KTS SHINKEL

Trở về từ nước Ý, Schinkel lĩnh chức Tổng quản xây dựng Berlin nên có điều kiện tiếp cận gần hơn với chủ nghĩa cổ điển lúc đó đang ngự trị Berlin. Ông say sưa nghiên cứu những bài báo, luận văn về di sản cổ đại; nhưng kiên quyết chống lại sự bắt chước cổ đại một cách giáo điều. Schinkel đã biến đổi những hình mẫu cổ điển, tạo nên kiểu bố cục mới bằng giải pháp diễn tả riêng. Ông đã tranh luận với một số giảng viên ngành kiến trúc về sự sao chép, bắt chước các sơ đồ tôn quy một cách hợp pháp đối với công trình xây dựng mới. Lập trường của nhà kiến trúc trong vấn đề này tựa như những ghi chú mở rộng được giới thiệu trong các bộ sách giáo khoa. Lại nói, di sản Hy Lạp, lần đầu tiên trong lịch sử kiến trúc châu Âu được hệ thống hóa năm 1755, ban đầu xuất hiện trong các tác phẩm có ý định bắt chước điêu khắc và hội họa Hy Lạp, rồi sau là sự sùng bái những tượng đài cổ đại Acropole Athene. Thậm chí năm 1801, Bá tước Thomas Bruce25 đã chuyển đá hoa cương của đền Parthénon về London. Những thập kỷ khai quật (1750 – 1780) cũng như cuộc chiến giành độc lập của người Hy Lạp đã khích lệ sự quan tâm của châu Âu. Hàng loạt công trình ra đời sau đó như ngân hàng Anh (1782 – 1827, Kts John Gioanes) với thức doric của ngôi đền Sibilla ở Tivoli; Miếu Pankration26 (đền thờ Hercules, 1819 – 1822. KTS William Invud) bắt chước đền Erekhteion – (Acropole Athène), hay Bảo tàng Anh ở London (1823, KTS Rpbert Merk) mang kiểu dáng Hy Lạp hóa…Về phần mình, Schinkel muốn noi theo bố cục đều đặn, cân xứng hình học Hy Lạp. Năm 1789 Karl Lankhans xây Cổng Brandenburg27, kiểu dáng na ná Propilei ở Acropole Athène. Từ năm 1816 Klenze28 từng bước Hy Lạp hóa quy hoạch thành phố Munchen…

Klenze đã thiết kế toàn bộ quy hoạch trung tâm Munchen. Đến ngày nay, thành phố này vẫn được xem như “Đô thị thực sự của các Nghệ thuật”. Munchen lừng lẫy với những mô típ chấn hưng Hy Lạp: Bảo tàng điêu khắc, nhà lưu giữ các tác phẩm hội họa, nhiều tòa nhà có hoa văn trên mi cổng chính như Tòa án vua Bavaria thời Ludwig I, Thị sảnh Munchen, sở quan thuế, các dinh thự…Nhận lời mời gọi của Nga hoàng,kiến trúc sư Klense đã trực tiếp tham gia thiết kế bảo tàng Ermitazh29. Đáng chú ý là, phong cách chấn hưng Hy Lạp cầu kỳ quá mức mà vẫn khô khan máy móc ở Klenze về sau nhường chỗ cho bố cục đầy nhạc điệu và màu sắc lãng mạn trong các tác phẩm của Schinkel – Đó là những dấu mốc đỉnh cao, đồng thời cũng là hoàng hôn của chủ nghĩa tân cổ điển Đức.

