Sau hơn 20 năm phát triển các khu công nghiệp (KCN), Hà Nội hiện có 9 KCN đã thành lập, đang hoạt động hoàn chỉnh với tổng diện tích hơn 1600 ha. Trong đó, mới chỉ có 3 KCN có Nhà ở công nhân (NOCN), gồm 5 dự án nhà ở đã và đang tiến hành xây dựng (một phần đã đưa vào khai thác sử dụng). Các khu nhà ở này được xây dựng với quy mô, mô hình đầu tư khác nhau, do đó cấu trúc và đặc điểm khu ở cũng có nhiều điểm khác biệt. Với định hướng tiếp tục xây dựng mới và mở rộng các KCN tại Hà Nội, kèm theo đó là nhu cầu phát triển NOCN tại các KCN này, việc nghiên cứu, đánh giá các khu NOCN đã xây dựng là việc làm cần thiết. Bài viết tập trung đánh giá về thực trạng kiến trúc cảnh quan và kiến trúc công trình các khu NOCN tại Hà Nội, từ đó nêu ra các điểm sáng cũng như vấn đề còn hạn chế tại các khu nhà ở này, rút ra một số bài học kinh nghiệm trong việc phát triển các dự án NOCN trong tương lai.
Đặt vấn đề
Sau 17 năm kể từ khi dự án NOCN đầu tiên ở Hà Nội được bàn giao và đi vào sử dụng, tính đến nay, Hà Nội mới chỉ có 5 dự án NOCN đã và đang tiến hành xây dựng tại 3 KCN, cung cấp khoảng 16000 chỗ ở cho người lao động, gồm: Khu nhà ở thí điểm cho công nhân Kim Chung; khu NOCN và thu nhập thấp thuộc Khu đô thị mới Kim Chung; khu NOCN KCN Phú Nghĩa; khu NOCN công ty TNHH điện tử Meiko; khu NOCN công ty TNHH Young Fast.
i) Khu nhà ở thí điểm cho công nhân Kim Chung là mô hình NOCN đầu tiên được xây dựng đồng bộ và hoàn chỉnh, với quy mô tương đương đơn vị ở tại Hà Nội với vốn ngân sách Nhà nước. 28 đơn nguyên ở lần lượt được đưa vào sử dụng từ 2007, cung cấp 11520 chỗ ở cho công nhân làm việc tại KCN Bắc Thăng Long và một số KCN lân cận. Theo thiết kế ban đầu, khu nhà ở phục vụ đối tượng thuê nhà là công nhân độc thân. Trong quá trình sử dụng, để phù hợp với nhu cầu thực tế, TP Hà Nội đã mở rộng đối tượng thuê nhà gồm công nhân độc thân, hộ gia đình công nhân, học viên học nghề.
ii) Khu NOCN và thu nhập thấp thuộc khu đô thị mới Kim Chung (nằm gần khu nhà ở thí điểm cho công nhân Kim Chung), có tổng diện tích 5.1ha, gồm 4 tòa, chia 2 phân khu CT3, CT4 với số lượng chỗ ở toàn dự án dự kiến là 6850. Hiện nay, dự án đã hoàn thiện phân khu CT4 với 1 tòa nhà 12 tầng (chia 3 khối A, B, C), với đầy đủ các không gian dịch vụ xã hội. Các căn hộ ở chia làm 3 loại: Căn thương mại để bán, căn nhà ở xã hội bán, căn cho thuê. Đây là mô hình nhà ở xã hội do doanh nghiệp đầu tư xây dựng theo dự án bằng nguồn vốn ngoài ngân sách để bán, cho thuê, cho thuê mua cho các đối tượng được Nhà nước hỗ trợ.
iii) Khu NOCN nằm trong KCN Phú Nghĩa do doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng KCN đầu tư xây dựng. Theo quy hoạch dự kiến, khu ở này có quy mô rộng 3.97ha, gồm các ô đất xây dựng nhà ở chung cư thấp tầng, nhà trẻ, đất hội trường, thương mại, đất cây xanh; trong đó ô đất xây dựng chung cư thấp tầng dự kiến xây 10 đơn nguyên 6 tầng, đáp ứng khoảng 7900 chỗ ở cho công nhân KCN. Hiện tại, dự án mới triển khai 1 đơn nguyên ở 6 tầng.
