Phật giáo khởi nguồn từ Ấn Độ, sau đó được lan truyền đi khắp thế giới. Ở phương Đông, Phật giáo rất thịnh hành ở Trung Quốc và Nhật Bản, tại hai quốc gia này nghệ thuật kiến trúc Chùa rất phát triển và định hình được phong cách chung, trong đó nghệ thuật thiết kế sân vườn cảnh quan Chùa cũng có những triết lý và đặc trưng riêng. Thông qua nghiên cứu đặc trưng tổng thể bố cục cảnh quan Chùa của hai quốc gia này giúp chúng ta nhận rõ những yếu tố về văn hóa xã hội, triết lý Phật giáo, tư tưởng nghệ thuật đã ảnh hưởng đến những thủ pháp tạo cảnh và hình thành nên bản sắc nghệ thuật cảnh quan sân vườn Chùa.
Đặc trưng kiến trúc cảnh quan sân vườn Chùa Trung Quốc
1. Giới thiệu chung
Phật giáo và Đạo giáo là hai tôn giáo chủ yếu của Trung Quốc cổ đại, hai tôn giáo này có mối quan hệ chặt chẽ và có tầm ảnh hưởng lẫn nhau, sự kết hợp của Phật giáo và Đạo giáo có ảnh hưởng rất lớn đến kiến trúc Chùa, Đền và Miếu. Hình thức kiến trúc Chùa Trung Quốc bắt nguồn từ quá trình phát triển của kiến trúc truyền thống. Các hình thức kiến trúc Chùa, Đền, Từ Đường, kiến trúc cảnh quan đều sử dụng hệ kết cấu gỗ nên kiến trúc Chùa Phật (Phật giáo) và Đạo Quán (Đạo giáo) đều có tính nhất quán cao.
Quan niệm “Thiên đường – địa ngục” đóng vai trò hạt nhân trong tất cả các tư tưởng tôn giáo, chính vì vậy ở Trung Quốc nghệ thuật thiết kế sân vườn đã được sử dụng như một thủ pháp quan trọng để miêu tả và khắc họa “Thiên đường” , ngoài mục đích tôn giáo, cảnh quan sân vườn đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút tín đồ, ngoài ra còn có các nhân tố khác thúc đẩy quá trình phát triển của nghệ thuật cảnh quan sân vườn Chùa, bao gồm:
- Sự ủng hộ và đảm bảo của giai cấp thống trị;
- Sự tham gia của tầng lớp văn nhân, thi sĩ, trí thức khoa bảng, góp phần nâng cao giá trị nghệ thuật tạo cảnh của cảnh quan sân vườn.
2. Đặc trưng kiến trúc cảnh quan
- Công năng và hình thức của khu vườn nhấn mạnh đặc trưng tôn giáo và thưởng ngoạn;
- Vị trí đắc địa và cảnh quan tự nhiên phong phú;
- Sân vườn có không gian rộng lớn và cấu trúc không gian đa dạng, phong phú.
a) Cảnh quan chùa và cảnh quan tự nhiên
- Vai trò của cảnh quan tự nhiên và tầm quan trọng của việc lựa chọn địa điểm xây dựng Chùa.
Việc chọn địa điểm đầu tiên cần đảm bảo là nơi có đủ điều kiện sống tối thiểu, ưu tiên gần nguồn nước, là nơi có nhiều cây gỗ tốt để đảm bảo nguồn cung ứng nguyên vật liệu, vị trí có hướng nắng và thông gió tốt, đảm bảo điều kiện vi khí hậu, có địa thế cao, tránh được lũ quét và sạt lở, vị trí dù ở trong thâm sơn cùng cốc nhưng cũng phải đảm bảo giao thông thuận tiện, kết nối được với các khu vực đông dân cư để dễ dàng cho các tín đồ hành hương và việc cung ứng lương thực.
Ngoài ra các công việc “hương hỏa” khác của nhà Chùa đều dựa vào các tín đồ, du khách thập phương đến chùa bái Phật và vãn cảnh, vị trí Chùa ở nơi danh lam thắng cảnh, có phong cảnh tự nhiên đẹp là nhân tố quan trọng để kiến tạo cảnh quan.