Điêu khắc của Adolf H. Borbein

Tượng đài chiếm vị trí đặc biệt trong một số luận văn của Schinkel, những luận văn bao hàm nhiều đề cập đến sự thất bại của kiến trúc nước Phổ thời Napoléon Bonaparte. “Quốc gia dân tộc có thể sụp đổ nhưng nó sẽ lại đứng dậy trong các tượng đài nghệ thuật và khoa học của mình” đã trở thành khẩu hiệu của Phong trào giải phóng văn hóa ở Đức. Đó chính là câu nói cửa miệng của hoàng đế Fridric Vilhelm III30, người khi đó kiên quyết cho khởi công xây dựng nhiều kiến trúc tượng đài ở Berlin. Trung thành phục vụ những tư tưởng của nước Phổ quân phiệt, Schinkel đã thực sự giải toả ảnh hưởng ngày càng yếu đi của kiến trúc hậu cách mạng Pháp, phá vỡ những hình tượng nghệ thuật La Mã của con rắn độc Napoleon, hun đúc tâm trạng muốn Hy lạp hóa ngôn ngữ kiến trúc tân cổ điển Đức. Tuy nhiên, tuỳ trường hợp, Schinkel vẫn cho phép “tinh thần Gaulois”31 xâm nhập vào tác phẩm của mình qua đường kinh nghiệm của Gilly (thầy học của Schinkel, mất khi mới 28 tuổi) hay học theo những tác phẩm mẫu mực của Ledoux, đặc biệt là cung điện Luxembourg ở Paris. Đó là những thể hiện hình học rõ ràng, cô đọng, vừa giữ được sự cân bằng nội tại, bảo toàn được sự đều đặn của các trục đối xứng, vừa bộc lộ được tính đa sắc của các khối kiến trúc kết hợp, như có thể thấy ở Lăng Friedrich Wilhelm III (Potsdam – Berlin), Nhà hát quốc gia Berlin, Tòa nhà viện Hàn Lâm (quảng trường Schinkel – Berlin. 1832 – 1835)…

Nhà hát Berlin – Charlottenburg

Đối với Schinkel, nghệ thuật là con đường thấu hiểu thiên nhiên với ý nghĩa đầy đủ của sự tồn tại có tính đối xứng, ông viết: “Đối xứng đem cho mỗi đồ vật sự rõ ràng, rành mạch tại vì nó hướng tinh thần tới cái trật tự cao nhất…Mọi kiến tạo luôn lọt trong khuôn khổ trật tự tối thượng…Đối xứng hoàn toàn có thể được vận dụng để mô tả tính cách…” Trong những trang giáo khoa của mình Schinkel thường hướng đến đề tài quan hệ đối xứng và phi đối xứng trong việc thiết lập trật tự cũng như dàn dựng các mối quan hệ qua lại bắt buộc phải có trong kiến trúc. Schinkel khuyến giáo: cần phân biệt dứt khoát các điều kiện cho giải pháp này hay khác trước hết căn cứ vào đặc điểm của địa điểm xây dựng. Ông mơ ước về một kiến trúc hoàn hảo trong cảnh quan nước Phổ hoàn hảo. Chính những nhận xét về đối xứng xuất hiện trong mối quan hệ hướng tới đề tài ý tưởng trong kiến trúc cũng như trong nghệ thuật của Schinkel là điều hoàn toàn giải thích được theo lẽ: tính hoàn mỹ chính là mục tiêu cao nhất của chủ nghĩa tân cổ điển Đức. Thêm vào đó, tính lãng mạn hội họa cũng như kiến trúc của Schinkel giải thích khá rõ về sự phức tạp bố cục như ở biệt thự Sharlotenkhof, tổ hợp nhà tắm hơi Postdam, hay trong các thiết kế hư cấu, cung điện hùng vĩ chiếm lĩnh trời đất của ông sau này. Đặc biệt, cung điện Orléans ở Sankt Peteburg do Schinkel vẽ theo đơn hàng của Nga hoàng Nicolai II mà kiểu dáng Hy Lạp của nó dường như hòa tan kỳ diệu vào trong những trang trí mô típ sặc sỡ cả phương Đông lẫn Ai Cập. Cung điện Orléans phơi bày sự kết hợp độc đáo những yếu tố, chi tiết quy hoạch đã được chỉnh lý kỹ lưỡng như các hoa văn hình học, tuân thủ nghiêm ngặt các trục tâm và thứ bậc không gian. Thiết kế cung Orléans được Schinkel giới thiệu qua những bản in thạch bản với màu sắc tinh tế; tạo ra điệp âm khúc với cung bậc âm thanh tinh khiết ngay trong sự cứng nhắc của kết cấu. Ở cung điện Orléans đề tài kiến trúc chủ chốt là sân có các cột đứng bao quanh theo truyền thống của những công trình xây dựng đồ sộ của các chế độ quân chủ chuyên chế phương Đông với quy hoạch làm cơ sở cho sự biến đổi các kích cỡ của cung điện, kéo theo sự chiếu sáng, chiều sâu hình bóng. Kể cả trình tự, mật độ các lỗ cửa cũng thay đổi…Biên độ chiều ngang quy hoạch được vận dụng cho tiết tấu cả theo phương nằm ngang lẫn phương thẳng đứng. Các thủ pháp của Schinkel còn tạo nên sự uyển chuyển đề tài dưới nhiều hình thức khác nhau theo dòng không thời gian. Cung điện Orléans là công trình hiếm hoi noi theo nghệ thuật Hy Lạp trong khi chủ nghĩa cổ điển Nga ở Sankt Peterburg, Moskva cũng như nhiều thành phố khác của nước Nga chịu ảnh hưởng sâu sắc và toàn diện nghệ thuật phục hưng Ý, kể từ thời Pier Đại đế cho đến mãi sau này. Cung điện Orléans của Schinkel là một ví dụ về bố cục kiến trúc thang bậc đa âm. Đó là cách “phối âm, phối khí” đồng thời theo “chiều ngang” và “chiều thẳng đứng”. Trên cơ sở đó hóa giải các đề tài nghệ thuật, mà không cần lôi cuốn vật liệu, chất cảm vào đó, đặng gìn giữ tính nương tựa của nghệ thuật kiến trúc.

