Ngày 25/12/2021 vừa qua, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội Viettel đã ra quyết định phê duyệt kết quả Thi tuyển phương án quy hoạch kiến trúc Dự án Toà nhà Viettel Thăng Long, với giải Nhất thuộc vềLiên danh NikkenSeikei Ltd và CDC. 

Được phát động từ ngày 12/1/2022, với hình thức thi tuyển rộng rãi, dành cho các tổ chức tư vấn thiết kế, cá nhân trong nước và quốc tế. Cuộc thi nhằm lựa chọn phương án thiết kế quy hoạch kiến trúc tối ưu nhất, làm căn cứ triển khai các bước tiếp theo của Dự án Toà nhà Viettel Thăng Long – Hướng đến xây dựng một công trình kiến trúc đẹp, bền vững, thân thiện với môi trường, hiện đại, phù hợp với các tiêu chuẩn tiên tiến của Việt Nam và quốc tế, hiệu quả trong đầu tư, vận hành và bảo trì.

Sau gần 1 tháng phát động, đến ngày 10/2/2022, ban tổ chức đã nhận được hồ sơ dự thi của 22 đơn vị dự thi, trong đó tổng số đơn vị dự thi tham dự sơ tuyển sau khi kiểm tra đáp ứng các điều kiện theo Quy chế thi tuyển là 19 đơn vị dự thi. Sau khi tổng hợp ý kiến đánh giá từ Hội đồng thi tuyển, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội đã chọn lựa ra 10 đơn vị dự thi, vượt qua vòng sơ tuyển, tham dự vòng thi tuyển phương án quy hoạch, kiến trúc công trình dự án: Toà nhà Viettel Thăng Long. Và đến ngày 14/5/2022, Ban tổ chức đã nhận được 7 phương án thi tuyển đến từ 7/10 đơn vị vượt qua sơ tuyển.

Ngày 20/05/2022, Hội đồng Thi tuyển đã nghe đơn vị tư vấn trình bày phương án dự thi; đặt câu hỏi thảo luận cùng đơn vị tư vấn; bỏ phiếu lựa chọn phương án vào vòng đánh giá; bỏ phiếu lựa chọn phương án trao giải. Trên tinh thần công tâm, minh bạch, dân chủ, thẳng thắn để đánh giá khách quan, kỹ lưỡng, chuyên sâu và nghiêm túc các phương án dự thi, Hội đồng đã chọn ra Giải Nhất thuộc về Liên danh NikkenSeikei Ltd và CDC và Giải Nhì thuộc về Liên danh gmp International GmhH – Tổng Công ty tư vấn Xây dựng Việt Nam – CTCP.

Các phương án đạt giải:

Phương án Giải Nhất của Liên danh NikkenSeikei Ltd và CDC

Phương án lấy cảm hứng từ biểu tượng chữ V huyền thoại. Từ hình ảnh đám mây gợi lên nét đặc thù của ngành viễn thông, công nghệ số, nhóm tác giả muốn tạo dựng một Viettel Thăng Long mà ở đó văn hóa Đông – Tây, triết lý Ngũ hành được kết hợp. Nơi khởi đầu với 5 chữ V ghép lại, phát triển đa dạng theo các hướng khác nhau, bay cao và bay xa nhưng vẫn gắn kết chặt chẽ với phần lõi kết thừa bản chất, truyền thống và giá trị cốt lõi của tập đoàn.

Ý tưởng của phương án là tạo gắn kết hữu cơ giữa cảnh quan và tòa nhà thông qua mặt bằng, mượn các đường đồng mức, dải cây xanh phía Nam khu đất và dòng sông để tổ hợp, định vị không gian, các sân trong và lỗ mở khu vực lõi. Các block được thiết lập theo hướng quay lưng lại mới mặt trời để giảm thiểu sự tăng nhiệt và tận dụng hướng gió. Bố cục cánh có tác dụng tránh tầm nhìn trực diện với tòa nhà xung quanh, tạo nên đặc trưng của khu đất.

Phương án Giải Nhì của Liên danh gmp International GmhH – Tổng Công ty tư vấn Xây dựng Việt Nam – CTCP

Phương án được thiết kế dưới dạng tổng thể liền khối từ 3 khối trụ độc lập, thon dần từ trên xuống dưới, tạo thành 3 đỉnh của một tam giác đều. Các khối trụ này được liên kết ở tầng trệt công trình, tạo thành biểu tượng chữ V và kết nối với nhau ở các tầng trên đó (từ tầng 4 trở lên) bằng hệ thống hành lang uốn lượn mềm mại, bao quanh công trình. Phần trên của khối trụ sẽ tạo ra hệ thống sân thượng mở, rộng rãi với các quy mô khác nhau, tùy theo mục đích sử dụng.

Công trình đặc biệt có sự khác biệt ở thiết kế mặt đứng công trình bố trí ở lớp thứ hai, là phần lõm vào và hình thành vườn mái cho các tầng. Mặt đứng công trình thiết kế lắp kính, lùi sâu khoảng 2,5m so với mặt ngoài. Bố trí giao thông theo dạng ban công mở, nằm ở mặt trước văn phòng làm việc. Màu xanh của vườn trên mái trải dài xuyên suốt công trình, đan xen lẫn nhau trong toàn khuôn viên dự án.

© Tạp chí kiến trúc

 

 

The post Kết quả Thi tuyển phương án quy hoạch kiến trúc Dự án Toà nhà Viettel Thăng Long appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.