Sân bay Quốc tế Kempegowda Bengaluru tại Ấn Độ để lại ấn tượng với du khách là một không gian kiến trúc bản địa nhưng vô cùng hiện đại và độc đáo. Công trình đã nhận về các chứng nhận công trình bền vững, công trình xanh của thế giới.
Tọa lạc tại một trong những thành phố lớn nhất đất nước, Nhà ga số 2 tại Sân bay Quốc tế Kempegowda Bengaluru (Sân bay BLR) bang Karnataka ở miền nam Ấn Độ rộng 255.000 m2 nhấn mạnh tính lịch sử và văn hóa lâu đời của thành phố . Trong tương lai, Sân bay BLR sẽ trở thành một trong những sân bay hàng đầu thế giới với lượng hành khách hàng năm tăng lên đến 25 triệu người.
Nhà ga tạo ra trải nghiệm sân bay hoàn toàn khác biệt cho hành khách. Một trung tâm trung chuyển đa phương tiện mới với khoảng không gian ngoại thất có vai trò là trung tâm mua sắm kết hợp tổ chức sự kiện ngay trước nhà ga. Từ khu phức hợp đến các cổng nhà ga là hành lang dài có sự kết hợp của không gian kiến trúc và thiên nhiên. Xuyên suốt khu phức hợp, cây trồng nội thất và những khu vườn ngoại thất cùng vật liệu tự nhiên phong phú mang lại trải nghiệm gắn liền với thiên nhiên trong hành trình của du khách.
Bengaluru được biết đến là “thành phố vườn” , do vậy Công ty Kiến trúc Cảnh quan Quốc tế Grant Associates cùng các nhà thiết kế Abu Jani và Sandeep Khosla đã tạo nên một “nhà ga trong vườn” , bao gồm các tòa nhà liên kết với nhau bằng hệ thống không gian cảnh quan ngoài trời với sự kết hợp hài hòa giữa vật liệu gạch, tre và kính.
Trước cảnh quan đa dạng hiện hữu khung cảnh thành phố Karnataka tại nhà ga, du khách đến và đi sẽ có những kỷ niệm khó quên. Thiết kế đã ứng dụng lại ngôn ngữ kiến trúc của các sân bay trên thế giới. Hệ thống 11 cổng sân bay được thiết kế tách biệt với khối chính công trình ( bao gồm check-in, trạm kiểm tra an ninh,khu nhận hành lý và các gian hàng bán lẻ). Và hai không gian này được kết nối bởi một “vành đai rừng” bên ngoài lớn.
Khu cảnh quan này chủ yếu gồm hệ thực vật bản địa, những con đường uốn khúc cùng với các pavillon hai tầng được lợp bằng tre lấy cảm hứng từ nghề dệt mây/trúc truyền thống của Ấn Độ. Trái với sự nhộn nhịp của một sân bay quốc tế thường có mạng lưới cầu và lối đi bộ ngoài trời tại đây lại mang đến sự yên tĩnh cho hành khách.
Nội thất của Nhà ga số 2 mang vẻ đẹp tự nhiên của “vành đai rừng”. Một loạt các chậu cây treo và mạng lưới tre tinh xảo dưới cửa sổ trần làm cho các không gian này đa dạng và cảm xúc. Khác với cấu trúc uốn cong thông thường của các sân bay, Nhà ga có cấu trúc dạng trực giao ( cấu trúc phẳng vuông góc ), mỗi cột của nhà ga gồm bốn thanh thép lớn bọc tre liên kết vào hệ thống lưới tre trần với sàn mang đến cảm giác đồng nhất, đồng thời tối ưu hiệu quả chiếu sáng tự nhiên cho không gian trong nhà ga. Đồ nội thất được bọc bằng mây dệt truyền thống và ốp đá granite màu nâu ngà có nguồn gốc địa phương mang lại cho nhà ga cảm giác ấm áp và thoải mái (thường thiếu ở các công trình cơ sở hạ tầng công cộng lớn).
Tại khu vực bán lẻ, thác nước trong nhà lấy cảm hứng từ những tảng đá và đường thủy ở Karnataka trở thành điểm nhấn cho không gian cũng như đóng vai trò làm mát, giảm nhiệt độ trong nhà ga.