Nhà hát Berlin – Charlottenburg

Những công trình của Schinkel được giới thiệu qua những bản tranh khắc gỗ rất đẹp. Hậu thế thấy trong đó bao điều bí ẩn; phải chăng Schinkel còn muốn thông qua những bí ẩn để tiến xa hơn nữa, cho đến khi kiến trúc không còn là “thứ âm nhạc cứng nhắc” mà thực sự trở thành thế giới âm thanh kỳ diệu. Đây là cách cảm nhận cái đẹp, cũng là phương thức thẩm mỹ bắt buộc của chủ nghĩa lãng mạn, được Schinkel chuyển hoá tài tình vào các công trình tân cổ điển. Thông qua những phản ánh qua lại của các ý nghĩa, Schinkel đã đưa vào tác phẩm nhiều thao tác tái sắp xếp trật tự, hoán đổi các thành tố mặt bằng hình khối kiến trúc quen thuộc bằng những tương phản của các mối quan hệ rộng lớn, những ấn tượng viễn tưởng. Phải chăng bí quyết của người nghệ sĩ là phá hủy nội dung bằng hình thức? Tính bí ẩn của cấu trúc nghệ thuật tác phẩm được những nhà lãng mạn coi như sự biểu hiện cấu trúc phức tạp của cá nhân nghệ sỹ. Nghệ sĩ thực thụ là người am tường mọi, tri thức của anh ta là vũ trụ bao la trong một thế giới thu nhỏ. Goeth gọi nghệ sĩ là kẻ tiên phong của thượng đế, còn các nhà lãng mạn ví anh ta với người suốt đời phụng sự nghệ thuật trong số thiên tài đã chết.

Tòa nhà viện Hàn lâm trên quảng trường Schinkel – Berlin. 1832 – 1835.

Kiến trúc bảo tàng là ngôi đền mỹ học mà người đời hằng mơ ước. Nó tôn khách thập phương lên trên cái tầm thường và nhân trội tình cảm cao quý, nó làm sống dậy những ngôi đền cổ. Không ít kiến trúc sư có tham vọng vẽ nên nhà bảo tàng có thể thay thế thánh đường. Cần lưu ý, ở đó sự thờ phụng độc thần (tôn giáo) hoàn toàn có thể được thay thế bằng thờ đa thần (các thần linh bảo trợ chuyên ngành nghệ thuật). Từ năm 1820 tại nước Phổ, các bộ sưu tập nghệ thuật quốc gia lần lượt thay thế cho những sưu tập cá nhân. Bảo tàng được xem như một cơ quan văn hóa cấp tiến nhất thời đại. Nó trở thành đề tài kiến trúc quan trọng, có vai trò đặc biệt trong xây dựng cơ bản của nước Phổ. Bấy giờ đã xuất hiện những công trình ấn tượng nhất ở châu Âu: Bảo tàng điêu khắc (1816 – 1834, KTS Klense31), Pháp đình của vua Bavaria Ludwig I ở München (KTS Klense), tượng đài Valgalla (KTS Gilly), Bảo tàng Anh ở London (khởi công 1823, Huân tước KTS Robert Smirrke). Tòa nhà bảo tàng mới (hiện nay là cũ) ở Berlin (1822 – 1828, ngày xưa dành cho vua Wilhelm III thiết triều)…Các bảo tàng luôn được quan tâm đặc biệt vì trong đó nghệ thuật cổ điển đạt đến đỉnh cao. Riêng đối với các bảo tàng của Schinkel, biểu hiện bố cục không thay đổi, lại được gia công rất tỷ mỉ từ khía cạnh chức năng và đồng thời khẳng định không gian quy hoạch thoáng đạt. Một trăm năm mươi năm sau, chính sự hợp lý quy hoạch – bố cục cổ điển của Schinkel đã được Mies Van Der Rohe chọn làm “quy tắc trừu tượng” cho những hình dạng kiến trúc liên quan đến công năng của tòa nhà.

