Khi những giàn giáo cuối cùng được hạ xuống, cho thấy sự hoàn thành của quá trình tu bổ, người dân thành phố lại được chiêm ngưỡng toàn bộ di sản kiến trúc tuyệt đẹp – Tòa án nhân dân TP HCM. Giữa lúc vấn đề bảo tồn di sản kiến trúc – đô thị vẫn đang tìm lời giải, câu chuyện bảo tồn Tòa án nhân dân TP HCM là một ví dụ có thể làm thay đổi nhận thức về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong bối cảnh đô thị phát triển.

Hình 1- Tòa án nhân dân TPHCM sau khi trùng tu (Nguồn: Tác giả)

Trụ sở Tòa án nhân dân TP HCM (TAND TPHCM) là một trong những di sản kiến trúc Pháp tiêu biểu tại TP HCM, có giá trị về mặt kiến trúc, nghệ thuật, lịch sử. Công trình nguyên gốc được khởi công xây dựng từ năm 1881 đến năm 1885. Đến nay, TAND TPHCM đã có tuổi đời hơn 135 năm, trải qua nhiều lần tu bổ, sửa đổi về tên gọi và chủ thể, gắn với lịch sử của TP.

TAND TPHCM (trước là Tòa Đại hình Sài Gòn) là công trình tiêu biểu cho kiến trúc thực dân giai đoạn đầu thế kỷ 19. Công trình được thiết kế theo những chuẩn mực của kiến trúc phương Tây nhưng có những biến đổi để phù hợp với môi trường khí hậu bản địa. Chính các yếu tố bản địa đã tạo nên nét độc đáo của công trình khi so sánh với các tòa nhà Tân cổ điển ở chính nước Pháp. Sự kết hợp Đông – Tây thể hiện trong thiết kế tổng thể của công trình. Bố cục đăng đối, các khối nhà (theo trình tự thủ tục tố tụng) đối xứng qua trục chính khu đất thể hiện tính chuẩn mực của kiến trúc cổ điển. Khoảng lùi phía mặt tiền tạo khoảng cách để cảm nhận chi tiết kiến trúc và tăng thêm sự uy nghiêm cho Tòa án.

Hình 2- Bố cục tổng mặt bằng – Nguồn: Tác giả

Tính thích ứng với khí hậu thể hiện rõ nét qua các không gian đệm trong công trình. Bao quanh công trình là hệ thống hành lang tạo không gian đệm, giảm ánh nắng, mưa hắt trực tiếp vào phòng. Giữa các phòng làm việc đều có phòng đệm và hai lớp cửa đi. Tầng hầm có tác dụng cách ẩm, cách nhiệt, thích nghi với khí hậu bản địa. Khu vệ sinh và nút thang ở hướng xấu Đông-Tây.

Các quy luật của kiến trúc cổ điển đặt áp dụng trên mặt đứng: Đối xứng tuyệt đối thể hiện sự uy nghiêm của tòa án. Mặt đứng chính chia thành 5 đoạn (còn gọi là ngũ đoạn luật), trong đó nhấn mạnh khối trung tâm, hai khối đầu hồi nhô ra tương ứng các diện đặc-rỗng-đặc-rỗng-đặc. Phương vị ngang áp dụng nguyên tắc dưới nặng, trên nhẹ: Tầng trệt nặng, đặc ứng với kết cấu cuốn vòm, tầng lầu nhẹ, rỗng với thức cột đỡ mái, lan can dưới cửa. Các bộ phận đều theo tỷ lệ bán kính đáy cột rất chuẩn xác, đạt tính thẩm mỹ cao.

