Trong quá trình phát triển đời sống văn hóa kiến trúc, phong cách đồ đạc nội thất Việt Nam dường như chưa bao giờ được nghiên cứu và phân tích một cách kỹ lưỡng. Chính vì thế, tài liệu về lĩnh vực này còn rất hạn chế và thiếu tính hệ thống. Phần lớn chúng ta chỉ có thể tìm thấy hình ảnh đồ nội thất qua các công trình cổ hoặc nhà ở dân gian. Đồ nội thất Việt Nam, nhìn chung, bị ảnh hưởng nặng nề bởi văn hóa ngoại nhập như Trung Quốc, Pháp… Tuy nhiên, vẫn tồn tại những món đồ nội thất dân gian mang đậm bản sắc Việt như chõng tre, ghế đẩu, phản, trường kỷ, chiếu, và chạn… Những vật dụng này không chỉ sở hữu vẻ đẹp độc đáo mà còn rất tiện dụng, phản ánh sâu sắc đời sống và văn hóa của người Việt. Đáng tiếc thay, giá trị của chúng chưa được nghiên cứu và phát huy một cách đầy đủ, để chúng có thể tỏa sáng và được công nhận. Và đã đến lúc, chúng ta cần bàn luận nhiều hơn về “Phong cách đồ nội thất Việt”.
Theo tôi, phát huy văn hóa và truyền thống Việt trong thiết kế đồ nội thất đương đại là một nhiệm vụ quan trọng và đầy ý nghĩa. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc giữ gìn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống không chỉ góp phần bảo tồn bản sắc dân tộc mà còn tạo ra những dấu ấn riêng biệt trên thị trường quốc tế. Sự kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại trong thiết kế đồ nội thất mang lại những sản phẩm độc đáo, vừa đẹp mắt vừa mang nét đẹp văn hóa. Các món đồ nội thất không chỉ có giá trị về mặt thẩm mỹ mà còn chứa đựng giá trị tinh thần sâu sắc, kết nối con người với cội nguồn văn hóa của mình. Bên cạnh đó, sự phát huy truyền thống trong thiết kế cũng là nguồn cảm hứng cho sự sáng tạo và đổi mới, giúp tạo ra những sản phẩm có tính ứng dụng cao, thẩm mỹ và nhân văn. Nhưng trên hết, nó là tình yêu, là trách nhiệm của những nhà thiết kế Việt đối với giá trị văn hóa của mình.
Từ 2020, SEMA Design Center xuất phát điểm là một văn phòng thiết kế đồ nội thất trẻ, đã luôn chăn trở về việc đưa các giá trị văn hóa Việt vào thiết kế của mình. Chúng tôi bắt đầu với ghế Nam Phương công bố năm 2021. Hành trình đó đến nay đã được 4 năm, đã đánh một dấu mốc cho hành trình thực hành thiết kế của mình bằng việc ra mắt thương hiệu đồ nội thất cảm hứng từ văn hóa Việt với tên gọi VIỆT KIA cùng với đó là 4 concept thiết kế đã hoàn thiện:
Ghế Nam Phương – Queenchair
Được truyền cảm hứng từ những chiếc ghế cung đình triều Nguyễn do Hoàng hậu Nam Phương cùng phẩm hạnh, cốt cách cao quý của bà, ghế Nam Phương – Queenchair không chỉ mang đến sự uy nghi với hình dáng đối xứng tinh tế, mà còn kết hợp với nét đẹp đương đại qua thiết kế tối giản. Về mặt tạo hình, ghế Nam Phương là sự kết hợp giữa ngôn ngữ thiết kế vuông – tròn, thể hiện tinh thần giao thoa giữa Tây và Ta, giữa sự uy nghi của bậc đế vương với sự duyên dáng của một người phụ nữ Việt. Về chất liệu, ghế được sản xuất tỉ mỉ với chất liệu sơn mài cùng các chi tiết dát vàng, thể hiện được giá trị thủ công và tay nghề tinh xảo của nghệ nhân Việt.
Chõng – Chong Daybed
Lấy cảm hứng từ chiếc chõng tre, phổ biến tại các làng quê và nhà ở dân gian Việt Nam, Chõng – Chong daybed là một chiếc giường nghỉ đa năng thích hợp nhiều hoạt động có thể diễn ra như: ngồi, chơi, nằm… Chõng với thiết kế tỉ lệ dung dị và gần gũi, mang tới cảm giác thân thuộc. Ngôn ngữ thiết kế của chõng được tạo bởi các thanh gỗ trụ tròn, tiếp xúc với nhau nhằm mô phỏng tinh thần và cấu trúc liên kết của vật liệu tre. Ngoài ra, thiết kế Chõng được cấu thành bởi 20 cấu kiện rời độc lập, được tháo lắp giúp thuận thiện lắp đặt và vận chuyển đi xa, đây là một thiết kế mang tính bền vững.