Ý tưởng kiến trúc. Sơn dầu (2000 x 1505)

Như bất kỳ KTS nào, Schinkel luôn mong muốn thiết lập một toà nhà đẹp, và ở đây là một bảo tàng đẹp. Hàng cột ionic kiều diễm tưởng chừng vô tận ở mặt tiền, những logia sang trọng được săn sóc bởi xảo thuật trang trí, đình tròn mái vòm vươn cao kiểu điện Pantheon; được bao quanh bởi hàng cột corinth xếp thành hình vòng nhẫn…Tất cả được vẽ rất cẩn thận bởi bàn tay điêu luyện của Schinkel thiên tài. Năm 1824, Schinkel nhận thiết kế dinh thự Humboldt32 ở Berlin (nay là nhà bảo tàng mang tên Humboldt). Là người kế tục Kant33, chủ nhà Humboldt cho rằng vấn đề của cái đẹp có thể được giải quyết thành công, miễn là thông qua năng lực tinh thần. Theo Humboldt, quan trọng nhất trong đó là sức tưởng tượng về sự kết hợp những bản tính đối lập và bằng cách đó đưa cái hư cấu vào khuôn phép vần luật mà không vi phạm tự do của nó. Kế tục chủ nghĩa Platon và tư tưởng lãng mạn cách tân, Humboldt mong muốn có sự thống nhất của những đối lập, tìm được sự tích hợp cái chủ quan và khách quan trong sự xuất hiện của cái tuyệt đẹp. Hẳn là ngôn ngữ siêu hình của triết gia Humboldt không thể không ảnh hưởng đến tư duy kiến trúc của Schinkel. Có điều, Schinkel quan niệm về sự thống nhất của các mặt đối lập trong kiến trúc chủ yếu bắt nguồn từ triết lý của Kazantzakis34 và “Năm bài học của Schinkel” (5 bài báo về kiến trúc). Những bài giảng này của Schinkel không phải là sự tiếp tục lịch sử phong cách mà là sự phát triển không ngừng của lịch sử tư tưởng. Thiếu tư tưởng, kiến trúc chỉ còn là vật trang trí; Tác phẩm của Schinkel khẳng định: “Nghệ thuật, một khi đóng vai trò loại trừ thiên nhiên như một hiện thực sẽ phủ nhận và tái lập một hiện thực khác bằng chính sản phẩm của trí tưởng tượng là tác phẩm nghệ thuật”.

Ngày nay, hậu thế thật khó hình dung: Nghệ thuật đã trở thành thánh địa ở nước Đức như thế nào cũng như khó quy kết nghệ thuật của Schinkel vào một phong cách riêng biệt nào đó, vì quan niệm sáng tạo và bút pháp của ông rất năng động, lại quyền biến trong mỗi tác phẩm dù là kiến trúc, hội họa, mỹ thuật sân khấu hay âm nhạc. Tác phẩm của Schinkel bao giờ cũng thích nghi hoàn toàn với không thời gian cụ thể nào đó. Kiến trúc của ông đệ trình hết đề tài này sang đề tài khác; để từ đó hình tượng con người và tự nhiên luân hồi quá khứ – hiện tại – tương lai. Với tư cách lý thuyết gia, Schinkel đã chỉnh lý thực tế bằng trí tưởng tượng. Ông lái tư duy từ kiến tạo không gian siêu hình sang tay nghề kiến trúc tương thích, trong khi không nhất thiết thay thế cái cũ bằng cái mới hoàn toàn. Schinkel đã tự đặt cho mình nhiệm vụ làm giàu cái đang tồn tại, tiếp tục phát hiện đặc thù nơi chốn, truyền thống và tính sử thi của kiến trúc.