iv) Khu NOCN công ty TNHH Điện tử Meiko và khu NOCN công ty TNHH Young Fast đều là các dự án do doanh nghiệp công nghiệp đầu tư xây dựng để phục vụ nhu cầu sử dụng của người lao động trong công ty. Các dự án được điều chỉnh quy hoạch KCN để bổ sung quỹ nhà ở (dạng ký túc xá) cho công nhân trong khu đất xí nghiệp công nghiệp thuộc KCN Thạch Thất – Quốc Oai. Trong đó, khu NOCN công ty TNHH điện tử Meiko có quy mô đất 2.07ha, dự kiến gồm 3 tòa ký túc xá (KTX) 6 tầng. Hiện nay, dự án đã xây dựng được 2 tòa nhà 6 tầng. Khu NOCN công ty TNHH Young Fast có quy mô đất 0.44ha, gồm 1 tòa KTX 6 tầng. Các tòa KTX do doanh nghiệp đầu tư xây dựng chỉ dành cho các đối tượng công nhân độc thân hoặc công nhân không ở cùng gia đình.
Dựa vào các số liệu tổng hợp trên, có thể thấy số lượng và quy mô các khu NOCN phục vụ KCN tại Hà Nội còn rất hạn chế, mới chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu về NOCN. Phần đông công nhân vẫn sống trong các khu nhà trọ xây dựng tự phát, với điều kiện sống tạm bợ. Định hướng phát triển các KCN trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2045 theo Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, dự kiến phát triển thêm khoảng 4000ha (bao gồm 13 KCN xây dựng mới và hơn 500 ha mở rộng). Đi cùng với sự phát triển này, là nhu cầu bức thiết trong việc xây dựng các khu NOCN phục vụ KCN tại Hà Nội. TP Hà Nội cũng đặt kế hoạch đến năm 2030, tất cả khu công nghiệp, khu chế xuất của TP đều có khu nhà ở xã hội phục vụ công nhân, người lao động.
Vì vậy, việc đánh giá thực trạng các khu NOCN đang hoạt động là rất cần thiết. Bài viết này với mục đích tổng hợp thực trạng kiến trúc cảnh quan và kiến trúc công trình các khu NOCN tại Hà Nội, đánh giá thực trạng thông qua các nhóm tiêu chí với các tiêu chí đánh giá cụ thể, nhằm làm rõ các vấn đề còn tồn tại trong việc thiết kế kiến trúc các khu NOCN. Từ đó, rút ra các bài học kinh nghiệm trong việc thiết kế các dự án NOCN phục vụ KCN tại Hà Nội trong tương lai.
Thực trạng về kiến trúc cảnh quan và kiến trúc công trình các khu NOCN tại Hà Nội
1. Dự án Khu nhà ở thí điểm cho công nhân Kim Chung
a. Kiến trúc cảnh quan
Khu nhà ở có mật độ xây dựng toàn khu thấp, diện tích cây xanh lớn, phong phú về chủng loại với sự phát triển sinh thái lâu năm. Các loại cây bóng mát có độ phủ tán tốt, phân tầng, nhiều chủng loại. Tuy cây xanh phân bố ở các ô đất không đồng đều, một số ô đất thiếu cây xanh cho bóng mát. Mặc dù các ô đất xây dựng nhà ở đều có phần diện tích sân bãi khá rộng, tuy nhiên chưa được đầu tư cơ sở vật chất, thiếu các thiết bị thể dục thể thao (TDTT) ngoài trời, thiết bị chơi, sân chơi cho con em công nhân. Chất lượng vỉa hè, bậc tam cấp, bồn cây ở nhiều khu vực có dấu hiệu xuống cấp, bị nứt, vỡ, rêu bám… Các tiện ích như ghế đá, thùng rác, đèn sân vườn trong khu nhà ở cũng chưa được chú trọng.