- Các loại hình địa điểm và đặc trưng tạo cảnh
- Đỉnh núi: Đặc trưng là nhấn mạnh địa thế hiểm yếu, làm nổi bật đường chân trời.
- Sườn núi – thung lũng: Đặc trưng là tận dụng địa thế, chú trọng thủ pháp mượn cảnh (tập trung khai thác cảnh quan bên ngoài khuôn viên).
- Mặt nước: Đặc trưng là công trình kiến trúc bố trí thuận theo dòng nước, hình thành bố cục kiểu tuyến, hoặc kiến trúc được bố trí xung quanh ao, đầm, hình thành kiểu bố cục bao vây.
- Mép vực: Đặc trưng là làm nổi bật địa thế chênh vênh, nguy hiểm, tập trung nhấn mạnh những góc nhìn xuống cảnh quan kỳ vĩ bên dưới.
- Hang động: Đặc trưng là tập trung giải quyết mối quan hệ hài hòa giữa không gian hang động và chủ thể kiến trúc, đưa cảnh quan tự nhiên của hang động vào trong lưu tuyến của khách tham quan, nhằm mục đích để kiến trúc và cảnh quan hòa nhập thành một thể thống nhất;
- Địa hình hỗn hợp: Đặc trưng là sân vườn Chùa có quy mô lớn và địa hình phức tạp như gò, đồi, núi, khe, sông, suối… Thủ pháp thiết kế chung là triệt để tận dụng các đặc trưng của địa hình, phân chia thành các không gian với công năng và tính chất khác nhau, xác lập rõ vị trí và vai trò quan trọng của cảnh quan trung tâm, lấy cảnh quan trung tâm khống chế toàn cục, chú trọng mối quan hệ lập thể giữa giao thông và cảnh quan.
b) Cảnh quan hóa không gian kiến trúc Chùa
- Cảnh quan hóa bố cục quần thể kiến trúc bao gồm các hình thức tổ hợp sau: Sân trong, hành lang (nhà cầu), giếng trời, hình chữ chi, bố cục phân tán. Không gian kiến trúc cảnh quan Chùa thông qua các phương thức tổ hợp này, kiến tạo ra thiên biến vạn hóa các hình thức bố cục cảnh quan sân vườn.
- Cảnh quan hóa kiến trúc công trình đơn lẻ: Đặc trưng là sử dụng các thủ pháp xử lý không gian như thẩm thấu, liên kết không gian… để xóa nhòa tính chất khép kín, buồn tẻ, cô lập của không gian tôn giáo và để các không gian nội ngoại thất được kết nối và liên thông với nhau, gia tăng hiệu ứng cảnh quan hóa không gian kiến trúc. Ngoài ra cần tăng tính lưu động và tính liên kết của không gian, trong sân vườn cảnh quan Chùa, cần có những giải pháp xâu chuỗi những cá thể không gian độc lập như hành lang, tường, giếng trời, sân trong… với mục đích liên kết các không gian. Tính lưu động của không gian, lưu tuyến giao thông và sự thay đổi của góc nhìn thị giác luôn có mối liên kết chặt chẽ với nhau.
- Cảnh quan hóa không gian môi trường tự nhiên: Cảnh quan sân vườn chùa, ngoài chú trọng cảnh quan của quần thể kiến trúc, cảnh quan công trình kiến trúc đơn lẻ thì cần chú trọng cảnh quan môi trường tự nhiên xung quanh, mục đích là để nghệ thuật cảnh quan vượt qua giới hạn của khuôn viên khu đất, kiến tạo môi trường cảnh quan bên ngoài khuôn viên vườn. Cảnh quan hóa không gian môi trường tự nhiên chú trọng mối quan hệ giữa lưu tuyến tham quan của du khách với các điểm nhấn cảnh quan tự nhiên, mục đích là biến con đường hành hương bái Phật thành phần mở đầu, dẫn nhập của cảnh quan và biến khung cảnh tự nhiên xung quanh chùa thành không gian cảnh quan.