Với nhận thức lịch sử hệt như hình thái sống động Schinkel cho rằng công trình xây dựng nảy sinh từ địa điểm và tình huống nhất định, từ bài học của sự thống nhất giữa thiên nhiên và văn hóa. Tác phẩm của Schinkel không chỉ là thế giới nghệ thuật nhân tạo mà còn là thế giới tự nhiên như nó vốn có. Ông đã hợp nhất ngôi nhà với thiên nhiên để tạo ra một hình thái toàn vẹn: Thiên nhiên là một phần của tòa nhà và ngược lại. Nhớ lại, nhận xét của Humboldt: “Tính cặp đôi của thiên nhiên có thể nhận thức được hoặc qua vẻ ngoài, hoặc trong mối quan hệ tương hỗ nội tại giữa tư duy và cảm xúc”. Tính lịch sử độc đáo của kiến trúc Schinkel giải nghĩa về những ưa thích – điều duy nhất làm nên cá tính sáng tạo của ông. Tâm trạng chung của nhà kiến trúc đối với sự tiếp thu tổng hợp di sản là kịp thời dưới ánh sáng của những khuynh hướng trong kiến trúc. Một trong những tiếp nối truyền thống Schinkel trong kiến trúc hiện đại Đức là nhà trưng bày Nghệ thuật Quốc gia Mới – Stuttgart (1980, KTS Jame Stirling). Đỉnh tròn hình vòng nhẫn, những bức tường không mái – sân – gian phòng triển lãm điêu khắc làm hạt nhân của bố cục không gian phức tạp tức bỏ mặt tiền truyền thống. Bản vẽ quy hoạch nhà trưng bày Nghệ thuật Quốc gia Mới giống như quy hoạch bảo tàng cổ vật của Schinkel ở Berlin. Có điều, sự giống nhau về quy hoạch chỉ quan sát thấy trong bố trí chức năng của bảo tàng như một kiểu nhà cùng chức năng. Ở đây có sự kế thừa cách tiếp cận kết cấu theo thứ bậc không gian và các tuyến đi lại của khách tham quan, nhưng nhìn chung không có những vay mượn bản vẽ kiến trúc. Đặc điểm nổi bật của quy hoạch nhà trưng bày Nghệ thuật Quốc gia Mới – Stuttgart của Stirling khi so sánh với quy hoạch của Schinkel là sự làm lạc hướng cố tình sự đi lại bằng các trục tâm, vận dụng sự không đối xứng vào quy hoạch như nguyên tắc phát triển trọng lực của không gian. Nói chung tác phẩm của Schinkel độc đáo không chỉ bởi những căn cứ lịch sử mà còn bởi các giải pháp quy hoạch, nhưng các đề tài được ông xử lý, điều chỉnh rồi khôn khéo lồng vào văn cảnh Berlin và nước Phổ ngày bấy giờ. Tư tưởng của Schinkel cuốn theo những trích đoạn giai điệu không gian. Đó là những nhấn mạnh “vần điệu, thang âm” phù hợp với bộ “từ điển kiến trúc” của ông. Về cuối đời, kiến trúc sư Schinkel từ bỏ nghệ thuật gothic. Trường hợp cần xây dựng công trình Thiên chúa, ông cũng gắng tìm kiếm cách diễn tả mới. Nhưng nói gì thì nói, Schinkel thuộc số KTS chấn hưng gothic xuất sắc hàng đầu nước Đức và thế giới.

Schinkel đựợc tôn vinh là nhà kiến trúc tiền phong vừa kế thừa, vừa cách tân chủ nghĩa cổ điển Đức. Một trăm năm sau, người đồng hương của ông – KTS Peter Behrens35 cho rằng: “Nếu hiểu được chủ nghĩa cổ điển của Schinkel thì sẽ hiểu ông đã phán xét hình học và số học của Archimedes một cách khôn ngoan nhường nào. Và từ đó mới có thể đánh giá đúng công lao to lớn của Schinkel đối với lịch sử kiến trúc cận – hiện đại châu Âu”. Một trong những kiệt tác – Tòa nhà Viện Hàn Lâm (1832 – 1835) đã được Schinkel dựng gạch mặt thô, kết cấu thép. Ngày ấy, ông đương chức Bộ trưởng Xây dựng của Phổ, có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với việc phát triển sản xuất gang, thép, gốm, kính xây dựng cũng như chỉ đạo xuất bản hàng loạt cẩm nang chi tiết kiến trúc tiền chế. Chính sự năng động quản lý xây dựng cơ bản của một bộ trưởng khiến cho các công trình của Schinkel vượt xa thực tiễn xây dựng nửa đầu thế kỷ 19 và tiến sát gần thế kỷ 20.