Hệ thống kết cấu của Nhà ga 2 được thiết kế với hai mục tiêu chính: đạt được tính bền vững thông qua hiệu quả kết cấu và tính kinh tế thông qua sự linh hoạt. Kết quả đây là một trong những mái che nhẹ nhất trên thế giới ở quy mô này, được chế tạo hoàn toàn từ nguyên liệu sản xuất trong nước và xây dựng bằng công nghệ xây dựng địa phương. Mái che phía trên khu vực check-in và cửa hàng bán lẻ có khung thép chịu lực với khoảng cách giữa các cột thép là 18 mét. Vì ngành công nghiệp hàng không là một lĩnh vực liên tục phát triển, tính đồng đều của lưới cột cũng cho phép tối đa hóa sự linh hoạt để điều chỉnh theo thời gian.
Đóng vai trò là trung tâm trung chuyển đa phương tiện, khu vực phía trước của Nhà ga số 2 có diện tích 123.000m2 sẽ phục vụ như một trung tâm kết nối cho toàn bộ sân bay. Khu vực này có hình chữ “T”, với hai tầng, tầng một có bãi đậu xe, dịch vụ taxi và khu vực đi chung xe dọc theo các con đường dẫn vào ga, và ở tầng dưới với một ga tàu điện ngầm và trạm xe buýt, tất cả được đặt giữa trung tâm của sân bay.
Từ trung tâm trung chuyển đến Nhà ga số 2 ở phía đông, Nhà ga số 1 ở phía tây bắc và khách sạn sân bay ở phía đông nam, được kết nối với nhau bằng đường giao thông chính giúp rút ngắn khoảng cách và hành khách hoàn toàn có thể đi bộ để trải nghiệm các không gian.
Hình dạng chữ nhật của trung tâm trung chuyển và Nhà ga số 2 tạo nên việc sử dụng diện tích tối ưu, cho phép đậu máy bay linh hoạt do tính đồng nhất giữa các cổng và tính mô-đun trong xây dựng nhà ga. Tất cả các cổng của nhà ga sẽ được trang bị khả năng “quay”, linh hoạt tiếp đón một máy bay thân dài từ các chuyến bay quốc tế hoặc hai máy bay thân ngắn từ các chuyến bay nội địa. Do mặt bằng có tính linh hoạt này, các cổng sẽ hiếm đứng yên trong thời gian dài và đảm bảo sự thích ứng trong tương lai của sân bay khi các loại máy bay tiếp tục phát triển.
Tính bền vững và an toàn là những yếu tố quan trọng được xem xét kỹ lưỡng ở mỗi giai đoạn của quá trình thiết kế. T2 được chứng nhận trước đó là một tòa nhà LEED Platinum bởi USGBC (Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ), trước khi bắt đầu hoạt động.
Bên cạnh đó, nhà ga cũng đã nhận được chứng nhận Bạch kim của IGBC (Hội đồng Công trình Xanh Ấn Độ) cho kiến trúc và thiết kế bền vững. Các khu vực ngoại thất rộng lớn của tòa nhà được thiết kế nhằm tối đa hóa sức khỏe trước đại dịch Covid-19; ngày nay, sự khôn ngoan trong việc tích hợp không gian ngoài vào nhà ga sân bay và trung tâm giao thông hàng không càng trở nên rõ ràng hơn.
Ngoài những đặc điểm có thể nhìn thấy này, nhà ga còn sử dụng nhiều đổi mới bền vững phức tạp, bao gồm cả hệ thống che nắng năng lượng mặt trời và hệ thống xây dựng thông minh, cũng như vật liệu tái tạo. Nhà ga sẽ hoạt động hoàn toàn trên năng lượng tái tạo,cũng sẽ thu giữ, xử lý và tái sử dụng nước mưa từ khắp sân bay, đồng thời việc trồng cây nội thất và vườn ngoại thất được thiết kế vừa đủ sử dụng lượng nước được thu hoạch tại chỗ. Trung tâm trung chuyển giúp giảm bớt ùn tắc giao thông và hạn chế ô nhiễm, đồng thời tính linh hoạt của các cổng sẽ bảo vệ nhà ga khỏi tình trạng lạc hậu và cho phép nó phát triển như một điểm đến du lịch quốc tế có triển vọng trong tương lai.
Xem thêm:
Khánh Hòa – TCKT
Biên dịch từ Archdaily
The post Sân bay Quốc tế Kempegowda Bengaluru – Mang “thành phố vườn” vào trong sân bay appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
Nhận xét