b. Kiến trúc công trình
Tổng thể toàn khu nhà ở chia 2 loại: Đơn nguyên phòng khép kín và đơn nguyên phòng không khép kín. Với các đơn nguyên không khép kín, các phòng ở trên một tầng sẽ sử dụng chung các không gian vệ sinh, bếp và nhà ăn. Vì là khu nhà ở thí điểm, các đơn nguyên được thiết kế đa dạng về mẫu phòng ở, xong nhiều mẫu phòng chưa hợp lý trong việc bố trí số lượng người ở, diện tích, cũng như sắp xếp không gian chính – phụ… So với chỉ tiêu số người/phòng theo thiết kế, số lượng công nhân ở thực tế ít hơn nhiều. Các phòng có thiết kế số lượng người/phòng lớn nhưng diện tích khu bếp và vệ sinh nhỏ, gây bất tiện cho công nhân trong quá trình sử dụng. Các đơn nguyên thiết kế phòng không khép kín cũng cho thấy nhiều bất cập, và không được công nhân ưa thích. Nhiều phòng theo thiết kế ban đầu dành cho người lao động độc thân, sau chuyển sang cho hộ gia đình thuê, nên cấu trúc phòng còn chưa phù hợp với sinh hoạt của hộ gia đình. Ở các đơn nguyên cho doanh nghiệp thuê lại để công nhân công ty sử dụng, do phát sinh các nhu cầu mới mà một số phòng ở cũng thay đổi chức năng. Các không gian sinh hoạt cộng đồng của các đơn nguyên ở chưa được chú trọng đầu tư về cơ sở vật chất, sử dụng không đúng mục đích. Do được xây dựng đã lâu, chất lượng nhiều phòng ở, cũng như hệ thống kỹ thuật nhiều tòa nhà bị xuống cấp.
2. Dự án Khu NOCN và thu nhập thấp thuộc khu đô thị mới Kim Chung
a. Kiến trúc cảnh quan
Khu nhà ở được thiết kế với kiến trúc cảnh quan tốt, đồng bộ, cây xanh chia các tầng bậc với các chủng loại đa dạng, sinh động. Tuy nhiên, diện tích cây xanh khu ở không nhiều, cây bóng mát mới được trồng, nên chưa có độ phủ tán tốt. Phần sân trong có các khu vực sân đa năng tổ chức sự kiện của khu dân cư, có các thiết bị tập TDTT và một số các thiết bị chơi ngoài trời cho trẻ em. Do mới đưa vào hoạt động, nên các trang thiết bị cảnh quan và chiếu sáng đều ở tình trạng sử dụng tốt.
b. Kiến trúc công trình
Các khối của tòa nhà được bố trí theo chu vi khu đất, để tối ưu hóa được diện tích đất xây dựng, tạo khu vực sân trong giữa các khối nhà. Do đó, ở tầng điển hình, số căn hộ ở hướng bất lợi chiếm ~50% tổng số căn hộ. Các tầng từ 2 – 12 của tòa nhà là không gian ở, thiết kế mặt bằng dạng hành lang giữa, có một số vị trí bố trí túi lấy sáng cho hành lang dài kết nối 3 khối nhà. Riêng tầng 5 có thiết kế thêm không gian sân vườn chung ở cuối các hành lang. Các căn hộ từ 2-3 phòng ngủ, với diện tích căn hộ nhỏ, chỉ từ 50m2-64.3m2, mặt bằng thiết kế tối ưu hóa diện tích, thiết kế phù hợp với hộ gia đình, các không gian ở chính đều lấy được ánh sáng tự nhiên. Mặt đứng tòa nhà có hình thức hiện đại, các khối cao thấp, sơn các màu sắc khác nhau tạo điểm nhấn.
3. Dự án Khu NOCN KCN Phú Nghĩa
a. Kiến trúc cảnh quan
Toàn khu ở có mật độ cây xanh lớn, độ phủ tán rộng, được sử dụng chung cây xanh, mặt nước, đất vườn hoa, hồ điều hòa thuộc phần đất dịch vụ của KCN Phú Nghĩa. Hệ thống cây bóng mát lâu năm và cây bụi phong phú về chủng loại, tạo không gian sống trong lành cho người lao động. Trong khuôn viên đơn nguyên ở có bố trí các thiết bị phục vụ TDTT, tuy nhiên còn sơ sài và chưa được chú trọng. Hệ thống sân vườn đường dạo được tổ chức bên cạnh đơn nguyên, với sân chơi có các thiết bị chơi ngoài trời cho trẻ em, nhưng đã xuống cấp và ít được sử dụng.