c) Các thủ pháp tương phản trong tạo cảnh
- Nhân tạo và tự nhiên: Khéo léo tận dụng địa thế cao thấp để làm nổi bật hình tượng kiến trúc, vừa tiết kiệm được chi phí nhân công và thể hiện được tính hoành tráng của kiến trúc cảnh quan. Đối với những địa hình hẹp và dốc đứng, không thể áp dụng bố cục kiến trúc phân tán, dàn trải, giải pháp là bố trí công trình áp sát hoặc ngàm vào vách núi, dành diện tích đất cho sân trong và cảnh quan. Kiến trúc chồng tầng xếp lớp theo thế đất làm phong phú thêm cảnh quan quần thể, tạo cảnh sắc hùng vĩ, hoành tráng.
Kiến trúc hòa nhập với thiên nhiên thành một thể thống nhất, đầu tiên là chọn lựa hình thức kiến trúc phù hợp với địa hình bằng cách co kéo linh hoạt công năng và khối tích kiến trúc, ví dụ khu đất diện tích lớn, khoảng cách các điểm nhìn xa, thì công năng của kiến trúc chú trọng nhấn mạnh đặc trưng tôn giáo và khối tích lớn, còn như khu đất có diện tích hẹp, địa hình phức tạp, khoảng cách điểm nhìn gần thì công năng của kiến trúc chú trọng nhấn mạnh đặc trưng thưởng ngoạn, khối tích nhỏ, nép mình và tô điểm cho cảnh quan tự nhiên.
- Kiến trúc nhỏ và cảnh quan lớn: Chùa Trung Quốc thường được đặt ở những nơi có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, chính vì vậy cần sử dụng các thủ pháp thiết kế trong cảnh quan như sử dụng điểm, tuyến, diện, khối kiểm soát và khống chế toàn cảnh, trong đó cần nắm vững đặc trưng của những điểm mốc quan trọng như điểm khống chế chiều cao, điểm chuyển tiếp…
Đặc trưng Kiến trúc cảnh quan sân vườn Chùa Nhật Bản
1. Giới thiệu chung
Nghệ thuật thiết kế sân vườn Chùa có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của nghệ thuật cảnh quan sân vườn Nhật Bản nói chung. Những loại hình thuộc văn hóa Trung Hoa như nghệ thuật thư pháp, tranh thủy mặc và nghệ thuật cảnh quan sân vườn đều có sự ảnh hưởng lớn đến nghệ thuật cảnh quan sân vườn Nhật Bản, đặc biệt các thủ pháp xử lý không gian, luật xa gần, góc quan sát của tranh sơn thủy Trung Hoa có ảnh hưởng rất lớn đến nghệ thuật thiết kế vườn cảnh Nhật Bản.
Hàng mái hiên được chạm khắc tinh tế kết hợp với tán tùng tạo nên vẻ đẹp đặc trưng Nhật Bản, hình ảnh đó xuất hiện ở các chùa và đền thờ lớn nhỏ khắp cả nước, tinh thần tôn trọng và đề cao môi trường tự nhiên cũng được lan tỏa trong triết lý của các tôn giáo truyền thống.
Nghệ thuật “vườn khô” Nhật Bản cũng ra đời trong bối cảnh đa dạng văn hóa, “vườn khô” xuất hiện đầu tiên là vườn chùa, đặc trưng của “vườn khô” là sử dụng cát (sỏi nhỏ) tượng trưng cho mặt nước, trong một khu đất có diện tích rất nhỏ kiến tạo cảm giác về không gian và cảm nhận về khoảng cách. Cho đến thế kỷ thứ 18 “vườn khô” từ loại hình đặc trưng của phong cách vườn chùa đã được công nhận là một trong những phong cách tiêu biểu của nghệ thuật vườn cảnh Nhật Bản. Đến thế kỷ 20 phong cách “vườn khô” lại được đẩy lên một tầm cao mới, nó có sức ảnh hưởng rất lớn đến nghệ thuật thiết kế vườn cảnh đương đại Nhật Bản.
