Tọa lạc trên một cánh đồng nhỏ, ngôi nhà truyền thống thiết kế theo lối kiến trúc hiện đại để lại cho người sử dụng cảm giác mới lạ nhưng lại rất “yên”. 

Một góc mái xòa thấp để che nắng Tây, góc còn lại “vén” lên để đón hướng gió mát thổi vào nhà.

Thông tin công trình:

  • Diện tích đất: 150m2
  • Chủ trì thiết kế: Trịnh Hải Long, Nguyễn Minh Thủy.
  • Văn phòng Kiến trúc Nhà của Gió

Công trình là mong ước của người con trai có thể xây dựng một ngôi nhà cho người mẹ ở quê hương. Khi còn bé, tại mảnh đất này – quê hương của gia chủ, cha mẹ anh phải bán ngôi nhà thuở nhỏ do cha lâm bệnh. Sau cái chết của người cha, anh và mẹ buộc phải chuyển đến một thành phố khác để kiếm sống. Bất chấp khó khăn, bà đã làm việc cả ngày lẫn đêm để đảm bảo con trai mình có một nền giáo dục đàng hoàng.

Khi đã có thể lo cho gia đình, lo cho mẹ, khách hàng mong muốn xây dựng một ngôi nhà cho người mẹ thân yêu của mình ở quê hương của họ. Đó là lý do ngôi nhà mang tên “Nhà của Mẹ”, một cái tên rất bình dị, ra đời.

Cổng với chất liệu đá và sắt mộc mạc nhưng lại tinh tế vô cùng.

Dựa trên những ký ức tuổi thơ của khách hàng, các KTS đã lên phương án thiết kế ngôi nhà với những chi tiết giống với ngôi nhà cũ của gia đình. Một ngôi nhà có vỏ mộc mạc của một ngôi nhà truyền thống ở đồng bằng Bắc Bộ, được hỗ trợ bởi một cấu trúc hiện đại. Các yếu tố truyền thống như mái dốc, hàng hiên, ngưỡng cửa, sân trong, tỷ lệ, ché “ong”, đồ đất nung, gạch men cổ, tường sỏi đã được lựa chọn, đồng thời chúng tôi cũng sử dụng vật liệu từ các làng nghề truyền thống cho công trình.

Chất “thơ” của ngôi nhà.

Khu đất là 1 hình chữ nhật bị bó cứng bởi 2 mặt bên tiếp giáp với nhà hàng xóm, bởi vậy, ngôi nhà tự tìm cách “thở” bằng kết cấu không gian xốp, kết hợp những khoảng đặc, rỗng, lệch tầng, thiên nhiên đan xen với nhà ở, nhằm thông gió đối lưu, lấy ánh sáng tự nhiên một cách tích cực nhất, tạo góc nhìn thay đổi phong phú khi di chuyển trong nhà. Mặt bằng nhà được trộn lẫn 4 khoảng rỗng, ở tầng lửng có thêm một khoảng sân được tạo ra để mở rộng và kết nối với sân trung tâm của nhà. Các lỗ rỗng này như một điều áp, để mọi phòng đều được “chăm sóc” cẩn thận. Ngôi nhà được trang hoàng bởi gió và ánh sáng, bên trong vỏ bọc giản dị nhất có thể.

Mặt bằng công trình.
Phối cảnh mặt cắt hình dung không gian rõ hơn.

Trong bối cảnh các nhà xung quanh có xu hướng xây cao nhất có thể để mở rộng tầm nhìn ra phía núi, tạo ra các mặt tiền bằng phẳng nhiều tầng nhìn ra đường phố, khiến phần không gian ở mặt sàn mất kết nối với các tầng chức năng khác, và các tầng cao bị ngắt kết nối với mặt đất, ngôi nhà mong muốn thực hiện một cách tiếp cận khiêm nhường và nhạy cảm hơn với môi trường xung quanh. Mái nhà dốc kéo dài từ tầng 2 xuống và hàng hiên xòe rộng, cổng rào thấp, khiến nhìn từ ngoài vào như ngôi nhà 1 tầng xưa cũ, tạo cảm giác thân thiện cho mọi người trong việc di chuyển xung quanh nhà và tiếp cận, cũng gợi mở sự giao tiếp giữa sân ở tầng 2 của nhà với đường. Kết cấu không gian xốp và xô lệch bên trong nhà khiến mọi khối chức năng trong nhà đều được kết nối lỏng với nhau qua các khoảng thiên nhiên, và kết nối cụ thể với môi trường bên ngoài.

Các không gian thông thoáng đảm bảo thông gió, chiếu sáng cho ngôi nhà.

Các không gian thông thoáng đảm bảo thông gió, chiếu sáng cho ngôi nhà.Một nếp gấp nhẹ được tạo ra ở phần kết thúc mái, để mái nhà quen thuộc có chút gì đó thú vị hơn, phần gấp này giúp thu gọn nước mưa về 1 phía, chảy xuống chum sành để dưới sân nhà, đáy chum có ga thoát nước. Chống đỡ mái là cột được tạo hình như thân cây đỡ lấy ngôi nhà.

Không gian thoáng đãng của phòng khách.
Phòng ngủ tối giản với điểm nhấn là đường nét của giường tròn.
“Yên”

Hệ cửa linh hoạt có thể mở thoáng về mùa hè, đóng kín chắn gió về mùa đông mà vẫn đảm bảo góc nhìn lãng mạn ra vườn và đủ sáng. Tất cả các phòng hoàn toàn không cần bật đèn vào ban ngày, đảm bảo có thể học tập và làm việc được (tính toán theo tiêu chuẩn BREEAM) .


Ngôi nhà được lựa chọn các giải pháp thiết kế để bền bỉ và ít yêu cầu bảo trì liên tục, thể hiện giá trị đồng tiền được sử dụng trong thời gian lâu dài, đảm bảo rằng dự án này là một đóng góp có trách nhiệm và bền vững.

Về vật liệu, ngôi nhà sử dụng vật liệu hướng đến 2 mục tiêu:

Chất cảm về vật liệu trong và ngoài nhà.

Các vật liệu thân thiện môi trường, như: Đá cuội nhốt trong rọ- không có chất kết dính, đá chẻ slate, đá ong chẻ, bê tông xốp, thép, sơn không chứa VOC, kính hộp. Trong quá trình vận hành ngôi nhà, hoàn toàn không sử dụng nguyên liệu hóa thạch (fossil fuel depletion), tiết kiệm nước qua các thiết bị nước hiện đại hay tái sử dụng nước mưa để tưới cây.

Nổi bật là thủ pháp sử dụng ngói để ốp tường.

Các vật liệu và tạo hình mang dáng dấp truyền thống, để gợi nhắc về ngôi nhà đồng bằng Bắc Bộ. Hệ cửa lam gỗ sọc dọc, với độ cao tương đồng với bậu cửa trong nhà truyền thống, các chi tiết chốt cửa cổ điển. Ngói mũi hài, gạch ốp từ làng Bát Tràng, gạch ốp bếp mang họa tiết hoa sen thời Lý.   

Xem thêm: 

© Tạp chí Kiến trúc

The post Nhà của Mẹ – Nơi an yên để trở về appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.