Ghế Hoàng Bào – Kingchair
Lấy cảm hứng từ Hoàng bào – trang phục cao quý của các vị vua thời phong kiến, Kingchair mang đến sự uy nghi, vững chắc của cốt cách đế vương nhưng cũng rất hiện đại qua ngôn nhữ tạo hình tối giản. Khác với nét mềm mại của Queenchair, Kingchair được tạo hình bởi các đường thẳng, hình vuông, tạo sự khỏe khoắn, mạnh mẽ. Các đường nét thiết kế cô đọng, khúc triết nhưng đủ để gợi tả về tinh thần và form dáng của những chiếc Hoàng Bào: Lưng ghế tạo hình chia thành 4 diện, biểu hiện tạo hình của 4 thân áo (áo tứ thân), phía trên lưng tựa nghiêng gợi tả phần cổ áo, tay ghế với đai kim loại gợi tả đai lưng trong trang phục… Đặc biệt, phần tay vịn của ghế có phần đầu hướng lên trên, gợi tả về một chiếc ngai vàng với đầu rồng ở phía trước. Tương đồng concept với ghế Nam Phương, ghế Hoàng Bào được sản xuất bằng sơn mài, dát vàng.
Chạn – Chan board
Trong dòng chảy nghiên cứu về đời sống và không gian sống tại làng quê Việt, chúng tôi nhận thấy chạn là một đồ vật đặc biệt, thể hiện được trí tuệ, lối sống của người Việt. Chạn là một vật dụng được ứng dụng các nguyên tắc về công thái học, vi khí hậu, tạo nên một sản phẩm dân gian vô cùng độc đáo và sâu sắc. Kế thừa giá trị đó, chúng tôi bóc tách tinh thần của chiếc chạn và đưa vào đó những cách thức tiếp cận mới mẻ. Chạn có tạo hình tách khối chính phụ nhưng vẫn giữ nguyên tỉ lệ cơ bản nhất của chiếc chạn dân gian (1 phần chân, 1 phần đợt nan hở, 2 phần tủ kín). Với thiết kế này, Việt Kia muốn tôn vinh cấu trúc liên kết gỗ bằng việc sử dụng hoàn toàn bằng mộng, các cấu kiện được tháo rời. Đây cũng là định hướng thiết kế bền vững mà chúng tôi đang tìm tòi.
Quá trình nghiên cứu và thiết kế, cũng là hành trình chúng tôi đi tìm tinh thần văn hóa, và mong muốn đúc kết lại những điểm đặc trưng, làm cơ sở lý luận chung. Một số đặc điểm chung của tinh thần Việt trong tạo hình nội thất chúng tôi sử dụng trong quá trình thiết kế như: Tính trung dung, tính tùy biến, tính chiết trung, tính tầng lớp, và tính chân thực.
- Tính trung dung: Trong thiết kế nội thất Việt thể hiện qua sự cân bằng giữa các yếu tố. Các không gian nội thất thường được sắp xếp một cách hài hòa, không quá cầu kỳ nhưng vẫn mang lại cảm giác thoải mái. Điều này phản ánh nếp sống giản dị và hài hòa của người Việt, nơi mà mọi thứ được đặt vào vị trí cân bằng, tránh xa những cực đoan và phô trương không cần thiết.
- Tính tùy biến: Trong thiết kế nội thất Việt thể hiện qua khả năng thích nghi và biến đổi để phù hợp với nhiều hoàn cảnh và nhu cầu khác nhau. Các món đồ nội thất thường được thiết kế sao cho có thể sử dụng linh hoạt. Tính tùy biến không chỉ thể hiện sự sáng tạo mà còn là cách để tận dụng tối đa công năng của từng món đồ, phù hợp với căn tính linh hoạt, tùy biến của người Việt.
- Tính chiết trung: Trong thiết kế nội thất Việt thể hiện qua sự kết hợp hài hòa giữa nhiều phong cách và yếu tố khác nhau, từ truyền thống đến hiện đại, từ đơn giản đến phức tạp. Sự chiết trung này phản ánh sự mở rộng và tiếp thu những ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài, đồng thời giữ vững được những giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên một bản sắc riêng độc đáo.
- Tính tầng lớp: Trong thiết kế nội thất Việt thể hiện qua việc sử dụng nhiều lớp không gian và vật liệu khác nhau. Các hoạt động được diễn ra tuần tự và được tổ chức một cách có tính toán, có thể thấy đặc điểm này trong việc tổ chức không gian kiến trúc: Sân, hiên, gian nhà, cái dại…Chúng ta có thể thấy tính tầng lớp trong tiếng Việt cũng có nhiều ngữ nghĩa khác nhau trong 1 câu chữ. Việc đa lớp được sử dụng nhưng theo một cách rất tự nhiên và chân thực, thể hiện sự tinh tế, tính lớp lang rất Việt.
- Tính chân thực: Trong thiết kế nội thất Việt được thể hiện qua việc sử dụng các vật liệu tự nhiên như gỗ, tre, và mây, cùng với những kỹ thuật thủ công truyền thống. Hay là công năng sử dụng của một vật dụng theo một cách đơn giản nhất, bộc lộ một cách rõ ràng và dễ nhận biết.
Phát huy giá trị văn hóa của một quốc gia bắt nguồn từ những nhà thiết kế sáng tạo, những người không ngừng tìm kiếm sự hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Con đường khôi phục và duy trì giá trị văn hóa là một hành trình dài, đòi hỏi sự nỗ lực và cộng hưởng từ tất cả mọi người. Chúng tôi hy vọng rằng, những sản phẩm và thiết kế của mình góp phần tiếp nối, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa Việt trong bối cảnh đương đại, để cùng nhau bảo tồn và phát triển những giá trị văn hóa của dân tộc, tạo nên những dấu ấn riêng biệt và tự hào Việt trên bản đồ thế giới.
KTS Nguyễn Phương Chi
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 5-2024)
Nhận xét