b. Kiến trúc công trình
Đơn nguyên 6 tầng cung cấp các phòng ở khép kín (có khu bếp và vệ sinh trong nhà). Diện tích các phòng ở từ 32 – 35m2/phòng, với số lượng người/phòng theo thiết kế là 6 người. Thực tế, số lượng người/phòng ở trung bình từ 2-5 người, có thể là hộ gia đình công nhân, hoặc người lao động độc thân. Mặt bằng phòng ở gồm không gian ngủ kết hợp phòng khách, ăn ở về phía hành lang gần cửa căn hộ. Khu bếp, vệ sinh đặt gần ban công, ở phía mặt thoáng. Do đó, không gian ở chính có chất lượng chiếu sáng tự nhiên thấp, thông gió hạn chế. Trên thực tế, thiết kế mặt bằng này không phù hợp với hộ gia đình công nhân. Do được xây dựng đã lâu, nên chất lượng nhiều phòng ở, các không gian kỹ thuật tòa nhà xuống cấp.
4. Dự án Khu NOCN công ty TNHH Điện tử Meiko và Khu NOCN công ty TNHH Young Fast
a. Kiến trúc cảnh quan
Kiến trúc cảnh quan trong cả hai khu ở chưa được chú trọng. Do quy mô dự án nhỏ, chỉ tập trung quỹ đất cho việc xây dựng nhà ở, nên diện tích trồng cây xanh, sân bãi trong các dự án này rất hạn chế. Cây xanh bóng mát, cây bụi được trồng khá ít, và không đa dạng về chủng loại. Ở dự án NOCN Young Fast, thực trạng kiến trúc cảnh quan khá nghèo nàn, trong khuôn viên khu ở không có cây xanh, không có các trang thiết bị chiếu sáng, trang thiết bị cảnh quan như ghế đá, sân TDTT…cho người lao động.
b. Kiến trúc công trình
KTX cho công nhân Meiko được thiết kế theo dạng hành lang bên chạy xung quanh, ở giữa tòa nhà là ô thông tầng, lấy sáng cho phía sau các phòng (ban công phơi đồ). Tầng 1 của các KTX là các không gian công cộng được thiết kế tốt như cụm căng tin – bếp – ăn cho chuyên gia và công nhân, các phòng đa năng, thư viện, phòng y tế, khu giặt là. Các phòng ở chia 2 dạng: Phòng khép kín cho chuyên gia, và phòng không khép kín cho công nhân. Mỗi tầng đều có khu vệ sinh chung, và giặt chung của tầng. Các phòng ở có diện tích 34m2/phòng, với số lượng ở thực tế từ 4-6 người/phòng. Các phòng ở lấy sáng gián tiếp từ hai phía: Hành lang (cửa vào phòng và cửa sổ) và ban công phía ô thông tầng. Thiết kế mặt bằng phòng ở mang tính kiểm soát, thiếu riêng tư. Chất lượng các không gian công cộng phục vụ công nhân của tòa nhà tương đối tốt.
KTX Youngfast có mặt bằng khối ở dạng tam giác vuông, ở giữa tòa nhà là sân trong, lấy sáng cho các hành lang bên. Các không gian công cộng trong các tòa nhà chủ yếu tập trung ở tầng 1, với các không gian như hội trường, bếp, phòng ăn chung, các phòng đa năng. Hiện tại, số lượng người lao động ở trong KTX khá ít (do giá thuê phòng ở khá cao, không phù hợp với đa số người lao động), các không gian công cộng cũng ít được sử dụng. Các phòng ở dạng khép kín có vệ sinh riêng. Cấu trúc phòng ở điển hình dạng 2 phòng ở có phần loggia và vệ sinh chung, đặt về phía mặt thoáng nhà. Với cấu trúc này, không gian ngủ bên trong có chất lượng chiếu sáng tự nhiên thấp hơn, thông gió tự nhiên cũng bị hạn chế.
