Khép lại chuỗi các sự kiện của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2022, chiều ngày 19/11/2022 đã diễn ra Tọa đàm “Đối thoại Tác giả – Tác phẩm: Kiến trúc – Thiết kế và công nghệ 2022” với sự hội tụ các góc nhìn đa chiều của đại diện các thành phần trong hệ sinh thái sáng tạo quốc gia và quốc tế, bao gồm các giới: Kiến trúc, Nghệ thuật, công nghệ, kinh doanh.

Tọa đàm do Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội, Tạp chí Kiến trúc – Hội KTS Việt Nam phối hợp tổ chức, dưới sự bảo trợ của UBND TP Hà Nội và Hội KTS Việt Nam cùng sự đồng hành của UNESCO, UBND Quận Hoàn Kiếm, UN Habitat. Tọa đàm là dịp để ban tổ chức, những người đồng hành cùng sự kiện và khách mời nhìn lại hành trình tạo nên những công trình, tác phẩm độc đáo tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2022. Đến dự Tọa đàm có sự tham gia của Bà Phạm Lan Anh, Trưởng phòng Di sản Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội; Bà Bùi Thanh Hương- Phó Tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc – Hội KTS Việt Nam và Bà Trần Thị Thúy Lan, Phó trưởng Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội cùng đại diện các Sở, Ban, ngành có liên quan; đông đảo các Kiến trúc sư, Hoạ sĩ, Sinh viên các trường Mỹ thuật, Kiến trúc và các đơn vị tài trợ và quý cơ quan báo đài.

Bà Phạm Lan Anh – Trưởng phòng Di sản, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội

Phát biểu khai mạc tại tọa đàm, bà Phạm Lan Anh – Trưởng phòng Di sản, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội bày tỏ: “Tính đến thời điểm này, có thể nói Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2022 đã được tổ chức thành công rực rỡ. Hy vọng, buổi nói chuyện hôm nay, chúng ta sẽ được lắng nghe những chia sẻ, góp ý về sự kiện năm nay để chúng ta rút kinh nghiệm cho những sự kiện sáng tạo của các năm sau, và chúc cho tất cả mọi người sẽ luôn giữ được sự nhiệt tình khi tham gia các hoạt động do Tạp chí Kiến trúc, Hội KTS Việt Nam và Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội tổ chức.”

Từ những chia sẻ đề dẫn của bà Phạm Lan Anh, tác giả của các không gian tại Lễ hội đã có những chia sẻ về 4 không gian tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2022:

  • Biểu tượng cổng sáng tạo: Sự kết nối Kiến trúc và công nghệ – của tác giả: KTS Lê Quang Thạch – Avalo Architects
  • Không gian triển lãm và Con đường Eurotile 2022 với phần chia sẻ của Ông Phạm Văn Khiết Tường – Giám đốc Thiết kế thương hiệu Eurotile
  • Không gian truyền thống và Mã QR nhận diện thiết kế Việt của tác giả: KTS Nhâm Chí Kiên (APDI)
  • Không gian Kiến trúc hội nhập – Lời nhắn gửi từ hệ sinh thái của KTS Nguyễn Hồng Quang – Toob Studio

Cũng tại tọa đàm, rất nhiều khách mời đã đồng ý với quan điểm, ánh sáng là một phần quan trọng tạo nên sự thành công của Kiến trúc, chính vì vậy, tại tọa đàm, Ông Nguyễn Hữu Chương – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Phenikaa, Giám đốc Nhà máy Điện tử thông minh Phenikaa đã có những chia sẻ về thiết kế ánh sáng trong các không gian triểu lãm tại Lễ hội. Ngoài ra, Bà Toshie Takahashi – Giám đốc Cấp cao Marketing Việt Nam – Đại diện Thương hiệu American Standard cũng chia sẻ thêm về Kiến tạo không gian – Thay đổi cuộc sống: Câu chuyện của Lixil.

