. Phan Ánh Nguyên
Khoa Kiến trúc – trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 07-2022)


Tài liệu tham khảo
[1] M. Barron, “Auditorium Acoustics and Architectural Design,” London, Taylor & Francis, 2009.
[2] A. T. Nguyễn and Á. N. Phan, in Giáo trình Âm học Kiến trúc: Lịch sử, phương pháp tính toán, thiết kế, ứng dụng, Hà Nội, Nhà xuất bản xây dựng, 2018, p. 119.
[3] L. Beranek, “Concert halls and Opera houses,” New York, Springer, 2004.
[4] Lombana, “wikimedia commons,” [Online]. Available: https://ift.tt/KSZETdC. [Accessed 5 5 2022].
[5] trevor.patt, “flickr,” [Online]. Available: https://ift.tt/8wslSqu. [Accessed 5 5 2022].
[6] F. ArchiMedia, “Flickr,” [Online]. Available: https://ift.tt/IOCr2Zz. [Accessed 7 5 2022].
[7] A. Svensson, “Flickr,” [Online]. Available: https://ift.tt/DYgmUuQ. [Accessed 8 5 2022].

The post 60 năm lịch sử khán phòng hòa nhạc kiểu ruộng bậc thang và các công trình tiêu biểu appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.