Đánh giá chung về thực trạng kiến trúc cảnh quan, kiến trúc công trình khu NOCN tại Hà Nội
Sau quá trình nghiên cứu, khảo sát các khu NOCN tại Hà Nội, việc đánh giá thực trạng kiến trúc cảnh quan, kiến trúc công trình các khu ở KCN được thực hiện theo 03 nhóm tiêu chí (bao gồm 15 tiêu chí cụ thể) như sau: Cấu trúc khu ở (Tính kết nối với các trung tâm lớn của đô thị; tạo môi trường sống lành mạnh cho dân cư; tính hoàn chỉnh, đồng bộ của khu nhà ở; loại hình nhà ở đa dạng); kiến trúc cảnh quan khu nhà ở (Các yếu tố cảnh quan tự nhiên; giao thông vào nhà; sân, bãi; trang thiết bị cảnh quan; trang thiết bị chiếu sáng); kiến trúc công trình nhà ở (Hướng nhà; không gian công cộng trong tòa nhà; giao thông và không gian kỹ thuật tòa nhà; diện tích, cơ cấu buồng phòng; thiết kế căn hộ; mặt đứng công trình và vật liệu). Mỗi tiêu chí đều đi kèm với các tiêu chuẩn đánh giá cụ thể, chia đánh giá thành 02 mức: Đạt – Không đạt.
Xét tổng thể 15 tiêu chí cụ thể thuộc 3 nhóm tiêu chí đánh giá kiến trúc cảnh quan và kiến trúc công trình khu ở, cả 5 khu ở đều đạt tối thiểu từ 8 đến 14 tiêu chí (tương đương 53% đến 93% đạt yêu cầu). Trong đó, Dự án Khu NOCN và thu nhập thấp xã Kim Chung là dự án đạt được nhiều tiêu chí về kiến trúc cảnh quan và kiến trúc công trình nhất (14/15 tiêu chí); tiếp đó là Dự án nhà ở thí điểm cho công nhân Kim Chung và Dự án NOCN Phú Nghĩa (10/15 tiêu chí); Dự án khu NOCN Meiko (9/15 tiêu chí); Dự án khu NOCN Youngfast còn nhiều hạn chế, đặc biệt là các nhóm tiêu chí về cấu trúc khu ở và kiến trúc cảnh quan khu nhà ở (8/15 tiêu chí). Kết quả tổng hợp đánh giá chi tiết từng tiêu chí ở các khu nhà ở, xem bảng dưới đây.
1. Về cấu trúc các khu nhà ở
Hai dự án NOCN nằm ở Kim Chung đều đạt 4/4 tiêu chí đánh giá: Tính kết nối với trung tâm lớn của đô thị; diện tích cây xanh tập trung đảm bảo tạo môi trường sống lành mạnh cho dân cư, tính đồng bộ và hoàn chỉnh của khu nhà ở, cũng như sự đa dạng trong loại hình nhà ở (cung cấp nhiều loại hình nhà ở cho các đối tượng sử dụng khác nhau). Trong đó, Dự án NOCN và thu nhập thấp khu đô thị Kim Chung, do có vị trí ngay gần dự án nhà ở thí điểm cho công nhân Kim Chung, nên được sử dụng chung các không gian xanh và chức năng hạ tầng xã hội sẵn có của khu nhà ở thí điểm.
Dự án NOCN KCN Phú Nghĩa, có quy hoạch đầy đủ các chức năng hạ tầng xã hội, tuy nhiên các chức năng này chưa được triển khai. Dự án cũng mới chỉ xây dựng 1 trong tổng số 10 đơn nguyên ở. Xét về nhóm tiêu chí cấu trúc khu ở, dự án NOCN KCN Phú Nghĩa còn thiếu tiêu chí về tính hoàn chỉnh và đồng bộ của khu ở.
Hai dự án nằm trong KCN Thạch Thất – Quốc Oai, được điều chỉnh từ quy hoạch KCN để bổ sung quỹ nhà ở dạng KTX nên không có tính hoàn chỉnh và đồng bộ của một đơn vị ở, với các không gian dịch vụ xã hội cần thiết. Khoảng cách nhà ở – nhà máy không đảm bảo. Loại hình nhà ở của 2 dự án trên chỉ hạn chế cho người lao động độc thân hoặc không ở cùng gia đình. Ở nhóm tiêu chí về cấu trúc khu ở, 2 dự án này chỉ đạt 1/4 tiêu chí đánh giá.