Bà Bùi Thị Thanh Hương, KTS Đoàn Kỳ Thanh, KTS Lê Quang Thạch, KTS Nhâm Chí Kiên, KTS Nguyễn Hồng Quang (theo thứ tự từ trái sang phải)

Đặc biệt tại Tọa đàm là phần Đối thoại Tác giả – Tác phẩm: Kiến trúc – Thiết kế và Công nghệ với các diễn giả KTS Nguyễn Hồng Quang; KTS Lê Quang Thạch; KTS Nhâm Chí Kiên; và KTS Đoàn Kỳ Thanh – Giám đốc công ty Avant, dưới sự dẫn dắt của ThS. Bùi Thị Thanh Hương, Phó Tổng biên tập – Tạp chí Kiến trúc – Đại diện đơn vị đồng tổ chức, cũng đồng thời là người đồng hành trực tiếp với các tác giả thiết kế tại Lễ hội. Tại phần trao đổi này, các tác giả đã có dịp chia sẻ kỹ hơn về khởi nguồn các ý tưởng thiết kế của mình, cũng như câu chuyện nằm trong đó, vai trò các không gian mà các tác giả muốn gửi gắm tới cộng đồng.

KTS Nguyễn Hồng Quang cho biết: “Khi thực hiện công trình, nhóm thiết kế đã phải cân nhắc rất nhiều về phương án thiết kế của mình. Trước đây, chúng tôi đã từng tham gia thiết kế nhiều công trình triển lãm tại các workshop, chúng tôi đã từng thiết kế nhiều công trình rất lớn, tuy nhiên, khi thiết kế tại sự kiện này, chúng tôi nhận thấy, đây là khu vực có không gian quảng trường rất ít, nên chúng tôi đã thu nhỏ muốn tập trung vào thông điệp nhiều hơn, và mong muốn có một thông điệp đủ mạnh cho sự kiện.”

Ông Đoàn Kỳ Thanh cũng chia sẻ những cảm xúc khi Hà Nội tổ chức Lễ hội Thiết kế Sáng tạo. Theo ông: “Điều quan trọng khi chúng ta thiết kế sáng tạo, đó là công trình có thể thu hút được người dân đến tham gia, một cách tự nhiên, điều đó rất cần đến sự cảm ứng tốt về nơi chốn, cũng như đối thoại tốt với người dân. Như công trình không gian hội nhập của KTS Nguyễn Hồng Quang, chúng ta cảm nhận được sự ấm cúng, thân thiện ở đó, hay với công trình của KTS Nhâm Chí Kiên – Không gian truyền thống, đó là sự tò mò về công trình, mặc dù đó là một vị trí rất khó để thiết kế. Đối với công trình Cổng sáng tạo của KTS Lê Quang Thạch, KTS đã tạo nên sự thu hút từ màu sắc, đến thiết kế, để mời người dân đến với công trình. Tôi cảm thấy đây là 3 công trình rất thành công, và đây là cơ hội để sang năm chúng ta có những công trình tốt hơn.”

Cũng tại tọa đàm, Bà Bùi Thanh Hương đã có những chia sẻ về quá trình thực hiện, từ giai đoạn mời tham gia, tới giai đoạn hình thành, những khó khăn phải để tạo nên một lễ hội thành công như ngày hôm nay từ góc độ Ban tổ chức. Bà cho biết, có những giai đoạn của dự án, do gặp khó khăn về kinh phí, mà dự án tưởng chừng đã phải cắt bớt số lượng không gian triển lãm. Tuy nhiên với mong muốn thực hiện một cách tốt nhất và thể hiện rõ nét nhất những tâm tư của các nhà thiết kế tại Lễ hội, Ban tổ chức đã cố gắng hết sức để có được đủ các không gian triển lãm như ngày hôm nay chúng ta thấy. Bà cũng bày tỏ kỳ vọng, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo những năm sau, sẽ viết tiếp những câu chuyện Thiết kế ngày càng sáng tạo và thành công hơn nữa.

Xem thêm: Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2022

© Tạp chí Kiến trúc

The post Khép lại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2022 với Tọa đàm Đối thoại Tác giả – Tác phẩm về Kiến trúc – Thiết kế và Công nghệ appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.