2. Đặc trưng kiến trúc cảnh quan
a) Các hình ảnh và chủ đề trong vườn thiền: Đặt đá tạo cảnh luôn giữ vai trò quan trọng trong triết lý thiết kế sân vườn Nhật Bản, ngoài ra đá còn mang những biểu tượng và hình ảnh để truyền tải những hàm ý về tôn giáo và văn hóa vào trong sân vườn cảnh quan, do vậy vườn thiền Nhật Bản luôn ẩn chứa những hình ảnh của phật giáo, thần thoại và những câu chuyện ngụ ngôn. Ngôn ngữ biểu hiện của những hình ảnh này thường mang tính trừu tượng và khó hiểu, ví dụ tổ hợp đá tượng trưng cho “Rùa” thường sẽ xuất hiện dưới hình thức đảo nổi trên mặt nước.
- Ao cá và cầu: Trong những vườn Chùa có diện tích rộng, phía trước điện phật thường bố trí ao cá hình vuông (gọi là ao phóng sinh), cầu bắc ngang ao kết nối trực tiếp với cổng chính, ao cá và cổng chính tượng trưng cho quá trình biến đổi từ thế tục sang niết bàn, quá trình đó đã loại bỏ tất cả sự tham lam, uất hận, thị phi và phiền não.
- Hòn giả sơn: Từ xa xưa, người Nhật Bản luôn chú trọng việc bài trí đá cảnh trong vườn, thường dùng “nhóm ba” – tam tôn thạch – để sắp xếp đá cảnh, trong đó tam tôn thạch mô phỏng hình tượng tam thế chư Phật.
- Thần tiên tam đảo: Trong tư tưởng của đạo giáo Trung Hoa, Hạc và Rùa đều là những con vật tượng trưng cho cát tường và trường thọ. Đạo giáo sau đó được lan truyền sang Nhật Bản, hình tượng Hạc và Rùa đều được đưa vào trong vườn cảnh Nhật Bản dưới hình thức là hai nhóm đảo nhỏ, ngoài ra hình tượng “Bồng Lai tiên đảo” cũng xuất hiện trong vườn, Bồng Lai cùng với Hạc và Rùa, được thể hiện dưới hình thức ba nhóm đảo tạo nên hình thái bố cục “thần tiên tam đảo”.
b) Thủ pháp thiết kế
- Trục – trung tâm: Tổng thể bố cục vườn có một trục Nam Bắc kéo dài từ đầu đến cuối khu vườn, trong đó các nhân tố cảnh quan được sắp xếp theo thứ tự là cổng vườn – giả sơn – cầu – đảo – chủ thể kiến trúc, thủ pháp thiết kế này được du nhập từ phong cách vườn cảnh hoàng gia Trung Quốc.
- Đối xứng – tự do: Trong tổng thể bố cục thông thường sẽ là quần thể kiến trúc được bố trí đăng đối qua một trục và cảnh quan sân vườn được bài trí tự do.
- Nhất đầm – tam sơn: Là quan niệm dưỡng sinh của đạo giáo được biểu hiện trong nghệ thuật vườn cảnh, bố cục chặt chẽ nhất của nhất đầm – tam sơn là trong ao (đầm) bố trí ba hòn đảo nhỏ lấy tên là Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu, đây là chốn bồng lai tiên cảnh theo quan niệm của đạo giáo. Về sau tổng thể bố cục xuất hiện một số biến thể như nhất đầm – nhất đảo, nhất đầm đa đảo….
- Thu cảnh – mượn cảnh: Sân vườn Nhật Bản thường có quy mô không lớn, ngoài tận dụng hợp lý cảnh quan bên trong vườn thì cách thức triệt để tận dụng cảnh quan bên ngoài vườn để tăng chiều sâu không gian cho khu vườn mới là thủ pháp thường được sử dụng, đó là thu cảnh – mượn cảnh. Mượn cảnh mục đích là mượn cảnh quan bên ngoài, bao gồm cảnh quan tự nhiên như núi, sông, đảo… hoặc cảnh quan nhân tạo như tháp, kiến trúc… để làm hậu cảnh và làm nổi bật chủ cảnh trong vườn. Phương thức mượn cảnh trong sân vườn chùa Nhật Bản chủ yếu dùng những cấu trúc ở địa thế cao như hành lang, chòi nghỉ, lầu gác… để có thể ngắm nhìn toàn cảnh bên ngoài khu vườn.