2. Về kiến trúc cảnh quan các khu nhà ở
Dự án khu NOCN và thu nhập thấp Kim Chung nhìn chung được xây dựng đồng bộ và hoàn thiện, có kiến trúc cảnh quan trong khu ở tốt, số lượng trang thiết bị đầy đủ và chất lượng đảm bảo, đạt 5/5 tiêu chí. Các dự án khu nhà ở thí điểm cho công nhân Kim Chung, và NOCN thuộc KCN Phú Nghĩa đều có sẵn các yếu tố cảnh quan tự nhiên rất tốt (hệ thống cây xanh cho bóng mát lâu năm, hồ điều hòa trong KCN, sự đa dạng về chủng loại cây…). Tuy nhiên, các dự án này đều cần được bổ sung và hoàn thiện các trang thiết bị cảnh quan, trang thiết bị chiếu sáng khu ở. Ở dự án khu nhà ở thí điểm cho công nhân Kim Chung, hệ thống sân đa năng quanh tòa nhà ở có nhiều và diện tích khá lớn, tuy nhiên chất lượng sân bãi, thềm nhà nhiều khu vực xuống cấp. Những khoảng sân này nếu được cải tạo và đầu tư thêm cơ sở vật chất, có tiềm năng để trở thành các không gian công cộng hấp dẫn phục vụ công nhân và người thân như sân thể thao, sân chơi cho trẻ em, sân vườn, đường dạo…
Hai dự án NOCN trong KCN Thạch Thất – Quốc Oai do doanh nghiệp công nghiệp đầu tư, với quy mô đất hạn chế, thiết kế đều chỉ tập trung vào đáp ứng số lượng chỗ ở, chưa chú trọng về không gian kiến trúc cảnh quan bên ngoài từ các yếu tố cảnh quan tự nhiên đến các yếu tố cảnh quan nhân tạo như sân bãi, trang thiết bị cảnh quan, trang thiết bị chiếu sáng… Dự án NOCN Meiko, và NOCN Youngfast chỉ đạt lần lượt 2/5 và 1/5 tiêu chí đánh giá trong nhóm tiêu chí về kiến trúc cảnh quan khu ở. Mặc dù diện tích khu đất hạn chế, xong các yếu tố cảnh quan trong hai khu ở này đều có thể khắc phục, bổ sung, cải thiện để phục vụ công nhân tốt hơn.
3. Về kiến trúc công trình các khu nhà ở
Trong nhóm tiêu chí về kiến trúc công trình các khu nhà ở, 2 dự án NOCN do doanh nghiệp đầu tư tại KCN Thạch Thất – Quốc Oai đều đạt 6/6 tiêu chí. Tuy nhiên, một số tiêu chí chỉ dừng ở mức đạt yêu cầu cơ bản. Cụ thể như: Thiết kế mặt đứng công trình không được chú trọng, đơn điệu, gây nhàm chán; thiết kế căn hộ mang tính kiểm soát, thiếu riêng tư (cửa sổ mở về phía hành lang…); thiếu các không gian sinh hoạt chung, không gian giao lưu, kết nối cho công nhân ở mỗi tầng nhà… Thiết kế kiến trúc công trình các dự án này chỉ tập trung vào việc cung cấp số lượng chỗ ở lớn cho người lao động, đảm bảo các trang thiết bị cần thiết trong căn hộ.
Dự án nhà ở thí điểm dành cho công nhân Kim Chung và NOCN Phú Nghĩa đều đạt 4/6 tiêu chí trong nhóm tiêu chí về kiến trúc công trình. Trong đó, quy hoạch các tòa nhà của khu ở đều khá tốt, đảm bảo số lượng căn hộ tránh hướng bất lợi chiếm trên 75%. Tuy nhiên, ở hai dự án này, tiêu chí về thiết kế căn hộ, giao thông – kỹ thuật tòa nhà còn chưa đạt yêu cầu. Việc thiết kế căn hộ ban đầu chưa được xem xét kỹ càng đến số lượng người ở, đối tượng ở, cấu trúc căn hộ dẫn đến nhiều hạn chế trong quá trình sử dụng. Thiết kế phòng ở dành cho đối tượng công nhân độc thân, sau bổ sung thêm đối tượng hộ gia đình công nhân, nên không gian sử dụng chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt. Nhiều phòng ở đã xuống cấp sau một thời gian dài sử dụng, trang thiết bị trong phòng ở sơ sài, không còn phù hợp với cuộc sống mới của người lao động trẻ. Ở dự án nhà ở thí điểm, trên thực tế, có những phòng ở diện tích lớn, nhưng các không gian chung của phòng ở như bếp ăn, vệ sinh không đáp ứng được sinh hoạt của công nhân, dẫn đến số lượng người ở thực tế chỉ bằng 1/3 so với dự kiến. Mẫu nhà ở dạng không khép kín cũng có nhiều hạn chế, gây bất tiện, thiếu riêng tư cho công nhân trong quá trình sử dụng. Phòng ở của dự án tại KCN Phú Nghĩa được thiết kế khu phụ gần ban công sáng thoáng, nên không gian ở chính có chất lượng chiếu sáng tự nhiên thấp. Không gian kỹ thuật trong tòa nhà ở cả 2 dự án này đều có nhiều dấu hiệu xuống cấp, cần được nâng cấp, bảo trì.