Nghệ thuật điêu khắc cho thấy sự pha trộn phong cách Barocco, Roccoco và hình tượng văn hóa bản địa. Các hoa văn trang trí phong phú, cầu kỳ, thể hiện nội dung pháp luật: Đầu sư tử, cán cân công lý, sách luật… với độ tinh xảo cao. Hình ảnh của người bản địa, với trang phục truyền thống, các chi tiết trang trí tượng trưng cho các nước Đông Dương: Tàu lá chuối và bụi môn (Việt Nam), cành cọ (Campuchia) được kết hợp hài hòa theo tinh thần chiết trung. [1]

Các nguyên tắc bảo tồn và trùng tu di tích TAND TPHCM

Trước khi tiến hành tu bổ, từ năm 2006, các khảo sát hiện trạng, nghiên cứu kiến trúc, lịch sử xây dựng di tích TAND TPHCM đã được thực hiện.

Quyết định về phục hồi dựa trên những căn cứ xác thực: Trên cơ sở thiết kế gốc năm 1885 và bản vẽ đạc họa, ảnh chụp, nguyên mẫu tương tự; Không phục hồi các tác phẩm mỹ thuật như tranh tường, tác phẩm điêu khắc bị mất khi không có đủ cứ liệu xác thực.[4]

Sử dụng các vật liệu, chất liệu truyền thống như gỗ (hệ kết cấu mái, hệ thống cửa), đất nung (ngói, gạch) các quy trình kỹ thuật thi công truyền thống. Các viên ngói, gạch lát nền thay thế, bổ sung phù hợp và hài hòa với thành phần nguyên gốc còn lại.

Hình 3- Mặt bằng tầng trệt – Nguồn: Tác giả

Các giải pháp tu bổ di tích TAND TPHCM

Đảm bảo sự tồn tại lâu dài của công trình TAND trước tác động của thời gian qua việc gia cố kết cấu khối xây, phục hồi, sửa chữa kết cấu mái.

Loại bỏ các lớp bổ sung gây ảnh hưởng xấu tới giá trị kiến trúc TAND: Phá dỡ các vách ngăn làm giảm sự thông thoáng của hành lang, tróc các lớp sơn phủ làm giảm giá trị thẩm mỹ bề mặt, phù điêu.

Phục chế lại một cách chính xác những bộ phận đã bị thay đổi như cửa đi, cửa sổ, trả lại cho mặt đứng giá trị thẩm mỹ; phục hồi các mảng bị mất mát, hư hỏng như ngói mái, gạch, đá lát nền, trả lại bề mặt hoàn thiện.

Hình 4- Tỷ lệ mặt đứng (Nguồn: Tác giả)

Một số cửa, thang không theo nguyên gốc vẫn được giữ lại và sửa chữa để đáp ứng yêu cầu sử dụng, yêu cầu PCCC. Điều này thể hiện sự vận dụng linh hoạt tính nguyên gốc với công trình di sản đang được sử dụng. [2]

Để phát huy giá trị của Di sản kiến trúc – một mặt tất yếu của bảo tồn, Tòa án cần mở cửa cho công chúng có cơ hội chiêm ngưỡng kiến trúc và chứng kiến các hoạt động bảo tồn di tích, từ đó nâng cao nhận thức về di sản. [3] Hoạt động tham quan tòa án được tổ chức tách biệt với dây chuyền công năng xét xử và làm việc của tòa án. Nhằm đảm bảo tính nghiêm túc cho chức năng xử án, khu vực tham quan giới hạn trong những không gian công cộng của tòa nhà gồm: Sảnh tầng trệt, sảnh tầng lầu và phần trung tâm của tầng hầm.

Bảng 1- Các chi tiết trang trí – Nguồn: KTS Cao Thành Nghiệp
Sơ đồ 1-Tính nguyên gốc và các nguyên tắc tu bổ phục hồi di tích. Nguồn: Tác giả
Bảng 2 – Kết quả tu bổ phục hồi (Nguồn: Dự án tu bổ, phục hồi trụ sở TAND TPHCM)

Bảo tồn môi trường đô thị xung quanh di sản

Công tác bảo tồn Di sản kiến trúc TAND TPHCM cần bắt đầu từ việc khoanh vùng bảo vệ di sản và quy định chiều cao công trình xung quanh di sản.