- Mô phỏng – thu nhỏ: Bản chất là mô phỏng lại những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Trung Quốc, Nhật Bản… đưa vào bên trong sân vườn với tỷ lệ nhỏ hơn (thu nhỏ) các chủ đề thường được sử dụng để mô phỏng bao gồm Tây Hồ, Phổ Đà Sơn, Lư Sơn (Trung Quốc) hoặc Đảo Tùng, Núi Phú Sĩ (Nhật Bản)
- Khai thác địa hình: Sân vườn Nhật Bản thường có địa hình tương đối bằng phẳng, chú trọng kiến tạo không gian mặt nước và hạn chế đắp núi, không gian mặt nước có hai hình thức là cao thấp tự nhiên (thác nước) và bằng phẳng (ao hồ) trong đó thác nước và ao hồ có thể sử dụng nước thật hoặc cũng có thể dùng cát, sỏi để tượng trưng cho nước.
- Quy mô – tỷ lệ: Kích thước của các hình thức tiểu cảnh sân vườn Nhật Bản phụ thuộc vào đặc trưng kích thước cơ thể người Nhật cổ (thấp), và thói quen sinh hoạt (quỳ, ngồi) do vậy hình thái tiểu cảnh thấp và dàn trải để phù hợp với điểm nhìn thấp, quy mô nhỏ để phù hợp với kích thước sân vườn.
Kết luận
Thông qua nghiên cứu đặc trưng kiến trúc cảnh quan Chùa của Trung Quốc và Nhật Bản, chúng ta nhận thấy mặc dù hai nước cùng chung nền văn hóa phương Đông nhưng sự khác biệt về địa lý, địa hình, văn hóa xã hội, triết lý Phật giáo, tư tưởng nghệ thuật đã hình thành nên nghệ thuật cảnh quan sân vườn Chùa với bản sắc và đặc trưng riêng của mỗi nước.
Việt Nam ta cũng cùng chung nền văn hóa phương Đông, nghệ thuật kiến trúc và cảnh quan Chùa Việt cũng có những thành tựu to lớn, và tạo lập được bản sắc riêng. Nhưng những thủ pháp tạo cảnh truyền thống không được khảo cứu, tổng kết thành hệ thống nghiên cứu hoàn chỉnh. Trong tương lai rất cần những chuyên gia, học giả, KTS… có những nghiên cứu chuyên sâu về kiến trúc cảnh quan Chùa Việt truyền thống, đúc kết thành lý luận về nghệ thuật cảnh quan sân vườn Chùa Việt, từ đó ứng dụng vào vào thực tiễn thiết kế sân vườn cảnh quan Chùa Việt đương đại, để có thể tạo ra những không gian cảnh quan sân vườn Chùa mang bản sắc văn hóa và triết lý nghệ thuật của người Việt Nam.
TS.KTS Nguyễn Ngọc Anh
Bộ môn kiến trúc cảnh quan, Khoa Quy hoạch Đô thị – Nông thôn, Trường đại học kiến trúc Hà Nội
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 07-2022)
Tài liệu tham khảo
1. Zhao Guang Yao, môi trường vườn cảnh chùa Trung Quốc, nhà xuất bản Du Lịch Bắc Kinh, 1987
2. Zhang Yu Huan, Chùa Trung Quốc qua hình vẽ, nhà xuất bản Trung Quốc đương đại, 2012
3. Kawaguchi Yoko, Cảnh quan Thiền Nhật Bản, nhà xuất bản khoa học kỹ thuật Giang Tô, 2016
4. Liu Ting Feng, giáo trình vườn cảnh Nhật Bản, nhà xuất bản đại học Thiên Tân, 2005
The post Nghệ thuật thiết kế cảnh quan sân vườn Chùa Phương Đông appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
Nhận xét