Trong 5 dự án, Khu NOCN và thu nhập thấp thuộc khu đô thị mới Kim Chung là khu nhà ở đạt được nhiều tiêu chí nhất trong nhóm này (5/6 tiêu chí), với các tiêu chí đạt đều ở mức khá tốt như: Thiết kế mặt bằng tầng và mặt bằng căn hộ tối ưu diện tích; thiết kế mặt đứng công trình và tổ chức các không gian công cộng trong tòa nhà. Chỉ riêng tiêu chí về hướng nhà, khu nhà ở không đạt được, do quy mô đất hạn chế, khó trong việc tổ chức các khối nhà theo hướng có lợi.
Kết luận
Qua việc tổng hợp và đánh giá thực trạng kiến trúc cảnh quan, kiến trúc công trình các khu NOCN tại các KCN ở Hà Nội, có thể hình dung bức tranh khái quát về các khu nhà ở này, từ đó rút ra một số điểm cần lưu ý trong việc thiết kế các khu NOCN trong tương lai. Thiết kế khu nhà ở phải có sự nghiên cứu một cách đầy đủ, khoa học về vị trí, quy mô dự án, các đối tượng sử dụng (công nhân trẻ độc thân, hộ gia đình công nhân, công nhân tại KCN và các KCN lân cận)… Từ đó, đưa ra các mẫu thiết kế phù hợp với điều kiện sống, lối sống, nhu cầu ở của công nhân. Thiết kế khu nhà ở phải xem xét và có tính toán kỹ lưỡng đến những thay đổi trong nhu cầu ở mới của lớp công nhân trẻ, tăng mức độ tiện nghi phòng ở (bao gồm việc tăng diện tích bình quân đầu người/phòng ở, giảm số lượng người ở/phòng ở, trang thiết bị phòng ở tiện nghi hơn, tăng tính riêng tư của công nhân trong các khu nhà ở…). Thiết kế kiến trúc mặt đứng công trình nhà ở dành cho công nhân cũng cần được chú trọng và quan tâm đúng mực. Xây dựng các khu NOCN phải đảm bảo đồng bộ về nhà ở và các không gian công cộng, dịch vụ xã hội trong khu ở. Cần quan tâm hơn nữa trong việc thiết kế và đầu tư cơ sở vật chất cho các không gian xanh, sân vườn, đường dạo, sân tập thể thao cho công nhân, sân vui chơi, giải trí, nơi học tập cho con em công nhân, các không gian gắn kết cộng đồng, không gian học tập nâng cao kiến thức cho công nhân…, từ đó góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động trong các KCN.
Nguyễn Thùy Trang, Lê Lan Hương
Nguyễn Cao Lãnh, Nguyễn Thị Vân Hương
Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 5-2024)
Ghi chú:
Nội dung nghiên cứu thuộc Đề tài khoa học cấp TP: “Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp xây dựng khu ở phục vụ các Khu công nghiệp và chế xuất trên địa bàn TP Hà Nội” (Mã số: CT05/03-2022-2)
Tài liệu tham khảo
1. https://ift.tt/kiaqSlK;
2.https://ift.tt/lFEHdWg;
3. https://ift.tt/uLltGow;
4. Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, tháng 12/2023 – Thuyết minh (tài liệu phục vụ lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức và đại diện cộng đồng dân cư);
5. Các tài liệu khảo sát thực tế các khu nhà ở phục vụ KCN&CX tại Kim Chung, Phú Nghĩa, Meiko, Youngfast do nhóm nghiên cứu tiến hành vào tháng 7/2023.
Nhận xét