Áp dụng phương thức bảo tồn trên cơ sở kiểm soát vùng không gian và chiều cao nhằm tránh sự xung đột, lấn át di sản, xác định phạm vi 3 vùng không gian bảo tồn DSKT TAND TPHCM:

  • Không gian đệm: Khoảng không gian giữa đối tượng bảo tồn và kiến trúc xung quanh, không gian đảm bảo các yêu cầu tầm nhìn, chiếu sáng, thông thoáng…;
  • Không gian chuyển tiếp: Khoảng không gian cần cho sự chuyển tiếp hài hòa giữa di sản và môi trường kiến trúc đô thị;
  • Không gian ảnh hưởng: Không gian đô thị nằm ngoài bán kính của không gian chuyển tiếp nhưng có ảnh hưởng đến vùng bảo vệ. [5]

Từ mặt cắt tia nhìn có thể xác định được chiều cao khống chế cho các công trình xung quanh nhằm tránh làm che khuất hay tương phản với di sản:

Có thể thấy khu phức hợp 20 tầng (5) đang xây dựng với chiều cao 80m nằm trong không gian chuyển tiếp sẽ gây áp chế di sản, ảnh hưởng tới sự cảm nhận không gian, phá hỏng cảnh quan khu vực lịch sử.

Hình 7- Sơ đồ tham quan tầng hầm. -Nguồn: Tác giả

Kết luận

Đi sâu vào tìm hiểu công tác trùng tu TAND TPHCM, mới thấy được những yêu cầu khắt khe và tâm huyết của người làm bảo tồn di sản: Trên cơ sở khoa học và căn cứ xác thực, TAND TPHCM đã bảo tồn được những đặc điểm, giá trị vốn có của di tích – một công trình kiến trúc phương Tây có sự giao thoa văn hóa và mang tính biểu tượng cao.

Qua ví dụ này, có thể rút ra bài học cho bảo tồn di sản kiến trúc trong đô thị: Cần phải áp dụng phương pháp trùng tu từng phần để giữ lại tối đa yếu tố nguyên gốc và đảm bảo cho sự tồn tại của di tích; đồng thời phát huy vai trò văn hóa trong cuộc sống đương đại bằng việc giới thiệu di sản đến công chúng.

Hơn nữa, bảo tồn một Di sản kiến trúc không chỉ đảm bảo cho sự tồn tại của di sản mà còn phải gìn giữ không gian đô thị xung quanh di sản, đây chính là bảo vệ “môi trường sống” của di sản, cũng là duy trì bản sắc của đô thị.

Hình 5- Khoanh vùng bảo vệ di sản TAND TPHCM. Nguồn: Tác giả
Hình 6- Khống chế chiều cao trong vùng bảo vệ di sản. Nguồn: Tác giả

ThS.KTS Phan Thị Diệu Hằng
Bộ môn Xây dựng – Trường Đại học Quy Nhơn
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 07-2022)


Tài liệu tham khảo:
1) Cao Thành Nghiệp, “Nghĩ về một tổng thể di sản tuyệt đẹp”, Báo Tuổi trẻ ngày 26/05/2018;
2) Công ty kiến trúc An Duy Thái (2009), Thuyết minh dự án tu bổ bảo tồn trụ sở TAND TP HCM;
3) Nguyên Hạnh Nguyên (2019), “Bảo tồn tối đa tính nguyên gốc: Cách ứng xử đúng nhất với di sản”, Tạp chí Kiến trúc số 06;
4) Nguyễn Khởi (2002), Bảo tồn và trùng tu các di tích kiến trúc, Nhà xuất bản xây dựng, TP HCM;
5) Cao Anh Tuấn (2009), Bảo tồn và phát triển giá trị di sản kiến trúc tại TPHCM trong tiến trình phát triển – Luận án tiến sĩ.

The post Kinh nghiệm bảo tồn di sản từ công trình tòa án nhân dân TP HCM appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.