KTS Đoàn Khắc Tình
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 08-2022)


Ghi Chú
25. Thomas Bruce (bá tước thứ 7 của dòng tộc Elgin, 1776 – 1841): Nhà ngoại giao và nhà sưu tập nghệ thuật người Anh, nổi tiếng với việc mua lại các tác phẩm điêu khắc Hy Lạp gọi là bộ sưu tập “Elgin Marbles” nổi tiếng.
26. Theo thần thoại, anh hùng Hercules đã phát triển môn võ Pankration qua kinh nghiệm chiến đấu, kết hợp học hỏi nhân mã Chiron và thần ăn trộm Autolycus. Về sau, Theseus cũng sử dụng võ này để đánh bại Minotaur. Achilles cũng là một cao thủ Pankration.
27. Cổng Brandenburg nằm trên phần đất cổng thành cũ, xây dựng theo lệnh của vua Phổ Frederick William II. Brandenburg hoành tráng dẫn vào Unter den Linden, một đại lộ trồng cây bồ đề dẫn thẳng đến khu cung điện của các vua Phổ.
28. Leo von Klenze (1784 – 1864): Kiến trúc sư, họa sĩ, nhà văn Đức. Klenze là một trong những đại diện tiêu biểu nhất của phong trào phục hưng Hy Lạp . Ông đã xây dựng nhiều công trình tân cổ điển ở Munich, Regensburg, các tòa nhà cổ trong tranh vẽ của Klenze chính là hình mẫu cho các dự án kiến trúc của ông.
29. Bảo tàng Ermitazh nằm ở TP Sankt Peterburg của nước Nga, một trong những bảo tàng lớn nhất thế giới. Hơn 60 ngàn trong tổng số 3 triệu hiện vật được trưng bày tại gần 1000 căn phòng. Bên cạnh một số lượng lớn các hiện vật cổ, Ermitazh sở hữu một bộ sưu tập hội họa giá trị bậc nhất thế giới, sánh ngang với Louvre ở Paris và Prado ở Madrid.
30. Friedrich Wilhelm III (tức Friedrich Công Chính, 1770 – 1840): Vua Phổ từ năm 1797-1840. Ngài trị vì vương quốc trong thời kì chiến tranh gian khó với Napoléon.
31. Tinh thần Gaulois: Tên gọi biểu tượng quốc gia hình con gà trống Gô – loa (Le coq gaulois) hay còn gọi đơn giản là Con gà trống Gô – loa.
32. Leo Fon Klense Leo von Klenze (1784 – 1864): Kiến trúc sư, họa sĩ và nhà văn tân cổ điển Đức. KTS tòa án của vua Bavaria Ludwig I, Leo von Klenze là một trong những đại diện nổi bật nhất của phong cách phục hưng Hy Lạp.
33. Wilhelm von Humboldt (1767 – 1835): Nhà ngoại giao cao cấp, nhà triết học, người sáng lập Đại học tổng hợp Berlin. Sinh thời ông là bạn của Goethe và thân thiết với thi sĩ kiêm kịch tác giả Schiller. Sau ngày thôi việc ở Bộ ngoại giao, Humboldt chuyển về Trier, xây dựng bảo tàng trưng bày bộ sưu tập đồ cổ và những tác phẩm điêu khắc thạch cao, do ông sưu tầm trong những năm làm Đại sứ tại Roma.
34. Immanuel Kant (1724 – 1804): Là một trong số triết gia quan trọng nhất của nước Đức và của triết học cận đại. Tư tưởng của ông thuộc về nền văn hóa tân tiến và nhiều lĩnh vực nhân văn khác. Sự nghiệp triết học của Kant được biết đến qua hai giai đoạn: “Tiền phê phán” trước năm 1770, sau đó là “Phê phán”.
35. Nikos Kazantzakis (1883 – 1957): Nhà văn Hy Lạp. Được coi là một người khổng lồ của văn học Hy Lạp hiện đại.
36. Peter Behrens (1868 – 1940): KTS và nhà thiết kế đồ họa người Đức. Ông là người đã đặt những viên gạch đầu tiên cho sự phát triển của kiến trúc hiện đại Đức. Các KTS hàng đầu của Kiến trúc Hiện đại của thế kỷ 20 như Le Corbusier, Ludwig Mies van der Rohe, Walter Gropius đều từng làm việc ở xưởng thiết kế của Peter Behrens.

The post KTS Karl Friedrich Schinkel: “Không có hội họa, âm nhạc cứng nhắc thì cũng không có kiến trúc cứng nhắc” (phần II) appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.